Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/10/2021

Kinh tế Việt Nam lâm nguy !

Phạm Trần

Sau 2 năm vật lộn với dịch Covid-19, tình hình kinh tế Việt Nam đang đứng trước viễn ảnh u tối nhất kể từ khi Đổi mới 35 năm trước đây (1986).

kinhte1

Tình hình kinh tế Việt Nam đang đứng trước viễn ảnh u tối nhất kể từ khi Đổi mới 35 năm trước đây (1986). Ảnh minh họa Thành phố Hồ Chí Minh nhìn từ Khánh Hội

Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam thì : "Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,04% ; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02% ; khu vực dịch vụ giảm 9,28%".

Tin xấu lan nhanh

Suy ra từ tin xấu này, Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng nhìn nhận tại lễ bế mạc Hội nghị Trung ương 4 ngày 7/10/2021 :

"Tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm chỉ đạt 1,42%, là mức thấp nhất từ năm 2000 đến nay ; dự báo cả năm chỉ đạt khoảng 3%, thấp xa so với mục tiêu Quốc hội đề ra (6%).

Kinh tế - xã hội cả nước đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn, và có thể còn tiếp tục kéo dài trong những tháng cuối năm 2021 và năm 2022. Các hoạt động sản xuất kinh doanh, việc học tập, nhất là học trực tuyến của học sinh, sinh viên và đời sống của người lao động trên hầu hết các lĩnh vực gặp nhiều khó khăn ; không ít doanh nghiệp phải dừng hoạt động, thậm chí bị giải thể, phá sản. Nợ xấu ngân hàng có khả năng tăng cao ; tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với thị trường tài chính - tiền tệ, thị trường lao động, ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường đầu tư kinh doanh. Đời sống của nhân dân, sức chống chịu của người lao động ở vùng dịch bị ảnh hưởng rất nặng nề ; nẩy sinh nhiều vấn đề phức tạp về tâm lý, tâm trạng xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Dự báo, không hoàn thành được nhiều mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra cho năm 2021".

Bức tranh kinh tế-xã hội ảm đạm này là bằng chứng cho thấy đã có ít nhất 50 triệu người ở tuổi lao động từ 15 tuổi trở lên đang lâm vào cảnh thất nghiệp ngắn hoặc dài hạn, theo ước tính của các chuyên gia kinh tế. Tình hình này sẽ không thay đổi, hoặc tồi tệ hơn trong năm 2022, vì Việt Nam đã chậm ưu tiên chích ngừa lực lượng lao động và khối công nhân tại các trung tâm công nghiệp, nhất là ở vùng thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn cũ) và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An.

Trước mắt có ít nhất 1,3 triệu công nhân mất việc ở Sài Gòn và các tỉnh ở trong Nam do bỏ chạy về quê lánh nạn từ ngày tháng 7 đến ngày 15/9/2021, theo Tổng cục Thống kê Việt Nam. Chi tiết phổ biến cho biết :

"Khoảng 324.000 người trở về từ Hà Nội, 292.000 người về từ Thành phố Hồ Chí Minh và 450.000 người trở về từ các tỉnh, thành khác phía Nam".

Tuy nhiên, số liệu thống kê lần này chưa tính đến dòng người về quê từ đầu tháng 10, khi Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam nới lỏng giãn cách.

Thống kê 930.000 người từ 15 tuổi trở lên đã trở về địa phương, khoảng 34% đang có việc làm ; 38% mất việc, không tìm được việc làm do cách ly, giãn cách và số còn lại không có nhu cầu làm việc do e ngại dịch bệnh" (VnExpress, 12/10/2021).

Nhưng sau khi đã hồi cư rồi, số công nhân thất nghiệp sẽ sống ra sao, trong khi ngày Tết đã gần và các doanh nghiệp lại thiếu công nhân là bài toán sản xuất nan giải của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Bằng chứng tại phiên họp, báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch năm 2022, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương cho biết :

"Dự kiến 4/12 chỉ tiêu chủ yếu chưa đạt mục tiêu, trong đó có GDP ước chỉ đạt 3,5-4% (mục tiêu là khoảng 6%).

