Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/09/2021

Chống Covid : sự yếu kém và thiên vị về quản lý bắt nguồn từ cấp cao

Nhiều tác giả

Chống Covid-19, trống đánh xuôi kèn thổi ngược, kết cục rồi sẽ ra sao ?

Viết Từ Sài Gòn, RFA, 02/09/2021

Cho đến lúc này, có thế nói rằng tình hình chống dịch Covid-19 tại Việt Nam có vẻ rối như canh hẹ. Và câu chuyện rối rắm này lại bắt đầu từ cái mốc 30 tháng 4, 1 tháng 5 rồi sau đó là bầu cử. Sau cuộc bầu cử trên cả nước, tình hình trở nên xấu đi vì dịch tràn lan ở các thành phố lớn, chết chóc, thiếu thốn do cách ly, giãn cách và nhân dân bắt đầu kêu than, nhà nước mạnh tay hơn khi đưa quân đội vào cuộc. Thế nhưng mọi chuyện gần như bế tắc, bởi bệnh dịch vẫn tiếp tục lây lan và Chính phủ bắt đầu nhận thấy sự bất lực của mình, làm theo kiểu sai đâu sửa đó bằng thứ khẩu hiệu "quyết tâm". Và càng quyết tâm lại càng bất cập, chẳng khác nào trống đánh xuôi kèn thổi ngược.

chong

Tấm biển cấm người đi qua ở một khu phố tại Hà Nội vì dịch bệnh Covid-19 hôm 30/8/2021 AFP

Việc trái khoáy này liên tục xảy ra trong thời gian gần. Tại thành phố Hồ Chí Minh, chính phủ cho quân đội vào cuộc và hứa sẽ cung cấp thực phẩm đầy đủ, mọi việc do Nhà nước và quân đội lo. Thế nhưng chưa đầy ba ngày sau thì quân đội gần như im hơi lặng tiếng, chính quyền "mở đường" cho 2.500 shippers vào lại thành phố để cung cấp hàng hóa. Và cũng chỉ sau việc thắt chặt giãn cách, cách ly vài chục giờ đồng hồ thì lại thả cửa, người dân đi lại đông nghẹt một đoạn đường, rồi lại siết chặt. Mọi thứ đều có gì đó tiền hậu bất nhất.

Và đáng sợ hơn là sự trước sau không giống này lại diễn ra khắp các hàng cùng ngõ hẻm, càng làm càng thấy sai. Gần đây nhất là vụ quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội cho di chuyển hàng ngàn dân đi cách ly tập trung. Báo Người lao Động đưa tin : "Tối nay 1/9, quận Thanh Xuân, Hà Nội bắt đầu di dời khoảng 1.187 người dân trong ổ dịch phường Thanh Xuân Trung, đến khu ký túc xá của Đại học FPT (Khu công nghệ cao Hòa Lạc, huyện Thạch Thất) để cách ly tập trung.

Trong đó, đông nhất là 202 người ở Khu tập thể Điện ảnh, 172 người ở nhà G2, 76 người tại ngõ 328 Nguyễn Trãi. Khu vực ổ dịch Thanh Xuân Trung tập trung nhiều chung cư cũ ẩm thấp, môi trường không đảm bảo, diện tích chật hẹp, mật độ dân số đông, nhiều hộ vẫn sử dụng nhà vệ sinh chung nên khả năng lây lan dịch cao.

Ông Lê Hồng Thắng, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, cho biết việc di dời dân đến vùng an toàn sẽ kéo dài đến hết ngày 3/9.

"Dù quận đã triển khai mọi biện pháp nhưng số lượng F0 vẫn gia tăng, người dân có tâm lý lo lắng và mong muốn được đến nơi an toàn. Sau khi Thủ tướng chỉ đạo, chúng tôi đã ban hành kế hoạch tạm giãn dân khỏi ổ dịch phường Thanh Xuân Trung" - ông Thắng nói.

Theo đó, quận đã thành lập 3 tổ công tác, gồm tổ vận động ; tổ điều phối và hậu cần ; tổ đảm bảo an ninh trật tự. Hiện điểm nóng của Thanh Xuân Trung tập trung tại 2 ngõ 328 và 330 Nguyễn Trãi, với tổng 700 hộ dân và hơn 2.000 nhân khẩu.

Dự kiến, trong đêm nay và ngày mai, quận sẽ thông báo và vận động người dân tình nguyện đăng ký đến khu tạm giãn dân. Với những người còn lại, nếu không tình nguyện, ngày 3/9, quận sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định…".

chong2

Quân đội được triển khai ở các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 23/8/2021. AFP

Cũng trong những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9, tại Thanh Hóa: "Một xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành phong tỏa tạm thời 278 hộ gia đình, với 388 đối tượng F2 bằng cách khóa cổng, giao chìa khóa cho chủ tịch xã và trưởng thôn để để phòng chống dịch Covid-19.

Đối với 388 đối tượng được xác định là F2 đã có kết quả test nhanh âm tính, xã Hoằng Thái đã quyết định cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà trong vòng 14 ngày (tính từ ngày địa phương phát hiện ca bệnh Covid-19).

Theo nhà báo và Công Luận, chiều ngày 1/9, ông Trịnh Hữu Vui, Chủ tịch UBND xã Hoằng Thái, huyện Hoằng Hóa cho biết, từ ngày 31/8, xã này đã tiến hành khóa cổng đối với 278 hộ gia đình có đối tượng F2 để phòng chống dịch Covid-19.

Trước đó ngày 28/8, địa phương này có công dân đang làm việc tại Bệnh viện Phổi Thanh Hóa mắc Covid-19. Cơ quan chức năng đã tiến hành truy vết, khoanh vùng, lập danh sách các đối tượng F1 đưa đi cách ly tập trung, đồng thời phong tỏa tạm thời 30 hộ dân tại khu dân cư nơi bệnh nhân sinh sống.

Theo đó, tất cả các hộ gia đình có đối tượng F2 đang cách ly tại nhà sẽ bị khóa cổng, bàn giao chìa khóa cho chủ tịch xã và trưởng thôn. Các trường hợp F2 được kiểm tra sức khỏe, đo thân nhiệt hằng ngày. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã và trưởng các thôn có trách nhiệm cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ gia đình đang cách ly.

