Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

29/06/2021

Cuộc xâm chiếm bằng tên gọi của Trung Quốc trên Biển Đông

Trần Công Trục

Sau khi dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa, Trung Quốc dùng nhiều biện pháp trong đó có việc đặt, đổi tên các thực thể nhằm hợp thức hóa hành vi chiếm đóng trái luật pháp quốc tế của mình.

biendong1

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép

Theo Tân Hoa Xã dẫn thông tin từ Sở Quy hoạch và Phát triển đô thị nông thôn tỉnh Hải Nam, Trung Quốc thực hiện dự án gắn thẻ tên có quy mô bao trùm các loài thực vật trên hơn 10 đảo và rạn san hô trong quần đảo Hoàng Sa, bao gồm đảo Duy Mộng, đảo Cây, và đảo Hữu Nhật.

Việc đặt, sửa đổi, bổ sung các tên gọi cho các thực thể địa lý và các loài động thực vật đang tồn tại ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là một việc làm được Trung Quốc tổ chức thực hiện nhiều lần kể từ khi họ sử dụng vũ lực để xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa vào những thời điểm khác nhau.

Cùng với nhiều hoạt động khác, đây là việc làm của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cũng như đối với hầu hết Biển Đông theo yêu sách đường "lưỡi bò" phi lý. Đây cũng được coi là một trong những mũi tiến công xâm chiếm Biển Đông, thậm chí có người gọi đây là một cuộc "xâm lược bằng tên gọi" không kém phần nguy hiểm do Trung Quốc đã nhiều lần tổ chức thực hiện.

Lịch sử tên gọi của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Trong lịch sử, những nhà hàng hải phương Tây, với trình độ khoa học kỹ thuật hàng hải sớm phát triển, để phục vụ cho những chuyến viễn du tìm kiếm và chinh phục "vùng đất mới", vào thế kỷ XV, XVI, họ đã thành lập các bản đồ, trong đó có ghi địa danh Parcel, Paracel để gọi chung cho một vùng đảo được thể hiện bằng những chấm nhỏ nằm trong hình lá cờ đuôi nheo treo dọc theo và ở ngoài bờ biển "Cota de Parcel" (bờ biển miền Trung Việt Nam).

Các bản đồ cổ của người Việt Nam thời đó cũng thể hiện 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo hình dáng tương tự, với tên gọi chung là Bãi Cát vàng, Đại Trường Sa, Vạn lý Trường Sa.

Về sau, có thể bắt đầu từ thế kỷ XVII, các hải đồ phương Tây đã thể hiện chi tiết, cụ thể hơn, không những về vị trí địa lý mà còn cả tên gọi cụ thể cho từng thực thể địa lý thuộc 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà lúc đó họ đã gọi là Paracel islands và Spraly islands.

Cũng tương tự như vậy, đối với quần đảo Trường Sa, người phương Tây cũng đã thành lập các hải đồ hiện đại và đã thể hiện khá đầy đủ tên gọi của hầu hết các thực thể địa lý thuộc quần đảo này, cũng như các thực thể khác nằm ngoài quần đảo.

Tất cả những địa danh do người phương Tây đặt để gọi các thực thể dịa lý trong Biển Đông thấy rằng, người phương Tây, xuất phát từ khả năng và nhu cầu hoạt động trên biển của họ qua Biển Đông để giao thương buôn bán với các nước trong khu vực, là những người đầu tiên đã tiến hành khảo sát, đặt tên cho hầu hết các thực thể địa lý của 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà cho đến nay chúng đã trở thành "địa danh quốc tế" được thừa nhận và sử dụng rộng rãi.

