Việt Nam ‘thất thủ’ trước Covid không chỉ bởi ý thức người dân
Nguyễn Lại, VOA, 08/10/2021
"Trong hoàn cảnh này thì mình phải tự lo thân mình thôi. Sức khoẻ gia đình mình thì mình phải tự giữ". Chia sẻ của chị Nguyễn Thuỳ Ngân, một cư dân quận Ba Đình, Hà Nội, cũng là tâm sự của rất nhiều người về tình hình đại dịch Covid ở Việt Nam lúc này.
Một áp phích tuyên truyền cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 ở Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình Tuổi Trẻ Online)
Theo chị Ngân, đợt dịch bùng phát ở Việt Nam, đặc biệt là ở thành phố Hồ Chí Minh, từ tháng Tư tới nay có một phần nguyên nhân không nhỏ từ sự quản lý và tổ chức các hoạt động chính trị - xã hội một cách duy ý chí.
Nhiều người bất bình vì giữa lúc nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát cao sau kỳ nghỉ lễ 30/4 – 01/5 thì bầu cử Quốc hội lại được tổ chức tại tất cả các địa phương, thôn xóm "để đáp ứng nhiệm vụ chính trị kịp thời", tập trung hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn, người xếp hàng tại các điểm bỏ phiếu.
Ngay sau đó, việc đổi chứng minh nhân dân sang loại mới gắn chip được triển khai, khiến một lần nữa rất nhiều người phải tập trung, xếp hàng, chờ đợi. Dịch bệnh bùng phát, việc cấp giấy đi làm nhiều người "hãi hùng" khi thêm một lần lại phải tập trung đông đảo, chầu chực.
Anh Nguyễn Minh Nguyên, một cư dân quận Thanh Xuân, cho rằng các việc làm này thể hiện sự duy ý trí và tự mãn một cách thái quá sau hơn 1 năm Việt Nam đã kiểm soát rất tốt đại dịch.
"Vaccine thì gần như chưa tiêm được một mũi cho dân mà đi tổ chức các hoạt động tập trung đông người như thế thì đúng là không thể chấp nhận được. Tôi thật sự cũng không thể hiểu người ta nghĩ gì nữa, " anh Nguyên bức xúc.
Chị Ngân nói ngay cả thời điểm Hà Nội cho mở cửa trở lại cũng rất khó hiểu.
"Tôi cũng không biết làm sao người ta lại quyết định mở cửa, cho phép người dân đi lại bình thường ngay trước đêm Trung thu, sao không lùi lại một ngày để qua Trung thu đi. Mở cửa ngay trước Trung thu khiến dân ùn ùn đổ ra đường. May là rất nhiều người đã được tiêm vaccine đấy, chứ không thì lại thêm nhiều ca dương tính ‘bung toang’ rồi lại đóng cửa trở lại. Thôi ở trong chế độ này thì phải chấp nhận mà sống thôi, " chị Ngân ngao ngán.
Báo chí nhà nước lâu nay ngụ ý tuyên truyền rằng ý thức người dân kém góp phần làm bùng phát dịch. Những người chỉ trích nói không thể đổ hết trách nhiệm lên đầu dân và cho rằng sự quản lý yếu kém, thiếu tầm nhìn đã khiến đại dịch trầm trọng hơn, đẩy hàng triệu người vào cảnh khó khăn, thậm chí là màn trời chiếu đất, và gây ra làn sóng "di tản" khỏi các đô thị và trung tâm công nghiệp vì kiệt quệ do phong toả.
"Không thể tưởng tượng được. Giờ đây người ta rời bỏ các thành phố và trung tâm công nghiệp như cảnh chạy loạn và tản cư thời chiến tranh. Trẻ con mấy tháng cũng phải cùng bố mẹ đi hàng nghìn cây số. Ngủ ngoài đường, thậm chí là sinh con ngoài đường. Bạn mình chuyên làm việc cho các hội đoàn thiện nguyện, giờ lúc nào cũng phải túc trực trên một số tuyến đường để phát đồ ăn cho người ta. Cả gia đình đi về quê mà có gì đâu, có khi chỉ có vài nắm cơm và chăn chiếu. Nếu thêm một, hai cái bu gà nữa là giống y cảnh tản cư trong chiến tranh mà mình thường thấy trên phim ảnh", chị Ngân chia sẻ cảm nghĩ.
