Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/09/2021

Giáo dục rối loạn trong bối cảnh chuyển đổi sang thị trường, vì sao ?

Phạm Quý Thọ

Ông Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo của nhiệm kỳ trước (2016-2021) vừa bị mất chức chỉ là giọt nước tràn ly của những bức xúc xã hội về tình hình giáo dục rối loạn trầm trọng và kéo dài. Nhiều chính sách giáo dục lạc hậu chậm sửa đổi hoặc bãi bỏ ; Ngân sách cho giáo dục luôn đòi hỏi phải tăng nhưng việc phân bổ theo cơ chế xin cho, chạy dự án và việc hạch toán thiếu công khai, minh bạch gây thất thoát lãng phí ; Gian lận có tổ chức trong thi cử ở nhiều địa phương ; Nạn buôn bán bằng giả và, thậm chí bằng thật nhưng "học giả" để trục lợi ; Nhóm lợi ích nghiêm trọng trong mua sắm trang thiết bị giáo dục ; Độc quyền xuất bản và phát hành sách giáo khoa ; Huy động nhiều ngàn tỷ đồng biên soạn hệ thống sách giáo khoa tốn kém, nhưng còn gây tranh cãi về chuyên môn, hạch toán kinh phí do thiếu cơ chế đánh giá, kiểm định độc lập ; Các hành vi trù dập giáo viên và khiếu kiện gia tăng… Tha hóa quyền lực khiến nhiều quan chức trong ngành giáo dục suy thoái biến chất, bị kỷ luật đảng hay bị trừng phạt bởi pháp luật.

giaoduc0

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đổ lỗi "học sinh sinh viên bán dâm bị đuổi" là do cấp dưới - Ảnh minh họa

Chuyển đổi giáo dục phải được đặt trong bối cảnh chuyển đổi kinh tế sang thị trường, nhưng để có những giải pháp chính sách đột phá, cần có cách tiếp cận đặc thù đánh giá thực trạng, xác định các nguyên nhân sâu xa của tình trạng rối loạn, trong đó chủ yếu do: Phương thức quản lý giáo dục tập trung dựa vào hệ thống các tiêu chuẩn cứng nhắc và quá trình thị trường hóa giáo dục kiểu "dò đá qua sông" xuất phát từ chủ trương xã hội hóa có tính đối phó.

Trước hết, việc duy trì hệ thống các chuẩn mực thống nhất dưới hình thức các kiểu bằng cấp, chứng chỉ, giấy xác nhận, quy định… trong ngành giáo dục như các công cụ điều hành và kiểm soát hoạt động giáo dục phản ánh phương thức quản lý giáo dục theo cơ chế tập trung thời bao cấp. Các đối tượng quản lý đều có quy định tiêu chuẩn chung, thống nhất về chính trị, chuyên môn nghề nghiệp và thậm chí lý lịch gia đình. Chẳng hạn, giấy xác nhận hoàn thành chương trình giáo dục lý luận chính trị của Đảng đã từng là yêu cầu bắt buộc đối với các giáo viên làm việc trong các cơ sở đào tạo ngoài hệ thống trường chính trị. Đối với các giáo viên mầm non trường công lập, ngoài bằng cấp chuyên môn cần có thêm cả chứng chỉ tin học và ngoại ngữ. Đối với học sinh, các quy định thống nhất về đánh giá xếp loại điểm và đạo đức… Để có trình độ tiến sĩ bạn cần có các yêu cầu chung về bài báo khoa học đăng ở đâu hoặc trình độ ngoại ngữ như thế nào…

Một tiêu chuẩn chung về giáo dục thường mang tính trung bình xã hội có thể là công cụ lượng hóa trình độ kiến thức và kỹ năng nhằm ban hành những chính sách thích hợp để nâng cao hơn, nhưng đồng thời nó cũng có thể là ranh giới chia xã hội thành hai nửa, nửa trên có nhiều cơ hội hơn và nửa dưới thì ngược lại. Trong điều kiện cung cầu lao động mất cân đối, các chuẩn bằng, cấp, chứng chỉ có thể là hàng rào ngăn cản nhu cầu tìm kiếm việc làm. Đây có thể là một nguyên nhân nạn bằng giả hay các tiêu cực trong đào tạo, sử dụng lao động. Đặc biệt trong khu vực nhân lực công tiêu chuẩn bằng cấp không chỉ được coi như yêu cầu về chuyên môn, mà còn được coi như một ưu thế "cạnh tranh" vào biên chế nhà nước hay cho mục đích thăng tiến trong sự nghiệp. Nhiều quan chức sau một số năm công tác đã bị phát hiện sử dụng bằng giả. Cuối cùng, như một hiệu ứng, các hiện tượng tiêu cực lây lan sang khu vực phi kết cấu, thị trường lao động. Bằng cấp trở nên "có giá" và "sính" bằng cấp trở thành quốc nạn.

