"Không thắng không về" : Bộ trưởng quốc phòng coi Covid-19 là kẻ thù hữu hình ?
Diễm Thi, RFA, 28/08/2021
Trong chuyến thăm và làm việc với Bệnh viện Dã chiến số 5 đặt tại Ký túc xá Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh hôm 23 tháng 8, Bộ trưởng quốc phòng Phan Văn Giang tuyên bố công tác chống dịch là một cuộc chiến, không thắng không về.
Bộ đội đứng gác trên một con đường ở Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 23 tháng 8 năm 2021-AFP
Sở dĩ Bộ trưởng quốc phòng phát biểu như vậy vì từ hôm 23 tháng 8, Thành phố Hồ Chí Minh chính thức bắt đầu bước vào giai đoạn siết chặt hơn các biện pháp chống dịch, hạn chế người dân ra đường. Bộ quốc phòng đưa hàng nghìn quân chủ lực từ Quân khu 7, Quân đoàn 4 và khoảng 35.000 dân quân tự vệ vào Thành phố Hồ Chí Minh tham gia các chốt kiểm soát cùng các lực lượng khác như công an, hải quan, quản lý thị trường, y tế. Các cán bộ, chiến sĩ cũng sẽ kiểm tra, tuyên truyền, kiểm soát ở các phố phường của thành phố. Ngoài ra, hơn 2.000 bác sĩ và nhân viên y tế, 30 xe cứu thương của quân đội ở phía Bắc cũng được đưa vào Thành phố Hồ Chí Minh để tham gia xét nghiệm, chữa trị cho bệnh nhân Covid-19.
Với tuyên bố không chiến thắng trong trận chiến chống dịch sẽ không rút quân về, nhiều người cho rằng ông Giang đang ảo tưởng vì kẻ thù của ông lần này không phải là kẻ thù hữu hình.
Ông Võ Minh Đức, một cựu quân nhân Quân đội Nhân dân Việt Nam bình luận :
"Các quan chức Việt Nam xưa nay vẫn hùng hồn tuyên bố như thế. Tôi nói thật, dân bụm miệng không kịp với những phát ngôn của mấy ổng đâu. Ông Giang phát ngôn như thế là thái quá, là ảo tưởng. Ổng nói trên tinh thần, trên tư tưởng thời chiến tranh bằng súng đạn mà kẻ thù, đối phương thấy trước mắt. Dịch bệnh thì nó khác.
Đối với dịch bệnh thì phải những người làm chuyên môn, những người làm khoa học, dịch tễ, những người có kinh nghiệm chống dịch bệnh mới có thể phán đoán được tình hình sẽ diễn biến như thế nào. Chỉ có họ mới biết bằng biện pháp nào mới chặn đứng được, hay nói một cách khác là chiến thắng được nó. Còn với một người cầm quân quân sự, nếu không chiến thắng thì ăn nói sao với dân, ăn nói sao với dư luận quốc tế ?"
Trong khi đó, Trung tá Bác sĩ Đinh Đức Long lại có cái nhìn khác. Ông tin rằng chuyện chiến thắng là có. Ông giải thích :
"Nói theo Bộ trưởng quốc phòng thì đấy là cách thể hiện trách nhiệm, quyết tâm của quân đội đối với đất nước, đối với nhân dân. Nó cũng thể hiện ý kiến riêng của ông ấy là lần này quân đội sẽ tham gia và sẽ dập được dịch. Tôi nghĩ xác suất thắng cao vì dịch không thể kéo dài mãi mãi được. Nguyên tắc bệnh truyền nhiễm, bệnh dịch là gì ?
Đầu tiên là ủ bệnh rồi khởi phát bệnh. Sau đó đến toàn phát, đến đỉnh điểm rồi sẽ thoái lui. Tất cả bệnh dịch truyền nhiễm xưa nay đều theo quy luật đấy hết. Bệnh dịch ở Sài Gòn có khả năng lên đỉnh dịch rồi, tỷ lệ chết mấy hôm nay có dấu hiệu giảm rồi. Mà lên đỉnh dịch thì sẽ phải xuống thôi.
