Bầu cử tổng thống Mỹ 2024 : Cử tri gốc Ả rập phẫn nộ với Kamala Harris
Nhân ngày Lễ Các Thánh, hôm nay 01/11/2024, chỉ có các báo Le Monde và Le Figaro ra số mới, cùng với Libération ra số kép từ hôm qua.
Biểu tình ủng hộ Palestine ở Dearborn, bang Michigan, Hoa Kỳ, ngày 19/05/2024. Reuters - Rebecca Cook
Nhật báo Le Monde chạy tựa trang nhất "Cử tri gốc Ả rập phẫn nộ với Kamala Harris". Chưa đầy một tuần trước cuộc bầu cử tổng thống 2024 ngày 05/11, bầu không khí ở thành phố Dearborn, bang Michigan rất căng thẳng, với nhiều người Mỹ gốc Ả rập lên án chính quyền Joe Biden ủng hộ Israel trong cuộc chiến ở dải Gaza và tuyên bố sẽ không bỏ phiếu cho ứng cử viên đảng Dân Chủ. Trong đó có Sam Baydoun, một trong những quan chức thuộc đảng Dân Chủ, đã khẳng định "sẽ bỏ phiếu theo lương tâm, vì nhân quyền và chống lại nạn diệt chủng ở Gaza".
Một cử tri trẻ tuổi khác, không tiết lộ danh tính, nhấn mạnh : "Harris và Trump kinh khủng như nhau. Sự tàn phá ở Gaza được trả bằng tiền thuế của tôi, thật đáng hổ thẹn. Làm sao chúng ta có thể quyết định bỏ phiếu cho Harris nhân danh nữ quyền, khi phụ nữ ở Gaza thậm chí không thể sinh con trong điều kiện nhân phẩm được tôn trọng ?"
Osama Siblani, tổng biên tập của tuần báo The Arab American News, có trụ sở tại Dearborn, còn tỏ ra gay gắt hơn : "Joe Biden có thể ngăn chặn nạn diệt chủng ở Gaza trong vòng 24 phút, chứ đừng nói là 24 giờ. Nói rằng không thể làm bất cứ điều gì để ngăn chặn Netanyahu là nói nhảm nhí. Với tất cả những gì ông ấy cung cấp cho thủ tướng Israel, từ vũ khí, thông tin tình báo hay những khoản hỗ trợ tài chính… Joe Biden là một tên tội phạm". Đối với ông Siblani, việc Joe Biden quyết định rút lui khỏi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng và tiến cử Kamala Harris thay thế hồi tháng 7 không thay đổi được gì : "Bà Harris càng phát biểu nhiều, chúng ta càng thấy giọng điệu của bà ấy không khác gì Biden".
Các cử tri gốc Ả rập, vốn ủng hộ đảng Dân Chủ, giờ đây không còn tìm được tiếng nói chung. Hồi tháng 02/2024, rất nhiều người đã gửi lời cảnh báo tới đảng cánh tả trong cuộc bầu cử sơ bộ, với việc từ chối bỏ phiếu ủng hộ Joe Biden. Nhân dịp này, họ nhắc lại đã ủng hộ ông một cách ồ ạt trong cuộc bầu cử hồi năm 2020 và giúp ông đánh bại Donald Trump.
Tại Michigan, một trong những bang dao động then chốt với 15 đại cử tri, ứng viên đảng Dân Chủ đã giành được nhiều hơn đối thủ bên đảng Cộng Hòa 150.000 phiếu bầu hồi năm 2020, trong khi Donald Trump chiến thắng trước bà Hillary Clinton bên đảng Dân Chủ 4 năm trước đó với chênh lệch dưới 11.000 phiếu.
Donald Trump : "Dân Mỹ không phải là rác rưởi"
Tờ Le Figaro cũng dành trang nhất quan tâm đến bầu cử tổng thống Mỹ. Sau khi tổng thống Joe Biden gọi những người ủng hộ Donald Trump là "rác rưởi", cựu tổng thống đã không bỏ lỡ cơ hội để phản công. Đến vận động cử tri ở bang Wisconsin hôm 30/10, nhà tỷ phú đã cởi áo khoác và mặc lên người chiếc áo màu cam có viền màu vàng mà những người thu gom rác mặc và lên án luận điệu mang tính xúc phạm của Joe Biden, trong bối cảnh ứng viên Kamala Harris kêu gọi người dân "đoàn kết".
Trước làn sóng chỉ trích dữ dội, chủ nhân Nhà Trắng đã cải chính và nói rằng đó là một sự hiểu lầm, song lời giải thích của Joe Biden dường như không đủ sức thuyết phục trong mắt cử tri. Phát biểu trước báo giới trên một chiếc xe chở rác mang tên ông và cắm lá cờ Mỹ, Donald Trump đã khẳng định "một người không thể lãnh đạo Hoa Kỳ nếu người đó ghét người Mỹ" và nhắc lại phát biểu của Hillary Clinton hai tháng trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Lúc đó, bà ví những người ủng hộ Trump là "một lũ đáng thương hại". Sau này, cựu ngoại trưởng đã thừa nhận phát biểu này đã góp phần khiến bà thất bại.
Nhật báo thiên hữu nhắc lại phát biểu gần đây nhất của Joe Biden nối tiếp hàng loạt những chỉ trích mà hai bên không ngừng đưa ra để lăng mạ nhau trong thời gian qua. Donald Trump thường xuyên gọi Kamala Harris là "kẻ nói dối", "điên rồ" hoặc "theo chủ nghĩa cộng sản", và mô tả những người ủng hộ bà là "kẻ thù từ bên trong". Vào tuần trước, phe Dân Chủ đã đả kích gay gắt Donald Trump khi ám chỉ cựu tổng thống là "một tên phát xít".
Mỹ : Số vụ hành quyết tử tù gia tăng
Vẫn tại Hoa Kỳ, Le Monde có bài viết nói về xu hướng hành quyết tử tù gia tăng. Từ nay đến cuối năm, sẽ có bảy người bị xử tử ở bảy bang khác nhau, đều do đảng Cộng Hòa lãnh đạo. Chủ đề này không hề được đề cập trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ lần này.
Hôm nay, 01/11, nếu không được ân xá vào phút chót, tử tù Richard Moore sẽ bị hành quyết ở bang Nam Carolina, nâng tổng số những vụ hành quyết ở Hoa Kỳ lên 21 vụ kể từ đầu năm nay. Trước đó, hôm 17/10, tư pháp bang Alabama đã xử tử Derrick Dearman, sát hại 5 người vào năm 2016.
Kể từ khi án tử hình được khôi phục vào năm 1976, đã có 1.602 người bị xử tử ở Hoa Kỳ. Kể từ năm 2000, số vụ hành quyết đã giảm mạnh (từ 98 vụ vào năm 1999 xuống còn 11 vụ vào năm 2021). Tuy nhiên, xu hướng này đang tăng trở lại với ít nhất 20 vụ hành quyết nội trong năm nay.
Theo các chuyên gia, có nhiều yếu tố giải thích cho sự trỗi dậy trở lại của án tử hình ở Hoa Kỳ. Đầu tiên phải kể đến những thành viên của Tối Cao Pháp Viện. Đa số những thẩm phán này theo phe bảo thủ và không ủng hộ việc ân xá vào phút chót. Ngoài ra, môi trường chính trị cũng là điều cần phải đề cập đến. Vào thời điểm đất nước đang muốn tỏ ra cứng rắn về các vấn đề an ninh, các thống đốc và tổng chưởng lý bên đảng Cộng Hòa thường sẽ không giảm án hay quan tâm đến sự khác biệt về chủng tộc giữa bồi thẩm đoàn và bị cáo. Ở Nam Carolina, những luật sư bào chữa cho Richard Moore đã lập luận rằng anh bị một bồi thẩm đoàn toàn người da trắng xét xử và tội sát hại một nhân viên cửa hàng mà anh phạm lẽ ra không phải nhận mức án tử hình nếu anh không phải là người da đen.
Một nguyên nhân khác khiến những vụ hành quyết gia tăng là sự đa dạng hóa của phương pháp tử hình. Cách đây 10 năm, các phòng thí nghiệm dược phẩm, chủ yếu ở Châu Âu, đã ngừng cấp phép cho Mỹ sử dụng thuốc của họ để tiêm cho tử tù. Tuy nhiên, những bang vẫn áp dụng án tử hình đã tìm ra những hợp chất mới để tiếp tục hành quyết tù nhân. Một số bang hiện đang xem xét sử dụng fentanyl và ketamine. Vào tháng 07/2022, Alabama đã hành quyết một tử tù bằng cách cho người này hít khí nitơ, phương pháp bị Liên Hiệp Quốc lên án.
Trong những chiến dịch tranh cử năm 2016 và 2020, chủ trương của đảng Dân Chủ là "tiếp tục ủng hộ việc bãi bỏ án tử hình". Trong chiến dịch tranh cử năm 2020, chính ứng viên Joe Biden đã cam kết sẽ đấu tranh chống lại án tử hình, nhưng không mang lại kết quả cụ thể. Phó tổng thống Kamala Harris cũng chưa bày tỏ quan điểm về chủ đề này trong trường hợp đắc cử tổng thống.
Lụt lội kinh hoàng ở Tây Ban Nha
Nhìn sang Châu Âu, trang nhất của nhật báo thiên tả Libération chú ý đến hiện tượng mưa xối xả gây lũ tràn vào Valencia, bên bờ biển Địa Trung Hải, khiến ít nhất 158 người thiệt mạng và rất nhiều người mất tích. Chính quyền khu vực bị cáo buộc đã không lường trước được thảm kịch.
Đêm 29 rạng sáng 30/10, người dân của thành phố lớn thứ ba Tây Ban Nha (800.000 dân) đã trải qua một đêm kinh hoàng, sau những trận mưa xối xả khiến thành phố ngập trong nước. Ngày 30/10, các tuyến đường giữa Valencia với phần còn lại của Tây Ban Nha, như đường cao tốc, đường sắt hay đường hàng không, đều bị tê liệt. Lúc đi làm về, nhiều tài xế bị mắc kẹt trên đường.
Miguel, một tài xế xe tải, nói trên đài phát thanh khu vực : "Tôi bị kẹt trên đường cao tốc phía nam Valencia. Tất cả tài xế xe tải đều bất động, xe của họ bị lật. Tôi đã giải cứu nhiều đồng nghiệp, sau đó, cùng với những người khác, chúng tôi đi tìm trẻ em phải trèo lên những mái nhà ven đường".
Vừa trở về sau chuyến thăm chính thức Ấn Độ, thủ tướng Pedro Sánchez cảnh báo tình hình "thảm khốc" này có thể chưa kết thúc. Ông nói "sẽ không bỏ rơi người dân" và kêu gọi mọi người tiếp tục cảnh giác. Trước đó, vua Felipe VI đã bày tỏ "sự choáng ngợp trước những tin tức mới nhất" và gửi lời chia buồn tới gia đình của các nạn nhân.
Người Pháp tiếp tục hoài nghi về hiện tượng biến đổi khí hậu
Vẫn về biến đổi khí hậu, tờ Le Monde trích dẫn một cuộc khảo sát của tổ chức phi chính phủ Parlons Climat, cho biết những hoài nghi của người Pháp về nguồn gốc của hiện tượng hâm nóng toàn cầu không xuất phát từ sự thiếu hiểu biết hay mất lòng tin vào các nhà khoa học, mà đơn giản là họ không muốn thay đổi lối sống.
Điều này giống như một nghịch lý kỳ lạ, vào thời điểm các thảm họa khí hậu gia tăng, điển hình là trận lũ lụt tàn phá vùng đông nam Tây Ban Nha, số lượng những người hoài nghi về biến đổi khí hậu vẫn tiếp tục gia tăng. Tại Pháp, bất chấp việc phải đối mặt với lũ lụt, tình trạng nắng nóng liên tục gây ra hỏa hoạn, những thông điệp gieo rắc sự hoài nghi về nguồn gốc hoặc sự tồn tại của hiện tượng hâm nóng toàn cầu vẫn tràn lan ở khắp mọi nơi, từ mạng xã hội cho đến những hiệu sách.
Dân biểu Nghị Viện Châu Âu, Marion Maréchal, hôm 25/10, nhấn mạnh trên kênh BFMTV rằng "câu hỏi duy nhất cần được đặt ra là trách nhiệm của con người là gì" đối với hiện tượng trái đất bị nóng lên. Sau đó một hôm, trên kênh CNews, tổng biên tập của tạp chí Capital Social, Joseph Thouvenel, cũng đã khẳng định thế giới "luôn phải đối mặt với biến đổi khí hậu, kể cả từ thời Trung Cổ".
Tờ báo kết luận sự hoài nghi về biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến toàn xã hội. Tuy nhiên, nó mạnh hơn ở những người trên 65 tuổi, trong tầng lớp lao động, những người có trình độ học vấn thấp và có tư tưởng bảo thủ.
Phan Minh
Việc nhà hoạt động dân chủ Trần Huỳnh Duy Thức được nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do trước thời hạn có lẽ là một trong những vấn đề đã được nội các chính quyền Biden-Harris quan tâm và vận động từ năm 2021.
