Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/08/2021

Vài suy nghĩ về nước ta sau sự kiện Kabul

Nguyễn Trung

Muốn hay không, sự kiện Kabul (15/08/2021) quan trọng đối với cả thế giới, trong đó có nước ta. Là người dân của nước mình, tôi không thể bàng quan trước thực tế này, nhất là nước ta luôn luôn là điểm nóng trong trò chơi quyền lực giữa các đại cường trên thế giới kể từ sau chiến tranh thế giới II (nghĩa là từ sau 1945) cho đến hôm nay.

AFGHANISTAN-CONFLICT

Từ hôm nay và sắp tới đây, chừng nào còn tồn tại trò chơi quyền lực như vậy trên thế giới này, Việt Nam còn phải tiếp tục đối mặt không thể nào tránh được với thực tế khách quan quyết liệt này. Đơn giản vì 3 lẽ :

1) Về mặt địa lý tự nhiên Việt Nam giữ vị trí quốc gia địa đầu của khu vực Đông Nam Á,

2) Việt Nam tự thân là cục nam châm đối với mọi tham vọng bá quyền trong thế giới hôm nay, 

3) và theo tôi đặc biệt quan trọng là hôm nay Việt Nam – với tư cách là quốc gia độc lập có chủ quyền của một nước có 100 triệu dân, với một sức mạnh đừng nên xem thường – từ khi giành được độc lập thống nhất đến nay Việt Nam đã trở thành và đang là yếu tố không thể thiếu được cho hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực Đông Nam Á – Biển Đông.

Trong tranh chấp toàn cầu, đại cường nào mà không muốn hủy diệt lẫn nhau bằng chiến tranh thế giới III, sẽ đều cần một Việt Nam có vai trò như thế vì sự cân bằng chiến lược không thể thiếu của khu vực cho sự thỏa hiệp chung giữa các bên. Một Việt Nam rơi vào tay một bên vì bất kỳ lý do gì, sẽ là mồi lửa của tranh chấp mới. Về phần mình, Việt Nam phải chủ động, tự mình quyết giành lấy bằng được cho mình vai trò là yếu tố cân bằng chiến lược ở khu vực, vì lẽ sống còn của chính mình.

Xin nhấn mạnh : Không phải vì Việt Nam muốn làm anh hùng hảo hán với thiên hạ, nên xung phong tự nhận về mình vai trò cao cả này đâu ! Mà chỉ vì : Vị thế của Việt Nam trong những điều kiện địa chính trị địa kinh tế của mình trong khu vực Đông Nam Á ở vào bối cảnh thế giới hôm nay, tự nó khách quan đặt lên vai Việt Nam vai trò này, thực hiện được thì sống, không thực hiện được thì chết, hoặc Việt Nam phải cam chịu một cái chết khác : Làm nô lệ hoặc chư hầu cho một đại cường nào đó mà thôi ! [1] .

Tôi nghỉ hưu – nghĩa là đứng bên lề cuộc sống – từ quá lâu (một phần tư thế kỷ rồi !), hiểu biết rất hạn chế, nhưng nặng lòng về những thách thức mới mà thế giới sau sự kiện Kabul đặt ra cho đất nước mình, nên mạnh dạn thưa thốt đôi điều – dù đúng/sai hay lời lẽ thô lỗ thế nào, xin lượng thứ – chỉ cốt sao nói được ý mình để cùng trao đổi.

1

Sau sự kiện Kabul, tôi nghĩ thế giới phải đối mặt với thực tế "cốc (Mỹ) mò, cò (Trung Quốc) sếu (Nga) xơi !" và cái ác tạm thời thắng 1 – 0 trên thế giới. Bàn thắng "1 – 0" này là thảm hại cho thế giới văn minh, nhưng chưa đáng lo bằng cái thế trận đưa tới bàn thắng này [2] . Trong thư ngày 09/08/2021 gửi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi lưu ý :

"Trung Quốc đang tìm cách lấn tới bằng mọi thủ đoạn – nhất là những bước đi hăm doạ mới đây nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, bắt tay với phong trào khủng bố Taliban với nhiều ý đồ chiến lược nguy hiểm – hiện tượng ngưu tầm ngưu mã tầm mã này hứa hẹn nhiều điều chẳng lành với cả thế giới, tận dụng tình hình chia rẽ trong nội bộ Mỹ ráo riết leo thang tiếp trên Biển Đông… Diễn biến phức tạp của đại dịch covid 19 làm cho tình hình giống như đổ thêm dầu và chất độc vào lửa, nguy cơ chiến tranh ngày càng thường trực hơn, những yếu tố tạo ra đổ vỡ chính trị và khủng hoảng kinh tế lớn dưới các dạng ngày càng tích tụ" [3].

