Điều tra nghệ sĩ bị tố chiếm đoạt tiền từ thiện để "lấy lại danh dự cho Mặt Trận Tổ Quốc" hay còn gì khác ?
Cao Nguyên, RFA, 20/10/2021
Sau hàng loạt livestream của bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng Giám đốc và Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đại Nam, tố cáocác nghệ sĩ ăn chặn tiền từ thiện của mạnh thường quân trong đợt bão lũ ở Miền Trung hồi năm 2020, Bộ Công an đã gởi văn bản yêu cầu cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàngthuộc Ngân hàng Nhà nước rà soát tài khoản của các ca sĩ, nghệ sĩ tại các tài khoản trong và ngoài nước.
- RFA edit
Hôm 15/10, công an đã làm việc với ca sĩ Thủy Tiên, Đàm Vĩnh Hưng, MC Trấn Thành, Đại Nghĩa… nằm trong danh sách yêu cầu rà soát, sao kê các hoạt động từ thiện, nhằm xác minh theo nội dung của một số đơn tố cáo rằng các nghệ sĩ này đã lợi dụng bão lũ miền Trung để quyên góp tiền, nhưng không minh bạch trong quá trình giải ngân, có dấu hiệu "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Báo chí trong nước dẫn lời Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an, nói rằng "Cơ quan công an rà soát số tiền từ thiện để giúp giải tỏa những nghi ngờ, bức xúc của dư luận trước thông tin cáo buộc một số cá nhân lợi dụng việc kêu gọi tiền từ thiện nhằm trục lợi. Đây là việc làm rất kịp thời".
Trong khi đó theo quan điểm của một số người cũng hoạt động thiện nguyện trong nước từ nhiều năm nay thì chính quyền còn có một số "động cơ" khác đằng sau cuộc điều tra ăn chặn tiền từ thiện trong thời điểm này.
Lấy lại danh dự cho Mặt trận Tổ quốc
Bà P, hiện đang ở Sài Gòn, có nhiều hoạt động thiện nguyện trong thời gian vừa qua, cho biết bà ủng hộ việc phải điều tra cho rõ có hay không chuyện nghệ sĩ đã chiếm đoạt tiền tiền từ thiện. Để từ nay về sau, những ai kêu gọi quyên góp tiền tự biết trách nhiệm giải trình, minh bạch với người đóng góp.
Tuy nhiên, bà P nói Chính quyền làm mạnh tay vụ này còn vì muốn "lấy lại danh dự" cho Mặt trận Tổ quốc, cũng như các tổ chức từ thiện do Nhà nước quản lý. Bởi vì trong đợt bão lũ vừa qua, người dân không còn tin tưởng vào các tổ chức của Nhà nước nữa nên mới gửi tiền cho những người khác, đặc biệt là Thủy Tiên :
"Mình biết là không có bên nào hoàn toàn tốt. Mình nghĩ là một cá nhân khi nhận một khoản tiền nào đó thì họ phải có trách nhiệm đứng ra báo cáo minh bạch. Minh bạch cũng có nghĩa là bảo vệ danh dự cho người đứng ra làm từ thiện.
Về tính minh bạch trong chuyện làm từ thiện của Thủy Tiên thì mình không dám bàn tới. Tuy nhiên mình tin rằng là đây là một cú "vỗ mặt" rất lớn đối với Nhà nước, bên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cũng như là Hội Chữ thập đỏ vì họ không còn nhận được tiền của người dân gửi vào ủng hộ, cho nên bắt buộc họ phải có một động thái "dằn mặt", nếu không thì họ cũng thất thu.
Theo kinh nghiệm làm từ thiện thì mình biết rằng là tai họa của người dân luôn luôn là cơ hội của người có chức quyền trong khu vực địa phương. Trong thiên tai hay dịch bệnh, người dân họ luôn ứng cứu nhau hơn rất nhiều so với Nhà nước.
Phải "dằn mặt" như thế thì nhân dân sau này nó mới gửi tiền cho các cơ quan của Nhà nước, chứ người dân cứ gửi cho cá nhân như thế thì các cơ quan ăn hại kia ăn cám à ! Đó là suy nghĩ của mình".
