Trung Quốc, Philippines tranh cãi về luật mới và đường cơ sở ở Biển Đông
Reuters, VOA, 14/11/2024
Bộ ngoại giao Philippines cho biết hôm thứ Tư rằng họ đã triệu tập đại sứ Trung Quốc để phản đối việc Bắc Kinh vẽ đường cơ sở xung quanh bãi cạn Scarborough đang tranh chấp ở Biển Đông.
Một tàu hải cảnh Trung Quốc di chuyển gần tàu BRP Teresa Magbanua của Tuần duyên Philippines gần bãi cạn Scarborough ở Biển Đông, vào ngày 8/2/2024.
"Các đường cơ sở nói trên xâm phạm chủ quyền của Philippines và vi phạm luật pháp quốc tế", bộ này cho biết trong một tuyên bố.
Động thái này diễn ra sau khi Trung Quốc hôm Chủ Nhật đưa ra định nghĩa về đường cơ sở cho "vùng lãnh hải" xung quanh bãi cạn mà Bắc Kinh gọi là Đảo Hoàng Nham. Bãi cạn này là điểm tranh chấp chính về chủ quyền và quyền đánh bắt cá.
Đáp lại, đại sứ Trung Quốc tại Philippines Huang Xilian nói vào cuối ngày thứ Tư rằng đường cơ sở là "phản ứng cần thiết" đối với luật hàng hải mới của Philippines và là "biện pháp thường lệ" để tăng cường quản lý hàng hải, theo một tuyên bố từ đại sứ quán của nước này tại Philippines.
Tuần trước, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã ký thành luật Đạo luật về các vùng biển và Đạo luật về các tuyến đường biển để củng cố các yêu sách hàng hải của nước này và củng cố toàn vẹn lãnh thổ.
Trung Quốc đã triệu tập đại sứ Philippines để đưa ra "các tuyên bố nghiêm trọng" ngay sau khi các đạo luật được ký kết.
Đại sứ Huang nhắc lại sự phản đối của Trung Quốc đối với các luật mới, cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và quyền hàng hải của mình.
"Chúng tôi kêu gọi Philippines ngay lập tức chấm dứt mọi hành động đơn phương có thể làm leo thang tranh chấp và làm phức tạp thêm tình hình, đồng thời duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông", tuyên bố của đại sứ quán nói.
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines về Biển Đông đã leo thang trong suốt cả năm qua, đặc biệt là về bãi cạn Scarborough.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, một tuyến đường thủy quan trọng đối với hơn 3 nghìn tỷ đô la thương mại hàng năm bằng tàu biển, một số phần trong số đó cũng được Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Nguồn : VOA, 14/11/2024
**************************
Biển Đông : Trung Quốc nổi giận với luật mới của Philippines, Việt Nam ảnh hưởng gì ?
BBC, Lữ Gia Hùng, 14/11/2024
Trung Quốc hôm 11/11 đã tái khẳng định đường phân định lãnh hải xung quanh bãi cạn Scarborough đang tranh chấp. Tuyên bố được Bắc Kinh đưa ra chỉ hai ngày sau khi Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. ban hành hai đạo luật củng cố chủ quyền của Manila ở Biển Đông.
Bản đồ chủ quyền Biển Đông giữa các quốc gia tranh chấp - Ảnh minh họa
Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu đại sứ Philippines tại Bắc Kinh để "truyền tải thông điệp phản đối một cách nghiêm túc" của nước này đối với hai đạo luật trên.
Bắc Kinh cho rằng đây là hành động "vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ và các quyền trên biển của Trung Quốc".
Trả lời BBC, Tiến sĩ Chung Chí Đông, chuyên gia về các vấn đề Biển Đông từ viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng (thuộc Bộ Quốc phòng Đài Loan), nói rằng các nước đang dùng cuộc chiến pháp lý để giải quyết bất ổn ở Biển Đông.
Theo ông, trước đây Trung Quốc chưa xác định đường cơ sở lãnh hải cho các đảo và rạn san hô ở Biển Đông, nhưng năm nay Bắc Kinh đã thực hiện việc phân định ranh giới lớn đầu tiên, một phần để đáp lại hai đạo luật được Manila công bố mới đây.
"Trong tương lai, Trung Quốc có thể công bố thêm đường cơ sở lãnh hải cho các đảo ở Biển Đông. Đây là một xu hướng cần chú ý", ông Chung Chí Đông nhận định.
Hai đạo luật của Philippines
Tổng thống Philippines Ferdinand Marco Jr ngày 8/11 đã ký ban hành hai đạo luật xác định các quyền hàng hải của quốc gia này và thiết lập các tuyến đường biển và đường hàng không cố định dành cho tàu thuyền và phương tiện nước ngoài.
Đạo luật thứ nhất có tên Luật Các Khu vực biển (Maritime Zones Act), định rõ lãnh thổ quốc gia trên biển của Philippines, cũng như những khu vực bên ngoài mà Manila được hưởng các quyền được có trên biển, theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Các khu vực này bao gồm một số vùng biển đang xảy ra tranh chấp với Trung Quốc - quốc gia đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn Biển Đông, bao gồm các khu vực gần bờ biển Philippines và bác bỏ phán quyết quốc tế khẳng định rằng tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với vùng biển này không có cơ sở pháp lý.
Đạo luật thứ hai có tên Luật Các tuyến đường biển của quần đảo (Archipelagic Sea Lanes Act), cho phép tổng thống Philippines thiết lập các tuyến hàng hải và hàng không cho tàu thuyền, máy bay và các phương tiện nước ngoài có thể đi qua mà "không gây tổn hại đến an ninh quốc gia của Philippines".
Đạo luật này cũng chính thức hóa thuật ngữ ưa thích của chính quyền Philippines đối với khu vực tranh chấp : Manila gọi một khu vực Biển Đông nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ là "Biển Tây Philippines", xóa từ "Trung Quốc" khỏi khu vực này (Biển Đông có tên tiếng Anh là South China Sea, dịch theo nghĩa đen là "Biển Nam Trung Hoa").
Từ Mỹ, cựu đại tá Raymond Powell, Giám đốc Dự án SeaLight thuộc Đại học Standford, nói với BBC News Tiếng Việt rằng các luật mới của Philippines không mở rộng các yêu sách của Philippines mà thay vào đó đưa các quyền hợp pháp hiện có của họ theo UNCLOS 1982 vào luật pháp Philippines.
Ông cũng cho rằng bất kỳ tác động nào từ luật mới của Manila đối với căng thẳng trên Biển Đông có thể sẽ không đáng kể, ngoại trừ khi chúng hợp pháp hóa các yêu sách trước đây của Philippines.
Tiến sĩ Chung Chí Đông cho rằng Philippines hy vọng nhân cơ hội này để kiểm tra xem liệu chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump có tiếp tục ủng hộ lập trường của Philippines chống lại Trung Quốc hay không.
"Cá nhân tôi tin rằng Manila đã chuẩn bị cho điều này trước cuộc bầu cử Mỹ và công bố các luật liên quan vào thời điểm này. Trước đó, sự ủng hộ của chính quyền Biden dành cho Manila là rất vững chắc và điều này lẽ ra phải được thông báo ngắn gọn với Nhà Trắng", ông nói với BBC.
Giám đốc Raymond Powell lại cho rằng những luật mới của Philippines không liên quan đến kết quả của cuộc bầu cử Mỹ.
"Những luật này đã được chuẩn bị trong nhiều tháng, từ lâu trước khi bất kì ai biết ai sẽ là tổng thống Mỹ vào năm 2025", ông Powell đánh giá.
Các quan chức của Manila khẳng định các biện pháp này không nhằm mục đích mở rộng lãnh thổ trên biển, nhưng các nhà quan sát cảnh báo rằng các tàu thuyền nước ngoài có thể sớm phải đối mặt với "căng thẳng" khi phải thích nghi với các tuyến đường biển mới được Manila xác định.
"Chúng tôi dự đoán sẽ có những căng thẳng vì hoạt động vận tải biển quốc tế sẽ phải điều chỉnh các tuyến đường của họ", Đô đốc Ronnie Gil Gavan, người đứng đầu Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines, phát biểu trên tờ South China Morning Post.
Hôm 7/11, ông Gavan cũng nói với các chỉ huy lực lượng bảo vệ bờ biển của Indonesia, Malaysia và Nhật Bản tại Đối thoại Manila về Biển Đông rằng phía Philippines "sẽ đóng vai trò to lớn trong việc thực thi các luật này".
"Philippines là một quốc gia quần đảo với 7.641 hòn đảo và chúng tôi có rất nhiều tuyến đường thường được sử dụng cho mục đích hàng hải quốc tế", ông nói.
"Chúng tôi dự đoán rằng luật này sẽ gây ra những căng thẳng khi các [tập đoàn] vận tải biển quốc tế hoặc toàn cầu sẽ phải điều chỉnh các tuyến đường của họ theo các tuyến đường cụ thể do luật này quy định".
Jonathan Malaya, trợ lý tổng giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines, cho biết trước đây tàu thuyền nước ngoài có thể "đi lại bất cứ đâu" trong vùng biển của Philippines, do không có tuyến đường biển chỉ định, nhưng giờ đây phải tuân thủ quy định.
Philippines chưa công bố công khai hai văn bản luật nói trên, nhưng ông Malaya cho biết rằng các luật này sẽ có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày công bố, nhưng phần lớn sẽ phải chờ đến khi "các quy tắc và quy định" được công bố.
Phản ứng của Trung Quốc
Trung Quốc đã "lên án mạnh mẽ" bước đi của Philippines. Bắc Kinh cho rằng đây là hành động "vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ và các quyền trên biển của Trung Quốc".
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu đại sứ Philippines tại Bắc Kinh để "truyền tải thông điệp phản đối một cách nghiêm túc" của nước này về hai luật trên.
Đến ngày 10/11, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã công bố tọa độ địa lí cho các đường cơ sở xung quanh bãi cạn Scarborough.
"Đây là bước đi tự nhiên của chính phủ Trung Quốc nhằm tăng cường quản lý hàng hải hợp pháp và phù hợp với luật pháp quốc tế và các thông lệ chung", tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu.
Tiến sĩ Chung Chí Đông lưu ý rằng Trung Quốc đã ban hành luật về lãnh hải ngay từ năm 1992.
"Điều này có nghĩa là việc Trung Quốc thiết lập các đường cơ sở tại Bãi cạn Scarborough không phải ngẫu nhiên mà đã được chuẩn bị kỹ lưỡng và chỉ được công bố vào thời điểm thích hợp. Động thái này nhấn mạnh cuộc chiến pháp lý giữa Trung Quốc và Philippines về tranh chấp chủ quyền", ông lý giải.
Ông cũng cho rằng Bắc Kinh có thể sẽ công bố thêm các đường cơ sở lãnh hải cho các đảo ở Biển Đông trong tương lai.
Cả Philippines và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough, Trung Quốc gọi là Hoàng Nham Đảo, còn Philippines gọi là Panatag
Bãi cạn Scarborough cách bờ tây Philippines 240 km và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 900 km.
Trung Quốc đã chiếm bãi cạn này vào năm 2012 và kể từ đó đã hạn chế quyền tiếp cận của ngư dân Philippines tại đây.
Một phán quyết năm 2016 của tòa án trọng tài quốc tế đã chỉ ra rằng hầu hết các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là không hợp lệ nhưng Bắc Kinh từ chối tuân thủ phán quyết đó.
Cũng trong ngày 10/11, Bộ Tài nguyên thiên nhiên và Bộ Nội vụ Trung Quốc đã cùng công bố tên chuẩn của 64 đảo và rạn san hô ở Biển Đông.
Các tên chuẩn được công bố trước đó vào năm 1983 và 2020 liên quan đến một số đảo và rạn san hô ở Biển Đông vẫn có hiệu lực, như đã nêu trong một tuyên bố trên trang web chính thức của Bộ Tài nguyên thiên nhiên Trung Quốc.
Thời báo Hoàn Cầu cho hay Trung Quốc sẽ tiếp tục cập nhật danh sách để phù hợp với những thay đổi và "nhu cầu bảo vệ lợi ích" của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh tuyên bố : "Nếu Philippines thực hiện bất kỳ động thái xâm phạm hoặc khiêu khích nào ở Biển Đông dựa trên các luật này, chúng tôi sẽ kiên quyết đáp trả".
Ảnh hưởng gì đến Việt Nam ?
Trong ASEAN, Philippines đang là nước cứng rắn nhất đối với Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông và cũng đang thắt chặt quan hệ đồng minh hiệp ước với Mỹ.
Cựu đại tá Raymond Powell nói rằng Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc Philippines phản kháng Trung Quốc.
"Hà Nội và Manila từ lâu đã có chung quan điểm chống lại các hành vi hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Cả hai đều phải đối mặt với cùng một kẻ thù và cả hai đều được hưởng lợi từ thiện chí phản kháng của bên kia", ông lý giải.
Trong khi đó, ông Chung Chí Đông nói thêm rằng Trung Quốc cũng nhân cơ hội này để thử phản ứng từ chính quyền sắp tới của ông Trump.
Chuyên gia Đài Loan nhấn mạnh khi ông Trump chuẩn bị nhậm chức tổng thống Mỹ lần hai, cần phải theo dõi xem ông có tiếp tục đứng về phía Philippines, đặc biệt dưới ảnh hưởng của Marco Rubio (người dự kiến trở thành ngoại trưởng trong chính quyền Trump) và những người cứng rắn với Trung Quốc.
"Donald Trump luôn tôn trọng ý kiến của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng, đồng thời có thể thay đổi định vị là đối thủ cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc trong tương lai", Tiến sĩ Chung Chí Đông nhận định.
Tuy vậy, chuyên gia từ viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng Đài Loan cũng chia sẻ góc nhìn cá nhân rằng quan điểm của Mỹ về chủ quyền Biển Đông dự kiến sẽ không thay đổi về cơ bản.
Về Việt Nam, ông Chung từng trả lời BBC News tiếng Trung vào tháng 8/2024 rằng Hà Nội hy vọng về mặt chiến lược rằng Mỹ sẽ kiềm chế Trung Quốc, trong khi cũng chờ đợi Bắc Kinh chống lại Washington.
"Nói cách khác, Hà Nội hy vọng sẽ sử dụng Mỹ và Trung Quốc để đạt được lợi ích từ các tranh chấp".
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng Việt Nam nên hiểu rằng Bắc Kinh không thể nhượng bộ về các vấn đề chủ quyền, dù họ đang bận rộn giải quyết các tranh chấp với Philippines nên không nhắm đến Việt Nam.
"Đừng quên rằng Trung Quốc đã sử dụng sức mạnh quân sự như thế nào để chiếm quần đảo Hoàng Sa", ông kết luận.
Lữ Gia Hùng từ BBC News tiếng Trung tường thuật bổ sung
*******************************
Trung Quốc lại điều hải cảnh tuần tra ở bãi cạn Scarborough
Thu Hằng, RFI, 14/11/2024
Trong hai ngày liên tiếp, Trung Quốc tiến hành nhiều hoạt động nhằm xác quyết chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough chiếm của Philippines vào năm 2012. Ngày 14/11/2024, lực lượng hải cảnh Trung Quốc cho biết đã tổ chức tuần tra quanh bãi cạn Scarborough, ngay sau khi hải quân và không quân Trung Quốc tiến hành tuần tra chung trong khu vực.
Tàu hải cảnh Trung Quốc gần bãi cạn Scarborough, nơi có tranh chấp chủ quyền với Philippinees, ngày 05/04/2017. Reuters - Erik De Castro
Theo báo mạng Hồng Kông South China Morning Post, lực lượng hải cảnh Trung Quốc cho biết "đã tiến hành các cuộc tuần tra thực thi pháp luật trong các vùng lãnh hải của đảo Hoàng Nham của Trung Quốc và khu vực lân cận". Hoàng Nham (Huangyan) là tên Trung Quốc đặt cho bãi cạn Scarborough, còn Philippines gọi là Panatag hoặc Bajo de Masinlóc.
Về mặt ngoại giao, đại sứ Trung Quốc ở Manila đã cảnh báo Philippines ngừng mọi "hành động đơn phương" có thể làm gia tăng căng thẳng trong vùng. Ông khẳng định việc Trung Quốc công bố các đường cơ sở mới cho bãi cạn Scarborough là "biện pháp đáp trả cần thiết" cho việc Philippines công bố hai luật mới để tái khẳng định chủ quyền ở Biển Đông. Trước đó, bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã triệu đại sứ Philippines lên để phản đối.
Ngoài Mỹ và Úc, Ấn Độ cũng ngầm ủng hộ hai luật mới của Philippines. Theo trang Deccan Hearald, phát biểu trong một sự kiện kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương, ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar nhấn mạnh "Cả hai đất nước chúng ta đều cam kết sâu sắc trong việc duy trì luật pháp, chuẩn mực và quy tắc quốc tế".
Tổng thống Indonesia khẳng định bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông
Indonesia cũng có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng tân tổng thống Prabowo Subianto đã chọn Trung Quốc cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên từ ngày 08-10/11 và đã ký một thỏa thuận hàng hải với Bắc Kinh. Theo Reuters, trước những lo ngại về việc chính quyền mới công nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông trong "đường lưỡi bò", ngoại trưởng Indonesia đã trấn an.
Ngày 13/11, trong chuyến công du Washington, tổng thống Prabowo Subianto cũng tuyên bố ông "sẽ luôn bảo vệ chủ quyền" của Indonesia, nhưng lưu ý rằng hợp tác luôn tốt hơn là xung đột và "chúng tôi tôn trọng mọi cường quốc".
Thu Hằng
****************************
Tổng thống Indonesia nói ông sẽ bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông
Reuters, VOA, 14/11/2024
Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto phát biểu hôm thứ Tư 13/11 ở Washington rằng ông sẽ "luôn bảo vệ chủ quyền của chúng tôi" khi được hỏi về vấn đề Biển Đông. Ông cũng nói thêm rằng các mối quan hệ đối tác tốt hơn xung đột và "chúng tôi tôn trọng mọi cường quốc".
Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto (trái) gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng, Washington, 12/11/2024 (Reuters/Kevin Lamarque).
Ông Prabowo đưa ra các ý kiến kể trên sau khi Bộ Ngoại giao trong chính phủ của ông nhấn mạnh rằng Indonesia không công nhận các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông mặc dù đã ký một thỏa thuận hàng hải với Bắc Kinh vào cuối tuần trước.
Bắc Kinh lâu nay vẫn bất đồng và có tranh chấp với các quốc gia Đông Nam Á về Biển Đông. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền về gần như toàn bộ vùng biển, dựa vào "đường 9 đoạn" trên bản đồ của họ, lấn vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của một số quốc gia. Đường 9 đoạn đó còn bị gọi là "đường lưỡi bò" ở Việt Nam.
"Chúng tôi tôn trọng mọi cường quốc, nhưng chúng tôi sẽ luôn bảo vệ chủ quyền của mình. Nhưng tôi luôn chọn phương án tìm kiếm khả năng hợp tác", ông Prabowo nói. Ông đã nhiều lần tuyên bố sẽ theo đuổi chính sách đối ngoại không liên kết.
"Các quan hệ đối tác tốt hơn xung đột", ông nói với các phóng viên.
Ông Prabowo hiện đang trong chuyến công du đầu tiên kể từ khi nhậm chức vào tháng trước. Ông đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào cuối tuần vừa qua. Một thỏa thuận phát triển hàng hải được Trung Quốc và Indonesia ký kết có đoạn nói rằng hai nước đã đạt được quan điểm chung "về việc cùng phát triển tại các khu vực có những tuyên bố chủ quyền chồng lấn lên nhau".
Những câu từ đó đã gây ra lo ngại ở Indonesia. Các nhà phân tích cho rằng điều đó có thể được diễn dịch là có sự thay đổi về lập trường lâu nay của Jakarta với tư cách là một quốc gia không có yêu sách ở Biển Đông và có nguy cơ làm tổn hại đến quyền chủ quyền của Indonesia trong việc khai thác tài nguyên trong EEZ của mình.
Ông Prabowo không trực tiếp đề cập đến bản tuyên bố chung khi nói chuyện với các phóng viên, nhưng ông nói rằng ông đã thảo luận về Biển Đông với Tổng thống Mỹ Joe Biden trong một cuộc họp vào ngày hôm trước.
Ông Prabowo cũng sẽ đến Peru để tham dự hội nghị thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và tới Brazil để tham dự hội nghị thượng đỉnh G20.
Nguồn : VOA, 14/11/2024
******************************
Philippines nói Trung Quốc đang thúc ép Philippines từ bỏ các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông
Reuters, VOA, 12/11/2024
Trung Quốc đang gia tăng áp lực buộc Philippines phải nhượng bộ các quyền chủ quyền của mình ở Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro nói hôm 12/11 sau khi gặp người đồng cấp Úc tại Canberra.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro.
Đây là cuộc họp thứ năm kể từ tháng 8 năm 2023, phản ánh mối quan hệ an ninh ngày càng gia tăng giữa hai nước, vốn đều lên tiếng lo ngại về hoạt động của Trung Quốc tại khu vực có tuyến đường thủy đông đúc mà Philippines và các quốc gia Đông Nam Á khác cùng tuyên bố chủ quyền.
"Những gì chúng tôi thấy là Bắc Kinh ngày càng yêu cầu chúng tôi nhượng bộ các quyền chủ quyền của mình trong khu vực", ông Teodoro nói sau khi gặp người đồng cấp Úc Richard Marles, đồng thời nói thêm rằng Philippines là "nạn nhân của hành vi xâm lược của Trung Quốc".
Hai nước đã ký kết quan hệ đối tác chiến lược vào tháng 9 năm 2023 trước khi tổ chức các cuộc tuần tra chung trên biển và trên không đầu tiên ở Biển Đông vài tháng sau đó. Năm nay, Philippines cũng lần đầu tiên tham gia các cuộc tập trận ở Úc.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đã thực hiện các biện pháp để khẳng định các quyền của mình sau khi Philippines "xâm phạm trước".
"Nếu Philippines ngừng các vụ xâm phạm và khiêu khích, sẽ không còn leo thang tình hình hàng hải nữa", ông Lâm Kiếm phát biểu trong một cuộc họp báo.
Trung Quốc và Philippines đã nhiều lần đấu khẩu trong năm nay về các khu vực tranh chấp ở Biển Đông, bao gồm cả bãi cạn Scarborough, một trong những địa điểm tranh chấp nhất ở Châu Á.
Hôm 10/11, Trung Quốc cho biết đã xác định đường cơ sở của "vùng lãnh hải" xung quanh bãi cạn để đáp trả việc Philippines thông qua hai luật xác định các tuyến đường biển và vùng biển của nước này nhằm củng cố các yêu sách lãnh thổ của mình xung quanh Biển Đông.
Hội đồng hàng hải quốc gia Manila nói hôm 12/11 rằng họ phản đối việc Trung Quốc thiết lập đường cơ sở và cáo buộc Bắc Kinh vi phạm chủ quyền của mình.
"Việc Trung Quốc thiết lập đường cơ sở xung quanh bãi cạn là sự tiếp nối của hành động chiếm giữ bãi cạn bất hợp pháp vào năm 2012, mà Philippines vẫn tiếp tục phản đối mạnh mẽ", hội đồng này cho biết trong một tuyên bố.
Trung Quốc đã tăng cường tuần tra trên biển ở Biển Đông, tờ Hoàn cầu Thời báo do nhà nước hậu thuẫn đưa tin vào cuối ngày 11/11, triển khai các tàu có khả năng tuần tra lâu hơn và thực thi nghiêm ngặt hơn sau khi Philippines thông qua luật mới để bảo vệ quyền của mình trên tuyến đường thủy rộng lớn này.
Các tàu hạng nghìn tấn có "khả năng tuần tra và tiếp tế mạnh mẽ" sẽ được sử dụng, trong khi các tàu tuần tra hạng trăm tấn có "khả năng cơ động cao và chiến thuật thực thi linh hoạt" sẽ cho phép truy đuổi và chặn các mục tiêu di chuyển nhanh và kiểm tra lên tàu, tờ Hoàn cầu Thời báo cho biết.