Tuy vậy, cho đến nay, các thực thể địa lý thuộc các quần đảo, cũng như một số thực thể điạ lý thuộc thềm lục địa của các nước xung quanh Biển Đông còn có những tên gọi khác nữa. Bởi vì, khi biên tập để xuất bản các bản đồ, hải đồ khu vực Biển Đông, các bên liên quan trong khu vực đã không hoàn toàn sử dụng các "địa danh quốc tế" như đã trình bày ở trên.

biendong2

Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa đang bị Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo trái phép

Chiến thuật đặt tên của Trung Quốc

Xuất phát từ mục đích, động cơ khác nhau, nhất là đối với các thực thể địa lý đang tồn tại những bất đồng và tranh chấp phức tạp về quyền thụ đắc lãnh thổ, các bên liện quan, nhất là phía Trung Quốc, đã lợi dụng việc đặt tên hay thay đổi tên gọi để hiện thực hóa yêu sách chủ quyền của mình đối với toàn bộ các thực thể địa lý trong Biển Đông, với lập luận mang tính ngụy biện rằng : Người Trung Quốc cách đây hàng nghìn năm đã từng phát hiện, khai phá, đặt tên, vẽ bản đồ… đối với Tây Sa, Nam Sa, Trung Sa, Đông Sa, Vì vậy, người Trung Quốc hiện nay có quyền và nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền của tổ tiên để lại…

"Chiến thuật đặt tên" được coi là một chiến thuật mà Trung Quốc đã và đang sử dụng để hiện thực hóa chủ trương độc chiếm Biển Đông mà theo nhận xét của dư luận thì chiến thuật này được coi là cuộc "xâm lược (bằng) bản đồ", "xâm lược (bằng) tên gọi". Nhận xét như vậy có lẽ không phải không có cơ sở ; bởi vì, cho đến nay, phía Trung Quốc đã có ít nhất là 4 lần công bố quyết định đặt tên, đổi tên, cho các thực thể địa lý nằm trong Biển Đông. Trong các quyết định đặt tên, đổi tên đó, Trung Quốc đã tìm cách đặt tên hay đổi tên mới bằng những tên gắn với các sự kiện lịch sử nhằm biện minh cho lập trường "chủ quyền lịch sử" của họ.

Chẳng hạn, ở quần đảo Hoàng Sa, trên các hải đồ, bản đồ, tài liệu do Trung Quốc xuất bản có ghi các tên : "Tuyên Đức", "Vĩnh Lạc", "Trịnh Hòa"… Đó là các niên hiệu và tên nhân vật lịch sử dưới triều đại nhà Minh (nhà Minh cai trị Trung Quốc từ năm 1368 tới 1644, mười bảy hoàng đế đã trị vì trong khoảng thời gian 276 năm, trong số đó có niên hiệu Vĩnh Lạc (1402 – 1424), Tuyên Đức (1425 – 1435). Năm 1403, Vĩnh Lạc Đế đã ban hành chiếu chỉ để bắt đầu dự án xây dựng hạm đội tàu kho báu. Trịnh Hòa được lệnh khởi xướng việc xây dựng hạm đội. Đôi tàu kho báu bao gồm nhiều tàu buôn, tàu chiến và tàu hỗ trợ. Trịnh Hòa thực hiện bảy chuyến thám hiểm hàng hải tìm kiếm kho báu trong khoảng thời gian từ 1405 đến 1433. Bảy chuyến đi xa tới các vùng lãnh thổ ven biển và hải đảo ở Biển Đông, Ấn Độ Dương và xa hơn nữa. Trong khi chuyến đi thứ bảy xảy ra dưới triều đại Tuyên Đức đế (1425-1935). Vì vậy, người Trung Quốc lập luận rằng, dưới thời nhà Minh, niên đại Vĩnh Lạc, Tuyên Đức vị hoạn quan Trịnh Hòa đã có công trong việc "phát hiện, khai phá, quản lý quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa".