Sự kiện Kabul gây thất vọng chưa từng có ngay cho các đồng minh chí cốt của Mỹ [4] ! Thiên hạ khắp nơi sẽ còn tốn nhiều thời giờ và giấy bút để mổ xẻ nguyên nhân dẫn đến Kabul 15/08/2021, ở lại Afghanistan đến 20 năm là đúng/sai thế nào, v.v. Xin miễn cho tôi tham gia vào việc này [5], cho dù việc mổ xẻ này là rất bổ ích và cần thiết, ai có điều kiện tham gia xin cứ tham gia cho rộng đường dư luận, và cho nhau cùng biết những điều tìm tòi được…

Xem xét bàn cờ chiến lược trên thế giới, tôi thấy : Việc Mỹ tìm cách rút khỏi Afghanistan là cần thiết, vì Mỹ sa lầy như thế là quá lâu rồi, chỉ còn vấn đề cách rút như thế nào và cái giá phải trả cho việc rút lui này mà thôi – ví dụ vào Afghanistan là một hành động tập thể của NATO, tại sao rút ra lại chỉ một mình Mỹ đơn phương quyết định !? Cách "rút" như Biden đã làm là quá dở, để lại nhiều hậu quả lâu dài cho Mỹ và thế giới – trong đó có Afghanistan – và Biden phải chịu trách nhiệm về tất cả. Cuộc sống quả thật có những khoảnh khắc bi kịch bất khả kháng như thế. Nhưng nếu ai nghĩ rằng còn Trump chắc việc rút sẽ êm thấm hơn… thì đấy chỉ là câu chuyện của chữ "nếu" - hiểu theo nghĩa có thể dắt được con voi qua lỗ kim, xin được tiết kiệm cho tôi trong bài viết này !

Việc rút này không thể tránh khỏi phải trả giá của Mỹ và các bên hữu quan, vì xuất xứ của nó là không ít những sai lầm chiến lược. Nhưng đáng chú ý là những sai lầm Mỹ và Biden phạm phải trong thực hiện không chỉ đơn thuần là những yếu kém kỹ thuật của chính quyền Biden và cá nhân ông tổng thống đương nhiệm, mà còn là do những yếu kém nghiêm trọng của chính bản thân nước Mỹ thời thoái trào ! Trong đó yếu kém lớn nhất là sự chia rẽ trong nội bộ nước Mỹ trong quá trình tha hoá, và những yếu kém tự thân này của nước Mỹ bị sự lũng đoạn nghiêm trọng của quyền lực mềm Trung Quốc làm cho mọi chuyện ở nước Mỹ trở nên bi kịch hơn ![6]  Trong một số bài viết trước đây tôi cho rằng sự chia rẽ hiện nay trong nội bộ Mỹ thể hiện rõ nét nhất qua hiện tượng mà báo chí Mỹ (cánh tả và các big-techs của Mỹ cùng nhóm lợi ích này) gọi là vấn đề cuồng trump và chống Trump – kể từ khi có chính quyền Trump cho đến hôm nay (cho dù bây giờ đã có chính quyền Biden lên thay). Sự chia rẽ trong nội bộ nước Mỹ hôm nay về nhiều mặt sâu sắc hơn nhiều so với tình hình chia rẽ của nước Mỹ đã dẫn tới nội chiến Bắc – Nam 1861 – 1865.

Nội chiến Bắc – Nam kết thúc có bên thắng và bên thua, song cuối cùng đã mở ra một giai đoạn phát triển mới của nước Mỹ trong hòa giải. Thế còn sự chia rẽ của nước Mỹ hôm nay sẽ kết thúc như thế nào ? Tôi chưa có câu trả lời [Fukuyama cho rằng với sự chia rẽ này bá quyền Mỹ đang trên đà kết thúc ! [7] ].