Trần Huỳnh Duy Thức đã về sum họp với gia đình ngày 21/9/2024, sau gần 16 năm trong nhà tù xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Dù đã có một số tù nhân lương tâm đã được trả tự do, được cho phép xuất cảnh đến Hoa Kỳ hoặc một số nước phương Tây trong vài năm qua, có thể thấy là việc thương lượng riêng cho trường hợp Trần Huỳnh Duy Thức đã không có kết quả cho đến khi Chủ tịch Tô Lâm chuẩn bị sang Mỹ sắp tới.
Để chứng minh cho nhận định này, có lẽ cần quay lại chuyến công du của Phó Tổng thống Kamala Harris, phó tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên sang Việt Nam kể từ sau bang giao giữa hai quốc gia vào tháng 8/2021.
Trước khi bà Kamala Harris sang Việt Nam, tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đã đăng tải thông cáo về quan hệ đối tác toàn diện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trên trang mạng của mình (Tờ thông tin : Tăng cường quan hệ đối tác toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam), trong đó vấn đề về nhân quyền và xã hội dân sự được viết theo sau :
"Nhân quyền và xã hội dân sự : Chính quyền Biden-Harris coi nhân quyền là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Theo đó, trong thời gian thăm Việt Nam, Phó Tổng thống Harris đã nhấn mạnh vai trò thiết yếu của xã hội dân sự đối với sự phát triển toàn cầu.
Thúc đẩy xã hội dân sự và vận động chính sách cấp cơ sở : Hoa Kỳ ủng hộ xã hội dân sự của Việt Nam và vận động cho quyền tự do ngôn luận, tín ngưỡng và lập hội ở Việt Nam – quan điểm mà Phó Tổng thống Harris đã bày tỏ tại các cuộc gặp với lãnh đạo Chính phủ. Ngoài ra, Phó Tổng thống Harris sẽ tổ chức một cuộc gặp mặt vào ngày 26 tháng 8 với đại diện của các nhóm vận động cấp cơ sở, tại đây bà sẽ nhấn mạnh vai trò quan trọng của xã hội dân sự như một động lực của phát triển bền vững và thịnh vượng toàn diện".
Vấn đề nhân quyền là một cản trở lớn trong việc nâng cấp quan hệ hai bên, được Giáo sư Carl Thayer chỉ ra trong chuyến đi của Phó Tổng thống Kamala Harris rằng : "Một trong những vấn đề là nhân quyền, vì bà Harris thuộc Đảng Dân Chủ và bà là một người cấp tiến. Tôi được những viên chức quốc phòng Hoa Kỳ cho biết rằng vấn đề nhân quyền đã được Bộ trưởng Austin nêu lên" (1).
Và bà Harris đã không ngần ngại trao đổi về các vấn đề được xem là "tế nhị" này ngay tại Việt Nam. Theo bản tin đăng ngày 26/8/2021, RFA tường trình và dẫn lời bà Harris như sau : "Tại cuộc họp báo vào chiều ngày 26/8 ở Hà Nội, bà Harris khẳng định : "Tôi cũng nêu vấn đề nhân quyền trong các cuộc họp của mình và nói rõ tầm quan trọng mà Hoa Kỳ đặt ra đối với nhân quyền. Chúng tôi sẽ luôn sống đúng với giá trị của mình và sẽ không né tránh lên tiếng ngay cả khi những cuộc trò chuyện đó có thể khó thực hiện và có lẽ khó nghe".
Ngày 25/8/2021, Phó Tổng thống Kamala Harris đến đặt hoa tại khu tưởng niệm Thượng nghị sĩ John McCain, nơi chiến đấu cơ của ông bị bắn hạ tại hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam.
Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, hay với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nói chung, thì vấn đề nhân quyền và dân chủ luôn được các nội các phía đảng Dân Chủ đặt ra và vận động, thương lượng trong các mối quan hệ song phương.
Đồng thời phía Dân Chủ cũng lên tiếng mạnh mẽ trong vấn đề tự do hàng hải, lên án thái độ hiếp đáp của Trung Quốc trong khu vực, thay vì chỉ chú trọng riêng vấn đề giao dịch thương mại.
Trong cùng thông cáo từ Đại sứ quán Hoa Kỳ đã dẫn, Hoa Kỳ cũng tuyên bố thông qua chuyến công du của bà Kamala Harris rằng, "Mối quan hệ an ninh giữa hai nước đã mở rộng mạnh mẽ trong khi Hoa Kỳ ủng hộ nền độc lập và chủ quyền của Việt Nam, nhất là ở lĩnh vực hàng hải... Hoa Kỳ ủng hộ Việt Nam tăng cường khả năng thực thi pháp luật và an ninh biển của mình".
Tại Việt Nam, bà Harris thẳng thắn bày tỏ quan điểm về Trung Quốc rằng, "Chúng ta cần tìm cách gây áp lực và gia tăng áp lực một cách thẳng thắn rằng, Bắc Kinh phải tuân thủ công ước quốc tế về luật biển, đồng thời thách thức hành vi bắt nạt và yêu sách hàng hải quá đáng của họ".
Cam kết về vấn đề dân chủ và nhân quyền, cùng các yêu cầu và áp lực phía Việt Nam trao trả tự do cho các tù nhân lương tâm của bà Kamala Haris đã được Trần Huỳnh Duy Thức tái xác nhận. Trên trang facebook Trần Huỳnh Duy Thức, thông điệp của anh được gia đình đưa lên mạng vào ngày 15/9/2024, chỉ vài ngày trước khi anh được trả tự do, được viết nguyên văn theo sau :
"Hoa Kỳ rất quan tâm tù chính trị Việt Nam
Ngày 28/8 vừa rồi, một phái đoàn của chính phủ Mỹ đã bay trực tiếp từ thủ đô Washington DC để vào Trại 6 gặp tù nhân lương tâm Bùi Văn Thuận.
Phái đoàn Đại sứ quán Mỹ sẽ quay trở lại gặp Thức, thông báo là Thức cần gặp gấp.
Ngày 3/11/2021 đại diện Tòa đại sứ Mỹ ông Mathern Stannard đã vào Trại 6 thăm Thức theo lệnh của bà Phó Tổng thống Kalama Harris, hôm đó hai bên đã có những trao đổi thú vị.
Mỹ đang tấp cập triển khai để hoàn thành các đích nhắm của chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương tự do và cởi mở trong một đích nhắm trong đó là thúc đẩy để Việt Nam bước thành công vào quỹ đạo dân chủ để liên minh quốc phòng vì hòa bình và thịnh vượng cho cả hai nước và trên thế giới. Trong đích nhắm nầy hẳn là Mỹ sẽ phải chú tâm đến mục tiêu hỗ trợ cho lực lượng đối lập ôn hòa".
Với một vài điều đã dẫn bên trên, nếu đắc cử tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11 tới đây, có thể thấy là Phó Tổng Thống Kamala Harris sẽ tiếp tục theo đuổi các chính sách ngoại giao với Việt Nam tương tự như các nội các đảng Dân Chủ tiền nhiệm.
Bên cạnh việc giúp đỡ, viện trợ về y tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật, đầu tư, tạo công ăn việc làm cho người dân Việt Nam, tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng với chính phủ Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia trước thái độ bá quyền của Trung Quốc trong khu vực, Hoa Kỳ đồng thời vẫn sẽ tiếp tục sử dụng các quy chế thương mại để thương lượng, thúc đẩy vấn đề dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam.
Những điều này hoàn toàn có lợi cho người dân Việt Nam và phong trào dân chủ tại Việt Nam.
Nhã Duy
(21/09/2024)
(1) Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin công du Việt Nam vào tháng 7/2021.
Kamala Harris chính thức trở thành ứng viên tổng thống đảng Dân chủ
Trọng Thành, RFI, 23/08/2024
Hôm 22/08/2024, tại Đại hội đảng Dân chủ Mỹ ở Chicago, phó tổng thống Kamala Harris đã chính thức chấp nhận đề cử của đảng, ra tranh cử tổng thống chống lại ứng viên đảng Cộng Hòa Donald Trump. Theo giới quan sát, đoàn kết và bảo vệ "nền dân chủ", "chống độc tài" là thông điệp chính trong bài diễn văn 40 phút của ứng viên Kamala Harris.
Ứng viên tổng thống, phó tổng thống Kamala Harris tại Đại hội dảng Dân chủ Hoa Kỳ, Chicago, ngày 22/08/2024. AP - Jacquelyn Martin
Ứng cử viên chính thức của đảng Dân chủ Kamala Harris cam kết nếu trở thành tổng thống, bà sẽ là một nhà lãnh đạo "lắng nghe dân", "luôn tranh đấu vì người dân Mỹ". Bà khẩn thiết kêu gọi cử tri sử dụng "cơ hội quý giá" của cuộc bầu cử này để đoàn kết lại, chọn cho nước Mỹ "một con đường mới", vượt qua "những chia rẽ đối đầu của quá khứ".
Về chính sách đối ngoại, theo AFP, Kamala Harris nhấn mạnh "kiên quyết đứng về phía Ukraina, và các đồng minh NATO", nỗ lực để chấm dứt chiến tranh tại dải Gaza, và sẽ không có "các quan hệ bạn hữu với các chế độ độc tài", một chỉ trích trực tiếp nhắm vào Donald Trump.
Thông tín viên Guillaume Naudin tường trình từ Washington :
Như thường lệ Kamala Harris xuất hiện trên nền ca khúc "Freedom/Tự do" của Beyoncé. Kamala Harris bắt đầu với câu chuyện về cuộc đời của bà, về tuổi thơ, về người mẹ đến từ Ấn Độ, đã một mình nuôi dậy Kamala và người em gái. Chính tuổi thơ gần gũi với những người nghèo khó đã thúc đẩy bà trở thành công tố viên.
Bà nói : "Ngày nào cũng vậy, tại tòa án, trước hội đồng thẩm phán, tôi tự hào tuyên thệ với năm chữ : "Kamala Harris vì Nhân dân ! Tôi muốn nói rõ là, suốt sự nghiệp của mình, tôi chỉ có một đối tượng phục vụ duy nhất, đó là Nhân dân".
Ứng viên của Nhân dân ra tranh cử chống lại Donald Trump, người mà Kamala Harris cảnh báo, nếu đắc cử sẽ gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng. Bà nói : "Hãy hình dung là Donald Trump, nếu không bị ai kiềm chế, sẽ sử dụng quyền lực vô cùng lớn của tổng thống Hoa Kỳ như thế nào ? Không phải để cải thiện cuộc sống của quý vị, không phải để tăng cường an ninh của đất nước, mà chỉ để phục vụ một đối tượng duy nhất : đó là chính ông ta".
Viễn cảnh ấy là điều mà Kamala Harris bác bỏ. Và cùng với đám đông nhiệt huyết hoàn toàn đặt niềm tin vào nữ ứng cử viên tổng thống, bà hô vang lời hiệu triệu : "Chúng ta sẽ không lùi bước !" (We’re not going back !).
Trọng Thành
****************************
Bà Kamala Harris chính thức chấp nhận đề cử làm ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ
Reuters, VOA, 23/08/2024
Tối 22/8, Phó Tổng thống Kamala Harris tìm cách tái khẳng định bản thân bà và tạo ra sự tương phản rõ rệt với ông Donald Trump của đảng Cộng hòa khi bà chấp nhận đề cử làm ứng cử viên tổng thống năm 2024 của đảng Dân chủ.
Phó Tổng thống Kamala Harris phát biểu tại Đại hội Toàn quốc của đảng Dân chủ, Chicago, ngày 22/8/2024.
"Thay mặt cho tất cả những người có câu chuyện chỉ có thể được viết ở quốc gia vĩ đại nhất trên trái đất, tôi chấp nhận đề cử của quý vị cho chức tổng thống Hoa Kỳ", bà Harris nói trước tiếng hò reo của các đảng viên đảng Dân chủ tại đại hội toàn quốc của họ.
Bà Harris nổi lên với tư cách là ứng cử viên Đảng Dân chủ cách đây chưa đầy một tháng khi các đồng minh của Tổng thống Joe Biden, 81 tuổi, áp lực ông phải bỏ cuộc đua. Nếu thành công, bà sẽ làm nên lịch sử với tư cách là người phụ nữ đầu tiên được bầu làm tổng thống Mỹ.
Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ kéo dài bốn ngày đã thu hút một số tên tuổi lớn trong lĩnh vực chính trị và âm nhạc.
Vào đêm cuối cùng và được mong đợi nhất của đại hội, Trung tâm United của Chicago tràn ngập năng lượng – và con người. Nhà thi đấu với 23.500 chỗ ngồi được lấp đầy và nhân viên nhà thi đấu đã nhanh chóng chặn người vào thêm bên trong, đồng thời cho biết cảnh sát cứu hỏa thành phố đã tuyên bố tòa nhà đã hết công suất.
Một phát ngôn viên của Nhà Trắng cho biết ông Biden gọi điện cho bà Harris để chúc bà may mắn trước bài phát biểu của mình.
Ám chỉ đến lối hùng biện gây chia rẽ mà ông Trump đã sử dụng trong chiến dịch tranh cử, bà Harris cam kết sẽ "trở thành tổng thống của tất cả người Mỹ".
