Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/08/2021

Chủ quyền Biển Đông : Hoa Kỳ hậu thuẫn Việt Nam, Bắc Kinh tức tối

Nhiều tác giả

Hãy thôi "đổi trắng thay đen" đi Trung Quốc !

Viên Hồng Tiến, RFA, 27/08/2021

Sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đã làm chao đảo tình hình kinh tế, chính trị và xã hội của cả thế giới. Đại dịch đã trở thành chủ đề quan tâm của mọi doanh nghiệp, tổ chức, và đặc biệt giới tinh hoa các nước. Mối quan tâm không chỉ là việc tìm kiếm vắc xin, mà còn là cách hành xử của các nước, đặc biệt là các nước lớn, trong đó có Trung Quốc.

thoi1

Biểu tình ở Hà Nội hôm 19/1/2014 phản đối Trung Quốc chiếm Hoàng Sa nhân kỷ niệm 40 năm hải chiến Hoàng Sa - Reuters

Trong các chuyến thăm Singapore và Việt Nam vừa qua, Phó Tổng thống Mỹ Harris đã thẳng thắn lên tiếng trước việc Trung Quốc chèn ép các nước láng giềng trong khu vực. Bà nói trong một cuộc họp báo tại Hà Nội : "Chúng tôi hoan nghênh sự cạnh tranh gay gắt, chúng tôi không mưu tìm xung đột, nhưng về các vấn đề như Biển Đông, chúng tôi sẽ lên tiếng. Chúng tôi sẽ lên tiếng khi có những hành động mà Bắc Kinh thực hiện đe dọa đến trật tự quốc tế dựa trên luật lệ".

Trung Quốc luôn đưa ra các tuyên bố chủ quyền của nước này đối với các hòn đảo ở Biển Đông là "không thể chối cãi" khi phản bác lại tuyên bố của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris : "Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi đối với các đảo và vùng biển lân cận ở Biển Đông. Trung Quốc cam kết giải quyết các tranh chấp liên quan thông qua đàm phán và tham vấn với các nước liên quan trực tiếp trên cơ sở tôn trọng các sự kiện lịch sử và luật pháp quốc tế".

Trung Quốc đang cố gắng dùng cái gọi là "ngoại giao chiến lang" để nhằm mục đích tuyên truyền ra thế giới để bảo vệ những hành động của Trung Quốc, cho dù đó là các hành động phi pháp và sai trái. Chủ tịch Tập Cận Bình coi đây là ưu tiên hàng đầu nhằm tác động tới dư luận thế giới, theo đó yêu cầu truyền thông nhà nước phải "bảo vệ và đứng về phía Đảng".

thoi0

Những phát ngôn của bà Harris tại Singapore hay tại Việt Nam đều thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, trong đó có UNCLOS 1982 và Phán quyết năm 2016 ; giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế. 

Theo Giáo sư David Shambaugh, Đại học George Washington, Trung Quốc dành đến 10 tỷ USD mỗi năm cho việc tuyên truyền trên phạm vi quốc tế, trên mọi mặt trận từ truyền thông, mạng xã hội cho đến quảng cáo (1). Điều mỉa mai là Trung Quốc hay lợi dụng Facebook hay Twitter, những nền tảng bị cấm tại Đại lục, biến các nền tảng này thành các công cụ quan trọng để phổ biến những "lời hay ý đẹp" của Đảng cộng sản Trung Quốc.

Điển hình của kiểu "ngoại giao chiến lang" này của Trung Quốc chính là việc ngày 26/8/2021, Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đăng bài viết "bày tỏ lập trường đối với việc Phó Tổng thống Mỹ có phát biểu công kích Trung Quốc trong chuyến thăm Việt Nam" trên Facebook (2).

Mang tiếng là bài viết của một cơ quan đại diện ngoại giao nhưng lại toàn những lời lẽ bóp méo sự thật, vu cáo trắng trợn, đúng như bản chất tráo trở của Trung Quốc vậy.

Những phát ngôn của bà Phó Tổng thống Mỹ Harris tại Singapore hay tại Việt Nam đều thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, trong đó có UNCLOS 1982 và Phán quyết năm 2016 ; giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Sự thật ai là kẻ cưỡng ép, bắt nạt ở Biển Đông đã hết sức rõ ràng. Với những hành vi đâm chìm tàu cá ; cho tàu vây hãm, uy hiếp hoạt động dầu khí hợp pháp của các nước ; đưa tàu khảo sát, tàu nghiên cứu hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển các nước láng giềng thì Trung Quốc mới chính là kẻ bắt nạt, cưỡng ép ở Biển Đông.

