Hóa ra, chỉ có dân là khốn nạn ?
Tuấn Khanh, RFA, 29/08/2021
Câu chuyện trên báo điện tử Zing về cái gọi là phường An Phú, Thành phố Thủ Đức có hơn 100 đơn hàng bị "bom", tức tiếng lóng của dân chuyển hàng về việc đặt hàng rồi không nhận, gây xôn xao không ít, và cũng tạo cớ luồng dư luận được định hướng chửi bới dân Thành phố Hồ Chí Minh là sống vô ý thức, sống khốn nạn.
Phường An Phú, Thành phố Thủ Đức có hơn 100 đơn hàng bị "bom" nhưng không nêu rõ là ai
Câu chuyện này được ông Nguyễn Văn Hải, Phó chủ tịch phường An Phú, Thành phố Thủ Đức mô tả diễn ra ở phường của ông, nhưng không nêu rõ là ai, đã nhanh chóng trở thành câu chuyện để đào bới từ xu hướng ghét bỏ các khác biệt trên mạng xã hội. Trên truyền hình tối 27/8, trong phần livestream "Dân hỏi - Thành phố trả lời", ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và truyền thông nói rằng nhiều phường ở Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận đã gặp tình trạng này, và ông giải thích đơn giản "Khi cán bộ giao hàng đến thì người dân không nhận và nói 'chỉ đặt thử xem có đi mua thật không'. Họ nói đặt cho biết vậy thôi".
Ở vị trí của một cán bộ cấp cao về ngành tuyên truyền, câu trả lời gieo hoang mang và không có kết luận đủ của ông Lê Quang Tự Do, là vô trách nhiệm, hay nói đúng hơn là thiếu tư cách để phát ngôn. Việc của một cán bộ lãnh đạo tuyên truyền, không có nghĩa là chỉ ngồi phòng lạnh và đọc tin báo cáo. Việc kiểm tra và tìm hiểu vấn đề của "hơn 100 đơn hàng" đó, là gì, vì sao, và cần có cái nhìn khác hơn khi có tin là một tập thể dân chúng đồng lòng bất tín với chính quyền đến mức cùng nhau làm một phép thử.
Chỉ ít ngày sau đó, trên mạng xã hội đã xuất hiện những lời phản đối của dân An Phú. Nhiều lời bình luận đã kêu gọi chính quyền phải làm rõ là ai, chuyện gì đã xảy ra chứ không thể vơ đũa cả nắm. Cách nói để mô tả đời sống một cộng đồng dân cư ở Sài Gòn hành động như vậy, chính là kiểu ngụy biện đòn bẫy "chính quyền đã làm đúng và tận tâm nhưng hóa ra, chỉ có dân chúng là khốn nạn".
Khó mà tin vào câu chuyện đó, với lối mô tả một chiều lấp lửng như vậy. Tôi cũng như nhiều người sống ở đất nước này – không chỉ riêng ở Sài Gòn – cảm thấy nghi hoặc về chuyện dân đen dám giỡn mặt với một lực lượng giao hàng có vũ trang trong lúc phong tỏa như thiết quân luật.
Dĩ nhiên, người chịu trách nhiệm ở đây, phải là chính quyền của phường An Phú. Và nếu làm rõ được mọi thứ - nếu có thật và đúng lý - chính những người đang "bom hàng" và quấy rối như một kiểu "chống lại người thi hành công vụ", cũng cần phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, theo khoản 1, điều 330 Bộ luật hình sự năm 2015.
Người phát ngôn là Nguyễn Văn Hải, Phó chủ tịch phường An Phú, Thành phố Thủ Đức cần có sự giải thích minh bạch, công bố chi tiết các địa chỉ giao hàng mà không nhận, cùng với số điện thoại hay phương tiện liên lạc đặt hàng của họ, để báo chí cũng như truyền thông công dân kiểm tra tính xác thực. Câu chuyện không thể dừng lại ở một lời nói có thể gây tổn thương vô chừng với cả một thành phố, vốn đang bị các trang và cá nhân có mục đích chia rẽ, hạ nhục và tấn công vô cớ. Mà trong thành phố đó, cũng có cả tên công dân Nguyễn Văn Hải.
