Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tạm thời ‘nghỉ xả hơi’ ?
Nguyễn Nam, VNTB, 26/08/2021
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định 1438/QĐ-TTg ngày 25/8/2021 kiện toàn Ban Chỉ đạo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.
Theo Quyết định 1438/QĐ-TTg, dường như vị trí của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – cựu Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 là ‘mờ nhạt’.
Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 do Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban chỉ đạo.
Ban chỉ đạo có 4 Phó Trưởng ban gồm : ông Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ ; ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ ; ông Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội ; ông Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Y tế là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo.
Ban chỉ đạo có 8 tiểu ban.
Tiểu ban Y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế do Nguyễn Thanh Long làm Trưởng Tiểu ban.
Nhiệm vụ của Tiểu ban Y tế là chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các hoạt động giám sát, xét nghiệm, cách ly, điều trị người nhiễm Covid-19, tiêm chủng ; các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ; xây dựng kịch bản, sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh…
Tiểu ban An ninh trật tự xã hội do Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an làm Trưởng Tiểu ban.
Tiểu ban An ninh trật tự xã hội có nhiệm vụ chỉ đạo bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác ; tổ chức chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội ; truy vết, cách ly, khoanh vùng và các giải pháp phòng, chống dịch bệnh ; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
Tiểu ban An sinh xã hội do Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm Trưởng Tiểu ban.
Nhiệm vụ của Tiểu ban An sinh xã hội là chỉ đạo việc bảo đảm lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân tại các khu vực tăng cường giãn cách xã hội ; chăm lo đời sống người dân, tổ chức hỗ trợ tại các vùng, địa phương có dịch, quan tâm người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, người mất việc làm do dịch bệnh Covid-19…
Tiểu ban Tài chính, hậu cần do Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Trưởng Tiểu ban.
Tiểu ban Tài chính, hậu cần có nhiệm vụ chỉ đạo và hướng dẫn việc bảo đảm kinh phí, phân bổ và quản lý việc sử dụng kinh phí phòng, chống dịch ; chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện việc mua sắm vaccine, vật tư, trang thiết bị, hóa chất, thuốc… phục vụ phòng, chống dịch bệnh ; tổ chức thực hiện các phương án mua sắm dự phòng để sẵn sàng hỗ trợ cho các địa phương trong trường hợp vượt quá khả năng đáp ứng tại chỗ của địa phương ; đề xuất xây dựng các chế độ, chính sách đối với các lực lượng phòng, chống dịch, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu.
Tiểu ban Sản xuất và lưu thông hàng hóa do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm Trưởng Tiểu ban. Tiểu ban này có nhiệm vụ chỉ đạo việc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh ; bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các địa phương, nhất là các địa phương thực hiện giãn cách xã hội ; bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt, không để ách tắc các hoạt động cung ứng.
Tiểu ban Vận động và huy động xã hội do Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, làm Trưởng ban. Tiểu ban có nhiệm vụ chỉ đạo tổ chức vận động, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và huy động các nguồn lực xã hội của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài cho hoạt động phòng, chống dịch Covid-19.
Tiểu ban Dân vận do Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài, làm Trưởng tiểu ban, có nhiệm vụ chỉ đạo, tổ chức vận động, động viên các tầng lớp nhân dân chủ động, tự giác tuân thủ và tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch Covid19.
Tiểu ban Truyền thông do Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, làm Trưởng Tiểu ban.
Tiểu ban Truyền thông có nhiệm vụ chỉ đạo và hướng dẫn việc cung cấp thông tin bảo đảm thống nhất, kịp thời, chính xác ; chỉ đạo các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về các biện pháp phòng, chống dịch ; tuyên truyền truyền cảm hứng, nêu gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, mô hình hiệu quả, đồng thời đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động, sai sự thật về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Nguyễn Nam
Nguồn : VNTB, 26/08/2021
*****************
Việt Nam thay đổi toàn bộ nhân sự lãnh đạo trực tiếp tham gia chống dịch Covid
Mai Lan, VNTB, 25/08/2021
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch (Ban chỉ đạo) ; trực tiếp chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất từ Trung ương xuống địa phương.
Ở cấp địa phương, Bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch (Ban chỉ đạo) ; trực tiếp chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất từ Trung ương xuống địa phương.
Nhân sự lãnh đạo trực tiếp tham gia chống dịch Covid được thay đổi từ quyết định của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào chiều tối ngày 24/8, và với việc thay đổi này cho thấy Thủ tướng Phạm Minh Chính khi hội đàm với Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris, còn có thể trên cương vị là Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid.
Chiều 24/8, Văn phòng Trung ương Đảng phát thông báo kết luận cuộc họp của lãnh đạo chủ chốt về tình hình dịch bệnh và công tác triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch.
