Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/08/2021

Afghanistan : Sự đại bại của nền ngoại giao phương Tây ?

Bertrand Badie, Minh Anh

Thất bại của Hoa Kỳ tại Afghanistan là dấu hiệu của sự tái định hình địa chính trị. Thách thức lớn giờ không còn là một cuộc chiến chống khủng bố mà là Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, theo quan điểm của nhà chính trị học, chuyên gia về Quan hệ quốc tế Bertrand Badie, việc Kabul sụp đổ còn là một sự đại bại của cả nền ngoại giao phương Tây.

thatbai1

Binh sĩ Lữ đoàn 1, Sư đoàn lính dù 82, bảo đảm an ninh sân bay Kabul trong chiến dịch sơ tán ở Afghanistan sau khi Taliban chiếm được thủ đô. Ảnh chụp ngày 25/08/2021.  AP

Khi "người chăn cừu" đối đầu với cường quốc phương Tây

Taliban ngày nay khác xa với Taliban của năm 2001. Tờ Asia Times lưu ý, trong cuộc tiến công thần tốc 4 ngày, Taliban đã chứng tỏ những "người chăn cừu" đã có thể đánh bại Hoa Kỳ và các cường quốc phương Tây. Sự sụp đổ một cách nhanh chóng của chế độ Kabul do Mỹ và phương Tây bảo trợ thật sự là một cú sốc mạnh, một cơn địa chấn địa chính trị toàn cầu. Kabul gợi nhắc lại sự kiện Sài Gòn thất thủ ngày 30/04/1975, một cột mốc quan trọng cho lịch sử thế giới đương đại thế kỷ XX.

Thế nhưng, Bertrand Badie, giáo sư danh dự trường đại học khoa học chính trị Sciences Po tại Paris, trong một chương trình phát thanh trên đài France Culture, lưu ý rằng, thế giới ngày nay chịu nhiều áp lực xã hội, những căng thẳng, các xung đột và cả những bế tắc của xã hội. Các nhà lãnh đạo phương Tây đã lầm lẫn nghĩ rằng chỉ cần phô trương sức mạnh, dùng vũ lực thì mọi việc có thể an bài. "Khi một cường quốc thoái lui, tình trạng thực tế như vốn có của một đất nước sẽ được phơi bày", ông nói, do vậy "mọi cuộc can thiệp của nước ngoài là luôn đi đến thất bại".

Nhà chính trị học này nhắc lại, cuộc can thiệp của Mỹ tại Afghanistan được tiến hành trong bối cảnh mang nặng tư tưởng tân bảo thủ, với một ý tưởng xây dựng điều mà tổng thống thời bấy giờ ông George W. Bush gọi là "Greater Middle East" : Vùng Đại Trung Đông này chỉ sẽ được bình ổn bằng cách đi theo con đường dân chủ hóa mà phương Tây vạch ra.

Giờ đây, khi mô hình đó không còn trụ được nữa thì sự hỗn loạn là điều không thể tránh khỏi. Hệ quả là uy tín của Mỹ, phương Tây, và nhất là NATO đã bị sứt mẻ nghiêm trọng. Vẫn theo ông Bertrand Badie, sự việc còn làm nổi rõ một sự cạnh tranh gay gắt giữa hai nền ngoại giao trong cách tiếp cận hồ sơ Afghanistan.

"Ngày nay, người ta có cảm giác là có một sự cạnh tranh giữa hai kiểu ngoại giao. Nền ngoại giao phương Tây vẫn còn bị đóng khung trong một mô hình hai cực. Đó là một ngoại giao mang xu hướng phe phái, phân loại thế giới, một bên là những nước bạn bè, đồng minh, khách hàng và bên kia là những kẻ thù. Đương nhiên, tầm nhìn này chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại gần như không thể tránh khỏi.

Ở phía đối diện, chúng ta có một kiểu ngoại giao khác đang được hình thành, cũng không mấy gì đạo đức cho lắm, nhưng có thể nói là láu lỉnh hơn, mà tôi gọi là "catch-all diplomacies", đó là một kiểu ngoại giao "không bỏ sót điều gì". Trong một thế giới như hiện nay, cần phải thiết lập các mối quan hệ ngoại giao với tất cả mọi người, với tất cả những gì tồn tại, và phải thỏa hiệp, cố gắng đi xa hơn nếu có thể, theo cách hướng đến một đồng thuận". 