Nguyễn Lại
Nguồn : VOA, 08/10/2021
*************************
Những đoàn người đi trong gió mưa
Viết từ Sài Gòn, RFA, 08/10/2021
Đó là những ngày cuối tháng Chín và đầu tháng Mười năm 2021, của thế kỉ 21, những đoàn người dắt díu nhau như những trận sóng xuôi từ Nam ra Bắc. Đất phương Nam trở nên chết chóc và không còn thân thiện, cưu mang họ nữa, họ trở về quê, trong đau khổ, thiếu hụt và nước mắt, trong lời ta thán, trong tiếng thở dài. Những đoàn người qui cố hương như một bài trường ca thăm thẳm buồn thế sự, thăm thẳm tự tình dân tộc – một dân tộc bốn ngàn năm hoặc giả hơn bà ngàn năm thiên di và lưu dân. Lưu dân và thiên di như một đặc tính của dân tộc này.
Những đoàn người co duỗi theo các chỉ thị của nhà nước, chính phủ, họ đã nhiều lần muốn thoát thân khỏi thành phố nhưng bất thành. Và cuối cùng, sau quá nhiều chết chóc, đau khổ, và sự trở về quê hương đầy may rủi của họ, để lại những khoảng trống quá lớn. Khoảng trống về kinh tế, khoảng trống về văn hóa và khoảng trống về tình nhân ái.
Khi sống nơi đất khách, họ đã phải đối mặt với quá nhiều ê chề, nỗi ê chề thân phận làm thuê sống mướn, thân ở trọ bị xua đuổi khi chưa có tiền trọ cuối tháng, tiền điện, tiền nước, các khoản chi tiêu hụt hơi… Và khi dịch đến, chết chóc, tai ương, người nghèo bao giờ cũng là người chịu thiệt, lãnh đau đớn đầu tiên và nhận được các trợ cấp xã hội từ nhà nước cuối cùng, đó là một thực tế tại Việt Nam. Và nói cho cùng, những người bươn bả kiếm sống, từ việc bán hàng rong cho đến làm thuê ở các cơ xưởng, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ luôn mang mặc cảm thấp cổ bé miệng này chẳng bao giờ chạm được đến công bằng xã hội. Họ sống trong một góc nhỏ tối tăm và mơ hồ, không hắt bóng giữa thành phố.
Những người này, khi họ tồn tại trên đất Sài Gòn, Bình Dương, đôi khi bị nhìn như một loài tầm gửi. Nhưng mấy ai nghĩ rằng chính họ, chính những thân tầm gửi này lại là lực lượng lao động chủ chốt, nó quyết định nên kinh tế công nghiệp và thương nghiệp miền Nam có sắc, có nhọn, có năng động hay không. Bởi, mọi sự tính toán và mọi dự án kinh tế, sự thành công của nó, quyết định tiên yếu của nó bao giờ cũng nằm ở lực lượng lao động, cái lực lượng đông nhất, có thân phận thấp bé nhất nhưng nếu không có họ, thì chuyến tàu kinh tế khó bề mà chạy cho êm, chạy đến đích. Và, các hành xử thiếu tình người của giới chủ, từ chủ thuê lao động cho đến chủ trọ, cho đến chính quyền thành phố Sài Gòn, Bình Dương đã khiến họ hốt hoảng, hoang mang và ê chề.
Sự ê chề, nản lòng, mệt mỏi, thất vọng và tuyệt vọng đã khiến họ dứt áo ra đi, không luyến tiếc gì ở miền đất hứa này nữa (hơn nữa, hầu như tất cả các tỉnh hiện tại cũng đang thiếu lao động trầm trọng, những người trở về này là lực lượng lao động có kĩ năng, tác phong công nghiệp ít nhiều và đương nhiên là họ chuyên nghiệp, họ rất cần cho địa phương, bản quán của họ). Và sự trở về lần này của họ sẽ để lại lỗ hổng kinh tế khá lớn cho các thành phố công nghiệp họ từng làm việc và bám trụ, cho cả hệ thống chính trị vốn đã bỏ rơi họ trong đau khổ và cố tình chặn họ lại, giữ họ lại vì lo cho tương lai kinh tế thành phố.
