Vụ 9 tướng Cảnh sát biển bị kỷ luật : Thà một lần đau…
Nguyễn Duy Xuân, VietTimes, 05/10/2021
Những ngày qua, dư luận rất hoan nghênh quyết tâm của Đảng trong xử lý sai phạm của các sĩ quan, cán bộ lãnh đạo chủ chốt thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam.
Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam (ảnh : Gia Hân)
Ban Bí thư vừa ra quyết định kỷ luật cảnh cáo Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam (nhiệm kỳ 2015/2020), khai trừ đảng 2 tướng, cách hết tất cả chức vụ trong đảng của 7 tướng lĩnh khác.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 77 năm của Quân đội nhân dân Việt Nam và trong 23 năm lực lượng Cảnh sát biển, cùng lúc có số lượng lớn tướng lĩnh cao cấp bị kỷ luật.
Theo ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương, việc xử lý cùng lúc hàng loạt sĩ quan cao cấp của quân đội thể hiện quyết tâm cao của Bộ Chính trị, của Ban Bí thư trong việc phòng chống tiêu cực, suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên bất kể ở lĩnh vực nào theo tinh thần "dân chủ, công khai, minh bạch" của Đảng.
Ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội khẳng định : "Việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư công khai các vi phạm, xử lý, đã cho thấy rõ, việc xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, bình đẳng trước pháp luật đối với các vi phạm, tiêu cực, tham nhũng".
"Việc phải kỷ luật số lượng cán bộ lớn trong một thời gian rất ngắn với một lực lượng tuổi đời chưa nhiều như Cảnh sát biển là vô cùng đau xót và rất nghiêm trọng, bởi chúng ta không chỉ mất cán bộ mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của quân đội, quốc gia", ông Trường chia sẻ thêm.
Vì sao ở một lực lượng rất quan trọng như vậy lại để ra nông nỗi này ?
Đây là câu hỏi mà ông Vũ Quốc Hùng đặt ra đối với Quân ủy Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan có trách nhiệm quản lý đơn vị có những tướng lĩnh vi phạm.
Ông Hùng cho rằng, "nếu như công tác kiểm tra giám sát theo các quy định của Đảng làm đến nơi đến chốn, làm kịp thời, thường xuyên thì không đến nỗi mất mát lớn như vậy".
Ông Lê Việt Trường cho biết, trước đây, những vấn đề liên quan đến lĩnh vực quốc phòng, an ninh, nhất là liên quan đến lực lượng thuộc môi trường biển, thông thường nhiều người cho rằng "nhạy cảm", có nhiều yếu tố đòi hỏi cần thiết phải có cách thức riêng. Phải chăng đây là một phần cho câu trả lời câu hỏi nêu trên ?
Từ vụ việc đau lòng này này, dư luận lại càng hết sức quan tâm đến công tác tổ chức cán bộ, đặc biệt là quy trình lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ. Vấn đề được đặt ra ở đây, là tại sao công tác cán bộ bấy lâu nay được khẳng định "đúng quy trình" mà vẫn chọn phải lãnh đạo hư hỏng và không đủ năng lực ?
Phải chăng, "quy trình đúng" trong tuyển chọn cán bộ lãnh đạo đang vận hành đã bộc lộ những khuyết tật mang tính nguyên tắc.
Theo báo cáo của Ban Nội chính Trung ương, trong nhiệm kỳ XII, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 1.300 tổ chức đảng và kỷ luật 87.000 đảng viên vi phạm, trong đó, có 18 bị cáo nguyên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, chưa kể 9 tướng thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển nói trên.
Đây là những phản ví dụ cho thấy một thực tế là cán bộ được tuyển chọn "đúng quy trình" nhưng lại hư hỏng, bị kỷ luật.
Còn một nguyên nhân nữa, không thể không nhắc tới. Đó là sự tha hóa phẩm chất, đạo đức của cán bộ, đảng viên khi có quyền lực trong tay. Sự tha hóa đó cộng với sự buông lỏng quản lý đã khiến cho không ít cán bộ nhanh chóng bị cuốn vào vòng xoáy tội lỗi mặc dù họ đã được tôi luyện, trưởng thành trong môi trường quân đội.
