Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

29/08/2021

Tướng cũ hay mới đều để lộ sự kém cỏi về khả năng chống dịch

Diễm Thi

Việt Nam 'thay tướng' khi dịch Covid-19 hoành hành như 'ngựa bất kham' !

Diễm Thi, RFA, 28/08/2021

Phiên họp lãnh đạo chủ chốt do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì ngày 24 tháng 8 đã thống nhất phân công Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch Covid-19, thay ông Vũ Đức Đam. Quyết định được đưa ra khi ông Đam đang đi thị sát chống dịch tại thành phố Hồ Chí Minh.

thay1

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Reuters

Chiều hôm sau, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với vai trò Trưởng ban.

Các Phó trưởng ban gồm Bí thư trung ương Đảng, Phó Thủ tướng chính phủ Lê Minh Khái ; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng chính phủ Vũ Đức Đam ; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch quốc hội Nguyễn Khắc Định và Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng chính phủ Lê Văn Thành.

Ban Chỉ đạo còn có 10 thành viên khác, trong đó có Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ công an ; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ quốc phòng ; Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông… Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo là Bộ Y tế.

Việc "thay tướng giữa đường" nhận được nhiều ý kiến của công luận. Có người cho rằng ông Đam không được lòng lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh nên buộc phải thay. Có người cho rằng, ông Đam chỉ là Phó thủ tướng nên không điều khiển được những người trong Bộ chính trị hay trong Ban bí thư, trong khi ông Chính vừa là một chân trong tứ trụ, vừa là Ủy viên Bộ chính trị nên có toàn quyền chỉ đạo xuyên suốt từ trung ương tới địa phương.

Nhà quan sát tình hình chính trị trong và ngoài nước, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận định :

"Trước đây ông Đam làm trưởng ban, ổng không điều khiển được những người trong bộ chính trị hay trong ban bí thư, bởi vì ông ấy chỉ là ủy viên ban chấp hành trung ương thôi.

Ông Đam làm được nhiều việc tốt trong vai trò của mình, nhưng vừa rồi, vào ngày cuối cùng họp Quốc hội thì người ta thấy tình hình dịch bệnh nó khó quá nên đích danh ông Tổng bí thư chỉ định ông Chính thay ông Đam làm trưởng ban chỉ đạo chống dịch và ông Đam làm phó. Giao thêm cho thủ tướng nhiệm vụ và quyền hạn. Giao cho thủ tướng chứ không giao cho chính phủ cho nên thủ tướng không thể ủy quyền cho Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam được.

Đấy là sự khác biệt. Ông Chính là người có toàn quyền và lại là người quyết đoán nên mình có hy vọng họ sẽ kiểm soát được dịch, giảm số tử vong. Ông Đam cũng làm được việc nhưng không bằng ông Chính". 

Tại buổi họp lãnh đạo chủ chốt hôm 24 tháng 8 vừa qua, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu kết luận cuộc họp đã đề nghị các Bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch ; khẩn trương triển khai các nhiệm vụ trong đó có "thay thế kịp thời các cán bộ yếu kém không hoàn thành nhiệm vụ phòng, chống dịch".

Cuối năm 2019, đầu 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng nổ và lan tràn khắp thế giới, kể cả Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam được trung ương Đảng phân công nhiệm vụ trực tiếp lãnh đạo phòng chống đại dịch Covid-19.

thay0

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. AFP

Bà Th., Phó giám đốc và là Trưởng ban phòng chống dịch bệnh của một công ty dệt may ở Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết :

"Theo tôi thì việc này đúng nhưng mọi người cũng đang lo lắng, chưa biết như thế nào khi đưa ông Chính lên thay ông Đam lên làm Trưởng ban chống dịch. Nhưng quyền của thủ tướng thì nhiều hơn quyền của phó thủ tướng, dịch đang căng cho nên phải đưa thủ tướng lên. Trách nhiệm trực tiếp thuộc về ông Chính.

Đưa ông Chính lên để thị uy, nhưng trong giới quan chức thì theo tôi, ông Đam là người xông pha nhất và đưa ra những quyết định thiết thực, hữu ích nhất. Có một số thông tin ngoài luồng nhưng không có cơ sở cho hay lãnh đạo thành phố không phục ông Đam. Thật ra từ trước đến nay, bản chất sâu xa trong chính quyền vẫn có hai ‘phe’. Một bên nghiêng về tư bản, bên kia thì không".