Về vấn đề các sự cố như thiên tai, cháy nổ có thể xảy ra cho người dân khi thực hiện khóa cổng, ôn Vui cho biết : "Chúng tôi đã tuyên truyền việc cháy nổ rồi. Ở đây là dân quê thì vườn tược rộng thoải mái hơn. Chúng tôi chỉ khóa cổng chứ không khóa cửa nhà".

Chỉ khóa cổng chứ không khóa cửa ? Nghĩa là sao ? Giãn cách, cách ly hay là nhốt tù ? Rõ ràng, ở đây, chính quyền xã đã cho phép họ cái quyền khóa trái, nhốt người dân trong chính căn nhà của họ, đây là vấn đề tối kị trong quyền tự do của con người. Chính quyền có quyền yêu cầu, thậm chí răn đe và dùng biện pháp thắt chặt an ninh ở các đầu hẻm để trình tình trạng người dân ra đường giao du gây nhiễm (ở đây là F2, chưa chắc đã bị nhiễm mà lo chuyện gây nhiễm !) chứ không được phép khóa cổng của dân. Bởi hành vi khóa cổng rồi giao chìa khóa cho trưởng thôn và chủ tịch xã giữ sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường nếu có sự cố cháy, nổ hoặc cần cấp cứu… Và còn nhiều thứ biến cố khác khó lường trước.

Nhưng trên hết, cho dù người dân có đồng ý khóa cổng thì chính quyền cũng phải biết giới hạn quyền lực của mình ở đâu. Đằng này, lãnh đạo địa phương còn chống chế rằng "chúng tôi không có khóa cửa nhà". Điều đó chỉ chứng tỏ nhận thức về chống dịch và pháp luật của cán bộ địa phương quá kém, không thể nói gì hơn. Và hơn nữa, dường như các chỉ thị, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vẫn có gì đó lòng vòng đối với họ nên mới xảy ra chuyện kỳ quái trên.

Trong khi đó, ở phiên họp gần đây nhất, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã "Phân tích diễn biến dịch bệnh trên thế giới, ngay cả các nước có điều kiện, tiềm lực kinh tế lớn vẫn bị động và quá tải về hệ thống y tế. Thủ tướng nhấn mạnh, phải xác định tính chất phức tạp, khốc liệt, khó lường, khó dự báo của dịch bệnh, phải xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải thích ứng và có cách làm phù hợp ".

Chủ trì cuộc họp với Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 với 1.060 xã, phường, thị trấn tại 20 địa phương sáng 29/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 - đã nghe báo cáo, đồng thời nhấn mạnh thêm một số nội dung các địa phương cần lưu ý khi triển khai thực hiện các biện pháp tăng cường giãn cách. 

Trên cả nước hiện có 23 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương không tham dự cuộc họp do các đoàn công tác của Ban chỉ đạo quốc gia vừa trực tiếp kiểm tra, làm việc tại các địa phương này từ 26-27/8.

Tại cuộc họp, Thủ tướng liên tục đặt các câu hỏi để làm rõ nhiều vấn đề, yêu cầu các đại biểu cần nói thẳng, nói thật trên cơ sở theo dõi sát tình hình, báo cáo kịp thời, nhất là về những nơi, những việc chưa làm tốt. Mục đích là để lãnh đạo nắm tình hình thực tế, có chỉ đạo phù hợp, kịp thời, hiệu quả.

"Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp ; phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài, chống là quan trọng, thường xuyên", Thủ tướng nêu rõ

Có một câu hỏi: Liệu mọi chính sách chống dịch là vì dân hay vì một thứ gì khác ? Và kết cục của việc chống dịch này là sao ?

Bởi nếu vì dân, thì ngay từ đầu, các vấn đề về dân sinh phải được quan tâm đúng mức, không để tình trạng bí bách, đói khó và trốn chạy vùng dịch như trốn chạy chiến tranh diễn ra khắp mọi nơi. Nếu vì dân (mà cho đến bây giờ, nếu thống kê nghiêm túc, người ta sẽ khó để trả lời rằng có bao nhiêu người chết Covid-19 bởi do tác động của đói khát, thiếu hụt dinh dưỡng, hoảng loạn dẫn đến mất sức sống). Và người ta cũng không thể nói được là có bao nhiêu người đã chết nơi gầm cầu, chết vì bị ghẻ lạnh giữa cộng đồng, chết vì một thứ gì đó chẳng liên quan đến dịch !

Đó là một kết cục buồn, bởi rồi cuối cùng, người ta cũng phải chấp nhận sống chung với dịch. Nhưng trước khi sống chung với dịch, nhân dân phải trải qua hoang mang, đói khổ, khủng bố tinh thần, mệt mỏi, tuyệt vọng, ngửa cổ kêu gào từng bữa ăn, than trời không thấu, chạy thục mạng tìm nơi an toàn, bị rào trước chặn sau, bị khóa trái cửa, bị đập cửa xông vào nhà bắt đi cách ly… Không có hành xử thú vật nào là người dân không nếm trải ! Để rồi, sống chung với dịch !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 02/09/2021

**********************

Cuộc chiến ‘không thắng không về’ giờ ra sao ?

Trân Văn, VOA, 02/09/2021

Từ chỉ đạo "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" (1), rồi leo lên cao hơn, buộc mỗi phường xã phải là một "pháo đài" (2), ông Phạm Minh Chính – Thủ tướng kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID của Việt Nam giờ đã tự xuống chân thang: Phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối (3).

chong3

Một chốt kiểm soát tại Sài Gòn.

Khi thú nhận như thế, không rõ ông Chính có nghĩ gì đến "Phong trào thi đua đặc biệt" mà ông – người kiêm cả vai Chủ tịch Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương phát động cách nay khoảng nửa tháng (14/8/2021) : Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19 (4) – hay không ?