Bà Harris đã đưa ra một loạt ý kiến trái ngược với ông Trump, cáo buộc ông không đấu tranh cho tầng lớp trung lưu, lên kế hoạch thực hiện tăng thuế thông qua các đề xuất thuế khoá của mình và đã tiến hành chấm dứt quyền phá thai theo hiến pháp nhờ vào những bổ nhiệm vào Tối cao Pháp viện của ông.
Bà Harris lưu ý đến phán quyết gần đây của Tòa án Tối cao về quyền miễn trừ của tổng thống và những rủi ro sẽ xảy ra nếu ông Trump giành lại quyền lực.
"Hãy tưởng tượng ông Donald Trump không có lan can bảo vệ", bà nói.
Ông Trump, người đã hứa sẽ phản hồi ngay sau bài phát biểu của bà Harris, vừa đăng một loạt tin nhắn trên mạng Truth Social khi bà nói về ông, bao gồm : "Bà ấy đại diện cho sự kém cỏi và yếu đuối - Đất nước của chúng ta đang bị cả thế giới cười nhạo !" và "Bà ấy sẽ không bao giờ được những Bạo chúa của Thế giới tôn trọng !".
Gần 4 năm làm phó tổng thống
Từng là tổng chưởng lý California, tham vọng tổng thống của bà Harris đã tỏ rõ trong nhiều năm qua, nhưng những nỗ lực ấy đã thất bại trong chiến dịch tranh cử năm 2020 đầy biến động của chính bà và những va chạm trong suốt gần 4 năm làm phó tổng thống của bà.
"Với cuộc bầu cử này, đất nước chúng ta có một cơ hội quý giá để vượt qua những trận chiến cay đắng, hoài nghi và chia rẽ trong quá khứ. Một cơ hội để vạch ra một 'Con đường mới' phía trước. Không phải với tư cách là thành viên của bất kỳ đảng phái hay phe phái nào, mà với tư cách là người Mỹ", bà nói.
Đám đông đảng Dân chủ phát cuồng vì Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, người đã xúc động và lau nước mắt. Bà Warren, người đã tự mình tranh cử vào Nhà Trắng vào năm 2020, đã đưa ra lời tán thành nhiệt liệt đối với bà Harris khi bà coi ông Trump là "kẻ phạm tội".
Các nạn nhân của bạo lực súng đạn, trong đó có cựu Dân biểu Hoa Kỳ, Gabby Giffords, cũng xuất hiện.
Cựu Dân biểu Hoa Kỳ Adam Kinzinger, một trong 10 thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã bỏ phiếu luận tội Tổng thống Trump khi đó, là một trong số những thành viên đảng Cộng hòa phát biểu tại đại hội chống lại ông Trump.
Ông Kinzinger nói : "Dân chủ không phân biệt đảng phái" và nói với các thành viên Cộng hòa của mình rằng "Đảng Dân chủ cũng yêu nước như chúng ta. Họ yêu đất nước này nhiều như chúng ta".
Nguồn : VOA, 23/08/2024
Đại hội đảng Dân chủ toàn quốc (Democratic National Convention – DNC) vừa kết thúc sau bốn ngày tổ chức tại Chicago. Nếu những người Dân chủ hay cử tri độc lập vẫn còn hoài nghi sự tiến cử Phó Tổng thống Kamala Harris vào cương vị ứng viên tổng thống một cách bất ngờ vào phút chót trong cuộc bầu cử tới, thì qua kỳ đại hội này đã có thể mang đến cho họ một sự lạc quan và hy vọng hơn.
Những người Dân chủ và cử tri độc lập đã có thể lạc quan và hy vọng vào ứng cử viên đảng Dân chủ, Kamala Harris.
Đại hội đã cho thấy phía đảng Dân chủ một lòng đoàn kết và hậu thuẫn bà Kamala Harris. Hầu hết những cấp lãnh đạo tiền nhiệm và đương nhiệm cao nhất trong đảng đều tham dự và phát biểu, điều mà đại hội đảng Cộng hòa hồi tháng trước đã không có được. Không những vậy, ban tổ chức Đại hội còn mời được cả những đảng viên kỳ cựu phía đảng Cộng hòa tham gia phát biểu, trong đó có những nhân vật từng phục vụ thân cận trong nội các cựu Tổng thống Donald Trump, ứng viên tổng thống phía đảng Cộng hòa năm nay.
Với chủ đề "Vì dân, vì tương lai chúng ta" cho cả đại hội, các diễn giả tại Đại hội lần lượt trình bày các vấn đề liên quan đến quyền tự do, dân quyền của người dân, dân chủ và công lý cho xã hội, cùng các chính sách an sinh xã hội, sự phát triển và thịnh vượng cho tương lai nước Mỹ. Và tất nhiên, nêu bật quá trình phục vụ cùng khả năng lẫn phẩm cách một lãnh đạo Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ khi ủng hộ và kêu gọi bầu cho liên danh Kamala Harris - Tim Walz.
Cổ súy và thực hiện tinh thần đoàn kết quốc gia, phía đảng Dân chủ đã không, hoặc rất ít, chỉ trích nhắm vào những người Cộng hòa. Tuy nhiên họ tấn công trực diện vào cựu Tổng thống Donald Trump, thay cho sự ôn hòa, né tránh trước kia. Không nhắm vào các vấn đề cá nhân mà các diễn giả phía Dân chủ hầu như đã đồng loạt phô bày trọn vẹn chân dung một Donald Trump qua các dữ liệu và thực tế về các chính sách lẫn tư cách lãnh đạo của ông ta, xem Donald Trump là một cản trở cho tiến trình dân chủ và phát triển của nước Mỹ. Sự cô lập của Hoa Kỳ về kinh tế và đối ngoại trong các chính sách của ông được các diễn giả phân tích là ngăn cản sự phát triển của nước Mỹ, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia cũng như gây thêm khó khăn cho người dân trước tình trạng lạm phát gia tăng toàn cầu do dịch bệnh và chiến tranh trong vài năm qua.
Các diễn giả cũng lên án Dự án 2025 của tổ chức Heritage Foundation qua cương lĩnh dành cho nhiệm kỳ tổng thống tới của ứng viên đảng Cộng hòa. Cương lĩnh này đề nghị dùng quân đội trấn áp người dân, kiểm duyệt báo chí và xóa bỏ Bộ Giáo dục cùng nhiều cơ quan chính phủ khác, cắt giảm ngân sách về an ninh nội địa và dân sinh, tư nhân hóa hệ thống y tế, giáo dục Hoa Kỳ... Cương lĩnh này cực đoan và vấp phải sự chỉ trích của người dân Mỹ đến độ Donald Trump và ban tranh cử của ông phủ nhận sự can dự. Hầu hết các thành viên soạn thảo cương lĩnh này đã hay được dự đoán sẽ phục vụ nội các của Donald Trump một khi ông đắc cử. Thống đốc Tim Walz trong diễn từ chấp nhận sự tiến cử vào cương vị ứng viên phó tổng thống nói rằng, không có cương lĩnh nào được soạn thảo công phu để rồi không sử dụng.
Trong phát biểu của mình, cựu Trung tá Không quân đồng thời là cựu dân biểu liên bang thuộc đảng Cộng hòa là Adam Kinzinger đã bày tỏ sự cảm nhận của mình về Đại hội đến những người Cộng hòa đồng đảng của mình theo sau : "Tôi muốn nói với những người Cộng hòa của tôi rằng, những người Dân chủ cũng ái quốc như chúng ta, họ yêu đất nước này cũng nhiều như chúng ta. Và họ tha thiết bảo vệ những giá trị Mỹ trong và ngoài nước như những người bảo thủ chúng ta đã từng...". Ông sử dụng chữ "đã từng" khi thất vọng trước một đảng Cộng hòa với những giá trị truyền thống mà ông từng theo đuổi và nay chỉ còn phục vụ cho Trump.
Tương tự vậy, cựu phó Thống đốc tiểu bang Georgia là Geoff Ducan cũng phát biểu rằng, ông là người Cộng hòa nhưng đến dự trong tư cách một người Mỹ. Một người Mỹ quan tâm đến tương lai quốc gia hơn là tương lai Donald Trump. Ông không đồng tình với mọi chính sách của bà Kamala Harris nhưng kêu gọi người Cộng hòa không đồng tình với Donald Trump và cử tri độc lập hãy bỏ phiếu cho bà Kamala Harris. Ông nói, "Nếu bầu cho bà Kamala Harris trong năm 2024 này, quý vị không phải thành người Dân chủ mà quý vị là những người ái quốc".
Trong đêm cuối cùng của Đại hội, Phó Tổng thống Kamala Harris đã có diễn từ chấp nhận sự đề cử của đảng Dân chủ và đưa ra các kế hoạch hành động một khi đắc cử. Những thước phim đi cùng đã cho cử tri thấy rõ ràng hơn một chân dung và hành trình phục vụ trong lãnh vực công quyền lâu dài của bà, từ vai trò đứng đầu ngành tư pháp của tiểu bang lớn nhất nước Mỹ cho đến nhà lập pháp liên bang, hành pháp quốc gia, bà Haris dường như đã có được sự chuẩn bị, thử thách và sẳn sàng cho vai trò lãnh đạo quốc gia và thế giới.
Theo lời cựu Đệ nhất phu nhân Michelle Obama, Phó Tổng thống Kamala Harris và Thống đốc Tim Walz có thể phạm lỗi lầm, nhưng họ xứng đáng là những người lãnh đạo quốc gia và phục vụ người dân từ quá trình và tinh thần quốc gia của họ.
Có ít nhất là sáu nghiệp đoàn nhân công lớn cùng các nghiệp đoàn giáo chức liên bang, tiểu bang tại Mỹ với hàng chục triệu thành viên đã tham gia phát biểu tại Đại hội hay ra tuyên cáo ủng hộ bà Kamala Harris.
Các số liệu theo dõi về số lượng người xem truyền hình từ Nielsen cho biết đã có khoảng hơn 20 triệu người xem Đại hội hàng đêm trên các hệ thống truyền hình chính tại Mỹ, trong đó đêm Đại hội cuối cùng là trên 26 triệu khán giả.
Những người Dân chủ chia sẻ sự xúc động lẫn tự hào khi theo dõi Đại hội sống động và trẻ trung, chan chứa những giá trị và thông điệp tự do, nhân bản và bác ái, khơi dậy lòng yêu nước nồng nàn đến người tham dự và hàng triệu người theo dõi qua truyền hình và mạng xã hội. Những tiếng hò reo "USA, USA, USA" vang dội trong suốt bốn ngày đại hội cho thấy tinh thần và sự phấn khích, củng cố tinh thần và niềm tin của những người phía đảng Dân chủ, dù những tư tưởng cấp tiến này khó có thể được những người ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump chấp nhận. Nhưng điều quan trọng mà phía đảng Dân chủ kỳ vọng là họ có thể thuyết phục được giới trẻ cùng những cử tri độc lập hay các cử tri Cộng hòa không chấp nhận Donald Trump bỏ phiếu cho liên danh.
Nhìn ở quan điểm chính trị nào thì Đại hội năm nay có lẽ cũng xứng đáng để những nhà hoạt động dân chủ và dân quyền tại các quốc gia thiếu dân chủ khác, và ngay tại Việt Nam có thể xem và học hỏi ít nhiều về tinh thần quốc gia cùng những nguyên tắc và giá trị dân chủ và tự do của các đảng phái chính trị lớn tại Mỹ.
Nếu cả hai bên Cộng hòa và Dân chủ đều xem đây là một "trận chiến" thì chỉ còn hơn hai tháng nữa, nước Mỹ và thế giới sẽ biết được kết quả của trận chiến cam go giữa những người ủng hộ Donald Trump từ phía đảng Cộng hòa và những người ủng hộ những nguyên tắc và nền tảng quốc gia ở phía đảng Dân chủ.
Người dân Mỹ đã đến lúc có thể phá vỡ những định kiến và rào cản từ ngày lập quốc cho đến nay hay chưa, khi chọn lựa một nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ thì Đại hội đảng Dân chủ năm nay đã mang cho những người Dân chủ niềm hy vọng đó.
Nhã Duy
(24/08/2024)
Bầu cử tổng thống Mỹ : Kamala Harris – luồng gió mới của đảng Dân Chủ
Bầu cử tổng thống Mỹ 2024, chiến tranh Ukraine, tình hình ở Bangladesh là những chủ đề chính được các tờ báo Pháp quan tâm hôm 06/08/2024.
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris vận động tranh cử ở Atlanta, bang Georgia, Hoa Kỳ, ngày 30/07/2024. Reuters - Dustin Chambers
Trang nhất và bài xã luận của tờ Libération nhận định dường như phép nhiệm mầu mà các cử tri đảng Dân Chủ muốn có đã xuất hiện. Kamala Harris đang thu hút được đám đông, ít nhất vào thời điểm hiện tại. Và đột nhiên mọi chuyện đều có thể xảy ra, kể cả việc đánh bại Donald Trump, tưởng chừng như đã thẳng tiến trở lại vào Nhà Trắng. Mọi người đều cảm nhận được một luồng gió mới khi chứng kiến người phụ nữ có cá tính, với nước da ngăm đen, với một nụ cười ưa nhìn và (tương đối) trẻ này, đảm nhận vai trò ứng viên tổng thống một cách nhanh chóng và tự nhiên đến vậy. Dường như mọi căng thẳng bên đảng Dân Chủ, tích tụ trong những tháng gần đây khi chứng kiến một Joe Biden suy yếu rõ rệt và hiển nhiên không còn khả năng tiếp tục tranh cử, đột ngột tan biến. Nhật báo thiên tả tỏ ra phấn khởi khi nhận định cử tri Mỹ có thể giúp cho mọi người không rơi vào một thế giới do Trump, Putin và Tập thống trị, và mọi người nên tranh thủ tận hưởng khoảnh khắc xán lạn này.
Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn chưa ngã ngũ. Còn 3 tháng nữa mới diễn ra cuộc bầu cử tổng thống, và đó là khoảng thời gian dài đối với một người chưa quen với việc xuất hiện ở tuyến đầu. Từ nay đến ngày 05/11, mọi lời nói và cử chỉ của Kamala Harris sẽ bị soi xét và mổ xẻ kỹ lưỡng. Đương kim phó tổng thống về cơ bản không được biết đến nhiều, nhưng Libération cho rằng đó có thể sẽ là một lợi thế, khi giới truyền thông hay chính cử tri đều cảm thấy tò mò về Harris, giúp cho bà thu hút sự chú ý, trong khi Trump không chắc nhận được sự quan tâm tương tự, bởi mọi người đã quá biết về ông. Vai trò của Kamala Harris chưa bao giờ được nêu bật trong nhiệm kỳ tổng thống của Joe Biden. Nhiều người đánh giá bà không đủ năng lực để làm nhiều hơn thế, nhưng cũng có thể diễn giải rằng lòng trung thành của bà đối với tổng thống không hề lay chuyển.
Giờ đây, Kamala Harris sẽ phải giải quyết rất nhiều hồ sơ hóc búa, trong đó có xung đột ở Trung Đông, một vấn đề mà Joe Biden đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì lập trường trung dung, khi ông bị "mắc kẹt" giữa một nhóm cử tri trẻ tuổi thuộc phe Dân Chủ rất ủng hộ Palestine với một thành phần cử tri có tuổi vốn rất lo lắng cho sự an nguy của Israel. Việc lựa chọn người đứng liên danh phù hợp sẽ là bài toán đầu tiên của Kamala Harris, trong bối cảnh dường như Donald Trump đã nhận ra quá muộn rằng ông chưa hẳn đã chọn được người tối ưu để hỗ trợ mình trong chiến dịch vận động tranh cử. Tờ báo kết luận Kamala Harris biết phải làm gì để không rơi vào tình trạng tương tự.
Chiến tranh Ukraine : Chiến đấu cơ F-16 không phải là "phép mầu"
Nhìn sang Ukraine, nhật báo Le Monde dành tranh nhất lo lắng về những hệ lụy của một cuộc chiến tiêu hao. Chính quyền Kiev, hôm 04/08, tuyên bố đã nhận được những chiến đấu cơ F-16 đầu tiên như các đồng minh đã hứa cách đây một năm. Nhưng những máy bay chiến đấu do Mỹ sản xuất này dường như không đủ để giúp cho Ukraine thay đổi cục diện trên chiến trường.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không cho biết cụ thể đã nhận được bao nhiêu máy bay, nhưng ông đánh giá số lượng máy được giao là "không đủ" và kêu gọi các đồng minh "cung cấp thêm". Trên thực tế, bất chấp tầm quan trọng của chiến đấu cơ này, nhiều chuyên gia cho rằng khả năng F-16 có thể phá vỡ bế tắc trong cuộc chiến tiêu hao giữa Nga và Ukraine không hề chắc chắn.
Mặc dù những chiếc F-16 có thể cho phép Kiev tấn công lực lượng Nga trên bộ ở cự ly 900 km sau tiền tuyến, nhưng không gì có thể khẳng định các chiến đấu cơ này có khả năng vô hiệu hóa nhanh chóng những máy bay Nga thả những quả bom có sức tàn phá khủng khiếp xuống Ukraine. Các đồng minh đã hứa cung cấp 90 chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine, nhưng tiến trình này kéo dài trong vài năm.
Ngoại trưởng Na Uy Espen Barth Eide nhận định trên tờ Wall Street Journal hôm 30/07 rằng "F-16 là sự bổ sung quan trọng đối với Ukraine, nhưng một mình chiến đấu cơ này không thể làm thay đổi cục diện trên chiến trường". Elie Tenenbaum, giám đốc trung tâm nghiên cứu an ninh của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, vừa từ Kiev trở về, cũng cho biết hôm 09/07 rằng "về mặt chiến thuật, hai bên vẫn chưa thể thoát khỏi tình trạng bế tắc quân sự".
Hơn một năm sau cuộc phản công bất thành của Ukraine, viễn cảnh Kiev tìm được một bước đột phá dường như đang ngày càng bị bao phủ bởi một lớp sương mù dày đặc.
Thủ tướng Bangladesh "bỏ của chạy lấy người"
Nhìn sang Bangladesh, trang nhất của nhật báo kinh tế Les Echos chú ý đến sự kiện thủ tướng Sheikh Hasina, hôm 05/08, từ chức và bỏ trốn sau khi đất nước đã trải qua nhiều tuần trong tình trạng hỗn loạn, với những cuộc đụng độ đẫm máu giữa chính quyền và người biểu tình. Trong khi đó, lãnh đạo quân đội đất nước tuyên bố sẽ thành lập một chính phủ lâm thời.
Việc bà Hasina từ chức chấm dứt thời kỳ bất ổn kéo dài ở Bangladesh. Trong vài tuần, các cuộc biểu tình lớn đã nổ ra, kêu gọi bà từ chức, trong bối cảnh tình trạng thất nghiệp và chủ nghĩa độc tài của "Bà đầm sắt" vùng Bengal hoành hành.
Bị dồn vào chân tường, Hasina không còn cách nào khác là phải từ chức sau khi tình hình vượt tầm kiểm soát. Nội trong ngày 04/08, đã có 94 người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với cảnh sát – con số thương vong thường nhật cao nhất kể từ khi các cuộc đụng độ bất đầu vào ngày 01/07 giữa phe phản đối thủ tướng và nhân viên công lực.
Mọi thứ biến đổi chóng mặt vào hôm qua, khi hàng trăm nghìn người biểu tình đã phớt lờ lệnh giới nghiêm và tập trung về thủ đô Dacca, biến nơi này thành một chiến trường thực sự. Các cuộc đụng độ bạo lực với cảnh sát tái diễn, khiến ít nhất 56 người thiệt mạng. Đám đông đã dùng búa đập phá các bức tượng người lập quốc và là thân phụ của Sheikh Hasina, ông Mujibur Rahman.
Bị bất ngờ, bà Hasina cuối cùng được đưa ra khỏi phủ thủ tướng và rời Dacca bằng trực thăng vào giữa ban ngày. Hình ảnh được các đài truyền hình trong nước chiếu lại sau đó cho thấy một đám đông kích động cầm gậy xông vào dinh thủ tướng, làm vỡ cửa sổ và tiến vào đập phá các phòng làm việc. Một số người đã lấy đi đồ nội thất và cây xanh. Một số khác tự chụp ảnh cho thấy mình nằm trên giường trong dinh thự. Cùng lúc đó, một nhóm những người biểu tình khác tiến vào khuôn viên nhà Quốc hội và đập phá.
Ấn Độ, đồng minh của Bangladesh, có thể sẽ là nơi ẩn náu của cựu thủ tướng Bangladesh. Bà Sheikh Hasina đã từng ẩn náu ở New Delhi sau cuộc đảo chính quân sự và vụ ám sát thân phụ bà vào năm 1975. Nhưng một số nguồn tin được AFP và Bloomberg trích dẫn cho rằng điểm đến cuối cùng của Sheikh Hasina sẽ là Luân Đôn, Anh Quốc.
Olympic Paris 2024 : Duplantis trên đỉnh thế giới
Về Thế Vận Hội Paris 2024, trang nhất của nhật báo thiên hữu Le Figaro chạy tựa "Duplantis trên đỉnh thế giới". Vận động viên nhảy sào người Thụy Điển, hôm qua, đã đi vào lịch sử bộ môn của mình. Vào thời điểm môn chạy nội dung 800 mét nữ đã có kết quả cũng như việc Duplantis đã chắc chắn giành được tấm huy chương vàng Olympic thứ nhì sau Thế Vận Hội Tokyo cách đây 3 năm, vận động viên người Thụy Điển nhận được toàn bộ sự chú ý của khán giả có mặt ở Stade de France. Đầu tiên, Armand Duplantis hâm nóng bầu không khí sân vận động sau khi vượt qua mức sào 6,10m ở lần nhảy đầu tiên, giúp anh phá vỡ kỷ lục Olympic do chính anh xác lập ở Nhật Bản (6,02m).
Giờ đây, mục tiêu của Duplantis là phá vỡ kỷ lục thế giới của mình (6,24m) với mức sào 6,25m. Sau hai lần nhảy thất bại đầu tiên, anh đã thành công trong lần nhảy thứ bà và lập kỷ lục thế giới thứ chín trong sự nghiệp, khi mới chỉ 24 tuổi.
Tỷ lệ phụ nữ Pháp cho con bú sữa mẹ gia tăng
Về lĩnh vực xã hội, nhật báo công giáo La Croix dành trang nhất chú ý đến hiện tượng ngày càng có nhiều phụ nữ Pháp cho con bú, theo khảo sát của Public Health France, được công bố nhân Tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ, từ ngày 01 đến ngày 07/08.
Tỷ lệ cho con bú sữa mẹ tăng lên ở Pháp phản ánh sự thay đổi về nhận thức. Ngày nay, theo khảo sát nói trên, 77% bà mẹ Pháp cho con bú, tức tăng 3% trong vòng 10 năm qua. Đây là một tiến bộ nhỏ của Pháp, bởi xứ lục lăng vẫn bị "thụt lùi" so với các nước Châu Âu khác. Nghiên cứu nhấn mạnh "hầu hết các quốc gia Châu Âu khác có tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ khi sinh ở trên mức 80%".
Séverine Gojard, chuyên gia tại Viện nghiên cứu nông nghiệp quốc gia, thực phẩm và môi trường (INRAE) và là tác giả cuốn sách "Le Métier de Mère" (Nghề của người mẹ) nhận định "phụ nữ học thức càng cao, thì càng ý thức cho con bú sữa mẹ". Còn đối với tầng lớp lao động, "phụ nữ gốc nhập cư ý thức cho con bú hơn người Pháp, do truyền thống gia đình và thói quen văn hóa". Trong khi đó, gần 1/4 phụ nữ Pháp không cho con bú, trong bối cảnh sữa mẹ được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến khích mạnh mẽ, ít nhất là cho đến khi đứa trẻ được 6 tháng tuổi. Mặc dù vậy, đã có những tiến bộ lớn trong 50 năm qua khi vào năm 1970 chỉ có 36% phụ nữ Pháp cho con bú sữa mẹ, bởi từ những năm 1930, sữa bột của hai tập đoàn Nestlé và Guigoz đã tràn ngập các hiệu thuốc ở Pháp. Cùng lúc đó, hai công ty này quảng cáo rầm rộ về tính hiệu quả của sữa bột.
Marie-France Morel, nhà sử học và đồng tác giả cuốn sách "Accueillir le nouveau-né, d’hier à aujourd’hui" (Đón nhận bé sơ sinh, hô qua và hôm nay) nhắc lại "các bác sĩ khuyên nên dùng bình để kiểm soát liều lượng và tránh cho bé ăn quá nhiều. Ngoài ra, còn có những lý thuyết cho rằng sữa mẹ thay đổi theo cảm xúc của người phụ nữ". Nếu tức giận, người mẹ có thể sẽ nghĩ rằng sữa của mình bị giảm chất lượng và gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của đứa con.
Phan Minh
Tầm vóc nguyên thủ : Thách thức của bà Kamala Harris
Hầu như chắc chắn sẽ được đảng Dân Chủ đề cử, nay bà Kamala Harris phải khẳng định được bản lãnh chính trị, theo Le Monde ngày 24/07/2024. La Croix nhận xét, J.D. Vance, người được ông Donald Trump chọn làm phó, đang thay ông công kích bà Harris.
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris được những người ủng hộ chào đón trong cuộc mít-tinh tranh cử đầu tiên tại West Allis, Wisconsin, Hoa Kỳ ngày 23/07/2024. Reuters - Kevin Mohatt
Bà Kamala Harris trong cuộc đua tranh cử tổng thống Mỹ, cánh tả đề nghị một cái tên cho chức thủ tướng nhưng tổng thống Emmanuel Macron cho biết sẽ không bổ nhiệm ai trước khi Thế vận hội kết thúc. Đó là hai chủ đề chính trên mặt báo hôm nay.
Một trận đấu mới Trump-Harris
Le Monde nói về "Kamala Harris trước thách thức chuyển biến thành nguyên thủ". Ngay sau khi ông Joe Biden rút lui, phó tổng thống nhận được rất nhiều người ủng hộ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Hầu như đã bảo đảm được đề cử của đảng Dân Chủ, nay bà phải khẳng định được bản lãnh chính trị.