Ngoài ra, phía Trung Quốc còn đặt tên cho các đảo ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, như "Vĩnh Hưng", "Trung Kiên", "Thái Bình", "Trung Nghiệp"… Những tên gọi này chính là tên của 4 chiến hạm của Trung Hoa Dân quốc đã tiến hành chiếm đóng trái phép một số đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Sự thật là, trong chiến tranh thế giới thứ hai, đế quốc Nhật Bản đã đánh chiếm một số đảo trong hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó có đảo Ba Bình, làm căn cứ tàu ngầm. Theo nhiều tài liệu được công bố, ngày 26-10-1946, lợi dụng việc giải giáp quân đội Nhật Bản do Đồng Minh giao phó, Trung Hoa Dân Quốc đã cử một hạm đội đặc biệt của gồm bốn chiến hạm : Thái Bình, Vĩnh Hưng, Trung Kiên, Trung Nghiệp, do đô đốc Lâm Tuân chỉ huy, mỗi chiếc chở một số đại diện của các cơ quan và 59 binh sĩ thuộc trung đội độc lập về cảnh vệ của hải quân (tiền thân của quân thủy đánh bộ) xuất phát từ cảng Ngô Tùng tiến về quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa : các tàu Vĩnh Hưng và Trung Kiên đã tới quần đảo Hoàng Sa và đổ bộ chiếm lấy một số đảo ở phía Đông và các tàu Thái Bình và Trung Nghiệp đến Trường Sa, đổ bộ lên chiếm đảo Ba Bình. Nhưng đến năm 1950, Trung Hoa Dân Quốc bị đánh bật khỏi Hoa lục, phải chạy ra Đài Loan, đồng thời cũng rút quân khỏi các đảo ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa mà họ đã chiếm đóng bất hợp pháp từ năm 1946. Năm 1956, Đài Loan lại đưa quân trở lại chiếm đóng đảo Ba Bình (Trung Quốc gọi là đảo Thái Bình). Sau 1975 cho đến nay, Đài Loan vẫn chiếm giữ trái phép đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Tên gọi không có giá trị mang lại chủ quyền cho quốc gia đặt tên

Thứ nhất, địa danh là một trong những vấn đề được dư luận quan tâm, với nhiều nhận định đánh giá khác nhau, có liên quan đến thực trạng bất đồng, tranh chấp về quyền thụ đắc lãnh thổ đối với các thực thể địa lý trong Biển Đông, cũng như vị trí và vai trò của chúng trong việc xác định phạm vi các vùng biển, thềm lục địa của các quốc gia ven Biển Đông dưới ánh sáng của Luật pháp Quốc tế, trong đó có UNCLOS1982.

Nhằm thống nhất được cách tiếp cận một cách thật sự khoa học, khách quan về giá trị của những địa danh khác nhau được sử dụng để gọi một thực thể địa lý cụ thể, trước hết, xin lưu ý rằng, trong thực tế, tại một vị trí địa lý nhất định, vẫn được gọi bằng nhiều tên gọi khác nhau. Đây là một hiện tượng rất phổ biến mà nguyên nhân chủ yếu là xuất phát từ sự tiếp cận vị trí địa lý đó của các cộng đồng dân cư qua các giai đoạn lịch sử khác nhau. Vì vậy, địa danh chủ yếu chỉ mang ý nghĩa địa lý, lịch sử ; chứ không có giá trị pháp lý về quyền thụ đắc lãnh thổ. Bởi vì, người ta gọi "Vịnh Thái Lan", không phải là vịnh của riêng Thái Lan ; "Ấn Độ Dương" không phài là vùng biển riêng của Ấn Độ ; "Vịnh Bắc Bộ" không phải vịnh riêng của Việt Nam ; "South China Sea", "Nam Hải", "Biển Đông", "Biển Tây Philippines", "Biển Bắc Natuna"… không phải là vùng biển của riêng Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Indonesia…

Trong Luật pháp và Thực tiễn quốc tế cũng chưa có bất kỳ một quy định hay tiền lệ pháp nào đề cập đến giá trị pháp lý của địa danh với tư cách là chứng cứ chứng minh quyền thụ đắc lãnh thổ của quốc gia đã đặt tên cho một thực thể địa lý nào đó.

Vì vậy, cho đến nay, các thực thể địa lý thuộc các quần đảo, cũng như một số thực thể điạ lý thuộc thềm lục địa của các nước xung quanh Biển Đông dù mang những tên gọi khác nhau, tùy theo cách gọi, cách đặt tên vì những mục đích, động cơ khác nhau, vẫn không thể dựa vào những tên gọi đó để xác định quyền thụ đắc lãnh thổ của quốc gia đã đặt tên cho chúng.

