Sau thời kỳ "bất ổn nội bộ", củng cố chế độ được Đảng cộng sản xác định là nhiệm vụ trọng tâm và người đứng đầu Đảng dường như đã giành được quyền lực tối đa. Tuy nhiên, cải cách thị trường không thể không tiếp tục, bởi tăng trưởng kinh tế là cách tốt nhất để đảm bảo duy trì tính chính danh chế độ và niềm tin của người dân vào lãnh tụ sau khủng hoảng kinh tế vĩ mô và thể chế kéo dài. Trong bối cảnh như vậy, giới lãnh đạo thường hay thể hiện quyền lực tuyệt đối, quyết tâm huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị cho tăng trưởng. Đó cũng là lúc để yếu tố chủ quan duy ý chí phát tác, những chính sách không dựa trên thực tế và các quy luật khách quan sẽ dễ mắc sai lầm, cản trở cải cách thị trường và dẫn đ ến những hậu quả khó lường.
Công nhân dựng tấm biển chào mừng Đại hội 13 Đảng cộng sản Việt Nam trên đường phố Hà Nội hôm 12/1/2021. Reuters
Chủ quan duy ý chí đã được coi là căn bệnh có khuynh hướng tuyệt đối hóa vai trò của nhân tố chủ quan, cường điệu ý chí và vai trò lãnh tụ, xa rời quy luật khách quan, lấy nhiệt tình cách mạng thay thế cho sự yếu kém về tri thức khoa học. Biểu hiện của căn bệnh thường là lối suy nghĩ và hành động độc đoán, nóng vội, chạy theo ý chí chủ quan người đứng đầu khi hoạch định những chủ trương, chính sách và lựa chọn phương pháp tổ chức thực hiện theo hướng áp đặt, rơi vào ảo tưởng, chủ quan. Ví dụ như : mục tiêu đặt ra quá cao, biện pháp không có tính khả thi… Căn bệnh chủ quan duy ý chí xuất phát từ nguồn gốc lịch sử, xã hội mang tính bản chất cách mạng của chế độ đảng toàn trị. Thực tế quá trình chuyển đổi kinh tế sang thị trường trong hơn mộ t phần ba thế kỷ qua đã cho thấy điều đó, bởi vậy sự cảnh báo là cần thiết để có thể tránh những sai lầm. Dưới đây là hai chính sách duy ý chí điển hình.
Trước hết, cuộc cải cách Giá – Lương – Tiền được tiến hành vào nửa cuối những năm 1980s, được coi là thất bại chính sách lớn nhất, sự thử thách đầu tiên đối với chế độ khi "chập chững" chuyển đổi kinh tế sang thị trường. Sự yếu kém nhận thức về thị trường đã dẫn đến các giải pháp chính sách cực đoan. Về giá, phải tính toán đầy đủ giá các mặt hàng do Nhà nước cung cấp, do nông dân, thợ thủ công sản xuất theo giá dựa trên chi phí sản xuất. Để tiện cho tính toán, các mức giá trên được quy ra thóc, được xác định bởi các chuyên gia, bình quân là 25 đồng/kg. Kết quả là mức giá mới của nhiều mặt hàng so với mức giá cũ tăng lên nhiều lần, chẳng hạn giá xi măng ghi nhận lúc đó tăng tới 12,5 lần. Về lương, các nh à lãnh đạo đề nghị tăng lương thêm 20%. Về tiền, để đáp ứng giá mới và lương mới, phải in thêm tiền để đảm bảo tổng lượng tiền trong lưu thông. Nhưng thời điểm đó, Việt Nam không tự in được tiền mà phải nhờ nước ngoài in, bởi vậy những nhà cải cách đã đưa ra chủ trương đổi tiền để đỡ tốn kém và kịp thực hiện. Mệnh giá đồng tiền mới đã giảm đi 10 lần để khối lượng tiền phải in ra ít hơn…
Người bán rau quả ở một chợ tại Hà Nội hôm 31/1/2018. Reuters
Quyết định chủ quan duy ý chí của các lãnh đạo cộng sản lúc đó đã không thể thay thế sự vận hành của thị trường, quy luật cung cầu, vốn đã được Adam Smith gọi là "bàn tay vô hình" từ thế kỷ 18. Một phần nguyên nhân thất bại cuộc cải cách này có thể do ảnh hưởng bởi "liệu pháp shock", vốn được nhấn mạnh trong cải cách trong các nền kinh tế chuyển đổi ở Đông Âu vào đầu thập niên 1980s. Hậu quả là xã hội rối loạn, đời sống người dân cùng cực và nền kinh tế đứng trước bờ vực sụp đổ. Mức lạm phát lên đến 774,7% năm 1986, trong đó đối với nông sản giá năm 1986 so với năm 1976 đã tăng tới 2000% và cho đến năm 1989 tỷ lệ lạm phát mới giảm xuống dưới 100%.
Thất bại chính sách mới gần đây thôi là chính sách tăng trưởng nóng vội trong những năm 2010s. Các nhà hoạch định chính sách cho rằng các mô hình Chebol Hàn Quốc hay các tổ hợp ở Nhật Bản đã tạo nên thành công kinh tế của các quốc gia này. Họ quyết định thành lập các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước, như "những quả đấm thép" trụ cột của nền kinh tế với hy vọng cho thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, sự sai lầm chủ yếu ở sự khác biệt sở hữu của các tập đoàn kinh tế, ở Hàn Quốc và Nhật Bản là sở hữu tư nhân, còn ở Việt Nam chúng thuộc sở hữu Nhà nước, sở hữu toàn dân.