Kể từ khi chiếm được bãi cạn Scarborough vào năm 2012 sau cuộc đối đầu với Philippines, Trung Quốc đã liên tục triển khai lực lượng bảo vệ bờ biển và tàu đánh cá tại đây, mà một số bị Manila cáo buộc là dân quân biển.
Nguồn : VOA, 12/11/2024
Việt Nam nộp hồ sơ với Liên Hiệp Quốc để khẳng định về thềm lục địa mở rộng ở Biển Đông
Reuters, VOA, 18/07/2024
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết hôm thứ Năm 18/7 rằng quốc gia Đông Nam Á này đã nộp hồ sơ với Liên Hiệp Quốc để khẳng định về ranh giới thềm lục địa mở rộng (ECS) ở Biển Đông, một tháng sau khi nước láng giềng Philippines trong cùng khu vực có động thái tương tự.
Một người lính hải quân Việt Nam đứng gác tại đảo Thuyền Chài thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông vào ngày 17/1/2013.
Bộ Ngoại giao Việt Nam nói trong một tuyên bố rằng việc nộp đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý hiện tại là để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia thành viên phù hợp với luật quốc tế về hàng hải.
Tuyên bố cho biết thêm đây là lần đệ trình ECS thứ ba của Việt Nam, trước đây là một đệ trình liên quan đến Khu vực Bắc Biển Đông và một đệ trình chung với Malaysia về phần phía nam của khu vực vào năm 2009.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm cả các vùng mà Philippines, Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền. Nhiều vùng trên tuyến đường thủy chiến lược này, nơi lượng vận tải thương mại trị giá 3 nghìn tỷ đô la đi qua hàng năm, được cho là có trữ lượng dầu khí dồi dào cũng như có nhiều cá.
Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng đất nước này cũng đã gửi công hàm tới Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc để nêu rõ quan điểm của Việt Nam về đệ trình tương tự của Philippines được nộp vào tháng trước.
"Việt Nam một lần nữa khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế", tuyên bố của bộ ngoại giao nói thêm.
Nguồn : VOA, 18/07/2024
***************************
Việt Nam nộp Hồ sơ Đệ trình Ranh giới Thềm lục địa mở rộng lên Liên Hiệp Quốc
RFA, 17/01/2024
Việt Nam vào sáng ngày 17/7 đã nộp Hồ sơ Đệ trình Ranh giới Thềm Lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của nước này tại Khu vực Giữa Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới Thềm Lục địa Liên hiệp quốc (CLCS)
Bản đồ các đường yêu sách thềm lục địa mở rộng tại Biển Đông - Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao Việt Nam
Hồ sơ do Đại sứ Đặng Hoàng Giang - Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hiệp Quốc ở New York ; và Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia - Đại sứ Trịnh Đức Hải làm trưởng đoàn, đệ nộp.
Hồi năm 2009, Việt Nam hoàn thành hai đệ trình: Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng Khu vực Bắc Biển Đông (VNM-N) và Đệ trình Ranh giới thềm lục địa khu vực Giữa Biển Đông (VNM-C) ; đồng thời hợp tác cùng Malaysia xây dựng Đệ trình chung Ranh giới thềm lục địa mở rộng đối với Khu vực Nam Biển Đông. Vào tháng 5/2009, Việt Nam đã nộp Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở Khu vực Bắc Biển Đông (VNM-N), và nộp đệ trình chung với Malaysia về ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý đối với Khu vực Nam Biển Đông lên CLCS.
Trong cùng ngày 17/7 Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng ra Tuyên bố về việc nộp hồ sơ như vừa nêu.
Tuyên bố khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế và các quyền của Việt Nam đối với những vùng biển ở Biển Đông được xác lập phù hợp với Công ước Quốc tế về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.
Hôm 21/6 vừa qua, Việt Nam lên tiếng lặp lại khẳng định chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sau khi Philippines trước đó vào ngày 14/6 đệ trình hồ sơ đăng ký thềm lục địa mở rộng lên CLCS.
Hà Nội yêu cầu Manila tôn trọng các quyền lợi của Việt Nam trên biển khi thực hiện động thái đệ trình hồ sơ đăng ký thềm lục địa mở rộng như thế.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Phạm Thu Hằng, lúc đó nêu rõ : "Việt Nam bảo lưu toàn bộ quyền và lợi ích của mình theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, sẵn sàng trao đổi với Philippines để tìm kiếm và đi đến giải pháp phù hợp với lợi ích của cả hai nước".
Việt Nam và Philippines là hai trong những nước có tranh chấp chủ quyền chồng lấn tại Biển Đông cùng với Trung Quốc, Đài Loan, Brunei và Malaysia.
Riêng Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền gần trọn Biển Đông qua đường đứt khúc mà Bắc Kinh tự vạch ra. Đường này bị Tòa Trọng tài Quốc tế ở La Haye vào tháng 7/2016 tuyên không có cả hiệu lực về pháp lý lẫn lịch sử.
Nguồn : RFA, 17/07/2024
Hai cách bảo vệ chủ quyền trước Trung Quốc ở Biển Đông
Việt Nam và Philippines muốn khôi phục niềm tin và giảm thiểu các sự cố có thể xảy ra giữa hai nước khi thông qua hai bản ghi nhớ an ninh ký ngày 30/01/2024 về "ngăn ngừa sự cố ở Biển Đông" và "hợp tác trên biển". Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, không nên coi sự kiện đó thể hiện lập trường thống nhất giữa Manila và Hà Nội trong việc đẩy lùi các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm Nghiên cứu An ninh Đông Nam Á Daniel K. Inouye (DKI APCSS) tại Hawai, Mỹ. © RFI / Tiếng Việt
Hãy thôi "đổi trắng thay đen" đi Trung Quốc !
Viên Hồng Tiến, RFA, 27/08/2021
Sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đã làm chao đảo tình hình kinh tế, chính trị và xã hội của cả thế giới. Đại dịch đã trở thành chủ đề quan tâm của mọi doanh nghiệp, tổ chức, và đặc biệt giới tinh hoa các nước. Mối quan tâm không chỉ là việc tìm kiếm vắc xin, mà còn là cách hành xử của các nước, đặc biệt là các nước lớn, trong đó có Trung Quốc.
Biểu tình ở Hà Nội hôm 19/1/2014 phản đối Trung Quốc chiếm Hoàng Sa nhân kỷ niệm 40 năm hải chiến Hoàng Sa - Reuters
Trong các chuyến thăm Singapore và Việt Nam vừa qua, Phó Tổng thống Mỹ Harris đã thẳng thắn lên tiếng trước việc Trung Quốc chèn ép các nước láng giềng trong khu vực. Bà nói trong một cuộc họp báo tại Hà Nội : "Chúng tôi hoan nghênh sự cạnh tranh gay gắt, chúng tôi không mưu tìm xung đột, nhưng về các vấn đề như Biển Đông, chúng tôi sẽ lên tiếng. Chúng tôi sẽ lên tiếng khi có những hành động mà Bắc Kinh thực hiện đe dọa đến trật tự quốc tế dựa trên luật lệ".
Trung Quốc luôn đưa ra các tuyên bố chủ quyền của nước này đối với các hòn đảo ở Biển Đông là "không thể chối cãi" khi phản bác lại tuyên bố của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris : "Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi đối với các đảo và vùng biển lân cận ở Biển Đông. Trung Quốc cam kết giải quyết các tranh chấp liên quan thông qua đàm phán và tham vấn với các nước liên quan trực tiếp trên cơ sở tôn trọng các sự kiện lịch sử và luật pháp quốc tế".
Trung Quốc đang cố gắng dùng cái gọi là "ngoại giao chiến lang" để nhằm mục đích tuyên truyền ra thế giới để bảo vệ những hành động của Trung Quốc, cho dù đó là các hành động phi pháp và sai trái. Chủ tịch Tập Cận Bình coi đây là ưu tiên hàng đầu nhằm tác động tới dư luận thế giới, theo đó yêu cầu truyền thông nhà nước phải "bảo vệ và đứng về phía Đảng".
Những phát ngôn của bà Harris tại Singapore hay tại Việt Nam đều thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, trong đó có UNCLOS 1982 và Phán quyết năm 2016 ; giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Theo Giáo sư David Shambaugh, Đại học George Washington, Trung Quốc dành đến 10 tỷ USD mỗi năm cho việc tuyên truyền trên phạm vi quốc tế, trên mọi mặt trận từ truyền thông, mạng xã hội cho đến quảng cáo (1). Điều mỉa mai là Trung Quốc hay lợi dụng Facebook hay Twitter, những nền tảng bị cấm tại Đại lục, biến các nền tảng này thành các công cụ quan trọng để phổ biến những "lời hay ý đẹp" của Đảng cộng sản Trung Quốc.
Điển hình của kiểu "ngoại giao chiến lang" này của Trung Quốc chính là việc ngày 26/8/2021, Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đăng bài viết "bày tỏ lập trường đối với việc Phó Tổng thống Mỹ có phát biểu công kích Trung Quốc trong chuyến thăm Việt Nam" trên Facebook (2).
Mang tiếng là bài viết của một cơ quan đại diện ngoại giao nhưng lại toàn những lời lẽ bóp méo sự thật, vu cáo trắng trợn, đúng như bản chất tráo trở của Trung Quốc vậy.
Những phát ngôn của bà Phó Tổng thống Mỹ Harris tại Singapore hay tại Việt Nam đều thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, trong đó có UNCLOS 1982 và Phán quyết năm 2016 ; giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Sự thật ai là kẻ cưỡng ép, bắt nạt ở Biển Đông đã hết sức rõ ràng. Với những hành vi đâm chìm tàu cá ; cho tàu vây hãm, uy hiếp hoạt động dầu khí hợp pháp của các nước ; đưa tàu khảo sát, tàu nghiên cứu hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển các nước láng giềng thì Trung Quốc mới chính là kẻ bắt nạt, cưỡng ép ở Biển Đông.
Hơn thế nữa, Đại sứ quán Trung Quốc còn bịa ra chuyện : "trong những năm 50-60, Mỹ đã nhiều lần xin phép với Trung Quốc về việc tiến hành đo đạc tại quần đảo Nam Sa (quần đảo Trường Sa của Việt Nam)". Xin thưa với các ngài rằng cho đến tận những năm 80 của thế kỷ 20, Bắc Kinh hoàn toàn chưa có mặt ở quần đảo Trường Sa mãi đến năm 1988 khi Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm sáu thực thể ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Đây là một sự thực lịch sử không thể chối cãi. Hiệp định Geneve 1954 mà Trung Quốc là một bên tham gia ở đó, quy định rõ trong những năm 50-60, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm dưới sự quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này và năm 1974, Bắc Kinh đã dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa. Đây cũng là một sự thật lịch sử mà cả thế giới đều biết tới. Như vậy, làm gì có chuyện "Mỹ xin phép Trung Quốc khi đo đạc tại Nam Sa".
Chưa kể, vào những năm 50-60, Trung Quốc mới đang "chập chững", cuộc chiến Kim Môn, Mã Tổ năm 1958 đã thể hiện Hải quân Trung Quốc không là gì so với sức mạnh của Hải quân Hoa Kỳ. Lúc này Trung Quốc cũng chưa giành vị trí trong Liên Hợp Quốc, thì Trung Quốc "tuổi gì" để Mỹ phải xin phép Trung Quốc ?
Chính Đại sứ quán Trung Quốc đang tìm cách chia rẽ quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ khi bài viết nhắc đến những quá khứ trong chiến tranh Việt Nam đã đi qua gần 50 năm. Việt Nam là một dân tộc có lòng vị tha cao cả, luôn với tinh thần "khép lại quá khứ" để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các dân tộc khác trên thế giới, bao gồm cả Trung Quốc. Hy vọng các ngài hãy đừng khơi dậy những gì trong quá khứ để làm hằn lên mối hận thù ; hãy tập trung làm những điều tốt đẹp để xây dựng lòng tin. Cách hành xử cao thượng chính là cơ sở để tạo dựng niềm tin ; còn những lời lẽ hằn học theo kiểu "chọc gậy bánh xe" chỉ càng làm xấu đi hình ảnh của một nước "Trung Hoa vĩ đại".
Trung Quốc vẫn đang cố gắng tăng cường hình ảnh và "sức mạnh mềm" của mình. Tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu, việc tăng cường quyền lực mềm không phải là một điều đơn giản và dễ dàng. Sự thật thì "quyền lực mềm" của Trung Quốc vẫn chỉ là "con hổ giấy". Đơn giản là vì Trung Quốc không thể dễ dàng dùng tuyên truyền để "đổi trắng thay đen" các sự thật pháp lý và lịch sử ở biển Đông được. Theo điều tra của Pew Research Center tại 14 quốc gia phát triển, công bố vào tháng 10/2020, hình ảnh Bắc Kinh vô cùng tồi tệ trong giai đoạn đại dịch (3).
Nhận định trên tạp chí Foreign Policy, nhà nghiên cứu Sulmaan Wasif Khan, làm việc tại Đại học Tuffs cho rằng kiểu ngoại giao "Chiến Lang" mà Trung Quốc áp dụng gần đây rõ ràng đang hủy hoại "đại chiến lược" của Trung Quốc, trong khi lại đặt ra nhiều rủi ro từ bên trong. Ông nói : "Nguy cơ thực sự nằm ở chỗ một khi sự tiêu cực độc hại lan ra khắp bộ máy, người ta sẽ không thể biết điểm dừng là ở đâu" (4).
Viên Hồng Tiến
Nguồn : RFA, 27/08/2021
***********************
Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội gọi việc chiếm đóng Hoàng Sa và Trường Sa là "quyền lợi hợp pháp"
RFA, 27/08/2021
Vào nửa đêm ngày 26 tháng 8, trang Facebook của Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đăng tải nội dung được cho là lập trường của cơ quan ngoại giao này về các phát biểu của Phó Tổng thống Hoa Kỳ, Kamala Harris, trong chuyến thăm vừa diễn ra của bà đến Việt Nam.
Quân đội Trung Quốc đi tuần ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa hôm 29/1/2016 - AP
Phía sứ quán Trung Quốc cho rằng bà Kamala Harris đã "công kích" nước họ, và cáo buộc mục đích chuyến thăm của bà Harris tới Việt Nam là "nhằm thách thức và gây sức ép với Trung Quốc" và "chia rẽ Trung Quốc với các nước xung quanh".
Điều đáng chú ý trong tuyên bố này là phía sứ quán Trung Quốc khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, hay Nam Hải theo cách gọi của nước này, và gọi hành vi chiếm đóng các thực thể ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là "quyền lợi hợp pháp".
Sứ quán Trung Quốc cũng đổ cho Mỹ là "kẻ thúc đẩy quân sự hoá" tại Biển Đông, trong khi trên thực tế chính Trung Quốc mới là nước đã bồi lấp các đá thành đảo nhân tạo ở Trường Sa, và xây dựng các căn cứ quân sự ở cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nơi họ chiếm đóng.
Trong bài đăng của mình, sứ quán Trung Quốc cũng nhắc lại những "tội ác chiến tranh" của Hoa Kỳ trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, và quy kết việc Phó Tổng thống Mỹ đến Việt Nam trong thời điểm hỗn loạn ở Afghanistan là để "đánh thức ký ức" về sự kiện Sài Gòn sụp đổ.
Ở cuối bài đăng, sứ quán Trung Quốc "khuyến cáo" Hoa Kỳ không được coi nhẹ ý chí và năng lực của nước này trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia. Và khẳng định các nước trong khu vực sẽ không nghe theo Mỹ để chống lại Trung Quốc.
Bài đăng trên của Đại sứ quán Trung Quốc đã thu hút lượng lớn tương tác của người dùng mạng xã hội ở Việt Nam. Trong số hàng ngàn bình luận, hầu hết đều bày tỏ sự phản đối, và chế giễu lập luận của phía Trung Quốc. Trong đó, có người còn thách thức sứ quán Trung Quốc làm một cuộc thăm dò dư luận để xem người Việt tin Hoa Kỳ hay Trung Quốc hơn.
Việc các cơ quan ngoại giao của Trung Quốc ở Việt Nam có những phát ngôn đả kích Hoa Kỳ không phải chuyện mới.
Trong cuộc thảo luận về nỗ lực tạo ảnh hưởng lên truyền thông Việt Nam của Trung Quốc diễn ra hôm 23 tháng 7, ông Lương Nguyễn An Điền từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á phát biểu rằng hai cơ quan ngoại giao của Trung Quốc ở Việt Nam là Đại sứ quán ở Hà Nội và Lãnh sự quán ở Thành phố Hồ Chí Minh đều rất tích cực "tuyên truyền các luận điệu chống Mỹ".
Ở tầm quốc tế, các cơ quan ngoại giao của Trung Quốc cũng rất tích cực phân tán các nội dung đả kích Hoa Kỳ, các chuyên gia quan hệ quốc tế gọi đây là chính sách "ngoại giao chiến lang".
Trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 24 đến ngày 26 tháng Tám, Phó Tổng thống Hoa Kỳ, Kamala Harris, đã nhiều lần lặp lại quan điểm của phía Mỹ về các hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông và gọi đó là sự "bắt nạt". Bà Kamala Harris cũng kêu gọi Việt Nam cùng với Hoa Kỳ gây sức ép đối với Trung Quốc để đảm bảo quyền tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông.
***********************
Trọng Thành, RFI, 26/08/2021
Hôm 25/08/2021, là ngày thứ hai chuyến công du của phó tổng thống Hoa Kỳ tại Việt Nam. Nhân dịp này, Nhà Trắng ra thông cáo khẳng định hậu thuẫn Việt Nam "bảo vệ độc lập và chủ quyền, đặc biệt trên biển". Thông cáo của Nhà Trắng cũng nhấn mạnh đến hàng loạt lĩnh vực hợp tác Mỹ - Việt đã và đang được triển khai, từ kinh tế cho đến cuộc chiến chống dịch Covid-19, giáo dục, khắc phục hậu quả chiến tranh, hay khí hậu, môi trường.
Phó tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris trong buổi họp báo trước khi rời Việt Nam về Mỹ, Hà Nội, ngày 26/08/2021. Reuters – Evelyn Hockstein
Thông cáo của phủ tổng thống Mỹ ghi nhận một trong những ưu tiên hàng đầu trong quan hệ Mỹ - Việt hiện nay là về an ninh trên biển. Trong đối thoại giữa phó tổng thống Kamala Harris với các lãnh đạo Việt Nam, hai bên đã "khẳng định cam kết tiếp tục hợp tác an ninh cấp cao nhằm hỗ trợ một nước Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập, bao gồm các hoạt động nhân đạo (với sự tham gia của Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ) theo cơ chế Đối tác Thái Bình Dương và các chuyến thăm Việt Nam của các tàu Mỹ, gồm các tàu sân bay".
Thông cáo của Nhà Trắng cũng cho biết hợp tác giữa lực lượng tuần duyên Mỹ và Cảnh sát biển Việt Nam sẽ được tăng cường, bao gồm việc Washington chuyển giao cho Hà Nội tàu tuần duyên thứ ba, theo đề nghị của Quốc Hội Mỹ. Ba tàu tuần duyên cùng với đội 24 tàu tuần tra cao tốc mà Mỹ đã chuyển giao cho Hà Nội, cùng các cơ sở hàng hải, huấn luyện chấp pháp, và nhiều hoạt động phối hợp khác "đang giúp tăng cường khả năng của Việt Nam trong các hoạt động bảo vệ an ninh hàng hải tại Biển Đông".
Nhà Trắng cũng nhấn mạnh đến việc mối quan hệ Việt - Mỹ về kinh tế đã được siết chặt : Hoa Kỳ hiện đang là đối tác kinh tế thứ hai và thị trường xuất khẩu số một của Việt Nam. Quan hệ kinh tế Việt - Mỹ đang được tiếp tục củng cố, bởi "một nền kinh tế Việt Nam sôi động là rất quan trọng đối với chuỗi cung ứng" mà nước Mỹ phụ thuộc vào. Hoa Kỳ và Việt Nam cũng đã nâng cao năng lực ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với các mối đe dọa từ bệnh truyền nhiễm thông qua quan hệ đối tác trong Chương trình An ninh Y tế Toàn cầu, đặc biệt trong cuộc chiến chống Covid-19.
Giáo dục là một lĩnh vực được ghi nhận là đặc biệt quan trọng trong quan hệ Mỹ - Việt, với gần 30.000 người Việt Nam đang học tập tại Hoa Kỳ, đóng góp gần 1 tỷ đô la cho nền kinh tế Hoa Kỳ. Phó tổng thống Harris cũng nhấn mạnh đến các hợp tác lâu dài Việt - Mỹ trong giáo dục. Dự án của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ USAID đang có chương trình hậu thuẫn ba đại học quốc gia lớn nhất Việt Nam, "về giảng dạy, nghiên cứu, cách tân và quản trị" với tổng trị giá 14,2 triệu đô la. Gần 150.000 sinh viên Việt Nam sẽ được hỗ trợ trong khuôn khổ dự án này, để góp phần thúc đẩy "một nước Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập", đối tác quan trọng của Hoa Kỳ.
Trong cuộc hội kiến với phó tổng thống Mỹ hôm qua, chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc khẳng định "Việt Nam coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu" và "mong muốn cùng Hoa Kỳ tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển thực chất, hiệu quả, đi vào chiều sâu".
Quan hệ Việt - Mỹ được siết chặt trong chuyến công du Hà Nội của phó tổng thống Kamala Harris. Hôm qua, hai bên ký thỏa thuận về địa điểm mới của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, diện tích 3,2 ha, quy mô xây dựng hơn 419.000 m2, tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ngân sách xây dựng khoảng 1,2 tỷ đô la.
Washington và Hà Nội cũng thỏa thuận chính thức mở văn phòng của Peace Corps Vietnam - Tổ Chức Hòa Bình Việt Nam - tại Hà Nội, sau 17 năm đàm phán. Theo thông cáo của Nhà Trắng, việc Peace Corps Vietnam chính thức hoạt động "mở ra một cơ hội mới cho thanh niên Mỹ phục vụ ở nước ngoài và thúc đẩy mối quan hệ giao lưu nhân dân giữa hai quốc gia". Tổ Chức Hòa Bình Việt Nam dự kiến sẽ mở cửa đón những tình nguyện viên đầu tiên vào năm 2022.
Trọng Thành
Nguồn : RFI, 26/08/2021
***********************
Trọng Nghĩa, RFI, 25/08/2021
Đến Hà Nội từ khuya hôm 24/08 trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, phó tổng thống Mỹ Kamala Harris hôm 25/08/2021 kêu gọi Việt Nam cùng với Hoa Kỳ thách thức các hành vi "bắt nạt" của Trung Quốc ở Biển Đông.
Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tiếp Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris tại Phủ chủ tịch, Hà Nội, Việt Nam, ngày 25/08/2021. Reuters - Pool
Trong vòng hai ngày, đây là lần thứ 2 bà Harris tố cáo đích danh Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, lần đầu tiên là tại Singapore vào hôm qua, khi bà lên án các hành động "cưỡng ép" và hù dọa của Bắc Kinh đối với các láng giềng quanh Biển Đông.
Theo hãng tin Anh Reuters, trong cuộc gặp với chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội, phó tổng thống Mỹ cho rằng cần phải gia tăng áp lực đối với Bắc Kinh về vấn đề các tuyên bố chủ quyền biển "quá đáng và phi pháp" của Trung Quốc đối với vùng Biển Đông. Phát biểu với lãnh đạo Việt Nam, bà Harris xác định : "Chúng ta cần tìm cách gây áp lực, gia tăng sức ép... đối với Bắc Kinh để buộc họ tuân thủ Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, và thách thức các hành vi bắt nạt và yêu sách hàng hải quá mức của Trung Quốc".
Theo hãng tin Mỹ AP, phó tổng thống Harris cũng xác nhận việc Hoa Kỳ cung cấp thêm cho Việt Nam một chiếc tàu tuần tra cỡ lớn của Lực Lượng Tuần Duyên Mỹ để giúp Việt Nam bảo vệ vùng biển của mình trên Biển Đông.