Đặt tên gọi cho sự chia rẽ này là "cuồng Trump / chống Trump" chỉ là cách gọi quen miệng của truyền thông cánh tả. Cách gọi này không chính xác và dễ đánh lừa dư luận. Thực ra nước Mỹ hôm nay đã kết thúc thời kỳ phát triển thời hậu chiến tranh lạnh I (kể từ khi các nước Liên Xô – Đông Âu sụp đổ 1989-1991), hiện đang đứng trước nhiều vần đề lớn do : (a) sự tha hóa tất yếu nảy sinh trong quá trình phát triển, (b) những tác động của toàn cầu hóa làm xô lệch nhiều vấn đề và cấu trúc các mặt của mọi nước – trong đó Mỹ cũng không tránh được, và (c) xuất hiện đối kháng Mỹ - Trung dưới dạng zero sum game. Tất cả những vấn đề này của nước Mỹ (a, b, c) đã chín muồi, song có sự chia rẽ sâu sắc, vì nhận thức khác nhau do mỗi nhóm mỗi bên có quan điểm, lợi ích khác nhau. Sự chia rẽ này trở nên rất trầm trọng do tranh giành quyền lực giữa Cộng hòa và Dân chủ ; ngoài ra quyền lực mềm Trung Quốc tác động không nhỏ vào nội bộ nước Mỹ.

Muốn hay không, sự thật khách quan là sự kiện Kabul làm cho lòng tin của đồng minh và bạn bè Mỹ trên thế giới tổn hại nghiêm trọng. Muốn hay không, nước Mỹ sẽ phải cần đến một hoặc hai nhiệm kỳ tổng thống nữa (nếu không dài hơn) mới ra khỏi sự chia rẽ này. Vì vậy một hoặc hai thập kỷ tới là khoảng thời gian cực kỳ nhạy cảm đối với mọi quốc gia, song trước hết là những nước đứng trên vành đai nóng của đối kháng Mỹ - Trung, trong đó có nước ta.

Nước Mỹ vốn có truyền thống ra khỏi khủng hoảng rất nhanh và học rất nhanh từ những thất bại của nó ; liệu truyền thống này sẽ trỗi dậy sau sự kiện Kabul ?

Điều chắc chắn Mỹ không phải là quốc gia loại khoanh tay chờ chết. Lợi ích sống còn của Mỹ không cho phép Mỹ xử sự như vậy. Nhất là nó vẫn đang dẫn đầu thế giới với tính cách là một đế chế Pax Americana. Còn Biden giải thích : Phải chấm dứt vần đề Afghanistan để tập trung vào Trung Quốc – điều này là có lý, để xem nói và làm sẽ như thế nào. Còn về Trung Quốc : Lịch sử cho đến nay chưa từng có một đại cường bá quyền nào đó có thể khống chế cả thế giới, hôm nay càng không thể xảy ra.

Hơn thế nữa thế giới hôm nay thuộc về tất cả mọi quốc gia nào ý thức được chính mình và không đánh mất mình, dù là nước lớn hay nhỏ và ở bất kể trình độ phát triển nào. Trật tự thế giới có thể diễn biến theo sự vận động của thế giới, song nền móng của văn minh thế giới đang ngày càng được củng cố và không thể đảo ngược.

Quan trọng hơn cả, đối kháng Mỹ - Trung không chỉ đơn thuần là thách thức mất còn riêng lẻ đối với nước Mỹ, mà là thách thức mất còn đối với vị thế và lợi ích của toàn bộ thế giới phương Tây ! Chưa nói đến giấc mộng Trung Hoa hôm nay nặng tính văn hóa của lịch sử bá quyền Trung Quốc 5000 năm đi ngược với trào lưu văn minh chung của toàn nhân loại trong thế giới hiện tại, sẽ vấp phải không ít phản kháng trên thế giới.

2

Vì đứng trên vành đai nóng của đối kháng Mỹ - Trung trên Biển Đông – phần cực nóng của đối kháng này – sự kiện Kabul đương nhiên đặt ra cho Việt Nam và một số quốc gia khác cùng trên vành đai này không ít những câu hỏi nghiêm túc và nghiêm khắc.

