Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/09/2021

Đường sắt Paris - Sydney

Xích Bích

Lời tòa soạn : Trở lại với liên minh Úc-Anh-Mỹ (AUKUS), có một nghịch lý, có thể nói là một nghịch lý dại dột - khi công bố cùng một lúc việc thành lập liên minh AUKUS và việc Úc hủy bỏ hợp đồng chế tạo 12 tàu ngầm với Pháp.

AUKUS là một liên minh chính trị và chiến lược ; hợp đồng tàu ngầm là chuyện riêng giữa Úc và Pháp. Nếu ngày 15/9/2021 Úc, Anh và Mỹ chỉ tuyên bố thành lập liên minh AUKUS thôi thì họ rất có thể sẽ được hoan nghênh. Sau đó một hai tháng sau Úc thông báo cho Pháp quyết định chấm dứt hợp đồng tàu ngầm thì Pháp có thể buồn nhưng không thể giận vì trong hợp đồng nào cũng có quy định thủ tục để chấm dứt sự hợp tác. Vấn đề tranh thủ thời gian một vài tháng không đặt ra cho những hợp đồng dài 20 năm như trong trường hợp này. 

Đàng này việc hủy bỏ hợp đồng được trình bày như là hậu quả của liên minh AUKUS và hơn nữa Pháp không được biết trước khiến Pháp nổi đóa, dư luận chỉ chú ý tới xung đột Mỹ - Pháp và AUKUS trở thành thù địch của Pháp và Châu Âu.

Chúng tôi đăng lại dưới đây một bài viết của một độc giả từ Úc phản ánh sự tức giận của dư luận Úc đối với Pháp.

Chúng tôi chỉ ghi chú một vài sự kiện không đúng sự thật như Tổng thống Macron chửi Úc và Mỹ. Thực ra Macron không hề lên tiếng, chỉ có Bộ trưởng ngoại giao Jean-Yves Le Drian lên tiếng và chỉ trích cách đối xử với đồng minh của Tổng thống Joe Biden. Cũng sai khi nói Pháp bội tín, giảm số công nhân tham gia của Úc xuống còn 60%. Số công nhân Úc dự trù trong hợp đồng này là 1.800, số công nhân Pháp là 500. Tỷ lệ vẫn là 60% công nhân Úc. Có lẽ báo chí bảo thủ Úc đưa tin sai. Và cũng không đúng khi so sánh hợp đồng đường sắt Cát Linh-Hà Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc với hợp đồng tàu ngầm giữa Pháp và Úc, vì một bên là hợp đồng đã thực hiện và không ngừng đội giá có lợi cho nhà thầu Trung Quốc, trong khi giữa Pháp và Úc hai bên chỉ đang trong giai đoạn thương thảo về những thêm thắt kỹ thuật rất tốn kém mà phía Úc chưa bao giờ phản đối, trừ báo chí Úc. Trong những hợp đồng thương mại bình thường, khi khi đã ký văn bản chung kết phía nhà cung cấp phải trả những khoảng phạt nặng nếu có sự chậm trễ trong việc thi công và giao hàng, và bên nhận phải trả những chi phí hủy bỏ hợp đồng không có lý do chính đáng. Sự đổi ý về động cơ tàu ngầm từ diesel sang nguyên tử và thay đổi nhà cung cấp là một quyết định chính trị từ cấp cao, không có ghi trong bản dự thảo của hợp đồng. Tàu ngầm Barracuda là loại tàu ngầm lớp Suffren chạy bằng năng lượng nguyên tử mà phía Pháp đã chuyển sang diesel-điện theo yêu cầu của Úc (lớp Attack), vì ít tốn kém hơn.

**********************

sydney1

Ngay từ tháng 4/2021, Canberra đã bắn tín hiệu tìm cách rút ra khỏi hợp đồng đóng 12 tàu ngầm lớp Barracuda với Pháp.

Vụ Úc hủy bỏ ‘hợp đồng thế kỷ’ đóng tàu ngầm với Pháp năm 2016 đã được tổng thống Pháp Emmanuel Macron làm ầm lên và được cả thế giới chú ý. Từ Đông sang Tây truyền thông quốc tế đưa tin và phê bình từ nhiều góc cạnh. Trang mạng xã hội Việt Nam cũng không kém thua phê bình loạn xạ. Hình ảnh Tổng thống Pháp Macron với gương mặt đanh thép, ánh mắt căm hờn, cung nắm tay, đã minh họa được chính nghĩa của Pháp bị vi phạm và sự bất mãn của Macron bị mất ăn hợp đồng 90 tỷ đô Úc. Macron đã lôi cả Liên Hiệp Châu Âu (EU) nhập cuộc đòi hỏi công lý cho Pháp vì bị ‘phản bội’, ‘đâm sau lưng đồng minh’. Pháp giận dữ rút đại sứ từ Úc và Mỹ về Paris. Cho đến nay Macron vẫn từ chối điện thoại của thủ tướng Úc.