Trên mạng xã hội, nhân vụ này, nhiều người nhắc lại vụ án Trần Dụ Châu, một đại tá quân đội thoái hóa biến chất, sa đọa trong lối sống phải chịu án tử giữa lúc toàn dân, toàn quân đang thắt lưng buộc bụng, bất chấp gian khổ, hy sinh, dốc toàn sức, toàn lực cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Làm gì để không còn những vụ vi phạm nghiêm trọng khác trong tương lai ?
Trong vụ việc nêu trên, sự buông lỏng kiểm tra, giám sát đã tạo điều kiện cho những sĩ quan, cán bộ thoái hóa biến chất thực hiện hành vi trái pháp luật, làm xấu hình ảnh bộ đội Cụ Hồ.
Ông Vũ Quốc Hùng đề nghị cần phải phổ biến và thực hiện thật tốt Quy định 22 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. "Chủ động chứ không bị động, chiến đấu là phải đấu tranh với các tiêu cực, đây không phải là chuyện dễ dàng, mà đây là cuộc đấu tranh phải có dũng khí. Từ đó răn đe, cảnh cáo, giáo dục những người vi phạm. Phải cho những "củi" xấu vào lò, chứ không phải mục đích là để có thành tích đưa càng nhiều "củi" cho vào lò càng tốt", ông Hùng nêu rõ quan điểm của mình.
Ông Lê Việt Trường nhấn mạnh, có rất nhiều bài học được đặt ra, nhưng quan trọng nhất là Bộ Quốc phòng cần phải có một cuộc chỉnh huấn nghiêm túc không chỉ ở lực lượng Cảnh sát biển mà trong toàn quân.
Một cuộc chỉnh huấn như thế thật cần thiết trong bối cảnh hiện nay của quân đội.
Lại bàn thêm về công tác cán bộ – then chốt của then chốt – mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng, quyết định sự thành bại của cách mạng.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh, trong công tác cán bộ là phải bố trí đúng người đúng việc, tạo ê kíp ăn ý, đoàn kết thống nhất để tạo nên sức mạnh. Chính vì thế mà không được giản đơn, tùy tiện, vô nguyên tắc ; không để lọt vào bộ máy những người không đáp ứng tiêu chuẩn, không đủ đức đủ tài dẫn đến hại nước hại dân ; "đừng để mã bên ngoài che đậy sơ sài bên trong"…
Vụ kỷ luật 11 tướng nói trên là cơ hội để Đảng, quân đội rà soát lại công tác cán bộ, thực sự chọn đúng người tài đức, một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.
Và không thể không nhắc lại một lần nữa vụ án Trần Dụ Châu 71 năm trước.
Trong bài viết 55 năm nhìn lại vụ án Trần Dụ Châu của nhà báo Hồng Hà đăng trên Báo Công an Nhân dân online, có đoạn :
"Ngày 5/9/1950, tại thị xã Thái Nguyên, Tòa án binh tối cao mở phiên tòa đặc biệt xử vụ Trần Dụ Châu. Còn lâu mới tới giờ khai mạc mà trong và ngoài tòa đã chật ních người. Cửa vào phòng xử án có một bảng khẩu hiệu : "Nêu cao ánh sáng công lý trong quân đội". Trong phòng xử, trên tường đối diện nhau có hai khẩu hiệu : "Quân pháp vô thân" và "Trừng trị để giáo huấn".
Tòa tuyên án "Trần Dụ Châu can tội biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến : tử hình ; tịch thu ba phần tư tài sản".
