Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/10/2021

Thị trường lao động ở Việt Nam đang ở mức tồi tệ chưa từng thấy

Phạm Lê Đoan

Có lẽ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cần tự kiểm điểm việc đeo đuổi, tìm kiếm một nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa do chính ông khởi xướng.

laodong1

Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng lên mức cao nhất chưa từng thấy.

Tổng cục Thống kê, một cơ quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có một "Thông cáo báo chí tình hình lao động việc làm quý III và 9 tháng năm 2021". Theo đó, diễn biến của dịch Covid-19 lần thứ tư tại nhiều địa phương, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố trọng điểm kinh tế đã khiến cho tình hình lao động việc làm quý III năm 2021 tồi tệ hơn.

Số người có việc làm giảm sâu so với quý trước và cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng lên mức cao nhất chưa từng thấy. Thu nhập bình quân tháng của người lao động sụt giảm nghiêm trọng so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

Có ngờ vực, phải chăng những con số thống kê cho thấy, bên cạnh hệ lụy tất yếu của việc kiên trì đeo đuổi chính sách Zero Covid, thì đây dường chừng còn là hệ lụy của thị trường lao động ở nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa trong thể chế đơn nguyên, không có yếu tố cạnh tranh trong việc lãnh đạo quốc gia ?

Lao động nông thôn tiếp tục chịu thiệt thòi nhất

Theo cơ quan thống kê, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý III năm 2021 là 49,1 triệu người, giảm 2,0 triệu người so với quý trước và giảm 2,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

So với quý trước, lực lượng lao động giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn (giảm 1,4 triệu) và ở nữ giới (giảm 1,1 triệu người). So với cùng kỳ năm trước, lực lượng lao động giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn (giảm gần 2,3 triệu người) và lực lượng lao động nam (giảm hơn 1,2 triệu người). Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 lần thứ tư đã làm lực lượng lao động ở mức thấp nhất kể từ khi dịch xuất hiện.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý III năm 2021 là 65,6%, giảm 2,9 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 3,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ là 59,4%, thấp hơn 12,8 điểm phần trăm so với nam (72,2%).

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động khu vực thành thị là 62,8%, khu vực nông thôn là 67,4%. Xem xét theo nhóm tuổi, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn ở hầu hết các nhóm tuổi, trong đó chênh lệch nhiều nhất được ghi nhận ở nhóm 55 tuổi trở lên (thành thị : 33,3% ; nông thôn : 47,2%) và nhóm từ 15-24 tuổi (thành thị : 33,3% ; nông thôn : 44,1%).

Những con số nêu trên cho thấy, người dân tại khu vực nông thôn gia nhập thị trường lao động sớm hơn, và rời bỏ thị trường muộn hơn khá nhiều so với khu vực thành thị ; đây là đặc điểm điển hình của thị trường lao động với cơ cấu lao động tham gia ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao.

Thất nghiệp tăng vì chính sách đeo đuổi Zero Covid

Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý III năm 2021 là 47,2 triệu người, giảm 2,6 triệu người so với quý trước, và giảm 2,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Xu hướng này cũng thấy được ở cả khu vực thành thị và nông thôn.

Lao động có việc làm ở khu vực thành thị là gần 17,0 triệu người, giảm 962,6 ngàn người so với quý trước và giảm 251,8 ngàn người so với cùng kỳ năm trước ; số có việc làm ở nông thôn là gần 30,2 triệu người, giảm 1,6 triệu người so với quý trước và giảm 2,5 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý III năm 2021, lao động có việc làm trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 14,5 triệu người, tăng 673,1 ngàn người so với quý trước và tăng 479,0 ngàn người so với cùng kỳ năm trước ; ngành công nghiệp và xây dựng là 15,7 triệu người, giảm 952,5 ngàn người so với quý trước và giảm 960,1 ngàn người so với cùng kỳ năm trước ; Ngành dịch vụ là 17,1 triệu người giảm 2,3 triệu người so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

Từ số liệu cụ thể ở trên cho thấy việc đeo đuổi chính sách Zero Covid qua các mệnh lệnh hành chính liên tục xiết chặt giãn cách xã hội kéo dài trong 3 tháng của quý III, đã làm trầm trọng hơn thị trường lao động và ảnh hưởng mạnh tới ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, số lao động trong hai ngành này đều giảm mạnh chưa từng có trong nhiều năm gần đây.

Ngược lại, lao động trong ngành nông nghiệp lại có xu hướng tăng, trái ngược với những xu hướng thường thấy trước đây, chủ yếu là do số lao động mất việc tại các tỉnh thành phía Nam quay trở về địa phương và làm việc trong ngành nông nghiệp.

Dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến khu vực chính thức làm số lao động trong khu vực này giảm mà còn lan rộng sang cả khu vực phi chính thức khiến người lao động không còn cơ hội tìm được việc làm phi chính thức như thường thấy trước đây. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều người lao động không thể tìm được việc làm, kể cả việc làm tạm thời trong giai đoạn này.

Trong quý III năm 2021, số lao động có việc làm chính thức là 15,1 triệu người, giảm 468,9 ngàn người so với quý trước và giảm 657,0 ngàn người so với cùng kỳ năm trước ; số lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông lâm nghiệp thủy sản là 18,0 triệu người, giảm 2,9 triệu người so với quý trước và giảm 2,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Thất nghiệp trong độ tuổi lao động tăng cao chưa từng thấy

Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III năm 2021 là hơn 1,7 triệu người, tăng 532,2 ngàn người so với quý trước và tăng 449,6 ngàn người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III năm 2021 là 3,98%, tăng 1,36 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,25 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Theo nhận xét của cơ quan thống kê thì diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 lần thứ tư và thời gian giãn cách xã hội kéo dài ở nhiều địa phương đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp quý III năm 2021 vượt xa con số 2% như thường thấy.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 5,54%, tăng 2,18 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,60 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên 15 – 24 tuổi quý III năm 2021 là 8,89%, tăng 1,42 điểm phần trăm so với quý trước, và tăng 0,75 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 12,71%, cao hơn 5,56 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn.

Số lao động làm công việc tự sản tự tiêu, tức là lao động trong khu vực nông lâm nghiệp thủy sản sản xuất ra sản phẩm với mục đích chủ yếu để cá nhân, gia đình sử dụng, ở quý III năm 2021 là 5,2 triệu người, tăng gần 1 triệu người so với quý trước và gần 2 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Số lao động này chủ yếu tăng ở khu vực nông thôn.

Gần hai phần ba số người sản xuất sản phẩm tự sản tự tiêu quý III năm 2021 là nữ giới, chiếm 62,9%. Điều này cho thấy, dịch Covid-19 kéo dài đã làm số lượng rất lớn lao động gặp khó khăn trong công việc và chuyển sang làm các công việc tự sản tự tiêu.

Trong tổng số 5,2 triệu người là lao động sản xuất tự sản tự tiêu, có đến hơn 3 triệu người đang trong độ tuổi lao động, chiếm 58,6%. Hầu hết tất cả lao động sản xuất tự sản tự tiêu đều không có bằng cấp, chứng chỉ.

Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng đòi hỏi, yêu cầu cao về tay nghề, kỹ năng cũng như dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới tình hình lao động việc làm, cơ hội để nhóm lao động này có một công việc trên thị trường lao động là rất khó khăn.

Tồi tệ chưa dừng lại

Ghi nhận thực tế đang diễn ra càng cho thấy việc tồi tệ ở thị trường lao động của nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa chưa dừng lại.

Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp các khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HBA), kể từ khi bùng phát đợt dịch thứ 4, có ít nhất 20.000 lao động làm việc trong các khu chế xuất – khu công nghiệp rời Thành phố Hồ Chí Minh về quê.

Bên cạnh đó, hàng chục ngàn công nhân làm việc ở các khu chế xuất Linh Trung I, II, Khu Công nghệ cao (thành phố Thủ Đức), khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), Tây Bắc Củ Chi (huyện Củ Chi)… nhưng lại thuê trọ, sinh sống ở các khu vực giáp ranh với Thành phố Hồ Chí Minh như Đồng Nai, Bình Dương, Long An không thể đi lại được do các địa phương áp dụng các biện pháp phòng dịch theo chỉ đạo của chính phủ là ‘ai ở đâu ở yên đó’. Tình hình này khiến các doanh nghiệp đối mặt nguy cơ thiếu hụt lao động một khi dịch bệnh được khống chế.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), các doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ như đang đứng ngồi không yên khi các hợp đồng đặt ang rất nhiều nhưng không đủ lao động.

Qua khảo sát, chỉ có 141/265 doanh nghiệp chế biến gỗ tại vùng trọng điểm phía Nam (gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh), duy trì hoạt động, với số lượng công nhân làm việc khoảng 30.700 người, chỉ bằng ¼ số công nhân trước khi thực hiện giãn cách xã hội. Điều này đồng nghĩa là ¾ số lượng công nhân trong các doanh nghiệp này đã phải nghỉ việc. Quy mô hoạt động của doanh nghiệp đã bị thu hẹp chỉ còn 50%, thậm chí có doanh nghiệp chỉ còn 30% do dịch bệnh diễn biến phức tạp, toàn bộ công nhân xin về quê lánh dịch.

Phạm Lê Đoan

Nguồn : VNTB, 14/10/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Lê Đoan
Read 452 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)