Cũng qua đợt tháo chạy thoát thân của đoàn đoàn lớp lớp người này, người ta còn nhận ra cái lỗ hổng về tâm hồn, về văn hóa của người dân Việt Nam bấy lâu nay. Mà cụ thể ở đây, phải nói đến chính sách vĩ mô về kinh tế, văn hóa đã tác động tiêu cực đến đời sống nhân dân, các qui định bóp nghẹt, thiếu tình người của chính phủ, chính quyền địa phương từ rất lâu đã khiến cho mọi người ai tự lo giữ thân nấy, ai khôn thì qua ải, ai dại thì sống dở chết dở. Chính cái thứ tâm lý quái quỉ, đau khổ đến tàn bạo này đã khiến cho con người trở nên xơ cứng và vô cảm, người ta không còn quan tâm đến đồng loại. Và đâu đó, mang bóng dáng của tư bản rừng rú.
Mà cũng dễ hiểu, bởi chưa bao giờ Việt Nam đạt được các thông số tư bản rừng rú như thời gian gần đây, cụ thể là vào những năm đầu của thế kỉ 21 này. Người ta không còn yêu thương, chia sẻ với nhau, những thứ ấy thuộc về xa xỉ phẩm. Người ta bóc lột nhau đến tận cùng có thể, ngay trong gia đình ruột thịt, nếu bóc lột được nhau, người ta cũng không ngần ngại làm và khoác lên nó chiếc áo đạo đức như hiếu đạo, nhân nghĩa, trung thành… huống chi với người bên ngoài, tứ cố vô thân. Đương nhiên không phải ai cũng vậy, bởi đất nước này, dân tộc này vẫn còn rất nhiều người giàu lòng trắc ẩn, sống cho tha nhân. Nhưng rất tiếc, cái con số "rất nhiều" ấy lại không đủ để bù vào cái con số khổng lồ các tư bản rừng rú. Và tư bản rừng rú đã thấm vào đời sống, thấm vào từng ngõ ngách, thấm vào ngay cả những người buôn bán, kinh doanh nhỏ lẻ và cả người lao động chứ không riêng gì những kẻ làm chủ.
Một thứ tư bản khiến cho người ta sống cẩu thả, bất chấp và cầu an đến ông Trời. Bởi con người với nhau, người ta không tìm thấy sự bình an. Một trận sóng dấy động, cuồng nộ mà ở đó, chiếc thuyền tồn tại lại là những đồng tiền, nó nhanh chóng đẩy con người đến chỗ tin rằng vật dục là chân lý. Tâm hồn con người trơ nên trơ trọi, khô khốc.
Khi tâm hồn trơ trọi và khô khốc, thì hy vọng gì chuyện người có ý thức trách nhiệm với cộng đồng hay không. Tôi không thông cảm với việc có đoàn người xả rác khắp các con đường, nơi họ dừng nghỉ. Nhưng tôi phải đặt lại câu hỏi rằng ở thời đại tiêu dùng, sống giữa một cơ chế tư bản rừng rú, mọi thứ đều xài nhanh, xả nhanh, mạnh ai nấy xả, và người lao động luôn là kẻ phải đi nhặt rác của nhà giàu, thì ngay lúc này, ngay cái lúc đau khổ nhất, ngay cái lúc đối mặt với bản thể loài người và ý niệm sinh tử, liệu họ có quyền xả rác một lần hay không ? Điều đó có đáng thông cảm không ? Hay là đó đã thành một nếp quen cho đến lúc tận cùng thế sự nó vẫn đeo bám và hiển hiện ? Cả hai câu hỏi thử đặt ra đều rơi vào bế tắc, bởi rất khó để tìm ra sự cảm thông nào cho hợp lý với bối cảnh hiện tại. Bởi sinh quyển xã hội đã ngợm mùi rừng rú. Và không khí văn hóa xã hội này là một bầu khí quyển ít nhiều mang mùi hoa xác chết.
