Việt Nam nên tiếp tục hoạt động tự do hàng hải, thách thức những tuyên bố của Trung Quốc
Thanh Trúc, RFA, 04/09/2021
Phản ứng của các nước
Ngay khi Trung Quốc tuyên bố chính thực thi hành Luật An toàn giao thông hàng hải ở Biển Đông, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/9, Bộ Quốc Phòng Mỹ trong cùng ngày đã lên tiếng chỉ coi đây hành động đe doạ tự do hàng hải, cản trở tự do thương mại và quyền, lợi ích của các nước ở Biển Đông cũng như các quốc gia ven biển khác.
Tàu hải cảnh Trung Quốc xịt vòi rồng nước vào tàu cảnh sát biển Việt Nam ở Biển Đông - Ảnh minh họa Reuters
AsiaNews ngày 2/9 dẫn lời phát ngôn nhân Bộ Quốc Phòng Mỹ rằng Hoa Kỳ tái khẳng định những tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp trên biển, bao gồm cả Biển Đông, là mối nguy hiểm và sự đe dọa nghiêm trọng đối với các quyền tự do hàng hải, hàng không và thương mại của những quốc gia trong khu vực.
Trong thông báo của Cơ quan An toàn Hàng hải Trung Quốc, Bắc Kinh bắt buộc các tàu nước ngoài đi vào vùng "lãnh hải" của Trung Quốc phải khai báo thông tin cho Cơ quan An toàn Hàng hải Trung Quốc. Cụ thể, các tàu ngầm, tàu nguyên tử , tàu chuyên chở vật liệu phóng xạ, tàu vận chuyển dầu, hóa chất và những chất độc hại khác… khi đi qua lãnh hải Trung Quốc phải khai báo tên, số hiệu, vị trí và giờ giấc đến những nơi sẽ cập cảng.
Qui định mới của Trung Quốc bị cho là đi ngược lại nguyên tắc Công ước Quốc tế về Luật Biển 1982, cho phép tàu nước ngoài quyền được gọi là "đi qua vô hại" trong vùng lãnh hải nước khác.
Các chuyên gia CSIS - Trung Tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington cho rằng việc cơ quan An ninh Hàng hải Trung Quốc đề ra qui định mới chẳng qua chỉ thể hiện quyền lực và thách thức của Bắc Kinh đối với những quyết định quốc tế mà họ không bao giờ muốn chấp nhận.
Ngày 1/9, bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Úc Australia Financial Review, tựa đề "Australia rejects Beijing’s bid to tighten grip on South China Sea", tạm dịch là Úc bác bỏ nỗ lực của Bắc Kinh trong việc thắt chặt kiểm soát Biển Đông, Bộ Quốc phòng Úc nhấn mạnh bất kỳ quy định hàng hải tương tự nào cũng đều phải tuân thủ các yêu cầu của luật pháp quốc tế, đặc biệt Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Hải quân Úc sẽ bất chấp sắc lệnh mới của Trung Quốc về việc tàu nước ngoài đi vào "lãnh hải của Trung Quốc" sẽ phải tuyên bố hiện diện, đồng thời khẳng định các tàu chiến của Úc sẽ tiếp tục thực hiện quyền tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế.
Tại Việt Nam, trong cuộc họp báo diễn ra ngày 1/9, khi được các phóng viên đặt câu hỏi về động thái của Trung Quốc, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Lê Thị Thu Hằng, vẫn với câu phát biểu thường nghe khi nêu quan điểm về Biển Đông, cho rằng "Các quốc gia cần tuân thủ nghiêm túc các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) - khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương, khi ban hành các văn bản nội luật liên quan đến biển"
Bà Lê Thị Thu Hằng tiếp tục khẳng định rằng, Việt Nam kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để thực thi, bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam ; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển của mình được xác định theo đúng quy định của UNCLOS.
Qui định mới - Chiến lược cũ
RFA đã có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu Trần Thị Bích, Chương trình Đông Nam Á của CSIS Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ ở Washington DC. Bà Trần Thị Bích nói bản thân quy định này là mới, nhưng chiến lược của Trung Quốc thì không mới:
"Trong những năm qua, Bắc Kinh đã củng cố tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông một cách có hệ thống. Trong đó bao gồm việc đưa ra Luật lãnh hải và vùng tiếp giáp năm 1992, công khai đường chín đoạn năm 2009, và thành lập thành phố Tam Sa như một thành phố cấp tỉnh để quản lý Biển Đông năm 2012. Ngoài ra, bằng một cách có hệ thống, Trung Quốc đã quấy rối và cản trở hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam và các nước khác trung khu vực. Quy định mới này là một phần trong chiến lược xuyên suốt của Trung Quốc".
Về phản ứng chính thức của Việt Nam, qua lời phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, thường bị cộng đồng mạng trong nước cho là máy móc, yếu ớt và chiếu lệ, nhà nghiên cứu Trần Thị Bích trả lời:
"Từ xưa đến nay, không chỉ khi bày tỏ mối lo về những hành động của Trung Quốc mà cả khi ủng hộ những tuyên bố có lợi cho mình trong Biển Đông, Việt Nam luôn tránh chỉ đích danh bất cứ quốc gia nào trong các tuyên bố của mình. Phát ngôn của Bộ ngoại giao lần này về luật mới của Trung Quốc cũng không phải là ngoại lệ".
