Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/07/2021

VinGroup nhào vào Sài Gòn chống dịch covid nhằm ý gì ?

Jackhammer Nguyễn - Tuấn Khanh

Cái nắm đấm đẫm lệ và chủ nghĩa tư bản Vượng Vin

Jackhammer Nguyễn, Tiếng Dân, 05/07/2021

Hóa ra "đường mòn Hồ Chí Minh trên không" là do tập đoàn tư bản lớn nhất nước Việt Nam cộng sản, VinGroup của ông Phạm Nhật Vượng đưa ra. Ông Vượng đưa một nhóm hơn 300 sinh viên, giảng viên trường y từ Hải Dương vào Sài Gòn, nói là để "hỗ trợ" thành phố này chống dịch Covid-19.

Theo một số người, chuyện này chẳng ai ở Sài Gòn nhờ vả cả, vì người tại chỗ còn nhiều, không cần phải vất vả tốn kém như thế, chẳng qua là ông Vượng cùng các tay chơi khác như Vietnam Airlines, Saigon Tourist… "ăn có" chuyện chống dịch để quảng cáo. Hôm qua, ông Mai Bá Kiếm có một bài với nhiều thông tin nói về chuyện này : Tuyên truyền bị phản tuyên truyền !

Tôi thấy câu chuyện ông Vượng và "đường Hồ Chí Minh trên không" của ông ấy cho chúng ta một hình ảnh rất thú vị về chủ nghĩa tư bản tại Việt Nam hiện nay.

Nhà tư bản Phạm Nhật Vượng dùng đúng hai kiểu tuyên truyền của tuyên giáo cộng sản, đó là hình ảnh những nắm đấm cộng sản và những lời lẽ ẻo ợt kiểu "thương quá", "tự hào quá"… cho chiến dịch ăn có của mình (nói cho sang là PR, quan hệ công chúng).

Đây quả là công thức và hình ảnh tuyệt vời của cái gọi là "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" mà các viên chức cộng sản liên tục tán dương mấy chục năm nay.

Có lẽ cũng giống như bên nước Tàu cộng sản, hình ảnh nắm đấm, nghe nói là được dùng trong các buổi kếp nạp đảng viên, cũng được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam. Nắm tay phải (có khi tôi thấy cả tay trái) giơ lên trông rất quyết liệt và dữ dằn, được người cộng sản gọi là "hạ quyết tâm", trước khi họ có một kế hoạch làm gì đó.

Hình ảnh "hạ quyết tâm" này làm cho những người nghi ngại kế hoạch đó phải e dè, sợ cái nắm đấm đó giáng xuống đầu mình. Lật lại những trang báo Tàu hồi năm 2020, khi các đoàn y tá, bác sĩ đến Vũ Hán để chống dịch, người ta cũng thấy những nắm đấm vung lên rùng rợn như các em học trò Hải Dương vậy.

vin1

Hình ảnh tuyên truyền chống dịch bằng nắm đấm của Việt Nam. Nguồn : ILIAT

Nắm đấm có thể hiểu được trong chiến tranh, trong những cuộc cách mạng nổi dậy, nhưng quả là khó hiểu khi họ muốn đánh nhau như vậy trong thời bình. Họ đánh cái gì ? Đánh virus ư ? Virus chỉ sợ vaccine chứ làm sao sợ đấm đá cho được ?

Kèm với nắm đấm là những ngôn từ chiến tranh mà người cộng sản vẫn liên tục sử dụng từ khi hết chiến tranh đến nay : Ra trận, chiến thắng, xuất quân, đánh, báo công, chi viện … bất kể đó là chuyện lạm phát, chuyện lũ lụt, hay chuyện Covid, và dĩ nhiên, trong bộ từ điển chiến tranh này có những từ rất đặc biệt của cộng sản Việt Nam, mà "đường mòn Hồ Chí Minh trên không" là một ví dụ.