Trong khi tổng thống Biden vẫn đang cách ly ở Delaware vì bị nhiễm Covid, bà Harris đã thay ông tiếp đón các vận động viên ở Nhà Trắng. Sau đó bà đến thành trì của ông để tiếp nhận ê-kíp tranh cử nay hoàn toàn phục vụ cho bà, cho dù trên trang web vẫn mang tên tổng thống sắp mãn nhiệm, có thêm sự hỗ trợ của một chiến lược gia từng sát cánh với Barack Obama là David Plouffe. Số đại biểu ủng hộ Kamala Harris đã vượt quá con số cần thiết, mối lo một cuộc đấu đá ở đại hội đảng tại Chicago, bang Illinois từ ngày 19/08 dường như không còn nữa.
Làn sóng ủng hộ sau thông báo lịch sử của ông Joe Biden không ngừng tăng lên, nhất là từ cựu chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi. Ảnh hưởng của bà Pelosi rất lớn trong việc thuyết phục tổng thống từ bỏ cuộc đua. Cú sốc từ quyết định của ông Biden tiếp tục gây tác động ngoạn mục nơi các nhà tài trợ, với 81 triệu đô la thu được chỉ trong 24 giờ.
Libération nhận xét "Kamara Harris chắc chắn sẽ là được đảng Dân Chủ đề cử". Một số chính khách trong đảng có lẽ mơ đến một cuộc bầu cử sơ bộ "tốc hành", nhưng trận đấu này không bao giờ diễn ra, họ chẳng có thời giờ chuẩn bị, và nay ấp ủ hy vọng được chọn làm phó. Lần lượt từng tiểu bang, Harris có được lời hứa ủng hộ của đa số trong 4.000 đại biểu sắp họp đại hội đảng. Toàn bộ các thống đốc Dân Chủ, đại đa số dân biểu cấp tiến ở Quốc hội, và nhiều tổ chức đấu tranh, nghiệp đoàn đều đứng về phía Harris, và những tháng tới bà sẽ rong ruổi khắp nước để tiếp xúc cử tri. Đối với Harris cũng như Trump, một chiến dịch mới bắt đầu. Vẫn còn 105 ngày nữa.
Lịch sử liệu có lặp lại ?
Theo Le Monde, nhiệm vụ nặng nề nhất của Kamala Harris là mang lại giải pháp cho vấn đề lạm phát và nhập cư. Cuộc tranh cử sơ bộ của bà trong đảng Dân Chủ trước đây không để lại dấu ấn gì, cũng như thời gian ngắn ngủi ở Thượng Viện. Thời kỳ bà làm chưởng lý California, phe Cộng Hòa tố cáo "thẩm phán đỏ", trong khi một bộ phận đảng Dân Chủ tỏ ý tiếc về sự cứng rắn của bà cũng như quá thận trọng trong các cải cách. Những rắc rối tư pháp của Donald Trump và dự tính thanh trừng hàng loạt tại Nhà nước liên bang sẽ là cơ hội cho cựu thẩm phán trong vai trò bảo vệ các định chế Mỹ, bên cạnh đó là quyền phá thai.
Những lợi thế này cũng như việc bà xuất thân từ California lại là khuyết điểm của Kamala Harris tại các bang Rust Belt. Nhất là sau khi ông Trump đã chọn J. D. Vance, thượng nghị sĩ Ohio vốn tự cho là người bảo vệ thành phần bị bỏ rơi trong toàn cầu hóa. Và nay Kamala Harris còn phải khẩn cấp tìm ra người đứng chung liên danh, cũng như tô điểm thêm hình ảnh vẫn còn lu mờ. Le Monde không quên nhắc nhở, hai vụ rút lui trước đó của các tổng thống Dân Chủ Harry Truman và Lyndon B. Johnson đã dẫn đến chiến thắng của Cộng Hòa.
J.D. Vance, "đấu sĩ" mới phụ trách tấn công đối thủ Dân Chủ
La Croix chú ý đến "J.D. Vance, đấu sĩ mới của phe Cộng Hòa phụ trách việc tấn công bà Kamala Harris". Lời kêu gọi đoàn kết của Donald Trump sau vụ ám sát hụt không kéo dài được bao lâu. Ông Trump đang cố gắng vào vai mới "thiên sứ", thì người đứng chung liên danh James David Vance đã lao ra tiếp bước với các tuyên bố dữ dội nhắm vào đối thủ.
Ngay trong bài phát biểu đầu tiên tại lãnh địa của mình và sau đó ở Virginia, thượng nghị sĩ Ohio đã nhấn mạnh bà Harris "một ngàn lần tệ hại hơn là những gì mọi người đã biết", cho rằng bà "nói dối về năng lực trí tuệ". Ông đặt vấn đề về tính chính danh : Sinh tại California nhưng cha mẹ gốc Jamaica và Ấn Độ, lẽ ra bà phải hàm ân nước Mỹ nếu muốn lãnh đạo, nhưng chưa bao giờ nghe bà phát biểu như vậy, đồng thời tố cáo những thất bại của bà về hồ sơ nhập cư.
Đây không phải là lần đầu tiên, mà từ 2021 ông Vance đã nói Kamala Harris là một trong "những phụ nữ không con, sống với mèo". Trước đó, ông Trump nói bà Harris là "điên khùng", và bà trả đũa bằng việc gọi Donald Trump là "kẻ lừa đảo". Bạo lực ngôn từ lại tiếp diễn.
Đối phó oanh kích, Ukraine chia nhỏ hệ thống nhà máy điện
Liên quan đến cuộc chiến tranh ở Ukraine, đặc phái viên của Le Monde cho biết "Tại Ukraine, các vụ oanh kích có hệ thống của Nga buộc phải có một cuộc cách mạng về sản xuất điện". Những nhà máy điện khổng lồ thời Xô-viết sẽ phải nhường chỗ cho các đơn vị nhỏ hơn đặt rải rác ở nhiều nơi, với giá thành đắt hơn.
Những công trình quy mô bằng bê-tông và thép, tiêu thụ cả núi than đá, đang hấp hối dưới những đợt hỏa tiễn liên tục của Nga từ năm tháng qua. Tại một nhà máy điện không được nêu tên, phóng viên thấy phòng máy có trần bị lủng ở nhiều nơi, vách tường bị biến dạng. Nhà máy đã bị tấn công 10 lần, bắt đầu là drone, sau đến hỏa tiễn hành trình và hỏa tiễn đạn đạo. Loại đạn đạo là đáng sợ nhất, vì chỉ mất có bốn phút để đến nơi, không đủ thời gian chạy đến hầm trú ẩn.
Lợi dụng Ukraine thiếu phương tiện phòng không, Nga gia tăng đánh phá khiến 85% nhà máy nhiệt điện không còn hoạt động được. Không có điện, máy bơm ngưng chạy và sẽ không có nước sạch, tạo mầm mống dịch bệnh. Kinh tế Ukraine bị ảnh hưởng nặng nề, người dân lo sợ cho mùa đông tới. Thế nên, thay vì 20 nhà máy điện lớn, Ukraine chủ trương xây dựng 200 đến 500 nhà máy nhỏ hay hệ thống trữ năng lượng 5 đến 10 mégawatt, được bố trí khắp cả nước theo nhu cầu.
Tập Cận Bình ưu tiên cho an ninh quốc gia
Tại Trung Quốc, Le Monde nhận thấy "Tập Cận Bình đặt an ninh quốc gia lên trên tất cả". Đường hướng được công bố hôm Chủ nhật sau Hội nghị Trung ương nhấn mạnh Trung Quốc phải chuẩn bị đối phó trước căng thẳng ngày càng tăng lên với phần còn lại của thế giới. Trong suốt bốn ngày, người dân Hoa lục chẳng biết gì về những trao đổi tại khách sạn Jingxi của quân đội ở phía tây Bắc Kinh, nơi 400 ủy viên trung ương và ủy viên dự khuyết họp lại từ 15 đến 18/07. Ba ngày sau khi hội nghị kết thúc, họ mới được biết về lộ trình cho bốn năm tới, do Tập Cận Bình vạch ra, trong đó ưu tiên tối hậu là an ninh.
Không có một động thái nào hướng về một xã hội đôi khi tỏ dấu hiệu bất mãn vì kinh tế sa sút. Đảng chỉ muốn "tạo ra một hệ thống phối hợp hiệu quả cao độ và sử dụng khoa học, công nghệ để bảo vệ an ninh quốc gia". Rõ ràng là Bắc Kinh sẽ không mở cửa thêm, mà chuẩn bị đối mặt với một thế giới có nhiều thay đổi, và "những âm mưu ngăn chặn Trung Quốc". Ông Tập muốn "nhanh chóng tạo ra những chuỗi kỹ nghệ và cung ứng tự chủ và có thể kiểm soát được". Đặc biệt là mạch tích hợp cho máy tính, máy công cụ, thiết bị y tế, phần mềm, bên cạnh đó là dự trữ các khoáng sản quan trọng trong trường hợp xung đột.
"Mô hình" Trung Quốc nay khác xa với những gì mà Hoa Kỳ và các đồng minh hy vọng khi mở cửa cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001. Trong lúc ngày càng nhiều quốc gia - không chỉ phương Tây mà cả những nước bạn bè như Brazil hay Indonesia - lo ngại việc làm bị mất vì cạnh tranh của Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn thúc đẩy sản xuất dù đã chiếm đến 31% hàng công nghiệp thế giới. Việc Trung Quốc mạnh tay trợ giá đã gây ra vô số tranh chấp thương mại với các nước.
Bên cạnh đó, đảng cũng hứa hẹn sửa đổi chính sách thuế khóa để giải quyết nợ nần của các địa phương, quan tâm hơn đến nhà ở xã hội, cải cách chế độ hộ khẩu. Tuy nhiên xã hội Hoa lục đừng mong được dễ thở hơn, các cộng đồng thiểu số sắc tộc và tôn giáo vẫn là trung tâm của chiến dịch Hán hóa. Mục tiêu đạt "hòa hợp quốc gia" là năm 2029, nhân 80 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Có nghĩa là ông Tập Cận Bình, người thiết lập lộ trình này, vẫn tự coi là người nắm quyền cho đến lúc đó.
Cánh tả Pháp với một khuôn mặt vô danh và chương trình phi thực tế
Về thời sự nước Pháp, xã luận của nhật báo kinh tế Les Echos nhận định "Một nữ ứng viên nhưng với một chương trình nguy hiểm". Cánh tả vào giờ chót đã đề nghị một khuôn mặt hoàn toàn không ai biết đến cho chức thủ tướng, để gây áp lực với tổng thống Emmanuel Macron, chỉ một tiếng đồng hồ trước khi ông phát biểu trên truyền hình. Nhật báo thiên tả Libération đả kích việc "đã có một cái tên nhưng lại bị chối từ".
Sau nửa tháng hết đưa ra ứng viên này đến ứng viên khác và bị bác bỏ ngay trong các đảng liên minh, rốt cuộc Mặt trận Bình dân Mới bất ngờ đề cử bà Lucie Castets, một công chức cao cấp ngành tài chánh. Cánh tả rốt cuộc đã "hòa giải" được giữa các phe cực tả, xã hội và sinh thái chăng ? Les Echos cho rằng dù cánh tả có đưa ra được một cái tên, vẫn không thay đổi gì vì họ không có được đa số tuyệt đối. Mặt trận Bình dân Mới còn cần đến hơn 100 ghế nữa mới đạt được, số ghế của liên minh này chỉ nhỉnh hơn các nhóm khác một ít mà thôi.
Theo Les Echos, chương trình của cánh tả không chỉ đáng ngại, mà còn hoàn toàn phi thực tế. Dựa vào một quan điểm đơn giản về kinh tế : bơm vào nhiều tỉ euro cho chi tiêu công tự khắc sẽ có tăng trưởng, cánh tả gây rủi ro cho cán cân thương mại, đầu tư, việc làm, khiến tư bản chạy sang nước khác. Minh họa mới nhất là hôm qua Nước Pháp Bất Khuất (LFI) đề nghị hủy bỏ luật cải cách hưu bổng. Về chính trị, cực tả trông cậy vào sự ủng hộ của đảng cực hữu.
Về tài chánh, LFI hy vọng tìm được 24 tỉ euro qua việc trích xuất nhiều hơn từ tiền lương và đánh thuế cao vốn đầu tư. Nhưng nguyên thủ Pháp vẫn mong có thời gian xây dựng một liên minh "trung dung" hơn với đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa (LR) và các đảng viên xã hội hay sinh thái ôn hòa. Thế vận hội lẽ ra là thời gian tạm ngưng tranh đấu nhưng lại là cuộc chạy đua với thời gian.
Thụy My
Sau Afghanistan, Phó Tổng thống Mỹ đối mặt nhiệm vụ khó khăn trong chuyến thăm Việt Nam và Singapore
RFA, 20/08/2021
Văn phòng của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris ngày 19/8 ra thông cáo báo chí mới nhất về chuyến công du Singapore và Việt Nam của bà.
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris ở Nhà Trắng hôm 10/8/2021 - Reuters
Thông cáo cho biết hai mục tiêu chính của chuyến đi là nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương trong chính sách ngoại giao của chính quyền Biden- Harris.
Đông Nam Á, khu vực trung tâm của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thực sự quan trọng đối với Hoa Kỳ. Đây là nơi có hơn 600 triệu dân và số dưới 35 tuổi là 380 triệu người. Khu vực này mang tầm quan trọng đối tác và can dự cho chính phủ Hoa Kỳ.