Trung Quốc lại dùng chiến thuật "mơ hồ"
Trước đó, truyền thông trong nước đã trích dẫn lời nhà nghiên cứu Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới, chỉ trích Trung Quốc đưa ra những định nghĩa mơ hồ trong văn bản mới, rằng Bắc Kinh đang tìm cách hợp thức hóa vùng lãnh hải 12 hải lý, thậm chí vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý quanh các bãi cạn nửa nổi nửa chìm, các bãi ngầm trong vùng Biển Đông mà họ đã đánh chiếm. Ông khẳng định những nơi bị Trung Quốc đánh chiếm vốn nằm trong vùng đặc quyền và thềm lục địa của các quốc gia ven Biển Đông.
Nhà nghiên cứu Đông Nam Á Trần Thị Bích lý giải từ ‘mơ hồ’ bằng cái nhìn khác :
"Khá là đúng, ví dụ trong việc công bố đường chín đoạn, từ trước tới nay, Trung Quốc không hề nói rõ đường chín đoạn đó thì tọa độ những điểm đó nằm ở đâu.
Thế thì cũng giống như khi mà Trung Quốc đưa ra những luật lệ mới, thì cũng không hề nói rõ hành vi nào là vi phạm những qui định đó và Trung Quốc cụ thể sẽ làm những gì để mà đối phó với những hành vi vi phạm. Điều này khiến những nước xung quanh bối rối, không thể nào so sánh những qui định đó của Trung Quốc với luật pháp quốc tế để mà có thể lý luận rõ hơn với Trung Quốc được".
Đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc tự vẽ ra trên Biển Đông. AFP
Được hỏi ngoài những phản ứng bằng lời hay bằng văn bản như thường lệ, Việt Nam có thể làm gì hơn trong tình huống này, nhà nghiên cứu Trần Thí Bích cho rằng :
"Việc Trung Quốc đưa ra luật mới đặt Việt Nam vào tình trạng rất khó xử. Nếu tuân theo những qui định mới của Trung Quốc thì đồng nghĩa với việc Việt Nam công nhận những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Mặt khác, nếu không tuân thủ, ngư dân và tàu bè Việt Nam đi vào những vùng nước mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền thì rất có thể bị quấy rối, thậm chí bị bắt giữ. Tôi nghĩ chỉ có thể dùng Luật Quốc Tế để đối phó với Trung Quốc thôi.
Là một nước nhỏ, Việt Nam sẽ khó có thể đối phó với Trung Quốc một cách hiệu quả. Cách tốt nhất bây giờ là để các nước lớn lên tiếng chỉ trích các quyết định đơn phương và không tuân thủ Luật Quốc Tế của Trung Quốc, đồng thời tiếp tục hoạt động tự do hàng hải nhằm thách thức những tuyến bố của Trung Quốc".
Thanh Trúc
Nguồn : RFA, 04/09/2021
***********************
Việt Nam phản ứng trước tin Trung Quốc bắt tàu nước ngoài khai báo ở Biển Đông
RFA, 02/09/2021
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 1/9 khẳng định Việt Nam có chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời kêu gọi các nước tuân thủ Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Tàu hải cảnh Trung Quốc truy đuổi tàu cảnh sát biển Việt Nam gần khu vực quần đảo Hoàng Sa hôm 15/7/2014 - Reuters
Bà Hằng đưa ra phát biểu này trước câu hỏi của phóng viên xin bình luận về việc Trung Quốc chính thức thi hành Luật An toàn giao thông hàng hải ở Biển Đông.
Hôm 27/8, Cơ quan An toàn Hàng hải Trung Quốc ra thông báo cho biết bắt đầu từ ngày 1/9, Bắc Kinh sẽ bắt các tàu nước ngoài đi vào vùng "lãnh hải" của Trung Quốc phải khai báo thông tin cho Cơ quan An toàn Hàng hải của Trung Quốc.
Hiện Trung Quốc đang đòi chủ quyền đến gần 90% diện tích Biển Đông với đường đứt khúc chín đoạn, lấn sâu vào vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của một số nước trong khu vực bao gồm Việt Nam.
Bà Lê Thị Thu Hằng nói với báo giới rằng "Việt Nam kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để thực thi, bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam ; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển của mình được xác định theo đúng quy định của UNCLOS".
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 1/9 cũng lên tiếng chỉ trích Luật An toàn Hàng hải mới của Trung Quốc, coi đây là hành động đe doạ tự do hàng hải.
Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Mỹ John Supple nói: "Các tuyên bố chủ quyền biển phi pháp, trong đó có ở Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng đến các quyền tự do trên biển, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không, tự do thương mại và thương mại hợp pháp không bị cản trở, quyền và lợi ích của các nước ở Biển Đông cũng như các quốc gia ven biển khác".