Song song với nắm đấm và những ngôn từ chiến tranh, lại là những từ ngữ vô cùng đẫm lệ, mà ngày nào chúng ta cũng có thể tìm thấy trên các trang báo Việt Nam. Rõ nhất trong lối tuyên truyền ẽo ợt này là tựa đề cuộc thi viết "Tình người nơi tuyến đầu phòng chống Covid-19", do Ban Dân Vận, Ban Tuyên giáo quận Tân Bình của thành Hồ tổ chức. Hay tựa đề bài viết trên báo Tuổi Trẻ ngày 4/7/2021 : "Nhìn Sài Gòn đau đến vậy, tôi thấy trái tim mình thổn thức", cùng lối tuyên truyền ẽo ợt.

Cũng phải nói rằng, kiểu viết "đẫm lệ" (cliché) này ảnh hưởng cả báo chí tiếng Việt tại hải ngoại. Nói cho cùng thì, nó vốn đã có "truyền thống" khá lâu trong văn chương báo chí tiếng Việt, bây giờ thêm vào một chút gia vị cộng sản, làm nên một hiện tượng ngôn ngữ rất thú vị.

Suy cho cùng, kiểu viết "đẫm lệ" này cũng vô hại, nhưng kiểu "nắm đấm" có ảnh hưởng nhiều hơn. Với cái nắm đấm và mớ ngôn từ chiến tranh cách mạng, đấu tranh giai cấp, xã hội cộng sản không trở về bình thường trong thời bình. Những con người lớn lên và được (bị) giáo dục trong mớ ngôn từ ấy, cứ liên tục có não trạng chiến tranh.

Các trợ lý PR của ông Vượng, các phóng viên báo chí nhà nước và các em sinh viên ở Hải Dương đều không tránh khỏi. Đối với họ, miền Nam Việt Nam vẫn là vùng đất "phản cách mạng", "tạm chiếm", cần được "giải phóng". Điều đó giải thích những phát ngôn rất sắc máu, mà có thể có cả của các em học sinh từ Hải Dương :

"Giải phóng miền Nam lần thứ hai" !

"Đường mòn Hồ Chí Minh trên không" !

Một điều rất hiển nhiên là những người Việt Nam có gốc miền Bắc chịu ảnh hưởng nhiều bởi các nấm đấm này, hơn là người miền Nam, nơi ít "chuyên chính" hơn, vẫn còn không khí xã hôi mở của thời Việt Nam Cộng Hòa. Ông Vượng và các cố vấn của ông là những người miền Bắc, Vietnam Airlines cũng thế, Saigon Tourist thì đỡ hơn, nhưng cũng đầy những người gốc miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Công ty du lịch này cũng có đầy các tour du lịch "về nguồn", đầy rẫy ngôn từ chiến tranh cách mạng.

Có thể khi viết ra những khẩu hiệu nắm đấm như vậy, họ cũng không có ý định gì to tát kiểu như phân biệt vùng miền, hay xem người dân miền Nam như mục tiêu cần giải phóng, mà chẳng qua đó là cái quán tính suy nghĩ ngôn ngữ, mặc dù trong sâu thẳm của tiềm thức, họ có thể có hình ảnh một miền Nam thù địch. Mà đây thật ra là chuyện con gà và quả trứng, họ thù địch thật, rồi sinh ra ngôn ngữ, hay là cách dùng ngôn ngữ ngốc nghếch sinh ra hình ảnh thù địch.