Đặc biệt là khi thú nhận như thế, đã xuống thang nhưng trong 11 điều mà theo ông Chính là hệ thống công quyền phải lưu ý thì giải pháp vẫn thế, không có gì mới và chẳng có gì cụ thể. Dân chúng vẫn phải là chiến sĩ. Quân đội, công an vẫn phải thực thi cách ly người với người, nhà với nhà, xã phường với xã phường,

Đến giờ ai cũng có thể thấy chiến lược truy vết, cách ly, cô lập xem vaccine chỉ là nhân tố thứ yếu gây ra hậu quả thế nào cho cả kinh tế lẫn dân sinh và Thành phố Hồ Chí Minh chính là ví dụ minh họa rõ nhất. Đoàn quân "không thắng không về" (5), vừa được đưa vào trận để phát tất cả mọi thứ đến tận tay dân đã bỏ mục tiêu, chuyển sang "đi chơ hộ" – khiêm tốn hơn rất nhiều - nhưng vẫn không thành công nên rút lui chiến thuật, nhường mặt trận cho lực lượng shipper (6). Việc biến Thành phố Hồ Chí Minh thành chiến trường để thử nghiệm từ chiến lược đến các chiến thuật phòng, chống giặc Covid-19 là lý do, dẫu phong tỏa đã hơn ba tháng (dài hơn cả Vũ Hán, Trung Quốc) nhưng số ca nhiễm, số ca tử vong không giảm.

Đến giờ, Thủ tướng và các viên chức hữu trách từ trung ương đến địa phương mới chỉ chứng tỏ họ hữu khẩu, vô mưu ! Dân chúng Thành phố Hồ Chí Minh đang trả giá cho điều đó: Chết vì Covid-19, kiệt sức và bấn loạn bởi thiếu thốn đủ thứ từ thực phẩm cho đến các vật dụng thiết yếu không thể hình dung ngày mai ra sao, kiệt quệ về tài chính

Bởi hữu khẩu, vô mưu nên không ai tin vào những tuyên bố kiểu như bảo đảm an sinh xã hội, cung cấp kịp thời lương thực, thực phẩm và các dịch vụ thiết yếu, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thành ra mỗi lẫn hệ thống công quyền áp dụng chiến thuật mới, bất kể Covid-19 đang nội sinh, dân chúng vẫn chấp nhận nguy cơ phơi nhiễm, đổ ra đường để mua sắm, tích trữ. Những ngày vừa qua, trên mạng xã hội có khá nhiều video clip ghi lại cảnh dân chúng ở khu vực nào đó dắt díu nhau đến UBND phường nào đó, quận nào đó để chất vấn tại sao không nhận được cứu trợ như các viên chức hữu trách đã tuyên bố (7).

Hữu khẩu, vô mưu không chỉ hại dân. Ví dụ dựa vào chủ trương của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, các tuyên bố của Thủ tướng, khi thực hiện chuyên đề Chống virus tin độc xuyên tạc phòng chống dịch Covid-19 cho chương trình Đối diện phát sóng hôm 18/8/2021, VTV dõng dạc khẳng định: Sống chung với dịch Covid-19 là giọng điệu của đối tượng rắp tâm chống phá (phút 34:00 – 35:00). Mười ngày sau, nhận ra hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 đang đi từ thất bại này đến thất bại khác, Thủ tướng đổi giọng: Phải sống chung lâu dài với dịch bệnh và nghiễm nhiên trở thành một trong những đối tượng xuyên tạc kích động, chia rẽ như VTV lên án (8).

***

Ông Phạm Minh Chính đã đổi giọng nhưng động tác xuống thang dường như không phải vì dân, cũng chẳng phải vì dịch. Có vẻ như ông xuống thang vì sợ ngã. Thành ra tuyên bố không thể khống chế tuyệt đối Covid-19 không đi kèm bất kỳ chiến thuật – giải pháp nào khả thi và hệ thống công quyền các địa phương vẫn thản nhiên leo thang như trước

Truy vết, cách ly, cô lập theo kiểu "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" vẫn được tiến hành ở khắp nơi dù đó là nguyên nhân gia tăng lây nhiễm, nhân viên y tế kiệt sức, hệ thống y tế quá tải. Thiên hạ chưa hết sửng sốt vì ở Nghệ An, các viên chức hữu trách ở địa phương cạy cửa thông gió, đột nhập vào tư gia một phụ nữ bị nhiễm Covid-19, phá cửa phòng riêng, dùng bạt cuốn bà lại, mang vào khu cách ly (9) thì đã sững sờ vì tại Cà Mau, Chủ tịch phường 1, thành phố Cà Mau ra lệnh cưỡng bức một người đàn ông 49 tuổi, đem ông nhốt vào khu cách ly tập trung chỉ vì ông không hợp tác lấy mẫu test sàng lọc trong cộng đồng (10)

Trân Văn

Nguồn : VOA, 02/09/2021

Chú thích :

(1) http://baochinhphu.vn/Thong-cao-bao-chi/Thu-tuong-Pham-Minh-Chinh-chu-tri-Hoi-nghi-truc-tuyen-ve-phong-chong-COVID19/442573.vgp

(2) https://vnexpress.net/quan-doi-chu-tri-lo-luong-thuc-cho-tp-hcm-4343622.html

(3) https://vneconomy.vn/thu-tuong-xac-dinh-song-chung-lau-dai-voi-dich-khong-the-khong-che-tuyet-doi.htm

(4) https://ncov.moh.gov.vn/web/guest/-/6847912-388

(5) https://tuoitre.vn/bo-truong-bo-quoc-phong-phan-van-giang-day-la-tran-chien-khong-thang-khong-ve-20210823165825722.htm

(6) https://zingnews.vn/de-xuat-25000-shipper-duoc-hoat-dong-lien-quan-huyen-tphcm-post1256324.html

(7) https://www.facebook.com/104254281167149/posts/378681727057735/

(8) https://www.youtube.com/watch?v=4sqHn3_2zX8&ab_channel=CôngđoànngànhNôngnghiệpHưngYên

(9) https://www.facebook.com/100002755938991/posts/3956971707737988/

(10) http://baocamau.com.vn/tin/cuong-che-cach-ly-tap-trung-nguoi-dan-ong-khong-chap-hanh-xet-nghiem-covid-19-70098.html

*************************

Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược ?