Hơn nữa bây giờ đã có vũ khí, tức là vắc xin. Bây giờ vắc-xin về rất nhiều. Như thế chuyện thắng có thể nói là chắc chắn, chỉ có định nghĩa thế nào là thắng. Tỷ lệ chết phải bằng hoặc thấp hơn thế giới thì mới gọi là thắng. Chứ hết dịch mà tỷ lệ chết cao hơn thế giới thì thắng là khó !".
Một quân nhân Việt Nam kiểm tra giấy tờ đi lại của một người dân tại một trạm kiểm soát ở Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 23 tháng 8 năm 2021. AFP
Mới đây, một cuộc họp trực tuyến giữa Tư lệnh Bộ tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nam và Bộ trưởng Bộ quốc phòng Phan Văn Giang trong tháng 8 năm 2021 bị đưa lên mạng xã hội tiết lộ các thông tin chấn động về tình hình dịch Covid-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, Bộ tư lệnh đã làm việc với thành phố và chuẩn bị 10 ha đào huyệt sẵn ; 10 ha với 5.000 huyệt đã chuẩn bị xong và 5 ha để chôn tập thể nếu quá tải, thiêu không kịp. Bộ tư lệnh thành phố đề nghị Bộ trưởng quốc phòng hỗ trợ 4.000 túi đựng tử thi hoặc hơn. Bộ tư lệnh cũng cho biết tỷ lệ tử vong ở bệnh viện dã chiến là 2,56%. Tỷ lệ tử vong ở bệnh viện điều trị, tầng đặc biệt là 94,2%. Điều trị tại nhà thì tỷ̉ lệ tử vong là 3,42%.
Bộ tư lệnh cũng yêu cầu Bộ trưởng quốc phòng chi viện cho thành phố xe cứu thương chở tử thi để "bí mật hơn" chứ xe tải thì Bộ tư lệnh có đủ.
Với tình hình thực tế như vậy mà Đại tướng Phan Văn Giang tuyên bố ‘không thắng không về’. Luật sư Đặng Đình Mạnh viết trên Facebook cá nhân của mình rằng : "Với tui, việc quân đội "tham chiến" vào hoạt động của một thành phố dân sự là sự bất thường và mang tính cách lâm thời. Khi nào sự bất thường này chấm dứt, khi đó là chiến thắng. Tuy nhiên, đó chỉ là suy nghĩ cá nhân đầy chủ quan. Nhưng nếu vẫn giữ cách nói ẩn dụ thời chiến cho công cuộc phòng chống virus Corona, rằng phải quét sạch chúng ra khỏi cộng đồng ! Thì e rằng chúng ta đang lấy đá ghè chân mình khi đặt ra một mục tiêu bất khả thi".
Bộ trưởng quốc phòng Phan Văn Giang được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao quyết định thăng quân hàm từ thượng tướng lên đại tướng hôm 12 tháng 7. Tại buổi lễ trao quyết định, Chủ tịch nước phát biểu, Đại tướng Phan Văn Giang là cán bộ quân đội có lập trường quan điểm, tư tưởng kiên định, vững vàng, đạo đức trong sáng, được đào tạo cơ bản, chính quy, được rèn luyện, thử thách và trưởng thành từ cơ sở, trải qua chiến đấu trực tiếp có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong lãnh đạo, chỉ huy, quản lý, tác phong sâu sát, quyết đoán và luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao trên tất cả các cương vị công tác.
Trong năm qua, không ít lần các quan chức Việt Nam phát ngôn mạnh mẽ, tự tin trong việc phòng chống dịch Covid-19, nhưng lại bị dư luận cho rằng lố bịch, ảo tưởng.
Hồi tháng 6 năm 2020, khi nước Mỹ chìm trong đại dịch Covid-19, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong một phát biểu tại Quốc hội Việt Nam đã dùng câu nói của người dân Việt về nạn bỏ nước ra đi sau 1975 để ví von ngược lại rằng, thực tại nước Mỹ những tháng qua thì "nếu cột điện ở Mỹ biết đi nó sẽ về Việt Nam".
