Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

06/08/2024

Điểm báo Pháp - Kamala Harris, luồng gió mới của đảng Dân Chủ

RFI tiếng Việt

Bầu cử tổng thống Mỹ : Kamala Harris – luồng gió mới của đảng Dân Chủ

Bầu cử tổng thống Mỹ 2024, chiến tranh Ukraine, tình hình ở Bangladesh là những chủ đề chính được các tờ báo Pháp quan tâm hôm 06/08/2024.

gio1

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris vận động tranh cử ở Atlanta, bang Georgia, Hoa Kỳ, ngày 30/07/2024. Reuters - Dustin Chambers

Trang nhất và bài xã luận của tờ Libération nhận định dường như phép nhiệm mầu mà các cử tri đảng Dân Chủ muốn có đã xuất hiện. Kamala Harris đang thu hút được đám đông, ít nhất vào thời điểm hiện tại. Và đột nhiên mọi chuyện đều có thể xảy ra, kể cả việc đánh bại Donald Trump, tưởng chừng như đã thẳng tiến trở lại vào Nhà Trắng. Mọi người đều cảm nhận được một luồng gió mới khi chứng kiến người phụ nữ có cá tính, với nước da ngăm đen, với một nụ cười ưa nhìn và (tương đối) trẻ này, đảm nhận vai trò ứng viên tổng thống một cách nhanh chóng và tự nhiên đến vậy. Dường như mọi căng thẳng bên đảng Dân Chủ, tích tụ trong những tháng gần đây khi chứng kiến một Joe Biden suy yếu rõ rệt và hiển nhiên không còn khả năng tiếp tục tranh cử, đột ngột tan biến. Nhật báo thiên tả tỏ ra phấn khởi khi nhận định cử tri Mỹ có thể giúp cho mọi người không rơi vào một thế giới do Trump, Putin và Tập thống trị, và mọi người nên tranh thủ tận hưởng khoảnh khắc xán lạn này.

Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn chưa ngã ngũ. Còn 3 tháng nữa mới diễn ra cuộc bầu cử tổng thống, và đó là khoảng thời gian dài đối với một người chưa quen với việc xuất hiện ở tuyến đầu. Từ nay đến ngày 05/11, mọi lời nói và cử chỉ của Kamala Harris sẽ bị soi xét và mổ xẻ kỹ lưỡng. Đương kim phó tổng thống về cơ bản không được biết đến nhiều, nhưng Libération cho rằng đó có thể sẽ là một lợi thế, khi giới truyền thông hay chính cử tri đều cảm thấy tò mò về Harris, giúp cho bà thu hút sự chú ý, trong khi Trump không chắc nhận được sự quan tâm tương tự, bởi mọi người đã quá biết về ông. Vai trò của Kamala Harris chưa bao giờ được nêu bật trong nhiệm kỳ tổng thống của Joe Biden. Nhiều người đánh giá bà không đủ năng lực để làm nhiều hơn thế, nhưng cũng có thể diễn giải rằng lòng trung thành của bà đối với tổng thống không hề lay chuyển.

Giờ đây, Kamala Harris sẽ phải giải quyết rất nhiều hồ sơ hóc búa, trong đó có xung đột ở Trung Đông, một vấn đề mà Joe Biden đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì lập trường trung dung, khi ông bị "mắc kẹt" giữa một nhóm cử tri trẻ tuổi thuộc phe Dân Chủ rất ủng hộ Palestine với một thành phần cử tri có tuổi vốn rất lo lắng cho sự an nguy của Israel. Việc lựa chọn người đứng liên danh phù hợp sẽ là bài toán đầu tiên của Kamala Harris, trong bối cảnh dường như Donald Trump đã nhận ra quá muộn rằng ông chưa hẳn đã chọn được người tối ưu để hỗ trợ mình trong chiến dịch vận động tranh cử. Tờ báo kết luận Kamala Harris biết phải làm gì để không rơi vào tình trạng tương tự.

Chiến tranh Ukraine : Chiến đấu cơ F-16 không phải là "phép mầu"

Nhìn sang Ukraine, nhật báo Le Monde dành tranh nhất lo lắng về những hệ lụy của một cuộc chiến tiêu hao. Chính quyền Kiev, hôm 04/08, tuyên bố đã nhận được những chiến đấu cơ F-16 đầu tiên như các đồng minh đã hứa cách đây một năm. Nhưng những máy bay chiến đấu do Mỹ sản xuất này dường như không đủ để giúp cho Ukraine thay đổi cục diện trên chiến trường.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không cho biết cụ thể đã nhận được bao nhiêu máy bay, nhưng ông đánh giá số lượng máy được giao là "không đủ" và kêu gọi các đồng minh "cung cấp thêm". Trên thực tế, bất chấp tầm quan trọng của chiến đấu cơ này, nhiều chuyên gia cho rằng khả năng F-16 có thể phá vỡ bế tắc trong cuộc chiến tiêu hao giữa Nga và Ukraine không hề chắc chắn.