Chính quyền Biden- Harris tập trung vào công tác hồi sinh các liên minh và đối tác trên toàn thế giới. Trong chuyến công du này, Phó Tổng thống Kamala Harris thực hiện mục tiêu đó qua làm việc với hai đối tác Singapore và Việt Nam, cũng như thông qua cơ chế đa phương như ASEAN.
Truyền thông Quốc tế loan tin cho biết chuyến đi còn được tiến hành trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng tầm ảnh hưởng trong khu vực cũng như trên thế giới.
Thông cáo báo chí của Văn phòng Phó Tổng thống cho biết trong chuyến công du này, bà Kamala Harris sẽ đề cập đến các vấn đề biến đổi khí hậu, tái khẳng định những giá trị của đất nước Hoa Kỳ, và cam kết của Washington về một trật tự thế giới dựa trên căn bản luật pháp, quyền của người lao động và nhân quyền.
Về lịch trình chuyến công du, vào ngày 20/8 bà Phó Tổng thống Kamala Harris bắt đầu lên đường và đến Singapore vào ngày 22/8. Vào ngày thứ tư 25/8 bà bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam.
Trong ngày thứ năm 26/8, bà Kamala Harris sẽ gặp đại diện một số tổ chức xã hội dân sự Việt Nam.
Nguồn : RFA, 20/°8/2021
********************
Anh Vũ, RFI, 20/08/2021
Trong bối cảnh Afghanistan đang được nhìn nhận như là một thất bại chiến lược của Mỹ, ngày 20/08/2021, phó tổng thống Mỹ Kamala Harris lên đường đi công du 2 quốc gia Đông Nam Á, Singapore và Việt Nam. Chuyến công du này sẽ chứng minh Hoa Kỳ vẫn hiện diện và sẽ còn ở lại Châu Á, theo như nhận định của một quan chức chính quyền Biden.
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu tại Nhà Trắng (Washington - Hoa Kỳ) ngày 10/08/2021. AP - Evan Vucci
Theo hãng tin Reuters, bà Harris sẽ thăm Singapore ngày 22/08 và Việt Nam ngày 24/08. Mục đích của chuyến đi là tăng cường quan hệ và mở rộng hợp tác kinh tế với hai đối tác quan trọng của Mỹ trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
"Trong chuyến đi, phó tổng thống sẽ thảo luận với chính phủ hai nước về các vấn đề lợi ích chung, bao gồm an ninh khu vực, ứng phó toàn cầu với đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, và nỗ lực chung của chúng tôi trong việc thúc đẩy một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế" - tuyên bố của Nhà Trắng cho biết.
Chuyến công du Châu Á này của phó tổng thống Mỹ đã được dự trù từ trước, nhưng diễn ra ngay sau khi Taliban trở lại chiếm quyền ở Afghanistan.
Theo một quan chức cao cấp của Nhà Trắng giấu tên, vào lúc mà cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đang tiếp diễn gay gắt, Đông Nam Á đóng vai trò "quan trọng về kinh tế cũng như chiến lược" đối với Washington.
Quan chức này trước đó cũng đã cho Reuters biết là phó tổng thống trong chuyến đi này sẽ tập trung vào vấn đề bảo vệ luật pháp quốc tế trên Biển Đông, củng cố vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trong vùng và mở rộng hợp tác trong lĩnh vực an ninh. Quan chức này nhấn mạnh : "Chính quyền Biden cho thấy chúng tôi cam kết lâu dài trong vùng, chúng tôi là một phần của vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương và chúng tôi sẽ ở lại đó".
Đây là lần đầu tiên Việt Nam đón một phó tổng thống Hoa Kỳ từ năm 1975 đến nay. Bà Harris dự kiến đến Hà Nội tối ngày 23/08 và sáng hôm sau sẽ bắt đầu gặp gỡ làm việc với các quan chức Việt Nam.
Anh Vũ
********************
Báo Quân đội tuyên truyền chống Mỹ trước chuyến thăm của bà Kamala Harris
RFA, 20/08/2021
Tối ngày 19 tháng 8 năm 2021, báo Quân đội Nhân dân - cơ quan ngôn luận của Bộ Quốc phòng Việt Nam cho đăng tải bài viết với nội dung phản bác sự so sánh giữa cuộc chiến ở Afghanistan với cuộc Chiến tranh Việt Nam, bài báo cũng kể tội "đế quốc Mỹ" trong thời kỳ chiến tranh.
Lính Mỹ kéo em bé qua tường vây ở sân bay để di tản tại Kabul, Afghanistan hôm 19/8/2021 - Reuters
Điều đáng chú ý là bài báo được đăng tải chỉ mấy ngày trước chuyến thăm chính thức Việt Nam của bà Kamala Harris, Phó Tổng thống Hoa Kỳ.
Nội dung bài báo có đoạn "Mỹ không ngừng đánh phá, giết hại đồng bào ta ở miền Nam, dùng không quân và hải quân bắn phá miền Bắc, ném bom cả vào nhà thương, trường học với ý đồ đưa miền Bắc Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá", và gọi đó là "tội ác".
Báo Quân đội Nhân dân cũng tố cáo "Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai" đã luôn "xuyên tạc, bịa đặt về cải cách ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam, về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968" nhằm bôi xấu Đảng cộng sản.
Bài báo trên của báo Quân đội Nhân dân được đăng tải sau sự kiện phiến quân Taliban lật đổ chính phủ Afghanistan và lên nắm quyền. Gần như ngay lập tức, nhiều người dùng mạng xã hội ở Việt Nam đã so sánh sự kiện này với sự kiện Sài Gòn thất thủ năm 1975.
Ông Đinh Kim Phúc, một cựu chiến binh và là nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế, bày tỏ quan điểm của ông về bài báo của báo Quân đội Nhân dân với RFA :
"Việt Nam nhận được sự giúp đỡ của Hoa Kỳ rất nhiều, về kinh tế, về an ninh, quốc phòng, và thậm chí trong thời gian gần đây trong vấn đề chống dịch Covid-19 thì Việt Nam cũng nhận được rất nhiều quà tặng của chính phủ Hoa Kỳ, như vắc-xin, thuốc và phương tiện, vật tư y tế.
Tôi cho rằng, việc giở lại những giọng điệu chống Mỹ cứu nước, lên án Mỹ là đế quốc, thì tôi nghĩ đó là những tiếng nói lạc lõng, là muốn kéo lại quá khứ để tranh thủ một cái gì đó đối với phương Bắc hay chăng ?
Hay để chứng tỏ mình là lập trường giai cấp, lập trường giai cấp quốc tế vô sản khi mà chuyển tiền sang Mỹ, sắm nhà bên Mỹ, đưa con qua du học bên Mỹ nhưng mà vẫn chửi đế quốc Mỹ".
Ông Đinh Kim Phúc cũng cho rằng quan điểm của báo Quân đội Nhân dân không đại diện cho ý chí và nguyện vọng của người dân Việt Nam trong bối cảnh hiện tại.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, ông Lloyd Austin đã có chuyến thăm Việt Nam hôm 29 tháng 7 nhằm củng cố quan hệ quốc phòng giữa hai quốc gia, ông đã gặp với hai lãnh đạo cao cấp của Việt Nam là thủ tướng Phạm Minh Chính và chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
Hoa Kỳ hiện đã tặng Việt Nam năm triệu liều vắc-xin và hàng chục triệu USD kèm vật tư y tế để phục vụ cho việc chống dịch Covid-19.
Dân biểu Mỹ gây sức ép về nhân quyền với Việt Nam trước chuyến thăm của Phó Tổng thống Harris
Trước ngày người đứng phó cho ông Biden sắp đi thăm Việt Nam, hai đại diện lập pháp Mỹ đã gửi thư yêu cầu Phó tổng thống cũng như Ngoại trưởng Hoa Kỳ nêu vấn đề vi phạm nhân quyền nghiêm trọng khi gặp gỡ với lãnh đạo Nhà nước ở Hà Nội.
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu tại Nhà Trắng hôm 10/8/2021 - AP
Hôm 4/8/2021, qua thư gửi tới Bộ ngoại giao Mỹ, Thượng Nghị sĩ John Cornyn yêu cầu Ngoại trưởng Anthony Blinken nên có hành động nêu rõ với Hà Nội về những vi phạm nhân quyền như chà đạp quyền con người, tước đoạt tài sản, phân biệt đối xử tôn giáo và tín ngưỡng.
Trả lời RFA qua điện thư, Thượng nghị sĩ Cornyn lập lại nội dung chính mà ông đã viết trong thư gởi đến Ngoại trưởng Mỹ rằng :
"Việt Nam có chiến lược hiệu quả trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, sẵn sàng hợp tác về mặt an ninh trong khu vực, nhưng lại tiếp tục giữ thành tích xấu về nhân quyền, tôn giáo và tài sản của công dân trong nước".
Những hóa giải về mặt nhân quyền và tôn giáo ở Việt Nam, ông Cornyn viết tiếp, xem ra không tương thích với đà phát triển mối tương quan kinh tế cũng như đối tác an ninh. Nói một cách khác, cải thiện nhân quyền phải là bước quan trọng tiếp theo trong sự phát triển quan hệ Mỹ- Việt những ngày tới.
"Tôi trông đợi hành pháp Hoa Kỳ, bằng tất cả thiện chí và phương cách ngoại giao để bảo vệ nhân quyền là một trong những nguyên tắc phổ quát mà quí vị từng xác định.
Là cơ quan thực hiện báo cáo chi tiết thường niên về nhân quyền ở Việt Nam, tôi nghĩ hành pháp biết rõ rằng nhà cầm quyền Việt Nam đã vi phạm những nguyên tắc phổ quát về nhân quyền, đã chà đạp một cách cố ý lên những quyền căn bản của con người.
Tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận là những quyền bị cấm đoán bởi chính phủ Việt Nam. Hà Nội còn đi xa hơn khi truy quét và bắt giữ các thành viên trong Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam, gán ghép cho họ tội danh tuyên truyền chống lại chính phủ.
Trong quá trình tiến đến mối quan hệ lâu dài và bền vững với một quốc gia, thiết tưởng nhân quyền là điều tối quan trọng mà Hoa Kỳ bảo đảm Việt Nam phải tuân thủ, bao gồm tự do tín ngưỡng và quyền tư hữu của công dân", là câu kết của Thượng Nghị sĩ John Cornyn trong thư gởi ngoại trưởng Anthony Blinken.
Thượng nghị sĩ John Cornyn hôm 4/8/2021. Hình : AP
Vào ngày 6/8, văn phòng Dân biểu Ro Khanna phổ biến cho báo chí thư ông gửi lên Phó tổng thống Kamala Harris, nhắc nhở rằng: "Trong chuyến công du sắp đến của bà với tư cách là Phó tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên viếng thăm Việt Nam, tôi trân trọng thỉnh cầu bà nêu lên những vi phạm nhân quyền trầm trọng của chính phủ Việt Nam trong các cuộc trao đổi cùng giới chức cao cấp Việt Nam. Ủng hộ nhân quyền phải là ưu tiên hàng đầu của hành pháp Mỹ trong hợp tác chiến lược và toàn diện giữa hai quốc gia".
Lên tiếng với RFA từ văn phòng ở DC, Dân biểu Ro Khanna giải thích lý do ông thảo bức thư gửi Phó tổng thống Kamala Harris :
"Là một trong những dân biểu quan tâm đến nhân quyền, thường lên tiếng chỉ trích Việt Nam vi phạm các quyền căn bản của người dân, chúng tôi đã gởi hơn 12 thư đến Chính phủ và Bộ Ngoại giao Việt Nam, yêu cầu Hà Nội trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị, chấm dứt hành động tống giam các nhà báo, ngưng việc truy lùng và sách nhiễu người bất đồng chính kiến.
Tôi đoan chắc Việt Nam vẫn đang tiếp tục vi phạm nhân quyền, thể chế cộng sản này thật sự cần được đổi mới cho tự do của con người. Tôi đã nêu rõ với hành pháp và với Phó tổng thống Hoa Kỳ rằng nhân quyền phải là vấn đề ưu tiên trong bang giao cũng như trong kinh tế".
Không thể bỏ lơ nhân quyền và cho phép Việt Nam bước vào thị trường Mỹ, Dân biểu Ro Khanna nhấn mạnh, nếu Việt Nam muốn vào thị trường Mỹ thì điều kiện tiên quyết là phải trả tự do cho các tù nhân chính trị.
Dân biểu Ro Khanna hôm 30/1/2019 ở Washington DC. Hình : AP
Trong thư gửi cho nữ Phó tổng thống hôm 6/8, Dân biểu Ro Kanna còn viện dẫn báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về nhân quyền năm 2020-2021, nêu rõ những vi phạm ông gọi là liên tục và có hệ thống của chính quyền Việt Nam, từ những việc hạn chế quyền tự do biểu đạt, tự do tôn giáo, tự do báo chí, tự do lập hội cho đến những vụ bắt bớ, tra tấn và xét xử bất công tại tòa.