Lần này các nắm đấm cách mạng lại bị gậy ông đập lưng ông. Nó gây ra phản ứng rất mạnh từ dân chúng Sài Gòn, nó làm bật lên hình ảnh của một cuộc nội chiến, của sự phân biệt vùng miền, mà chính quyền Hà Nội lúc nào cũng muốn giấu. Các cơ quan báo chí tuyên truyền của Đảng vội vàng lắp chỗ này, bít chỗ kia, như trong bài báo Thanh Niên : Đừng ‘ném đá’ đoàn Hải Dương giúp Thành phố Hồ Chí Minh !

vin2

Hình ảnh đoàn sinh viên Hải Dương giơ cao nắm đấm, trên chuyến bay vào Sài Gòn ngày 1/7 chống dịch. Nguồn : VNA/ TN

Nhưng họ chỉ dám đưa ra những lỗi thuộc về kỹ thuật, và đề cập tới "dư luận trên mạng", mà vẫn không dám nói cái "dư luận trên mạng" ấy là gì, không dám nói đến cái mâu thuẫn chính trị, vùng miền mà họ tự tạo ra, duy trì, rồi sợ hãi.

Jackhammer Nguyễn

Nguồn : Tiếng Dân, 05/07/2021

***********************

Vingroup đang ủ mưu gì trong cú áp phe Covid ?

Thới Bình, VNTB, 05/07/2021

Theo kế hoạch, từ ngày 30/6 đến 1/7, tập đoàn này sẽ thiết lập ‘đường Hồ Chí Minh trên không’ để đưa hơn 4.000 nhân viên trẻ trên cả nước tiến về Sài Gòn để được đào tạo việc lấy mẫu, và triển khai chiến dịch xét nghiệm 5 triệu mẫu trên toàn dân Thành phố Hồ Chí Minh.

vin3

Vingroup đã tài trợ test, kit, hỗ trợ kỹ thuật, máy móc thiết bị… và nguồn lực của toàn hệ thống, để cùng Thành phố Hồ Chí Minh kiểm soát dịch bệnh đợt cao điểm lần này.

Tin tức ở trên là công khai và rất nhiều người trong ngành y tế ở Thành phố Hồ Chí Minh biết rõ. "Vụ này sở y tế không chủ động nên còn điện thoại hỏi tui ‘info’ (thông tin). Nghe thật hài !" – bác sĩ Nguyễn Đình Tuấn kể.

Bác sĩ Cao Xuân Minh gửi thắc mắc đến bác sĩ Tuấn : "Em không hiểu lấy mẫu lần này có ý nghĩa gì, hiệu quả ra sao, hậu quả thế nào ?". Bác sĩ Tuấn trả lời đầy ẩn tình : "Hiểu chi cho mệt ? Thành phố họ đã quyết và doanh nghiệp họ hỗ trợ để thực hiện chiến lược của thành phố thôi. Mình có thay đổi được chiến lược của thành phố đâu mà cần hiểu làm gì ? Chỉ vài liều vaccine mà phải đến khi đi tiêm cho dân thì cán bộ y tế của nhà anh mới được tiêm thì nghĩ chi việc lớn như này để thay đổi cho mệt đầu".

Bác sĩ Tạ Quốc Bản làm việc tại bệnh viện Vinmec Phú Quốc, ‘xa gần’ với bác sĩ Tuấn khi nói về ‘đường Hồ Chí Minh trên không’ để đưa hơn 4.000 nhân viên trẻ trên cả nước tiến về Sài Gòn : "Vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người, anh ạ…".

"Vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người" là slogan mới toanh của tập đoàn Vingroup.

Trong cuộc họp sáng ngày 2/7, ông Ngô Minh Châu – Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chiến dịch xét nghiệm diện rộng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có sự hỗ trợ từ tập đoàn Vingroup với 4.000 nhân viên được tổ chức thành 1.000 đội tham gia công tác lấy mẫu bao gồm tất cả các khâu từ lấy mẫu, vận chuyển… Dự kiến, mỗi đội sẽ thực hiện lấy 100 mẫu/ ngày từ đó có thể đạt được mức 1 triệu mẫu/ ngày.

Một nguồn tin khác cho biết, ‘đại bản doanh’ về thiết bị cho tầm soát nói trên được Vingroup đặt ở cơ sở 2 của bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh đặt tại quận 9 (cũ), nay gọi chung là thành phố Thủ Đức.

