Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/08/2021

Mỹ đang giành lại "trái tim" của người dân Việt

Bình Nguyên

Chuyến công du của Phó Tổng thống Kamala Harris đến Việt Nam thu hút sự chú ý của nhiều người dân Việt Nam, khi nhà lãnh đạo Mỹ không chỉ gây chú ý khi bày tỏ công khai sự ủng hộ việc nâng cấp quan hệ đối tác song phương Mỹ - Việt hiện nay lên tầng nấc mới, mà còn một lần nữa lên tiếng công kích sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông.

myviet1

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu tại họp báo ở Hà Nội hôm 26/8/2021 - AFP

Những ủng hộ đặc biệt dành cho Việt Nam

Phó Tổng thống Harris đã gặp các nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam ngày 25/8, tuyên bố ủng hộ nâng tầm mối quan hệ với Việt Nam từ "đối tác toàn diện" lên "đối tác chiến lược" - là sự phân hạng về mặt ngoại giao phản ánh mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa hai nước. Đây là minh chứng mới nhất của chính quyền Biden nhằm tăng cường các liên minh và đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong nỗ lực chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc.

Phó Tổng thống Harris cho biết Mỹ ủng hộ việc giao thêm cho Việt Nam một tàu tuần tra của Tuần duyên Mỹ để giúp Việt Nam bảo vệ các lợi ích an ninh ở Biển Đông. Những đề nghị của Phó Tổng thống Harris đã nhắm tới việc hỗ trợ "tăng cường an ninh biển" của Việt Nam và đặc biệt bao gồm các chuyến thăm của tàu và hàng không mẫu hạm Mỹ. Tùy thuộc vào sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ, bà Harris đề nghị triển khai một tàu tuần duyên của Cảnh sát biển Mỹ - thuộc hải đội gồm 24 tàu tuần tra, hỗ trợ Việt Nam thực thi pháp luật và các hoạt động chung khác giúp Việt Nam củng cố sức mạnh trên biển.

Bà cũng thông báo về việc khai trương văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) tại Hà Nội. Đây là một trong bốn văn phòng cấp khu vực trên toàn cầu và tập trung vào việc hợp tác với các chính phủ khu vực về nghiên cứu và đào tạo để đối phó và ngăn chặn các cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu. Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam đang phải vật lộn với số ca nhiễm COVID-19 tăng cao kỷ lục.

Phó Tổng thống Mỹ thông báo Mỹ sẽ tặng thêm một triệu liều vắc-xin của hãng Pfizer cho Việt Nam, nâng tổng số lượng vắc-xin của Washington viện trợ cho Việt Nam lên sáu triệu liều. Ngoài ra, bà cũng thông báo "sự hỗ trợ về kỹ thuật và chương trình Covid-19" của Mỹ dành cho Việt Nam trị giá 23 triệu USD, nâng tổng số tiền trợ giúp từ đầu dịch tới giờ lên tới gần 44 triệu USD.

Kêu gọi Việt Nam cùng phản đối Trung Quốc

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris kêu gọi Việt Nam tham gia cùng với Mỹ chống lại "lối hành xử bắt nạt" của Trung Quốc ở Biển Đông. Bà phát biểu khi bắt đầu cuộc gặp song phương với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc : "Chúng ta cần tìm cách gây áp lực và tăng áp lực buộc Bắc Kinh phải tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và phản đối các tuyên bố chủ quyền trên biển quá đáng và đậm chất bắt nạt của họ".

Đây là lần thứ hai trong hai ngày, bà Harris đã trực tiếp "tấn công" Bắc Kinh. Trước đó, ngày 24/8, tại Singapore, bà Harris cáo buộc Bắc Kinh đã ép buộc và có các hành vi đe dọa để hỗ trợ các tuyên bố chủ quyền "trái pháp luật" của Trung Quốc ở các khu vực đang tranh chấp ở Biển Đông.

Trong cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo hàng đầu Việt Nam, bà Harris cũng đề nghị đề nghị "chống lại ảnh hưởng" của Trung Quốc trong khi không buộc các quốc gia phải lựa chọn đứng về phía nào trong hai cường quốc.

Những thông điệp tích cực

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã tận dụng chuyến công du Đông Nam Á để củng cố các mối quan hệ chính trị và kinh tế với khu vực. Các nước bạn bè của Washington trong khu vực hẳn sẽ cảm thấy không thoải mái khi phải sống dưới "cái bóng" của Trung Quốc, và đó là điều có thể hiểu được. 

Khu vực Đông Nam Á rất quan trọng đối với Trung Quốc. Bắc Kinh luôn coi khu vực này là sân sau của mình.