Ngày 27/9/1950, báo Cứu Quốc đăng xã luận "Nhân vụ án Trần Dụ Châu", có đoạn : "Có người e ngại : Chúng ta mở toang vụ án này, công khai vạch rõ những tội lỗi nhơ bẩn của Trần Dụ Châu và bè lũ có thể làm một số dân chúng chê trách, hay kẻ địch bám vào đấy để nói xấu chính quyền, đoàn thể ta. Không ! Chúng ta không sợ phê bình và tự phê bình những khuyết điểm của ta.
Chúng ta khác bọn phản động và hơn hẳn chúng ở chỗ đó. Đấy là một sự khuyến khích nhân dân thẳng thắn, phê bình những sai lầm của cán bộ, của Chính quyền, đoàn thể vì họ đã hiểu chính quyền, đoàn thể ta là chính quyền, đoàn thể của họ và họ nhất định không tha thứ những kẻ nào đi ngược quyền lợi của họ".
"Chúng ta phải thẳng tay vạch mặt và trừng trị những bọn ấy, những kẻ tham ô, hoang phí, những kẻ mưu sống phè phỡn trên mồ hôi nước mắt người khác, để tiến tới xây dựng một nền tảng chính quyền nhân dân thật vững vàng.
Đây không phải là việc riêng của Chính phủ, của đoàn thể mà đây là bổn phận của tầng lớp đông đảo quần chúng nhân dân chúng ta".
Tội lỗi của Trần Dụ Châu nếu so với nhiều vụ đại án ngày nay (mặc dù vẫn biết mọi sự so sánh đều khập khiễng) thì quả thực là "nhỏ như con thỏ". Điều khiến nhân dân khâm phục, tin tưởng và trở thành bài học sâu sắc qua vụ án đặc biệt này là chính quyền lấy thượng tôn pháp luật làm đầu, công tội phân minh.
Soi lại các vụ án đã xử về tội tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua có thể thấy, chưa đủ sức răn đe những kẻ thoái hóa biến chất được che chắn trong vỏ bọc trong sạch, liêm khiết mặc dù lò thiêu tham nhũng vẫn cháy rừng rực.
Người dân không thể chấp nhận việc nhiều cán bộ, đảng viên gây án, làm cho cơ quan, doanh nghiệp, địa phương, nhà nước khuynh gia bại sản nhưng chỉ ngồi tù vài ba năm, để rồi sau đó lại ung dung, ngạo nghễ sống trong nhung lụa, châu báu do tham nhũng, hối lộ mà có.
Nguyễn Duy Xuân
Nguồn : VietTimes, 05/10/2021
***********************
Các lãnh đạo Cảnh sát biển Việt Nam đã làm gì để bị kỷ luật ?
Phạm Hồng Giang, RFA, 03/10/2021
Tầm quan trọng của Cảnh sát biển
Gần đây, người sử dụng điện thoại đi động ở Việt Nam hay nhận được tin nhắn với nội dung :"Tích cực tham gia Cuộc thi trực tuyến"Tìm hiểu Cảnh sát biển Việt Nam" tại địa chỉ… là góp phần bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới". Điều này cho thấy chính quyền Việt Nam đang thể hiện sự tuyên truyền mạnh mẽ cho lực lượng này.
Một cảnh sát biển Việt Nam đang quan sát tàu hải cảnh của Trung Quốc ở Hoàng Sa hôm 15/7/2014 - Reuters
Với tầm quan trọng của biển và đại dương hiện nay, cùng với các hành động hung hăng và dã tâm độc chiếm biển Đông của Trung Quốc, hơn lúc nào hết, vai trò của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam rất quan trọng trong việc giữ gìn và bảo vệ an ninh cũng như chủ quyền lãnh thổ của tổ quốc.