Việt Nam không sử dụng việc đặt tên, đổi tên gọi đối với các thực thể địa lý để phục vụ cho mục đích chứng minh quyền thụ đắc lãnh thổ của mình. Quyền thụ đắc lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa không dựa vào tên gọi mà dựa theo nguyên tắc pháp lý quốc tế hiện hành. Đó là nguyên tắc chiếm hữu thật sự mà nội hàm của nó là : Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, từ khi chúng còn là đất vô chủ, chí ít là từ thế kỷ XVII. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là có hiệu quả, rõ ràng, liên tục và hòa bình.

Tuy vậy, để tránh hiểu nhầm và bị vướng vào " bẫy tên gọi" do Trung Quốc giăng ra nhằm giành lấy sự "mặc nhiên thừa nhận" các yêu sách phi lý của họ đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và khu vực Biển Đông, bạn đọc, nhất là những người làm công tác quản lý và nghiên cứu cần cảnh giác không sử dụng các tên gọi do Trung Quốc đặt, nhất là các tên gắn với những sự kiện lịch sử mà Trung Quốc đã cố tình viện dẫn để chúng minh họ có chủ quyền, như chúng tôi đã phân tích ở trên.

Tên gọi quốc tế của các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa :

Paracel islands có nhóm đảo An Vĩnh ở phía Đông quần đảo Hoàng Sa, người phương Tây gọi là Amphitrite Group và nhóm Lưỡi Liềm (hay nhóm Trăng Khuyết), ở phía Tây quần đảo Hoàng Sa, người phương Tây gọi là Crescent Group ;

Các thực thể địa lý thuộc quần đảo này cũng được các nhà hàng hải phương Tây đặt tên và thể hiện trong các hải đồ do họ xuất bản ngày càng chi tiết, đầy đủ và được quốc tế sử dụng một cách phổ biến :

Đảo Ba Ba (Yagong Island), đảo Bạch Quy (Passu Keah), đảo Bắc (North Island), đảo Cây (Tree Island), đảo Duy Mộng (Drummond Island), đảo Đá (Rocky Island), đảo Hoàng Sa (Pattle Island), đảo Hữu Nhật (Robert Island), đảo Linh Côn (Lincoln Island), Đảo Nam (South Island), đảo Phú Lâm (Woody Island), Đảo Quang Ảnh (Money Island), đảo Quang Hoà (Duncan Island), đảo Tri Tôn (Triton Island), Đảo Trung (Middle Island), Cồn cát Bắc (North Sand), Cồn cát Nam (South Sand), Cồn cát Tây (West Sand), Cồn cát Trung (Middle Sand), Hòn Tháp (Pyramid Rock), Đá Bắc (North Reef), Đá Bông Bay (Bombay Reef), Đá Chim Én (Vuladdore Reef), Đá Hải Sâm (Antelope Reef), Đá Lồi (Discovery Reef), Bãi Bình Sơn (Iltis Bank), Bãi Châu Nhai (Bremen Bank), Bãi Gò Nổi (Dido Bank), Bãi Ốc Tai Voi (Herald Bank), Bãi Quảng Nghĩa (Jehangire Reefs/Bank), Thủy Tề (Neptuna Bank), Bãi Xà Cừ (Observation Bank)…

Tên gọi quốc tế của các đảo thuộc quần đảo Trường Sa :

Cụm Song Tử, (Groupe de Deux-îles) có Đá Bắc, tiếng Anh : North Reef, bãi Đinh Ba, tiếng Anh : Trident Shoal, Bãi Núi Cầu, tiếng Anh : Lys Shoal,

Cụm Nam Yết (Namyit Island) là một tập hợp các thực thể địa lý nằm ở phía nam cụm Loại Ta và phía bắc của cụm Sinh Tồn, gồm hàng loạt thực thể nổi bật như đảo Ba Bình, (Itu Aba), đảo lớn nhất quần đảo, là đảo san hô đứng đầu về diện tích trong quần đảo (0,4896 km2). Trên đảo có rất nhiều nước ngọt, đất đai màu mỡ và có nhiều cây cối xanh tươi. Đảo Nam Yết , đảo Sơn Ca (Sand Cay), đá Én Đất, đá Ga Ven, Đá Xu bi (Subi Reef)... Đa số các thực thể địa lý thuộc cụm này hợp thành một bãi san hô dạng vòng có tên gọi bãi san hô Ti Da (tiếng Anh : Tizard Bank) ; Đá Én Đất (tiếng Anh : Eldad Reef).