Đây chính là kiểu ngoại giao thực dụng, đang được Nga và Trung Quốc tiến hành. Cả hai nước này lần lượt tiếp đón các phái đoàn của Taliban nhằm tìm cách thiết lập bang giao với Taliban tùy theo mục tiêu chính trị và lợi ích an ninh quốc gia của từng nước. Chuyên gia về Quan hệ quốc tế nhắc lại, chủ nghĩa thực dụng từng được phương Tây áp dụng trong suốt thời kỳ thế giới phân thành lưỡng cực, nhằm mở rộng, củng cố phe phương Tây để đối phó với mối đe dọa từ Liên Xô.

Taliban, Pakistan và phương Tây : Sao đã đổi ngôi ?

Giờ đây, trong bối cảnh này, phương Tây tự hỏi : Làm thế nào cư xử với Taliban ? Có nên nói chuyện với phe nổi dậy này hay không ? Những câu hỏi ít nhiều gây ngạc nhiên cho giới quan sát. Với ông Bertrand Badie, Châu Âu ngày nay rơi vào ngõ cụt. Trước tình hình Afghanistan hiện nay, các nền ngoại giao phương Tây hầu như trong một thế tồi. Họ chẳng có nhiều lá chủ bài trong ván cờ này :

"Ở đây chúng ta có nhiều hình ảnh để mà quan sát. Thứ nhất, phương Tây hầu như vắng bóng tại vùng mà người ta gọi là Đại Trung Đông, như tại Iran, Syria hay Iraq chẳng hạn, trong một chừng mực nào đó, phương Tây gần như không thể nào nhúng tay vào bất cứ chuyện gì. Nếu như trong vòng hai thế kỷ, phương Tây là người giám hộ cho Trung Đông, thì giờ họ không còn có chút trọng lượng nào trong khu vực. Điều này quả thật là đáng lo ngại. 

Yếu tố thứ hai, khi nhìn bản đồ Afghanistan, người ta cũng quan tâm đến các nước láng giềng. Chẳng hạn như Trung Quốc, tuy chỉ có một đường biên giới chung ngắn ngủi nhưng lại ẩn chứa một khả năng tranh chấp to lớn tiềm tàng, bởi vì còn có một tình liên đới giữa Taliban với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, mà với Trung Quốc đây là một trong những mối họa gây bất ổn lớn.

Ngoại trưởng Vương Nghị đã tìm cách xử lý vấn đề này một cách khéo léo, một mặt ông ấy tiếp giáo sĩ Baradar (nhân vật số 2 của Taliban), nhưng mặt khác ông ấy tìm cách dựa vào đồng minh Pakistan, vốn dĩ được cho là đồng minh của Taliban. Đây là một cách thức chơi trò cân bằng. Và như vậy, điều này mang lại cho Trung Quốc một vị thế quan trọng trong khu vực, lớn hơn nhiều so với vị thế của Trung Quốc trước đây và nhất là của phương Tây ngày nay.

Rồi chúng ta còn có 2 hay 3 cường quốc khác trong khu vực, như Iran, cũng đang nỗ lực thiết lập một mối quan hệ đồng thuận với Afghanistan một cách uyển chuyển, nhưng không kém phần phức tạp. Nhất là chúng ta còn có một láng giềng lớn khác nữa, quan trọng không kém, vì đó còn là một cường quốc hạt nhân trong khu vực : Pakistan. Đây là quốc gia đỡ đầu cho Taliban và có thể đóng vai trò nhà trung gian giữa Afghanistan và Trung Quốc, và rất có thể là giữa Afghanistan với các cường quốc phương Tây, do Pakistan cũng có quan hệ truyền thống với nhiều cường quốc phương Tây. 

Điều thú vị ở đây là chúng ta đang chứng kiến cảnh phương Tây, người giám hộ, nước đỡ đầu, ông chủ của ngày hôm qua, nay chỉ có thể bước vào cuộc chơi này qua ngả trung gian của một nhà nước xưa kia từng là nước được che chở như Pakistan chẳng hạn". 