Trước chiến thuật "vùng xám" của Trung Quốc ở biển Đông, đối mặt với các tàu hải cảnh, ngư chính cùng dân quân biển của Trung Quốc, nhưng tránh tạo cớ cho Trung Quốc sử dụng vũ lực, Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chính yếu để đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của đất nước. Ngoài ra, Cảnh sát biển cũng góp phần cùng với Hải quân Việt Nam bảo vệ ngư dân ra khơi, đồng thời bảo vệ an ninh trên biển. Chính vì vậy, việc chú trọng xây dựng năng lực và sức mạnh cho lực lượng này là một ưu tiên cấp thiết. Ngay cả các cường quốc biển trên thế giới như Mỹ, Nhật cũng đã giúp đỡ trang bị các tàu tuần tra hiện đại cho Cảnh sát biển Việt Nam với mong muốn giúp Việt Nam giữ vững chủ quyền biển đảo của đất nước.
Thế nhưng, mới đây, một loạt các tướng lĩnh cao cáo nhất của Bộ tư lệnh Cảnh sát biển đã bị đề nghị kỷ luật do nhiều sai phạm nghiêm trọng. Điều này gây nên lo lắng rất lớn cho người dân Việt Nam, vốn quan tâm đến biển đảo của đất nước.
Cảnh sát biển Việt Nam, anh là ai ?
Trước năm 1998, chính quyền Việt Nam không có một cơ quan Cảnh sát biển chuyên dụng nào mà chỉ có lực lượng Hải quân tuần tra ngoài khơi cùng các hoạt động quân sự khác.
Ngày 28 tháng 8 năm 1998, Cục cảnh sát biển Việt Nam thuộc Bộ tư lệnh Hải quân được thành lập, đánh dấu sự ra đời của Cảnh sát biển Việt Nam. Lúc mới thành lập thì Cục cảnh sát biển chỉ là một Cục chức năng và không chỉ huy các Vùng cảnh sát biển được thành lập sau đó.
Năm 2008, Cục Cảnh sát biển được chuyển về trực thuộc Bộ Quốc phòng và đồng thời các Vùng cảnh sát biển được chuyển về trực thuộc Cục.
Năm 2013, Cục cảnh sát biển đổi tên thành Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển theo Nghị định số 96/2013/NĐ-CP, ngày 27 tháng 08 năm 2013 củaChính phủ. Có con dấu hình quốc huy, là cơ quan mang danh nghĩa trực thuộc Chính phủ Việt Nam. Cảnh sát biển Việt Nam có ngân sách riêng của Nhà nước, có cảnh hiệu, cảnh phục riêng do Chính phủ quy định.
Ngày 10 tháng 9 năm 2014, các Vùng cảnh sát biển được đổi tên thành Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển theo quyết định của Bộ trưởng Quốc phòng.
Văn bản pháp lý mới nhất quy định về tổ chức và hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển đó là Luật Cảnh sát biển năm 2018.
Cảnh sát biển Việt Nam trên tàu CSB-8003 đang quan sát trên radar tàu Trung Quốc gần quần đảo Hoàng Sa hôm 15/7/2014. Reuters
Vì đâu nên nỗi ?
Một điều mà rất nhiều người dân thắc mắc trước việc này, đó là Cảnh sát biển đã có hành vi vi phạm gì để bị đề nghị kỷ luật như vậy ?
Thông cáo báo chí của Ủy ban kiểm tra trung ương Đảng cộng sản Việt Nam mới đây nêu rõ :"Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam nhiệm kỳ 2015/2020 đã vi phạm nguyên tắc, quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ, lãnh đạo chủ chốt Bộ Tư lệnh và lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị trực thuộc thiếu tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống ; vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của Bộ Quốc phòng trongcông tác quản lý, sử dụng tài chính, thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm vật tư, trang bị kỹ thuật và trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển.
Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, tổn hại uy tín của tổ chức đảng và Quân đội, gây bức xúc trong cán bộ, chiến sĩ".
Điều rất đặc biệt là thông tin chỉ có như vậy, hết sức chung chung, không có những thông tin chi tiết. Báo chí trong nước thì tất cả chỉ là đăng lại thông cáo báo chí này từ Ủy ban Kiểm tra mà thôi.
Nhưng chúng ta có thể tóm lược là các sai phạm của các lãnh đạo BTL Cảnh sát biển lần này bao gồm : …công tác quản lý, sử dụng tài chính, thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm vật tư, trang bị kỹ thuật và trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển".