Hãng Reuters cho biết thêm, trong các cuộc gặp với giới lãnh đạo Việt Nam, bà Harris cũng đề nghị sự giúp đỡ của Mỹ trong một số lĩnh vực quan trọng, trong đó có việc giúp Việt Nam tăng cường an ninh hàng hải và mở nhiều chuyến thăm của tàu Hải Quân Hoa Kỳ tới Việt Nam.
Một cách tổng quát, phó tổng thống Mỹ bà ủng hộ việc nâng cấp quan hệ với Việt Nam, từ quan hệ đối tác toàn diện lên quan hệ đối tác chiến lược, phản ánh mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa hai nước. Theo Reuters, giới chuyên gia phân tích cho rằng Việt Nam muốn nâng cấp quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ lên mức "đối tác chiến lược", nhưng lo ngại sẽ khiến Bắc Kinh tức giận.
Những lời tố cáo đích danh Trung Quốc của phó tổng thống Mỹ dĩ nhiên đã khiến Bắc Kinh phẫn nộ. Trong lúc Bộ Ngoại giao Trung Quốc và báo chí nước này không ngớt lời đả kích Mỹ, Bắc Kinh bị cho là đã không ngần ngại gây sức ép đối với Hà Nội ngay trước lúc bà Harris đặt chân đến thủ đô Việt Nam.
Trọng Nghĩa
Nguồn : RFI, 25/08/2021
*********************
Trọng Nghĩa, RFI, 25/08/2021
Những lời tố cáo đích danh Trung Quốc "bắt nạt" láng giềng Biển Đông mà phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đưa ra nhân chuyến công du Đông Nam Á dĩ nhiên đã gặp phản ứng dữ dội từ phía Bắc Kinh.
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris và thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại Văn phòng chính phủ, tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 25/08/2021. AP - Evelyn Hockstein
Trong lúc Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố phản đối, truyền thông nước này được bật đèn xanh để "nã pháo" vào Hoa Kỳ. Bắc Kinh còn bị cho là đã gây sức ép đối với Hà Nội ngay trước lúc bà Harris đặt chân xuống thủ đô Việt Nam hôm qua.
Ngay sau phát biểu cứng rắn của phó tổng thống Mỹ tại Singapore vào hôm qua, nêu đích danh Trung Quốc về những hành vi cưỡng ép, hù dọa các láng giềng nhằm áp đặt những yêu sách chủ quyền "quá đáng và phi pháp" ở Biển Đông, báo chí Trung Quốc đã ồ ạt đả kích Hoa Kỳ, cho rằng bà Harris đang tìm cách chia rẽ Châu Á, cụ thể là chia rẽ Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.
Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, trong một bài xã luận công bố hôm nay, 25/08/2021, tờ báo Anh Ngữ China Daily đã cáo buộc Mỹ về ý muốn kềm chế Trung Quốc. Tờ báo chính thống của Trung Quốc cho rằng : "Khi chỉ mặt Trung Quốc để buộc tội "cưỡng ép" và "hù doa", Harris đã cố tình phớt lờ thói đạo đức giả của mình để tìm cách ép buộc và đe dọa các nước trong khu vực, tham gia cùng với Washington trong âm mưu kiềm chế Trung Quốc".
Đối với tờ báo, bài phát biểu của bà Harris tại Singapore là một cuộc tấn công "vô căn cứ" vào Trung Quốc, và "có vẻ như cam kết duy nhất của Hoa Kỳ đối với Đông Nam Á là những nỗ lực nhằm chia rẽ các quốc gia Đông Nam Á với Trung Quốc".
Tờ báo dĩ nhiên không nói gì về những vụ tàu Trung Quốc ngang nhiên tiến vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, Philippines, Malaysia, các hành vi cản trở của Trung Quốc nhắm vào công việc khai thác dầu khí, hay hoạt động ngư nghiệp của các láng giềng, nhân danh chủ quyền của Bắc Kinh trên hầu như toàn bộ Biển Đông, những yêu sách đã bị một tòa trọng tài quốc tế coi là "không có cơ sở pháp lý".
Chính yếu tố "phi pháp" này đã được phó tổng thống Mỹ nhấn mạnh tại Singapore khi bà nhắc lại rằng những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên "phần lớn Biển Đông" đều "trái luật" và đã bị "phán quyết của tòa trọng tài năm 2016 bác bỏ", và các hành động của Bắc Kinh tiếp tục phá hoại trật tự dựa trên luật lệ và đe dọa chủ quyền của các quốc gia. Theo bà Harris, Hoa Kỳ "sát cánh cùng các đồng minh và đối tác trước những mối đe dọa đó".
Phản ứng trước những lời tố cáo cụ thể đó, Bắc Kinh lại nêu ví dụ Afghanistan để tố cáo điều mà họ cho là chính sách ngoại giao ích kỷ của Washington mà các nước khác phải dè chừng. Theo ông Uông Văn Bân, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua, thì Mỹ chỉ dùng chiêu bài trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ để biện minh cho những "hành vi bắt nạt, bá quyền" của chính họ, nhằm bảo vệ chủ trương "Nước Mỹ Trên Hết".
Trong một cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh, phát ngôn viên Trung Quốc cho rằng : "Các sự kiện đang diễn ra ở Afghanistan cho chúng tôi biết rõ ràng các quy tắc và trật tự mà Mỹ đề cập đến là gì".
Không chỉ đả kích Mỹ, Bắc Kinh đã có động thái nhắm vào Việt Nam. Chỉ vài tiếng đồng hồ trước lúc bà Harris đến Việt Nam, đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, ông Hùng Ba, đã có một cuộc tiếp xúc với thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại Hà Nội, một cuộc gặp mà báo chí quốc tế đều ghi nhận là "không hề được loan báo trước".
Trong cuộc gặp, đại sứ Trung Quốc đã hứa là sắp tới đây sẽ viện trợ cho Việt Nam thêm 2 triệu liều vac-xin ngừa Covid-19. Thái độ vồn vã này trái hẳn với tình trạng cách nay không lâu, khi ngoại trưởng Vương Nghị đi thăm tất cả các nước Đông Nam Á, trừ Việt Nam.
Điểm được hãng tin Anh Reuters chú ý là trong cuộc họp này, thủ tướng Việt Nam đã xác định với phía Trung Quốc là Việt Nam không đứng về phía nào trong chính sách đối ngoại của mình. Đây là một tuyên bố có thể trấn an Bắc Kinh, đồng thời cũng không trái với lập trường của Washington, đã được phó tổng thống Kamala Harris nhắc lại ở Singapore, là Hoa Kỳ không buộc nước nào chọn phe.
Trọng Nghĩa
Nguồn : RFI, 25/08/2021
Trung Quốc dùng Công hàm Phạm Văn Đồng đòi chiếm trọn Hoàng Sa và Trường Sa
Thu Thủy, Thoibao.de, 21/04/2020
Trung Quốc thông báo thành lập quận Tây Sa và Nam Sa
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 19/4 lên tiếng về việc Trung Quốc thông báo thành lập quận Tây Sa và Nam Sa để quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông.
Đảo Trường Sa Lớn thuộc quần đảo Trường Sa cách Cam Ranh khoảng 254 hải lý (470,4 km) và cách Vũng Tàu hơn 500 km đường biển, trên đảo có cư dân Việt Nam và có trụ sở UBND huyện Trường sa, do Việt Nam quản lý
"Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa", phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng nói trong một tuyên bố, một ngày sau thông báo của Bắc Kinh.
"Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là ‘thành phố Tam Sa’ và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng "yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, huỷ bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai".
Trung Quốc hôm 18/4 thông báo việc thành lập quận Tây Sa có trụ sở đặt tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Trụ sở của quận Nam Sa đặt tại Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa. Hai quận này thuộc thẩm quyền của thành phố Tam Sa ở tỉnh Hải Nam.
Tin cho hay, chính quyền Bắc Kinh tuyên bố rằng quận Tây Sa sẽ quản lý quần đảo Hoàng Sa, bãi Macclesfield và vùng biển xung quanh, trong khi quận Nam Sa quản lý quần đảo Trường Sa và vùng biển kế cận.
Phản đối của Việt Nam được đưa ra hơn mười ngày sau khi Hoa Kỳ cho biết "hết sức quan ngại" về các tin tức nói rằng Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Việt Nam ở gần quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói trong một tuyên bố hôm 6/4 rằng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Trung Quốc đã khẳng định các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông như "công bố các trạm nghiên cứu" mới đặt trên các căn cứ quân sự được xây dựng trên Đá Chữ Thập và Đá Subi, cũng như cho "máy bay quân sự đặc biệt" hạ cánh trên Đá Chữ Thập.
Trung Quốc khẳng định chủ quyền ở Biển Đông
Trung quốc vừa gửi Công hàm tuyên bố buộc Việt Nam phải rút quân khỏi các đảo ở Trường sa.
Trước đó hôm 17/4/2020 Trung quốc đã gửi Công hàm số CML/42/2020 đến Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres, với những nội dung cơ bản được Facebook Nguyễn Đạt An lược dịch như sau :
1. Trung quốc khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Nam Sa và Tây Sa - là Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như vùng nước bao quanh các đảo trên.
2. Bắc Kinh khẳng định lại việc chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã công nhận chuyện đó, qua công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký đã ngày 14/9/1958 gửi đến Thủ tướng Chu Ân Lai.
3. Bắc Kinh cáo buộc sau năm 1975, Việt Nam gửi lính đến xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc tại các đảo này - tức là vi phạm lời khẳng định của ông Phạm Văn Đồng trước đó.
4. Bắc Kinh yêu cầu Việt Nam rút hết quân đội và cơ sở ra khỏi chuỗi đảo trên, vì họ đã xâm lược và đánh chiếm phi pháp.
Ông Nguyễn Đạt An nhận định :
- Trung Quốc đang bắt đầu sử dụng kênh ngoại giao chính thức để giành đảo và ảnh hưởng địa chính trị tại Biển Đông với Việt Nam.
- Trung Quốc chính thức sử dụng công hàm của Phạm Văn Đồng để đánh về mặt ngoại giao. Và chính xác công hàm đó là một công hàm bán nước.
- Trung Quốc sẽ bắt đầu các bước tiếp theo để thực hiện ý đồ này, bao gồm cảnh cáo, kêu gọi VN rút quân, và sau đó là gây chiến.
Với động thái này có thể nói Trung quốc gần như sẵn sàng chiếm trọn cả Hoàng sa Trường sa, như họ đã từng làm năm 1974 (cưỡng chiếm Hoàng sa) và 1988 (dùng vũ lực chiếm Trường sa). Đây là một bước đi vô cùng manh động và nguy hiểm trong khi Việt Nam và cả thế giới hầu như dành trọn mối quan tâm vào việc chống lại cơn đại dịch từ Vũ hán.
Hồi tháng 5/2014, một nhà ngoại giao và một học giả Trung Quốc nói Công hàm 1958 là bằng chứng Việt Nam công nhận Hoàng Sa thuộc về Trung Quốc.
Phạm Văn Đồng và Công hàm 1958 về Biển Đông gây tranh cãi
Công hàm 1958 gây tranh cãi của Thủ tướng Phạm Văn Đồng được Trung Quốc đề cập lại trong bối cảnh Việt Nam và Trung Quốc đối đầu vì vụ giàn khoan HD-981.
Hôm 20/5/2014, đại biện lâm thời Sứ quán Trung Quốc ở Indonesia có bài đăng trên báo Indonesia Jakarta Post để biện hộ cho Trung Quốc.
Ông Lưu Hồng Dương nói quần đảo Tây Sa (tên Trung Quốc dùng để chỉ Hoàng Sa) là "lãnh thổ vốn vẫn thuộc về Trung Quốc".
"Vị trí của các đảo đã được cộng đồng quốc tế, kể cả Việt Nam, công khai thừa nhận trong nhiều thập niên từ Thế chiến Hai.
"Trong tuyên bố ngày 14/9/1958 thay mặt chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Việt Nam khi đó, Phạm Văn Đồng, công khai thừa nhận quần đảo Tây Sa và các đảo khác ở Nam Hải là lãnh thổ Trung Quốc".
Ông Lưu Hồng Dương cáo buộc "việc chính phủ Việt Nam gần đây thay đổi và từ chối công nhận Tây Sa là của Trung Quốc thật vô cùng gây sốc".
"Việt Nam rõ ràng vi phạm nguyên tắc ‘estoppel’ [nghĩa là : không được nói ngược]", ông Lưu cáo buộc.
Hôm 26/2/2014, ông Lý Thái Hùng từ Hoa kỳ có bài bình luận trên BBC News Vietnam về sự khó xử của Việt Nam đối với Công hàm của thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký năm 1958.
Ông Lý Thái Hùng viết : "Mặc dù Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không đề cập gì đến Hoàng Sa hay Trường Sa, nhưng Công hàm đã viết : "Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4/9/1958 của Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc".
Tuyên bố ngày 4/9/1958 của Trung Quốc đã viết :
"Chiều rộng lãnh hải của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý. Ðiều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Ðài Loan và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc".
Như vậy, dù giải thích thế nào đi nữa, Công hàm 1958 vẫn đã thừa nhận chủ quyền Trung Quốc trên Biển Đông bao gồm luôn quần đảo Hoàng sa và Trường sa của Việt Nam, và cho Trung Quốc lý cớ để cột công hàm này vào nền tảng biện minh cho chủ trương xâm lược của họ hiện nay", ông Lý Thái Hùng nhận định.
Cũng trong giai đoạn cả thế giới bận tâm chống lại đại dịch Cúm Vũ Hán thì Trung quốc khởi động hàng loạt hành vi khiêu khích trên Biển Đông và nay thì họ bắt đầu nêu ra Công hàm 1958 do thủ tướng Phạm Văn Đồng ký kết như là một bằng chứng triệt buộc, như một nước chiếu bí nhằm thẳng vào Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như là một chủ thể đồng nhất và kế thừa trách nhiệm của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa 1958.
Một nước cờ được gợi ý để gỡ bí cho Việt Nam hiện nay là phải thừa nhận tư cách chủ thể Quốc gia độc lập của Việt Nam Cộng Hòa khi ấy do ông Nguyễn Văn Thiệu làm Tổng thống tuyên bố chủ quyền và có quân đội quản lý Hoàng sa thì bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm vào ngày 19/1/1974. Tuy nhiên phía Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chưa bao giờ chính thức đưa ra lập luận ấy.
Mỹ nói Trung Quốc nên ngừng ‘hành vi bắt nạt’ ở Biển Đông
Mỹ ngày thứ Bảy kêu gọi Trung Quốc ngừng "hành vi bắt nạt" ở Biển Đông và nói rằng Mỹ lo ngại trước các báo cáo về "những hành động khiêu khích" của Bắc Kinh nhắm vào các hoạt động phát triển dầu khí ngoài khơi ở vùng biển tranh chấp.
Ba nguồn tin an ninh khu vực nói với Reuters ngày thứ Sáu rằng một tàu khảo sát của chính phủ Trung Quốc đang đeo bám một tàu thăm dò do công ty dầu khí nhà nước Petronas của Malaysia vận hành ở vùng biển đó.
Tàu Hải dương Địa chất 8 trước đó trong tuần này đã được nhìn thấy ngoài khơi Việt Nam, nơi mà năm ngoái nó đã thực hiện các hoạt động nghi là khảo sát thăm dò dầu khí trong các khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
"Mỹ lo ngại trước các báo cáo về các hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc nhắm vào việc phát triển dầu khí ngoài khơi của các quốc gia có tuyên bố chủ quyền khác", Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong một thông cáo gửi qua email cho Reuters trả lời câu hỏi về sự hiện diện của Hải dương Địa chất 8 ở vùng biển Malaysia.
"Trong trường hợp này, (Trung Quốc) nên chấm dứt hành vi bắt nạt của mình và không tham gia vào hoạt động khiêu khích và gây bất ổn kiểu này", thông cáo nói.
Các hành động của Trung Quốc đe dọa an ninh năng lượng trong khu vực và làm suy yếu thị trường năng lượng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, thông cáo nói thêm.
Đầu tuần trước, khi tàu khảo sát này xuất hiện trong vùng biển ngoài khơi Việt Nam, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói con tàu đang tiến hành các hoạt động bình thường và cáo buộc các quan chức Mỹ bôi nhọ Bắc Kinh.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông giàu tài nguyên và cũng là một tuyến đường thương mại trọng yếu. Philippines, Brunei, Việt Nam, Malaysia và Đài Loan cũng có những tuyên bố chồng chéo.
Liên quan đến những động thái gia tăng căng thẳng từ phía Trung quốc mới đây của Trung quốc, hôm 17/4/2020 Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, nhà nghiên cứu bang giao quốc tế từ Đại học George Mason, Hoa kỳ đưa ra bình luận :
"Chiến thuật của Trung Quốc là mềm nắn, rắn buông và lợi dụng thời cơ. Viêc quốc tế và các nước lân cận đang lúng túng đối phó dịch Cúm Vũ hán trong khi mối đe dọa dịch cúm giảm đi ở Trung Quốc, cùng môt lúc với sự kiện tầu sân bay của Mỹ bi tê liệt vì Cúm Vũ hán và việc cách chức vụng về, vội vã vị tư lệnh hàng không mẫu hạm Theodore Roosevelt gây bất mãn trong hải quân Mỹ đã tạo ra cơ hội ấy.
Gần đây cả Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ nối nhau ra tuyên bố quan ngại sâu sắc hay lên án đích danh hành vi Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam ở vùng biển khu vực.
Đó là tín hiệu mới phản ảnh một sự đồng thuận ở Mỹ về một chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc từ áp lực của quân đội, các chiến lược gia và Quốc hội Mỹ, cùng với mâu thuẫn kinh tế - thương mại giữa hai nước được đẩy mạnh lên nhân cơ hội dich Cúm Vũ hán", Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nhận xét.
"Mục tiêu tối hậu của Trung Quốc không thay đổi, nhưng việc thực hiên mục tiêu đó tùy thuộc vào sự tính toán về thời cơ của Trung Quốc. Thời cơ này tùy thuộc những biến chuyển nhất thời, như đại dịch Cúm Vũ hán, và sự thay đổi trong cán cân lực lượng.
Các nước nhỏ trong khu vực phải nương theo chiều gió để bảo vệ quyền lợi và chủ quyền của mình.
Nếu vì những lý do này, thế của Mỹ xuống thì thế của Trung Quốc sẽ lên, và áp lưc của Trung Quốc đối với các nước nhỏ trong khu vực sẽ gia tăng. Đó là mối lo của các nước này.
Nói chung và trong trường kỳ, dài hạn, thế giới phải đối phó với "thách thức Trung Quốc" và sự thay đổi đang xảy ra trong trật tư thế giới (world order), ai lên ai xuống, bắt nguồn từ sự cạnh tranh chiến lươc giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, đại nạn cúm cũng làm suy yếu vị thế của Mỹ, không những về kinh tế mà còn về khả năng lãnh đạo hướng đến việc tạo ra một trật tự thế giới phản ánh giá trị nhân bản Tây phương. Sau Đệ Nhị Thế Chiến, Mỹ đứng ra lãnh đạo và đoàn kết khối được gọi là "Thế giới Tự do" xây dựng lại nền kinh tế và xã hội đổ nát ở Âu Châu, chống bành trướng cộng sản. Mỹ có lợi nhưng cũng phải hy sinh nhiều.
Cán cân lực luợng và trật tự thế giới đang thay đổi và đang cần sư lãnh đạo và phối hợp của Mỹ để giải quyết các mối quan tâm chung, như biến đổi khí hậu, phục hồi kinh tế và các thách thức của Trung Quốc. Thiếu sự lãnh đạo và phối hợp này, thế giới sẽ chia ra nhiều khối để đoàn kết, tự bảo vệ, và thích ứng thách thức của Trung Quốc.
Đó là mối lo của những nuớc không muốn sống dưới môt trật tự thế giới mới do Trung Quốc lãnh đạo mà tiếng Anh gọi là Chinese World Order".
Thu Thủy (Thành phố Hồ Chí Minh)
Nguồn : VNTB, 21/04/2020
********************
Từ Phạm Văn Đồng tới Nguyễn Phú Trọng
Cánh Cò, RFA, 21/04/2020
Chưa lúc nào đất nước bị đe dọa chiến tranh như lúc này khi mà Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố sẽ tiếp tục cho Việt Nam một bài học nữa về chủ quyển biển đảo khi chính thức đưa ra công hàm ngày 17/4/2020 nhắm tới. Với những lý lẽ gần như thô bạo "Trung Quốc kiên quyết đòi Việt Nam phải rút mọi lực lượng và phương tiện khỏi các đảo và đá mà nước này đã xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp" và rồi "Trung Quốc sẽ thực thi mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc chủ quyền, các quyền và lợi ích của mình ở Trung Hoa Nam Hải". Điều này có nghĩa là căn cứ đo quân đội Nhân dân Việt Nam đang trấn giữ tại Trường Sa phải bị rút bỏ và đồng thời mọi lô dầu mà Việt Nam đang khai thác trờ thành bất hợp pháp.
Trung Quốc lấy bãi đá Chữ Thập chiếm được của Việt Nam làm đại bản doanh quản lý 2 quận Tây Sa (Trường Sa) và Nam Sa (Hoàng Sa).
Công hàm được Bắc Kinh gửi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc phản đối hai công hàm ngày 30/3 và 10/4 của Việt Nam về Biển Đông liên quan đến một báo cáo do Malaysia trình Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa hồi cuối năm 2019.
Sau khi gửi công hàm này đi một ngày, thì ngày 18/4 Trung Quốc đã ra tuyên bố thành lập cái gọi là quận Tây Sa và Nam Sa trái phép ở trên hai quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam là Hoàng Sa - Trường Sa. Lấy Bãi đá Chữ Thập mà Trung Quốc chiếm được của Việt Nam thành đại bản doanh quản lý 2 quận này.
Trước đó Trung Quốc chính thức mang công hàm Phạm Văn Đồng ra trước Liên Hiệp Quốc như một bằng chứng mạnh mẽ rằng Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc từ năm 1958 được ký bởi Thủ tướng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lý lẽ này từng nhiều lần được Trung Quốc mang ra hù dọa Việt Nam và đó cũng là mối lo khiến Việt Nam chần chừ chưa bao giờ dám đưa Trung Quốc ra tòa Quốc tế.
Trung Quốc biết rõ yếu huyệt này của Việt Nam và không ít lần mạnh dạn xâm chiếm Hoàng Sa lẫn Trường Sa của Việt Nam mà không hề sợ Việt Nam trả đũa dù là trên phương diện pháp lý.
Ông Phạm Văn Đồng dù muốn hay không cũng đã có hành vi tắc trách đối với quốc gia. Ông có thể bị sự thúc bách của Bộ chính trị khi ý chí quyết chiếm miền Nam đã làm lu mờ mọi ý thức chủ quyền biển đảo. Cả một tập thể Bộ chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ thấy cái miền Nam béo bở mà quên hẳn những vùng đảo nhỏ nhoi mà ông cha đã dày công kiến tạo và vun bồi. Đối với đa số lãnh đạo cấp cao lúc ấy đều xem thường tầm nhìn xa của Trung Quốc, họ chỉ thấy tình đồng chí môi hở răng lạnh mà không thấy được lòng tham vô tận của đầu não Trung Quốc vốn có tính di truyền từ ngàn năm trước xem Việt Nam vốn dĩ là chư hầu không hơn không kém.
Ông Phạm Văn Đồng đã thay mặt Đàng Cộng sản Việt Nam đóng dấu vào văn kiện biếu không chủ quyền đất nước cho Trung Quốc để đổi lấy khí tài quân nhu tiếp liệu nhằm tấn công miền Nam. Lý do lộ liễu như vậy không cần phải chứng minh. Lịch sử đã cho thấy điều đó và lịch sử cũng cho thấy cuộc chiến tranh biên giới 1979 phản ảnh lòng tham của Hà Nội và sự tức giận của Bắc Kinh trước một học trò phản trắc.
Ông Nguyễn Phú Trọng đã từng nói : "Ừ, mình phải có thế nào người ta mới thế chứ !"