Và, cho đến khi các đoàn lưu dân, các đoàn thiên di dắt díu nhau trong mưa gió mà trốn thoát thành phố, mà qui cố hương với rất nhiều may rủi, chưa chắc chính quyền nơi cố hương đã chịu để họ bước vào đất quê (như trường hợp chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế, tuyên bố sẽ phạt những ai về từ vùng dịch theo chỉ thị 16 mà chưa có đăng ký. Thử hỏi, làm sao người ta có thể đăng ký được trong bối cảnh chạy loạn bị mắc kẹt liên tục, một kiểu qui định vô cảm). Và đây cũng là câu hỏi lớn về yếu tố nhân cảm còn sót lại nơi con người.
Khi con người xê dịch giữa hai đầu một con đường, bị đối đãi lạnh nhạt, bạc bẽo nơi đất hứa giữa lúc khó khăn và bị hắt hủi, coi thường, thậm chí quay lưng trên đất cố hương… Thì chắc chắn, tâm hồn và lòng trắc ẩn của họ sẽ bị tổn thương nặng nề. Và mọi tội lỗi này, phải hỏi những cái đầu lãnh đạo có sỏi về thủ đoạn đấu đá những lại ất ơ về lãnh đạo, an dân cũng như chi phối an sinh xã hội. Thật là đáng buồn cho một đất nước có quá nhiều đoàn thiên di và đoàn lưu dân ở thế kỉ này !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 08/10/2021 (VietTuSaiGon's blog)
************************
Ban chấp hành trung ương đảng không tính chính phủ không biết tính !
Trân Văn, VOA, 07/10/2021
Hai đại biểu của dân chúng Bến Tre và Cà Mau tại Quốc hội Việt Nam vừa lên tiếng về thực trạng di dân lũ lượt dắt díu nhau rời bỏ các đô thị, trung tâm công nghiệp để về quê. Cả hai : Ông Đặng Thuần Phong – Đại biểu của Bến Tre, đồng thời là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Việt Nam và ông Phạm Văn Hòa - Đại biểu của Đồng Tháp, cùng thú nhận rằng họ bị những thông tin, hình ảnh ấyám ảnh và cảm thấy đau lòng(1).
Dòng người kéo nhau về quê vào ngày 15/8/2021 sau khi Thành phố Hồ Chí Minh quyết định thực hiện giãn cách xã hội thêm một tháng. Hình minh họa.
Hai đại biểu của dân chúng Bến Tre và Cà Mau tại Quốc hội Việt Nam vừa lên tiếng về thực trạng di dân lũ lượt dắt díu nhau rời bỏ các đô thị, trung tâm công nghiệp để về quê. Cả hai : Ông Đặng Thuần Phong – Đại biểu của Bến Tre, đồng thời là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Việt Nam và ông Phạm Văn Hòa - Đại biểu của Đồng Tháp, cùng thú nhận rằng họ bị những thông tin, hình ảnh ấyám ảnh và cảm thấy đau lòng(1).
Cả hai cũng là những người đầu tiên xác nhận, cả chính phủ lẫn chính quyền các tỉnh, thành phố không dự đoán được tình huống này nên lúng túng, bị động, cuối cùng mỗi nơi hành xử một kiểu và nạn dân lãnh đủ. Theo ông Phong, thảm trạng mà người Việt buộc phải chứng kiến suốt tuần vừa qua nằm ngoài mọi kịch bản, dự tính của chính phủ và các tỉnh, thành.
Ông Phong phân trần :Không chỉ chính quyền các tỉnh đồngbằng sông Cửu Long không thể hình dung về một đợt di dân lớn như thế mà vì nó diễn ra quá bất ngờ nên chính chính phủ cũng không thể lường về kịch bản như vậy ! Chưa kể Toàn bộ nguồn lực dự kiến dành cho việc này gần như đã cạn kiệt, các tỉnh không còn tiền để xử lý vấn đề với quy mô lớn !..
Đây cũng chính là lý do, thêm một lần nữa, không chỉ dân chúng mà những cá nhân lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam cần phải tìm ra câu trả lời cho câu hỏi :Thủ tướng để làm gì và chính phủ để làm gì nếu họ không biết tính ?