Ông Hải có thể bị quy vào khoản 2, điều 331, Bộ luật hình sự, với điều khoản "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", nếu không chứng minh được tính đúng đắn và nội dung sai hoàn toàn từ phía người dân.
Trong tất cả những lần ra lệnh, thay đổi, lấp lửng, tái lập… trong công cuộc phòng chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh, bất kỳ người dân nào cũng thấy những bất cập của chính quyền gây ra – dù có đủ một ban tư vấn học giả tên tuổi – mà chính ngay ông bí thư Nguyễn Văn Nên cũng thừa nhận rằng chính quyền đã "lúng túng" và xin nhân dân hãy "lượng thứ".
Ngay cả việc đưa quân đội vào để vận chuyển, tưởng chừng như là thông suốt, lại trở nên rối rắm hơn khi hủy diệt toàn bộ hệ thống logistics đã trơn tru và chuyên nghiệp của một thành phố có đời sống hiện đại và phức tạp. Hơn nữa các mệnh lệnh duy ý chí còn ép phía quân đội phải làm thêm chuyện mua hàng và giao hàng. Dĩ nhiên, quân đội Việt Nam thì luôn chiến thắng mọi kẻ thù nhưng không phải chiến sĩ nào cũng giỏi phân biệt sữa người già với sữa cho em bé, hoặc thông thuộc mọi ngã đường lắt léo ở Sài Gòn.
Đang có rất nhiều ý kiến trên các trang mạng xã hội, bày tỏ chuyện không tin "bom hàng để thử xem có thật không" từ nguồn tin của ông Nguyễn Văn Hải, Phó chủ tịch phường An Phú, Thành phố Thủ Đức. Nhất là khi người dân phải luôn ứng tiền trước cho chuyện đặt hàng của mình. Chính các thông báo từ các phường ở Thủ Đức cho người dân đã chứng minh cho chuyện này. Sự khốn nạn từ câu chuyện này cần được làm rõ là từ những những người dân khốn nạn, hay thất bại trong công việc mới của một địa phương lại được điển hình về khốn nạn, đẩy mọi chuyện cho dân.
Chúng ta đã nghe nhiều chuyện về sai lầm của người dân trong đại dịch : nào là vô ý thức chạy về quê, nào là làm loạn khu cách ly, nào là chống tiêm vắc xin Trung Quốc làm hỗn loạn điểm tiêm ngừa… Nhưng chỉ có người dân là đủ sự chân thành và nhân tính để mô tả với nhau rằng chuyện gì đang thật sự xảy ra trong đại dịch. Những ngôn từ thấu hiểu và sẻ chia, chỉ có dân và dân với nhau. Không ai khác.
Khủng hoảng và biến động xảy ra là điều không ai muốn. Và bất kỳ chính quyền nào cũng sẽ phải va vấp, thất bại đôi lần với những tính toán để vượt qua sự cố. Nhưng chia nhau những thứ đó, hiểu đúng mọi sự, thì mới đáng gọi là "chung tay" – như theo lời kêu gọi của chính quyền.
Nhưng nếu phía quản trị nhà nước lại trẻ con đến mức bất kỳ thất bại nào cũng lùi lại và đổ lỗi là sự "khốn nạn" của dân chúng, thì đất nước này chỉ còn lại một câu hỏi luôn im lặng tìm về minh bạch theo thời gian : quan chức đang vất vả lãnh đạo một loại nhân dân khốn nạn, hay nhân dân đang nhìn về sự khốn nạn của quan chức ?