Để kiểm soát toàn diện các hoạt động giáo dục giới lãnh đạo Đảng đã "nghĩ" thay người dân, như thế này là tốt và như thế kia là không và xác định mức độ trung bình được gọi là tiêu chuẩn chung. Chúng được quy định dưới hình thức các văn bản pháp luật mang tính áp đặt kiểu như "muốn làm lãnh đạo hãy trở thành đảng viên", thể hiện công quyền và lợi thế cho các nhà quản lý, gây tổn hại nhân cách người lao động. Hơn thế, tư duy quản lý qua tiêu chuẩn hóa đã đẻ ra hệ thống các văn bản pháp quy phức tạp, chồng chéo và bộ máy quản lý và biên chế cồng kềnh, phình to và trì trệ.

Thực tế cho thấy việc sử dụng công cụ tiêu chuẩn hóa kiến thức và kỹ năng để nhà nước quản lý giáo dục tập trung đã không còn phù hợp với thời kỳ chuyển đổi sang thị trường. Sự phân hóa các cơ sở giáo dục là tất yếu và quá trình tiêu chuẩn hóa cần được tăng cường trong mỗi cơ sở để tạo ra phương pháp quản lý khoa học và hiệu quả. Đây là cách tiếp cận thị trường hóa để chuyển đổi giáo dục.

Cùng với việc cho phép thành lập có điều kiện mô hình giáo dục dân lập, tư thục thì chính sách học tập mất phí là bước chuyển đổi đột phá sang thị trường, đặc biệt đối với đào tạo chuyên môn và nghề nghiệp. Nhà nước kiểm soát nghiêm ngặt mức tăng học phí qua mỗi giai đoạn như khống chế mức trần, nhưng luôn là mức mà các cơ sở đào tạo công lập hướng đến, và đối với các trường tư thục được phép thu phí ở mức cao hơn. Mặc dù, mức học phí có kiểm soát như vậy không phản ánh cung cầu giáo dục, nhưng cũng đã dần tạo ra sự phân hóa các cơ sở giáo dục, đào tạo và làm thay đổi thái độ và hành vi của người dạy và người học, mối quan hệ giữa họ và giữa họ với các trường. Tuy nhiên, chuyển đổi giáo dục sang thị trường đòi hỏi thay đổi cơ bản về sở hữu, cơ sở vật chất và năng lực quản lý để tiến tới tự do hóa phí giáo dục đào tạo, học phí cũng như tiền lương giáo viên.

Tự chủ hóa các cơ sở đào tạo công lập là chính sách quan trọng khác chuyển đổi giáo dục sang thị trường. Các nhà hoạch định muốn duy trì mô hình các trường công lập, giảm dần cấp phát từ ngân sách nhà nước và đòi hỏi dần tự chủ tài chính. Trong quá trình thí điểm, nhiều trường đã cảm nhận khó khăn trước sức ép "tự kiếm sống", một số trường điểm có cơ sở vật chất và năng lực đã có khả năng thích ứng đang đòi hỏi quyền tự chủ lớn hơn, không chỉ tăng mức đóng học phí mà cả tổ chức và nhân sự. Ngoài ra, việc tổ chức mô hình "Hội đồng trường" như phương thức quản lý đã không thành công. Xung đột lợi ích ngày càng căng thẳng và những kẽ hở pháp luật ngày càng lớn để trục lợi, tham nhũng cũng như vi phạm dân chủ cơ sở.

Hai chính sách chuyển đổi giáo dục trên là điển hình cho chủ trương xã hội hóa các lĩnh vực văn hoá, giáo dục và dịch vụ xã hội không mang tính chất kinh doanh. Chủ trương này ra đời vào cuối những năm 1980 và mang tính ứng phó. Giới lãnh đạo nói đó là sự lựa chọn khó khăn, nhưng cần thiết để tránh sụp đổ chế độ. Tuy nhiên, họ đã không lường được hậu quả bởi sự níu kéo. Trong những năm đầu Đổi mới, buộc phải từ bỏ kinh tế kế hoạch hóa tập trung để chuyển đổi sang thị trường, xóa bỏ bao cấp từ ngân sách nhà nước, thì chủ trương xã hội hóa được tiến hành như một sức ép đối với các cơ sở công lập tự kiếm sống. Tuy nhiên, thể chế chính trị đã không theo kịp, lạc hậu đã trở thành rào cản cho các chính sách chuyển đổi. Các nguồn lực công, tài sản công nhờ tăng trưởng nhanh đã không những không thúc đẩy tiếp tục cải cách mạnh mẽ theo hướng thị trường, mà trái lại để duy trì hệ thống chính trị phình to, kém hiệu quả và trở thành mảnh đất màu mỡ cho quan chức trục lợi, tham nhũng.

Giải pháp chính sách gỡ rối chuyển đổi giáo dục là cấp thiết nhưng thách thức. Đương kim Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo có thể phải rút kinh nghiệm từ người tiền nhiệm, trong đó là cần phải làm việc với hệ thống chính trị, với quyền lực tập trung như thế nào để tiếp tục tại vị. Tuy nhiên, thực tế cải cách quản lý giáo dục đang đòi hỏi phải thay đổi đột phá. Làm chính trị buộc các chính khách phải "khôn ngoan", nhưng sự lựa chọn còn phụ thuộc vào sự thông thái và bản lĩnh .

Phạm Quý Thọ

Nguồn : RFA, 02/09/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Quý Thọ
Read 528 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)