***
Giống như nhiều người Việt khác đã từng liên tục thắc mắc về chủ trương, chỉ đạo của Thủ tướng, của chính phủ trong ngăn ngừa đại địch Covid-19, ông Nguyễn Quang Vinh vừa đưa lên facebook một thống kê mà ông đặt tên là Tôi lảm nhảm tôi nghe...
1. Thời gian đầu có dịch, phát hiện một F0, ngay tức thì báo chí đạp lên đầu nhau đưa tin đưa tin, đưa tin, xongcăn cứ vào các địa điểm mà F0 thành thật khai báo để bảo vệ cộng đồng tránh lây nhiễm, báo chí xô vào các địa điểm đó, mô tả, mô tả, mô tả. Dân mạng căn cứ mô tả của báo chí bắt đầu đoán mò, đoán mò và quy kết đạo đức, mắng mỏ phẩm chất. Cả xóm, cả phường nhìn nhà có F0 bằng 1/4 con mắt, khinh bỉ, khinh bỉ, khinh bỉ, xong tới truy vết F1 : Ầm ầm còi hú, ầm ầm tiếng bước chân chạy, ầm ầm tiếng mắng mỏ, tưởng như đang truy bắt tên gián điệp mới từ trời rơi xuống, lôi, xách, kéo, tống lên xe.
Các nhà chuyên môn y tế và các chuyên gia có lương tâm, viết, nói, ngửa mặt kêu trời, đừng thế, cần phải bảo vệ nhân thân người ta, hãy bình tĩnh, xin đừng coi F0, F1 như đối tượng phạm tội, đừng, đừng, đừng nhưng trên trời mây vẫn xanh, gió vẫn thổi, chả ai nghe cả.
2. Khi dịch bắt đầu lan ra, các đia phương náo nức tóm F0, từ F0 tóm F1, F2, thậm chí F3, cách ly, cách ly, cách ly. Ầm ầm cách ly, tập trung vào hết, có chỗ cách ly tốt còn OK, nhiều chỗ nhét cả chục người, vài chục người vào một phòng bé tí, quây lấy nhau, quấn lấy nhau, xoắn lên hết, ầm ầm. Coi đó là thành tích. Coi đó là năng lực. Coi đó là cách chống dịch tài tình.
Các nhà chuyên môn y tế và các chuyên gia có lương tâm, viết, nói, ngửa mặt kêu trời, đừng thế, đừng cách ly tập trung ào ào như thế, cần chọn nơi cách ly có giãn cách, có đủ điều kiện, đừng gom đống vào nhưthế càng nguy hiểm, càng dễ lây chéo đừng, đừng, đừng nhưng trên trời mây vẫn xanh, gió vẫn thổi, chả ai nghe cả.
3. Rồi xét nghiệm, lênh ban ra, hỏa tốc, chọc mũi, chọc mũi, chọc mũi, phường xã nào cũng phải thành một pháo đài chọc mũi, 100%, 100%, 100%...
Các nhà chuyên môn y tế và các chuyên gia có lương tâm, viết, nói, ngửa mặt kêu trời, đừng thế, đừng chọc tràn lan thế, không tác dụng gì cả, chỉ tập trung vào ổ dịch, tập trung vào điểm nóng, chỉ xét nghiệm đại diện gia đình, đại diện điểm thôi, đừng đừng đừng, tốn kém lắm, đừng, tốn kém lắm mà không hiệu quả, đừng đừng, đừng, nhưng trời vẫn xanh, gió vẫn thổi vi vu, không ai nghe cả.
4. Khi dịch bùng phát dữ dội, quá nhiều ngàn F0 như ở Sài Gòn, không chính quyền nào nghĩ tới truy vết F1 với lại F2, chỉ còn F0, dồn F0 vào bệnh viện, F0 chưa phát triệu chứng gì cũng dồn đống vào bệnh viện, điều trị điều trị điều trị, điều trị người bị chuyển bệnh đã đành, điều trị cả người không có triệu chứng, ép họ vào rồi họ tự khỏi thì về, khi họ về thì họ nằm trong danh sách điều trị khỏi, vinh dự tự hào.