Nguyễn Nam, VNTB, 02/09/2021

Cần thống nhất nhận thức khống chế dịch tuyệt đối là rất khó khăn, ngay cả nước có độ bao phủ cao về vắc xin, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và khó kiểm soát, nhưng phải có cách làm, phương án chống dịch thích ứng, phù hợp, hiệu quả với tinh thần đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết.

chong1

Sống chung với Covid nhưng vẫn cần phải chiến thắng đại dịch

Đoạn trích trên nằm ở "Kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương về công tác phòng, chống dịch Covid-19" hôm 29/8/2021.

Nội dung cuộc họp trực tuyến nói trên được đánh giá là bước ngoặt trong tư duy chống dịch Covid-19. Bởi virus Sars-Cov-2 sẽ tồn tại chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt, và đang tiếp tục sản sinh ra nhiều biến thể không lường được trong khi người tiêm đủ vắc xin vẫn nhiễm và lây truyền virus.

Cách tiếp cận vẫn phải theo phương châm 5K + vắc xin + công nghệ. Việt Nam sẽ phải sống chung với virus, khi nào dịch sắp lên đỉnh, đe dọa hệ thống bệnh viện quá tải thì sẽ tiến hành phong tỏa.

Cách diễn đạt của Thủ tướng Phạm Minh Chính, thực ra đang là ứng xử phổ biến hiện nay ở hầu hết các quốc gia.

Mấy tuần lễ trước, hàng loạt hiệp hội doanh nghiệp đã đề nghị thay đổi tư duy, cách thức chống dịch khi chính phủ đối thoại với doanh nghiệp. Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN khẳng định, các nước trên thế giới đều xác định sống chung với dịch trong ít nhất vài năm tới, kể cả khi đã phủ vắc xin cho toàn bộ dân số cần tiêm. Vì vậy không thể duy trì phong tỏa trong thời gian dài.

Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) bổ sung thêm, ngành thủy sản đã xác định sẽ phải "sống chung" với đại dịch lâu dài do nhiều chuyên gia dịch tễ và nhà kinh tế học đã nhận định nhân loại sẽ phải "sống chung với đại dịch".

Cho đến nay, cần minh định rõ, mục đích chính của tiêm vắc xin không phải để chống bị nhiễm, mà là hạn chế đến mức thấp nhất bị tử vong khi nhiễm, do vậy ai cũng cần được tiêm.

Thế nhưng khá bất ngờ khi trong ngày 1/9/2021, tin tức báo chí cho biết Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã có thư kêu gọi các tổ chức, các nhà khoa học trong lĩnh vực sức khỏe tiếp tục đồng hành, chung sức phòng chống dịch Covid-19, cùng cả nước chiến thắng đại dịch Covid-19.

Rất có thể ở đây chỉ là mẫu câu ‘hô khẩu hiệu’ dạng ‘quen tay’ của bộ phận thư ký khi soạn văn bản cho bộ trưởng, bởi nếu vẫn giữ tâm thế chiến thắng đại dịch Covid-19 là ‘thắng giặc’, thì mọi chuyện sẽ trở lại vòng luẩn quẩn như lâu nay.

Sẽ thuyết phục hơn khi người đứng đầu Bộ Y tế cầu thị kêu gọi các tổ chức, các nhà khoa học không phân biệt chính kiến chính trị, xoay quanh những điều mà dường như cả hệ thống chính trị của Việt Nam vẫn còn gì đó lấn cấn, nên rất cần sự yểm trợ ‘bên ngoài’ – bởi người Việt mình hay nói đại ý, người ở trong thì quáng, ở ngoài thì sáng :

(a) Chúng ta sẽ phải sống chung ra sao với con virus này, vì chúng ta không có cách nào xoá bỏ nó ;

(b) Mục tiêu là đạt miễn dịch cộng đồng tạm thời. Chỉ tạm thời thôi, bởi vì khi biến thể Delta xuất hiện thì tất cả trở nên vô nghĩa ;

(c) Có ý kiến rằng hai cách để đạt miễn dịch cộng đồng : tiêm vaccine và tự nhiên (sau khi bị nhiễm và bình phục sẽ có kháng thể) ;

(d) Đa số các ca nhiễm sẽ tự bình phục mà không cần đến đặc trị ;

(e) Nhưng một số nhỏ ca nhiễm cần phải nhập viện và khi nhập viện họ có nguy cơ tử vong cao.

Xin nhớ rằng chúng ta chỉ sống chung với con virus thôi ; không thể sống chung với dịch về lâu dài. Rất có thể ở đây ông thủ tướng ‘thuận miệng’, hoặc vì là chưa phân biệt rõ hai khái niệm ‘sống chung với virus’ và ‘sống chung với dịch’ nên đôi khi dễ dính vạ miệng khi diễn đạt dễ hiểu lầm là ‘sống chung với dịch’ vậy thôi.

Nguyễn Nam

Nguồn : VNTB, 02/09/2021

**********************

Đảng cộng sản Việt Nam đánh mất cơ hội đánh bóng quân đội trong đại dịch covid-19

Nguyễn Tân Định, VNTB, 02/09/2021

Việc đi chợ hộ nằm trong hoạt động tuyên truyền chính trị quan trọng nhất nay đã phá sản

chong2

Hàng vạn quân nhân được võ trang từ miền Bắc vào thi hành nhiệm vụ giữ nghiêm lệnh phong tỏa ở Sài Gòn, nhưng quân đội đã không hoàn thành vai trò được giao.

Đợt thứ tư đại dịch covid-19 khiến Thành phố Hồ Chí Minh, nơi là trụ cột của nền kinh tế Việt Nam, nơi đông dân nhất và đông người nhất không có thiện cảm với chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam, trở thành sân khấu của các thảm họa chưa từng có. Chính quyền đã ban hành lệnh giới nghiêm, phong tỏa, dãn cách thành phố này trong tình trạng mà họ gọi là siết chặt hơn Chỉ thị 16, không khác mấy với thiết quân luật. Người cách ly với người, nhà cách ly với nhà, khu xóm cách ly… nội bất xuất, ngoại bất nhập. Họ đưa hàng vạn quân nhân được võ trang từ miền Bắc vào thi hành nhiệm vụ giữ nghiêm lệnh phong tỏa. Nhưng quân đội đã không hoàn thành vai trò được giao.

Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ khẳng định, việc tăng cường các lực lượng, trong đó có công an, quân đội, là vấn đề rất cần thiết và mang tính quyết định trong phòng chống dịch.