Ba địa phương Thủ Đức, Bình Thạnh và Gò Vấp là những nơi mà ‘quân Vingroup’ được tung ra cho "chiến dịch xét nghiệm 5 triệu mẫu trên toàn dân Thành phố Hồ Chí Minh".

Tuy nhiên dường như về những ‘sự cố’ đang được đổ thừa là lỗi của truyền thông, cho thấy có vẻ nhóm 4.000 người mà Vingroup đang tạm ‘án binh’ về chuyện ‘PR’ báo chí.

Truyền thông bắt đầu chuyển hướng khi đưa tin về "1.000 sinh viên y khoa Thành phố Hồ Chí Minh đăng ký tình nguyện đi chống dịch". Những bản tin này cho biết đang có cả ngàn sinh viên y khoa của Sài Gòn đã được tập huấn tập huấn tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) từ cuối tháng 4-2021, và sau đó họ ‘nhập cuộc’ luôn cho tới nay.

"Hiện tại danh sách có 1.000 sinh viên đăng ký tình nguyện đi chống dịch, tùy theo từng ngày để bố trí các bạn đến từng điểm khác nhau. Như sáng nay có khoảng 80 bạn sinh viên chia ra 25 điểm trên thành phố để lấy mẫu xét nghiệm cả ngày" – báo Tuổi Trẻ số phát hành chiều ngày 4/7, cho hay như vậy.

Câu chuyện về ‘4.000 quân nhà Vin’ đổ vào Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng trống giong – kèn mở chỉ có mỗi hơn 300 sinh viên của một trường đại học y ở tỉnh Hải Dương, cho thấy việc ủ mưu khó lường, nhất là tuần lễ tới đây các quan chức chóp bu của Sài Gòn phải ra Hà Nội để dự cái gọi là Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Rất có thể những quân cờ đang được sắp đặt lại.

Thới Bình

VNTB, 05/07/2021

************************

Vì sao cuộc "giải cứu" từ Hải Dương gây khó chịu ở Sài Gòn ?

Tuấn Khanh, 03/07/2021

Có một điều chắc chắn là 300 em từ Hải Dương đến Sài Gòn để "giải cứu", không phải em nào cũng có thái độ đáng ghét, và cũng không phải em nào cũng bị tẩy não đến mức đến Sài Gòn, coi như là vào cuộc "giải phóng" lần hai.

vin4

Nơi sinh hoạt và nghỉ ngơi của các bác sĩ, y tá, sinh viên y, làm việc thầm lặng ở Sài Gòn (báo TT)

Chắc chắn có những em từ Hải Dương nhiệt thành đến thành phố tinh thần tự do này, để vừa được tìm hiểu, vừa được cống hiến sức trẻ của mình – mà nghe đâu là theo vận động của các ông to nào đó, có thể y tế, có thể doanh nghiệp.

Thật ra các câu chuyện gây khó chịu đang râm ran trên mạng xã hội, không lớn, và không đáng cho người dân Sài Gòn phải bàn tới – bởi tính dân Sài Gòn vốn dễ dãi và bao dung. Nhưng điều tạo ra sự chán ngán – mà chắc ngay những nhà lãnh đạo cũng không biết – là cái kiểu đi giúp người lại đánh trống thổi kèn, hoàn toàn không là cách để đoàn kết dân Sài gòn với các em sinh viên ấy, mà rõ là chỉ để làm rạng mặt một số quan chức có bệnh mê đắm hình thức.

Nên, câu chuyện này cần nhìn về phía khác, phía những người có trách nhiệm, đã làm gì để phá hỏng 300 tâm hồn nhiệt huyết của thanh niên Hải Dương đến Sài Gòn một cách đáng thương đến vậy. Hơn nữa, đằng sau chuyến đi này, có "xã hội hóa" theo tài trợ của doanh nghiệp nào đó không, mà lại làm rộ lên các lời phản đối đạo đức giả từ các dư luận viên cấp cao để bảo vệ chủ máng ăn của mình, khiến dân Sài Gòn – không cái gì là không biết – càng bực thêm.