Trong số những người bị Ủy ban Kiểm tra đề nghị xử lý kỷ luật, với hình thức nặng nhất"Khai trừ ra khỏi Đảng" có các ông : Đại tá Phùng Danh Thoại, Đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Xăng dầu, Cục Hậu cần ; Thiếu tá Lưu Thế Đức, Đảng ủy viên, Phó Đoàn trưởng Đoàn Trinh sát số 2".
Điều này có thể được hiểu là hai người nêu tên trên đã có hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động chuyên môn của họ là quản lý xăng dầu của Cảnh sát biển. Một số nguồn tin giấu tên ngay trong Bộ tư lệnh Cảnh sát biển cho biết : Đã có rất nhiều hành vi tham nhũng ở đây. Rất nhiều chuyến công tác, tuần tra của Cảnh sát biển chỉ là "trên giấy", để các lãnh đạo lấy số xăng dầu đó bán chia nhau. Nói nôm na là các lãnh đạo này đã "vẽ" ra rất nhiều các hoạt động"khống" của lực lượng Cảnh sát biển, từ đó lấy rất nhiều xăng dầu bán ra ngoài, thu lợi bất chính hàng trăm tỉ đồng.
Ngoài ra, dư luận cũng không lạ gì chuyện đấu thầu mua sắm trang thiết bị cho chính quyền luôn bị kê giá, kê khống, tráo đổi vật tư nguyên liệu. Đơn cử như các vụ án Vinashin, Vinalines đều cho thấy việc nâng giá để mua các thiết bị "bỏ đi" nhưng với giá trên trời này. Ví dụ, theo kết luận điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, chiếc ụ tàu nổi 83M trong vụ án trên đã được Vinalines có quyết định mua vào tháng 10/2007. Khi ấy ụ tàu này đã có tuổi thọ tới 42 năm (sản xuất năm 1965), doanh nghiệp chủ ụ tàu này tại Nga chỉ đưa ra giá bán 5 triệu USD. Thế nhưng Vinalines lại mua qua một công ty môi giới tại Singapore với giá tới 9 triệu USD, theo quyết định của chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines khi ấy là ông Dương Chí Dũng đã phê duyệt.
Những hành vi tham nhũng tương tự như vậy không chỉ có ở các vụ như Vinashin, Vinalines mà nay cũng có thể xuất hiện ở ngay cơ quan đầu não của Cảnh sát biển Việt Nam ?
Một tàu chưa hoàn thiện ở xưởng đóng tàu Nam Triệu thuộc Vinashin ở Hải Phòng năm 2013. AFP
Thêm nữa, các ngư dân cũng không lạ lẫm trước các hành vi bảo kê, thông đồng với các đối tượng buôn lậu trên biển của chính lực lượng Cảnh sát biển. Các hoạt động buôn lậu trên biển rất lớn, bao gồm cả buôn lậu xăng dầu, buôn lậu ma tuý… Các đường dây buôn lậu này đã có sự tiếp tay, bảo kê của chính lực lượng gìn giữ an ninh trên biển là Cảnh sát biển. Chính vì vậy, Ủy ban Kiểm tra đã nhận định các sai phạm này là "rất nghiêm trọng".
Điều mỉa mai là trong số những người bị đề nghị kỷ luật có ông Doãn Bảo Quyết - Phó Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam. Hồi đầu tháng 5 năm nay, ông Quyết có đăng một bài trên tạp chí Quốc phòng toàn dân, trong đó ông ta khẳng định : "Những năm qua, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của trên, có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng, xây dựng bản lĩnh kiên định, vững vàng, đạo đức, lối sống trong sáng, phát huy tốt phẩm chất"Bộ đội Cụ Hồ - người chiến sĩ Cảnh sát biển".
Nay mới hiểu phẩm chất "bộ đội Cụ Hồ" của Cảnh sát biển là đây, là tham nhũng, là tội phạm.