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nguyên Trưởng ban Phòng chống dịch Covid-19, cũng từng tuyên bố : "Dù có nhiều ca nhiễm, dù con virus này ở đâu có đáng sợ, nhưng mà với Việt Nam ta, chắc chắn là nó không làm gì được".
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 28/08/2021
*****************
Covid tàn phá Sài Gòn : Chủ tịch bay ra, tướng ta bay vào
Nguyễn Hùng, VOA, 24/08/2021
Nạn nhân chính trị lớn nhất của đợt dập dịch bất thành và bị dịch dập liên hồi cho tới nay chính là Chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, người đã bị Bộ Chính trị cho thôi chức từ ngày 20/8 và chính thức bịmiễn nhiệm hôm 24/8.
Lực lượng quân đội cùng Bộ trưởng quốc phòng Phan Văn Giang, ủy viên Bộ Chính trị, vào cuộc với hàng trăm lính quân y từ Hà Nội bay vào. Hình minh họa.
Nhưng vị trí quyền lực nhất tại thành phố trên 10 triệu dân thuộc về ông Nguyễn Văn Nên, bí thư thành ủy, một trong số 18 ủy viên Bộ Chính trị.
Về mặt chính thức, ông Nên dường như vẫn ủng hộ vị cựu chủ tịch. Ông được trang tin VTC dẫn lời nói về ông Phong : "Khi cầm quyết định [của Bộ Chính trị điều ra giữ chức Phó trưởng Ban kinh tế trung ương] trong tay, đồng chí Tư Phong có nói - tôi rất áy náy khi phải rời thành phố vào lúc này. Tôi nói, chúng ta đã cố gắng hết sức".
Nhưng sự "cố gắng hết sức" đó lại là chưa đủ với người dân thủ đô thương mại của Việt Nam nơi hơn 180.000 người đã nhiễm Covid và số người tử vong đang tiến gần tới 7.000, một thống kê có nhiều khả năng là không đầy đủ.
Chính ông Nên cũng đã thừa nhận có "khuyết điểm" từ cách đây gần một tháng : "16 ngày qua chúng ta đã làm được rất nhiều việc, cứu được nhiều người nhưng cũng còn rất nhiều việc chưa làm được, nhiều người chưa cứu được. Đó là niềm đau chung, là khuyết điểm của hệ thống chính trị, khuyết điểm của người đứng đầu các cấp. Chúng ta xin nhân dân lượng thứ".
Mặc dù có lợi thế đi sau các nước từng bị dịch hoành hành cả hơn một năm trời và vào lúc thế giới đã sáng chế ra vắc-xin, các nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn hoàn toàn lúng túng trước Covid. Chỉ cần họ nhìn tấm gương của các nước đi trước là đã có thể rút ra những bài học hữu ích. Tuy nhiên thành phố Hồ Chí Minh vẫn có những quyết định võ đoán khiến giãn cách xã hội không được đảm bảo và nhiều người nghèo khó bị bỏ rơi giữa đại dịch.
Sài Gòn vỡ trận
Sự vỡ trận ở Sài Gòn đã khiến lực lượng quân đội phải vào cuộc với hàng trăm lính quân y từ Hà Nội bay vào cùng Bộ trưởng quốc phòng Phan Văn Giang, ủy viên Bộ Chính trị. Tướng Giang đượcTuổi Trẻ dẫn lời nói : "Đây là trận chiến, không thắng không về".
Mặc dù trước đó truyền thông nhà nước đưa tin quân đội sẽ đảm bảo lương thực, thực phẩm cho người dân thành phố Hồ Chí Minh, tướng Giang nói : "Những gia đình có điều kiện mua đủ 10 ngày nhưng nhỡ sang ngày thứ 10 bị thiếu không đi mua được thì phường phát túi này [lương thực, thực phẩm tối thiểu] chứ không được đi mua. Ăn để sống chứ đi chợ hộ, mua siêu thị theo kiểu nhà giàu là không được. Bộ đội, dân quân tự vệ, thanh niên xung phong không có sức nổi vì [thành phố] rất lớn".