Quyền lực của nhà nước từ trước đến nay vẫn đè nặng trên người dân, bỗng một sớm một chiều ập xuống bao trùm kín toàn thành phố hơn 10 triệu dân và 18 tỉnh thành phố phía Nam khi quân đội từ bắc vào tham gia chống dịch. Lấy cớ phòng chống dịch, chính quyền ngăn cản người dân ra đường. Họ sử dụng quân đội, công an, cảnh sát cơ động và tận dụng cả dân quân, lực lượng hung hăng nhất được huấn luyện thay thế các lực lượng mặc sắc phục công an, cảnh sát làm các việc không đẹp mắt mọi người trong nhiều tình huống.

Ban chỉ đạo phòng chống dịch giao trách nhiệm rất lớn lên quân đội. Những ngày đầu quân nhân mang theo vũ khí hiện diện khắp nơi trong mọi công việc ‘an dân’, phù hợp với lời tuyên bố chống dịch như chống địch của cấp lãnh đạo cao nhất. Toàn bộ Sài Gòn chìm trong không khí chiến tranh. 

Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng biện pháp cách ly, giới nghiêm trong tiến trình ngăn chặn lây lan dịch bệnh, cũng có một số nước sử dụng quân đội, nhưng dù có mượn đến tay quân đội hay không các quốc gia thường linh động, mềm dẻo trong thực biện pháp này.

Tại Hoa kỳ chẳng hạn, trong những ngày đen tối nhất lúc đầu đại dịch, hoàn toàn chưa có vaccine, thuốc chữa, lệnh phong tỏa, giới nghiêm được ban hành tại một số city, hay quận hạt, không cho tụ tập đông người, các quán bar, trung tâm giải trí, nhiều cơ sở thương mại phải đóng cửa, các nơi thờ tự ngay cả đám tang bị giảm tối thiểu số người tham dự, chính quyền tìm phương kế cho người dân tự thỏa mãn các nhu cầu tối thiểu của họ, cho phép người dân đi chợ, mua thuốc men, khuyến khích người dân ra ngoài đường đi bộ hay giải trí, tập thể thao trong công viên miễn là tôn trọng khoảng cách xã hội với người không cùng gia đình. Các siêu thị mở cửa toàn thời gian, chỉ điều phối lượng khách ra vào, dành riêng 2, 3 giờ buổi sáng sớm, sau khi chợ đã được khử trùng kỹ lưỡng vào đêm trước, mở của cho người già vào mua sắm. Chính quyền không ngăn cản ông bà, con cháu ở khác nhà được đến thăm nhau, chỉ khuyên đứng ngoài nhìn nhau, nói chuyện qua phone, không nên vào nhà.

Để đền bù vào các thiệt hại do, thiếu hụt tài chánh, mất việc làm, chính phủ ban hành ngay những gói cứu trợ khẩn cấp. Mọi người đều nhận được các thông tin, tư vấn về bệnh dịch, về tâm lý trong thời gian giãn cách, các đường dây điện thoại hoạt động 24/24 tư vấn cho người dân. Hai gói tiền cứu trợ của liên bang, cách nhau một tháng, được gửi ngay vào tài khoản ngân hàng hay ngân phiếu qua bưu điện đến nhà những người, những gia đình có lợi tức được tính từ thấp đến đụng trần của giai cấp trung lưu cấp cao. Người dân không ai phải làm bất cứ giấy tờ cá nhân để khai báo tình trạng của mình. Hàng chục triệu người về hưu, người tàn tật, học sinh, sinh viên, trẻ sơ sinh và ngay cả người đang trong lao tù vẫn được nhận tiền trợ cấp. Một gia đình 4 người, cha mẹ làm mỗi ngày trong xí nghiệp gia công nhựa, làm thêm vào mỗi 2 ngày cuối tuần vì các đòi hỏi cấp thiết của thị trường về các chai nhựa đựng cồn, thuốc rửa tay, đã nhận 2 đợt trợ cấp của chính phủ tổng cộng lên đến 8.400 đô la. 

Để gọi là siết chặt Chỉ thị 16, chính quyền, một cách hợp pháp, nhanh chóng tước hoàn toàn quyền tự do đi lại của người dân. Người cách ly người, nhà cách ly nhà, khu phố cách ly khu phố, ra ngoài đường phải có giấy phép đặc biệt, thậm chí nhu cầu thiết yếu là mua thực phẩm cũng bị cấm. Để có thể giữ người dân không di chuyển đến mức tối đa, đồng thời với mục đích chính trị, để ‘dân-quân gần gũi nhau, thể hiện tình cá nước’, chính quyền giao cho quân đội trách nhiệm "đi chợ hộ" dân. Nhà nước Việt Nam trong kỳ đại dịch covid-19 đã triển khai sức mạnh "cơ bắp" lớn nhất trong thời bình đối với những nơi họ siết chặt Chỉ thị 16.

Hình như phần lớn người dân chấp nhận những quyền tự do, đã bị hạn chế trước kia, lại bị mất hết trong lúc này để đổi lấy sư an toàn trong dịch bệnh. Tình hình dịch bệnh có thể khá hơn bằng cách áp dụng những biện pháp rất cứng rắn, nhưng những biện pháp đó đã làm khổ người dân vì kèm theo những bất hợp lý, tham nhũng, quan liêu hống hách, đặc biệt của đám dân quân, tổ trưởng gần gũi người dân nhất khiến họ bất bình. Không ít hành vi chống đối, xô xát, đến đánh nhau của người dân và nhân viên công lực, thậm chí có người dùng xe đâm thẳng vào các chốt chặn kiểm soát. Giải pháp cho lính tráng, những người chỉ được huấn luyện cầm súng tác chiến xách giỏ đi chợ và giao đến tận nhà người dân bị vỡ kế hoạch. Người dân thiếu ăn, từ trước trông chờ các nhóm từ thiện, nay vừa không nhận được tiền cứu trợ, lại không được đi chợ mua các thứ vừa túi tiền, và bế tắc vì không nhận được hàng giao tận nhà. Các quân nhân từ miền Bắc, đa số là nông dân thất bại hoàn toàn trong vai trò người nội trợ đảm đang, chăm sóc miếng ăn cho hàng triệu người sống trong các khu lao động Sài Gòn. Nhà nước cấm cửa các shipper, những người giao hàng chuyên nghiệp, thuộc tất cả các đường đi, nước bước, ngõ ngách như mê cung của Sài Gòn.