Như hậu quả không thể tránh khỏi, thiệt hại về kinh tế rất nặng nề, mức lạm phát năm 2012 đã lên tới 22%, vỡ bong bóng bất động sản, khủng hoảng hệ thống ngân hàng tài chính, nợ xuất và rối loạn trong nhiều lĩnh vực xã hội, văn hóa và giáo dục… Hàng chục các dự án vẫn đang "đắp chiếu" cho đến nay chưa thể giải quyết. Vụ án Vinashin năm 2014 là một trong các vụ án kinh tế lớn nhất từ trước tới nay tại Việt Nam, liên quan tới số tiền thất thoát rất lớn. Chỉ tính riêng một dự án mua tàu Hoa Sen đã gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 469,5 tỷ đồng. Một loạt các quan chức đã bị xét xử với tội danh "cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Nhiều tập đoàn khác như Vinalines, Dầu khí, Cao su, Hóa chất … cũng xảy ra tình hình tương tự. "Bất ổn" về thể chế đã và đang diễn ra, một bộ máy cai trị yếu kém với "bộ phận không nhỏ" quan chức tha hóa quyền lực, tham nhũng, suy thoái đạo đức, nhóm lợi ích, khủng hoảng niềm tin… Bài học sâu xa cần rút ra chính là tài sản công là mảnh đất màu mỡ cho trục lợi và tham nhũng, và sự níu kéo ý thức hệ chủ nghĩa xã hội đã hủy hoại nhiều chính sách kinh tế.
Hình chụp của TTXVN tại phiên tòa hôm 30/3/2012 xét xử các cựu lãnh đạo Vinashin ở Hải Phòng. AFP
Chế độ này đã và đang mất cả thập kỷ, hai Đại hội Đảng 12 và 13, để khắc phục dần các hậu quả. Trước hết, về cải cách chính trị giới lãnh đạo đã tập trung củng cố chế độ theo hướng tập trung quyền lực, thay đổi tổ chức, các quy tắc vận hành đồng thời tăng cường ngăn chặn tình trạng suy thoái của quan chức, trừng phạt bất tuân và chống tham nhũng. Khi quyền lực tuyệt đối được thiết lập cho cương vị người đứng đầu chế độ và nhóm chóp bu thì cũng là lúc những biểu hiện của căn bệnh chủ quan duy ý chí phát tác.
Các lãnh đạo khuyếch trương Đại hội 13 là "rất thành công". Về kinh tế, trong Văn kiện Đại hội, chủ trương, chính sách tổng quát, người ta đưa ra các chỉ tiêu về kinh tế cao, nhưng mang nặng tính chính trị. Mức tăng trưởng GDP hay thu nhập bình quân đầu người được ấn định cho các mốc thời gian như kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, năm 2030, là 8.000 USD (nếu tính theo sức mua tương đương khoảng 15.000 USD), hay 100 năm ngày thành lập nhà nước, năm 2045, là 20.000 USD. Một tầm nhìn chủ quan về tương lai hơn là dự báo mang tính khoa học, bởi vì các yếu tố tác động là không thể lường hết được. Ví dụ nhãn tiền, đại dịch Covid-19 đang thử thách sức chịu đựng của nền kinh tế mong manh và cuộc sống người lao động. Nó có thể hủy hoại mục tiêu kế hoạch năm năm, có nghĩa là đe doạ các mục tiêu chiến lược dài hơn.
Trên truyền thông Nhà nước các khẩu hiệu "đi tắt đón đầu", "Việt Nam hùng cường"… được nói và viết với tần suất cao. Việc tìm kiếm "mô hình tăng trưởng nhanh và bền vững" được các nhà lãnh đạo kêu gọi, nhưng là nhiệm vụ bất khả thi. Giới lãnh đạo đang níu kéo "kinh tế thị trường định hướng chủ nghĩa xã hội" như một mô hình phát triển, nhưng không mấy thuyết phục bởi các căn cứ khoa học và thực tiễn của chủ trương chính sách như vậy. Cải cách thị trường cần có tư duy thị trường thay vì duy ý chí.
Chủ quan duy ý chí là căn bệnh mãn tính của chế độ khi các sai lầm cứ lặp lại mà không có ai chịu trách nhiệm bởi nó gắn liền với quyền lực tuyệt đối núp dưới cơ chế lãnh đạo tập thể tinh vi. Năm 2012, Đảng đã có những nỗ lực "quy trách nhiệm người đứng đầu" tại Hội nghị trung ương 6 khóa 11 nhưng không thành công. Năm 2018 Quốc hội khóa 14 đã "cản đường" Dự án đặc khu hành chính kinh tế trước sức ép dư luận xã hội. Tuy nhiên, cải cách chính trị trong mấy năm gần đây đã tăng cường quyền lực tập trung cao hơn thay vì tạo ra cơ chế kiểm soát quyền lực thông qua đối trọng hay phân quyền. Bởi vậy, cải cách thị trường vẫn phải tiếp tục để duy trì tính chính danh của chế độ, nhưng khả năng phát tác của căn bệnh này là rất lớn.
Phạm Quý Thọ
Nguồn : RFA, 20/09/2021