Các nhà chuyên môn y tế và các chuyên gia có lương tâm, viết, nói, ngửa mặt kêu trời, đừng thế, đừng coi F0 là bệnh nhân, hãy cho những F0 chưa triệu chứng cách ly tại nhà, theo dõi y tế tại nhà, giảm sức ép đổ gãy hệ thống y tế, tập trung cho F0 ( tỉ lệ rất thấp) có triệu chứng điều trị thôi. F0 không triệu chứng sẽ tự khỏi, tỉ lệ rất nhỏ phát bệnh thì đi bệnh viên, đừng coi tất cả F0 là bệnh nhân, đừng đừng đừng, nhưng trên trời mây vẫn xanh, gió vẫn thổi, chả ai nghe cả.
5. Sau nhiều tháng, vào một buổi sáng, ngủ dậy, trển hỏa tốc xuống, có thể cách ly F1 tại nhà, có thể cách ly F0 tại nhà, F0 không triệu chứng không được coi là bệnh nhân Thế là, cũng trời vẫn xanh, gió vẫn thổi, khắp chốn đô thành đến nông thôn lại hỏa tốc : Có thể cách ly F1 tại nhà, có thể cách ly F0 tại nhà, F0 không triệu chứng không được coi là bệnh nhân.
6. Bây giờ, người dân bỏ phố về quê, các địa phương bắt đầu : Về là cách ly, cách ly, cách ly, một mũi, hai mũi, ba bốn mũi cách ly hết, cách ly hết, xong quá đông, quá tải thì lại hỏa tốc dừng về bà con ơi, dừng về dừng về dừng về.Trển hỏa tốc, bà con về cứ cho cách li tại nhà Thế là giữa trời xanh, mây trắng gió vi vu, lại bắt đầu từ đô thành đến thôn quê hỏa tốc : Cách ly tại nhà, tại nhà, tại nhà.
Đại khái chống dịch như vậy đó.Trời ơi !
***
Đến giờ người Việt nào cũng có thể cảm nhận rõ ràng về hậu quả của chuyện Thủ tướng và Chính phủ không biết tính. Khi cả Thủ tướng lẫn Chính phủ đã thiếu kiến thức lại còn tự mãn đến mức trở thành độc đoán, luẩn quẩn với sai – sửa, sửa – sai, trong quản trị - điều hành lúc quốc gia đối diện với đại dịch, xã hội tất nhiên phải hỗn loạn, kinh tế tất nhiên phải suy sụp. Mỗi cá nhân, từng gia đình đều phải trả giá đắt cả ở hiện tại lẫn tương lai. Thậm chí đã có khoảng 20.000 người Việt phải trả bằng sinh mạng của chính họ...
Thủ tướng đã như thế, Chính phủ cũng như thế nên chuyện báo điện tử của chính phủ bi bô dài kỳ về"Covid-19 : Những quyết định mang tầm chiến lược vì tính mạng và sức khỏe nhân dân" (3), ca ngợi Thủ tướng và Chính phủ đã đáp ứng một cách linh hoạt với đợtdịch Covid-thứ tư, xoay chuyển được tình thế, hoặc một số cơ quan truyền thông chính thức khác ca ngợi chính phủ giỏi chống chịu, đi đúng hướng(4) là tất nhiên ! !
Chẳng có gì để hy vọng khi Tổng bí thư, Ban chấp hành trung ương đảng cũng hót cùng một giọng :Toàn hệ thống chính trị đã chủ động, tích cực vào cuộc, kế thừa, phát huy những thành tựu, kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và bình tĩnh, tỉnh táo đề ra nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp để xử lý kịp thời, đúng đắn những vấn đề mới phát sinh do tác động bất lợi của đại dịch Covid-19 (5).
Hội nghị lần thứ tư của Ban chấp hành trung ương đảng cộng sản Việt Nam nhiệm kỳ 13, khai mạc hôm 4/10/2021 và vừa kết thúc hôm nay (7/10/2021), Thủ tướng và chính phủ vẫn bình an, vô sự vì các Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành trung ương chỉ chú mục vàoxây dựng, chỉnh đốn đảng và xây dựng hệ thống chính trị theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hổi đảng 13.
Ban chấp hành trung ương đảng nhiệm kỳ này có đạt được mục tiêu vừa kể hay không nếu thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh, thậm chí còn phụ họa theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc, không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao (6) khi đã tận mục sở thị Thủ tướng và chính phủ quản trị, điều hành hoạt động ngăn ngừa đại dịch Covid-19 ?