Kabul thất thủ : Lỗi ở Ashraf Ghani ?

Điều hiển nhiên là việc Mỹ triệt thoái quân đều làm Nga và Trung Quốc hài lòng, khi thấy rằng cường quốc số một thế giới giờ không thể nào gây áp lực với hệ thống quốc tế. Nhất là, hình ảnh hỗn loạn tại Kabul còn là một "thảm kịch" cho NATO, minh chứng cho sự bất lực của khối quân sự này trong việc xử lý cuộc khủng hoảng. Thế nên, nhà nghiên cứu chính trị học này cho rằng, người ta khó có thể đổ hết mọi lỗi lầm lên vai ông Ashraf Ghani :

"Trong tình huống này, chúng ta có bên can thiệp, trên thực tế là nước giám hộ, và rồi chúng ta có một chính phủ được dựng lên, được bên can thiệp bảo vệ và chính phủ đó là một nhà nước được che chở.

Theo định nghĩa, một nhà nước được che chở thì không vận hành được, bởi vì một nhà nước được che chở thì bị lệ thuộc, điều đó có nghĩa là nhà nước này luôn trong trạng thái được viện trợ, điều đó cũng có nghĩa là họ được viện trợ những gì họ thấy phù hợp cho họ, cho các nhà lãnh đạo Afghanistan. Bởi vì họ đâu có nguồn thu nào khác, ai cũng ngạc nhiên là quân đội Afghanistan có quân số đông hơn phe Taliban mà hoàn toàn bại trận. 

Cũng theo định nghĩa, các định chế của nhà nước được che chở là những định chế tham nhũng, yếu kém và không thể tự chủ, chẳng có chút năng lực riêng nào, cho nên, việc đổ hết mọi sai lầm lên ông Ashraf Ghazi đáng thương thì cũng hơi khó hiểu.

Điều này quả thật là phi lý, bởi vì ông Ghani chính là kết quả của một kiểu lập luận can thiệp. Ông ấy khá giống với Ngô Đình Diệm, người từng là tổng thống chính phủ miền Nam Việt Nam trong những năm 1960". 

Ngoại giao phương Tây thực sự trong sạch ?

Câu hỏi đặt ra : Ngoại giao phương Tây giờ có thể làm được gì ? Về mặt lý thuyết, mục tiêu của ngoại giao là xử lý các cuộc phân ly, các tranh chấp, căng thẳng hay xung đột. Phương Tây từ bao lâu nay đã hiểu nhầm ý nghĩa của "ngoại giao", khi luôn tỏ ra "xưng bá, xưng hùng", lập bè lập phái. Giáo sư Bertrand Badie lấy làm tiếc rằng, kể từ khi bức tường Berlin sụp đổ, nền ngoại giao phương Tây đã không biết cách thay đổi "phần mềm" của mình để thích ứng với những thay đổi thời đại, mà Afghanistan là một ví dụ điển hình mới nhất : 

"Chúng ta vẫn còn trong kiểu ngoại giao theo phe phái, được cho là một nền ngoại giao vì nhân quyền ; trong khi thực tế lại cho thấy không đúng như vậy, bởi vì trong phe phương Tây, chúng ta thấy có nhiều nhà độc tài như thống chế Sissi của Ai Cập, hoàng thái tử Mohammed Ben Salmane (MBS) của Saudi Arabia, hay như những gì đang xảy ra xung quanh vụ tai tiếng Pegasus.

Tất cả những điều đó cho thấy rõ là đặc tính của nền ngoại giao phương Tây chính là ý chí khẳng định một bản sắc trước đối thủ, chứ không phải là những đức tính.

Thế nhưng, ngoại giao lại là điều ngược lại, không phải là sự tự khẳng định bản sắc của mình trước những kẻ khác, mà là tìm kiếm một đồng thuận với những bản sắc, là sự thỏa hiệp để xây dựng một trật tự quốc tế ổn định".

Minh Anh

Nguồn : RFI, 26/08/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Bertrand Badie, Minh Anh
Read 636 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)