Nếu thành công trong việc dẹp dịch kiểu quân phiệt này có lẽ uy tín của quân đội và chính phủ sẽ lên cao. Nhưng chỉ chưa đến một tuần lễ sau ngày lệnh siết chặt Chỉ thị 16, kế hoạch này đã vỡ. 

Trong một tuần lễ các chỉ thị, lệch lạc và các lời tuyên bố về chiến thuật chống dịch của từ cấp lãnh đạo ban chỉ đạo chống dịch, thủ tướng, xuống các cấp phó và bí thư, chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh thay đổi nhanh như chong chóng và nhiều khi chõi lại nhau.

Bộ trưởng quốc phòng tuyên bố chỉ rút quân khi hết dịch "Chưa thắng chưa về". Bí thư Nguyễn Văn Nên có vẻ mong muốn quân đội rút về Bắc sớm khi nói : "tranh thủ lực lượng hỗ trợ còn ở bên cạnh, phối hợp, chia sẻ, tận dụng tối đa trong thời gian ngắn để đạt được kết quả mong muốn trước khi chia tay".

Thủ tướng, trưởng ban chỉ đạo quốc gia nhấn mạnh tư tưởng chỉ đạo là lấy xã, phường làm pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ phòng, chống dịch, mỗi phường, xã là một pháo đài chống dịch, nhưng ngay sau đó ông nhấn mạnh với 312 phường, xã trong buổi làm việc trực tuyến chiều tối có thể di dời dân đến chỗ khác.

Hôm nay, 1/9 Thủ tướng Phạm Minh Chính nói phải chấp nhận tình trạng đại dịch sẽ còn kéo dài diễn biến phức tạp và khó lường. Trước đó, ngày 14/8. ông khẳng định như đinh đóng cột : "Nhất định chúng ta sẽ sớm chiến thắng đại dịch Covid-19" 

Hai hôm trước đây, quyết định làm giảm gần hết vai trò ‘rất cần thiết và mang tính quyết định của quân đội’ là chấm dứt việc ‘đi chợ hộ dân’ Việc này giao trả lại cho hơn hai sư đoàn quân shipper thiện chiến của thành phố, những người dân chuyên nghiệp trong việc mua, giao hàng phục vụ hàng triệu người dân và thông thạo mê cung thành phố như lòng bàn tay. Vai trò chính trị quan trọng là ‘an dân’ của quân đội giảm bị đứt gẫy.

Khi hàng sư đoàn lính miền Bắc được nhanh chóng tăng viện vào Sài Gòn giữ vai trò thiết yêu dập dịch như lời các vị lãnh đạo của họ nói, nhiều người tỏ ra nghi ngờ động cơ chính trị và quân sự phía sau của động thái này, trong đó việc đi chợ hộ nằm trong hoạt động tuyên truyền chính trị quan trọng nhất nay đã phá sản. Đảng cộng sản Việt Nam đã đánh mất cơ hội lợi dụng đại dịch để đánh bóng quân đội trong mắt người dân miền Nam Việt Nam vốn từ lâu không thân thiện với đảng. 

Người Tân Định

Nguồn : VNTB, 02/09/2021

**********************

Chiến sĩ công an quý hơn tu sĩ, bác sĩ, y sĩ… !

Người Tân Định, VNTB, 31/08/2021

Sự phân biệt đối xử giữa người dân và lực lượng công an của đảng được nhìn thấy rõ ngay trong tình trạng nguy hiểm của cả nước lúc này.

chong03

Bộ Công an tổ chức khánh thành bệnh viện dã chiến Phước Lộc có quy mô 300 giường điều trị cho cán bộ, chiến sĩ công an mắc Covid-19

Ngày 30/8, trang mạng VNMedia.vn đưa tin tại huyện Nhà Bè (Thành phố Hồ Chí Minh), Bộ Công an đã tổ chức khánh thành bệnh viện dã chiến Phước Lộc có quy mô 300 giường điều trị cho cán bộ, chiến sĩ công an mắc Covid-19 (1).

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết : Ngay khi dịch Covid-19 xuất hiện hay khi dịch bùng phát mạnh ở nhiều tỉnh phía Nam và Thành phố Hồ Chí Minh thì lực lượng công an đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Và đã có hơn 2.000 chiến sĩ bị nhiễm Covid-19, hơn chục chiến sĩ hy sinh.

Trước diễn biến của dịch bệnh, Bộ Công an đã chỉ đạo khẩn trương thiết lập bệnh viện dã chiến Phước Lộc có quy mô 300 giường, điều trị cho cán bộ, chiến sĩ công an mắc Covid-19. Chỉ trong một tuần lễ, bệnh viện đã hoàn thành với sự góp ý về mặt chuyên môn của các chuyên gia Bệnh viện Nhiệt đới ; Bệnh viện Bạch Mai ; Bệnh viện Việt Đức. Bước đầu, bệnh viện đảm bảo 100 giường phục vụ tốt cho hồi sức cấp cứu bệnh nhân nặng.

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an nói : "Trong quá trình lập bệnh viện này chúng tôi được Bộ Y tế, UBND Thành phố Hồ Chí Minh, các lực lượng, các nhà tài trợ rất quan tâm, hỗ trợ để bệnh viện đi vào hoạt động sớm nhất và nhanh nhất".

Tới dự buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn trực tiếp tặng quà thiết thực, ý nghĩa cho Bệnh viện Dã chiến Phước Lộc. Bệnh viện Bạch Mai cùng nhiều tổ chức đã tặng các mặt hàng thiết yếu cho Bệnh viện Dã chiến Phước Lộc với sự hỗ trợ về chuyên môn của những bệnh viện đầu ngành của ngành y tế và sự hỗ trợ của nhiều ngành với mong muốn công tác điều trị cho các cán bộ, chiến sĩ được tốt nhất. Bệnh viện này đã được gấp rút hoàn thành sau 7 ngày thi công (2).