Cần một cuộc thay máu
Theo Điều 4, khoản 1, Luật Cảnh sát biển quy định : Lực lượng Cảnh sát biển đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý nhà nước của Chính phủ và sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Những ai phạm này lại như một cú đấm trực tiếp vào Bộ Quốc phòng và Đảng cộng sản Việt Nam.
Thời gian qua, với sự đầu tư rất lớn cho hải quân và Cảnh sát biển, đó là điều cần thiết. Tiền đó đều lấy từ ngân sách quốc gia, tức là lấy từ tiền thuế của người dân. Thế nhưng, với những sai phạm tày đình như vậy, người dân có thể tin tưởng được những hoạt động mua sắm, sửa chữa của quân đội và chính phủ Việt Nam hay không ?
Đã có nhiều trường hợp thực tế, chính các cơ quan bảo vệ pháp luật lại là cơ quan bắt tay với tội phạm để kiếm lợi. Mà nay các hoạt động bảo kê, thông đồng với buôn lậu của Cảnh sát biển lại là một bằng chứng cho thấy bộ máy Nhà nước Việt Nam hiện nay thối nát ra sao ?
Thêm nữa, với những sự tham nhũng như vậy, liệu lực lượng Cảnh sát biển và cả hải quân Việt Nam liệu có đủ sức để bảo vệ đất nước trước sự xâm lăng của Trung Quốc ? Chưa kể việc Trung Quốc có thể dễ dàng dùng tiền để "mua chuộc" và vô hiệu hoá các lực lượng quan trọng của quân đội trong việc bảo vệ biển đảo.
Bộ Quốc phòng và Đảng cộng sản phải trả lời các câu hỏi này.
Phạm Hồng Giang
Nguồn : RFA, 03/10/2021
********************
Hàng loạt tướng tá Cảnh sát biển bị phế truất : Cuộc thanh trừng chưa có điểm dừng
Trần Đông A, VOA, 03/10/2021
Phải kể đúng tội trạng của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển ! Ngoài chuyện làm đổ một đoạn phên dậu, còn có thể khép họ vào tội gì nữa, nếu không phải là tội phản quốc ? Trong bao nhiêu năm trời, họ đã đồng lõa và bảo kê cho bọn "cát tặc", tiếp tay cho Trung Quốc bồi đắp trên quy mô lớn các hòn đảo cưỡng chiếm từ Việt Nam ?
Trách nhiệm thuộc về ai ?
Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc trong chuyến kiểm tra liên hợp nghề cá trên vịnh Bắc Bộ - Ảnh : TTXVN
Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của nhà nước, nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển. Tuy nhiên, theo truyền thông trong nước và quốc tế, các cựu lãnh đạo và lãnh đạo đương nhiệm của lực lượng ấy lại phụ lòng tin của đảng, nhà nước, quốc hội và nhân dân. Báo chí trích dẫn đánh giá của Ban bí thư Đảng cộng sản Việt Nam : "Những vi phạm này làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của tổ chức đảng, hình ảnh của Cảnh sát biển và Quân đội nhân dân Việt Nam gây bức xúc dư luận xã hội, đến mức phải thi hành kỷ luật nghiêm theo quy định của đảng".
Cảnh sát biển là cơ quan có con dấu hình quốc huy, danh nghĩa trực thuộc chính phủ, có ngân sách riêng của nhà nước, có cảnh hiệu, cảnh phục riêng do chính phủ quy định. Núi ngân sách khổng lồ lên đến hàng tỷ Mỹ kim rót cho Cảnh sát biển tùy nghi quyết định. Thế mà các ông tướng chỉ huy ấy tự "chuyển hóa" thành tướng cướp, với đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng để vơ vét cho đầy túi tham. Sự việc tham nhũng nghiêm trọng được xem như đại án gây phẫn nộ trong toàn lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Sau hàng loạt đơn thư tố cáo của các sĩ quan, chiến sĩ trong lực lượng Cảnh sát biển, gởi đích danh ông Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang về những bê bối, tham nhũng của các lãnh đạo Cảnh sát biển, Trung ương đảng mới vào cuộc và mọi việc mới được phơi bày.