Đông Nam Á là nơi sinh sống của gần 700 triệu người, nhiều hơn cả dân số của Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ. Nhiều người dân ở khu vực này theo đạo Hồi (Indonesia là quốc gia có số dân theo Hồi giáo đông nhất trên thế giới), điều đó có nghĩa là việc tăng cường hỗ trợ cho các nền kinh tế Đông Nam Á sẽ phải đi một chặng đường dài để giành được thiện chí của người Hồi giáo trong khu vực, những người chiếm 1/4 dân số toàn cầu. Khu vực này cũng là nơi có tầng lớp trung lưu đang phát triển với mức độ thâm nhập Internet ngày càng tăng, khiến tiềm năng đầu tư - đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ - là rất lớn. Các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ ở Đông Nam Á đã vượt qua đại dịch và có thể thu hút các mức đầu tư như thời kỳ trước năm 2020 ; các khoản đầu tư từ 50-100 triệu USD đã tăng lên mức kỷ lục là 1,1 tỷ USD, tăng 26% so với năm 2020. Mức tăng trưởng này không có dấu hiệu chậm lại. Các công ty trong khu vực như Dialpad - đối thủ cạnh tranh với Zoom - không chỉ đang phát triển mạnh mà còn tích cực giành thị phần từ các đối thủ nổi tiếng hơn.

Sau khi rút quân khỏi Afghanistan, dường như Mỹ và các đồng minh không còn hứng thú với việc can thiệp quân sự. Để duy trì nền tảng đạo đức cao và ảnh hưởng toàn cầu, phương Tây sẽ phải thay thế các hành động quân sự bằng các hành động tài chính, thay thế xe tăng bằng các tấm séc, và thay thế các tướng lĩnh bằng các nhà đầu tư mạo hiểm. Thay vì là "cảnh sát của thế giới", Mỹ và các đồng minh có thể trở thành các nhà đầu tư của thế giới. Điều này sẽ thách thức ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và làm dịu đi cảm giác bị phản bội ở nhiều quốc gia có đa số người Hồi giáo sinh sống thời kỳ hậu Afghanistan, đồng thời thừa nhận một thực tế, đó là thế hệ vốn đã bị vắt kiệt sức bởi cuộc chiến chống khủng bố đã không còn hào hứng tham gia các cuộc đối đầu quân sự nữa.

Mặc dù thực tế là có gần 42.000 công ty của Mỹ xuất khẩu sang Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nhưng Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN trong năm 2020. Trung Quốc cũng là một bên tham gia của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), trong đó bao gồm cả Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, kết nối 30% dân số thế giới. Trong khi đó, nước Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hiện TPP vẫn được duy trì dưới tên gọi khác là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhưng không có sự tham gia của Mỹ.

myviet2

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại một họp báo ở Singapore hôm 23/8/2021. AFP

Khi Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, các mức thuế quan thường có tác dụng làm giảm xuất khẩu vì các quốc gia bị áp thuế cũng sẽ "ăn miếng trả miếng". Thâm hụt thương mại của Mỹ gần đây đã đạt mức kỷ lục. Các biện pháp của Mỹ chống lại các công ty như Huawei đã khuyến khích mối quan hệ Đài Loan-Trung Quốc gia tăng.

Điều quan trọng nhất là bằng cách đầu tư vào khu vực, Mỹ có thể tách chuỗi cung ứng của mình khỏi Trung Quốc. Sự phụ thuộc vào Trung Quốc đang khiến các công ty của Mỹ phải tranh giành nguồn chất bán dẫn, đồng thời khiến họ phải hứng chịu các cuộc tấn công mạng ngày càng gia tăng. Không có gì ngăn cản Indonesia, Việt Nam hoặc Thái Lan sản xuất theo tiêu chuẩn giống như các nhà sản xuất ở Đài Loan hoặc Thâm Quyến. Trên thực tế, họ có thể làm điều đó với chi phí hiệu quả hơn. Việt Nam là nền kinh tế phát triển nhanh nhất ASEAN trước đại dịch, với chi phí nhân công chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc. Những nhà đầu tư nào ủng hộ các nền kinh tế như thế này trong hành trình của họ thì chắc chắn sẽ gặt hái được nhiều "phần thưởng" - không chỉ về mặt tài chính mà còn về mặt chính trị.

Chúng ta biết rằng đầu tư và thương mại có thể có tác động chính trị mạnh mẽ hơn hành động quân sự. Kế hoạch Marshall của Mỹ sau Chiến tranh Thế giới II đã tránh khỏi lực hút của Liên Xô. Đầu tư vào Đông Nam Á có thể tạo ra một vùng đệm tương tự chống lại hai mối nguy song hành là chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Cả hai mối nguy này sẽ được kích động bởi cuộc rút quân của Tổng thống Mỹ Joe Biden khỏi Afghanistan.

Bình Nguyên

Nguồn : RFA, 26/08/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Bình Nguyên
Read 530 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)