Và ông Trọng, Tổng bí thứ đời thứ 12 đã giữ trọn niềm tin rằng "mình không làm gì khiến Trung Quốc bất mãn thì họ sẽ không làm gì mình". Bám vào niềm tin không lay chuyễn đó trong suốt chín năm với hai nhiệm kỳ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người kiên cường với lập trường "vô chiêu thắng hữu chiêu" có nghĩa là sẽ không làm gì đối với các động thái ngày một thâm độc của Trung Quốc. Ông chỉ cho phép Bộ Ngoại giao đưa ra những phát biểu chung chung, giống như Việt Nam không thuộc về chính phủ Ba Đình vậy.
Ông Trọng đã phạm một sai lầm không thua gì ông Phạm Văn Đồng khi xưa. Trong cuộc tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm (Hà Nội) vào năm 2015 ông Tổng bí thư đã phát biểu một câu nói để đời về vấn đề Biển Đông mà báo chí chính thống đồng loạt loan tải : "Nếu để xảy ra đụng độ gì thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội Đảng được không ?..".
Ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng xứng đáng được Đảng Cộng sản Việt Nam trao tặng huy chương cao nhất về hành vi bảo vệ Đảng thay vì bảo vệ tổ quốc. Ông Trọng công khai đem Đảng của ông so sánh với mảnh đất được hình thành do tổ tiên bao đời đổ máu ra để gây dựng nó. Trong tư duy của ông Nguyển Phú Trọng chỉ có Đảng là quan trọng nhất vì chỉ có Đảng mới cho ông và gần 5 triệu đảng viên được quyền rút tỉa xương máu của người dân và tài nguyên đất nước.
Trung Quốc nắm được tử huyệt này và ngày hôm nay họ tiến hành âm mưu độc chiếm Biển Đông cũng không có gì đáng ngạc nhiên.
Từ ông Phạm Văn Đồng cho tới ông Nguyễn Phú Trọng, Bộ chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn chưa bao giờ ngừng tuyên truyền về vai trò quan trọng của Đảng. Sau Hội nghị Thành Đô những gì mà người dân được phép lên án Trung Quốc trước đó đã bị Đảng rút lại. Từ những tấm bia ghi công chiến sĩ đánh Trung Quốc trong cuộc chiến tranh biên giới bị đục mất cho tới bắt bớ giam cầm người dân nào biểu tình chống Trung Quốc. Mới nhất là phiên tòa phúc thẩm xử thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh, vừa kết thúc lúc 10h30 ngày 20/04/2020. Tòa phúc thẩm y án 11 năm tù và 5 năm quản chế cho tội yêu nước, chống lại bất công, bảo vệ biển đảo.
Ông Phạm Văn Đồng có thể bị thúc bách nhưng ông Nguyễn Phú Trọng thì không. Tuy nhiên cả hai ông đều phải ra trước vành móng ngựa của Tòa án Nhân dân khi Trung Quốc tấn công Việt Nam lần này. Có như thế lòng dân mới yên và mục tiêu chống Trung Quốc mới được hình thành trong lòng công chúng.
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 21/04/2020 (canhco's blog)
*********************
Công hàm mới nhất của Trung Quốc gửi lên Liên Hiệp Quốc về Trường Sa và Hoàng Sa
Thoibao.de, 20/04/2020
Đặc biệt, Trung Quốc đã dùng Công hàm do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ngày 14/9/1958 như là một bằng chứng cho lập luận của mình.
Bản đồ thời tiết Biển Đông cho thấy vùng biển này thuộc về Việt Nam
Trích : "Chủ quyền của Trung Hoa đối với Trường Sa và Hoàng Sa được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi. Chính phủ Việt Nam cũng đã công nhận nó một cách rõ ràng. Vào ngày 4 tháng 9 năm 1958, chính phủ Trung Hoa ban hành Tuyên bố của Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về lãnh hải của Trung Hoa, tuyên bố một lãnh hải rộng mười hai hải lý, và quy định rằng, Quy định này áp dụng cho tất cả các lãnh thổ của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa bao gồm quần đảo Hoa Đông, Hoàng Sa, Trung Sa (bãi cạn Scarborough của Philippines - lời người dịch), Trường Sa và tất cả các đảo khác thuộc Trung Hoa.
Vào ngày 14 tháng 9 năm 1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng của Việt Nam đã gửi công hàm ngoại giao tới Chu Ân Lai, Thủ tướng Hội đồng Nhà nước Trung Hoa, tuyên bố long trọng rằng chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công nhận và ủng hộ tuyên bố của Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về quyết định liên quan đến lãnh hải của Trung Quốc được đưa ra vào ngày 4 tháng 9 năm 1958 và rằng chính phủ của Cộng hòa Dân chủ Việt Nam tôn trọng quyết định này.
Trong những năm đầu của thập niên 1970, Việt Nam đã chính thức công nhận rằng Hoàng Sa và Trường Sa luôn là một phần của lãnh thổ Trung Hoa kể từ thời cổ đại. Sở hữu này đã được phản ánh trong các tuyên bố và ghi chú của chính phủ, cũng như các bản đồ, sách giáo khoa và báo chí chính thức của Việt Nam".
Công hàm số : CML/42/2020
Kính thưa ngài Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres,
Phái đoàn Thường trực của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Liên Hợp Quốc xin bày tỏ sự kính trọng đối với quý Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc.
Chúng tôi xin được nhắc lại nội dung quan điểm của mình đã tuyên bố thông qua các Công hàm số CML/17/2009 và số CML/18/2009 đã được Phái đoàn thường trực của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Liên Hợp Quốc vào năm 2009 gửi tới Ngài Ban Ki-moon, là Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc khi đó ;
Phái đoàn thường trực của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đề cập vấn đề liên quan đến Công hàm số 22/HC-2020 ngày 30 tháng 3 năm 2020 và hai Công hàm số 24/HC-2020 và số 25/HC-2020 ngày 10 tháng Tư năm 2020 đã gửi đến Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc thông qua Phái đoàn Thường trực của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Liên Hợp Quốc.
Nay chúng tôi chính thức tuyên bố quan điểm của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa như sau :
Trung Hoa có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa (nguyên văn : Xisha Qundao), quần đảo Trường Sa (nguyên văn : Nansha Qundao) và các vùng biển lân cận của chúng. Trung Hoa có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển có liên quan cũng như đáy biển và lòng đất. Trung Hoa có quyền lịch sử ở Biển Đông (nguyên văn : biển Nam Trung Hoa). Chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo ở Biển Đông (Nanhai Zhudao) và các quyền và lợi ích hàng hải ở Biển Đông được thiết lập trong quá trình thực hành lịch sử lâu dài. Các quyền này đã được duy trì bởi các chính phủ Trung Hoa kế tiếp và phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển. Chính phủ Trung Hoa bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với nội dung của các công hàm số 22/HC-2020, số 24/HC-2020 và số 25/HC-2020 của Việt Nam.
Chủ quyền của Trung Hoa đối với Trường Sa và Hoàng Sa được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi. Chính phủ Việt Nam cũng đã công nhận nó một cách rõ ràng. Vào ngày 4 tháng 9 năm 1958, chính phủ Trung Hoa ban hành Tuyên bố của Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về lãnh hải của Trung Hoa, tuyên bố một lãnh hải rộng mười hai hải lý, và quy định rằng, Quy định này áp dụng cho tất cả các lãnh thổ của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa bao gồm quần đảo Hoa Đông, Hoàng Sa, Trung Sa (bãi cạn Scarborough của Philippines - lời người dịch), Trường Sa và tất cả các đảo khác thuộc Trung Hoa. Vào ngày 14 tháng 9 năm 1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng của Việt Nam đã gửi công hàm ngoại giao tới Chu Ân Lai, Thủ tướng Hội đồng Nhà nước Trung Hoa, tuyên bố long trọng rằng chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa công nhận và ủng hộ tuyên bố của Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về quyết định liên quan đến lãnh hải của Trung Quốc được đưa ra vào ngày 4 tháng 9 năm 1958 và rằng chính phủ của Cộng hòa dân chủ Việt Nam tôn trọng quyết định này. Trong những năm đầu của thập niên 1970, Việt Nam đã chính thức công nhận rằng Hoàng Sa và Trường Sa luôn là một phần của lãnh thổ Trung Hoa kể từ thời cổ đại. Sở hữu này đã được phản ánh trong các tuyên bố và ghi chú của chính phủ, cũng như các bản đồ, sách giáo khoa và báo chí chính thức của Việt Nam.
Sau năm 1975, Việt Nam đã vi phạm tuyên bố của chính mình và đưa ra yêu sách lãnh thổ bất hợp pháp đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Trung Hoa. Vi phạm mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã đưa quân xâm chiếm và chiếm đóng bất hợp pháp một số đảo và rạn san hô của Trung Hoa ở quần đảo Trường Sa bằng vũ lực, cố gắng kích động tranh chấp. Trung Hoa luôn phản đối sự xâm chiếm và chiếm đóng bất hợp pháp của Việt Nam tại một số đảo và rạn san hô của Trung Hoa ở quần đảo Trường Sa, và các hoạt động xâm phạm quyền và lợi ích của Trung Hoa trong phạm vi quyền tài phán của Trung Hoa. Trung Hoa kiên quyết yêu cầu Việt Nam rút toàn bộ thủy thủ đoàn và các cơ sở khỏi các đảo và rạn san hô mà họ đã xâm chiếm và chiếm đóng bất hợp pháp.
Đệ trình chung của Việt Nam và Malaysia ngày 6 tháng 5 năm 2009 và đệ trình của Việt Nam ngày 7 tháng 5 năm 2009 lên Ủy ban về giới hạn của thềm lục địa liên quan đến các giới hạn bên ngoài của thềm lục địa vượt quá 200 hải lý ở một số khu vực ở Biển Đông đã xâm phạm nghiêm trọng đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Hoa ở Biển Đông. Trung Hoa kiên quyết phản đối điều này. Quan điểm của Trung Hoa về vấn đề này đã được nêu trong Công hàm số CML/17/2009 và số CML/18/2009 gửi cho Ngài Ban Ki-moon, khi đó là Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, bởi Phái đoàn thường trực của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Liên Hợp Quốc năm 2009.
Quan điểm của Trung Hoa liên quan đến vấn đề Biển Đông là rõ ràng và nhất quán, và đã được nhắc đến nhiều lần trong các tuyên bố của chính phủ Trung Hoa và các công hàm có liên quan gửi Liên Hợp Quốc.
Phái đoàn thường trực của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Liên Hợp Quốc đề nghị Tổng thư ký Liên Hợp Quốc lưu hành công hàm này đến tất cả các quốc gia thành vien của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển và tất cả các thành viên của Liên Hợp Quốc.
Phái đoàn Thường trực của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Liên Hợp Quốc tận dụng cơ hội này để nhắc lại quan điểm của mình với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.
New York, ngày 17 tháng Tư năm 2020
Nguồn : Liên Hiệp Quốc
Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Chu Ân Lai, Thủ tướng Hội đồng Nhà nước Trung Hoa 14/09/1958
Công hàm của Việt Nam ngày 30/03/2020 gửi lên Liên Hiệp Quốc :
8888888888888888888888
Nguồn : Thoibao.de, 20/04/2020
Việt Nam gửi công hàm phản đối Trung Quốc - Những tín hiệu lạc quan ?
Hoàng Sa, RFA, 08/04/2020
Cuộc chiến Công hàm
Như đã trình bày trong một bài báo trước, ngày 12/12/2019, Malaysia đã gửi một bản đệ trình lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên Hợp Quốc, yêu sách một phần thềm lục địa mở rộng của nước này trên Biển Đông, dựa trên Điều 76 của Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc năm 1982 (UNCLOS). Ngày 6/3/2020, Phái đoàn thường trực của Philippines tại Liên Hợp Quốc đã đệ trình Công hàm lên Liên Hợp Quốc để đáp lại Đệ trình của Malaysia. Ngày 23/3/2020, Trung Quốc đã ra Công hàm đáp trả Công hàm của Malaysia và Philippines.
Hình minh hoạ. Tàu tuần tra của Philippines đi qua tàu hải cảnh của Trung Quốc ở Biển Đông hôm 14/5/2019 -AFP
Trong Công hàm của Trung Quốc có khẳng định : "Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa quần đảo) và Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham) cùng với những vùng nước kế cận các đảo này cũng như đối với đáy biển và lòng đất dưới đáy biển. Trung Quốc có quyền lịch sử ở Biển Đông. Chủ quyền và các quyền liên quan khác cùng với quyền tài phán của Trung Quốc được hỗ trợ bởi các bằng chứng lịch sử và pháp lý…".
Ngày 30/3/2020, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã đệ trình Công hàm phản đối "luận điệu" của Trung Quốc. Công hàm của Việt Nam nêu rõ :
"Việt Nam phản đối các yêu sách của Trung Quốc tại các Công hàm trên. Các yêu sách này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông.
Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.
Việt Nam khẳng định Công ước của Liên Hợp Quốc về luật Biển 1982 (Công ước) là cơ sở pháp lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc".
Có một số điểm đáng lưu ý trong các công hàm này.
Thứ nhất, mặc dù Malaysia khởi đầu với việc yêu sách thềm lục địa mở rộng ngày 12/12/2019, dẫn tới việc các bên ra Công hàm để thể hiện quan điểm, thế nhưng trong cả Công hàm ngày 6/3/2020 của Philippines lẫn Công hàm ngày 30/3/2020 của Việt Nam đều không có nội dung phản đối hay đả động đến Malaysia (mặc dù mỗi bên đều giữ những quan điểm nghiêng về lợi ích của mình), mà nhất loạt phản đối Trung Quốc. Điều này cho thấy, dường như, Malaysia, Philippines và Việt Nam có những thoả thuận trước, hoặc có thể, ít nhất, ba quốc gia trên đã tìm được những điểm chung trong việc phản đối "luận điệu" của Trung Quốc qua các bản Công hàm này.
Ảnh chụp vệ tinh một phần quần đảo Hoàng Sa do Trung Quốc chiếm đóng ở Biển Đông AFP
Thứ hai, Trong Công hàm ngày 30/3/2020 của mình, Việt Nam đã tuyên bố rõ thêm : "vùng biển của các cấu trúc luôn nổi tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phải được xác định phù hợp với Điều 121 (3) của Công ước ; các nhóm đảo tại Biển Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, không có đường cơ sở được vẽ bằng cách nối liền các điểm ngoài cùng của các cấu trúc xa nhất ; các bãi ngầm, hoặc cấu trúc lúc chìm lúc nổi không phải là đối tượng thụ đắc lãnh thổ và không có vùng biển riêng".
Tuyên bố này ngụ ý :
i) theo điều 121 (3) UNCLOS 1982, được giải thích qua Phán quyết 2016, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sẽ không có cấu trúc nào được coi là "đảo". Mặc dù Phán quyết 2016 chỉ nhắc tới Trường Sa, nhưng Việt Nam muốn "áp dụng pháp luật tương tự" từ quy chế pháp lý của Trường Sa cho Hoàng Sa ;
ii) Do các cấu trúc này không đáp ứng được yêu cầu là "đảo", cho nên không thể vạch đường cơ sở thẳng "vẽ bằng cách nối liền các điểm ngoài cùng của các cấu trúc xa nhất", điều này ám chỉ việc Trung Quốc đã tuyên bố đường cơ sở thẳng bao quanh Hoàng Sa năm 1996 là không hợp lý, và Việt Nam phản đối điều này.
Thứ ba, tương tự như nội dung trong Công hàm ngày 6/3/2020 của Philippines có đề cập, Việt Nam cũng "phản đối các yêu sách ở Biển Đông vượt quá những giới hạn được quy định tại Công ước, trong đó có yêu sách quyền lịch sử, các yêu sách này đều không có giá trị pháp lý". Điểm này, Việt Nam dựa theo Phán quyết 2016 để phản đối trực diện vào "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc đưa ra dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó có hình thức "quyền lịch sử".
Thời điểm gửi Công hàm
Một vấn đề cũng đáng lưu ý, đó là thời điểm gửi Công hàm của Việt Nam được gửi từ ngày 30/3/2020. Dường như, Việt Nam đã đoán trước được việc Trung Quốc sẽ ra Công hàm với những lập luận "nhập nhằng, rối rắm" như nhiều lần trước, cho nên Việt Nam đợi sau khi Trung Quốc ban hành Công hàm ngày 23/3/2020, đúng một tuần sau, Việt Nam mới ban hành Công hàm để đáp trả Trung Quốc.
Thêm nữa, Công hàm của Việt Nam đã gửi lên Liên Hợp Quốc từ ngày 30/3/2020, nhưng đến ngày 7/4/2020, báo chí và truyền thông Việt Nam mới ngập tràn những thông tin về Công hàm này. Đặc biệt sau sự cố tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam ngày 2/4/2020 như một động tác "trả thù" sau Công hàm này, và phía Việt Nam đã chủ động "khuấy động vấn đề" trên các phương tiện truyền thông. Chưa kể, báo Nhân Dân - Cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/4/2020 đã đăng toàn văn lời phản đối của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Bộ ngoại giao Philippines đều lên tiếng phản đối việc đâm chìm tàu cá Việt Nam của Trung Quốc. Tất cả những điều trên cho chúng ta thấy những chỉ dấu về sự chuyển biến trong thái độ của Việt Nam cũng như Malaysia, Philippines trước các hành động hung hăng, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Hy vọng, với những bước chuyển như vậy, nhà nước Việt Nam sẽ có những bước đi mạnh mẽ hơn nữa, phối hợp với các quốc gia ASEAN, phát huy vai trò Chủ tịch ASEAN, tìm kiếm những biện pháp để chống lại dã tâm độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Hoàng Sa
Nguồn : RFA, 08/04/2020
******************
Biển Đông : Việt Nam phản đối yêu sách của Trung Quốc lên Liên Hiệp Quốc
Thu Hằng, RFI, 08/04/2020
Việt Nam bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, được nêu trong hai công hàm đệ trình lên Liên Hiệp Quốc vào tháng 12/2019 và tháng 03/2020. Công hàm phản đối của Việt Nam được gửi tới tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres ngày 30/03, nhưng chỉ được công bố hôm 07/04.
Tham vọng chủ quyền trên gần trọn Biển Đông của Trung Quốc, với yêu sách đường 9 vạch (còn gọi là ''lưỡi bò''), bị Tòa án Trọng tài Thường trực, La Haye, bác bỏ ngày 12/07/2016. Ảnh : Reuters
Trong công hàm ngày 30/03, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc khẳng định các yêu sách của Trung Quốc "vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông" ; "Việt Nam có đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa".
Tuy nhiên, câu hỏi được đặt là tại sao công hàm được gửi đi ngày 30/03, nhưng chỉ được công bố rộng rãi ngày 07/03 ? Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp tại Singapore, khi trả lời đài VOA, cho rằng có thể là do "áp lực từ công chúng" , sau vụ tầu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm một tầu cá của Việt Nam vào ngày 02/04 ở khu vực Hoàng Sa, buộc Việt Nam phải gửi công hàm phản đối tới Bắc Kinh hôm 03/04.
Tiếp theo, có thể Hà Nội sẽ tính đến hướng đi pháp lý, như Philippines từng làm năm 2016. Tuy nhiên, theo ông Hà Hoàng Hợp, trước đó "Việt Nam sẽ gặp phía Trung Quốc để bàn xem có thể xử lý trên đàm phán được không. Không phải song phương, mà là đa phương".
Trung Quốc đang bị chỉ trích lợi dụng tình hình cả thế giới đối phó dịch Covid-19 để tăng cường hoạt động ở Biển Đông. Ngày 06/04, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc chấm dứt lợi dụng thế yếu của các nước Đông Nam Á để gia tăng những đòi hỏi phi pháp tại Biển Đông. Tuy nhiên, trong buổi họp báo ngày 07/04, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) chỉ trích Mỹ tiếp tục vi phạm chủ quyền của nước này ở Biển Đông, đồng thời khuyến cáo Washington tập trung ưu tiên chống dịch Covid-19 ở trong nước.
Một dấu hiệu khác cho thấy Trung Quốc tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự ở Biển Đông, bất chấp đại dịch Covid-19. Trang Asia Times ngày 08/04, trích thông tin của Hoàn Cầu Thời Báo, cho biết thủy phi cơ AG600 do Trung Quốc chế tạo sắp được thử nghiệm trên biển trong năm 2020. Đây là loại thủy phi cơ lớn nhất thế giới. Nhờ khả năng hoạt động độc lập trong 12 giờ, một khi được triển khai tại quần đảo Hoàng Sa, thủy phi cơ này có thể đến bất cứ vị trí nào tại Biển Đông.
Thu Hằng
********************
Biển Đông vẫn ‘động’ nếu còn… biết ơn !
Trân Văn, VOA, 08/04/2020
Nhìn một cách tổng quát, việc tiết lộ công hàm mà chính phủ Việt Nam gửi cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Đông, khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam chẳng khác gì mở van, xả bớt áp lực đang tăng nhanh và cao trong tâm tư của người Việt trước sự kiện tàu hải cảnh của Trung Quốc lại đâm chìm thêm một tàu đánh cá (mang số hiệu QNg 96017) ở vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa hôm 2/4.
Cảnh sát biển Việt Nam tuần tra, bảo vệ chủ quyền lãnh hải trên Biển Đông. (Ảnh Cảnh sát biển Việt Nam chụp từ màn hình Dân Việt)
Sự kiện QNg 96017 lại làm người Việt sôi lên vì giận. Bộ Ngoại giao Việt Nam lại chỉ trích, đòi Trung Quốc điều tra và bồi thường. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục đưa ra những tuyên bố trâng tráo : QNg 96017 đắm là do… lao vào tàu của hải cảnh Trung Quốc !.. Đây không phải là lần cuối cùng tàu của Trung Quốc xâm nhập vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, đâm chìm tàu đánh cá của ngư dân Việt ! Chắc chắn sẽ còn nhiều sự kiện tương tự và Việt Nam sẽ còn… giao thiệp với Trung Quốc nhiều lần nữa !
Những đợt… giao thiệp như thế không còn giúp người Việt hạ hỏa nhưng công hàm vừa được tiết lộ giúp họ bình tâm : Dường như chính phủ Việt Nam đã dấn bước trên con đường kiện Trung Quốc tại Tòa án Quốc tế ! Trong bối cảnh như hiện nay, Việt Nam sẽ không đơn độc khi đối đầu với Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền của mình tại Biển Đông. Ít nhất là ngay sau khi xảy ra sự kiện QNg 96017, Mỹ đã lên án Trung Quốc lợi dụng đại dịch Covid-19 để củng cố các yêu sách phi pháp tại Biển Đông…
Liệu đó có phải là những… tin vui giữa giờ tuyệt vọng ? Muốn tìm câu trả lời thỏa đáng, có lẽ nên đối chiếu với một loạt yếu tố trong tương quan về thời gian với sự kiện : Biển Đông không phải là tài sản riêng của đảng ta, quốc hội ta, nhà nước ta, chính phủ ta, tại sao "ta" không báo cáo với hàng trăm triệu người Việt - đối tượng mà "ta" phục vụ và "ta" vẫn thường khẳng định có quyền "biết", quyền "bàn", quyền "hành động" quyền "kiểm tra" - về việc gửi công hàm ?
Công hàm gửi ngày 30 tháng 3. QNg 96107 bị đâm chìm ngày 2/4. Ngày 6/4 Bộ Ngoại giao Mỹ vừa chỉ trích Trung Quốc về hành động càn rỡ đối với QNg 96107, vừa công bố hàng loạt kế hoạch nhằm gia tăng khả năng giành chiến thắng khi đối đầu trực tiếp với Trung Quốc tại Biển Đông nếu Trung Quốc không thoái bộ… Đồng đội, đồng chí, đồng bào bắt đầu đưa ra những so sánh bất lợi cho "ta" về trách nhiệm đối với quốc gia, dân tộc, ngày 7/4 "ta" mới bạch hóa công hàm…
Công hàm "ta" gửi Liên Hiệp Quốc có thể là dọn đường cho việc dựa vào luật pháp quốc tế, sử dụng các định chế quốc tế, đối đầu với Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông. Tuy nhiên, từ trước tới nay, có bao nhiêu lần "ta" hành xử hợp quy luật và theo logic thông thường ? Bao nhiêu lần "ta" làm thiên hạ chưng hửng ? Dã tâm của Trung Quốc như thế nào thì cả thiên hạ lẫn "ta" biết cả, thế thì tại sao ở "ta", bày tỏ tâm tư về Trung Quốc vẫn bị xem là bị "các thế lực thù địch lôi kéo, kích động" ?