Ông Quang, một người dân ở thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm của ông :

"Người ta nói rằng ông Đam không làm được việc nên bị thay. Thực chất không phải thế, bởi với tình hình dịch bệnh căng như hiện nay thì thủ tướng có thể giải quyết ngay những vấn đề quan trọng và cấp thiết. Với ông Đam, có những vấn đề vượt thẩm quyền nên phải xin ý kiến. Mà xin ý kiến thì mất thời gian, mất cơ hội. Thủ tướng thì toàn quyền quyết định cả những vấn đề cấp bách, không cần xin ý kiến ai, cho nên việc thay ông Đam bằng ông Chính là hợp lý. Không phải vì ông Đam không làm được việc.

Với vai trò đứng đầu chính phủ, ông Chính có đủ quyền lực để trao đổi, đàm phán trực tiếp với chính phủ các nước, đàm phán với tập đoàn sản xuất vắc xin…".

Trước đó vài ngày, một cuộc "thay tướng giữa đường" trong lúc đợt dịch Covid-19 thứ tư đang diễn biến nghiêm trọng tại thành phố Hồ Chí Minh cũng xảy ra. Đó là Bộ Chính trị ban hành quyết định điều chuyển đương kim Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong giữ chức Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương. Người thay thế là ông Phong là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi.

Ông Mãi là người thay mặt chính quyền thành phố Hồ Chí Minh phát động phong trào "lấy sức dân chăm lo cho dân" trong việc phòng, chống dịch Covid-19. Phong trào nhận nhiều chỉ trích của cộng đồng mạng lẫn người dân ngoài xã hội, bởi theo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm cho người dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.

Mới đây, theo phân công của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên là người lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Thủ Đức và quận Bình Tân.

Các quận, huyện còn lại cũng được phân công cụ thể cho từng người quản lý. Chẳng hạn như Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi trực tiếp phụ trách, theo dõi, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn quận 8 ; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Thị Lệ trực tiếp chỉ đạo công tác chống dịch trên địa bàn quận 3 và huyện Củ Chi ; Bà Trần Kim Yến, Bí thư Quận ủy quận 1, chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn quận 1…

Bộ Y Tế Việt Nam vào tối ngày 28 tháng 8 thông báo số ca tử vong vì dịch Covid-19 trên cả nước đến lúc đó là hơn 10.400 trường hợp. Trong ba đợt dịch trước từ đầu năm 2000 đến cuối tháng ba năm 2021, cả nước chỉ báo cáo có 35 trường hợp chết vì vi-rút Corona mà thôi.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 28/08/2021

********************

Ý thức ‘từ chức’ trong giới lãnh đạo Việt Nam : thứ hiếm hoi !

RFA, 25/08/2021

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, tại cuộc họp chỉ đạo chống dịch Covid-19 hôm 23/8, đưa ra tuyên bố nếu để người dân đói thì các cấp ủy phải chịu trách nhiệm, đồng thời bản thân ông cũng sẽ chịu trách nhiệm bằng cách từ chức.

chong3

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh phát biểu tại cuộc họp. Courtesy State Media.

Theo ông Lĩnh, muốn dân không đói thì các địa phương phải đưa ngay các nguồn lực về các phường xã và tuyến cơ sở này phải chuyển đến từng người dân một cách hiệu quả. Ông Lĩnh còn cho rằng, mỗi xã, phường còn phải có kho lương thực và phải có nguồn quỹ để hỗ trợ ngay những hộ dân đang gặp khó khăn... Tuy nhiên ông Lĩnh không nêu rõ tại cuộc họp cụ thể mỗi người dân sẽ được hỗ trợ lương thực như thế nào để không đói khổ ?

Một người dân Đồng Nai không muốn nêu tên khi trả lời RFA hôm 25/8, nói :

"Theo tôi thấy lúc này nếu nói người dân không khổ thì hoàn toàn không đúng, chắc chắn là phải khổ. Bây giờ chính quyền địa phương cũng triển khai cấp tốc xuất kho để cứu trợ, cái đó nếu địa phương làm quyết liệt thì cũng chỉ là đấp đổi qua ngày thôi... Chứ thật sự muốn cơm no, ấm áo thì phải hết dịch mới được, thí dụ như bây giờ có được bịch gạo, mắm muối, con khô là đã mừng gần chết... mà có nhiều người còn đòi hỏi nữa... đòi thịt".