Hợp đồng đóng tàu ngầm cho Úc đã có những điềm gỡ và làm Úc thất vọng. Ngay từ tháng Tư, Canberra đã bắn tín hiệu tìm cách rút ra khỏi hợp đồng đóng 12 tàu ngầm lớp Barracuda với Pháp. Thượng nghị sĩ Úc Rex Patrik ‘Họ [Pháp] nhắm mắt lại để không thấy rủi ro phải đối mặt’. Một phần, Pháp cả tin Úc không dám hủy bỏ hợp đồng vì Úc sẽ bị bồi thường nặng nề. Phần khác, Pháp đã dí Úc thế kẹt không tìm ra nguồn cung cấp thay thế. Từ não trạng này Pháp đã chuyển mình từ vị trí người làm gia công thành chủ nhân ông. Pháp đã hoàn toàn bị bất ngờ khi Úc hủy bỏ hợp đồng sau khi bắt tay được và thành lập liên minh AUKUS Mỹ-Anh-Úc.

Lộ bí mật

Kỹ thuật tàu ngầm thuộc loại tối mật nhưng vào tháng Tám 2016 đã nổ ra vụ tài liệu bí mật về kỹ năng tác chiến tầu ngầm lớp Scorpene Pháp đang đóng cho Ấn Độ đã bị rò rĩ. Công ty đóng tàu ngầm Naval Group của Pháp thừa nhận có 22.000 tài liệu bị sao chụp hoặc ‘can thiệp’. Úc đã không yên tâm cho lớp tàu ngầm Barracuda chưa đóng đã có thể bị bẻ khóa. Úc đã cho Pháp biết sự quan tâm này. Naval Group, dĩ nhiên, bảo đảm vụ rò rĩ không xảy ra nữa. Nhưng dấu hiệu bất tín đã có.

Đội giá quá đáng

Có những lý do khác nữa. Úc đặc biệt thích loại tàu ngầm lớp Barracuda vốn là tàu ngầm chạy bằng nguyên tử nhưng Pháp có thể thay đổi thành chạy bằng diesel thích hợp cho yêu cầu của Úc. Úc đã chọn tàu ngầm diesel vì đã xảy ra tai nạn nguyên tử Fukushima ở Nhật. Giá Pháp đòi hỏi ban đầu là 50 tỷ đô Úc nhưng nay đã tăng lên đến 90 tỷ. Nếu tính cả chi phí bảo trì và tu sửa tàu sau khi hạ thủy ủy ban quốc phòng Úc sẽ phải bỏ ra thêm 145 tỷ đô cho suốt đời sống của tàu. Sự đội giá kinh hoàng của Pháp làm người Việt Nam không khỏi nghĩ đến dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông của nhà thầu Trung Quốc với Việt Nam. Với chi phí ban đầu 558 triệu đô Mỹ, sau 10 năm thi công, đường sắt này vẫn chưa hoạt động được và phía nhà thầu Trung Quốc đã đội giá liên tục mà lần ‘chém chặt’ mới nhất, nhà thầu Trung Quốc đòi thêm 50 triệu đô Mỹ. Một FB ở Pháp uy tín có ý ‘cảnh cáo’ dự định Úc hủy bỏ hợp đồng thì chỉ có chết (Ta thấy vụ "đội giá" đường sắt Cát Linh - Hà Đông ở Hà Nội do nhà thầu Trung Quốc xây dựng. "Đội" biết bao nhiêu lần mà phía Việt Nam chỉ móc tủi ra trả mà không làm được chuyện gì) !