Thông báo này cho biết, "Thống nhất phân công Thủ tướng Chính phủ làm trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch ; trực tiếp chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất từ trung ương xuống địa phương, đáp ứng yêu cầu huy động nhanh nhất, hiệu quả nhất mọi nguồn lực, biện pháp để sớm ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi cả nước", Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu các bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch.
"Khẩn trương tập trung triển khai chiến lược vắc xin, đặc biệt là việc cung ứng, tổ chức tiêm vắc xin tại các địa phương, nhất là các địa bàn trọng điểm đang có dịch bùng phát mạnh, như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An…, sớm thực hiện tiêm vắc xin diện rộng để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh", Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo.
Như vậy ‘tư lệnh’ ở mặt trận ‘chiến trường Hồ Chí Minh" tại Sài Gòn sẽ là Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, người đã cùng tham dự với đại diện chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh hôm 21/8 trong gặp gỡ với đại diện Intel, chắc hẳn ông hiểu rõ các lập luận về những mũi tiêm vắc xin phòng Covid mà phía Intel nêu ra, cho đề xuất cần sớm mở cửa lại các hoạt động kinh tế tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Góc nhìn là một thầy thuốc, bác sĩ Phan Xuân Trung đưa ra nhận định, "Dự là trong tuần này và tuần sau con số nhập viện Covid sẽ giảm mạnh. Những cú điện thoại nửa đêm và những yêu cầu giúp đỡ cho người nhà đang hụt hơi, thiếu thở sẽ giảm dần.
Những chuyến xe chở oxy tất tả xuôi ngược sẽ từ từ giảm bớt và chấm dứt. Cơn bão virus đang rút lui, số mắc mới giảm mạnh. Điều này không phải do tác dụng của những hàng rào kẽm gai giăng mắc mà vì đã hết "nguyên liệu" cho virus hoạt động.
Trong 2 tháng qua, virus đã hoành hành trong các khu nhà hẻm hóc từ một người sang một nhà, từ một nhà sang một xóm như thể lửa đã cháy hết cây rừng. Mặt khác, mặt trận tiêm ngừa thần tốc của chính quyền đã vượt mức yêu cầu, tạo được miễn dịch cộng đồng.
Do vậy, số mắc mới sẽ giảm mạnh, số người phải nhập viện thu dung sẽ giảm dần và dừng lại. Tuy nhiên, "đầu ra" của các bệnh viện này vẫn sẽ tiếp tục tăng đáng lo ngại do các ca nặng tiếp tục nốt quá trình của bệnh. Con số tử vong sẽ tiếp tục làm buồn lòng xã hội, nhưng đó là những nạn nhân cuối cùng của trận dịch. Những đối tượng nguy cơ cao đã được tiêm ngừa, còn lại các học sinh là các đối tượng nguy cơ thấp vẫn sẽ phải được tiêm ngừa cho hết.
Dựa trên diễn biến này, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh nên có kế hoạch sớm tái lập hoạt động bình thường của xã hội trong thời gian 5 – 7 ngày sắp tới. Việc giãn cách kéo dài sẽ gây hậu quả nặng nề về mọi mặt".
Dường như cách nghĩ này cũng là điều mà trong tối 23/8, trong Công điện số 1102 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn quốc, do Thủ tướng Phạm Minh Chính ký đã nhấn mạnh rằng "Điều trị giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu".
Giờ thì Thủ tướng đã kiêm luôn Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid, ông sẽ thêm quyền lực để thực thi điều mà mình đã đặt ra trước đó là ưu tiên hàng đầu là giảm tử vong.
Mai Lan
Nguồn : VNTB, 25/08/2021
*********************
Dự báo sai vì số liệu Covid phải chịu ‘định hướng’ ?
Võ Hàn Lam, VNTB, 22/08/2021
Giới y khoa tư nhân đang có 2 thắc mắc cho yêu cầu cần đánh giá thực trạng dịch của thành phố này một cách khoa học, khách quan, qua đó để có quyết sách cho đúng.
Gần như hiện nay rất khó cho các tổ chức phản biện độc lập khi đưa ra đánh giá về tình hình lây nhiễm dịch Covid-19 trong cộng đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Thứ nhất, phải chăng là dịch đã dịu đi và mỗi ngày vẫn đang tốt hơn nhờ vào việc liên tục gia hạn giãn cách xã hội, và tiêm ngừa vắc xin ?
Thứ hai, phải chăng dịch ngày càng nặng hơn, vì giờ đây lực lượng vũ trang đã phải vào cuộc, và người đứng đầu chính quyền đã phải ‘rời ghế’ ?
Hai tình huống khác nhau sẽ có quyết sách khác nhau.
Còn nhớ, đầu tháng 7/2021, báo chí đưa tin nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Fulbright và Tech4Covid của Đại học Khoa học tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh dự báo đến đầu tháng 8/2021, dịch Covid-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh chỉ còn rải rác vài ca/ ngày và sẽ kết thúc vào cuối tháng này nếu thực hiện nghiêm Chỉ thị 10 mà Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên ban hành.