Mặc dù những chiếc F-16 có thể cho phép Kiev tấn công lực lượng Nga trên bộ ở cự ly 900 km sau tiền tuyến, nhưng không gì có thể khẳng định các chiến đấu cơ này có khả năng vô hiệu hóa nhanh chóng những máy bay Nga thả những quả bom có sức tàn phá khủng khiếp xuống Ukraine. Các đồng minh đã hứa cung cấp 90 chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine, nhưng tiến trình này kéo dài trong vài năm.

Ngoại trưởng Na Uy Espen Barth Eide nhận định trên tờ Wall Street Journal hôm 30/07 rằng "F-16 là sự bổ sung quan trọng đối với Ukraine, nhưng một mình chiến đấu cơ này không thể làm thay đổi cục diện trên chiến trường". Elie Tenenbaum, giám đốc trung tâm nghiên cứu an ninh của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, vừa từ Kiev trở về, cũng cho biết hôm 09/07 rằng "về mặt chiến thuật, hai bên vẫn chưa thể thoát khỏi tình trạng bế tắc quân sự".

Hơn một năm sau cuộc phản công bất thành của Ukraine, viễn cảnh Kiev tìm được một bước đột phá dường như đang ngày càng bị bao phủ bởi một lớp sương mù dày đặc.

Thủ tướng Bangladesh "bỏ của chạy lấy người"

Nhìn sang Bangladesh, trang nhất của nhật báo kinh tế Les Echos chú ý đến sự kiện thủ tướng Sheikh Hasina, hôm 05/08, từ chức và bỏ trốn sau khi đất nước đã trải qua nhiều tuần trong tình trạng hỗn loạn, với những cuộc đụng độ đẫm máu giữa chính quyền và người biểu tình. Trong khi đó, lãnh đạo quân đội đất nước tuyên bố sẽ thành lập một chính phủ lâm thời.

Việc bà Hasina từ chức chấm dứt thời kỳ bất ổn kéo dài ở Bangladesh. Trong vài tuần, các cuộc biểu tình lớn đã nổ ra, kêu gọi bà từ chức, trong bối cảnh tình trạng thất nghiệp và chủ nghĩa độc tài của "Bà đầm sắt" vùng Bengal hoành hành.

Bị dồn vào chân tường, Hasina không còn cách nào khác là phải từ chức sau khi tình hình vượt tầm kiểm soát. Nội trong ngày 04/08, đã có 94 người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với cảnh sát – con số thương vong thường nhật cao nhất kể từ khi các cuộc đụng độ bất đầu vào ngày 01/07 giữa phe phản đối thủ tướng và nhân viên công lực.

Mọi thứ biến đổi chóng mặt vào hôm qua, khi hàng trăm nghìn người biểu tình đã phớt lờ lệnh giới nghiêm và tập trung về thủ đô Dacca, biến nơi này thành một chiến trường thực sự. Các cuộc đụng độ bạo lực với cảnh sát tái diễn, khiến ít nhất 56 người thiệt mạng. Đám đông đã dùng búa đập phá các bức tượng người lập quốc và là thân phụ của Sheikh Hasina, ông Mujibur Rahman.

Bị bất ngờ, bà Hasina cuối cùng được đưa ra khỏi phủ thủ tướng và rời Dacca bằng trực thăng vào giữa ban ngày. Hình ảnh được các đài truyền hình trong nước chiếu lại sau đó cho thấy một đám đông kích động cầm gậy xông vào dinh thủ tướng, làm vỡ cửa sổ và tiến vào đập phá các phòng làm việc. Một số người đã lấy đi đồ nội thất và cây xanh. Một số khác tự chụp ảnh cho thấy mình nằm trên giường trong dinh thự. Cùng lúc đó, một nhóm những người biểu tình khác tiến vào khuôn viên nhà Quốc hội và đập phá.