Cũng giống như trước đây, phải chờ cho đến khi ông Trần Đại Quang qua đời, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mới xử lý được một loạt tướng bên Công an, trong đó có 2 Thứ trưởng mang hàm Thượng tướng. Lần này, ông Trọng cũng phải chờ cho Bộ trưởng Phùng Quang Thanh "ra đi", Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch về hưu, ông Trọng cùng với Ban Kiểm tra trung ương mới xử lý được bộ hồ sơ nhức nhối này của Cảnh sát biển. Cuộc "truy vết" các đường dây bảo kê còn tiếp diễn. Dư luận trong nước cho rằng, danh sách tướng Cảnh sát biển bị xử lý có thể còn kéo dài, tất cả phải đến 13 vị, chứ không chỉ dừng lại ở con số 8 như đã thông báo. Cho dù 8 hay 13, thì cuộc thanh lọc lần này cũng chỉ mới là bề nổi của tảng băng. Lực lượng Cảnh sát biển tan hoang vì tướng lĩnh suy thoái là một phần, nhưng một phần quan trọng là do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chưa hoàn thành trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc họ, với tư cách ông là Bí thư quân ủy Trung ương trong suốt ba nhiệm kỳ Tổng bí thư. "Ba X" (Nguyễn Tấn Dũng) đã từ giã chính trường từ năm 2016. Vì vậy, phe Nguyễn Phú Trọng không thể đổ thừa cho "phe Ba X" trong đại án "dây chuyền" và biểu hiện cao nhất của "lỗi hệ thống" này.
Cuộc thay máu của Bộ Quốc phòng do tướng Phan Văn Giang khởi xướng, vì thế, còn phải tiếp tục. Tại sao ? Xin mời nghe đánh giá của chính ngành Pháp chế quân đội, theo đó, "tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực quốc phòng, an ninh diễn biến phức tạp". Mới đây, ngày 14/7, Đại tướng Phan Văn Giang đã chủ trì lễ ký kết Quy chế phối hợp hoạt động kiểm toán giữa Kiểm toán Nhà nước và Bộ Quốc phòng. Theo đó, hai bên cam kết, tiếp tục phối hợp nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, ban hành, sửa đổi các văn bản quy định về công tác mua sắm, đấu thầu, quản lý tài chính, tài sản công…
Đài RFA còn nêu một vấn đề khác, nhiều người quan tâm lúc này, tại sao một loạt tướng tá chỉ huy lực lượng Cảnh sát biển bị truất chức và bị đề nghị kỷ luật do những sai phạm trong suốt thời gian dài, dư luận cho là hàng chục năm có lẻ, mà giờ mới xử lý và cũng chỉ bị kỷ luật mà thôi chứ chưa bị khởi tố ? Ai cũng hết sức ngạc nhiên vì điều này ! Ngoài ra, lịch sử quân đội từ 1944 đến nay, chưa bao giờ có một chiến dịch nào, một trận đánh nào lại phải hy sinh cả tá các tướng lĩnh và sĩ quan cao cấp trên cả bốn vùng quản lý như thế. Vì vậy, theo giới quan sát, đây là một sự trả giá rất lớn đối với Tổng bí thư, Bộ Chính trị về trách nhiệm lãnh đạo đối với lực lượng Cảnh sát biển nói riêng và QĐND nói chung.
Liệu có còn các đại án khác ?