Tiến độ thi công

Úc khẩn cấp cần có tàu ngầm mới để kịp thay thế lớp tàu ngầm Collins sẽ hết hạn hoạt động vào năm 2026. Hợp đồng với Pháp sẽ giao tàu mới cho Úc vào năm 2035 hoặc trễ hơn nữa đến 2050. Trong khoảng thời gian chưa có tàu ngầm mới nền an ninh quốc phòng của Úc sẽ bị rủi ro. Như thủ tướng Úc đã nói, vùng Biển Đông, eo biển Đài Loan và vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương có thể xấu đi từng ngày tùy theo ý đồ hung hăng của Trung Quốc. Úc phải phòng xa và phải thích nghi với tình thế. Sẽ có người nói ngay rằng AUKUS cũng không thể giao tàu cho Úc trước năm 2030 vậy lý do này không đứng vững. Nhưng vì AUKUS đã lật ngửa lá bài đảm trách phòng thủ vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, khi hữu sự Úc có thể sử dụng ngay các tàu ngầm tấn công chạy bằng nguyên tử của Mỹ và Anh trong lúc chờ đợi tàu mới. Ai có thể nói ngay sau khi AUKUS thành lập, Úc đã không gởi hải quân sang Mỹ ‘làm quen’ với lớp tàu ngầm Virginia của Mỹ hay Astute của Anh?

Pháp phá vỡ hợp đồng

Năm 2016, thủ tướng Úc Malcolm Turnbull lúc ấy, thông báo tàu ngầm diesel sẽ được đóng tại Port Adelaide mà 90% các công đoạn sẽ do công nhân Úc đảm trách, sẽ tạo ra ít nhất 2.800 công ăn việc làm cho người Úc. Turnbull đã thắng được ghế Port Adelaide sinh tử trong kỳ tổng tuyển cử năm 2016. Nhưng niềm vui đã không trọn vẹn. Năm 2020, nhà thầu Pháp Naval Group đã phá vỡ hợp đồng khi rút lại lực lượng đóng tàu của Úc từ 90% xuống 60%. Điều tàn bạo là với số công ăn việc làm bị rút lại cho dân Pháp, dân Úc phải chi trả bill ! Năm 2021, như xát thêm muối vào vết thương, Pháp viện cớ ý định rút nhân lực Úc xuống thêm nữa vì nền công nghệ Úc chẳng ra gì (not up to grab) ! Làm như khi ký thỏa thuận Pháp đã không biết kỹ nghệ Úc ‘chẳng ra gì’. Nhưng khi có cường quốc lớn hơn Pháp như Mỹ và Anh chấp nhận kỹ nghệ Úc chẳng ra gì thì, như đã thấy, Pháp lồng lộn tức giận!

Về Lý

Trong một hợp đồng chữ TÍN còn được nhìn thấy qua sự chấp nhận bồi thường của bên phá vỡ hợp đồng. Không có hợp đồng nào cấm một bên không được hủy bỏ hợp đồng. Vậy về lý, Úc không vi phạm hợp đồng. Cũng về lý, trong phần thể lệ và điều kiện hợp đồng Pháp-Úc có ghi rõ rang :

1. …Pháp hay Úc cùng có quyền đơn phương hủy bỏ hợp đồng ‘khi khả năng áp dụng Thỏa thuận của một bên đã bị tác động bởi các biến cố, trường hợp, các vấn đề ngoại lệ’ (…under which either Canberra or the French firm could terminate unilaterally "where a Party’s ability to implement the Agreement is ‘fundamentally impacted by exceptional events, circumstances or matters’") (Politico 16/9).

2. Nếu Canberra quyết định chấm dứt thỏa thuận, hợp đồng ghi rằng : ‘Cả hai bên sẽ tham khảo xem có đồng thuận cho phép thỏa thuận được tiếp tục. Nếu không đạt được đồng thuận trong vòng 12 tháng, sự hủy bỏ hợp đồng sẽ có hiệu lực 24 tháng sau khi [một bên] đã nhận được thông báo chính thức hủy bỏ hợp đồng". (If Canberra does decide to pull out, the contract stipulates "the Parties will consult to determine if common ground can be found to allow continuation of the Agreement. If no common ground is found within 12 months, the termination will take effect 24 months after receipt of the original notice to terminate") (báo Politico 16/9).

Rõ ràng Pháp đã vi phạm hợp đồng khi kéo EU, một thành phần thứ ba vô can, vào đe dọa phá vỡ Hiệp định Thương mại Tự do giữa Úc và EU như là hệ lụy của sự hủy bỏ hợp đồng với Pháp.