***
Vì nhiều lý do, Trung Quốc đã và sẽ còn là một đối thủ không dễ đối phó. Đối đầu với Trung Quốc có thể phải gánh chịu nhiều thiệt hại, ít nhất là về kinh tế - xã hội nhưng không phải là không thể. Chẳng hạn so với "ta", Đài Loan ở tình thế ngặt nghèo hơn nhiều. Hòn đảo này đã bị tước bỏ tư cách thành viên Liên Hiệp Quốc, mất tư cách một quốc gia từ đầu thập niên 1970. Dù Trung Quốc tìm đủ mọi cách để nuốt chửng Đài Loan - "lãnh thổ" phụ thuộc Trung Quốc - nhưng 50 năm qua vẫn không nuốt nổi.
Bất kể Trung Quốc tận dụng tối đa ưu thế về thị trường, về giá nhân công, về khả năng thu hút đầu tư khuynh loát sức cạnh tranh của nhiều nền kinh tế, liên tục gây sức ép với các quốc gia trên toàn thế giới để cô lập Đài Loan, dù kinh tế Đài Loan cũng bị Trung Quốc chi phối, thậm chí còn liên tục bị Trung Quốc hăm dọa sẽ dùng vũ lực để "thống nhất lãnh thổ" song Đài Loan vẫn tìm được lối riêng để đi.
Đài Loan - "lãnh thổ" xếp thứ 21 trên thế giới về sức mạnh kinh tế - tiếp tục củng cố tư thế như một đối tác đáng kính trọng của các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc. Gần đây, ấn tượng mà Đài Loan tạo ra trong việc đối phó với Covid-19, viện trợ của Đài Loan cho nhiều quốc gia khác để cùng phòng, chống Covid-19 làm Trung Quốc nổi điên song không thể làm gì khác hơn… chửi đổng. Cục diện quốc tế có những ràng buộc để Trung Quốc không thể vọng động theo kiểu "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay".
Chưa rõ chính quyền Đài Loan sẽ ứng xử thế nào trước sự kiện mới nhất : 70% dân chúng Đài Loan muốn bỏ "China" ra khỏi Quốc hiệu (Republic of China) để minh định với cộng đồng quốc tế, Đài Loan là Taiwan, không liên quan đến Trung Quốc, thiên hạ không nên đối xử với người Đài Loan bằng định kiến dành cho công dân Cộng hòa nhân dân Trung Hoa nhưng có thể dùng sự kiện đó để so với… "ta" ! Lúc nào thì "ta" - vẫn thường tuyên bố là "của dân, do dân, vì dân" - cho dân "ta" bày tỏ chính kiến như vậy ?
Trong quan hệ với Trung Quốc, tại sao Đài Loan có thể đứng vững trên đôi chân của họ ? Cứ quan sát và ngẫm nghĩ kỹ ắt sẽ thấy, yếu tố đầu tiên là hòn đảo này có nhiều tổ chức chính trị cạnh tranh với nhau để cầm quyền. Giống như nhiều quốc gia khác, ở Đài Loan, các tổ chức chính trị muốn trở thành đảng cầm quyền phải tự chứng minh họ hữu dụng, có khả năng nâng cao nội lực và bảo vệ sự độc lập của Đài Loan, tôn trọng quyền tự quyết của đồng bào, kể cả quyền lựa chọn tổ chức chính trị cầm quyền.
May cho Đài Loan là không có tổ chức chính trị nào trở thành đảng cầm quyền nhờ được Trung Quốc hậu thuẫn "thống nhất đất nước", thành ra không có đảng cầm quyền nào luôn luôn bày tỏ sự "biết ơn" vô điều kiện đối với "sự giúp đỡ quý báu" của Đảng Cộng sản Trung Quốc. May cho Đài Loan là không có đảng cầm quyền nào đinh ninh : Có gạt bỏ toàn bộ dã tâm, sự càn rỡ của Trung Quốc - "người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn ở ngay bên cạnh, sẵn sàng hỗ trợ để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội" - thì mới duy trì được "quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối" trên xứ sở của mình. Đó là lý do, Trung Quốc không ngừng khuấy động nhưng eo biển Đài Loan không… "động" !
Chắc chắn tại Đài Loan, không có chính quyền nào thuộc bất kỳ đảng nào có thể lẳng lặng gửi cho Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc một công hàm phản đối sự càn rỡ của Trung Quốc và không thèm nói tiếng nào với dân chúng Đài Loan. Chắn chắn không có người nào trong số khoảng 25 triệu dân Đài Loan xem đó là hành động "tài tình, sáng suốt" và vì vậy tiếp tục "ngậm đắng, nuốt cay", tự an ủi là còn có thể hy vọng. Chắc chắn không có chính quyền nào thuộc bất kỳ đảng nào ở Đài Loan dám bày tỏ sự "biết ơn" vì Đảng Cộng sản Trung Quốc đã giúp cho mình trở thành đảng cầm quyền và sẽ giúp cho mình mãi mãi là đảng cầm quyền !
Nếu Đài Loan có một chính quyền như thế thuộc một đảng cầm quyền như thế thì eo biển Đài Loan đã… "động" từ lâu và có nên từ đó mà ngẫm xem Biển Đông có còn… "động" không, nếu nguồn lực quốc gia tiếp tục thất tán, sau các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, sắp đến lúc hợp tác xã lên ngôi vì "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" sắp tái đăng quang ? Làm sao có thể giữ Biển Đông không… động khi kinh tế - xã hội Việt Nam tiếp tục chao đảo, ngả nghiêng, sự phụ thuộc vào Trung Quốc càng lúc càng lớn nhưng với đảng ta, quốc hội ta, nhà nước ta, chính phủ ta vấn nạn đó vẫn không quan trọng bằng việc tiếp tục uốn éo nhằm duy trì sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của mình ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 08/04/2020
*******************
Cúm tàu và cơ hội cho Việt Nam
Cánh Cò, RFA, 07/04/2020
Cơ hội đây không phải là món lợi từ kinh tế hay khoa học kỹ thuật mặc dù Việt Nam được nhìn nhận là nước đạt yêu cầu về chống dịch. Cơ hội khó kiếm này liên quan đến việc đòi lại tài nguyên quốc gia bị mất, hay nói đúng hơn là bị cướp và kẻ cướp ấy chính là chủ nhân của con virus mang tên cúm tàu.
Trung Quốc lộ rõ ý đồ bá chủ Biển Đông vì sức mạnh quân sự lẫn kinh tế làm những nước trong khu vực cắn răng chịu đựng sự hùng hổ và không che giấu tham vọng của Bắc Kinh
Có lẽ ít ai ngờ rằng Việt Nam có thể đủ can đảm lên tiếng trước Liên Hiệp Quốc chống lại việc Trung Quốc công khai dọa nạt Việt Nam trên Biển Đông từ nhiều thập niên qua. Liên tiếp chiếm cứ quần đảo Hoàng Sa rồi Gạc Ma cũng như xây dựng những hòn đảo này thành căn cứ quân sự trên biển, Trung Quốc lộ rõ ý đồ bá chủ Biển Đông vì sức mạnh quân sự lẫn kinh tế làm những nước trong khu vực cắn răng chịu đựng sự hùng hổ và không che giấu tham vọng của Bắc Kinh trước đường lưỡi bò vô căn cứ. Bắc Kinh khẳng định rằng với sức mạnh của nó đang có không một thế lực nào có thể can thiệp và ung dung xem toàn bộ Biển Đông thuộc sở hữu của mình.
Và tư duy ấy hôm nay phải kết thúc, ít nhất là đối với Việt Nam, một đất nước vốn nằm trong quỹ đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc về chính trị, lệ thuộc sâu nặng những món nợ tài chánh cũng như giao thương, sợ hãi trước binh hùng tướng mạnh cũng như vũ khí chiến lược mà Trung Quốc sở hữu… tất cả những yếu tố ấy đã bị con virus Vũ Hán làm cho sụp đổ. Sự sụp đổ có hình thức domino khi Trung Quốc ngạo mạn và xem thường sự chịu đựng của thế giới trước những hành vi ngạo ngược và bất nhân.
Ngay trong khi đại dịch làm thế giới điên đảo Trung Quốc đã đem tàu Hải cảnh tông vào tàu đánh cá Việt Nam bất kể luật pháp quốc tế và lòng nhân đạo trên biển cần có của một con tàu. Vừa cướp vừa to tiếng yêu cầu Việt Nam "giáo dục" ngư dân của mình có cách hành xử đúng mực đối với các loại tàu bè Trung Quốc trong khu vực thuộc lãnh hải Việt Nam. Trung Quốc đã quen thói xem thường Việt Nam như từ bao lâu nay vì nghĩ lãnh đạo Hà Nội không bao giờ dám mở miệng với dư luận quốc tế, nhưng lần này Trung Quốc đã tính sai và quá đà trong ván bài thấu cáy. Trung Quốc hả hê với thành công khiến thế giới chao đảo nhưng lại quên rằng sự chao đảo ấy làm thế giới nhìn thấy bộ mặt thật của Bắc Kinh hơn lúc nào hết.
Cả thế giới đang lên án Bắc Kinh và Việt Nam không thể đứng riêng một góc trời im hơi lặng tiếng trước hành vi ngang ngược của Trung Quốc.
Nước Mỹ đang trong tâm điểm của đại dịch Corona nhưng khi biết rõ dã tâm của Trung Quốc đối với Việt Nam, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus ra tuyên bố lên án Trung quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa.
Tuyên bố cũng liệt kê một loạt hành động của Trung Quốc nhằm khẳng định các yêu sách biển bất hợp pháp ở Biển Đông kể từ khi đại dịch bùng phát như lập các trạm nghiên cứu ở Đá Chữ Thập và Đá Xu Bi, hạ cánh máy bay quân sự chuyên dụng ở Đá Chữ Thập và triển khai dân quân biển đến Trường Sa.
Không chỉ thế, trên Twitter, bà Ortagus còn viết thêm rằng : "Điều đáng ngại là Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đang lợi dụng việc thế giới tập trung vào giải quyết đại dịch toàn cầu để khẳng định các yêu sách biển bất hợp pháp của mình ở Biển Đông".
Phía sau những "quan ngại" này là những chữ "đại dịch toàn cầu" có hàm ý lên án hành vi của Trung Quốc là hèn hạ và đang gây bất mãn cho cộng đồng thế giới. Không ai có thể chấp nhận những tên hôi của trong dịch bệnh, thiên tai, chí có Trung Quốc mới có đủ trân tráo hành xử như những tên côn đồ thừa nước đục thà câu.
Có lẽ nằm bắt thông điệp ngầm từ Mỹ, Hà Nội đã ra chiêu
Theo tin chính thức từ báo chí trong nước "Ngày 30/3, Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc, phản hồi hai công hàm mà Trung Quốc đưa ra ngày 23/3 và ngày 12/12/2019.
Công hàm do phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc gửi cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nói rằng các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc "vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông".
Hôm 23/3, Trung Quốc gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc phản hồi tài liệu của Philippines, cho rằng Trung Quốc "có chủ quyền với quần đảo Nam Sa và vùng biển gần kề", "có quyền chủ quyền và quyền tài phán với các vùng biển liên quan, với đáy biển và lòng đất". Bắc Kinh cũng cho rằng mình "có quyền lịch sử" ở Biển Đông, dựa trên "bằng chứng lịch sử và pháp lý".
Đây là bước đầu tiên mở đường cho một vụ kiện giống như Philippines vài năm trước. Nhiều người không tin rằng Việt Nam dám hy sinh nguồn lợi từ phương Bắc mà đánh đổi chủ quyền biển đảo của quốc gia nhưng cũng không ít người vững tin rằng sở dĩ Việt Nam nằm trong vòng kim cô quá lâu vì thiếu tin tưởng thế lực đối trọng với Bắc Kinh là Washington.
Virus Corona đã làm Bắc Kinh nóng vội và chìa ra lá bài tẩy tham vọng làm chủ thế giới. Tham vọng ấy nhờ con Vũ Hán giúp cho EU, Mỹ, Ấn Độ… thấy rõ mục tiêu mà Trung Quốc nhắm tới và thực hiện không cần hậu quả. Tính cách xem thường lòng tự trọng đã khiến Bắc Kinh lộ bài và cả thế giới đang tiến hành những vụ kiện vô tiền khoán hậu đối với dã tâm có một không hai của Trung Quốc.
Vụ kiện của Việt Nam không thể tránh khỏi vì không ai khờ dại đến nỗi chạy theo kẻ bị cả thế giới quay lưng. Và khi đã kiện, Việt Nam chấp nhận mất tất cả những gì mà Trung Quốc cài cắm vào đất nước trong đó có cả 4 tốt và 16 chữ vàng.
Mất những thứ viễn vông ấy để có được hai chữ "độc lập" đúng nghĩa không phải là quá nên hay sao ?
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 07/04/2020 (canhco's blog)
Có thêm bằng chứng Đảng cộng sản cầm quyền đã để mất chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vẫn huyênh hoang : "độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững".
Trong khi đó, dù sự việc tàu tuần tra Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam đã rõ như ban ngày, nhưng vẫn có báo chỉ dám coi tai nạn do "tàu nước ngoài" gây ta.
Tàu cá Việt Nam, nạn nhân thường trực của thói bạo hành vô nhân bá quyên Trung Quốc trong quần đảo Hoàng Sa - Ảnh minh họa
Việc mới nhất xảy ra vào khoảng 3g ngày 2/4/2020 khi tàu cá Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 90617 TS của ông Trần Hồng Thọ (ngụ xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đang hoạt động tại vùng biển Hoàng Sa đã bị tàu Trung Quốc đâm chìm. Rất may, toàn bộ 8 thuyền viên thoát chết và được trả tự do, sau khi bị điều tra.
Nhưng câu chuyện không giản dị như thế. Theo tin từ Việt Nam thì sau khi nhận được tin báo tàu ông Thọ gặp nạn, "3 tàu cá QNg 90929 TS của ông Nguyễn Thanh Linh, QNg 90045 TS của ông Đăng Tâm và tàu QNg 90399 TS của ông Đặng Dũng cùng chạy đến cứu nạn, cứu hộ. Nhưng 3 tàu cá này lại bị tàu Trung Quốc truy đuổi. 2 tàu cá QNg 90929 TS và QNg 90045 TS sau đó cũng bị bắt.
Đến khoảng 18g ngày 2/4, Trung Quốc giao 8 ngư dân của tàu QNg 90617 TS cho 2 tàu cá QNg 90929 TS, QNg 90045 TS và thả 2 tàu cá này cùng 8 ngư dân của tàu chìm về".
Tầu nước ngoài
Trước và sau vẫn chỉ có tàu tuần tra Trung Quốc đã đâm chìm tàu cá của ông Trần Hồng Thọ, vậy mà báo Lao Động vẫn chỉ dám đưa tin tàu của ông Thọ bị "tàu nước ngoài" đâm chìm. Trong khi báo Thanh Niên cũng viết : "Tối 2/4, một lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi xác nhận với Thanh Niên có nhận được thông báo của ngư dân trên địa bàn tỉnh về việc tàu cá bị tàu nước ngoài đâm chìm khi đánh cá ở đảo Phú Lâm ".
Tại sao hai báo Lao Động và Thanh Niên lại vô trách nhiệm như thế ? Ai đã ra lệnh cho hai báo này không được viết đích danh tàu Trung Quốc ?
Đã có một thời gian dài trong nhiều năm, báo đài nhà nước không dám gọi đích danh lính hay tàu Trung Quốc đã tấn công, cướp của và giết ngư dân Việt Nam hành nghề ở Biển Đông. Theo lệnh của Ban Tuyên giáo đảng, báo đài chỉ dám gọi tàu Trung Quốc là "tàu lạ", "tàu nước ngoài", và gọi lính Trung Quốc là "lực lượng võ trang nước ngoài".
Thậm chí còn có nhiều viên chức đảng, nhà nước, đại biểu quốc hội và tướng lĩnh cũng tránh nói tên Trung Quốc vì sợ phạm húy, mỗi khi phải nói đến những hành động sai trái của Bắc Kinh.
Phải chăng tư duy lệ thuộc, sợ hãi Trung Quốc của lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã lây truyền sang dân khiến việc đụng đến tên Trung Quốc là bị coi "nhậy cảm" ?
Bằng chứng này cũng đã xảy ra trong bài báo của trang điện tử Tiếng nói nước Nga (Sputniknews.com), khi đưa tin về tàu cá Quảng Ngãi ngày 02/04/2020.
Trang này viết : "Lúc 6 giờ ngày 2 tháng 4, bà Nguyễn Thị Chi (vợ ngư dân Trần Hồng Thọ) nhận được điện thoại của bà Nguyễn Thị Kim Hồng (sinh năm 1983, ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu) báo phương tiện của ngư dân Trần Hồng Thọ bị tàu nước ngoài tông chìm ở đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa) tại tọa độ 16°42'3"N-112°25'44"E, văn bản của Ban Chỉ huy Phòng, Chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi cho hay".
Báo Sputniknews viết tiếp : "Được biết, vụ tàu cá Quảng Ngãi của ngư dân Trần Hồng Thọ bị phía Trung Quốc đâm chìm mới đây không phải trường hợp đầu tiên. Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu nhấn mạnh, những năm qua, ngư dân Bình Châu nói riêng và trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi nói chung rất "căm phẫn" trước hành động của các tàu cá Trung Quốc.
Điển hình, cách đây khoảng một năm, khi đang khai thác hải sản tại khu vực đảo Đá Lồi (quần đảo Hoàng Sa), cách bờ biển Đà Nẵng chừng 198 hải lý, con tàu mang công suất 575 CV của ngư dân Nguyễn Minh Hùng (SN 1975, trú thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu) cùng 4 thuyền viên bị tàu Trung Quốc lù lù áp sát.
Bị rượt đuổi và phun vòi rồng không ngớt, tàu của vị thuyền trưởng có thâm niên hơn 20 năm đánh bắt ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa không may va vào bãi đá ngầm, chìm nghỉm.
Rất may, 5 ngư dân trên tàu cá bị chìm giữa trùng khơi được một tàu bạn ở cùng địa phương ứng cứu kịp thời. Điều đáng lên án, thời khắc các ngư dân Quảng Ngãi tự cứu nhau ở Hoàng Sa, phía tàu Trung Quốc vẫn lảng vảng, vô cảm, bỏ mặc tàu Việt Nam, trong khi ngư dân Việt Nam đã nhiều lần cứu ngư dân Trung Quốc.
Tính đến cuối tháng 12/2019, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 5.571 tàu đánh cá trong đó tàu có chiều dài trên 15m là 3.358 chiếc. Sản lượng khai thác năm 2019 là 250.667 tấn. Ngư dân Quảng Ngãi vốn có truyền thống và kinh nghiệm đánh bắt xa bờ. Tàu thuyền của ngư dân Quảng Ngãi hoạt động khắp các ngư trường trong cả nước từ vùng biển Vịnh Bắc Bộ đến vùng Biển Đông - Tây Nam bộ, Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển tiếp giáp với các nước trong khu vực" (sputniknews, 03/04/2020).
Đôi co Việt-Trung
Nhưng lần này người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh đã chối biến trách nhiệm của tàu Trung Quốc. Trong cuộc họp báo ngày 3/4/2020, bà này cho biết :
"Vào sáng 2/4, một tàu hải cảnh Trung Quốc trong cuộc tuần tra định kỳ phát hiện tàu cá Việt Nam đánh bắt cá bất hợp pháp ở ngoài khơi quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và ngay lập tức kêu gọi con tàu rời đi.
Tàu cá Việt Nam từ chối rời đi và bất ngờ chuyển hướng về phía tàu Trung Quốc. Mặc dù tàu hải cảnh của Trung Quốc đã cố hết sức để tránh, nhưng vẫn bị tàu cá Việt Nam đâm vào mũi tàu. Tàu cá Việt Nam sau đó bị ngập nước và chìm".
Tàu hải cảnh Trung Quốc đã ngay lập tức thực hiện chiến dịch giải cứu và cả 8 ngư dân Việt Nam đã được giải cứu mà không có bất cứ thương tích nào. Tàu hải cảnh Trung Quốc sau đó đã để ngư dân Việt Nam rời đi sau khi hoàn thành thủ tục điều tra và thu thập bằng chứng cần thiết.
Nhiều báo Việt Nam chỉ trích bà Oánh đã thay trắng đổi đen. Ngược lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng chỉ biết nói nhẹ nhàng :
"Theo thông tin từ các cơ quan chức năng của Việt Nam, tàu cá QNg 90617 TS và 8 ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bị tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản và đâm chìm.
Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Hành động trên của tàu công vụ Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, gây thiệt hại về tài sản, đe doạ an toàn tính mạng và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân và Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình và không có lợi cho quan hệ hai nước cũng như việc duy trì hoà bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông".
Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết đại diện Bộ Ngoại giao ngày 3/4 đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc và trao công hàm phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và tàu hải cảnh Trung Quốc nêu trên, không để tái diễn những hành động tương tự, đồng thời bồi thường thoả đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.
Nhưng có bao giờ ngư dân Việt Nam nhân được đồng bạc bồi thường nào chưa, hay "chờ được vạ thì má đã sưng" như bấy lâu nay ?
Tàu cảnh sát biển Việt Nam ở đâu ?
Phản ứng nhũn như con chi chi quen thuộc của Bộ Ngoại giao Việt Nam không làm ai ngạc nhiên, vì chỉ là những câu chữ vuốt đuôi đã được lặp đi lặp lại nhiều lần. Có đáng quan tâm chăng là lời than phiền của ông Võ Duy Khánh, một ngư dân trên chiếc tàu bị chìm ở biển Hoàng Sa ngày 2/4/2020 đã nói với BBC tiếng Việt rằng : "Lúc xảy ra đụng độ, tôi chỉ thấy tàu Trung Quốc chứ không thấy lực lượng chức năng Việt Nam".
Đây là câu nói chua chát, vì đã nói lên sự thật phũ phàng rằng 3 lực lượng của Việt Nam gồm Hải quân, Cảnh sát biển và Kiểm ngư đã hoàn toàn vô dụng và bất lực trước hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong thực tế thì Việt Nam đã mất quyền kiểm soát Quần đảo Hoàng Sa từ năm 1974, sau khi Trung Quốc chiếm đảo từ tay Việt Nam Cộng Hòa. Hà Nội cũng mất phần lớn quyền kiểm soát ở Trường Sa từ sau trận Gạc Ma với quân Trung Quốc ngày 14/03/1988.
Tại Trường Sa, sau cuộc tấn công chiếm đóng và thảm sát 64 quân sĩ Việt Nam ở Gạc Ma (Johnson South Reef) ngày 14/03/1988, Trung Quốc đã chiếm thêm các đá Châu Viên (Cuarteron Reef ), Chữ Thập (Fiery Cross Reef), Ga Ven (Gaven Reef), Tư Nghĩa (Hughes Reef), Vành Khăn (Mischief Reef) và Xu Bi (Subi Reef) của Việt Nam, rồi tân tạo các vị trí này thành đảo nhân tạo với sân bay, bến cảng, trại đóng quân, hệ thống phòng không, radar và một số đài khí tượng và hải đăng.
Bành trướng ở Trường Sa
Đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam đã không những bất lực trong việc ngăn cản tàu của Trung Quốc tự do tuần hành an ninh ở Trường Sa mà còn không dám ngăn cản Bắc Kinh cải tạo và xây dựng các bãi đá thành các căn cứ quân sự ở Trường Sa.
Mới đây vào tháng 3/2020, Tân Hoa xã cho biết Trung Quốc đã xây dựng thêm hai "trạm nghiên cứu" mới tại đá Chữ Thập và đá Subi.
Ngày 26/3/2020, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã chỉ lập lại như con sáo điệp khúc quen thuộc : "Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Theo đó, mọi hoạt động tại hai quần đảo này phải có sự cho phép của Việt Nam".