Phân phát mì gói cho người dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở Quảng Trị hôm 16/10/2020. AFP
Ông H, người cũng đã ‘chạy ngược xuôi’ trao quà cho bà con nghèo trong suốt bốn tháng phong tỏa do dịch bệnh, nói với RFA rằng ông nhìn thấy rõ ràng chính quyền hiện không muốn cho tư nhân đứng ra làm từ thiện nữa, tất cả phải quy về một mối là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam :
"Vấn đề là họ không muốn cho tư nhân làm thiện nguyện nữa. Tất cả mọi thứ tập trung vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Bởi vì Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã bị mất tiếng từ lâu rồi.
Thiện nguyện tư nhân trong những đợt vừa rồi người ta làm quá tốt. Bây giờ nó muốn vực dậy Mặt trận Tổ quốc thì bắt buộc nó phải dập từ thiện tư nhân. Đương nhiên trong 100 hay 1.000 người làm từ thiện thì cũng có những người "nhúng chàm". Nó chỉ việc kiếm những đứa đó rồi nó đẩy lên làm trọng điểm.
Họ biết chắc chắn là có thì họ mới điều tra, nhưng mục đích làm không phải để truy thu nguồn tiền đó, mà làm là để dập cái thiện nguyện tư nhân. Tất cả mọi thứ là để lấy lại danh tiếng cho bên các tổ chức Nhà nước".
Hồi tháng 10/2020, ca sĩ Thủy Tiên kêu gọi quyên góp tiền để cứu trợ cho đồng bao bốn tỉnh miền Trung đang gặp bão lũ. Chỉ trong chưa đầy một tháng, Thủy Tiên đã nhận được 178 tỷ đồng. Con số này do cô giải trình ngay sau khi kết thúc đợt cứu trợ.
Trong khi đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thông báo số tiền ủng hộ và đăng ký ủng hộ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi mưa lũ thông qua hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến địa phương đạt trên 265 tỷ đồng. Đến nay, Mặt trận Tổ quốc chưa sao kê công khai sao kê các khoản giải ngân từ số tiền nêu trên.
Định hướng dư luận, che lấp yếu kém xử lý dịch bệnh
Một nguyên do khác khiến Bộ Công an vào cuộc điều tra ngay trong thời điểm này, theo bà P, là do muốn định hướng dư luận. Chính quyền muốn tập trung sự chú ý của dân chúng vào vụ lùm xùm "ăn chặn tiền từ thiện" của nghệ sĩ, mà bỏ qua những yếu kém, thất bại của lãnh đạo trong đợt bùng phát dịch Covid vừa qua ở các tỉnh phía Nam :
"Mình phải thừa nhận là xưa nay nhà cầm quyền rất thành công trong việc thao túng dư luận. Họ dùng những scandal (vụ bê bối - PV) này để nhận chìm những scandal khác, và mình nghĩ rằng vụ từ thiện này cũng không nằm ngoài mục đích "nhận chìm" những sự quan tâm của người dân về vấn đề tiêm vắc-xin và dịch bệnh, cũng giống như là sựtắc trách, phản ứng yếu kém của Nhà cầm quyền khi hỗ trợ người dân trước vấn đề dịch bệnh.
Tại sao khi bầu cử lại có thể làm cái trò mang thùng phiếu đến tận giường bệnh, nhưng mà hỗ trợ thì lại thiếu lên thiếu xuống suốt bốn tháng trời ? Trong khi đó nếu không có những nhóm từ thiện tự phát thì mình tin rằng ở Sài Gòn này số người chết phải nhiều hơn rất nhiều.
Những ngày này cũng có thông tin lố bịch là ông Giám đốc Sở Lao động Thương binh & Xã hội nói rằng không có người dân nào bị bỏ lại, đói khổ vì dịch bệnh. Cho đến bây giờ mình sẵn sàng mời ông Tấn bỏ thời gian đi cùng với mình để thấy rằng đến bây giờ vẫn còn rất nhiều người khốn khổ".
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động Thương binh & Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu hôm 18/10 trong một cuộc họp của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, rằng chưa có ai ở thành phố bị đói, hay thiếu mặc, lâm vào cảnh khốn khổ vì đại dịch.