Những hình ảnh binh lính bồng súng cũng như dùng tới cả chiến xa đã khiến nhiều người dân thắc mắc liệu Covid có sợ những vũ khí đó không hay chỉ làm cho người dân thêm mệt mỏi.
Hàng ngàn lính từ Sư đoàn 309 ở Biên Hòa cũng được điều về thành phố Hồ Chí Minh trong khi200 cảnh sát cơ động được điều tới Bà Rịa – Vũng Tàu, An Giang và Kiên Giang.
Các diễn biến này cho thấy bức tranh có vẻ giống với chống dịch kiêm chống giặc hơn là khẩu hiệu "chống dịch như chống giặc" vì súng AK, xe tăng cũng như cảnh sát cơ động đâu có thể làm Covid hề hấn gì.
‘Không để dịch dây dưa mãi’
Sự thất thủ của thành phố Hồ Chí Minh trước Covid cũng khiến Phó Thủ tướng Võ Đức Đam, người không đắc cử Bộ Chính trị hồi đầu năm 2021,đưa ra bình luận mà ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Nên có thể không ưa : "Lúc này chúng ta phải thực hiện kỷ luật thật nghiêm. Ai không hoàn thành nhiệm vụ thì thay thế. Tuyệt đối không được để dịch bệnh dây dưa mãi trong cộng đồng".
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam có gần 350.000 ca nhiễm Covid với khoảng 8.300 người tử vong. Đây không phải là số ca nhiễm lẫn con số tử vong lớn so với thế giới nhưng thế giới đã đi trước Việt Nam xa về phòng bệnh và chữa bệnh trong khi Việt Nam mới ở giai đoạn đầu.
Nếu chỉ so trong khu vực, Thái Lan có trên một triệu ca nhiễm, gần gấp ba Việt Nam nhưng số tử vong là gần 9.600, chỉ hơn Việt Nam chưa tới 1/5. Malaysia có trên 1,5 triệu ca nhiễm, gấp hơn bốn lần Việt Nam, với trên 14.000 người chết do Covid, chưa tới gấp đôi con số của Việt Nam. Cam-Pu-Chia có gần 90.000 ca với số tử vong gần 1.800 và tại Lào con số tương ứng là gần 12.500 và 11.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 24/08/2021
*******************
Thay chức Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh khi dịch Covid-19 căng thẳng
RFA, 24/08/2021
Một quyết định điều chuyển công tác mờ ám ?
"Theo một nguồn tin tôi được biết từ một người thân làm việc trong Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, một trong những nguyên nhân chính mà ông Phong bị điều đi là vì ông Phong không đồng ý sử dụng quân đội ở ngoài Bắc đưa vô Nam chống dịch Covid-19".
Tấm biển cổ đống chống dịch Covid-19 như chống giặc ở trung tâm thành phố Hồ Chí Minh hôm 9/7/2021 - AFP
Ông Lê Văn Đơn, một cư dân ở Sài Gòn, vào tối ngày 24/8 cho biết như vừa nêu khi đề cập đến thông tin ông Nguyễn Thành Phong thôi giữ chức Phó Bí thư Thành ủy nhiệm kỳ 2020-2025 và Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2021-2026.
Trước đó, vào ngày 20/8, truyền thông Nhà nước Việt Nam đồng loạt đăng tải thông tin Bộ Chính trị điều động ông Nguyễn Thành Phong làm Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Bộ Chính trị, trong cùng ngày 20/8, đồng thời ra quyết định bổ nhiệm ông Lê Hải Bình giữ chức Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ; theo quyết định số 305-QĐNS/TW.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, vào tối ngày 24/8, lên tiếng nhận xét với RFA rằng quyết định của Bộ Chính trị điều chuyển công tác đối với ông Nguyễn Thành Phong là một quyết định trái với luật định hiện hành.