Trước hết việc Mỹ hôm nay lúc thịnh lúc suy là chuyện của nước Mỹ đã đành, song điều này không mảy may làm thay đổi : (a) nước ta nằm trên chiến tuyến nóng của đối kháng Mỹ - Trung, (b) cả Mỹ và Trung Quốc đều không muốn Việt Nam rơi vào tay bên đối phương của mình, (c) Trung Quốc muốn khuất phục Việt Nam bằng mọi giá và ở mọi cấp độ có thể được tuỳ tình hình cho phép, vì Việt Nam là cửa ngõ quan trọng của Trung Quốc ra Biển Đông, song còn vì để qua đó khuất phục cả ASEAN và đuổi Mỹ ra ngoài khu vực, không chấp nhận Việt Nam đi với bất kỳ ai chống lại nó, (d) trong khi đó Mỹ hôm nay đối với Việt Nam là một nước Mỹ khác với trước 30/04/1975, ngày càng chia sẻ với Việt Nam nhiều lợi ích chiến lược, sự hiển diện của Mỹ trong khu vực ngày càng quan trọng đối với mọi quốc gia toàn khu vực Đông Nam Á trước áp lực bá quyền ngày càng tăng của phía Trung Quốc, ngay trước mắt là vấn đề "cái lưỡi bò 9 vạch !", (e) sự có mặt của Mỹ trong khu vực gắn liền với vị thế toàn cầu không thể để mất của Mỹ, gắn liền với lợi ích sống còn của cả thế giới phương Tây, đang có sự tham gia ngày càng có ý thức và trách nhiệm hơn của thế giới phương Tây trong bảo vệ vị thế chung này.

Như đã nói ngay từ đầu bài viết này, ngoại trừ đối kháng Mỹ - Trung kết thúc theo kiểu zerro sum game bằng chiến tranh thế giới III xóa sổ lẫn nhau, mà như thế sẽ chẳng có gì nhiều nữa để bàn, bởi vì kết cục của chiến tranh sẽ quyết định tất cả – điều này trong tầm nhìn có được hầu như không hoặc chưa thể xảy ra.

Như vậy đối kháng Mỹ - Trung, nếu tạm thời đặt vấn đề chiến tranh thế giới III sang một bên, sẽ chỉ còn lại con đường tới lúc nào đó sẽ kết thúc trong phương án thỏa hiệp với mọi kịch bản khác nhau – có thể phân chia thành 3 loại : 1) kịch bản cân bằng, 2) kịch bản có lợi nghiêng về phía Mỹ, và 3) kịch bản có lợi nghiêng về phía Trung Quốc – loại kịch bản 3 này nếu xảy ra sẽ khó bền vững, không loại trừ nó sẽ chỉ là thời gian hưu chiến để đưa đối kháng Mỹ - Trung đi vào một vòng mới !

Tới đây có 2 điều cần rút ra :

1. Cả 3 loại kịch bản có thể xảy ra (1, 2, 3) trong trường hợp đối kháng Mỹ - Trung đi vào con đương thỏa hiệp (nhiều khả năng đấy có thể sẽ là một thỏa hiệp chung có sự tham gia của EU, và Nga…), đều đặt ra cho Việt Nam nhiều thách thức mới quyết liệt hơn so với hôm nay : cạnh tranh quyết liệt hơn, có nhiều thách thức mới trong mọi lĩnh vực của cuộc sống đất nước...

2. Dù kịch bản nào xảy ra (1, 2, hoặc 3), con đường sống cho Việt Nam trong một thế giới có sự thỏa hiệp này của đối kháng Mỹ - Trung trước sau vẫn là Việt Nam phải tự đứng lên quyết giành bằng được vai trò là cái nôi không thể thiếu cho hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực. Thiếu vắng yếu tố này, không thể có sự cân bằng bền vững trong khu vực – và cũng có nghĩa không có vùng sống cho một Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ và giầu mạnh ; và nếu Việt Nam không thể trở thành một cái nôi của hòa bình như vậy, cục diện này sẽ chỉ còn chỗ cho một Việt Nam là chư hầu, là quốc gia tay sai của một bên với mọi hệ quả có thể - đất nước sẽ lại trở thành cái nôi của chiến tranh mới !

Như vậy, phải chăng đến đây có thể kết luận "Sự kiện Kabul" :

(a) không mảy may thay đổi vị thế của Việt Nam hiện có trong bàn cờ khu vực và trên thế giới,

(b) không mảy may thay đổi chặng đường quá độ (có thể kéo dài một, hai thập kỷ) cả thế giới – trong đó có nước ta – phải cùng đi từ hôm nay cho đến khi đối kháng Mỹ - Trung và cùng với cả thế giới của hai bên có được một thỏa hiệp nào đó cho hình thành một khung khổ trật tự quốc tế mới ; 