Tuy năng lực và khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên nhưng sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút. Trong khi đó, còn tiềm ẩn nguy cơ lỡ nhịp với kinh tế thế giới, khu vực ; thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục là nguy cơ thường trực" (Thời báo Kinh tế Việt Nam, 12/10/2021).

Tiếng nói từ trong nước

Vì vậy, theo Ngân hàng phát triển Á Châu (Asian Development Bank-ADB) thì mức phát triển kinh tế của Việt Nam hết năm 2021 sẽ giảm dưới 5% thay vì tăng 5,8% như dự kiến hồi tháng 7/2021.

Theo tin của Chính phủ Việt Nam thì việc tháo gỡ giãn cách để từng bước phục hồi phát triển kinh tế sẽ được thực hiện từ tháng 10/2021. Tuy nhiên các doanh nghiệp không hy vọng có thể phục sức nhanh chóng vì thiếu công nhân, từ sau các đợt công nhân bỏ chạy về quê lánh dịch.

Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nguồn nhân lực Thành phố Hồ Chí Minh (tên cũ Sài Gòn) cho biết :

"Nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong quý III là 43.600-56.800 người. Con số này trong thời gian tới ở Bình Dương là khoảng 40.000-50.000 người.

Còn Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai cho biết có 28 doanh nghiệp đã tham gia sàn giao dịch trực tuyến với tổng nhu cầu tuyển dụng gần 4.700 lao động. Nhu cầu lao động phổ thông lên đến hơn 4.500 người" (Zing.vn, 8/10/2021)

Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đã khuyến cáo Việt Nam phải thận trọng trong quyết định này để tránh rủi ro không lường trước được.

Do đó, theo báo VietTimes thì : "Các chuyên gia cảnh báo, nếu Việt Nam không nhanh chóng kiềm chế được dịch bệnh và có lộ trình rõ ràng để mở cửa lại nền kinh tế thì những tổn thất sẽ vượt quá ngưỡng có thể khôi phục được".

Quốc hội Việt Nam dự trù họp vào ngày 20/10/2021 để thảo luận các biện pháp cứu nguy kinh tế.

Những tin không sáng về tình hình bệnh dịch còn lây lan ở nhiều nơi đã ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động kinh tế, thương mại, du lịch và giao thông. Bằng chứng này đã phản ảnh khá đấy đủ trên các báo ở Việt Nam trong thời gian hai tháng 8 và 9 (2021) như sau :

Thời báo Kinh tế Việt Nam viết ngày 22/09/2021 :

"Bức tranh kinh tế 9 tháng có nhiều gam màu trầm, nhiều chỉ số vĩ mô bị kéo tụt bởi dịch Covid-19. Trong đó, lần đầu tiên GDP hàng quý ghi nhận mức tăng trưởng âm ; nhập siêu hơn 2 tỷ USD trong 9 tháng ; ngành du lịch bị đóng băng hoàn toàn.

Tổng cục Hải quan vừa công bố số liệu sơ bộ tính từ đầu năm đến hết 15/9/2021 với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt gần 455 tỷ USD. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 225,198 tỷ USD ; tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 229,384 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt gần 4,186 tỷ USD.

Cụ thể, về xuất khẩu, trong kỳ 1 tháng 9/2021 (từ 01/09 – 15/09) đạt 11,57 tỷ USD, giảm 27,1% so với kỳ 2 tháng 8/2021".

Đến ngày 25/09/2021, Thời báo Kinh tế Việt Nam chạy tựa bài "Doanh nghiệp đối mặt với thách thức duy trì sản xuất, giữ chân lao động". Giải thích thêm, báo này tiết lộ : "70,6% doanh nghiệp gặp khó khăn trong "đảm bảo khả năng cạnh tranh", 39,9% doanh nghiệp khó "tuyển dụng lao động", 34% chật vật "thực hiện các hợp đồng đã ký kết", 28,8% doanh nghiệp lo duy trì được sản xuất kinh doanh...".

