Dân biểu Mỹ gây sức ép về nhân quyền với Việt Nam trước chuyến thăm của Phó Tổng thống Harris
Trước ngày người đứng phó cho ông Biden sắp đi thăm Việt Nam, hai đại diện lập pháp Mỹ đã gửi thư yêu cầu Phó tổng thống cũng như Ngoại trưởng Hoa Kỳ nêu vấn đề vi phạm nhân quyền nghiêm trọng khi gặp gỡ với lãnh đạo Nhà nước ở Hà Nội.
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu tại Nhà Trắng hôm 10/8/2021 - AP
Hôm 4/8/2021, qua thư gửi tới Bộ ngoại giao Mỹ, Thượng Nghị sĩ John Cornyn yêu cầu Ngoại trưởng Anthony Blinken nên có hành động nêu rõ với Hà Nội về những vi phạm nhân quyền như chà đạp quyền con người, tước đoạt tài sản, phân biệt đối xử tôn giáo và tín ngưỡng.
Trả lời RFA qua điện thư, Thượng nghị sĩ Cornyn lập lại nội dung chính mà ông đã viết trong thư gởi đến Ngoại trưởng Mỹ rằng :
"Việt Nam có chiến lược hiệu quả trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, sẵn sàng hợp tác về mặt an ninh trong khu vực, nhưng lại tiếp tục giữ thành tích xấu về nhân quyền, tôn giáo và tài sản của công dân trong nước".
Những hóa giải về mặt nhân quyền và tôn giáo ở Việt Nam, ông Cornyn viết tiếp, xem ra không tương thích với đà phát triển mối tương quan kinh tế cũng như đối tác an ninh. Nói một cách khác, cải thiện nhân quyền phải là bước quan trọng tiếp theo trong sự phát triển quan hệ Mỹ- Việt những ngày tới.
"Tôi trông đợi hành pháp Hoa Kỳ, bằng tất cả thiện chí và phương cách ngoại giao để bảo vệ nhân quyền là một trong những nguyên tắc phổ quát mà quí vị từng xác định.
Là cơ quan thực hiện báo cáo chi tiết thường niên về nhân quyền ở Việt Nam, tôi nghĩ hành pháp biết rõ rằng nhà cầm quyền Việt Nam đã vi phạm những nguyên tắc phổ quát về nhân quyền, đã chà đạp một cách cố ý lên những quyền căn bản của con người.
Tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận là những quyền bị cấm đoán bởi chính phủ Việt Nam. Hà Nội còn đi xa hơn khi truy quét và bắt giữ các thành viên trong Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam, gán ghép cho họ tội danh tuyên truyền chống lại chính phủ.
Trong quá trình tiến đến mối quan hệ lâu dài và bền vững với một quốc gia, thiết tưởng nhân quyền là điều tối quan trọng mà Hoa Kỳ bảo đảm Việt Nam phải tuân thủ, bao gồm tự do tín ngưỡng và quyền tư hữu của công dân", là câu kết của Thượng Nghị sĩ John Cornyn trong thư gởi ngoại trưởng Anthony Blinken.
Thượng nghị sĩ John Cornyn hôm 4/8/2021. Hình : AP
Vào ngày 6/8, văn phòng Dân biểu Ro Khanna phổ biến cho báo chí thư ông gửi lên Phó tổng thống Kamala Harris, nhắc nhở rằng: "Trong chuyến công du sắp đến của bà với tư cách là Phó tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên viếng thăm Việt Nam, tôi trân trọng thỉnh cầu bà nêu lên những vi phạm nhân quyền trầm trọng của chính phủ Việt Nam trong các cuộc trao đổi cùng giới chức cao cấp Việt Nam. Ủng hộ nhân quyền phải là ưu tiên hàng đầu của hành pháp Mỹ trong hợp tác chiến lược và toàn diện giữa hai quốc gia".
Lên tiếng với RFA từ văn phòng ở DC, Dân biểu Ro Khanna giải thích lý do ông thảo bức thư gửi Phó tổng thống Kamala Harris :
"Là một trong những dân biểu quan tâm đến nhân quyền, thường lên tiếng chỉ trích Việt Nam vi phạm các quyền căn bản của người dân, chúng tôi đã gởi hơn 12 thư đến Chính phủ và Bộ Ngoại giao Việt Nam, yêu cầu Hà Nội trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị, chấm dứt hành động tống giam các nhà báo, ngưng việc truy lùng và sách nhiễu người bất đồng chính kiến.
Tôi đoan chắc Việt Nam vẫn đang tiếp tục vi phạm nhân quyền, thể chế cộng sản này thật sự cần được đổi mới cho tự do của con người. Tôi đã nêu rõ với hành pháp và với Phó tổng thống Hoa Kỳ rằng nhân quyền phải là vấn đề ưu tiên trong bang giao cũng như trong kinh tế".
Không thể bỏ lơ nhân quyền và cho phép Việt Nam bước vào thị trường Mỹ, Dân biểu Ro Khanna nhấn mạnh, nếu Việt Nam muốn vào thị trường Mỹ thì điều kiện tiên quyết là phải trả tự do cho các tù nhân chính trị.
Dân biểu Ro Khanna hôm 30/1/2019 ở Washington DC. Hình : AP
Trong thư gửi cho nữ Phó tổng thống hôm 6/8, Dân biểu Ro Kanna còn viện dẫn báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về nhân quyền năm 2020-2021, nêu rõ những vi phạm ông gọi là liên tục và có hệ thống của chính quyền Việt Nam, từ những việc hạn chế quyền tự do biểu đạt, tự do tôn giáo, tự do báo chí, tự do lập hội cho đến những vụ bắt bớ, tra tấn và xét xử bất công tại tòa.
"Là đại diện dân cử trong một khu vực có nhiều cử tri Mỹ gốc Việt, qua họ mà chúng tôi biết thêm về tình trạng nhân quyền gọi là tồi tệ ở Việt Nam. Đôi ba lần chúng tôi đích thân can thiệp vào các trường hợp tù nhân chính trị như vậy.
Quốc hội Mỹ sẽ không khoan nhượng trước những hành động vi phạm nhân quyền tiếp diễn ở Việt Nam. Đó là điều tôi xác quyết rõ trong thư gửi bà Kamala Harris, rằng trong khi công du Việt Nam bà phải đưa nhân quyền vào lịch trình nghị sự".
Được biết, ngoài chuyện tù chính trị, Dân biểu Ro Khanna còn yêu cầu Phó tổng thống Mỹ khuyến cáo Hà Nội thi hành những biện pháp cụ thể nhằm chấm dứt việc bắt bớ những người bất đồng chính kiến.
Ông cũng gợi ý, Phó tổng thống Mỹ nên bày tỏ quan ngại về việc một đảng cộng sản độc quyền cai trị đất nước, rằng Việt Nam nên chuyển hóa thành một xã hội qua đó nhân quyền được phát huy một cách trọn vẹn và tốt đẹp.
"Nếu Phó tổng thống không nêu bật được vấn đề nhân quyền và cải thiện quyền con người với giới chức Việt Nam thì tôi nghĩ bà không làm tròn trách nhiệm, chuyến đi Việt Nam của bà sẽ không được thành công như mong đợi".
Theo một số nguồn tin từ Washington DC, một số dân biểu Hoa Kỳ trong Vietnam’ Caucus chuyên quan tâm các vấn đề tiêu cực ở Việt Nam, cũng đang soạn thảo một thư gởi cho Phó tổng thống trước khi bà Kamala Harris lên đường sang Singapore và Việt Nam.
Thanh Trúc
Nguồn : RFA, 12/08/2021