(c) không mảy may thay đổi cái đích nước ta phải tới khi chặng đường quá độ này kết thúc, đó là : Việt Nam phải trở thành cái nôi cho hòa bình, hợp tác và phát triển không thể thiếu cho sự cân bằng chiến lược trong khu vực ; hoặc là nếu thất bại thì Việt Nam sẽ phải cam chịu thân phận làm nô lệ với nhiều rủi ro mới do sự cân bằng chiến lược của khu vực rất khó duy trì ; và như vậy

(d) sự kiện Kabul sẽ chỉ làm cho mọi thách thức Việt Nam phải đối mặt trên suốt chặng đường quá độ này vốn đã quyết liệt, nay càng thêm quyết liệt hơn ; cái đích nước ta phải đi tới ở cuối chặng đường này (cái nôi của hòa bình, hợp tác và phát triển) vốn đã vô cùng bức thiết, nay càng trở nên bức thiết hơn ; cái giá phải trả nếu Việt Nam thất bại vì không tới được cái đích này vốn đã rất khắc nghiệt, nay sẽ càng khắc nghiệt hơn (sẽ trở thành cái nôi của chiến tranh mới) !

Đến đây có thể xác định : 4 điểm (a, b, c và d) trình bầy trên do thực tế khách quan của cục diện quốc tế và khu vực trong bối cảnh đối kháng Mỹ - Trung của thế giới hôm nay tạo ra. Nghĩa là :

Hiển nhiên Việt Nam không thể thay đổi được chặng đường quá độ này của thế giới và những diễn biến sẽ xảy ra (trong các bài viết của mình tôi gọi là thời kỳ "thế giới sang trang"), mà chỉ có sự lựa chọn hoặc thành công, hoặc chịu thất bại trong cùng đi với cả thế giới trên chặng đường này. 

Cũng hiển nhiên như vậy về cái đích phải tới của chặng đường quá độ này, Việt Nam chỉ có sự lựa chọn hoặc là thành công để trở thành cái nôi không thể thiếu của hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực ; hoặc là chịu thất bại để trở thành quốc gia chư hầu và là cái nôi của chiến tranh mới !

Để đất nước ta quyết thành công trên chặng đường của thời kỳ quá độ này của thế giới và đạt được cái đích phải tới, trước hết và chủ yếu phụ thuộc vào ngay từ hôm nay (i) giới cầm quyền và tinh hoa của đất nước phải có sự giác ngộ thấu đáo thực tế khách quan của cục diện khu vực và quốc tế nước ta phải đối mặt ; (ii) giới cầm quyền và tinh hoa của đất nước phải có trí tuệ, bản lĩnh và ý chí vạch ra được cho nước ta con đường thành công để sống : Trở thành cái nôi không thể thiếu của hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực ; (iii) giới cầm quyền và tinh hoa của đất nước quyết phát huy dân chủ và tự do để giải phóng sức mạnh của toàn dân tộc quyết giành bằng được cái đích để sống này !

Sự thành công của nước ta trên chặng đường của thời kỳ quá độ mới này của thế giới chẳng những sẽ tăng cường sức sống bất khả kháng của nước ta trong thế giới khắc nghiệt hôm nay, mà sẽ còn là sự thực hiện xứng đáng nghĩa vụ của nước ta đối với hòa bình và ổn định của khu vực, củng cố ASEAN, chắc chắn bạn bè xa gần đều mong đợi và hết lòng cổ vũ, hậu thuẫn.

Song ngay từ hôm nay, nếu giới cầm quyền và tinh hoa nước ta không làm được như vậy, sự thất bại của quốc gia trên chặng đường chiến đấu quyết liệt trong thời kỳ quá độ mới này của thế giới đã được hoạch định sẵn một cách vô thức ngay từ hôm nay ! Mọi thách thức đất nước hôm nay phải đối mặt không biết chờ đợi, sau sự kiện Kabul lại càng như vậy ! 

[Trong những thập kỷ độc lập thống nhất đầu tiên của đất nước vừa qua có rất nhiều ý kiến phê phán …thế giới đi một đường, song nước ta cứ mải mê thênh thang một mình đi một nẻo, vì thế đến hôm nay nước ta vẫn đi bên lề của thế giới... Nguyên nhân của sự lạc đường này chính là căn bệnh vô thức đang nói tới ở đây. Nấc thang ác tính của căn bệnh này là sự vô thức trở thành cố ý. Hiện nay có lẽ đang là như thế !].