Hơn thế nữa, Đại sứ quán Trung Quốc còn bịa ra chuyện : "trong những năm 50-60, Mỹ đã nhiều lần xin phép với Trung Quốc về việc tiến hành đo đạc tại quần đảo Nam Sa (quần đảo Trường Sa của Việt Nam)". Xin thưa với các ngài rằng cho đến tận những năm 80 của thế kỷ 20, Bắc Kinh hoàn toàn chưa có mặt ở quần đảo Trường Sa mãi đến năm 1988 khi Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm sáu thực thể ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Đây là một sự thực lịch sử không thể chối cãi. Hiệp định Geneve 1954 mà Trung Quốc là một bên tham gia ở đó, quy định rõ trong những năm 50-60, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm dưới sự quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này và năm 1974, Bắc Kinh đã dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa. Đây cũng là một sự thật lịch sử mà cả thế giới đều biết tới. Như vậy, làm gì có chuyện "Mỹ xin phép Trung Quốc khi đo đạc tại Nam Sa".

Chưa kể, vào những năm 50-60, Trung Quốc mới đang "chập chững", cuộc chiến Kim Môn, Mã Tổ năm 1958 đã thể hiện Hải quân Trung Quốc không là gì so với sức mạnh của Hải quân Hoa Kỳ. Lúc này Trung Quốc cũng chưa giành vị trí trong Liên Hợp Quốc, thì Trung Quốc "tuổi gì" để Mỹ phải xin phép Trung Quốc ?

Chính Đại sứ quán Trung Quốc đang tìm cách chia rẽ quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ khi bài viết nhắc đến những quá khứ trong chiến tranh Việt Nam đã đi qua gần 50 năm. Việt Nam là một dân tộc có lòng vị tha cao cả, luôn với tinh thần "khép lại quá khứ" để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các dân tộc khác trên thế giới, bao gồm cả Trung Quốc. Hy vọng các ngài hãy đừng khơi dậy những gì trong quá khứ để làm hằn lên mối hận thù ; hãy tập trung làm những điều tốt đẹp để xây dựng lòng tin. Cách hành xử cao thượng chính là cơ sở để tạo dựng niềm tin ; còn những lời lẽ hằn học theo kiểu "chọc gậy bánh xe" chỉ càng làm xấu đi hình ảnh của một nước "Trung Hoa vĩ đại".

Trung Quốc vẫn đang cố gắng tăng cường hình ảnh và "sức mạnh mềm" của mình. Tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu, việc tăng cường quyền lực mềm không phải là một điều đơn giản và dễ dàng. Sự thật thì "quyền lực mềm" của Trung Quốc vẫn chỉ là "con hổ giấy". Đơn giản là vì Trung Quốc không thể dễ dàng dùng tuyên truyền để "đổi trắng thay đen" các sự thật pháp lý và lịch sử ở biển Đông được. Theo điều tra của Pew Research Center tại 14 quốc gia phát triển, công bố vào tháng 10/2020, hình ảnh Bắc Kinh vô cùng tồi tệ trong giai đoạn đại dịch (3).

Nhận định trên tạp chí Foreign Policy, nhà nghiên cứu Sulmaan Wasif Khan, làm việc tại Đại học Tuffs cho rằng kiểu ngoại giao "Chiến Lang" mà Trung Quốc áp dụng gần đây rõ ràng đang hủy hoại "đại chiến lược" của Trung Quốc, trong khi lại đặt ra nhiều rủi ro từ bên trong. Ông nói : "Nguy cơ thực sự nằm ở chỗ một khi sự tiêu cực độc hại lan ra khắp bộ máy, người ta sẽ không thể biết điểm dừng là ở đâu" (4).

Viên Hồng Tiến

Nguồn : RFA, 27/08/2021

***********************

Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội gọi việc chiếm đóng Hoàng Sa và Trường Sa là "quyền lợi hợp pháp"

RFA, 27/08/2021

Vào nửa đêm ngày 26 tháng 8, trang Facebook của Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đăng tải nội dung được cho là lập trường của cơ quan ngoại giao này về các phát biểu của Phó Tổng thống Hoa Kỳ, Kamala Harris, trong chuyến thăm vừa diễn ra của bà đến Việt Nam.

thoi0

Quân đội Trung Quốc đi tuần ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa hôm 29/1/2016 - AP

Phía sứ quán Trung Quốc cho rằng bà Kamala Harris đã "công kích" nước họ, và cáo buộc mục đích chuyến thăm của bà Harris tới Việt Nam là "nhằm thách thức và gây sức ép với Trung Quốc" và "chia rẽ Trung Quốc với các nước xung quanh".