Về Tình

Nước Úc là người ơn của Pháp chứ chưa bao giờ ngược lại. Trong đệ nhất thế chiến, hơn một trung đoàn Úc (cùng với đồng minh) đã án ngữ đường tiến quân của Đức vào Paris từ phía Tây của Pháp (‘Mặt Trận Miền Tây Vẫn Yên Tĩnh’ của Erich M Remarque). Úc đã chiến đấu quyết liệt chống lại quân Đức và đã bảo vệ cho bằng được làng Villers-Bretonneux. Đã có 2.473 quân nhân Úc hy sinh vì nước Pháp trên vùng đất này. Ngày nay mỗi lần kỷ niệm ngày Chiến sĩ Trận vong ở Pháp hoặc ở Úc (ngày Anzac) dân làng Villers-Bretonneux vẫn đến kính viếng và biết ơn ‘les Australiens’ trong nghĩa trang của làng này. Emmanuel Macron còn chưa được sinh ra khi ấy nên đã không biết người Úc đã đổ máu cho nước Pháp nên mới có hành động khinh miệt Úc hiện nay.

Về chữ TÍN

Macron hung hăng khinh miệt nhục mạ nước Úc trên thế giới vì đã ‘bội tín’, ‘che giấu thông tin’ ‘đâm sau lưng chiến sĩ’ và đã được sự đồng tình của truyền thông thế giới và trên trang mạng xã hội Việt Nam ? Nhưng những ai có đọc lịch sử và còn nhớ lịch sử về ‘cuộc Khủng hoảng Kênh đào Suez’ (the Suez Canal Crisis) phải thấy Pháp là nước cuối cùng trên thế giới có tư cách để giảng đạo chữ TÍN với đồng minh.

Tháng 10 năm 1956, khi thế giới chưa hoàn hồn sau đệ nhị thế chiến, Pháp, Anh tấn công kênh Suez đã bị tổng thống Ai Cập Gamal Nasser quốc hữu hóa trước đó. Đồng minh Mỹ lúc đó còn đang bù đầu vào việc Liên Xô đàn áp dã man cuộc nổi dậy của dân Hungary, đã bị Pháp che giấu bí mật, phản bội chữ TÍN với Mỹ, ‘đâm sau lưng Mỹ’ khi tấn công Ai Cập. Tổng thống Mỹ Eishenhower đã phẫn nộ cực điểm vì sự bội tín của Pháp (và cả Anh nữa), vì lo sợ bùng nổ chiến tranh, vì Liên Xô đã nhảy vào bênh vực Ai Cập và đe dọa bỏ bom Luân Đôn… phải cùng với Liên Hiệp Quốc giải quyết vụ khủng hoảng này. Kết quả Pháp Anh và Do Thái đã phải chạy ra khỏi kênh đào Suez.

Một lần nữa, cũng có thể vì Macron còn chưa được sinh ra khi Pháp tấn công kênh Suez năm 1956 nên mới không biết Pháp không có tư cách nói về chữ TÍN với đồng minh Mỹ và Úc. Đặc biệt với Úc, Pháp còn chưa trả được món nợ ân tình ở làng Villers-Bretonneux năm xưa, thì nên cẩn thận khi dạy dỗ Úc về chữ TÍN.

Vụ Úc hủy bỏ hợp đồng với Pháp, chắc chắn các lãnh đạo đồng minh sẽ có cách giải quyết hợp lý. Ai cũng phải nhìn thấy Trung Quốc thực tế là lực lượng đe dọa phá vỡ sự tôn trọng luật biển trên Biển Đông, eo biển Đài Loan và xa nữa và vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Thế giới cần một lực lượng phòng thủ cho vùng này. AUKUS đã xuất hiện và nếu có tầm nhìn xa, việc Úc phải thụ đắc công nghệ nguyên tử từ Hoa Kỳ và Anh để đối phó Trung Quốc có tính hợp lý. QUAD không phải là liên minh quân sự, dĩ nhiên, có thể chuyển thành quân sự khi cần thiết, nhưng trong hiện tại AUKUS đã lật ngửa lá bài. AUKUS sẽ phòng thủ vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Pháp có chọn lựa giữa sự đóng góp khả năng của mình đồng hành với AUKUS hoặc kín đáo hỗ trợ AUKUS hoặc phá hoại.

Thái độ trưởng thành của tổng thống Pháp là bắt lấy điện thoại của thủ tướng Úc và nghe ông giải bày trường hợp ngoại lệ đã đưa đến quyết định hủy bỏ hợp đồng. Nếu như không tìm được đồng thuận thì cứ thi hành theo thể lệ điều kiện của hợp đồng. Điều Maron cần nhớ khi sống trong tòa nhà bằng thủy tinh, đừng chơi trò ném đá.

Xích Bích (Úc)

(25/09/2021)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Xích Bích
Read 495 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)