"Là đại diện dân cử trong một khu vực có nhiều cử tri Mỹ gốc Việt, qua họ mà chúng tôi biết thêm về tình trạng nhân quyền gọi là tồi tệ ở Việt Nam. Đôi ba lần chúng tôi đích thân can thiệp vào các trường hợp tù nhân chính trị như vậy.
Quốc hội Mỹ sẽ không khoan nhượng trước những hành động vi phạm nhân quyền tiếp diễn ở Việt Nam. Đó là điều tôi xác quyết rõ trong thư gửi bà Kamala Harris, rằng trong khi công du Việt Nam bà phải đưa nhân quyền vào lịch trình nghị sự".
Được biết, ngoài chuyện tù chính trị, Dân biểu Ro Khanna còn yêu cầu Phó tổng thống Mỹ khuyến cáo Hà Nội thi hành những biện pháp cụ thể nhằm chấm dứt việc bắt bớ những người bất đồng chính kiến.
Ông cũng gợi ý, Phó tổng thống Mỹ nên bày tỏ quan ngại về việc một đảng cộng sản độc quyền cai trị đất nước, rằng Việt Nam nên chuyển hóa thành một xã hội qua đó nhân quyền được phát huy một cách trọn vẹn và tốt đẹp.
"Nếu Phó tổng thống không nêu bật được vấn đề nhân quyền và cải thiện quyền con người với giới chức Việt Nam thì tôi nghĩ bà không làm tròn trách nhiệm, chuyến đi Việt Nam của bà sẽ không được thành công như mong đợi".
Theo một số nguồn tin từ Washington DC, một số dân biểu Hoa Kỳ trong Vietnam’ Caucus chuyên quan tâm các vấn đề tiêu cực ở Việt Nam, cũng đang soạn thảo một thư gởi cho Phó tổng thống trước khi bà Kamala Harris lên đường sang Singapore và Việt Nam.
Thanh Trúc
Nguồn : RFA, 12/08/2021
Liệu Việt – Mỹ có cùng nhau bước qua khúc quanh quyết định, tạo cơ sở để nâng cấp quan hệ "đối tác toàn diện", vì tương lai mỗi nước và tương lai liên khu vực Ấn Thái Dương (Indo-Pacific) ? Dư luận nhìn chung đều hồ hởi đón nhận tin Phó Tổng thống Harris sắp sang Việt Nam, khi chúng ta mới chia tay Bộ trưởng Austin vừa rời Hà Nội.
AFP
Truyền thông quốc tế vừa dẫn lại thông báo của Văn phòng Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cho hay : "Chính quyền Mỹ coi Châu Á là một khu vực cực kỳ quan trọng trên thế giới. Chuyến thăm của Phó Tổng thống sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của cam kết toàn diện và quan hệ đối tác chiến lược – những yếu tố quan trọng trong cách tiếp cận chính sách đối ngoại của chính quyền chúng ta". Chuyến đi được thực hiện dựa trên thông điệp của chính quyền Biden-Harris với thế giới : "Nước Mỹ đã trở lại !" Trở lại và ở lại, để cùng với Việt Nam và ASEAN sát cánh trong các cuộc đua cùng lúc về nhiều đích…
Cấp bách hàng đầu là cuộc đua đẩy lùi đại dịch Covid-19. Số người nhiễm Covid-19 ở Mỹ lên mức cao nhất trong sáu tháng, hơn 100.000 ca nhiễm ghi nhận hôm 4/8. Các chuyên gia hàng đầu cảnh báo, những tuần tới, số ca có thể tăng gấp đôi lên đến 200.000/ngày, vì biến thể Delta. Số ca nhập viện đang gia tăng trở lại và hoành hành khắp nước Mỹ, các trung tâm y tế trở lại tình trạng báo động. Trong khi đó, ở Việt Nam, đại dịch do biến thể Delta gây ra cũng khiến trên 170.000 người bị lây nhiễm kể từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 8 này.
Mặc dầu vậy, sau khi họp với Bộ Y tế Việt Nam, Cơ quan Phát triển Quốc tế (USAID) và Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) vẫn quyết định viện trợ cho Việt Nam khoản kinh phí 4,5 triệu đôla nhằm hỗ trợ tiêm chủng vắc-xin và nâng cao năng lực hệ thống y tế trong phòng chống dịch. Về việc mua vắc-xin, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đã ký hợp đồng mua 31 triệu liều vắc-xin Pfizer và đang làm thủ tục mua thêm 20 triệu liều nữa. Tuy nhiên, phải tới quý tư 2021, 47 triệu liều vắc-xin Pfizer từ Mỹ mới về đến Việt Nam.
So với Campuchia (63,33 liều trên 100 người), Lào (24,43 liều trên 100 người) thì số người Việt Nam chính thức được tiêm vắc-xin là quá thấp : 4,53 liều trên 100 người, tính đến 22/7/2021. Vì vậy, liên quan đến chống Covid, cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin với phái đoàn của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang tại Hà Nội hôm 29/7 có giá trị hơn một biểu tượng. Tin Việt Nam nhận năm triệu liều vắc-xin Moderna, cùng với 20 triệu đô la viện trợ chống dịch từ Mỹ được loan báo trước khi ông Austin đến Hà Nội.
Do dịch bệnh căng thẳng, kể từ ngày 9/7, Thành phố Hồ Chí Minh giãn cách xã hội nghiêm ngặt, bao gồm cả lệnh cấm ra đường vào buổi tối kể từ ngày 26/7. Giữa lúc ấy, vào chiều 6/8, chính quyền thủ đô Hà Nội cũng tiếp tục giãn cách xã hội cho đến ngày 23/8. Trong khi Việt Nam đang khốn đốn vì đại dịch Covid thì truyền thông trong nước nhất loạt đưa lại Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, đích danh phản đối các cuộc tập trận liên tục của Trung Quốc trên Biển Đông, đặc biệt là tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt và không tái diễn các vi phạm luật pháp quốc tế.
Lô vắc-xin của hãng Moderna về sân bay Nội Bài, Hà Nội hôm 10/7/2021. Hình : ĐSQ Mỹ tại Hà Nội
Kiềm chế sự hung hăng của Trung Quốc là mục tiêu quan trọng trong chuyến công du của bà Harris. Không ngẫu nhiên mà tuần qua, Ngoại trưởng Antony Blinken đã tích cực tham dự qua cầu truyền hình các cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị thường niên của khối ASEAN (AMM-54). Nhà Trắng cũng đồng thời tái xác nhận chuyến công du của Phó Tổng thống Harris tại hai đối tác quan trọng của Mỹ ở Đông Nam Á là Singapore và Việt Nam từ ngày 22 đến 26/8. Việc người đứng đầu ngành Ngoại giao Mỹ tham gia các cuộc Hội nghị marathon suốt tuần qua và tái xác nhận chuyến viếng thăm của bà Harris cho thấy quyết tâm mới của chính quyền Biden đối với sự hung hăng từ Trung Quốc.
Ngày 6/8, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về kho vũ khí hạt nhân ngày càng tăng của Trung Quốc trong một cuộc họp với Ngoại trưởng các nước Châu Á và các quốc gia đối tác. Phát biểu tại cuộc họp Diễn đàn Khu vực Châu Á (ARF), tập họp hơn hai chục nước, ông Blinken cũng kêu gọi Trung Quốc ngưng các thái độ "khiêu khích" tại Biển Đông, đồng thời nêu lên những quan ngại nghiêm trọng về vi phạm nhân quyền đang diễn ra tại Tây Tạng, Hong Kong và Tân Cương.
Trong một bài viết trên The Bangkok Post ngày 3/8 mang tựa đề "Mỹ thúc giục ASEAN đứng lên chống Trung Quốc", bỉnh bút Kavi Chongkittavorn, đã phân tích về tính khả thi của chiến lược được chính Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin nêu bật tại Singapore ngày 27/07. Ý tưởng xuyên suốt được ông Austin nêu bật là Hoa Kỳ muốn thấy ASEAN đứng lên chống lại Trung Quốc mà không cần phải chọn phe, cùng lúc với việc lôi kéo Trung Quốc cùng can dự với Mỹ trong các lĩnh vực có lợi ích chung.
Chính quyền Biden tin rằng các mục tiêu này có thể đạt được thông qua khả năng "răn đe tích hợp", đòi hỏi các đồng minh và bạn bè phải cùng nhau tham gia bằng cách sử dụng các khả năng hiện hữu và triển khai tất cả các khả năng này theo những phương cách mới được kết nối với nhau. Tham luận của ông Austin tại Singapore không quá cứng rắn nhưng cũng không quá mềm mỏng đối với Trung Quốc, nhằm tránh gây phản ứng không hay ở một số nước Đông Nam Á không muốn "chọn bên" giữa Bắc Kinh và Washington.
Một viên chức cao cấp Nhà Trắng cho truyền thông biết hôm 4/8 rằng bà Harris sẽ tập trung vào vấn đề bảo vệ luật pháp quốc tế trên Biển Đông, bảo vệ trật tự dựa trên nguyên tắc và luật lệ, nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Mỹ và mở rộng hợp tác về an ninh trong vùng. Viên chức giấu tên này nói, Washington tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong nỗ lực đối phó với thế lực toàn trị Trung Quốc. Trong quá trình này, Mỹ coi bang giao Mỹ – Việt là đối tác quan trọng của nhau, do vị trí địa lý, tầm vóc nền kinh tế và quan hệ thương mại.
Việt Nam thường có tiếng nói mạnh mẽ chống lại đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Các quốc gia khác trong khu vực cũng hoan nghênh sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ, trong bối cảnh Bắc Kinh quân sự hóa các đảo nhân tạo, tàu tuần duyên và dân quân biển Trung Quốc tràn ngập vùng biển này. Viên chức Nhà Trắng nói trên Tuyên bố : "Chúng tôi không muốn thấy bất kỳ nước nào thống trị khu vực, hoặc lợi dụng thế áp đảo để làm phương hại đến chủ quyền của các nước khác".
Phó tổng thống Mỹ Harris sẽ nhấn mạnh đến tự do hàng hải trên toàn Biển Đông. Chuyến đi của bà Harris tiếp theo chuyến viếng thăm Hà Nội của Bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin vào hạ tuần tháng 7/2021, với mong muốn siết chặt quan hệ an ninh. Tuần qua, ngoại trưởng Antony Blinken cũng đã tham gia một loạt các cuộc họp trực tuyến của khu vực, nhằm chứng tỏ sự cam kết của Hoa Kỳ đối với ASEAN.
Tại Diễn đàn An ninh Aspen hôm 3/8, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hoan nghênh các chuyến thăm cấp cao "rất có giá trị của Mỹ". Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ quan ngại trước tình trạng quan hệ Mỹ Trung đang xấu đi. Phái đoàn thường trực của New Zealand tại Liên Hiệp Quốc đã gởi công hàm đề ngày 2/8 nhấn mạnh sự phản đối cái gọi là "quyền lịch sử" trên Biển Đông, vì nó không hề có cơ sở pháp lý, kêu gọi tôn trọng phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye năm 2016.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang duyệt đội danh dự ở Hà Nội hôm 29/7/2021. Hình : AFP
Một trong những yếu tố quan trong được nhà phân tích Kavi Chongkittavorn ghi nhận là vị trí mà Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ muốn dành cho ba nước Đông Nam Á – Singapore, Việt Nam và Philippines – trong cấu trúc tập thể về an ninh khu vực. Cho nên không có gì ngạc nhiên khi Phó tổng thống Kamala Harris sẽ thăm Singapore và Việt Nam vào tháng tới để thắt chặt hơn nữa quan hệ song phương. Theo chuyên gia Thái Lan, không thể bỏ qua khả năng Singapore, Việt Nam có thể hợp tác riêng với nhóm Bộ Tứ dưới hình thức nào đó. Tại hội nghị thường niên AMM-54, các Ngoại trưởng ASEAN đã thảo luận kế hoạch "Tầm nhìn ASEAN về Indo-Pacific" (AIOP) để đảm bảo sao cho kế hoạch này luôn là khuôn khổ chính của kiến trúc khu vực, bảo đảm "vai trò trung tâm" của ASEAN.
Rất khó để dự đoán liệu có thành viên ASEAN nào sẵn sàng gia nhập Bộ Tứ hay không. Với việc Hoa Kỳ đang thúc đẩy cách tiếp cận theo hướng hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh và bạn bè trên toàn thế giới, các bên liên quan chắc chắn sẽ bàn thảo kỹ khả năng này. Bởi vì, theo chuyên gia này, bất cứ một thành viên ASEAN nào quyết định liên kết với Bộ Tứ theo bất kỳ công thức nào sẽ ngay lập tức có nguy cơ làm suy yếu cấu trúc khu vực do ASEAN dẫn đầu.
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đã không đề cập đến "tính chất trung tâm" của ASEAN. Thay vào đó, ông lại dùng cụm từ "vai trò trung tâm của ASEAN" vốn được các nhà ngoại giao Mỹ thường xuyên sử dụng trong giai đoạn trước năm 2016, thời cựu tổng thống Obama, để mô tả ASEAN. Đối với nhà phân tích Thái Lan, ông Austin đang nhắm tới ảnh hưởng trong tương lai của Bộ Tứ đối với kiến trúc khu vực Đông Nam Á.