Các nguồn tin phương Tây cho hay quân đội Trung Quốc cũng đã xây dựng một số hệ thống giám sát trên đá Chữ Thập nhằm phục vụ bảo tồn hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái thực vật và nước ngọt.
Đối với đá Subi, trạm nghiên cứu đã "hoàn thành thiết kế dự án của hệ thống quan sát" cho mục đích phòng chống thảm họa địa chất và bảo tồn nước ngọt.
Khả năng của Đá Chữ Thập
Sau khi được tân tạo, vị trí của Đá Chữ Thập biến thành điểm cầu nối chiến lược quan trọng giữa bãi Tư Chính và căn cứ hải quân và tàu ngầm của Trung Quốc ở đảo Hải Nam phía bắc trong khoảng cách ngót 2.000 cây số.
Vậy Trung Quốc đã biến đá Chữ Thập thành căn cứ quân sự như thế nào ?
Báo Thanh Niên cho biết : "Tính đến tháng 5/2015, đảo nhân tạo đã có diện tích khoảng 280,3 ha với chiều dài khoảng 3.700 m (rộng nhất 1.100 m, hẹp nhất 60 m) và hồ nhân tạo ở phía đông bắc diện tích khoảng 52 ha với luồng dẫn vào dài khoảng 700 m, rộng 270 + 300 m.
Đến nay, căn cứ Chữ Thập đã hoàn tất với 7 cụm nhà lớn ở khu vực trung tâm (cao 5-6 tầng) và 30 công trình nhà trung bình, nhỏ khác ; 1 đường băng sân bay dài hơn 3.000 m, rộng 50 m phục vụ các loại máy bay vận tải dân dụng, quân sự, du lịch loại nhỏ cất hạ cánh ; các đài chỉ huy không lưu, tháp ra đa không lưu và khoảng 30 nhà chứa máy bay dọc đường băng…
Ngoài ra, căn cứ này còn có các công trình hiện đại như : tháp hải đăng, tháp điều độ cảng, tháp viễn thông (thu phát sóng 4G), tháp ra đa đối không - đối hải, hệ thống liên lạc vệ tinh, sân vận động trung tâm, trạm quan trắc hải dương, trạm lọc nước biển, bệnh viện tiêu chuẩn cấp 2.
Đặc biệt, tại đá Chữ Thập, phía Trung Quốc xây dựng hệ thống công trình ngầm rất lớn và 9 cầu tàu đảm bảo đón nhận tàu trọng tải hàng vạn tấn...
Do là căn cứ lớn nhất và quan trọng nhất ở Trường Sa nên phía Trung Quốc triển khai nhiều hệ thống, phương tiện bảo vệ. Các tàu thuyền nào vào gần đá Chữ Thập 12 hải lý đều bị xua đuổi, ngăn cản quyết liệt" (Thanh Niên, 13/06/2019).
Trong khi đó, theo Bách khoa toàn thư mở (Wikipedia) thì : "Từ năm 2014, Trung Quốc bắt đầu cải tạo mở rộng đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) thành đảo nhân tạo lớn nhất quần đảo Trường Sa, có diện tích 2,74 km2 (tính đến tháng 7/2015) với tổng kinh phí hơn 73 tỉ nhân dân tệ (11,5 tỉ USD)…".
Wikipedia viết thêm : "…Đặc biệt là việc xây dựng một đường băng dài 3.125m và rộng 60m, là đường băng duy nhất đủ lớn cho máy bay ném bom chiến lược tại Trường Sa, cho phép quân đội Trung Quốc bao quát không phận rộng lớn từ Tây Thái Bình Dương gồm cả Guam (nơi có các căn cứ của Mỹ) đến Ấn Độ Dương. Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ (PACOM), Đô đốc Harry Harris, cho biết hiện các vỉa đá ngầm mà Trung Quốc chiếm giữ và xây dựng trái phép ở Biển Đông nhìn giống hệt các căn cứ cho máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, tàu và hoạt động do thám".
Như vậy, rõ ràng Trung Quốc đã sử dụng Chữ Thập qua vụ Tư Chính như một "phép thử" cho khả năng quân sự để đe dọa an ninh Biển Đông và Việt Nam nói riêng ở phía cực nam của đường Lưỡi bò tự vẽ của Bắc Kinh nhằm giành chủ quyền 90% của diện tích trên 3 triệu cây số vuông ở Biển Đông.
Subi có gì lạ ?
Theo Bách khoa toàn thư mở, đá Xu Bi là một rạn san hô vòng thuộc cụm Thị Tứ của quần đảo Trường Sa . Đá này nằm cách đảo Thị Tứ khoảng 26 cây số về phía tây nam.
Đá Xu Bi (1) là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam , Đài Loan , Philippines và Trung Quốc . Trung Quốc kiểm soát rạn vòng này từ năm 1988 đến nay.
Đặc điểm : chiều dài tính theo trục đông bắc-tây nam là khoảng 5,7 km và nơi rộng nhất của vụng biển là hơn 3,7 km.
Căn cứ theo tài liệu của Center for Strategic and International Studies (CSIS)ở Washington D.C. ngày 24/05/2018, báo Tuổi Trẻ online cho biết : "Ảnh chụp tháng 10/2017 cho thấy các công trình trái phép Trung Quốc xây phía bắc đá Subi. 1) Các kho chứa ngầm dưới lòng đất ; 2) Các cơ sở cảm biến và liên lạc ; 3) Cầu cảng di động dùng để bốc dỡ hàng hóa ; 4) Trạm radar cao tần ; 5) Một trong 4 công sự phòng thủ. Vị trí được cho là doanh trại của thủy quân lục chiến Trung Quốc nằm sát khu vực số 2".
"Những công trình trên đá Subi thoạt đầu dễ khiến người ta nhầm lẫn đó là một thị trấn nhỏ trên đất liền. Những con đường nhỏ, sân thể thao và các tòa nhà kiểu dân sự đó sẽ sớm được lấp đầy bởi hàng trăm, thậm chí hàng ngàn lính thủy quân lục chiến Trung Quốc", các chuyên gia phân tích cảnh báo.
Trong khi đó, hãng tin Reuters dự đoán : "Một trung tâm hành chính đã dần hình thành trên đá Subi làm dấy lên suy đoán thực thể này sẽ sớm đón nhận các thành phần dân sự tới sinh sống".
Tuổi Trẻ viết tiếp rằng : "Theo dữ liệu từ Earthrise, một tổ chức phi chính phủ, Trung Quốc đã xây trái phép hơn 400 công trình kiên cố trên đá Subi kể từ năm 2014. Số lượng các công trình này đã bằng với số công trình Trung Quốc xây trái phép trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Các chuyên gia Tây phương nói thêm : "Subi là thực thể nhân tạo lớn nhất trong 7 thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng ở quần đảo Trường Sa. Cùng với đá Vành Khăn và đá Chữ Thập, đá Subi được xếp vào nhóm "Tam Đại" với đầy đủ các công trình như nhà chứa tên lửa, đường băng 3.000m, các nhà chứa máy bay cỡ lớn và những công trình theo dõi tàu bè, máy bay nước ngoài".
Dữ liệu từ Earthrise cho thấy trên đá Chữ Thập và Vành Khăn chỉ có khoảng 190 công trình và cấu trúc.
Tổng cộng Trung Quốc đã xây hơn 1.600 công trình trên các thực thể mà nước này chiếm đóng ở hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Đài CNBC, chuyên môn về tài chính và thể thao của Mỹ ngày 2/5/2018 dẫn các nguồn tin tình báo cho biết các tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và tên lửa đất đối không HQ-9B đã được Trung Quốc lắp đặt trên ba thực thể Đá Chữ Thập , Xu Bi, Đá Vành Khăn .
Vẫn trơ ra nhìn
Trước những đe dọa quân sự nhãn tiền của Trung Quốc ở Biển Đông, đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam đã làm gì để bảo vệ chủ quyền biển đạo nói chung, cũng như cuộc sống gian khổ và nguy hiểm của ngư dân nói riêng ?
Không có hành động gì hết trọi. Ngoại trừ một việc rất hèn nhát và vô trách nhiệm là trao nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo cho các ngư phủ khi họ chỉ có hai bàn tay trắng với những tàu thuyền bằng gỗ. Thái độ hèn nhát này như đã thể hiện lần thứ nhất khi Trung Quốc cho tàu Hải Dương 981 xâm nhập tìm kiếm dầu bên trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2014, và lần thứ hai năm 2019, với tàu Hải Dương 8 xâm nhập bãi Tư Chính, cách Vũng Tầu khoảng 370 cây số hướng đông nam.
Trong cả hai lần, của chính quyền địa phương đã chỉ trao cho mỗi chủ tàu môt lá cờ Đỏ Sao Vàng để treo trên cột cao của con thuyền khi ra khơi đánh bắt. Đối với đảng và Nhà nước, hành động này thể hiện lòng yêu nước. Nhưng yêu nước cái gì khi bị lâm nguy, những lực lượng bảo vệ dân, tốn hàng trăm triệu, hàng tỷ USD, hoàn toàn biến mất và không ai trong chính quyền dám tố cáo đích danh kẻ gây ra thảm họa. Hèn hay nhát, tồi hay dở khi chỉ biết xúi ngư dân ra khơi đánh bắt và để cho tàu thuyền Trung Quốc mặc sức đe dọa và đàn áp ? Trách nhiệm Đảng và Nhà nước ở đâu khi đem con bỏ chợ, hay trao trứng cho ác ?
Những đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ biển đảo như hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư, biên phòng ven biển và không quân hãy tự đấm ngực hỏi mình đã làm gì để bảo vệ ngư dân, những công dân Việt Nam trọn vẹn ?
Các ông bà Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng quốc phòng Đại tướng Ngô Xuân Lịch… đã làm gì để bảo vệ các tàu thuyền đánh cá và ngư ân Việt Nam trên các vùng biển đảo Tổ tiên ta để lại ?
Hay những người có trách nhiệm này là những con cầy sấy chỉ biết run rẩy mỗi khi nghe Tổng bí thư - Chủ tịch nhà nước Trung Quốc Tập Cận Bình răn đe nhiều lần - như trong cuộc Họp báo chung với Tổng thống Barack Obama ngày 25/09/2015 tại Tòa Bạch Ốc - rằng : "Các hòn đảo ở biển Nam Trung Hoa, từ thời cổ đại, là lãnh thổ của Trung Quốc. Chúng tôi có toàn quyền bảo vệ chủ quyền lãnh thổ hợp pháp của chúng tôi, cũng như các quyền lợi chính đáng về hàng hải.…" (2).
Khoảng 2 tháng sau, họ Tập lập lại quan điểm này vào sáng ngày 07/11/2015 trong diễn văn tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á, thuộc Viện Đại học Quốc gia Tân Gia Ba (National University of Singapore- NUS) : "Những hòn đảo trên Biển Đông là thuộc lãnh thổ Trung Quốc từ thời cổ đại, do đó Trung Quốc phải giữ gìn chủ quyền và lợi ích biển của mình".
Cũng đáng quan tâm là Tập Cận Bình đã nói như thế ở Tân Gia Ba chỉ một ngày sau khi kết thúc chuyến thăm hai ngày ở Việt Nam. Ngoài các cuộc gặp lãnh đạo Đảng và Nhà nước, họ Tập còn đọc diễn văn trước Quốc hội ở Hà Nội ngày 6/11/2015. Ông Tập giảng : "Hai bên cần kiên trì, lấy đại cục quan hệ hai nước làm trọng… Chữ tín là nền tảng để làm bạn… Khi đại sự được coi trọng thì tiểu sự sẽ không khó giải quyết".
Ông cũng khoe với Quốc hội Việt Nam : "Dân tộc Trung Hoa từ trước đến nay yêu hòa bình, cái gen "hòa" của dân tộc từ trước tới nay đều không thay đổi, "hòa" trong văn hóa được bảo lưu trường tồn, mãi mãi…".
Họ Tập còn nhắc đi nhắc lại nhiều lần với Việt Nam câu thần chú : "Kiên trì phương châm láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai với tinh thần láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt".
Về phần mình, để đáp lại, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (khi ấy chưa kiêm Chủ tịch nước) đã nói trong cuộc tiếp Tập Cận Bình ở Hà Nội : "Khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng việc duy trì quan hệ láng giềng hữu nghị với Trung Quốc ; sẵn sàng cùng Trung Quốc đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung đi vào chiều sâu".
Ông Trọng còn : "Đề nghị hai bên phối hợp chặt chẽ để kiểm soát hiệu quả tình hình trên biển ; tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau ; thực hiện nghiêm túc các nhận thức chung và thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước ; duy trì nguyên trạng, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, gây căng thẳng tình hình".
Mới nhất là tuyên bố của Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc, Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa ở diễn đàn Hương Sơn lần thứ 9 (9th Xiangshan Forum) khai mạc ngày 21/10/2019 ở Bắc Kinh.
Trước mặt Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam, họ Ngụy nói thẳng : "Các đảo ở Biển Đông và quần đảo Điếu Ngư (ở biển Hoa Đông) là những phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc. Chúng tôi sẽ không cho phép dù chỉ một tấc lãnh thổ mà tổ tiên của chúng tôi đã để lại bị lấy đi" (3).
Nên nhắc lại, vào ngày 18/6/2017, trong chuyến thăm Hà Nội, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, Phạm Trường Long, đã từng nói thẳng với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ; Chủ tịch nước Trần Đại Quang (qua đời ngày 21/09/2018), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đại tướng Ngô Xuân Lịch rằng : "Nam Hải [Biển Đông] là lãnh thổ Trung Quốc từ thời xa xưa" (theo tường thuật từ Hà Nội của Thống tín viên Tân Hoa Xã của Bắc Kinh).
Câu nói này đã như gáo nước lạnh tạt vào mặt lãnh đạo Việt Nam và họ Phạm đã xấc xược bỏ ra về, không tham dự các hoạt động "giao lưu hữu nghị tại tỉnh Lai Châu và Vân Nam ngày 20/6".
Như vậy thì lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam còn chần chừ gì nữa mà không kiện Trung Quốc ra trước Tòa án Quốc tế để giành lại một lần cho dứt khoát chủ quyền toàn vẹn của biển đảo và lành thổ ?
Hay vì con Virus Vũ Hán (Covid-19), cũng xuất phát từ Trung Quốc, đã làm cho ông Nguyễn Phú Trọng tối mắt nên không biết đâu mà mò ?
Phạm Trần
(09/04/2020)
(1) Tên gọi : đá Xu Bi ; tiếng Anh : Subi Reef ; tiếng Filipino : Zamora ; tiếng Trung : 渚碧礁 ; bính âm : Zhǔbì jiāo ; Hán-Việt : Chử Bích tiêu.
(2) "Islands in the South China Sea since ancient times are China’s territory. We have the right to uphold our own territorial sovereignty and lawful and legitimate maritime rights and interests".
(3) "The South China Sea islands and Diaoyu islands are inalienable parts of China’s territory. We will not allow even an inch of territory that our ancestors have left to us to be taken away" (Reuters News Agency).
Ian Storey, Nghiên cứu Biển Đông, 09/04/2020
Kể từ cuối những năm 1980, khi Biển Đông nổi lên là một vấn đề an ninh nghiêm trọng, Malaysia đã nhất quán tuân theo một chính sách và chỉ có những điều chỉnh nhỏ nhằm bảo vệ chủ quyền và các quyền chủ quyền của quốc gia này, duy trì luật pháp quốc tế cùng với thúc đẩy hòa bình và ổn định trên Biển Đông.
Malaysia đã nhất quán tuân theo một chính sách là duy trì luật pháp quốc tế cùng với thúc đẩy hòa bình và ổn định trên Biển Đông.
Tóm tắt
- Nhìn chung, trong 3 thập kỷ qua, chính sách của Malaysia đối với tranh chấp ở Biển Đông chỉ có những điều chỉnh nhỏ.
- Chính sách này được thiết kế nhằm bảo vệ chủ quyền và các quyền chủ quyền của Malaysia, duy trì luật pháp quốc tế, thúc đẩy hòa bình và ổn định trên Biển Đông.
Giới thiệu
Sau một tuần chính trường trở nên hỗn loạn khi chứng kiến sự sụp đổ của Chính quyền PH và Thủ tướng Mahathir Mohamad từ chức, ngày 1/3/2020, ông Muhyiddin Yassin đã được bổ nhiệm làm Thủ tướng Malaysia thứ 8. Ít nhất là trong ngắn hạn, Thủ tướng Muhyiddin không thể tuyên bố bất kỳ sự thay đổi lớn nào trong việc thực hiện chính sách đối ngoại của nước này vì hai lý do. Thứ nhất, ông sẽ bận rộn với việc củng cố quyền lực chính trị và đảm bảo liên minh mong manh của mình có thể tồn tại. Thứ hai, kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, đặc trưng chính sách đối ngoại của Malaysia là sự liên tục.
Có thể thấy sự liên tục về chính sách trong cách tiếp cận của Malaysia đối với tranh chấp ở Biển Đông. Trong 3 thập kỷ qua, các đời thủ tướng – người nắm toàn quyền quyết định chính sách đối ngoại của Malaysia – đã tìm cách bảo vệ chủ quyền và các quyền chủ quyền của nước này trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ - Exclusive Economic Zone) của họ, ngăn không để tranh chấp này làm tổn hại đến mối quan hệ với Trung Quốc (đối tác kinh tế lớn nhất của Malaysia), duy trì luật pháp quốc tế và xử lý tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Bài viết này xem xét các tuyên bố về lãnh thổ và quyền tài phán của Malaysia cùng với chính sách và các chiến lược của họ ở Biển Đông, tập trung vào thời gian Chính quyền PH cầm quyền từ tháng 5/2018 cho đến tháng 2/2020.
Các tuyên bố của Malaysia ở Biển Đông
Malaysia tuyên bố chủ quyền đối với 10 đảo san hô vòng ở quần đảo Trường Sa. Chính phủ Malaysia dường như đã từ bỏ chủ quyền đối với cấu trúc địa hình thứ 11, đá Louisa, trong một thỏa thuận song phương nhằm phân định ranh giới trên biển với Brunei vào năm 2009. Dựa trên nguyên tắc phân định thềm lục địa, Kuala Lumpur cũng tuyên bố quyền tài phán đối với bãi ngầm James (cách Sarawak 45 hải lý) và một nhóm các cấu trúc địa hình ngầm và nửa ngầm được biết đến với tên gọi cụm bãi cạn Luconia (cách Sarawak 54 hải lý).
Malaysia chiếm giữ 5 đảo san hô vòng ở quần đảo Trường Sa : đá Swallow (đá Hoa Lau), chiếm giữ năm 1983 ; đá Mariveles (đá Kỳ Vân) và đá Ardasier (đá Kiệu Ngựa) năm 1986 ; bãi Investigator (bãi Thám hiểm) và đá Erica (đá Én ca) năm 1999. Họ cũng tuyên bố chủ quyền đối với hai cấu trúc địa hình chưa bị chiếm giữ là đá Dallas (đá Suối cát, gần đá Ardasier) và đá Royal Charlotte (Đá Sắc Lôt, gần đá Swallow).
Tuyên bố chủ quyền của Malaysia chồng lấn với tuyên bố của Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam và Philippines. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với tất cả các cấu trúc địa hình mà Malaysia tuyên bố chủ quyền vì cho rằng chúng nằm trong phạm vi "đường 9 đoạn" bành trướng tới hơn 80% Biển Đông. Ngay cả bãi ngầm James nằm dưới mặt nước Trung Quốc cũng tuyên bố thuộc lãnh thổ nằm ở phía cực Nam của họ. Malaysia tuyên bố chủ quyền đối với đảo An Bang và đá Alison (đá Tốc Tan) do Việt Nam chiếm giữ và đá Commodore (đá Công Đo) do Philippines chiếm giữ. Tranh chấp chính của Malaysia là với Trung Quốc, dù một báo cáo gần đây chỉ ra một số bất đồng với Việt Nam.
Chính sách của Malaysia ở Biển Đông
Kể từ cuối những năm 1980, khi Biển Đông nổi lên là một vấn đề an ninh nghiêm trọng, Malaysia đã nhất quán tuân theo một chính sách và chỉ có những điều chỉnh nhỏ. Chính sách đó bao gồm 3 yếu tố.
Yếu tố thứ nhất là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và các quyền chủ quyền trong EEZ của nước này. Các cấu trúc địa hình mà Malaysia tuyên bố chủ quyền nằm gần bang Sarawak và Sabah, và vùng biển ngoài khơi hai bang này có các ngư trường và trầm tích dầu quan trọng. Trầm tích dầu có vai trò đặc biệt quan trọng đối với Kuala Lumpur vì đây là một nguồn thu nhập sinh lời. Năm 2019, Malaysia là nhà sản xuất khí tự nhiên đứng thứ ba thế giới (29 triệu tấn) và là nhà sản xuất dầu thô đứng thứ 26 thế giới (661.240 thùng/ngày).
Yếu tố thứ ba là thúc đẩy hòa bình và sự ổn định trên Biển Đông. Là một nước phụ thuộc vào thương mại, sự thịnh vượng về kinh tế của Malaysia dựa vào dòng chảy thương mại tự do trên biển thông qua eo biển Malacca và Biển Đông. Điều mang tính then chốt là các tuyến liên lạc trên biển đi qua Biển Đông kết nối Malaysia bán đảo với khu vực miền Đông Malaysia.
Các chiến lược của Malaysia
Để đạt được các mục tiêu chính sách của mình ở Biển Đông, các chính phủ Malaysia kế tiếp nhau đã theo đuổi 3 chiến lược chính.
Thứ nhất là khẳng định và bảo vệ chủ quyền và các quyền chủ quyền của quốc gia. Từ cuối những năm 1980, chính sách quốc phòng của Malaysia đã trở nên hướng ngoại hơn do sự thất bại của các cuộc nổi dậy và tình hình ngày càng căng thẳng ở Biển Đông. Tranh chấp trên biển đã ảnh hưởng đến một số quyết định lớn về việc mua sắm thiết bị quốc phòng, đáng chú ý là việc mua hai tàu ngầm vào những năm 2000. Malaysia đã cho binh lính đóng quân tại 5 đảo san hô vòng mà họ chiếm giữ, và Không quân hoàng gia Malaysia (RMAF - Royal Malaysian Air Force), Hải quân hoàng gia Malaysia (RMN - Royal Malaysian Navy) và Cơ quan thực thi hàng hải Malaysia (MMEA – Malaysian Maritime Enforcement Agency hay Cảnh sát biển) thường xuyên thực hiện các cuộc tuần tra trong EEZ của nước này để theo dõi các hoạt động của Trung Quốc. Kể từ năm 2013, Cảnh sát biển Trung Quốc (CCG - China Coast Guard) đã duy trì sự hiện diện gần như liên tục ở cụm bãi cạn Luconia, và vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020, họ đã gia tăng hoạt động, tìm cách phá hoại hoạt động khoan thăm dò của Malaysia trong khu vực bằng cách quấy nhiễu các giàn khoan, tàu khảo sát và tàu tiếp tế của Malaysia. Điều này đã dẫn đến một loạt vụ đối đầu căng thẳng giữa các tàu của Chính phủ Malaysia và Trung Quốc trong khu vực này.