Đến đây xin lưu ý tiếp :

1) Trong trường hợp trên chặng đường quá độ này của thế giới nếu xảy ra (một hoặc nhiều hơn) sự kiện bất khả kháng nào đó – (ví dụ như một sự tái diễn vụ 11 Tháng chín, đại dịch mới, thảm hoạ nhân loại, một làn sóng khủng bố mới, chiến tranh cục bộ hoặc các dạng, khủng hoảng kinh tế sâu rộng…), những thách thức mới đến với nước sẽ ta càng thêm quyết liệt và phức tạp hơn bội phần. Điều này càng thôi thúc quyết liệt hơn nữa cả nước ta ngay từ hôm nay phải làm tất cả mọi việc phải làm, không thể chậm trễ, nếu muốn lựa chọn con đường sống.

2) Trong bất kỳ bối cảnh của cục diện mới nào ở phạm vi quốc tế hay khu vực, để nước ta không một lần nữa trở thành miếng da lừa cho hùm sói tranh nhau, không một lần nữa nước ta bị một bên bán đứng cho một bên dưới bất kỳ hình thức nào, và để không bao giờ bị đẩy vào thế phải đi với một bên để chống một bên, nước ta chỉ có sự lựa chọn duy nhất phải trở thành cái nôi không thể thiếu của hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực, và để cùng đi với cả thế giới, chứ không đứng lẻ loi một mình ! Điều này có nghĩa nếu chỉ đề ra đến năm 2030 nước ta đạt được mức nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 đạt mức nước phát triển có thu nhập cao như ghi trong Nghị quyết Đại hội XIII là hoàn toàn vô thức trước thực tế khách quan ác nghiệt nước ta đang phải đối mặt ngay từ hôm nay ! Chưa nói đến con đường phát triển như nước ta đang đi không thể kéo nước ta ra khỏi tình trạng lạc hậu tiếp và tụt hậu tiếp !

3) Chặng đường của thời kỳ quá độ cả thế giới – trong đó có nước ta – phải trải qua từ nay cho đến khi đối kháng Mỹ - Trung đi tới được sự thỏa hiệp cho sự cùng tồn tại trong một khung khổ trật tự mới của thế giới, và cái đích riêng nước ta phải tới được ở cuối chặng đường này là trở thành cái nôi của hòa bình, hợp tác và phát triển không thể thiếu trong khu vực Đông Nam Á là thách thức sống còn đối với nước Việt Nam độc lập thống nhất hôm nay. Sống hay là chết, dân tộc ta chỉ có sự lựa chọn duy nhất : Cả nước phải nhất tề đứng lên giành bằng được cái đích phải tới này !

3

Làm gì và làm thế nào để giành bằng được cái đích phải tới này ?

Lâu nay, nhất là vào dịp góp ý kiến với Đại hội XII và Đại hội XIII, tôi cho rằng đất nước ta đã kết thúc thời kỳ kinh tế phát triển theo chiều rộng, bây giờ bắt buộc đất nước ta phải chuyển sang một thời kỳ phát triển mới cao hơn, lại trong bối cảnh thế giới đã sang trang. Lối ra là phải tiến hành một cuộc cải cách chính trị đổi đời đất nước.

Với những điều kiện cụ thể hiện nay của nước ta, trong những kiến nghị này tôi đề xuất ý kiến Đảng Cộng sản Việt Nam hôm nay phải là người chủ động đề xướng và tổ chức nhân dân thực hiện cuộc cải cách trọng đại này. Nhiệm vụ này bắt đầu từ Đảng Cộng sản Việt Nam hôm nay tiến hành tổng kết con đường cách mạng của chính mình, để rút ra được kết luận : Do nắm bắt được vấn đề dân tộc và vấn đề dân chủ của đất nước ta, Đảng đã vạch ra được đường lối đúng đắn và tổ chức được nhân dân thực hiện thành công Cách mạng Tháng Tám, lãnh đạo nhân dân tiến hành thắng lợi 4 cuộc kháng chiến cứu nước vẻ vang, hoàn thành sự nghiệp giành lại độc lập thống nhất cho tổ quốc. Mặt khác, những yếu kém và sai lầm Đảng mắc phải trong thời bình chủ yếu do đã vứt bỏ mất ngọn cờ dân tộc và dân chủ, sức chiến đấu của Đảng gảm sút, Đảng trở nên ngày càng quan liêu và xa dời nhân dân, con đường phát triển đất nước gặp phải nhiều khó khăn và trở lực mới nghiêm trọng. Chính vì những lẽ này, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã gửi Bộ Chính trị thư ngày 09/08/1995 kiến nghị cải cách đất nước mọi mặt, để vượt qua mọi yếu kém, giải phóng sức mạnh dân tộc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Bức thư nhấn mạnh sự nghiệp cải cách trọng đại này phải bắt đầu từ đổi mới việc xây dựng Đảng cộng sản Việt Nam về đường lối và về tổ chức [8] .