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 29/08/2021
**********************
Khi quân đội vào thành phố chống dịch
Tuấn Khanh, RFA, 26/08/2021
Đã qua vài ngày, kể từ khi người dân Sài Gòn được tin rằng sẽ một đạo quân hỗn hợp tiến vào thành phố với lý do giữ trật tự và chu cấp thực phẩm cho người dân. Sự lo lắng, căng thẳng ban đầu cũng giảm bớt khi thấy mọi thứ tạm trôi qua êm ả, và cũng nhẹ nhàng.
Không lo sợ sao được khi quân đội rầm rập tiến vào kiểm soát mọi ngõ
Những lời phản đối việc phong tỏa cùng quân đội, cũng như sự xét nét hình ảnh các binh lính cầm AK-47 nghiêm nghị trên đường đã rộ lên lúc đầu. Chắc có lẽ từ góc nhìn khác, điều này không có gì đặc biệt, nhưng là người sống ở Sài Gòn, lắng nghe và ghi chép nhiều thứ mà con người đô thị này đã trải qua, kể với nhau, tôi tin rằng nỗi sợ từ tiềm thức của họ là có thật.
Sự thiếu thốn thực phẩm, nhìn thấy cảnh bất lực của y tế, và cả không đoán được những gì mà chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh sẽ làm – do lặp đi lặp lại quá nhiều sự thay đổi trong mệnh lệnh – khiến mọi cư dân có mức sống trung bình đều cảm thấy bất an. Hình ảnh nhiều lần, hàng ngàn người bồng bế nhau, mang theo chút tài sản cỏn con chạy tung tóe ra khỏi thành phố là một trong những chứng minh rất rõ.
Ngay trong tình cảnh đó, khi số người bị xô vào chỗ cách ly, lây nhiễm lẫn nhau ngày nhiều cùng với số người chết dẫn đầu cả nước, nhiều người cảm thấy nặng nề khi quân đội rầm rập tiến vào kiểm soát mọi ngõ, tương tự như trong phim ảnh về sự bao vây cần thiết với một đô thị zombie không có thuốc chữa.
Bỏ qua những lời bình phẩm miệt thị nông cạn về tâm lý sợ hãi của người Sài Gòn – vốn là đô thị đã có đủ kinh nghiệm sống động về chuyện can thiệp của chính quyền và súng, sau 1975 – cái đáng nói là bộ máy truyền thông tốn kém và cơ số hùng mạnh của chính quyền đã hoàn toàn thất bại khi không đem lại được sự yên tâm cho dân chúng. Thay vì trò chuyện đủ và minh bạch với dân chúng, chính quyền đã để mặc cho các lực lượng dư luận viên hay AK-47 tự do nhiếc mắng những người dân đang bất an lo sợ.
Tương tự như chuyện các công nhân, sinh viên, người lao động tự do phải rời bỏ Sài Gòn, phía dư luận viên có hẳn bài bản chửi bới rằng những người chạy đi là kẻ không biết dành dụm, chỉ lo ăn chơi mới cạn túi sớm và vô ý thức chạy về quê. Sự bất bình về đời sống hiện tại lại chồng chất thêm sự phẫn nộ khi phải nghe các giọng điệu vô nhân, từ một lực lượng tuyên truyền được nhà nước nuôi ong tay áo. Nuôi dưỡng những kẻ giòi bọ đó, và như bôi tro trát trấu mặt cả chủ nuôi, liệu có ích lợi gì ?
Cần phải ghi nhận những điều tích cực từ khi có sự tham gia của quân đội ở Sài Gòn – mà theo giải thích của phía các lãnh đạo là thiếu nhân lực – là thành phố bước vào những ngày có bề mặt yên lặng, không nhiều bất cập như những ngày phía các lực lượng dân phòng, công an… phối hợp chặn giữ.
Những người đối diện với các chốt canh có binh lính cầm AK-47 kiểm soát, kể lại rằng sự tra hỏi của họ cũng chừng mực và hòa nhã. Nhiều người không đủ giấy tờ chứng minh để đi qua các chốt gác, đã được các anh bộ đội yêu cầu quay lại. Từ ngày 23/8 cho đến nay, không nghe nói có vụ biên giấy phạt nào ở các chốt chặn, dù có cả công an địa phương. Điều này khiến người ta tự hỏi, các đợt giãn cách mà lực lượng dân phòng, công an ráo riết chận bắt để phạt người, truy vấn hách dịch và bạo quyền có phải là lý do để cho người dân thành phố bất phục và luôn đem lại sự bất ổn và khinh thị các chốt chặn ?