"Dựa vào Luật ‘Tổ chức chính quyền địa phương 2015’, ví dụ như quyết định điều chuyển ông Nguyễn Thành Phong rõ ràng rất là khuất tất. Bởi vì, một quyết định quan trọng tới như vậy mà lại không hề có số, có ngày gì hết. Trong khi đó, ông Lê Hải Bình thì có rất rõ ràng. Tôi muốn nhấn mạnh cùng vào ngày 20/8 thì chỉ có thông tin mang tính chất rất mờ ám mà cả chục trang báo lại không có trang báo nào cho biết quyết định điều ông Nguyễn Thành Phong mang số mấy và ngày ban hành của quyết định đó. Không hề có. Chỉ có một dòng thông tin chung, đó là Bộ Chính trị vừa quyết định ông Nguyễn Thành Phong như vậy…Thế thôi".
Báo mạng Lao Động, vào ngày 23/8, cho biết Bộ Chính trị ra quyết định thôi giữ chức Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh đối với ông Nguyễn Thành Phong từ ngày 20/8. Mặc dù vậy, công văn Chỉ thị 11, được ban hành vào ngày 22/8, vẫn do ông Nguyễn Thành Phong trong vai trò Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh ký.
Lao Động Online cho biết thêm rằng Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chưa có quyết định miễn nhiệm đối với ông Nguyễn Thành Phong, cho nên ông Phong vẫn tại vị với vai trò đương kim Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Thành Phong. SGGP
Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh được nói là lên kế hoạch dự kiến sẽ bầu chọn tân Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 24/8 và tiến hành miễn nhiệm đối với ông Nguyễn Thành Phong. Sau đó, sẽ trình Thủ tướng phê chuẩn.
Nhà bào Nguyễn Ngọc Già giải thích theo Điều 84 Luật ‘Tổ chức chính quyền địa phương 2015’, quy trình được thực hiện theo trình tự bao gồm Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh miễn nhiệm Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp đến, kết quả miễn nhiệm phải được Thủ tướng phê chuẩn theo quy định tại Điều 83 của Luật ‘Tổ chức chính quyền địa phương 2015’.
Do đó, nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng việc ông Nguyễn Thành Phong bị cho thôi chức Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh được tiến hành theo quy trình ngược.
Tuy vậy, Đài RFA ghi nhận cũng có không ít ý kiến của người dân Sài thành tán đồng việc ông Nguyễn Thành Phong đột ngột bị điều chuyển công tác.
Ông Nguyễn Đình Đệ, người dân ở Thủ Thiêm, vào tối ngày 24/8, nói với RFA quyết định cho ông Nguyễn Thành Phong thôi giữ chức Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh là không bất ngờ và là điều tất yếu.
"Tại vì với cương vị là Chủ tịch của một thành phố mà ông Phong lãnh đạo, đặc biệt trong việc chống dịch bệnh quá tệ. Lệnh giãn cách xã hội áp dụng suốt gần ba tháng trời là ông Phong chưa hề có động thái nào hỗ trợ cho người nghèo, để cho người nghèo chạy tứ tung dẫn đến lây nhiễm cộng đồng tăng vọt lên. Đó là điểm dở của ông Phong".
Ông Đệ còn cho rằng kể từ khi ông Trương Tấn Sang giữ chức vụ Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh và kéo dài cho đến ông Nguyễn Thành Phong, thì chính sách an sinh xã hội không được cải thiện nào tốt hơn cho người dân.
"Nếu một người dân vào bệnh viện thì việc đầu tiên là được hỏi ‘có bảo hiểm không ?’ và ‘có tiền không ?’. Không bảo hiểm, không tiền thì nằm đó. Còn trẻ con đi học thì bây giờ là đủ thứ phí. Có thể nói thẳng rằng nếu gia đình nào khó khăn thì con chỉ có dốt thôi".
Ông Đệ và một số cư dân Sài Gòn mà Đài RFA tiếp xúc đều bày tỏ họ trông mong vào vị tân Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa được bầu chọn trong ngày 24/8/2021.