Việc xây bệnh viện dã chiến cho riêng chiến sĩ công an mắc dịch vì "có đến hơn chục chiến sĩ hy sinh" với sự hỗ trợ về chuyên môn của những bệnh viện đầu ngành y tế và sự hỗ trợ của nhiều ngành khác, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của ngành công an nói riêng và của chính phủ, Đảng cộng sản Việt Nam nói chung cho công an, những cán bộ chiến sĩ then chốt bảo vệ đảng. Hơn một chục chiến sĩ công an hy sinh trong ‘trận chiến’ chống dịch có lẽ, theo suy nghĩ của Đảng cộng sản Việt Nam, đã là một một thiệt hại rất to lớn và đau xót cho lực lượng thanh gươm và lá chắn của đảng, cho nên dành ra một bệnh viện riêng để việc chữa chạy cho các chiến sĩ, cán bộ ‘được tốt nhất’ là điều khẩn thiết.

Người ta nhớ lại, vì bệnh nhân dịch covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng chóng mặt, chính quyền đã cho xây hàng tá bệnh viện dã chiến để điều trị chung cho mọi thành phần dân chúng. Sự thiếu hụt nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều người tử vong, chính quyền phải kêu gọi sự tình nguyện tham gia giúp đỡ của người dân. Nhóm nhanh nhất, đông nhất đáp ứng các lời kêu gọi nhập cuộc, lao vào vùng nguy hiểm nhất, cùng những nhân viên y tế là các tu sĩ thuộc đủ các tôn giáo. Ngày 20/8/2021, 8 linh mục và 84 tu sĩ công giáo đã tình nguyện đi phục vụ bệnh nhân covid-19, nâng số tu sĩ công giáo phục vụ trong các bệnh viện lên đến 342 người (3). Những tu sĩ công giáo này cùng hàng trăm tu sĩ các tôn giáo khác như Phật giáo, Tin Lành… lao vào bệnh viện giúp bệnh nhân bên cạnh hàng trăm tu sĩ âm thầm tham gia các nhóm từ thiện cứu trợ thuốc men, thực phẩm cho người nghèo là nguyên nhân nhiều vị bị lây nhiễm, đã chết, nhiều vị còn đang trong nằm trong bệnh viện với tình trạng nguy kịch.

Bộ phận chính chống dịch là nhân viên y tế tuyến đầu. họ phải gánh chịu khó nhọc và nguy hiểm "đến chết người". Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết, Tính đến ngày 20/8, trong cuộc chống dịch Covid-19, đã có khoảng 2.380 nhân viên y tế bị mắc Covid-19. Có nhiều người trong họ đã tử vong như Bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn (60 tuổi, Trưởng trạm Y tế xã Phước Lộc thuộc Trung tâm y tế huyện Nhà Bè), điều dưỡng hạng IV Trần Thị Phương Hằng (42 tuổi, công tác tại Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Nhân Dân Gia Định), hộ sinh Dương Nguyễn Thuỳ Trinh, nhân viên Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương… 

Các bác sĩ, y tá, tình nguyện viên phục vụ bệnh nhân đại dịch lăn lộn trong trung tâm nguy hiểm nhất của cuộc chống dịch, họ cùng các nhân viện y tế làm việc không ngơi nghỉ, túc trực 24/24 bên bệnh nhân trong các bộ đồ bảo vệ vô cùng nóng bức, ngột ngạt, thân thể rã rời, mất nước, mất sức đến ngất xỉu và không ít những người trong họ đã bị lây nhiễm từ nhẹ đến rất nặng và tử vong từ các bệnh nhân mà họ chăm sóc. Họ đã chết trong cùng bệnh viện với các bệnh nhân của họ mà không cần một sự chăm sóc đặc biệt hơn, tốt hơn các bệnh nhân, lại càng không nghĩ đến được chăm sóc trong bệnh viện có các điều kiện "tốt nhất" như bệnh viện dã chiến dành cho các chiến sĩ công an vừa được ‘khánh thành’ trên 

Cống hiến của các nhân viên y tế và các tình nguyện viên trên tuyến đầu phòng, chống dịch và các chiến sĩ công an có vị trí khác nhau, nhưng khách quan nhận định nguy cơ lây nhiễm của họ có khác nhau, ai cũng có thể thấy điều này. So sánh với khoảng 2000 chiến sĩ công an bị lây nhiễm trên tổng số hàng triệu người trong lực lượng này thì 2380 người trong lực lượng y tế, không kể các tình nguyện viên, các tu sĩ, tỷ lệ chênh lệch nhau nhiều.

Chắc chắn các bác sĩ, y tá, các tu sĩ, tình nguyện viên đều không than van cho số phận của họ khi bị lây nhiễm hay thậm chí hy sinh. Họ có lẽ đã vui lòng được chữa trị, và chết chung trong bệnh viện nơi họ đang hy sinh chăm sóc cho bệnh nhân, nhưng người ta không thể không chạnh lòng khi thấy một bệnh viện được xây dựng riêng, với những phương tiện tốt nhất, với sự giúp đỡ của các bác sĩ hàng đầu từ các bệnh viện hàng đầu với 300 giường bệnh để chăm sóc riêng cho công an bị nhiễm bệnh. Sự phân biệt đối xử giữa người dân và lực lượng công an của đảng được nhìn thấy rõ ngay trong tình trạng nguy hiểm của cả nước lúc này.

Người Tân Định

Nguồn : VNTB, 31/08/2021

Ghi chú :

(1) https://vnmedia.vn/su-kien-va-van-de/202108/tphcm-khanh-thanh-benh-vien-da-chien-phuoc-loc-a9c7f96/

(3) https://cand.com.vn/Hoat-dong-LL-CAND/bo-cong-an-khanh-thanh-dua-vao-hoat-dong-benh-vien-da-chien-dieu-tri-covid-19-i626248/

(3) https://www.youtube.com/watch?v=QsGcMe9BZ3o

*******************

Bình Dương : nói một đằng, làm một nẻo ?