Chiến lược thứ hai là bảo vệ mối quan hệ kinh tế có giá trị của Malaysia với Trung Quốc không bị ảnh hưởng bởi tranh chấp. Kể từ đầu những năm 1990, chính sách của Malaysia với Trung Quốc là xây dựng mối quan hệ kinh tế gắn bó hơn trong khi công khai loại bỏ ý niệm rằng Trung Quốc là một mối đe dọa chiến lược, kể cả ở Biển Đông. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của Malaysia, và để thúc đẩy các lợi ích kinh tế của nước này và ngăn không cho tranh chấp biển phủ bóng lên mối quan hệ (như đã xảy ra theo thời kỳ trong cả quan hệ Trung-Việt lẫn Trung Quốc-Philippines), Kuala Lumpur đã nhất quán không nhấn mạnh vào vấn đề này và cố gắng kiềm chế tình cảm dân tộc chủ nghĩa đối với các tuyên bố chủ quyền của họ ở Biển Đông. Do đó, nhìn chung, truyền thông trong nước tránh đề cập, giảm mức độ nghiêm trọng hoặc phủ nhận các vụ việc trên biển giữa tàu của Malaysia và Trung Quốc. Điều này đặc biệt rõ ràng trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Najib Razak (2009-2018) khi Malaysia tích cực thu hút đầu tư từ Trung Quốc, bao gồm một vài dự án cơ sở hạ tầng đáng chú ý nằm trong khuôn khổ sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI - Belt and Road Initiative). Chẳng hạn, tháng 3/2013, 4 tàu chiến của Trung Quốc đã tiến hành tập trận gần bãi ngầm James. Ban đầu, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia bác bỏ thông tin này dù sau đó RMN đã xác nhận. Vài tháng sau, Bộ trưởng Quốc phòng khi đó Hishammuddin Hussein nói với truyền thông rằng Malaysia không quan ngại về sự hiện diện của các tàu chiến Trung Quốc trong EEZ của nước này như các nước tuyên bố chủ quyền khác, tuyên bố rằng : "Chỉ vì các anh có kẻ thù, điều đó không có nghĩa kẻ thù của các anh là kẻ thù của chúng tôi". Tháng 1/2014, 3 tàu chiến Trung Quốc đã tiến hành tập trận gần bãi ngầm James, nhưng RMN khẳng định hoạt động này diễn ra ngoài EEZ của Malaysia. Tháng 3/2016, trước sự hiện diện của gần 100 tàu đánh cá Trung Quốc cùng các tàu hộ tống của CCG ở cụm bãi cạn Luconia, Chính phủ Malaysia đã đưa ra phản ứng yếu ớt đến mức gây chú ý.
Malaysia tránh đưa ra một phản ứng quân sự trước các cuộc xâm nhập của Trung Quốc không chỉ để bảo vệ mối quan hệ hữu nghị với nước này mà còn vì Lực lượng vũ trang Malaysia (MAF - Malaysian Armed Forces) không được cấp vốn và trang thiết bị đầy đủ và quá tải khi phải đối phó với các mối đe dọa về an ninh khác như cướp biển, di cư bất hợp pháp, khủng bố và các cuộc xâm nhập biên giới. Malaysia cũng từ chối đệ trình tranh chấp này lên Tòa trọng tài quốc tế vì Trung Quốc sẽ xem đây là một hành động thù địch (như họ đã làm khi Philippines thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc lên Tòa án quốc tế về luật biển năm 2013). Malaysia và Trung Quốc ưu tiên giải quyết tranh chấp thông qua biện pháp ngoại giao hậu trường kín đáo.
Chiến lược thứ ba là ủng hộ tiến trình xử lý tranh chấp giữa ASEAN và Trung Quốc, đặc biệt là Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC - Declaration of Conuct) năm 2002 và các cuộc đàm phán đang diễn ra về Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC - Code of Conuct). Như một biện pháp giải quyết vấn đề này, về mặt nguyên tắc, các đời chính phủ Malaysia liên tiếp đã ủng hộ cùng khai thác các nguồn tài nguyên trong khu vực tranh chấp. Khi thảo luận về tranh chấp ở Biển Đông, các thủ tướng của Malaysia luôn lấy Thỏa thuận phát triển chung Malaysia-Thái Lan ở Vịnh Thái Lan năm 1979 làm mẫu. Tuy nhiên, trên thực tế, Kuala Lumpur không nghiêm túc theo đuổi lựa chọn này vì theo UNCLOS, họ có các quyền chủ quyền đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên trong EEZ của mình và không công nhận tuyên bố "đường 9 đoạn" của Trung Quốc.
PH và tranh chấp ở Biển Đông
Cách tiếp cận của Chính phủ PH đối với Biển Đông nhất quán với các đời chính phủ trước và chỉ có một số điều chỉnh nhỏ. Sự nhất quán này không gây bất ngờ do Mahathir chính là người đã xây dựng chính sách của Malaysia đối với Trung Quốc (bao gồm cả đối với Biển Đông) trong nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên của ông từ năm 1981 đến năm 2003. Khi ông trở lại cầm quyền vào tháng 5/2018, mối quan ngại chính về chính sách đối ngoại của ông là đàm phán các dự án BRI – mà trước đây ông từng chỉ trích là có cái giá quá cao, lãng phí và có tiềm năng là bẫy nợ - mà không gây tổn hại đến mối quan hệ với Trung Quốc. Ông đã đạt được điều này.
Những sự điều chỉnh này là kết quả của bối cảnh địa chính trị của tranh chấp thay đổi, đặc biệt là sức mạnh quân sự ngày càng tăng và chính sách ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông, cùng với tình trạng đối địch Mỹ-Trung căng thẳng. Bối cảnh thay đổi này được phản ánh trong Sách Trắng quốc phòng năm 2019 của Malaysia. Sách Trắng lưu ý rằng môi trường bên ngoài biến đổi và cuộc cạnh tranh sức mạnh ngày càng quyết liệt đã tạo ra những thách thức an ninh chưa từng có cho Malaysia. Cụ thể trong tranh chấp ở Biển Đông, Sách Trắng tuyên bố rằng các hoạt động do Trung Quốc lẫn Mỹ thực hiện đã biến vấn đề về các tuyên bố chủ quyền chồng lấn trở thành một trò chơi giữa các nước lớn.
Chính quyền PH trung thành với 3 chiến lược chính từ thời các chính quyền trước đó. Chiến lược thứ nhất là bảo vệ và khẳng định các tuyên bố chủ quyền trên biển của nước này. Vài tháng sau khi nhậm chức, Mahathir nói Malaysia sẽ tiếp tục chiếm giữ 5 đảo san hô vòng ở quần đảo Trường Sa. Sách Trắng nhấn mạnh tầm quan trọng về kinh tế của môi trường biển của nước này khi tuyên bố đây là một trong những nguồn tạo nên sự thịnh vượng của Malaysia. Các vùng biển, đáy biển, tầng đất dưới, kênh rạch, không phận và thềm lục địa có vai trò then chốt đối với hoạt động thương mại, nghề cá và các nguồn lợi thủy sản, phương tiện vận tải, kết nối giữa nhân dân và các mô hình tạo ra của cải khác cho đất nước. Tài nguyên sinh vật và phi sinh vật, đặc biệt là dầu khí, là một trong những nguồn thu nhập chính của Malaysia.
RMN và MMEA tiếp tục giám sát sự hiện diện của Hải quân, CCG và lực lượng dân quân trên biển của Trung Quốc trong EEZ của Malaysia. Các tàu chiến của RMN âm thầm hộ tống các giàn khoan và tàu tiếp tế của Malaysia ở gần cụm bãi cạn Luconia. Tháng 10/2019, Bộ trưởng Ngoại giao Saifuddin Abdullah yêu cầu nâng cấp phạm vi hoạt động của RMN để đơn vị này gia tăng các hoạt động giám sát trong EEZ. Sách Trắng chỉ ra rằng RMN cần các tàu tiếp tế đa nhiệm, tàu tuần tra nhanh và các trạm radar trên bờ biển để hoàn thành nhiệm vụ này nhưng không đưa ra kế hoạch mua sắm chi tiết.
Tháng 12/2019, Malaysia nộp một đệ trình khác lên CLCS, lần này liên quan đến các tuyên bố chủ quyền đối với thềm lục địa của nước này ở phía Bắc Biển Đông. Đệ trình này hoàn toàn công nhận phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 rằng không cấu trúc địa hình nào ở quần đảo Trường Sa là các hòn đảo có khả năng tạo ra các EEZ hay thềm lục địa. Trung Quốc phản đối đệ trình của Malaysia, cho rằng nó xâm phạm chủ quyền của họ và đề nghị CLCS không xem xét đệ trình này. Đáp lại, Saifuddin gọi các tuyên bố "đường 9 đoạn" của Trung Quốc là "lố bịch". Trước đó, vào tháng 10/2019, bộ phim hoạt hình "Abominable" (Everest : Người tuyết bé nhỏ) do Trung Quốc và Mỹ phối hợp sản xuất đã bị cấm công chiếu tại các rạp phim của Malaysia vì nhà sản xuất không làm theo yêu cầu của hội đồng kiểm duyệt phim Malaysia về việc cắt một cảnh quay có xuất hiện bản đồ "đường 9 đoạn".
Chiến lược thứ hai là duy trì quan hệ thân thiết với Trung Quốc. Nhìn chung, Chính quyền PH tiếp tục bớt chú trọng vào tranh chấp trên biển của nước này với Trung Quốc. Trong một số bài phỏng vấn trên truyền thông, Mahathir tuyên bố rõ ràng rằng để bảo vệ quan hệ thương mại và đầu tư quý giá với đối tác kinh tế lớn nhất của Malaysia, chính quyền của ông sẽ tránh chỉ trích những hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông (và Tân Cương). Chẳng hạn, vào tháng 6/2018, ông lập luận rằng : "Chúng ta cần các thị trường do đó chúng ta không thể tranh cãi với một thị trường lớn như vậy" và vào tháng 9/2019, ông nói thêm rằng "đừng thử làm điều gì mà dù thế nào đi nữa cũng sẽ thất bại, tốt hơn là nên tìm cách nào ít mang tính bạo lực hơn để không gây thù địch quá mức với Trung Quốc, vì Trung Quốc có lợi cho chúng ta. Dĩ nhiên, họ là một đối tác thương mại lớn và chúng ta không muốn làm điều gì mà rồi sẽ thất bại và trong quá trình đó chúng ta sẽ chịu tổn hại". Mahathir cũng thường xuyên nêu bật những sự bất cân xứng về sức mạnh quân sự giữa hai nước và việc MAF không có khả năng đối đầu với Trung Quốc : "Nếu Trung Quốc hành động, chúng ta ở vào vị trí không thể kháng cự hay chống lại họ... Chúng ta phải chấp nhận thực tế rằng Trung Quốc là một nước lớn". Chính phủ PH cũng bác bỏ việc đệ trình các tuyên bố chủ quyền chồng lấn của mình với Trung Quốc lên Tòa trọng tài.
Tuy nhiên, Chính phủ PH chỉ trích hành động của Trung Quốc ở Biển Đông nhiều hơn một chút so với chính phủ tiền nhiệm. Không giống Najib và các bộ trưởng thời đó, các nhà lãnh đạo PH lớn tiếng hơn khi bày tỏ quan ngại về sự hiện diện của các tàu Trung Quốc trong EEZ của Malaysia. Quả thật, Sách Trắng nhận định rằng những hành động xâm nhập như vậy gây ra thách thức rõ ràng đối với các quyền chủ quyền của Malaysia. Sách Trắng cũng đề cập đến hành động quân sự hóa và các chính sách được cho là hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Như đã được lưu ý phía trên, Saifuddin gọi các tuyên bố "đường 9 đoạn" của Trung Quốc là "lố bịch". Mặc dù vẫn ở mức nhẹ nhàng, nhưng đối với Malaysia, những lời phát biểu như vậy cho thấy giọng điệu của họ đã trở nên cứng rắn hơn một cách đáng chú ý.
Đồng thời, Chính quyền PH đã cân bằng việc chỉ trích Trung Quốc bằng cách cũng chất vấn các hoạt động của Mỹ. Khi cầm quyền, Mahathir đã nhiều lần nói rằng các tàu chiến nước ngoài – có lẽ là của cả Mỹ lẫn Trung Quốc - ở Biển Đông đang gây bất ổn và làm gia tăng nguy cơ xảy ra một cuộc đối đầu quân sự. Các bộ trưởng thời ông đã nhắc lại quan điểm này. Bộ trưởng Quốc phòng Mohamad Sabu gọi sự hiện diện của các tàu chiến của Mỹ và Trung Quốc là rất đáng lo ngại, trong khi Saifuddin chỉ trích cả hai nước này vì hoạt động quá tích cực trong khu vực. Sách Trắng cho rằng các hoạt động tự do hàng hải (FONOP - Freedom of Navigation Operations) của Mỹ ở Biển Đông đã góp phần vào cuộc cạnh tranh nước lớn ở Đông Nam Á. Để giảm bớt căng thẳng, Mahathir kêu gọi các nước không quân sự hóa Biển Đông và để khu vực này trở thành khu vực hòa bình, hữu nghị và có lợi cho thương mại, phù hợp với mục tiêu chính sách đối ngoại được ấp ủ từ lâu của Malaysia là biến Đông Nam Á trở thành "Khu vực hòa bình, hữu nghị và trung lập" (ZOPFAN - Zone of Peace, Freedom and Neutrality). Ban đầu, Mahathir đề xuất thiết lập đội tuần tra ASEAN ở Biển Đông, dù sau đó ý tưởng này đã bị bác bỏ.
Chiến lược thứ ba của Chính quyền PH là xử lý tranh chấp thông qua biện pháp ngoại giao. ASEAN được đặt vào vị trí tiền tuyến trong việc thực hiện nỗ lực này vì theo quan điểm của Chính phủ Malaysia, ASEAN có thể hành động với vai trò một bên môi giới chân thành trong việc xử lý các thế lực và sự bất trắc trong khu vực, nhờ sức mạnh đàm phán tập thể và khả năng giúp Trung Quốc hòa nhập để trở thành một nước lớn có trách nhiệm và tử tế, và không khiến các nước láng giềng nhỏ lo ngại. Một trong những ưu tiên hàng đầu của PH là sớm ký kết COC. Mặc dù tháng 9/2019, Malaysia và Trung Quốc đã nhất trí thiết lập Cơ chế tham vấn song phương (BCM - Bilateral Consultation Mechanism) để thảo luận về các vấn đề trên biển, nhưng không rõ BCM sẽ giải quyết tranh chấp Biển Đông đến mức độ nào, xét rằng Kuala Lumpur ưu tiên các cuộc đàm phán do ASEAN lãnh đạo hơn.
Kết luận
Cách tiếp cận của Malaysia với tranh chấp ở Biển Đông có sự khác biệt đáng kể so với Philippines và Việt Nam. Trong khi Manila thỏa hiệp với Trung Quốc (dưới thời Tổng thống Gloria Arroyo và Rodrigo Duterte) rồi lại đối đầu với nước này (dưới thời Tổng thống Benigno Aquino), thì chính sách của Kuala Lumpur - và các chiến lược để đạt được chính sách đó - nhìn chung vẫn nhất quán, với một số điều chỉnh nhỏ khi xem xét đến những thay đổi về môi trường địa chính trị. Mặc dù Việt Nam nhất quán hơn Philippines, nhưng không giống nước này, Malaysia không công khai các vụ việc xảy ra trên biển, hay lên tiếng phản đối hành động quyết đoán của Trung Quốc và ủng hộ sự hiện diện của quân đội Mỹ. Thay vào đó, Malaysia ưu tiên ngoại giao kín đáo phía sau hậu trường, để ASEAN nắm vai trò lãnh đạo trong khi đồng thời khẳng định cơ sở pháp lý của các tuyên bố chủ quyền của họ và duy trì thái độ cảnh giác ở Biển Đông. Trong những năm 2020, nếu không có việc Trung Quốc công khai hành động hung hăng ở Biển Đông hay Malaysia bổ nhiệm một thủ tướng thân Trung Quốc quá mức, thì nước này sẽ không chệch hướng đáng kể khỏi chính sách đã qua thử nghiệm này.
Ian Storey
Nguyên tác : Malaysia and the South China Sea Dispute : Policy Continuity amid Domestic Political Change, ISEAS, 20/03/2020
Minh Anh giới thiệu
Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông, 09/04/2020
Ian Storey là nghiên cứu viên cao cấp và biên tập viên của Đông Nam Á đương đại tại ISEAS - Viện Yusof Ishak. Bài viết được đăng trên ISEAS.
*****************
Tú Anh, RFI, 07/04/2020
Nước Cộng hòa nhân dân Trung Quốc không nên khai thác đại dịch Corona để lấn át láng giềng tại Biển Đông. Đây là lời cảnh cáo của Washington sau vụ Trung Quốc đâm chìm tàu đánh cá Việt Nam trong vùng ngư trường truyền thống ở Hoàng Sa, vào tuần trước, theo bản tin của AFP.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo họp báo tại Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 31/03/2020 via Reuters - POOL
Vài ngày sau khi Hà Nội tố cáo tàu hải cảnh Trung Quốc "ngăn chặn và đâm chìm" một tàu đánh cá Việt Nam, trên đó có 8 ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đang kéo lưới trong vùng biển gần Hoàng Sa, đến lượt Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng: thay vì uy hiếp láng giềng, Bắc kinh nên tham gia vào nỗ lực chống dịch xuất phát từ Trung Quốc.
Phát ngôn viên Morgan Ortagus tuyên bố : "Vào lúc cả thế giới tập trung chống đại dịch Covid-19, thì Bắc Kinh lợi dụng thời cơ để thiết lập thêm cơ sở gọi là nghiên cứu tại Biển Đông và gia tăng các phi vụ quân sự ".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi Trung Quốc chấm dứt thủ đoạn lợi dụng lúc thế giới đang bận tâm chống đại dịch, cũng như khai thác thế yếu của các nước Đông Nam Á, để gia tăng những đòi hỏi phi pháp tại Biển Đông.
Bà Morgan Ortagus cho biết thêm là Washington "quan ngại sâu sắc" về vụ Trung Quốc ỷ mạnh uy hiếp, đánh chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam, một vụ việc mà Bộ Ngoại giao Mỹ cho là "nằm trong loạt hành động của Bắc Kinh uy hiếp láng giềng để tranh đoạt chủ quyền bất chính ".
Tú Anh
Nguồn : RFI, 07/04/2020
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào ngày 18/09/2019 đòi "Việt Nam phải chấm dứt các hoạt động khoan tìm dầu khí đơn phương tại Bãi Tư Chính" là chưa từng có, rất có thể là bước dọn đường dư luận để nhảy sang hành động tiếp theo : chiến tranh.
Chiến dịch tấn công Việt Nam, nếu xảy ra, chắc chắn sẽ diễn ra trên biển và rất gần gũi về mặt kinh tuyến và vĩ tuyến với những mỏ dầu mà Việt Nam đang dự định khai thác nhưng nằm trong "đường lưỡi bò" mới được Trung Quốc vẽ bổ sung.
Nếu ngày càng nhiều quốc gia thờ ơ với vụ Bãi Tư Chính, đó sẽ là cơ hội để Bắc Kinh khuếch tán chiến dịch vận động các nước trong Liên Hiệp Quốc ủng hộ ‘chủ quyền’ của Trung Quốc ở khu vực này. Và nếu Trung Quốc đạt được một sự ủng hộ của một số nước nào đó, dưới dạng tuyên bố hoặc nghị quyết quốc tế, đó sẽ là cơ sở và tiền đề cực kỳ quan trọng để ‘Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa’ tiến hành một chiến dịch quân sự tốc chiến xâm chiếm Bãi Tư Chính của Việt Nam. Tốc chiến trước khi Việt Nam khai thác hết dầu để nuôi đảng !
Cho tới lúc này Trung Quốc đã đạt được những mục tiêu ban đầu của chiến dịch này, không chỉ khiến nhiều quốc gia trên thế giới và dư luận quốc tế dần bớt mối quan tâm đến một Biển Đông giằng co nhàm chán, mà còn biến Bãi Tư Chính từ vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thành nơi ‘tranh chấp không thể tranh cãi’.
Còn cử chỉ bị coi là câm nín của giới lãnh đạo Việt Nam và việc chẳng một quan chức cao cấp nào trong ‘tam trụ’ - từ Nguyễn Phú Trọng đã từng cầu an ‘trà Trung Quốc ngon hơn trà Việt Nam’ đến Nguyễn Xuân Phúc từng nghiêng ngoẹo cụng ly với Tập Cận Bình vào năm 2016, và cả Nguyễn Thị Kim Ngân uốn éo trước mặt họ Tập về ‘đại cục’ ở Bắc Kinh… đã dìm xác suất ‘kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế’ xuống đáy hy vọng, xứng đáng bổ sung thêm một ‘không’ nữa vào chính sách ‘ba không’ gậy ông đập lưng ông của Hà Nội : không kiện Trung Quốc !
Rốt cuộc, tất cả từ không dám nổ súng cảnh cáo, không dám nhắc tên Trung Quốc và không dám kiện Trung Quốc đã khiến Bắc Kinh không chỉ ngày càng coi thường ‘vùng chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam’, mà còn giành ưu thế vượt mặt giới chóp bu Việt Nam trong hoạt động vận động quốc tế.
Cách tuyên bố mang tính khẳng định về vùng chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực Bãi Tư Chính, và bây giờ còn muốn đuổi Việt Nam ra khỏi đó, rất có thể sẽ khiến một số quốc gia trên thế giới – vốn không am hiểu lắm về lịch sử chủ quyền vùng biển của Việt Nam và những mưu tính lắt léo trong "đường lưỡi bò 9 đoạn", tỏ ra dè dặt hơn nếu những nước này có ý muốn ủng hộ Việt Nam tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, hoặc tại một tòa án quốc tế trong trường hợp Việt Nam dám kiện Trung Quốc ra trước thế giới, cho dù Việt Nam được đặt vào ghế "thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc" vào năm 2019.
Kịch bản ngày càng lộ rõ là Việt Nam khó có thể tránh thoát nguy cơ một cuộc tấn công quân sự, dù có thể chỉ ở cấp độ chiến dịch, từ phía Trung Quốc. Chiến dịch tấn công này, nếu xảy ra, chắc chắn sẽ diễn ra trên biển và rất gần gũi về mặt kinh tuyến và vĩ tuyến với những mỏ dầu mà Việt Nam đang dự định khai thác nhưng nằm trong "đường lưỡi bò" mới được Trung Quốc vẽ bổ sung.
Giới chóp bu Việt Nam phải quyết định cho chính số phận tồn vong của nó : đánh đu với người anh em cộng sản Bắc Kinh sẽ rất dễ khiến bị kẻ thù phanh thây
Nguy cơ Việt Nam bị tấn công đang hiển thị dần sau một tháng.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào ngày 18/09/2019 đòi "Việt Nam phải chấm dứt các hoạt động khoan tìm dầu khí đơn phương tại Bãi Tư Chính" thực chất là một tối hậu thư đối với giới ‘văn dốt, võ dát’ ở Ba Đình. Sau tuyên bố này, rất có thể Trung Quốc sẽ bước sang một giai đoạn mới - hành động mới về quân sự : bước đầu tấn công các tàu hải cảnh của Việt Nam đang bảo vệ Bãi Tư Chính. Sau đó, cuộc chiến sẽ leo thang với sự đụng độ giữa các tàu chiến của hai bên.
Trước đây, Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị của ông ta ngỡ tưởng cúi đầu chịu nhục thì sẽ được Tập Cận Bình và Bắc Kinh ‘tha bổng’. Nhưng giờ đây, Bộ Chính trị Việt Nam không còn đường lùi nữa. Càng lùi càng chết, càng khiến Trung Quốc ngạo mạn và lấn tới.
Đến giờ phút này, giới chóp bu Việt Nam phải quyết định cho chính số phận tồn vong của nó : thêm một lần đánh đu với người anh em cộng sản Bắc Kinh sẽ rất dễ khiến lục phủ ngũ tạng của dân tộc Việt Nam bị kẻ thù phanh thây – theo đúng cái cách mà chính quyền Trung Quốc đã làm để mổ sống nội tạng các tín đồ Pháp Luân Công.
Thường Sơn
Nguồn : VNTB, 23/09/2019
Mặt trận Tổ quốc phải có tiếng nói bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông (RFA, 20/09/2019)
Nhiều ý kiến thẳng thắn của các đại biểu được nêu ra trong phiên họp ngày thứ nhất Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024 diễn ra vào chiều ngày 18/9 tại Hà Nội, về báo cáo kiểm điểm của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VIII. Trong đó, phần đông cho rằng, Mặt trận Tổ quốc chưa bày tỏ thái độ chính kiến trước một số vấn đề cấp bách mà xã hội quan tâm thời gian gần đây, đặc biệt là tình hình căng thẳng Biển Đông.