Tình trạng này còn được phản ảnh ngày 21/09/2021 trên Tạp chí Nông Nghiệp : "Không chỉ các doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, doanh nghiệp còn khốn đốn duy trì sản xuất "3 tại chỗ" hiện đã gần như kiệt sức vì chi phí sản xuất quá lớn".

Biện pháp "3 tại chỗ" gồm : ăn, ngủ và làm việc ngay tại cơ sở đã làm cho nhiều doanh nghiệp phải chi phí cho đầu vào quá lớn so với khi chưa có bệnh dịch. Thêm vào đó, do phải ở tại chỗ lâu dài nên có nhiều công nhân lâm cảnh "tâm thần" gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Báo VietTimes viết :

"Sự bùng phát của biến chủng Delta từ cuối tháng 4 tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đã đảo ngược hoàn toàn bức tranh kinh tế lạc quan của Việt Nam nửa đầu 2021.

Hàng loạt các tổ chức quốc tế đã điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay về mức dưới 5%.

Các chuyên gia cảnh báo, nếu Việt Nam không nhanh chóng kiềm chế được dịch bệnh và có lộ trình rõ ràng để mở cửa lại nền kinh tế thì những tổn thất sẽ vượt quá ngưỡng có thể khôi phục được".

Xuất khẩu đã giảm 5,8% trong tháng 8 do tác động của các đợt giãn cách xã hội khiến các nhà máy phải đóng cửa, ngừng sản xuất.

Dù tính chung tám tháng đầu năm vẫn tăng hơn 20% nhưng khối doanh nghiệp trong nước nhập siêu đến hơn 20 tỉ USD, trong khi khối doanh nghiệp FDI xuất siêu hơn 16,7 tỉ USD. Ngược với năm 2020, cán cân thương mại đang bị thâm hụt hơn 3,71 tỉ USD".

Kinh tế đóng băng ?

Trong khi đó, tình hình kinh tế ở miền Bắc Việt Nam cũng không sáng sủa gì, dù lây nhiễm bệnh dịch ít hơn trong Nam.

Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam ngày 20/09/2021 thì :

"Chỉ tính riêng trong tháng 8, Thành phố Hà Nội có 1.077 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong đó có 244 doanh nghiệp giải thể ; 833 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động. Trung bình mỗi ngày trong tháng có hơn 33 doanh nghiệp rút lui gây ra hệ lụy là có hàng nghìn lao động phải đối mặt với nguy cơ ngừng việc, mất việc làm, mất thu nhập".

Trong khi đó, một nhóm nhà khoa học của trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã gửi đến Chính phủ, các cơ quan Bộ, Ban, Ngành trung ương lời cảnh giác "Giãn cách cứng nhắc : Đứt gãy sản xuất, đe dọa an sinh xã hội" :

"Việc thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, mô hình "ba tại chỗ" và "một cung đường – hai điểm đến" một cách cứng nhắc đang gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp cả về chi phí lẫn rủi ro kiểm soát bệnh tật, sức khỏe và không gian ăn ở, do điều kiện vật chất đáp ứng "ăn" và "nghỉ" không được thiết kế từ đầu. Nhiều lao động có trình độ cao tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng… nơi bị phong tỏa bị chốt chặt, không thể đến nơi làm việc, làm đứt gãy nguồn lao động. Biện pháp kiểm soát lưu thông và quan niệm "hàng thiết yếu" ở các địa phương khác nhau đã gây cản trở hoạt động vận chuyển và lưu thông hàng hóa, cụ thể : Chuỗi cung ứng mặt hàng chế biến chế tạo như điện, điện tử, máy móc thiết bị… bị đứt gãy cung lao động và nguyên vật liệu. Chuỗi cung ứng mặt hàng thủy sản và nông sản đứt gãy lao động, thị trường, vận chuyển. Chuỗi cung ứng hàng dệt may đứt gãy do lao động bị giãn cách, chi phí đáp ứng điều kiện sản xuất quá cao".