Tinh thần của bức thư trên đã thôi thúc tôi kiến nghị với Đại hội XII, và sau đó là Đại hội XIII : Đảng cộng sản Việt Nam thông qua học tập tự thay đổi chính mình để có bản lĩnh và năng lực đề xướng và đứng ra tổ chức nhân dân thực hiện cuộc cải cách chính trị trọng đại này, bắt đầu từ tổ chức học tập cho cả nước để thực hiện, và cả nước phải học mới thực hiện đúng được. Tiếc rằng đề nghị này không được Đảng hồi âm, trong khi đó bè bạn tôi và dư luận nhiếc mắng tôi là ngu trung, là ảo tưởng.

Hôm nay, cục diện quốc tế qua sự kiện Kabul càng trở nên quyết liệt và khắc nghiệt hơn. Như đã trình bầy trong Phần 2 bên trên, cục diện quốc tế hôm nay trong bối cảnh đối kháng Mỹ - Trung và trong những vấn đề toàn cầu mới khác, khách quan đề ra cho cả thế giới – trong đó có nước ta – con đường của thời kỳ quá độ phải trải qua, khách quan đặt ra riêng cho nước ta thách thức sống hay là chết tại thời điểm kết thúc của thời kỳ quá độ này là : Phải đạt được cái đích trở thành cái nôi của hòa bình, hợp tác và phát triển không thể thiếu trong khu vực Đông Nam Á. Toàn bộ thực tế này khách quan đặt ra cho Đảng cộng sản Việt Nam với tính cách là người duy nhất nắm quyền đất nước và giới tinh hoa cả nước đòi hỏi ngay từ hôm nay : Phải giác ngộ thấu đáo thách thức mới sống còn này của đất nước, và phải hoạch định được con đường đất nước phải đi, dẫn dắt đất nước quyết giành bằng được cái đích phải tới để sống !

Vì lẽ nêu trên, tôi vượt lên chính mình, vượt lên mọi đúng / sai nói về ngu trung hay ảo tưởng, khẩn thiết kêu gọi Đảng cộng sản Việt Nam và giới tinh hoa cả nước : Ngay từ hôm nay hãy chuẩn bị tất cả mọi việc phải làm, dẫn dắt nhân dân giành bằng được cái đích phải tới, bắt đầu từ thực hiện cuộc cải cách chính trị đổi đời đất nước tự quyết định lấy vận mệnh của mình, để xây dựng nên một dân tộc Việt Nam trưởng thành làm chủ nước Việt Nam dân chủ của độc lập – tự do – hạnh phúc, xây dựng thành công đất nước ta trở thành cái nôi của hòa bình, hợp tác và phát triển không thể thiếu trong khu vực Đông Nam Á !

Kêu gọi như trên, suy nghĩ của tôi rất đơn giản : Đã mang vào thân chức phận là người nắm quyền lãnh đạo đất nước và là giới tinh hoa của đất nước, thực hiện sứ mệnh nêu trên là trách nhiệm ràng buộc đối với quốc gia, đối với dân tộc. Hoàn thành được trách nhiệm này, tổ quốc ghi công ! Không hoàn thành trách nhiệm này, là mang tội với đất nước !

Tôi kêu gọi Đảng cộng sản Việt Nam và giới tinh hoa của đất nước, hãy bàn bạc cùng với cả nước về thách thức sống còn mới này của quốc gia, quyết định và và thiết kế con đường giành thắng lợi theo tinh thần Diên Hồng. Tổ quốc là của tất cả chúng ta, tôi kêu gọi bạn đọc đồng lòng nói lên suy nghĩ của mình, cùng nhau bàn đại sự chung này – đấy chính là dân chủ và tự do ! Tôi có niềm tin : Cả nước đoàn kết muôn người như một, dân tộc Việt Nam ta sẽ giành được thắng lợi vẻ vang trên chặng đường mới này, nhưng phải chuẩn bị tất cả với nhận thức thấu đáo ngay từ hôm nay ! Đây là thách thức từ cuộc sống thế giới hôm nay khách quan đặt ra cho mỗi người Việt Nam chúng ta – Sống hay là chết, phải thắng !