Mục tiêu sau cùng là vấn đề dân chủ – nhân quyền, vốn là bộ phận cấu thành trong chính trị đối ngoại của Mỹ nói chung. Hôm 4/8, Thượng Nghị sĩ John Cornyn đã kêu gọi Ngoại trưởng Blinken có biện pháp mạnh mẽ về nhân quyền trong khi hợp tác với Việt Nam về an ninh và quốc phòng. Thượng Nghị sĩ Cornyn viết trong thư gửi ông Blinken : "Việt Nam chứng tỏ có giá trị chiến lược trong khu vực Indo-Pacific và vẫn là một đối tác được chào đón về mặt hợp tác an ninh. Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam tiếp tục chứng tỏ các hành động đáng quan ngại về nhân quyền, tự do tôn giáo".
TNS Cornyn yêu cầu Ngoại trưởng Blinken giải trình về những việc Bộ Ngoại Giao đang thực hiện để nâng vấn đề dân chủ – nhân quyền trong chính sách đối ngoại với Việt Nam. Vẫn theo thông báo của văn phòng bà Harris, trong các cuộc gặp cuối tháng này với các quan chức chính phủ, khu vực tư nhân và các nhà lãnh đạo xã hội dân sự, Phó tổng thống Harris sẽ chia sẻ tầm nhìn của chính quyền Biden về một "Indo-Pacific tự do và rộng mở" (FOIP), nêu ra các vấn đề thương mại và an ninh, bao gồm Biển Đông, và thúc đẩy hợp tác kinh tế.
Các mục tiêu thượng dẫn không phải là duy nhất trong chuyến công du sắp tới của bà Harris. Tổng phổ của các khía cạnh chiến lược trong quan hệ Việt – Mỹ có được khẳng định để thành khuôn khổ quan điểm chung giữa hai nước hay không, giờ này chưa ai có thể xác quyết chắc chắn. Chỉ biết rằng, các chuyến thăm của các quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ tới Việt Nam nhằm để thúc đẩy sự hiểu biết chung và từng bước tạo dựng lên lòng tin chiến lược ấy.
Theo tờ "Quốc tế" của Bộ Ngoại giao Việt Nam, "đối tác chiến lược Việt – Mỹ" phụ thuộc vào tính toán của mỗi bên. Quan hệ song phương Việt – Mỹ khá toàn diện, có những yếu tố mang tính chiến lược, có mặt còn hơn một số đối tác chiến lược khác. Định danh không phải là điều quan trọng nhất. Quyết định vẫn là tính thực chất, hiệu quả và sự bền vững của mối quan hệ. Điều đó đang được các bên thực thi và cam kết tiếp tục củng cố, phát triển. Tờ "Quốc tế" chốt hạ : "Cái gì cần, đúng thời điểm, nhất định sẽ diễn ra".
Trần Hùng Hương
Nguồn : RFA, 09/08/2021
Chuyến công du Đông Nam Á của Phó Tổng thống Hoa Kỳ
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris dự kiến sẽ có chuyến công du Singapore và Việt Nam từ ngày 20-26/8, theo đó, bà sẽ trở thành quan chức cấp cao nhất của chính quyền Tổng thống Joe Biden đến thăm Châu Á kể từ khi Biden lên nắm quyền. Dự kiến, nữ "phó tướng" của Biden sẽ thảo luận với các lãnh đạo Đông Nam Á về những vấn đề an ninh cấp bách trong khu vực, trong đó gồm có những yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Chuyến công du của bà Harris sẽ tiếp tục củng cố thông điệp của chính quyền Biden đối với thế giới : Nước Mỹ đã trở lại, đồng thời khẳng định chính quyền Biden coi Châu Á là một khu vực hết sức quan trọng trên thế giới.
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu tại Nhà Trắng hôm 5/8/2021 - AP
Chuyến công du của bà Harris sẽ tập trung vào bốn vấn đề lớn. Thứ nhất, tại Singapore và Việt Nam, bà Harris sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đề cập và giải thích những mục tiêu chính sách của chính quyền Biden. Một quan chức Nhà Trắng tiết lộ rằng chuyến thăm của Harris sẽ nhấn mạnh "tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác toàn diện và đối tác chiến lược, vốn là hai thành tố chính trong cách tiếp cận của chính quyền Biden trong quá trình hoạch định chính sách đối ngoại".
Thứ hai, dự kiến, bà Harris sẽ có các cuộc gặp với giới chức hai nước sở tại, tiếp xúc với lãnh đạo các lĩnh vực tư nhân và xã hội dân sự, trong đó nội dung thảo luận tập trung vào cam kết của Washington đối với nỗ lực thúc đẩy an ninh khu vực, cũng như những quy tắc và luật lệ quốc tế nói chung bao gồm những quy tắc và luật lệ ở Biển Đông. Quan chức này lưu ý, tại các cuộc gặp gỡ và tiếp xúc này, Harris sẽ chia sẻ "tầm nhìn" của Washington về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương "tự do và rộng mở".
Thứ ba, Harris sẽ tập trung vào những mối quan hệ đối tác, đặc biệt là đối tác kinh tế giữa Mỹ và các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Thứ tư, chuyến công du này cũng nhằm "bảo vệ những giá trị của Mỹ". Chia sẻ với báo chí, giới chức Mỹ cho biết Washington coi Singapore và Việt Nam đều là những đối tác quan trọng khi xét về vị trí địa lý, quy mô kinh tế, quan hệ thương mại và những mối quan hệ đối tác an ninh trên các hồ sơ như Biển Đông, nơi Bắc Kinh đặt ra những yêu sách đối với hầu hết vùng biển quốc tế này.
Các quốc gia khác trong khu vực cũng hoan nghênh sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Biển Đông trong bối cảnh Bắc Kinh quân sự hóa các thực thể nhân tạo đồng thời quân sự hóa cả những đội tàu tuần duyên và tàu đánh cá trên vùng biển này. Một quan chức Nhà Trắng khẳng định trên báo chí : "Chúng tôi không muốn thấy bất kỳ nước nào thống trị khu vực hoặc "cậy thế cậy quyền" để gây phương hại đến chủ quyền của các nước khác. Phó Tổng thống Mỹ sẽ nhấn mạnh đến tự do hàng hải trên toàn Biển Đông và rằng không một nước nào chèn ép lợi ích của các nước khác.
Ngoài bốn mục tiêu nói trên, cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 và vấn đề biến đổi khí hậu cũng là những vấn đề thảo luận trong chuyến thăm của Harris đến hai nước Đông Nam Á vào cuối tháng 8 này.
Đông Nam Á mừng vui hay lo lắng ?
Chuyến đi của bà Harris diễn ra tiếp theo chuyến công du ba nước Đông Nam Á (Singapore, Việt Nam và Philippines) của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hồi tuần trước với mong muốn dần thúc đẩy những mối quan hệ an ninh ngày càng sâu sắc hơn với các quốc gia này. Chuyến công du của bà Harris cũng diễn ra sau các cuộc đối thoại căng thẳng tại Thiên Tân, Trung Quốc, giữa Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman và các quan chức hàng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc.
Theo ghi nhận của nhiều nhà nghiên cứu, mặc dù Tổng thống Biden chưa công du khu vực này kể từ khi lên nắm quyền, song Nhà Trắng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ giữa Mỹ với khu vực này khi Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã trở thành hai lãnh đạo thế giới đầu tiên hội đàm trực tiếp với Tổng thống Biden. Bản thân Biden cũng không ngừng khẳng định rằng thách thức trung tâm lúc này là liệu dân chủ có thể thắng thế độc tài hay không và những mối quan hệ đối tác trong khu vực đóng vai trò thiết yếu đối với nỗ lực của ông nhằm đối phó với tầm ảnh hưởng gia tăng của Bắc Kinh.
Ngày 4/8, Ngoại trưởng Antony Blinken đã có bài phát biểu thể hiện sự vinh dự khi được đại diện cho Mỹ tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ-ASEAN thường niên, đồng thời khẳng định việc cam kết với cấu trúc khu vực, lấy ASEAN làm trung tâm cũng như ủng hộ mạnh mẽ Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ông Blinken khẳng định quan hệ đối tác chiến lược của Mỹ với ASEAN tập trung vào những thách thức cấp bách nhất của quốc gia này là chống lại đại dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế bền vững. Ngoại trưởng Mỹ cũng nhấn mạnh việc cung cấp các loại vắc-xin miễn phí mà không có ràng buộc về chính trị hoặc kinh tế. Để hỗ trợ phục hồi kinh tế, Ngoại trưởng Blinken đã công bố các chương trình mới nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa của ASEAN, xây dựng quan hệ đối tác công-tư và giúp phát triển kỹ thuật số và tăng trưởng xanh của khu vực. Chương trình này được xây dựng dựa trên nền tảng kinh tế vốn đã vững chắc của Mỹ, khi hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài của quốc gia này vào các nước ASEAN đạt 328,5 tỷ USD năm 2020.
Phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen hôm 3/8, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hoan nghênh các chuyến thăm cấp cao "rất giá trị" của Mỹ. Các chuyến thăm này là chỉ dấu cho thấy Washington nhận thức được rằng họ cần bảo vệ và thúc đẩy những lợi ích thực chất và quan trọng của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, ông Lý cũng bày tỏ quan ngại trước tình trạng quan hệ Mỹ-Trung đang xấu đi. Theo ông, nhiều nước trong khu vực mong muốn tình trạng của mối quan hệ Mỹ-Trung sẽ không tụt dốc hơn nữa "bởi các đồng minh và đối tác của Mỹ muốn duy trì quan hệ mở rộng của họ đối với cả hai cường quốc này".
Quan hệ Việt - Mỹ chưa thể nâng tầm
Một vấn đề mà giới quan sát đang trông ngóng đó là liệu với chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ là dịp để Việt Nam và Mỹ nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược ? Phía Mỹ đã thể hiện ý định này trong chuyến công du vừa rồi của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, nhưng phía Mỹ cũng tỏ ý không muốn thúc ép Việt Nam.
Ngày 4/8, trên báo Thế giới & Việt Nam có một bài viết thể hiện quan điểm về chuyện này. Nên nhớ tờ báo này là Cơ quan ngôn luận của Bộ Ngoại giao Việt Nam, cho nên đây cũng được coi là thể hiện quan điểm của ngành ngoại giao Việt Nam trước vấn đề này. Bài báo có đoạn viết : "Trở lại câu hỏi được dư luận quan tâm nhất và quan chức Mỹ đã hơn hai lần đề cập công khai : nâng tầm quan hệ hai nước.
Điều đó phụ thuộc vào bối cảnh, tính toán của mỗi bên. Song như nhận xét của nhiều học giả quốc tế : quan hệ song phương Việt-Mỹ khá toàn diện, có những yếu tố mang tính chiến lược, có mặt còn hơn một số đối tác chiến lược khác.
Chính danh cũng cần. Nhưng tên gọi không phải là điều quan trọng nhất. Quyết định vẫn là tính thực chất, hiệu quả và sự bền vững của mối quan hệ. Điều đó đang được hai bên thực thi và cam kết tiếp tục củng cố, phát triển.
Người Việt Nam thường nói, cái gì cần, đúng thời điểm, nhất định sẽ diễn ra. Có thể vận vào trường hợp này" (1).
Có thể được hiểu rằng đây chính là câu trả lời từ phía Việt Nam cho vấn đề này.
Nhận định về chuyện nâng tầm quan hệ Việt - Mỹ, Đại sứ Nguyễn Ngọc Trường có dòng tự sự trên Facebook của ông : "Mình đọc cái "Minh thực lục - quan hệ Trung-Việt" mà thấy đau cho dân tộc ta. Nhà Minh muốn nhào nặn Việt Nam kiểu gì cũng được. Mạc Đăng Dung cởi trần đi bằng đầu gối, lê tấm thân hèn hạ sang đất Trung Quốc để trình sổ đất, sổ dân, để giữ được chức quan hèn hạ, nước Việt bị giáng xuống làm xứ tự trị ngang quận huyện Trung Quốc. Vì sao ? Vì không có nước lớn nào đối trọng Trung Quốc ! Mà nước ta thì chia rẽ !
Sau này, khi phương Tây sang thì nhà Thanh cũng hèn mọn cúi đầu trước Bát quốc ! Nhưng từ đó, ở biên giới phía nam Trung Quốc xuất hiện các thế lực đối trọng Trung Quốc. Người Việt bị phân hoá, lúc theo bên này, lúc theo bên kia. Hồ Chí Minh đã lãnh đạo được dân ta thực hiện "Không có gì quý hơn độc lập, tự do".
Giờ đây, Trung Quốc ép Việt Nam kiểu "tứ diện mai phục". Không có mấy nước lớn như Mỹ, Nhật, Ấn, EU + sự can trường dân tộc, thì Việt Nam chắc nghẹt thở, khó lòng ngọ nguậy !
Vì vậy chúng ta chào đón BTQP MỸ Austin đến thăm, không phải là đi với Mỹ chống Trung Quốc. Nhưng không củng cố quan hệ với Mỹ thì Việt Nam cũng bị người ta coi như mẻ ! Đã cân bằng thì phải cân bằng = hành động, không chỉ nói suông cân bằng !
Bây giờ là lúc chín muồi để ta thúc đẩy quan hệ Việt-Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện !".
Trần Đông
Nguồn : RFA, 06/08/2021