Đặt vấn đề như thế thật ra chỉ để cho có ! Qua Hội nghị trung ương 4 vừa kết thúc, toàn bộ Ban chấp hành trung ương đảng nhiệm kỳ này chỉ đòi buộc toàn đảng, toàn bộ hệ thống chính trị bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai, không được phụ họa với sai trái lệch lạc và không hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao riêng trong phạm vi xây dựng, chỉnh đốn đảng mà thôi ! Còn chỉ đạo - thực thi những chủ trương, biện pháp sao cho sớm đạt đến quốc thái, dân an thì Ban chấp hành trung ương đảng không tính. Thành ra Ban chấp hành trung ương đảng không bận tâm về hoạt động phòng chống dịch Covid-19 của Thủ tướng và chính phủ ! Không tin thì cứ xem lại những thông tin liên quan đến khai mạc, diễn biến, bế mạc Hội nghị trung ương 4. Từ Tổng bí thư cho đến các Ủy viên Ban chấp hành trung ương đảng chỉ quan tâm đến một chuyện, làm sao để đảng vẫn"nhất thống giang hồ, muôn năm trường trị" ! Vậy thôi !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 07/10/2021
Chú thích :
(2) https://www.facebook.com/100004551390162/posts/1966460936848934/
(4) https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/bien-chung-delta-va-suc-chong-chiu-cua-viet-nam-779716.html
*********************
Cuộc đào thoát cúm Tàu
Nguyễn Ngọc Già, RFA, 05/10/2021
Cuộc trốn chạy của hàng chục ngàn công nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An vượt qua hàng ngàn dùi cui, hàng trăm rào sắt, đã là câu trả lời rõ nhứt cho sự thất bại ê chề chính sách "chống dịch như chống giặc" với quyết tâm "không thắng không về" của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Những khẩu hiệu bỗng trở nên khôi hài hơn bao giờ hết.
Cuộc trốn chạy rầm rộ trên những "con ngựa sắt" ốm o, nhàu nát, mang theo nó là hàng ngàn cảnh tượng đau xót, hãi hùng cùng tâm trạng phẫn uất chưa từng được nhìn thấy, chưa từng được cảm nhận sống động, trên từng người dân suốt 46 năm qua, kể từ ngày "giải phóng miền Nam, thống nhứt đất nước" (!). Lời van nài cùng cặp mắt bi ai trên những khuôn mặt thất thần với những bó nhang, cầu xin lực lượng cảnh sát cơ động như tế sống loại "chân lý không bao giờ thay đổi" (!).
Bao năm giải phóng như thế này phải không anh ? ! - Nhạc sĩ Lam Phương với một câu nhạc đủ gói gọn trọn vẹn mọi bi đát - bi thảm - bi thương của người Việt Nam, những tưởng nó đã lùi vào dĩ vãng xa xưa, bỗng chốc, tái hiện kinh hoàng không kém siêu thảm họa 1975 trong lịch sử.
Ngày xưa, người dân tháo chạy và đánh đổi mạng sống vì tìm kiếm tự do. Ngày nay, người dân trốn chạy và đánh đổi mạng sống để có chết cũng được chết tại quê nhà, đến mức không thể tin đó là sự thật, nếu không có những thước phim ghi lại đoàn người lội bộ bằng đôi chân mòn mỏi qua hàng trăm cây số, để ráng lết về tới quê nhà và trải mình nghỉ ngơi trên quốc lộ, đúng nghĩa đen của thành ngữ "màn trời chiếu đất". Không tin nổi dù đó là sự thật với những đứa bé đỏ hỏn còn ẵm ngửa trên đôi tay yếu đuối của bà mẹ trẻ, không cầm được nước mắt với những phụ nữ trụy thai, càng không biết làm gì ngoài lắng nghe những lời phẫn nộ, chửi bới như biển động mạnh trong ngày mưa bão - những cơn bão khủng khiếp thổi sạch tất cả những lời sáo rỗng, lòe loẹt, gian dối từ nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, để trơ lại những thảm cảnh tan hoang, đổ nát mà còn lâu lắm, người Việt Nam mới có thể quên và nó cũng sẽ được/sẽ bị nhắc mãi như là những chương lịch sử Việt Nam đen tối, vốn đã từng trải qua thuở Cải Cách Ruộng Đất, Đánh Tư Sản, Đổi Tiền, Kinh Tế Mới, Học Tập Cải Tạo, Vượt Biên v.v... Vậy, hãy gọi cuộc trốn chạy hiện nay bằng cái tên gì cho giản dị và dễ nhớ nhứt ? Cuộc Đào Thoát Cúm Tàu là một trong những cái tên được đề nghị, cho các sử gia Việt Nam hôm nay chú ý đến và để đưa vào sử sách sau này, làm bài học cho thế hệ tương lai.