Ai đã vận động, ai đã ra lệnh để đưa các em từ Hải Dương vào Sài Gòn trong lúc dịch bệnh rối ren, mà mục đích tuyên truyền lớn hơn cả thực chất ? Trên báo Tuổi Trẻ ngày 1-7, có bản tin "Hơn 300 giảng viên, sinh viên y Hải Dương bay vào Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch", khẳng định rằng "Thông tin từ Vietnam Airlines cho biết chiều 30-6, hãng này nhận được thông tin khẩn từ Bộ Y tế về việc đưa đoàn y tế từ Hải Dương vào Thành phố Hồ Chí Minh".

vin5

Các cơ quan truyền thông thuộc sự quản lý của tuyên huấn cộng sản Việt Nam đã đẩy sự kiện sinh viên y khoa từ Hải Dương vào Sài Gòn thành một chiến dịch tuyên truyền rầm rộ

Bộ Y Tế dựa trên tình hình nào để đưa người "khẩn" vào Sài Gòn ?

Trên các trang facebook, người ta nhìn thấy Sài Gòn còn rất nhiều nơi liên quan về đào tạo y tế, người tình nguyện… vẫn mong được tham gia chống dịch, nhưng không đến lượt mình. Nhìn câu chuyện tuyên truyền rầm rộ cho 300 sinh viên từ Hải Dương vào, ở khách sạn cao cấp, và lại rộ lên những thông tin tiêu cực khác, ắt cũng khiến 1.000 sinh viên Đại Học Y Dược Sài Gòn tình nguyện vẫn đang miệt mài làm công việc không khỏi chạnh lòng cho những giọt mồ hôi, thậm chí tính mạng, rất thầm lặng của họ.

Bạn đang chuẩn bị nói rằng tôi phân biệt vùng miền sao ? Nên nhớ 1.000 sinh viên đại học Y Dược Sài Gòn hay hàng chục ngàn người khác đang lả người hàng ngày dưới cái nóng 35-40 độ, đều có đủ những sinh viên theo học, đến từ Hải Dương, Hà Nội, Bình Dương, Bắc Ninh… và cả Sài Gòn nữa.

Đã từng có những chuyến tiếp sức như vậy, từ Đà Nẵng, Sài Gòn, Bình Dương… để đi đến Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội… trong các đợt dịch từ năm 2020 đến nay. Nhưng không ai làm chuyện khó coi, đẩy các bạn trẻ thành món tuyên truyền quen tay, đến lố bịch như hiện nay. Người miền Nam, từ vĩ tuyến 17 trở vào mũi Cà Mau, vốn có thói quen rất khó chịu với các loại tuyên truyền – đặc biệt mượn đến "tình đồng bào".

Nhìn bức ảnh đang lan truyền trên mạng, các sinh viên Hải Dương phải giơ tay hô khẩu hiệu, nhưng các bạn ngồi gần camera thì ngại ngùng cúi mặt. Thương các bạn, thương tuổi trẻ Việt Nam cứ bị đẩy vào những trò lố lăng. Chúng tôi : những người dân miền Nam, những người dân Sài Gòn cũng đang ngại ngùng như chính các bạn vậy.

Các anh chị Sài Gòn, các ông bố, bà mẹ Sài Gòn… có lẽ nên thôi bực mình mấy em nhỏ. Lỗi do người lớn, lỗi do kẻ có quyền cứ quen trò hô hào tuyên truyền như chiến tranh "chống dịch như chống giặc". Sài Gòn không có giặc, chỉ có mệt mỏi và lo lắng, tự chia sẻ với nhau, và trở nên tức giận với những trò "làm giặc" được ai đó tổ chức quy mô, khó coi đến vậy.

Tuấn Khanh

Nguồn : Saigonnhonews, 03/07/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Jackhammer Nguyễn, Tuấn Khanh
Read 582 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)