Theo số liệu được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đồng Nai công bố hôm 13/8/2021, tỉnh này hiện có trên 48 ngàn lao động còn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Dù có thể việc hỗ trợ người dân Đồng Nam như ông Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai - Nguyễn Hồng Lĩnh tuyên bố có thể không như mong muốn... nhưng phải ghi nhận việc một lãnh đạo một tỉnh dám tuyên bố sẽ từ chức nếu không hoàn thành nhiệm vụ là một việc đáng khen... trong thực tế xưa nay hiếm khi có vị lãnh đạo nào ‘chịu’ tuyên bố sẽ từ chức.

Cách nay vài năm, ông Đoàn Ngọc Hải - nguyên Phó Chủ tịch UBND Quận 1 - Thành phố Hồ Chí Minh cũng từng tuyên bố sẽ từ chức nếu không dẹp được nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường để kinh doanh- buôn bán và ông đã giữ lời hứa của mình.

Nhà báo Võ Văn Tạo, khi trả lời RFA hôm 25/8 từ Nha Trang, nhận định :

"Việc cán bộ của Đảng cộng sản Việt Nam, trong bộ máy Nhà nước mà tuyên bố từ chức rất là hiếm... Ngoài sự kiện vừa rồi là ông Bí thư Đồng Nai tuyên bố nếu có người dân Đồng Nai bị đói thì ổng từ chức... Thực tế thì lâu lâu cũng có một trường hợp như cách đây vài năm, ông Đoàn Ngọc Hải là Phó Chủ tịch UBND Quận 1 cũng từ chức. Nhưng trở về xa xưa một chút thì tôi thấy có những trường hợp như là ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Nông nghiệp, cách đây mười mấy năm cũng tuyên bố từ chức khi xảy ra vụ Lã Thị Kim Oanh và đồng bọn tham nhũng khá nặng. Nhưng nhìn chung thì hiện tượng từ chức ở Việt Nam rất là hiếm, hiếm lắm, còn việc ông Bí thư Đồng Nai tuyên bố như thế rồi có thực hiện hay không thì hãy để thực tế trả lời".

Cựu Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ nộp đơn từ chức vào tháng 5 năm 2004, khi đó ông từng nói : ‘Nên coi từ nhiệm là chuyện bình thường, là nét văn minh trong đời sống chính trị’.

Theo Nhà báo Võ Văn Tạo, ở Việt Nam có đặc thù khác với các quốc gia khác, tức là sự lãnh đạo cai trị đất nước phụ thuộc vào tập thể chóp bu của Đảng cộng sản Việt Nam, mà cụ thể là Ban chấp hành Trung Ương, Ban Bí thư, Bộ Chính trị... Ông Tạo nói tiếp :

"Khi mà một ông cán bộ nào đó được cử giữ chức nào đó bên bộ máy Nhà nước, thì bên Đảng đã họp hành ra nghị quyết rồi, phải chấp hành nghị quyết đó... Cho nên khi còn là một đảng viên thì họ rất sợ không chấp hành nghị quyết. Có người họ có lòng tự trọng thì khi không làm được việc thì nghỉ, từ chức... nhưng mà họ sợ nhất là bị Đảng đánh giá không chấp hành nghị quyết Đảng... cái đó sẽ thành một vết đen trong lý lịch, mà nhiều khi còn lây đến con cháu sau này, chủ nghĩ lý lịch ở Việt Nam rất nặng. Cho nên vì tập tính lâu đời đó, từ hồi có Đảng Cộng sản đến giờ, cho nên hiện tượng từ chức, có thể do năng lực, danh dự... thì hiếm khi xảy ra. Tôi nghĩ trong tương lai thì những tuyên bố như của ông Bí thư Đồng Nai, hay ông Đoàn Ngọc Hải ở Thành phố Hồ Chí Minh, cũng sẽ không thành một phong trào hay thành khuynh hướng phổ biến theo thời gian... Không có đâu !".