Cụm Sinh Tồn (Sin Cowe Island) là một tập hợp các thực thể địa lý nằm ở phía nam cụm Nam Yết. Khái niệm "cụm Sinh Tồn" hầu như đồng nhất với khái niệm bãi san hô Liên Minh hay cụm rạn Liên Minh (tiếng Anh : Union Bank/Reefs. Cụm này chỉ có một đảo san hô là đảo Sinh Tồn, một cồn cát là đảo Sinh Tồn Đông, còn lại là rất nhiều rạn đá như đá Cô Lin (Collins Reef), đá Gạc Ma (Johnson South Reef), đá Len Đao (Lansdowne Reef)…

Trong số này, đá Ba Đầu là rạn đá lớn nhất. Đá Nghĩa Hành (tiếng Anh : Loveless Reef), Đá Sơn Hà (tiếng Anh : Gent Reef), Đá Bình Khê (tiếng Anh : Edmund Reef), Đá Ken Nan (tiếng Anh : McKennan Reef), Đá Bình Sơn (tiếng Anh : Hallet Reef), đá Bãi Khung tiếng Anh (Holiday Reef), Đá Đức Hòa (tiếng Anh : Empire Reef), đá Ba Đầu (tiếng Anh : Whitsun Reef, có nơi ghi thành Whitson), đá An Bình (tiếng Anh : Ross Reef), Đá Bia (tiếng Anh : Bamford Reef), đá Ninh Hòa (tiếng Anh : Tetley Reef), đá Văn Nguyên (tiếng Anh : Jones Reef), đá Phúc Sĩ (tiếng Anh : Higgens Reef).

Cụm Trường Sa (Spratly) là một tập hợp các thực thể địa lý nằm dàn trải theo chiều ngang từ tây sang đông ở phía nam của các cụm Nam Yết, Sinh Tồn và phía bắc của cụm Thám Hiểm, chủ yếu giữa hai vĩ tuyến 8° Bắc và 9° Bắc. Cụm này chỉ có một đảo san hô là đảo Trường Sa (biệt danh : Trường Sa Lớn), còn lại đều là rạn thường nói chung và rạn vòng nói riêng như đá Tây, đá Tiên Nữ, đảo Phan Vinh, đảo Trường Sa Đông... Bốn thực thể theo thứ tự từ tây sang đông gồm đá Tây, đảo Trường Sa Đông, đá Đông và đá Châu Viên cấu thành khái niệm cụm rạn Luân Đôn (tiếng Anh : London Reefs).

Cụm An Bang (Caye-d'Amboine, Amboyna Cay) có đá Thanh Kỳ (tiếng Anh : Ardasier Breakers), bãi Phù Mỹ (tiếng Anh : Investigator Northeast Shoal hay Northeast Investigator Shoal), bãi Trăng Khuyết (tiếng Anh : Half Moon Shoal).

Cụm Bình Nguyên : bãi Tổ Muỗi (tiếng Anh : Nares Bank), bãi Đồ Bàn hoặc tên cũ là Bãi cạn Nâu (tiếng Anh : Brown Bank), đá Đồng Thạnh hay đá Đồng Thanh (tiếng Anh : Marie Louise Bank), bãi Nam (tiếng Anh : Southern Bank), Đá Gò Già (tiếng Anh : Pennsylvania North Reef), đá Chà Và (tiếng Anh : Foulerton Reef), đá Khúc Giác (tiếng Anh : Iroquois Reef), Bãi/Cụm Hải Sâm tên cũ là cồn san hô Giắc-xôn (tiếng Anh : Jackson Atoll), đá Phật Tự (tiếng Anh : Hardy Reef), đá Hợp Kim (tiếng Anh : Hopkins Reef), đá Ba Cờ (tiếng Anh : Baker Reef)…

Trần Công Trục

Nguồn : Thời Đại, 26/06/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Công Trục
Read 551 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)