Điều đáng chú ý trong tuyên bố này là phía sứ quán Trung Quốc khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, hay Nam Hải theo cách gọi của nước này, và gọi hành vi chiếm đóng các thực thể ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là "quyền lợi hợp pháp".

Sứ quán Trung Quốc cũng đổ cho Mỹ là "kẻ thúc đẩy quân sự hoá" tại Biển Đông, trong khi trên thực tế chính Trung Quốc mới là nước đã bồi lấp các đá thành đảo nhân tạo ở Trường Sa, và xây dựng các căn cứ quân sự ở cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nơi họ chiếm đóng.

Trong bài đăng của mình, sứ quán Trung Quốc cũng nhắc lại những "tội ác chiến tranh" của Hoa Kỳ trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, và quy kết việc Phó Tổng thống Mỹ đến Việt Nam trong thời điểm hỗn loạn ở Afghanistan là để "đánh thức ký ức" về sự kiện Sài Gòn sụp đổ.

Ở cuối bài đăng, sứ quán Trung Quốc "khuyến cáo" Hoa Kỳ không được coi nhẹ ý chí và năng lực của nước này trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia. Và khẳng định các nước trong khu vực sẽ không nghe theo Mỹ để chống lại Trung Quốc.

Bài đăng trên của Đại sứ quán Trung Quốc đã thu hút lượng lớn tương tác của người dùng mạng xã hội ở Việt Nam. Trong số hàng ngàn bình luận, hầu hết đều bày tỏ sự phản đối, và chế giễu lập luận của phía Trung Quốc. Trong đó, có người còn thách thức sứ quán Trung Quốc làm một cuộc thăm dò dư luận để xem người Việt tin Hoa Kỳ hay Trung Quốc hơn.

Việc các cơ quan ngoại giao của Trung Quốc ở Việt Nam có những phát ngôn đả kích Hoa Kỳ không phải chuyện mới.

Trong cuộc thảo luận về nỗ lực tạo ảnh hưởng lên truyền thông Việt Nam của Trung Quốc diễn ra hôm 23 tháng 7, ông Lương Nguyễn An Điền từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á phát biểu rằng hai cơ quan ngoại giao của Trung Quốc ở Việt Nam là Đại sứ quán ở Hà Nội và Lãnh sự quán ở Thành phố Hồ Chí Minh đều rất tích cực "tuyên truyền các luận điệu chống Mỹ".

Ở tầm quốc tế, các cơ quan ngoại giao của Trung Quốc cũng rất tích cực phân tán các nội dung đả kích Hoa Kỳ, các chuyên gia quan hệ quốc tế gọi đây là chính sách "ngoại giao chiến lang".

Trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 24 đến ngày 26 tháng Tám, Phó Tổng thống Hoa Kỳ, Kamala Harris, đã nhiều lần lặp lại quan điểm của phía Mỹ về các hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông và gọi đó là sự "bắt nạt". Bà Kamala Harris cũng kêu gọi Việt Nam cùng với Hoa Kỳ gây sức ép đối với Trung Quốc để đảm bảo quyền tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông.

***********************

Hoa Kỳ khẳng định hậu thuẫn Việt Nam bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông

Trọng Thành, RFI, 26/08/2021

Hôm 25/08/2021, là ngày thứ hai chuyến công du của phó tổng thống Hoa Kỳ tại Việt Nam. Nhân dịp này, Nhà Trắng ra thông cáo khẳng định hậu thuẫn Việt Nam "bảo vệ độc lập và chủ quyền, đặc biệt trên biển". Thông cáo của Nhà Trắng cũng nhấn mạnh đến hàng loạt lĩnh vực hợp tác Mỹ - Việt đã và đang được triển khai, từ kinh tế cho đến cuộc chiến chống dịch Covid-19, giáo dục, khắc phục hậu quả chiến tranh, hay khí hậu, môi trường.

biendong1

Phó tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris trong buổi họp báo trước khi rời Việt Nam về Mỹ, Hà Nội, ngày 26/08/2021.  Reuters – Evelyn Hockstein

Thông cáo của phủ tổng thống Mỹ ghi nhận một trong những ưu tiên hàng đầu trong quan hệ Mỹ - Việt hiện nay là về an ninh trên biển. Trong đối thoại giữa phó tổng thống Kamala Harris với các lãnh đạo Việt Nam, hai bên đã "khẳng định cam kết tiếp tục hợp tác an ninh cấp cao nhằm hỗ trợ một nước Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập, bao gồm các hoạt động nhân đạo (với sự tham gia của Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ) theo cơ chế Đối tác Thái Bình Dương và các chuyến thăm Việt Nam của các tàu Mỹ, gồm các tàu sân bay".