Chuẩn Đô đốc ông Lê Kế Lâm phát biểu tại phiên họp. RFA Edited
Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, tình hình biển đảo Việt Nam hiện nay không yên ổn và đang khá sôi sục nhưng trong báo cáo kiểm điểm của Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc không đề cập đến và ông đề nghị Mặt trận Tổ quốc cần quan tâm đến biển đảo, đưa vấn đề biển đảo vào báo cáo kiểm điểm.
Đài Á Châu Tự Do hôm 19/9 đã liên lạc với Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm và có cuộc trò chuyện nhanh liên quan đến chất vấn của ông và được ông trả lời :
"Phát biểu của tôi căn cứ vào nguyện vọng của nhân dân và tình hình thực tế diễn biến trên Biển Đông trong những ngày gần đây phức tạp. Tôi thấy trong báo cáo có nêu nhưng ít quá, chưa đủ mức độ của nó nên tôi có chất vấn. Tôi có đề nghị cần làm rõ vấn đề này, sau đó nhiều người ủng hộ tôi nói rằng là anh nói lên như vậy là sự thật lịch sử, sự thật trên Biển Đông và rõ ràng toàn dân quan tâm".
RFA : Thưa Chuẩn Đô đốc, vậy ông nghĩ vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong vấn đề này như thế nào ?
Lê Kế Lâm : Mặt trận cũng như đoàn thể quần chúng xung quanh Mặt trận thì đều một lòng bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tất cả quyền lợi của dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam, trên không, trên đất liền cũng như trên biển. Do đó, mặt trận là họ quan tâm toàn diện, quan tâm đến đời sống, vật chất tinh thần của nhân dân vào sự phát triển của đất nước, thì tất nhiên trong vấn đề biển đảo cũng có nêu đến chứ không phải là không nêu.
RFA : Cũng liên quan Biển Đông, Mặt trận tổ quốc phải đóng vai trò người trong cuộc chứ không phải là một quan sát viên ? (theo ý kiến của đại biểu Vũ Trọng Kim, Ủy viên Đoàn Chủ tịch nêu trong Hội nghị Đoàn chủ tịch lần thứ 17 diễn ra trong tháng 7 vừa qua ), ông nghĩ sao về ý kiến này ?. Tại sao sau kiến nghị của ông Kim, trong báo cáo lần này của Mặt trận Tổ quốc vẫn không nhắc đến vai trò của Mặt trận Tổ quốc về Biển Đông ?
Lê Kế Lâm : Quyền đó là của đoàn chủ tịch và của lãnh đạo Mặt trận, còn nhân dân thì có quyền nói lên bức xúc của nhân dân. Tất nhiên, mặt trận là đại diện cho toàn dân nên mặt trận cần phải có tiếng nói thỏa đáng trong mọi vấn đề của đất nước của dân tộc. Tôi nghĩ trước sau gì thì Mặt trận cũng thể hiện quyết tâm của mình mà đó cũng là quyết tâm của toàn dân.
RFA : Đối với kiến nghị lần này của ông sẽ thế nào, thưa ông ?
Lê Kế Lâm : Chiều nay có chia tổ để thảo luận thì cũng có nhiều đại biểu bức xúc nói về vấn đề này. Tôi hoàn toàn đồng tình và có kiến nghị rằng, trong lời kêu gọi của nhân dân cũng như trong nghị quyết là phải có vấn đề về Biển Đông, đặc biệt là trong tình hình hiện nay thì nên nói cho đúng mức độ và thỏa đáng với nguyện vọng và mong ước của nhân dân.
RFA : Thưa ông, trong tình huống xấu nhất, kiến nghị của ông vẫn không được lắng nghe, ông có thể chia sẻ việc tiếp tục lên tiếng ra sao với tư cách là một người sĩ quan Hải quân trước tình thế ở Biển Đông hiện nay ?
Tàu cảnh sát biển Việt Nam và Trung Quốc ngoài Biển Đông. AFP
Lê Kế Lâm : Nói thật rằng tôi tin là sẽ không có vấn đề gì đâu, có thể lúc này chưa nói được thì sẽ nói vào lúc khác nhưng có một cái nhất quán là mặt trận dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam thì sẽ là chỗ dựa của nhân dân trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nhân dân Việt Nam trên Biển Đông theo luật quốc tế năm 1982. Việc này sớm muộn gì người ta cũng biểu thị tùy theo tình hình phát triển xấu hay không xấu trên biển và sẽ có thái độ đúng mực mà thôi.
RFA : Ông có gặp gỡ những vị khác để cùng bàn bạc về tình thế hiện nay và nhận được những ý kiến gì không, thưa ông ?
Lê Kế Lâm : Có chứ, ngoài giờ trong lúc giải lao tôi có gặp và trao đổi nhiều. Tôi cũng nói với cả những người có trách nhiệm trong đoàn chủ tịch, cũng như trong thường trực của mặt trận. Tôi phản ảnh lên nguyện vọng của nhân dân và đề nghị nên có lời tuyên bố có mức độ để người dân tin tưởng cũng như kêu gọi sự đoàn kết của toàn dân trong nhiệm vụ đấu tranh để bảo vệ mọi quyền lợi của nhân dân trên không, trên đất liền cũng như trên biển và phù hợp với luật pháp quốc tế, phù hợp với thực tế lịch sử Việt Nam.
RFA : Đảng cộng sản Việt Nam vừa là tổ chức thành viên vừa lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo Cương lĩnh, Hiến pháp và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong khi đó Mặt trận Tổ quốc là đại diện cho dân nên phải thể hiện được những yêu cầu cấp thiết trong việc bảo vệ vững chắc lãnh thổ của tổ quốc. Theo ông Mặt trận Tổ quốc cần phải làm gì hiện nay để thể hiện rõ trách nhiệm của tổ chức ?
Lê Kế Lâm : Họ đương làm đó thôi, đang lãnh đạo toàn dân tập hợp, kết nối, bắc cầu giữa lãnh đạo với nhân dân và mọi thành phần trong nhân dân để thực hiện nhiệm vụ chính trị và làm sao cho Việt Nam theo lời di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh là phấn đấu thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
RFA : Vậy theo Chuẩn Đô đốc, Mặt trận Tổ quốc cần phải cải tổ ra sao để có thể phát huy được sức mạnh của toàn dân như yêu cầu đề ra, đặc biệt trong tình hình hiện nay ?
Lê Kế Lâm : Cái này báo chí trên đài sẽ công bố về phương hướng hoạt động của Mặt trận trong nhiệm kỳ IX, có nói rõ vấn đề cần làm như thế nào, chương trình hành động ra sao, giải pháp thế nào. Theo dõi trên đài báo Việt Nam cũng như sẽ có website của Mặt trận dịch ra tiếng nước ngoài.
RFA : Xin cảm ơn Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện hôm nay.
RFA tiếng Việt, 19/09/2019
******************
Ông Trần Thanh Mẫn tái cử Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (RFA, 20/09/2019)
Ông Trần Thanh Mẫn, 57 tuổi, vừa tái cử chức Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019-2024, theo thông tin từ truyền thông trong nước ngày 20 tháng 9.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn - Courtesy of mattran.org.vn
Ông Mẫn (cùng với ông Trần Cẩm Tú) là hai thành viên mới được Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam, bầu vào Ban bí thư Trung ương hồi tháng 5/2018.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc giới thiệu các ứng cử viên cho các cuộc bầu cử quốc hội và hội đồng nhân dân tại Việt Nam. Ngoài ra, Mặt trận tổ quốc cũng dảm nhiệm vai trò giám sát các cuộc bầu cử quốc hội.
Cùng với việc tái cử, ông Mẫn nhận chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc : "Mặt trận Tổ quốc cần phát huy dân chủ, bảo đảm sự bình đẳng, tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc. Mặt trận Tổ quốc cần tiếp tục xứng đáng với vai trò là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân ; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, là tổ chức nòng cốt trong hệ thống chính trị ở Việt Nam".
Theo báo Zing hôm 20/9, ông Mẫn là tiến sĩ kinh tế, có bằng cử nhân chính trị. Ông là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa X ; XI ; XII, đại biểu Quốc hội khóa XIII ; XIV.
Hồi năm 2017, ông Mẫn được cử làm chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thay cho ông Nguyễn Thiện Nhân, người được Bộ Chính trị phân công làm bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ở thời điểm đó sau khi ông Đinh La Thăng "ngã ngựa".
Cá nhân ông Trần Thanh Mẫn đến nay được ghi nhận không có nhiều dấu ấn về phát ngôn hay hành động trên chính trường Việt Nam.
Website của Đảng cộng sản Việt Nam hôm 17/9 dẫn phát ngôn chỉ đạo khá chung chung của ông Mẫn : "Cần phát huy vai trò chủ động, chủ trì của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong việc xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hằng năm, nhất là việc xác định, lựa chọn nội dung, phạm vi, hình thức giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương…"
Tuy vậy, ông Mẫn đang được xem là một trong những ứng viên tương lai cho chức ủy viên Bộ chính trị. Theo phân tích của nhà nghiên cứu chính trị Lê Hồng Hiệp đang làm việc tại Singapore, Ban bí thư trung ương của Đảng cộng sản Việt Nam giống như một bước đệm để các đảng viên cao cấp bước vào Bộ Chính trị.
Đáng lưu ý, trong bối cảnh căng thẳng tại Bãi Tư Chính giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn đang tiếp diễn, báo cáo của Mặt trận Tổ quốc tại Đại hội đại biểu toàn quốc không nhắc đến vai trò của Mặt trận trong việc lên tiếng về Biển Đông.
Trả lời RFA hôm 19/9, Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc nói : "Nhân dân thì có quyền nói lên bức xúc của nhân dân. Tất nhiên, mặt trận là đại diện cho toàn dân nên mặt trận cần phải có tiếng nói thỏa đáng trong mọi vấn đề của đất nước của dân tộc. Tôi nghĩ trước sau gì thì Mặt trận cũng thể hiện quyết tâm của mình mà đó cũng là quyết tâm của toàn dân".
*******************
Phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ IX Mặt trận Tổ quốc (Mặt trận Tổ quốc), vào sáng ngày 19 tháng 9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Mặt trận Tổ quốc cần làm tốt vai trò trong chủ trì hiệp thương, phân công, phối hợp với các tổ chức thành viên trong việc thực hiện giám sát và phản biện xã hội, phải chủ động góp ý kiến với việc hoạch định chính sách, làm người phản biện sắc sảo, chân tình giúp Đảng và chính quyền tự điều chỉnh, tự hoàn thiện để lãnh đạo, chỉ đạo tốt hơn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ IX Mặt trận Tổ quốc sáng ngày 19/09/19. Courtesy : chinhphu.vn
Thủ tướng Việt Nam còn lưu ý Mặt trận Tổ quốc nên lựa chọn các nội dung, vấn đề phản biện liên quan tới quyền, lợi ích chính đáng của người dân và những vấn đề bất cập mà dân chúng quan tâm trong bối cảnh một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên quan liêu, tham nhũng cũng như đang có những diễn biến mới, phức tạp trong khu vực và thế giới trước tình hình căng thẳng ở Biển Đông, đe dọa hòa bình, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ…có thể dẫn đến nguy cơ gây mất ổn định và tác động đến niềm tin của nhân dân.
Từ Sài Gòn, ông Lê Công Giàu, nguyên Phó bí thư thường trực Thành đoàn Thanh niên Cộng sản thành phố Hồ Chí Minh (Thành phố Hồ Chí Minh), nguyên Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh nói với RFA rằng yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không có gì là mới mẻ :
"Thông thường mà nói thì những ý kiến phát biểu như thế đã diễn ra nhiều lần rồi, chứ không phải là lần đầu tiên hay gần đây thôi. Tại vì Mặt trận Tổ quốc có danh nghĩa là phải góp ý với Nhà nước, cho nên ông Phúc phải nói theo công thức đó, theo nội dung đó tức là kêu gọi Mặt trận Tổ quốc phải nên lấy ý kiến của mọi người phản ánh với Đảng và Chính phủ…Thật ra ông Phúc phải nói như thế, chứ còn không có cách nào khác".
Còn Blogger Nguyễn Lân Thắng ở Hà Nội không những khẳng định lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam không có tác dụng phản biện mà thậm chí còn nêu lên thực trạng về những tiếng nói phản biện ở Việt Nam không được Đảng và Nhà nước lưu tâm :
"Theo tôi, việc ông Phúc kêu gọi những lời phản biện xã hội từ một cơ quan là Mặt trận Tổ quốc, một nơi hoạt động nhờ vào ngân sách của Nhà nước, thì tôi cho rằng không có tác dụng gì phản biện nhiều. Sự phản biện phải đến từ các cá nhân, cũng như các tổ chức hoàn toàn độc lập về mặt ngân sách cũng như về mặt đảng và hành chính thì mới có tác dụng. Thế còn tất cả những ý kiến phản biện của những chuyên gia, của các cá nhân độc lập hoặc những tổ chức xã hội dân sự từ trước đến nay đều bị bỏ ngoài tai và thập chí rằng người ta còn coi đây là những ý kiến trái chiều, thậm chí là ý kiến của ‘thế lực phản động’".
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận, trong nhiều năm qua, không ít lần giới nhân sĩ trí thức cũng như các cựu lãnh đạo, cán bộ lão thành đóng góp ý kiến và đã tham gia ký tên vào nhiều kiến nghị với Chính phủ về các vấn đề của Việt Nam ; tuy nhiên hầu như Chính phủ Việt Nam không hề lưu tâm hay có những phản hồi liên quan các ý kiến đóng góp đó.
Không những vậy, một tình trạng mà những chính phủ trên thế giới và các tổ chức nhân quyền quốc tế cáo buộc Chính quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền vì sử dụng Luật An ninh mạng để đàn áp và bắt bớ, giam cầm những tiếng nói phản biện độc lập của người dân Việt Nam, với bằng chứng hàng loạt người bị bắt giữ và tuyên án tù trong thời gian gần đây.
Mới nhất trong tháng 9 năm nay, Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) đánh giá Việt Nam là một trong 10 quốc gia kiểm duyệt tự do ngôn luận tệ hại nhất trên thế giới.
Trước lời kêu gọi của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam về phản biện xã hội, phải chủ động góp ý kiến cho Đảng và chính quyền để lãnh đạo quản trị và điều hành đất nước được tốt hơn, ông Nguyễn Khắc Mai-nguyên Trưởng Ban nghiên cứu Ban Dân vận Trung ương khẳng định rằng Chính phủ cần thiết phải tổ chức các cuộc đối thoại với giới phản biện độc lập ở trong nước. Ông Nguyễn Khắc Mai nói :
"Bây giờ quan trọng nhất là tổ chức đối thoại rất nghiêm chỉnh rất khoa học giữa những người đau đáu với tình hình đất nước, là những người có trí tuệ, có bản lĩnh, có lập trường, có kinh nghiệm thì người ta sẽ bàn tính những phương cách đến nơi đến chốn với nhóm lãnh đạo của Đảng. Như thế thì may ra mới có cơ hội".
Theo ông Lê Công Giàu thì để tỏ rõ ý nguyện mong muốn của Chính phủ là muốn lắng nghe phản biện xã hội, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nên bắt đầu lưu ý đến những kiến nghị của giới nhân sĩ trí thức và của người dân liên quan vấn đề dự án cao tốc Bắc Nam hay vấn đề căng thẳng với Trung Quốc tại bãi Tư Chính ngày càng leo thang.
"Gần đây, chúng tôi đã có ký tên để kêu gọi Đảng và Chính phủ có lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc ở Biển Đông. Ví dụ, chúng tôi đề nghị là phải kiện Trung Quốc ra tòa và thứ hai là phải liên minh với những nước ủng hộ Việt Nam và ủng hộ tự do ở Biển Đông. Nếu mà Thủ tướng muốn làm như lời ông đã nói thì hãy xem xét và thực hiện hai điều mà chúng tôi vừa kiến nghị đi".
Còn Tiến sĩ Nguyễn Quang A-nguyên Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Phát Triển IDS, lên tiếng qua trang Facebook cá nhân, kêu gọi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hãy hủy Quyết định số 97/2009/QĐ-Ttg như một việc làm nhỏ đúng thẩm quyền để chứng minh cho mong muốn của chính ông và nếu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm được như thế thì sẽ có vô số người phản biện sắc sảo cho đất nước Việt Nam.
Quyết định số 97/2009/QĐ-Ttg do cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành về danh mục các lĩnh vực cá nhân được thành lập tổ chức khoa học và công nghệ, trong đó có nội dung quy định "Nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cần gửi ý kiến đó cho cơ quan Đảng, Nhà nước có thẩm quyền, không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học và công nghệ".
*********************
Báo Tiền Phong Online đăng tải thông tin trong 3 năm qua, kể từ đợt bầu cử Đại biểu quốc hội Khóa XIV (nhiệm kỳ 2016-2021) đến thời điểm tháng 9 năm 2019 đã có 7 Đại biểu quốc hội (Đại biểu quốc hội) bị miễn nhiệm, cho thôi làm Đại biểu quốc hội, trong đó nhiều người bị kỷ luật hoặc vướng vòng lao lý.
Ông Đinh La Thăng (giữa) và ông Trịnh Xuân Thanh (đeo kính) trong phiên tòa tại Hà Nội hôm 8/1/18. AFP
Bảy vị Đại biểu quốc hội được nêu danh bao gồm ông Võ Kim Cự (nguyên Chủ tịch Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam), ông Đinh La Thăng (nguyên Phó Ban Kinh tế Trung ương), ông Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN), bà Phan Thị Mỹ Thanh (nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai), Thiếu tướng Lê Đình Nhường (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh), ông Hồ Văn Năm (Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai), ông Trịnh Xuân Thanh (nguyên Phó Chủ tịch Hậu Giang) và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hương (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Đầu tư TNG Holdings Việt Nam).
Đài RFA nêu câu hỏi với vài người từng tham gia ứng cử trong đợt bầu cử Đại biểu quốc hội (Đại biểu quốc hội) Khóa XIV hồi năm 2016 rằng họ đón nhận thông tin vừa nêu như thế nào và được cô Nguyễn Trang Nhung cho biết :
"Với thông tin đó thì tôi cũng không có gì bất ngờ. Nói chung, tôi tiếp nhận thông tin đó khá là bình thường. Tôi nghĩ có thể một phần họ không thực sự là do dân bầu lên cho nên không thật sự có trách nhiệm với người dân. Thêm nữa là họ cũng không đủ các phẩm chất cần thiết để đảm nhiệm các vị trí đại diện cho người dân, cho nên họ đã thể hiện ra những mặt xấu và do đó đã phạm phải những sai lầm như vậy".
Qua trao đổi với một số những người tự ra ứng cử Đại biểu quốc hội và giới quan sát tình hình Việt Nam thì hầu hết đều cho rằng trong số gần 500 Đại biểu quốc hội Khóa XIV không chỉ có 7 "con sâu" mà thôi, ("con sâu" ở đây được diễn giải theo như cách nói của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang rằng "bầy sâu" thời ông tại vị đã sinh sôi không kiểm soát nỗi).
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng còn nhắc lại người dân Việt Nam thường nói câu cửa miệng rằng "các đồng chí chưa bị lộ mà thôi". Tuy nhiên, trước thông tin liên quan Báo Tiền Phong Online bêu danh 7 vị Đại biểu quốc hội, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhận định qua đó có thể thấy chiến dịch chống tham nhũng do Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát động dù sao cũng có dấu chỉ của sự tiến bộ. Tiến sĩ Phạm Chí Dũng lý giải về nhận định này của ông :
"Nguyên nhân lớn nhất là xuất phát từ chiến dịch ‘đốt lò’ của ông Nguyễn Phú Trọng. Và, trong chiến dịch đốt lò này thì một trong những quan điểm mà ông Nguyễn Phú Trọng đưa ra là công khai thông tin về những trường hợp sai phạm nhưng tất nhiên trong thực tế không phải là công khai tất cả mà chỉ công khai một số trường hợp chọn lọc thôi. Vì thế, giới đại biểu quốc hội bị sai phạm cũng nằm trong chiến dịch công khai thông tin đó. Cho nên đó là lý do không thể bưng bít thông tin được như trước đây. Còn trước chiến dịch ‘đốt lò’ thì vẫn bưng bít thông tin. Thành ra nói gì thì nói cũng phải ghi nhận rằng đó là một cái nét dù sao cũng hơi hơi tiến bộ của chiến dịch ‘đốt lò’, chiến dịch được coi là chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng".
Nhà quan sát tình hình Việt Nam-Tiến sĩ Phạm Chí Dũng còn nhấn mạnh rằng ngày càng nhiều thông tin liên quan đến giới chức lãnh đạo, cán bộ trong bộ máy Nhà nước và Đại biểu quốc hội sai phạm, tham nhũng…được các cơ quan truyền thông phổ biến rộng rãi trong công luận còn bởi yếu tố đấu đá nội bộ, vạch mặt và thanh trừng lẫn nhau.
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận trong nhiều năm, không ít tiếng nói của dân chúng và giới đấu tranh dân chủ tại Việt Nam kêu gọi Chính phủ Hà Nội cho trưng cầu dân ý tự do. Một điểm son được quốc tế đánh giá có sự thay đổi qua đợt bầu cử tại Việt Nam hồi năm 2016 là có nhiều người dân chủ động tự ra ứng cử, dù biết rằng sự tham gia ứng cử của họ không đạt được kết quả nào.
Cô Nguyễn Trang Nhung, người từng bị loại ngay từ vòng đầu tiên chia sẻ rằng với tình hình ngày càng có nhiều những "con sâu" là Đại biểu quốc hội bị phanh phui và phơi bày thì cơ quan lập pháp của Việt Nam cũng sẽ không có gì thay đổi trong thời gian sắp tới :
"Tôi không đặt niềm tin nhiều vào sự thay đổi của thể chế nói chung cũng như sự thay đổi của cơ quan lập pháp trong tương lai gần. Tuy nhiên tôi có hy vọng với mong muốn trong tương lai sẽ có sự thay đổi đáng kể, nhưng điều này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào những người dân bình thường rằng là chúng ta có sẵn sàng thay thế những người đang ở trong cơ quan lập pháp mà không xứng đáng hay không và chúng ta có sẵn sàng là những người ra ứng cử và trở thành đại biểu quốc hội trong tương lai đại diện cho người dân hay không ?"
Trong khi đó, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng lại cho rằng sẽ có một sự thay đổi ở Quốc hội Việt Nam trong vòng 5 năm tới. Tiến sĩ Phạm Chí Dũng lập luận :
"Không chỉ là hy vọng mà là quy luật và tin rằng chắc chắn sẽ xảy ra trong tương lai không xa, không tới 5 năm nữa đâu. Tại vì quy luật biến chuyển của chế độ từ toàn trị sang bán dân chủ và sau đó sang dân chủ thì sẽ bắt nguồn cơ bản từ cơ quan nghị viện, tức là cơ quan quốc hội, rồi sau đó mới lan dần sang bộ máy chính quyền, tức là bộ máy hành pháp và cuối cùng là bộ máy của đảng và bộ máy công an. Thế thì ở Việt Nam, theo tôi thì rất nhiều khả năng sẽ xảy ra những chuyển biến vận động thay đổi một cách mềm mại trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam, phải tự biến chuyển, tự nó sẽ có một cuộc cách mạng trong một số năm nữa và cái nơi đầu tiên để xảy ra cuộc cách mạng đó là cơ quan quốc hội. Nếu như trước đây người dân, xã hội dân sự và giới đấu tranh dân chủ-nhân quyền tự ứng cử vào Quốc hội nhưng bị Nhà nước và Đảng cầm quyền gạt đi thì về sau này Đảng cầm quyền sẽ phải chấp nhận một tỷ lệ nhất định của thành phần ứng cử tự do tham gia vào Quốc hội".
Đồng quan điểm với Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, một số nhà quan sát tình hình Việt Nam khẳng định với RFA rằng họ có niềm tin một khi Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo chấp nhận một tỷ lệ nhất định của thành phần ứng cử tự do tham gia vào Quốc hội thì đó sẽ là tiền đề cho khởi sự đầu tiên của cơ chế dân chủ, át dần cơ chế toàn trị và sẽ dẫn tới một tương lai chắc chắn tốt đẹp hơn cho đất nước và người dân Việt Nam.