Từ tháng 7/2021, câu chuyện một phường ở Gò Vấp bị lộ văn bản chỉ đạo có tính hệ thống, về việc phải phạt cho đủ số lượng người và tạo ngân sách vẫn là nỗi ám ảnh của người dân về điều gì đó bất minh của chính quyền. Con số hàng chục tỷ đồng của người dân bị phạt, kèm theo nỗi oan ức, bất bình của dân chúng ắt cũng sẽ kèm theo sự đàm tiếu và coi thường giới nhân viên công lực. Thái độ hạ nhiệt của người dân với lực lượng bộ đội so với những ngày đầu hoang mang, có được gọi là lòng tin tạo được từ sự không nhũng nhiễu và đúng mực của phía quân đội ?
Có không ít người, lúc đầu đã không chịu nổi cảnh quân đội kè kè súng và xe chuyên dụng ở Sài Gòn. "Chẳng lẽ khi cần thì họ sẽ bắn người luôn sao ?", một người bạn của tôi nhắn, hỏi với sự sợ hãi. Thế nhưng, đến giờ phút này, lính và súng chỉ là một hình ảnh biểu trưng chứ không có gì khác – và cũng có thể đó là cách chọn lựa mang tính phô trương từ một vị lãnh đạo nào đó, mà ở vị trí của người lính, họ chỉ có thể tuân lệnh. Nó khác biệt với các lực lượng ngăn chận giãn cách trước đó : chuyện xô xát và đánh đập dân chúng diễn ra nhưng ít ai dám tố cáo. Thậm chí cả lực lượng bèo bọt nhất là trật tự, dân phòng, dân quân tự vệ… cũng vay mượn hơi thở của lệnh thủ tướng mà khè khạc vào người dân.
Gần nhất là trong tháng 8/2021, nhà báo Mai Quốc Ấn kể trong thư tố cáo của anh gửi đến một vị tướng, rằng khi đến công an quận 3 làm việc về số hàng bị tạm giữ nhân danh chỉ thị 16, anh đã vô cớ bị 2 công an kẹp giữ, để cho một viên sĩ quan công an đánh vào đầu – sau đó anh phải đi cấp cứu. Mà ngay trong lúc anh đang "làm việc" với công an, lại chứng kiến một shipper phạm chỉ thị 16, cũng bị đưa về phường để "làm việc" như vậy.
Chưa thấy quân đội bắn hay đánh ai. Trên video của dân chúng ghi lại, thấy mấy cậu lính trẻ lúp xúp chạy giao các gói thức ăn cho khu phố nào đó. Dẫu sao, đó là chuyện đáng nhớ và vui trong lòng. Họ đến, cũng có ý nghĩa rất rõ.
Rồi lại bất chợt nhớ ra. Các hội đoàn phụ nam phụ nữ, thành đoàn cộng sản, kể cả mấy anh công an mật vụ thường mai phục hay canh nhà dân… cả một hệ thống khổng lồ ăn lương và tiền trợ cấp của nhà nước, sao không thấy được báo chí mô tả tổng lực xắn tay áo vào việc nghĩa – chung tay - giữa đại dịch này ? Đất nước thiếu nhân lực, đến mức phó thủ tướng Vũ Đức Đam còn gợi ý các F0 khỏi bệnh hãy tình nguyện giúp chính quyền lúc này. Quân đội bảo vệ biên giới và bảo vệ đất nước cũng được lệnh động viên vào thành thị đó sao ?
Vài ngày khi quân đội vào thành phố, nhận ra được nhiều điều. Và cũng giúp thấy thêm được nhiều điều.
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 26/08/2021