Người dân Thủ Thiêm, ngày 30/9/2020, căng băng-rôn trên khu đất đã bị Chính quyền quận 2 cưỡng chế sai pháp luật. Courtesy : Người Thủ Thiêm cung cấp
Kỳ vọng gì ở tân Chủ tịch Phan Văn Mãi ?
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, ông Phan Văn Mãi được Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chính thức bầu chọn giữ chức Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh thay cho ông Nguyễn Thành Phong, với sự tán thành của gần 98% đại biểu tham dự.
Những người dân mà Đài RFA trao đổi, ngay sau khi Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh công bố ông Phan Văn Mãi là tân Chủ tịch, nói rằng họ mong muốn Bí thư Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch Phan Văn Mãi cùng với giới chức lãnh đạo của Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh sẽ ra sức dập dịch Covid-19 để đời sống dân chúng trở lại bình thường, nâng cao phúc lợi an sinh xã hội cho người dân được ấm no sau cơn dịch bệnh hoành hoành. Bởi vì, theo như các cư dân ở Thủ Thiêm thì "Nói ngắn gọn là hơn hai tháng qua, người dân Thành phố Hồ Chí Minh và người dân Thủ Thiêm đã chết đói rồi !".
Những người dân ở Thủ Thiêm còn kiến nghị với tân Chủ tịch Phan Văn Mãi rằng họ hy vọng ông Phan Văn Mãi sẽ giải quyết rốt ráo và dứt điểm vấn đề Thủ Thiêm, đã kéo dài hơn hai thập niên qua trong sự trông đợi mỏi mòn của họ.
Tân Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, ông Phan Văn Mãi, phát biểu khi nhận chức vụ vào ngày 24/8, nhấn mạnh rằng ông sẽ khẩn trương chỉ đạo tập trung cải thiện tình hình, tiến đến kiểm soát dịch Covid-19.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nêu lên quan điểm của ông trước lời tuyên bố của tân Chủ tịch-Phan Văn Mãi :
"Đối với riêng cá nhân tôi là một người đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh, tôi không có nhiều niềm tin đối với ông chủ tịch mới này. Bởi vì, ông này đã phát biểu mà có thể nói là dư luận rầm rộ lên tiếng chê trách thời gian qua. Đó chính là câu ‘Lấy sức dân lo cho dân’. Tôi thực sự không hiểu ông lấy cái gì trong dân để mà lo cho dân, trong khi người dân có thể nói rằng bị kiệt quệ, cạn kiệt và thoi thóp thở trong những ngày này. Vì vậy, tôi hoàn toàn không có một chút niềm tin nào đặt vào ông Chủ tịch Phan Văn Mãi".
Ông Lê Văn Đơn tỏ ra lo ngại nếu tân Chủ tịch Phan Văn Mãi vẫn tiếp tục biện pháp kéo dài giãn cách nghiêm ngặt "ai ở đâu, ở yên đó" cùng với sự hiện diện của lực lượng quân đội hùng hậu thì có thể hiệu quả chống dịch bệnh không được như mong đợi.
"Với tôi, hình ảnh chống dịch bằng xe tăng, bằng súng đại liên thì kết quả chống dịch chưa biết như thế nào ; nhưng chắc chắn một điều là đã gây cho người dân một sự sợ hãi đối với quân đội. Tại vì thực tế mà nói thì chống dịch đâu cần đến các thiết bị dữ dội như vậy".
Bác sĩ Phan Xuân Trung, một bác sĩ thường xuyên công khai đóng góp ý kiến cho Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, chia sẻ trên tài khoản Facebook cá nhân vào ngày 24/8 rằng ông dự đoán trong những ngày cuối tháng tám và đầu tháng chín, con số người nhập viện do Covid-19 sẽ giảm mạnh.
Bác sĩ Phan Xuân Trung đề nghị Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh nên có kế hoạch sớm tái lập sinh hoạt bình thường của xã hội trong thời gian một tuần nữa. Và cảnh báo việc giãn cách xã hội kéo dài sẽ gây hậu quả nặng nề về mọi mặt.
Nguồn : RFA, 24/08/2021