Tuy nhiên đối chiếu với những gì đang diễn ra đã cho thấy cả hai nhóm trên đã dự báo trật lất. Thế nhưng, ngay cả chuyện ‘trật lất’ này, cũng có nguyên do của nó.
Một, dữ liệu thô nạp vào để phân tích có thể không có khách quan để đánh giá chính xác, vì số liệu tuỳ thuộc từng giai đoạn chống dịch, xét nghiệm hay không, báo cáo hay không. Số liệu để so sánh đối chiếu từng giai đoạn có thể không phản ánh đúng thực tế tình hình lúc đó. Và nơi chịu trách nhiệm cung cấp là Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh. Rất có thể họ bị áp lực của yêu cầu ‘định hướng’ nào đó để phục vụ mục đích chính trị.
Hai, không hẳn khuyến nghị nào mà nhóm nghiên cứu đề xuất cũng được lắng nghe trên cơ sở của chống dịch dựa trên khoa học.
Đơn cử, tài liệu liên quan của nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Fulbright, cho biết giải pháp "cách ly xã hội theo đợt", có thể giúp ngăn ngừa tình trạng kiệt quệ về kinh tế và hành vi bởi các biện pháp cách ly xã hội nếu kéo dài sẽ quá sức chịu đựng của nền kinh tế và xã hội.
Nhóm này cho rằng nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể chịu đựng tình trạng ngừng trệ hiện tại khoảng 3 tháng, tối đa là 6 tháng. Nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản, kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng về kinh tế – xã hội.
Nhóm cũng đề xuất áp dụng biện pháp xét nghiệm mẫu ngẫu nhiên để xác định xác suất của một người nhiễm Covid-19 ngoài cộng đồng, nhưng chưa được ghi nhận. Lý do của đề xuất này là nếu xác suất là đáng kể thì có nghĩa rằng chiến lược hiện nay của Việt Nam chưa thực sự phù hợp.
Nếu ngược lại, xác suất này không cao thì có thể tự tin với chiến lược hiện tại, đồng thời có thể nối lại các hoạt động kinh tế và giáo dục một cách bình thường mà vẫn giữ an toàn.
Tuy nhiên với những gì đã diễn ra cho thấy dường như các quyết định không dựa trên khoa học, mà là cảm tính cho các mặt trận chống dịch và kinh tế của Bộ Chính trị.
Ba, một tài liệu thống kê về tỷ suất chết thô chung của Thành phố Hồ Chí Minh là 4,7‰ năm 2019, trong đó, theo nguyên nhân chết thì chết do bệnh tật chiếm 95%. Giả định các con số này vẫn giữ nguyên năm 2021, thì với dân số khoảng 9,42 triệu người, số chết do bệnh tật dự tính là 42.060 người, hay 115 người chết vì bệnh trung bình mỗi ngày.
Từ thực trạng đó, rõ ràng những người bị bệnh hiểm nghèo như ung thư, tai biến… đối diện với rủi ro không được chăm sóc y tế. Hơn nữa, những người bị bệnh đột ngột và khẩn cấp như đau ruột thừa, tai nạn, chấn thương… có thể chuyển nặng nếu không được chăm sóc y tế khẩn cấp trong bối cảnh nguồn nhân lực y tế đã phải dàn trãi ở các bệnh viện dã chiến.
Như vậy, hiện tại có 3 tiêu chí cần đánh giá tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh : Lượng ca nhiễm mới – Lượng bệnh nhân phải nhập viện, kiểm soát F0 tại nhà – Tử vong.
Với chiến lược vắc xin của thành phố – bao gồm luôn cả Vero Cell/ Sinopharm của Trung Quốc, thì nếu căn cứ vào bản số liệu công khai, có quận đạt trên 100%, nhưng có quận mới 30 – 40%. Đây là bất cập trong điều hành, trong phân bổ năng lực tiêm ngừa, thiếu sự điều động nơi mạnh về giúp nơi yếu. Phân bố vắc xin giữa các quận huyện một cách bất hợp lý.
Nếu như con số thống kê công bố là đúng, khi đã phủ toàn thành trên 70%, thì nên mở dần mọi thứ. Không thể đóng mãi được. Vì cuộc sống người dân, sản xuất kinh tế xã hội của thành phố. Với lượng ca ước tính đã nhiễm, với số liệu dân đã tiêm vắc xin, liệu dịch có thể tăng được không ?
Đơn cử, đầu tuần trước, chính quyền thành phố mở lại một loạt các dịch vụ chế biến lương thực, sản xuất… và tình hình dịch vẫn kiểm soát được kia mà. Dĩ nhiên ở đây, xin nhắc lại, nếu các số liệu là minh bạch, không định hướng và không nhằm đến để ‘triệt’ phe nhóm nào đó chốn hậu trường.
Võ Hàn Lam
Nguồn : VNTB, 26/08/2021