Còn lâu lắm Việt Nam mới có thể bình thường. Người Việt Nam không quan tâm cái gọi là "bình thường mới" mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đang học đòi như các nước, bởi tất cả mọi người đang tồn tại trong một xã hội độc đảng toàn trị, vốn thoát thai từ vô số những giáo điều phản khoa học, chống lại quy luật tự nhiên - quy luật xã hội mà chúng vẫn đang xâm chiếm và áp đặt ách cai trị tàn bạo với thảm cảnh điêu linh không thể chối bỏ trong những ngày này.
"Bình thường mới" là gì ? "Hàng hóa thiết yếu" là gì ? "Ra đường không lý do chính đáng" là gì ? Người Việt Nam đang xung đột tâm lý dữ dội giữa sự giễu nhại từ những khái niệm rất ư tào lao, cùng những hậu quả ghê hồn không thể quyết toán nổi, bởi những câu chữ ngỡ vô hại như vậy. Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vẫn thích đùa dai như họ đã và đang hành động, không khác những cậu trai vị thành niên được nuông chiều rồi sanh ra bản tánh ngỗ ngược và vô nghì !
Một bệ phóng vô văn hóa cùng nền giáo dục phi triết lý, kết hợp nền kinh tế Lá Diêu Bông đã nuôi nấng nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam sống trong mộng ảo dài lâu với mặc cảm tư tôn hắc ám "Người ta cần mình, chứ mình không bao giờ cần người ta" đang xua đuổi các hãng Nike, Puma, Adidas lần lượt rời khỏi Việt Nam để chấm dứt thiệt hại, vốn dĩ họ đã gánh lấy trong nhiều tháng qua. Nên nhớ, "xứ giãy chết" không có "văn hóa làm nũng", "văn hóa quỵ lụy", bởi họ chỉ phù hợp với văn hóa kinh tế thị trường mà ông cha Việt Nam đã dạy bằng thành ngữ "Ăn cho buôn so", nơi không có chỗ cho xin xỏ, được vẽ vời cho sang bằng ngôn ngữ "ngoại giao vắc-xin".
Hàng chục ngàn công nhân nghèo tháo chạy có để lại câu hỏi trong tâm trí nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam "Biết bao giờ trở lại ?", Dù có, dù không, cuộc trốn chạy đó chỉ là bề nổi của một cuộc khủng hoảng tồi tệ, chuẩn bị diễn ra trong vài tháng tới, bởi bất cứ sự vật/hiện tượng nào cũng cần một độ trễ, dù ngắn hay dài, tựa như sự lây nhiễm tràn lan của Cúm Tàu, cho đến nay vẫn bế tắc trên toàn cầu.
Thế giới không còn giữ ý định sẽ nhìn thấy "cột điện bên Mỹ chạy về Việt Nam" để trốn dịch như cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hả hê hồi năm ngoái. Người Việt Nam cũng không còn trông mong gì "những pháo đài chống dịch" đang sụp đổ cùng khắp trên toàn cõi mảnh đất tội nghiệp này. Thay vào đó, một "hoàng hôn tím rịm" đang lừng lửng phủ xuống cùng một "đêm tối thê lương" chực chờ đổ tràn trong xã hội, với cuộc sống vô định và bất định của gần trăm triệu người Việt Nam trong những tháng ngày sắp tới...
Nguyễn Ngọc Già
Nguồn : RFA, 05/10/2021
Đọc thêm :
- Chỉ số BCI thấp nhất trong 10 năm qua tại Việt Nam do Eurocham khảo sát.