Khác với nửa sau của thế kỷ trước – hồi ấy người ta bảo mình cái gì thì biết cái nấy, cứ thế mà làm, cứ thế mà răm rắp thực hiện... Còn hôm nay, chỉ một cái nháy chuột, và biết cách đọc các tin, chúng ta đã hiểu ngay được sự thật, trách nhiệm của mỗi chúng ta vì thế ngày càng lớn : Phải cùng nhau trong cả nước ngay từ hôm nay làm mọi việc cho cái đích phải tới của đất nước – sống hay là chết !

Thú thực với bạn đọc, bài viết này bị gián đoạn nhiều lần, vì những tin tức hàng ngày về tình hình chống đại dịch thắt ruột thắt gan, nhiều lúc làm tôi đứng ngồi không yên. Tuổi già, tài hèn sức mọn, chẳng làm được gì giảm bớt được nỗi đau chung này ; chỉ còn cách tự nhốt mình trong nhà, thực hiện nghiêm túc trách nhiệm giãn cách, cố bóc ruột gan đôi điều có được hiến dâng đất nước, xin được chia sẻ.

Hà Nội – Võng Thị, ngày 25/08/2921

Nguyễn Trung

Nguồn : Viet-studies, 25/08/2021


[1] Trên thế giới này có một số nước rơi vào "định mệnh" này (xin được tạm gọi như thế), hiện nay điển hình nhất có lẽ là Israel nằm lọt vào giữa thế giới đạo Hồi, trụ lại được thì sống, không trụ được thì bị xóa sổ !

[2] Nguyễn Trung, "Cốc mò, cò sếu xơi !

[3] Thư này tôi viết ngay sau khi Vương Nghị tiếp thủ lĩnh Taliban ở Thiên Tân ngày 28-07/2021, nhưng nấn ná tới 09/08/2021 mới gửi, vì trong lòng muốn kỷ niệm riêng 26 năm ngày bức thư của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi Bộ Chính trị kiến nghị phải thay đổi tất cả để phát triển đất nước (09/08/1995 – 2021).

[4] Có thể nói lần đầu tiên trong lịch sử liên minh Mỹ -Tây Âu có sự thất vọng như vậy về quyết định thảm hại và cách thực hiện ê chề của Biden. Tiêu biểu cho sự thất vọng này có lẽ là ý kiến của cựu thủ tướng Anh Tony Blair ngày 21/08/2021 : "…Việc Afghanistan và người dân bị bỏ rơi là bi kịch, nguy hiểm, không cần thiết, không vì lợi ích của họ, và cũng không phải vì lợi ích của chúng ta. Quyết định trao trả Afghanistan cho cùng một nhóm đã gây ra vụ thảm sát 11/9, và được thực hiện theo cách gần như chỉ nhằm bêu diếu sự sỉ nhục chúng ta. Sự việc này đặt ra cho các đồng minh cũng như cho các kẻ thù của chúng ta câu hỏi : Phải chăng phương Tây đã đánh mất ý chí chiến lược của nó ? Nghĩa là phải hỏi : Liệu còn có thể học hỏi kinh nghiệm của nhau, cùng suy nghĩ chiến lược, xác định lợi ích của chúng ta ở tầm chiến lược và trên cơ sở đó cam kết chiến lược với nhau được không ? Dài hạn là một khái niệm mà chúng ta không còn nắm bắt được nữa, có phải không ? Có phải bản chất của nền chính trị của chúng ta hiện nay không còn phù hợp với sự khẳng định vai trò lãnh đạo toàn cầu truyền thống của chúng ta nữa ? Và chúng ta có quan tâm đến thực tế này không ?..."

[5]  Nguyễn Trung, "Kabul 15/08/2021

[6] Ở Mỹ có rất nhiều tài liệu vạch trần sự can thiệp của Trung Quốc quyền lực mềm Trung Quốc và vần đề ăn cắp know how và những bí mật công nghệ của Mỹ… Trong những tài liêu này có bài nói của Phó tổng thống M Pence tại viện Hudson – Washington 04/10/2018 : Vice President Mike Pence's Remarks on the Administration's Policy Towards China October 4 Event

[7]  "Francis Fukuyama on the end of American hegemony"

[8] Diễn đàn – Forum, Thư ngày 09/08/1995 của Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Trung
Read 535 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)