Bằng chứng đã được báo Người Đưa Tin ngày 26/09/2021 cho biết :

"Trong 9 tháng qua, các doanh nghiệp ngành du lịch chỉ kinh doanh được 3 tháng mà chỉ có khách trong nước không có khách quốc tế. Khách quốc tế đóng cửa từ tháng 3/2020 đến giờ, nếu có thì chủ yếu là chuyên gia. Các khách sạn nhà hàng, lữ hành vận chuyển và dịch vụ, hầu như là dừng hết, đóng cửa 100%.

Nhiều hệ thống trung tâm du lịch, giải trí từ 18 triệu khách quốc tế và 83 triệu lượt khách nội địa thì đến tháng 6/2021 tất cả chỉ là con số 0, hàng vạn lao động doanh nghiệp và lao động thất nghiệp.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel) cho hay, tình hình du lịch đến cuối năm còn khó nữa, dự báo du lịch mất hết năm 2021 này và bắt đầu từ tháng 1/2022 mới hồi phục được. Và đây là dự báo rất xấu".

Nông lâm điêu đứng

Bước sang lĩnh vực nông, lâm nghiệp, những ách tắc trong giãn cách cứng nhắc cũng đã gây rất nhiều khó khăn cho sản phẩm nông và lâm nghiệp. Bằng chứng đã xuất hiện trên trang báo của Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam : "Đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát tại Việt Nam vào đúng thời điểm nhiều địa phương thu hoạch nông sản. Khó khăn chồng chất khó khăn khi thị trường xuất khẩu thu hẹp, tiêu thụ trong nước chật vật, tại những nơi có sản phẩm nông nghiệp, người ta lại lao vào "giải cứu" nông sản, nhưng có lẽ người nông dân cần là một giải pháp bền vững cho thị trường này".

Báo này nêu tỷ dụ : "Những ngày này, về huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, giá khoai lang tím (xuất khẩu) ở đây đã xuống giá ở mức kỷ lục chỉ còn khoảng 650 đồng/kg, với mức giá này, người nông dân trồng khoai thua lỗ nặng nề.

Nỗi xót xa của người trồng khoai ở huyện Bình Tân càng nhân lên gấp bội khi họ phải chứng kiến những ruộng khoai đã quá kỳ thu hoạch, nhưng đồng ruộng vẫn vắng bóng người, các chủ ruộng để mặc khoai ngoài đồng vì có thu hoạch lại mất thêm tiền công thuê người".

Đến ngày 18/07/2021, báo Đồng Tháp online loan tin :

"Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát đúng vào thời điểm nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đang thu hoạch nông sản, nông dân gặp nhiều trở ngại, khó khăn chồng chất khó khăn khi thị trường xuất khẩu nông sản thu hẹp, thị trường tiêu thụ trong nước chật vật do chuỗi cung ứng hàng hóa đứt gãy...

Lúa gạo được xem là mặt hàng "miễn nhiễm" trước 3 đợt dịch Covid-19. Vậy nhưng, từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, giá lúa giảm mạnh khiến nông dân vô cùng lo lắng".

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp thì : "Vụ hè thu năm 2021, toàn tỉnh xuống giống trên 187.200ha. Hiện các diện tích giai đoạn thu hoạch rộ tập trung tại các huyện : Tân Hồng, Tam Nông, Thanh Bình với giá lúa chất lượng cao tại ruộng là 6.000 đồng/kg, lúa IR50404 giá 5.200 đồng/kg, giảm gần 1.000 đồng/kg so với hơn 1 tháng trước".

Nhưng không chỉ có lúa xuống giá mà nhiều loại trái cây cũng chịu chung số phận. Nhiều thương lái đã bỏ cả tiền cọc không đến mua khiến nông dân điêu đứng.

Đó không chỉ là nỗi xót xa riêng của nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà của cả nền kinh tế. Bởi vì chừng nào Nhà nước chưa biết sống chung hiệu quả với dịch Covid 19 như các nước khác thì doanh nghiêp không thể ngóc đầu lên được.

Phạm Trần

(12/10/2021)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Trần
Read 669 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)