Tội các tướng lĩnh Cảnh sát biển rất nghiêm trọng. Trước kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ươnghôm 1/10, thì Thiếu tướng Lê Xuân Thanh và Thiếu tướng Lê Văn Minh đã bị cơ quan điều tra Bộ quốc phòng khởi tố và bắt giam. Dù những kẻ sâu mọt đã/đang bị ném vào "lò", nhưng điều nhức nhối còn trong dư luận là, cơ chế nào sẽ bảo đảm để đội ngũ "kế cận" mấy vị tướng cướp trên sẽ không đi theo vết xe đổ của các bậc đàn anh ? Bởi vì, xin mượn lời của Tiến sĩ Trần Thất, nguyên Vụ trưởng Vụ Hành chính Tư pháp thuộc Bộ Tư pháp, viết trên trang FB cá nhân của mình : "Một thể chế đẻ ra tham nhũng, tạo điều kiện dễ dàng cho tham nhũng, rồi hò hét nhau chống tham nhũng thì cũng xứng đáng suy tôn thằng Bờm làm lãnh đạo đầu đàn phải không các vị ?"
Chẳng thế mà Thiếu tướng Lê Kế Lâm, nguyên Chuẩn đô đốc Hải quân Việt Nam có lý, khi ông trả lời RFA hôm 1/10 rằng, vụ kỷ luật này là việc bình thường : "Việc kỷ luật này tôi nghĩ là bình thường. Đại hội 13 của Đảng cộng sản Việt Nam kiên quyết đẩy mạnh chống tham nhũng và tiêu cực... Qua việc kỷ luật các tướng Cảnh sát biển chứng minh chống tham nhũng của Việt Nam không có vùng cấm, không chỗ nào là ưu tiên...". Chuyện đau lòng xảy ra như thế sao lại bình thường ? Nghĩa là còn nhiều đại án khác ? Cảnh sát biển là một mảng phên dậu quan trọng trong hệ thống phòng thủ của đất nước. Mảng phên dậu ấy đã đổ nát. Nhưng tại sao nó bị đưa ra hạch tội vào lúc này ?
Xin thưa không hẳn như thế ! Nếu Ủy ban Kiểm tra trung ương đặt kỷ cương phép nước lên hàng đầu, thì họ đã phải xử lý vụ này từ lâu rồi. Nhân tố quyết định để đưa đại án này ra ánh sáng, theo những người am tường cuộc đấu ngầm đang diễn ra ở Ba Đình hiện nay là do "cái lồng nhốt quyền lực" của ông Trọng dường như bị lãng quên trong "cơn đại sóng thần" của con virus covid. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dự cảm được vai trò của mình đang bị giảm sút rõ rệt trong cuộc chống dịch Covid 19 đang diễn ra. Một liên minh vô hình của "Bộ Tam" Chính – Huệ – Phúc đang bủa vây hạ uy thế của ông ? Ông đã phải nhờ Tập Cận Bình gọi điện sang Hà Nội, vừa trấn an vừa cảnh báo phe đảng. Nhưng hình như vẫn có luồng dư luận quy phần trách nhiệm cho ông trong cái chết của hơn 15 ngàn dân Sài Gòn vừa qua.
Vậy phải ra tay "đại án" Cảnh sát biển và ông quyết không dừng tại đây. Ông biết, con hổ "quyền lực" mà ông đang cưỡi rất nguy hiểm. Ông sẽ cho triệt phá đường dây bảo kê bọn Cảnh sát biển vừa qua. Ông sẽ "sờ gáy" các Ủy viên Bộ Chính trị đương chức như Đinh Tiến Dũng, Trần Tuấn Anh… để cho đẹp đội hình vùng miền. Bởi vì cánh Nam Bộ trước đây vẫn thắc mắc, tại sao xưa nay ông chỉ "đánh" Sài thành mà "nương nhẹ" đội quân Hà thành. Sau đại án này, ông phải lệnh cho Bộ Quốc phòng cần có một cuộc chỉnh huấn nghiêm túc không chỉ ở lực lượng Cảnh sát biển mà trong toàn quân. Tóm lại phải giữ cho cái lò của ông luôn luôn nóng. Ông phải chứng minh cho mọi người, mình còn tồn tại ! Còn có chỗ trong trò chơi "vương quyền" này.
Trần Đông A
Nguồn : VOA, 03/10/2021