chong2

Ảnh minh họa từ trái sang : Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính chụp ảnh chung trước khi bắt đầu phiên khai mạc khóa 15 vừa được bầu Quốc hội khóa I tại Hà Nội ngày 20/7/2021 - AFP Photo

Ở Việt Nam hiện nay, hầu như các quan chức không tự nguyện từ chức, cho nên khi có vi phạm mà bị đem ra xử lý thì sẽ có cách chức, bãi nhiệm... Văn hóa từ chức nói cách khác là một văn hoá ứng xử dựa trên lương tri, khi một người lãnh đạo thấy mình có khuyết điểm, hay không còn xứng đáng đảm nhận vị trí lãnh đạo thì họ sẽ từ chức. Việc này cho thấy sự hiểu biết về bổn phận, và trách nhiệm của người nắm giữ chức vụ.

Sử gia Dương Trung Quốc, nguyên Đại biểu Quốc hội, khi trả lời RFA từ Hà Nội giải thích :

"Thật ra từ chức nhìn bề ngoài đúng là sự tự nguyện, nhưng bản chất là gần như một sự bắt buộc. Bởi vì điều quan trọng nhất mà Việt Nam chưa có, hoặc thiếu một nền hệ thống giá trị xã hội. Ví dụ các vị quan ngày xưa, đôi khi chỉ vì những lý do gia đình, nhưng với sự gánh vác của mình, người ta tự lượng sức mình và sẽ từ chức, việc này dựa trên một nền tảng giáo dục xưa, đặc biệt đối với quan lại thì tính liêm sỉ lớn lắm. Nói cách khác, chính cái sức ép của xã hội, sức ép của các giá trị ấy, mà người ta chấp nhận từ chức. Ai cũng biết từ chức là từ bỏ quyền lực, từ bỏ kể cả lợi ích nữa. Nhưng họ lựa chọn giữa hai giá trị ấy trong mặt bằng giá trị xã hội, thì họ thấy từ chức vẫn hơn. Và hành vi từ chức ấy nó cũng có một giá trị xã hội để người ta chia sẻ, thậm chí người ta tôn trọng. Nhưng rõ ràng điều đó không đúng trong một xã hội hiện đại".

Ông Dương Trung Quốc cho biết, ở những quốc gia khác từ chức là một tập quán vì cũng phải chịu sức ép xã hội rất lớn. Thậm chí người trong cuộc có muốn tồn tại cũng không được vì sẽ có những cơ chế khác, buộc phải từ chức. Và từ chức là một biện pháp tối ưu để có thể giải quyết những vấn đề liên quan đến vị thế của bản thân người đó trong xã hội. Sử gia Dương Trung Quốc đưa ra một góc nhìn khác :

"Hệ thống giá trị xã hội hiện nay người ta chưa tôn trọng việc từ chức, người ta cho rằng từ chức là bị cách chức, từ chức là vì một khuyết điểm hoặc là cái tội nặng nào đó, mà người đó không còn con đường nào khác cả. Các quan chức thì gắn liền với quyền lực và lợi ích, mà lợi ích không phải của cá nhân, đôi khi cái mà chúng ta gọi là lợi ích nhóm, lợi ích của một nhóm người. Và khi anh muốn từ chức cũng không từ chức nổi nữa cơ, vì nó ràng buộc lẫn nhau. Vì thế tôi cho rằng điều quan trọng hiện nay là cần ra được một cái giá trị xã hội, mà giá trị xã hội thông qua dư luận xã hội, giáo dục xã hội. Thứ hai nữa là cái sức ép để buộc người đó từ chức như một lựa chọn tối ưu để mà họ rời bỏ chức vụ, cũng có nghĩa là giải thoát cho xã hội những vấn nạn mà người đó chịu trách nhiệm".

Theo Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, yếu tố từ chức chưa đi vào hiện thực, chưa đi vào tập quán chính trị xã hội, và cần đòi hỏi thời gian. Ông Quốc cho rằng, thời gian này quan trọng nhất là ý thức của những vị quan chức của Việt Nam và họ cần phải quan tâm đến dư luận xã hội.

Nguồn : RFA, 25/08/2021

 

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Diễm Thi
Read 620 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)