Thông cáo của Nhà Trắng cũng cho biết hợp tác giữa lực lượng tuần duyên Mỹ và Cảnh sát biển Việt Nam sẽ được tăng cường, bao gồm việc Washington chuyển giao cho Hà Nội tàu tuần duyên thứ ba, theo đề nghị của Quốc Hội Mỹ. Ba tàu tuần duyên cùng với đội 24 tàu tuần tra cao tốc mà Mỹ đã chuyển giao cho Hà Nội, cùng các cơ sở hàng hải, huấn luyện chấp pháp, và nhiều hoạt động phối hợp khác "đang giúp tăng cường khả năng của Việt Nam trong các hoạt động bảo vệ an ninh hàng hải tại Biển Đông".

Siết chặt quan hệ kinh tế và giáo dục

Nhà Trắng cũng nhấn mạnh đến việc mối quan hệ Việt - Mỹ về kinh tế đã được siết chặt : Hoa Kỳ hiện đang là đối tác kinh tế thứ hai và thị trường xuất khẩu số một của Việt Nam. Quan hệ kinh tế Việt - Mỹ đang được tiếp tục củng cố, bởi "một nền kinh tế Việt Nam sôi động là rất quan trọng đối với chuỗi cung ứng" mà nước Mỹ phụ thuộc vào. Hoa Kỳ và Việt Nam cũng đã nâng cao năng lực ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với các mối đe dọa từ bệnh truyền nhiễm thông qua quan hệ đối tác trong Chương trình An ninh Y tế Toàn cầu, đặc biệt trong cuộc chiến chống Covid-19.

Giáo dục là một lĩnh vực được ghi nhận là đặc biệt quan trọng trong quan hệ Mỹ - Việt, với gần 30.000 người Việt Nam đang học tập tại Hoa Kỳ, đóng góp gần 1 tỷ đô la cho nền kinh tế Hoa Kỳ. Phó tổng thống Harris cũng nhấn mạnh đến các hợp tác lâu dài Việt - Mỹ trong giáo dục. Dự án của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ USAID đang có chương trình hậu thuẫn ba đại học quốc gia lớn nhất Việt Nam, "về giảng dạy, nghiên cứu, cách tân và quản trị" với tổng trị giá 14,2 triệu đô la. Gần 150.000 sinh viên Việt Nam sẽ được hỗ trợ trong khuôn khổ dự án này, để góp phần thúc đẩy "một nước Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập", đối tác quan trọng của Hoa Kỳ.

Sứ quán Mỹ có địa điểm mới, Peace Corps mở Văn phòng tại Hà Nội

Trong cuộc hội kiến với phó tổng thống Mỹ hôm qua, chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc khẳng định "Việt Nam coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu" và "mong muốn cùng Hoa Kỳ tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển thực chất, hiệu quả, đi vào chiều sâu".

Quan hệ Việt - Mỹ được siết chặt trong chuyến công du Hà Nội của phó tổng thống Kamala Harris. Hôm qua, hai bên ký thỏa thuận về địa điểm mới của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, diện tích 3,2 ha, quy mô xây dựng hơn 419.000 m2, tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ngân sách xây dựng khoảng 1,2 tỷ đô la.

Washington và Hà Nội cũng thỏa thuận chính thức mở văn phòng của Peace Corps Vietnam - Tổ Chức Hòa Bình Việt Nam - tại Hà Nội, sau 17 năm đàm phán. Theo thông cáo của Nhà Trắng, việc Peace Corps Vietnam chính thức hoạt động "mở ra một cơ hội mới cho thanh niên Mỹ phục vụ ở nước ngoài và thúc đẩy mối quan hệ giao lưu nhân dân giữa hai quốc gia". Tổ Chức Hòa Bình Việt Nam dự kiến sẽ mở cửa đón những tình nguyện viên đầu tiên vào năm 2022.