Thúy An, VNTB, 02/09/2021

Tính đến thời điểm 1/9/2021, theo ghi nhận, Bộ y tế đã phân bổ cho Bình Dương tổng hơn 2 triệu liều vắc xin phòng Covid-19, gồm 1 triệu liều Sinopharm, 142.740 liều Pfizer, 149.520 liều Moderna, còn lại là AstraZeneca…

chong04

Ngày 2/9/2021, Quốc khánh của Việt Nam, cũng là ngày đầu tiên tỉnh Bình Dương thực hiện chích ngừa phòng Covid-19 bằng vắc xin Trung Quốc : Sinopharm.

Dựa trên những gì đã và đang diễn ra trong đợt bùng dịch lần này, đa số các loại vắc xin có mặt ở các địa phương, phân bổ như thế nào là từ Bộ y tế. Mặc dù, vì sức khỏe người dân, các địa phương (trong đó cả Thành phố Hồ Chí Minh) liên tục đề nghị Bộ y tế cung cấp đủ vắc xin để có thể đảm bảo chích đủ mũi 1 cho toàn dân cũng như bổ sung mũi 2 cho những người đã… tới hạn.

Và rồi, Bộ y tế lại chỉ đạo phân bổ vắc xin Trung Quốc về cho Bình Dương. Một loại vắc xin mà ngay cả tư nhân cũng có thể mua dễ dàng, và lúc được biếu không, Bắc Hàn đã từ chối thẳng thừng luôn cả số lượng lên tới 3 triệu liều.

Động thái quen thuộc trên mạng xã hội như đợt Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị chích ngừa vắc xin Vero Cell cho nhiều người dân, tuyên truyền, lại thấy trở lại với các trang thông tin liên quan đến Bình Dương.

Từ việc quảng cáo cho vaccine Sinopharm như : "Ngày 7/5/2021, là vaccine thứ 6 được tổ chức y tế thế giới WHO công nhận ghi nhận hiệu quả bảo vệ 78,2%. Là vắc xin đầu tiên sử dụng công nghệ bất hoạt trong danh sách sử dụng khẩn cấp EUL. Đã cung cấp hơn 70 quốc gia.

Ngày 3/6/2021, Bộ y tế phê duyệt sử dụng khẩn cấp. Là vắc xin thứ 3 được Bộ y tế phê duyệt. Cuối tháng 7/2021, Quảng Ninh triển khai tiêm hơn 88000 liều mũi 1. Tháng 8/2021, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tiêm hơn 900.000 liều Vero Cell cho người dân".

Sau đó, lại tiếp tục với câu tuyên truyền quen thuộc : "Vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất".

Cho đến một câu "bông đùa" : "Hãy ‘chích’ đi ‘chích’ đi đừng ngại ngùng. Vero Call (Trung Quốc) đã được kiểm định, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai… người ta tiêm nhiều rồi nè".

"Bình Dương đã bắt đầu triển khai tiêm vắc xin Vero Cell của Sinopharm (Trung Quốc) mà địa phương đang triển khai tiêm cho người dân. Theo giám đốc sở y tế Bình Dương, đã có hàng trăm quốc gia sử dụng loại vắc xin này. Thực tế cho thấy, hiện nay Trung Quốc, Singapore hầu hết người dân được miễn dịch và gần như trở lại trạng thái bình thường".

"Cũng không có gì bất ngờ cho lắm, muốn người ta đi chích thì tuyên truyền, hoặc thậm chí như là ‘ép buộc’ theo kiểu chích sớm đi mới có thể mở giãn cách được như lời ông gì đó ở Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu, hay chờ mấy loại vắc xin kia thì tới bao giờ… Tôi theo dõi tin tức trên mạng, thấy lúc trước khi chuẩn bị chích diện rộng Vero Cell, Thành phố Hồ Chí Minh cũng tuyên truyền, khen ngợi vắc xin Trung Quốc đó thôi.

Dĩ nhiên, có thể, đó không hẳn là ý muốn của các vị chính quyền địa phương, nếu lôi họ ra chửi, xem ra chưa đúng vấn đề. Đáng trách hơn hết là Bộ y tế, anh tìm vắc xin kiểu gì, mà dân họ không tin, phải dùng tới tuyên truyền, dẫn chứng và lải nhải. Có nơi ở thành phố còn mém xảy ra mâu thuẫn đưa đến bạo lực. Các y bác sĩ phải bắt loa giải thích cho dân hiểu" – một nhà báo ở ngay địa phương ‘tỉnh nhà’ Bình Dương, ý kiến.

Là một trong những tỉnh, thành nhập vắc xin Vero Cell của hãng Sinopharm, Trung Quốc nhiều nhất, công khai trên truyền thông, Thành phố Hồ Chí Minh cũng không lựa chọn vắc xin này cho phụ nữ có thai, cho con bú chích ngừa Covid-19. Dễ dàng kiểm chứng qua tìm kiếm thông tin chích ngừa của các thai phụ ở bệnh viện Từ Dũ, Hùng Vương… trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Cũng tính toán như thành phố, thông báo về việc tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn phường Phú Hòa, tỉnh Bình Dương, phụ nữ có thai và đang cho con bú nằm trong diện trong tổ chức tiêm, nhưng không sử dụng Vero Cell. Song theo báo chí ghi nhận, có nơi trong Bình Dương vẫn tiêm cho phụ nữ đang cho con bú loại vắc xin Vero Cell.

Thông báo một đằng, nhưng lại âm thầm thực hiện một nẻo. Câu hỏi đặt ra, liệu rằng, với tất cả những gì gọi là tuyên truyền về chất lượng của vắc xin Trung Quốc mang tên Sinopharm đang có mặt tại Việt Nam, có đúng hay không ? "Một lần bất tín, vạn lần bất tin".

Bí thư tỉnh ủy tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Lợi, quê quán ở xã An Lạc, quận Bình Chánh, tỉnh Gia Định. Là một người miền Nam, mong rằng, ông sẽ không vì bất cứ lý do gì hay bất kỳ một ai, mà để cho đồng bào của mình phải khó khăn hay lo lắng về vắc xin, về sức khỏe.

Bình Dương đã từng có rất nhiều chủ tịch, bí thư đời trước, hết lòng vì người dân…

Thúy An

Nguồn : VNTB, 02/09/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Viết từ Sài Gòn, Trân Văn, Nguyễn Nam, Người Tân Định, Thúy An
Read 983 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)