Ấn Độ, đồng minh của Bangladesh, có thể sẽ là nơi ẩn náu của cựu thủ tướng Bangladesh. Bà Sheikh Hasina đã từng ẩn náu ở New Delhi sau cuộc đảo chính quân sự và vụ ám sát thân phụ bà vào năm 1975. Nhưng một số nguồn tin được AFP và Bloomberg trích dẫn cho rằng điểm đến cuối cùng của Sheikh Hasina sẽ là Luân Đôn, Anh Quốc.

Olympic Paris 2024 : Duplantis trên đỉnh thế giới

Về Thế Vận Hội Paris 2024, trang nhất của nhật báo thiên hữu Le Figaro chạy tựa "Duplantis trên đỉnh thế giới". Vận động viên nhảy sào người Thụy Điển, hôm qua, đã đi vào lịch sử bộ môn của mình. Vào thời điểm môn chạy nội dung 800 mét nữ đã có kết quả cũng như việc Duplantis đã chắc chắn giành được tấm huy chương vàng Olympic thứ nhì sau Thế Vận Hội Tokyo cách đây 3 năm, vận động viên người Thụy Điển nhận được toàn bộ sự chú ý của khán giả có mặt ở Stade de France. Đầu tiên, Armand Duplantis hâm nóng bầu không khí sân vận động sau khi vượt qua mức sào 6,10m ở lần nhảy đầu tiên, giúp anh phá vỡ kỷ lục Olympic do chính anh xác lập ở Nhật Bản (6,02m).

Giờ đây, mục tiêu của Duplantis là phá vỡ kỷ lục thế giới của mình (6,24m) với mức sào 6,25m. Sau hai lần nhảy thất bại đầu tiên, anh đã thành công trong lần nhảy thứ bà và lập kỷ lục thế giới thứ chín trong sự nghiệp, khi mới chỉ 24 tuổi.

Tỷ lệ phụ nữ Pháp cho con bú sữa mẹ gia tăng

Về lĩnh vực xã hội, nhật báo công giáo La Croix dành trang nhất chú ý đến hiện tượng ngày càng có nhiều phụ nữ Pháp cho con bú, theo khảo sát của Public Health France, được công bố nhân Tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ, từ ngày 01 đến ngày 07/08.

Tỷ lệ cho con bú sữa mẹ tăng lên ở Pháp phản ánh sự thay đổi về nhận thức. Ngày nay, theo khảo sát nói trên, 77% bà mẹ Pháp cho con bú, tức tăng 3% trong vòng 10 năm qua. Đây là một tiến bộ nhỏ của Pháp, bởi xứ lục lăng vẫn bị "thụt lùi" so với các nước Châu Âu khác. Nghiên cứu nhấn mạnh "hầu hết các quốc gia Châu Âu khác có tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ khi sinh ở trên mức 80%".

Séverine Gojard, chuyên gia tại Viện nghiên cứu nông nghiệp quốc gia, thực phẩm và môi trường (INRAE) và là tác giả cuốn sách "Le Métier de Mère" (Nghề của người mẹ) nhận định "phụ nữ học thức càng cao, thì càng ý thức cho con bú sữa mẹ". Còn đối với tầng lớp lao động, "phụ nữ gốc nhập cư ý thức cho con bú hơn người Pháp, do truyền thống gia đình và thói quen văn hóa". Trong khi đó, gần 1/4 phụ nữ Pháp không cho con bú, trong bối cảnh sữa mẹ được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến khích mạnh mẽ, ít nhất là cho đến khi đứa trẻ được 6 tháng tuổi. Mặc dù vậy, đã có những tiến bộ lớn trong 50 năm qua khi vào năm 1970 chỉ có 36% phụ nữ Pháp cho con bú sữa mẹ, bởi từ những năm 1930, sữa bột của hai tập đoàn Nestlé và Guigoz đã tràn ngập các hiệu thuốc ở Pháp. Cùng lúc đó, hai công ty này quảng cáo rầm rộ về tính hiệu quả của sữa bột.

Marie-France Morel, nhà sử học và đồng tác giả cuốn sách "Accueillir le nouveau-né, d’hier à aujourd’hui" (Đón nhận bé sơ sinh, hô qua và hôm nay) nhắc lại "các bác sĩ khuyên nên dùng bình để kiểm soát liều lượng và tránh cho bé ăn quá nhiều. Ngoài ra, còn có những lý thuyết cho rằng sữa mẹ thay đổi theo cảm xúc của người phụ nữ". Nếu tức giận, người mẹ có thể sẽ nghĩ rằng sữa của mình bị giảm chất lượng và gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của đứa con.

Phan Minh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI
Read 138 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)