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 26/08/2021

***********************

Phó Tổng thống Harris kêu gọi Việt Nam cùng Mỹ chống lại hành vi "bắt nạt" của Trung Quốc

Trọng Nghĩa, RFI, 25/08/2021

Đến Hà Nội từ khuya hôm 24/08 trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, phó tổng thống Mỹ Kamala Harris hôm 25/08/2021 kêu gọi Việt Nam cùng với Hoa Kỳ thách thức các hành vi "bắt nạt" của Trung Quốc ở Biển Đông.

vnus1

Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tiếp Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris tại Phủ chủ tịch, Hà Nội, Việt Nam, ngày 25/08/2021.  Reuters - Pool

Trong vòng hai ngày, đây là lần thứ 2 bà Harris tố cáo đích danh Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, lần đầu tiên là tại Singapore vào hôm qua, khi bà lên án các hành động "cưỡng ép" và hù dọa của Bắc Kinh đối với các láng giềng quanh Biển Đông. 

Theo hãng tin Anh Reuters, trong cuộc gặp với chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội, phó tổng thống Mỹ cho rằng cần phải gia tăng áp lực đối với Bắc Kinh về vấn đề các tuyên bố chủ quyền biển "quá đáng và phi pháp" của Trung Quốc đối với vùng Biển Đông. Phát biểu với lãnh đạo Việt Nam, bà Harris xác định : "Chúng ta cần tìm cách gây áp lực, gia tăng sức ép... đối với Bắc Kinh để buộc họ tuân thủ Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, và thách thức các hành vi bắt nạt và yêu sách hàng hải quá mức của Trung Quốc". 

Theo hãng tin Mỹ AP, phó tổng thống Harris cũng xác nhận việc Hoa Kỳ cung cấp thêm cho Việt Nam một chiếc tàu tuần tra cỡ lớn của Lực Lượng Tuần Duyên Mỹ để giúp Việt Nam bảo vệ vùng biển của mình trên Biển Đông.

Hãng Reuters cho biết thêm, trong các cuộc gặp với giới lãnh đạo Việt Nam, bà Harris cũng đề nghị sự giúp đỡ của Mỹ trong một số lĩnh vực quan trọng, trong đó có việc giúp Việt Nam tăng cường an ninh hàng hải và mở nhiều chuyến thăm của tàu Hải Quân Hoa Kỳ tới Việt Nam. 

Một cách tổng quát, phó tổng thống Mỹ bà ủng hộ việc nâng cấp quan hệ với Việt Nam, từ quan hệ đối tác toàn diện lên quan hệ đối tác chiến lược, phản ánh mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa hai nước. Theo Reuters, giới chuyên gia phân tích cho rằng Việt Nam muốn nâng cấp quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ lên mức "đối tác chiến lược", nhưng lo ngại sẽ khiến Bắc Kinh tức giận. 

Những lời tố cáo đích danh Trung Quốc của phó tổng thống Mỹ dĩ nhiên đã khiến Bắc Kinh phẫn nộ. Trong lúc Bộ Ngoại giao Trung Quốc và báo chí nước này không ngớt lời đả kích Mỹ, Bắc Kinh bị cho là đã không ngần ngại gây sức ép đối với Hà Nội ngay trước lúc bà Harris đặt chân đến thủ đô Việt Nam. 

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 25/08/2021

*********************

Bắc Kinh tức tối khi bị phó Tổng thống Mỹ tố cáo hành vi bắt nạt ở Biển Đông

Trọng Nghĩa, RFI, 25/08/2021

Những lời tố cáo đích danh Trung Quốc "bắt nạt" láng giềng Biển Đông mà phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đưa ra nhân chuyến công du Đông Nam Á dĩ nhiên đã gặp phản ứng dữ dội từ phía Bắc Kinh.

biendong2

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris và thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại Văn phòng chính phủ, tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 25/08/2021.  AP - Evelyn Hockstein

Trong lúc Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố phản đối, truyền thông nước này được bật đèn xanh để "nã pháo" vào Hoa Kỳ. Bắc Kinh còn bị cho là đã gây sức ép đối với Hà Nội ngay trước lúc bà Harris đặt chân xuống thủ đô Việt Nam hôm qua. 

Ngay sau phát biểu cứng rắn của phó tổng thống Mỹ tại Singapore vào hôm qua, nêu đích danh Trung Quốc về những hành vi cưỡng ép, hù dọa các láng giềng nhằm áp đặt những yêu sách chủ quyền "quá đáng và phi pháp" ở Biển Đông, báo chí Trung Quốc đã ồ ạt đả kích Hoa Kỳ, cho rằng bà Harris đang tìm cách chia rẽ Châu Á, cụ thể là chia rẽ Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. 

Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, trong một bài xã luận công bố hôm nay, 25/08/2021, tờ báo Anh Ngữ China Daily đã cáo buộc Mỹ về ý muốn kềm chế Trung Quốc. Tờ báo chính thống của Trung Quốc cho rằng : "Khi chỉ mặt Trung Quốc để buộc tội "cưỡng ép" và "hù doa", Harris đã cố tình phớt lờ thói đạo đức giả của mình để tìm cách ép buộc và đe dọa các nước trong khu vực, tham gia cùng với Washington trong âm mưu kiềm chế Trung Quốc". 

Đối với tờ báo, bài phát biểu của bà Harris tại Singapore là một cuộc tấn công "vô căn cứ" vào Trung Quốc, và "có vẻ như cam kết duy nhất của Hoa Kỳ đối với Đông Nam Á là những nỗ lực nhằm chia rẽ các quốc gia Đông Nam Á với Trung Quốc"

Tờ báo dĩ nhiên không nói gì về những vụ tàu Trung Quốc ngang nhiên tiến vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, Philippines, Malaysia, các hành vi cản trở của Trung Quốc nhắm vào công việc khai thác dầu khí, hay hoạt động ngư nghiệp của các láng giềng, nhân danh chủ quyền của Bắc Kinh trên hầu như toàn bộ Biển Đông, những yêu sách đã bị một tòa trọng tài quốc tế coi là "không có cơ sở pháp lý". 

Chính yếu tố "phi pháp" này đã được phó tổng thống Mỹ nhấn mạnh tại Singapore khi bà nhắc lại rằng những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên "phần lớn Biển Đông" đều "trái luật" và đã bị "phán quyết của tòa trọng tài năm 2016 bác bỏ", và các hành động của Bắc Kinh tiếp tục phá hoại trật tự dựa trên luật lệ và đe dọa chủ quyền của các quốc gia. Theo bà Harris, Hoa Kỳ "sát cánh cùng các đồng minh và đối tác trước những mối đe dọa đó". 

Phản ứng trước những lời tố cáo cụ thể đó, Bắc Kinh lại nêu ví dụ Afghanistan để tố cáo điều mà họ cho là chính sách ngoại giao ích kỷ của Washington mà các nước khác phải dè chừng. Theo ông Uông Văn Bân, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua, thì Mỹ chỉ dùng chiêu bài trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ để biện minh cho những "hành vi bắt nạt, bá quyền" của chính họ, nhằm bảo vệ chủ trương "Nước Mỹ Trên Hết". 

Trong một cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh, phát ngôn viên Trung Quốc cho rằng : "Các sự kiện đang diễn ra ở Afghanistan cho chúng tôi biết rõ ràng các quy tắc và trật tự mà Mỹ đề cập đến là gì". 

Không chỉ đả kích Mỹ, Bắc Kinh đã có động thái nhắm vào Việt Nam. Chỉ vài tiếng đồng hồ trước lúc bà Harris đến Việt Nam, đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, ông Hùng Ba, đã có một cuộc tiếp xúc với thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại Hà Nội, một cuộc gặp mà báo chí quốc tế đều ghi nhận là "không hề được loan báo trước". 

Trong cuộc gặp, đại sứ Trung Quốc đã hứa là sắp tới đây sẽ viện trợ cho Việt Nam thêm 2 triệu liều vac-xin ngừa Covid-19. Thái độ vồn vã này trái hẳn với tình trạng cách nay không lâu, khi ngoại trưởng Vương Nghị đi thăm tất cả các nước Đông Nam Á, trừ Việt Nam. 

Điểm được hãng tin Anh Reuters chú ý là trong cuộc họp này, thủ tướng Việt Nam đã xác định với phía Trung Quốc là Việt Nam không đứng về phía nào trong chính sách đối ngoại của mình. Đây là một tuyên bố có thể trấn an Bắc Kinh, đồng thời cũng không trái với lập trường của Washington, đã được phó tổng thống Kamala Harris nhắc lại ở Singapore, là Hoa Kỳ không buộc nước nào chọn phe. 

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 25/08/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Viên Hồng Tiến, RFA tiếng Việt, Trọng Thành, Trọng Nghĩa
Read 574 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)