Tại hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ và 63 tỉnh thành về 'tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và giải pháp thực hiện trong thời gian tới' diễn ra cách đây bốn năm (vào sáng 14 tháng 10 năm 2017), Thủ tướng Việt Nam lúc bấy giờ là ông Nguyễn Xuân Phúc phát biểu : "Bác Hồ nhiều lần nói rừng là vàng, vì thế Tây nguyên muốn chặt một cây gỗ thì phải thắp hương mà lạy cây. Nhận thức về bảo vệ và phát triển rừng phải được quán triệt mạnh hơn trong mọi cấp chính quyền, trong cả hệ thống chính trị". Ông Phúc đề nghị các bộ ngành, địa phương đồng tâm làm cho diện tích rừng cả nước tiếp tục tăng lên.
Ảnh minh họa xe chở gỗ từ rừng ở Đăk Lăk - AFP
Trong khi ông Phúc phát biểu như vậy thì tình trạng chặt phá cây rừng, thậm chí phá cả rừng phòng hộ vẫn tiếp tục diễn ra. Những khu rừng phòng hộ ven biển tỉnh Phú Yên bị san bằng để xây khu du lịch ; đất rừng phòng hộ tại huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc bị phá để xây công viên nghĩa trang ; phá rừng trên bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng xây hàng chục móng khách sạn ; 21.000 ha rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải bị chặt phá nghiêm trọng nhưng cơ quan quản lý rừng phòng hộ ở địa phương không hề hay biết.
Gần đây nhất là dự án Nhà máy Năng lượng mặt trời Phù Mỹ được Công ty CP Phát triển Tầm nhìn Năng lượng Sạch khởi công xây dựng tại huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Ðịnh. Dự án này khiến một diện tích không nhỏ rừng phòng hộ ở Bình Ðịnh bị đốn hạ. Đây là khu rừng phi lao có chức năng chắn gió, sóng biển… để bảo vệ cho người dân khu vực này.
Lý giải với truyền thông Nhà nước, đại diện Công ty CP Phát triển Tầm nhìn Năng lượng Sạch nói rằng : "Trong quá trình thi công, nhà thầu là Công ty TNHH Phước Hưng đã nhầm lẫn, dẫn đến việc chặt phá cây, san ủi ra bên ngoài phần đất của dự án. Chúng tôi được giao 380 ha để thực hiện dự án thì cũng không lý gì lấy thêm mấy ha đó. Ðây chỉ là vô tình, mình không quản lý chặt chẽ nhà thầu nên để xảy ra vi phạm".
Bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID) nhận định về việc này với RFA :
"Theo luật là cấm phá rừng phòng hộ. Nó có quy định của Luật Lâm nghiệp. Phá rừng mà lại là rừng phòng hộ là điều không thể chấp nhận được vì bất cứ lý do gì. Đã là rừng phòng hộ mà còn phá thì phòng hộ chỗ nào ? Không thể đưa lý do phá rừng vì nhầm lẫn, vì vô tình được.
Trong khi thủ tướng phát động phong trào trồng một triệu cây xanh thì việc phá rừng nó đi ngược lại phong trào của thủ tướng, đi ngược lại điều mọi người đang hướng đến là bảo vệ môi trường. Mà khi việc phá rừng xảy ra thì phải nhìn lại trách nhiệm của bao nhiêu cơ quan quản lý, bảo vệ rừng. Những cơ quan này sinh ra để làm gì ? Ban bảo vệ rừng phòng hộ đâu ?"
Việt Nam cũng có nhiều cơ quan bảo vệ rừng, có Luật bảo vệ và phát triển rừng. Nhưng đôi khi, chính những người làm trong các cơ quan này lại thông đồng trong việc phá rừng. Có thể nêu một ví dụ gần đây, hồi tháng 6 năm 2021, công an huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng triệt phá một đường dây khai thác, vận chuyển gỗ quý trái phép, đồng thời khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các ông Hồ Ngọc Tuấn Vũ, Bùi Văn Thắng và Tạ Văn Huy về hành vi khai thác lâm sản trái phép. Ông Hồ Ngọc Tuấn Vũ là nhân viên bảo vệ rừng của Ban Quản lý Rừng Phòng hộ Đạm Bri.
Theo truyền thông Nhà nước Việt Nam, tại khu vực đỉnh đèo Pha Đin thuộc tỉnh Điện Biên, tình trạng khai thác rừng thông diễn ra nhộn nhịp mấy tháng nay trước sự bất lực của chính quyền xã và lực lượng kiểm lâm.
Tội hủy hoại rừng được quy định rõ trong Bộ luật Hình sự rằng, người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
Theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, rừng phòng hộ là rừng được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Rừng phòng hộ gồm có rừng phòng hộ đầu nguồn ; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay ; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển ; rừng phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái.
Tuy mức độ quan trọng của rừng phòng hộ là vậy, nhưng các vụ phá rừng với mục đích kinh doanh, khai thác khoáng sản vẫn xảy ra bất chấp sự lên án của dư luận và cảnh báo của các chuyên gia.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu Đại học Cần Thơ từng nói với RFA :
"Tôi cho rằng đó là do sự bất chấp pháp luật và đạo đức của những người thực hiện những dự án đó. Bởi vì rừng phòng hộ có tác dụng bảo vệ môi trường sống, bảo vệ vùng hạ lưu và dự trữ nguồn nước trong khu vực. Những người làm việc này họ vì lợi nhuận cá nhân mà bất chấp giá trị sống của cộng đồng là điều đáng lên án. Đồng thời chúng tôi cũng nghĩ rằng trách nhiệm này còn liên quan đến chính quyền địa phương đã buông lỏng quản lý, để cho tình trạng này xảy ra mà đáng lẽ phải ngăn chặn ngay từ đầu".
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam, khẳng định :
"Nói ngắn gọn là khi mà đã qui hoạch là vườn quốc gia hoặc khu phòng hộ thì nó đều có ý nghĩa rất lớn về mặt sinh thái và các khía cạnh khác nữa. Cho nên khi mà vi phạm vào các diện tích đã được qui hoạch đã được khoanh vùng để bảo hộ để giữ gìn nghiêm ngặt thì đều là những hành động sai lầm cần phải lên án".
Nạn chặt phá cây rừng tại những khu rừng phòng hộ tại nhiều địa phương ở Việt Nam đã diễn ra cả chục năm qua, và vẫn đang diễn ra theo chiều hướng gia tăng chưa có điểm dừng. Các cơ quan nhà nước vẫn chưa thể ngăn chặn. Kiểm lâm cho rằng lực lượng của họ quá ít không thể theo dõi hết các khu vực cần bảo vệ. Nạn chặt phá rừng phòng hộ đầu nguồn cũng khiến cho Việt Nam những năm gần đây liên tục gánh chịu các trận lũ quét, lũ lụt gây thiệt hại hoa màu và tính mạng con người.