Bà P, cho rằng đây cũng là một phát biểu nhằm khuấy động, điều chỉnh dư luận, nhưng theo bà đây là "một câu nói dối thô bỉ nhất mà tôi từng nghe".
Cao Nguyên
Nguồn : RFA, 20/10/2021
********************
Xung quanh chuyện tố cáo ‘chiếm dụng tiền từ thiện’
Hải Yến, Thoibao.de, 17/10/2021
Bộ Công an Việt Nam tiếp nhận đơn tố giác ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, một số địa phương báo cáo về hoạt động từ thiện của ca sĩ Thủy Tiên.
Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển đơn của một doanh nhân tố cáo ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng "không rõ ràng" nguồn tiền từ thiện đến Bộ Công an để xác minh làm rõ, theo truyền thông Việt Nam.
Bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam), được cho là tố giác nam ca sĩ này có dấu hiệu "chiếm dụng tiền từ thiện trái phép, thông qua việc dùng tài khoản cá nhân của mình để nhận tiền từ thiện của các mạnh thường quân và nhà hảo tâm", theo báo Lao Động.
Trên Fanpage có 733 ngàn người theo dõi được ghi rằng do những người yêu mến Nguyễn Phương Hằng lập ra đang giới thiệu buổi live stream ghi rằng : "của Phương Hằng tôi vào lúc 18g00 Chủ Nhật ngày 17/10/2021 với chủ đề : GIẢI ĂN CHẶN MỞ RỘNG – Phần 3
Với sự tham gia của các chuyên gia ăn chặn :
1. Võ Hoàng Yên
2. Võ Hoài Linh
3. Đàm Vĩnh Hưng
4. Thủy Tiên – Công Vinh
5. Trấn Thành – Hariwon
6. Việt Hương
7. Đoàn Ngọc Hải
8. Hồng Vân
9. Trịnh Kim Chi
10. Khương Dừa
11. Điền Quân – Youtuber Color man
12. Đức Hiển báo Pháp Luật
13. Giang Kim Cúc – đám ma 0 đồng
14. MC Đại Nghĩa
15. Mẹ con Hồ Ngọc Hà…
Trong danh sách được xem là ăn chặn tiền từ thiện có tổng cộng 36 dòng, toàn là những ca sĩ, nghệ sĩ, nhà báo, youtuber và MC nổi tiếng nhất hiện nay cùng các tổ chức thiện nguyện khác.
Trên một Fanpage khác có dấu tích xanh được FB xác nhận là người của công chúng có hơn 1 triệu người theo dõi, các buổi Livestream đình đám của bà Nguyễn Phương Hằng đã được phát đi 2 phần trong đó bà Hằng cho rằng rất nhiều người lợi dụng sự nổi tiếng để làm từ thiện và ăn chặn trên xương máu đồng bào.
Vợ chồng Thủy Tiên – Công Vinh với bảng sao kê tiền từ thiện hơn 177 tỷ đồng
Chiều 13/10, Đàm Vĩnh Hưng đã xác nhận ông vừa có buổi làm việc với Cơ quan Cảnh sát điều tra thuộc Bộ Công an (C02) và Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Tỉnh Bình Dương (PC01) về đơn tố cáo này.
"Khi cơ quan điều tra đã vào cuộc, chắc chắn câu chuyện này sẽ nhanh chóng được làm rõ. Ai sai, vu khống, bịa đặt những thông tin về tôi thì phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình, bằng pháp luật.
Và nếu bản thân tôi sai tôi cũng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật", ông Đàm Vĩnh Hưng được Vietnamnet dẫn lời ngày 13/10.
Ngày 21/9, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng nộp đơn tố cáo doanh nhân Nguyễn Phương Hằng về hành vi "làm nhục người khác", "vu khống", và "đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông".
Thời gian đần đây bà Nguyễn Phương Hằng livestream trên mạng xã hội tố giác nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và một số nghệ sĩ nổi tiếng khác như Hoài Linh, MC Trấn Thành, ca sĩ Thủy Tiên… có dấu hiệu không minh bạch trong các khoản kêu gọi quyên góp tiền từ thiện.
Cuối tháng 8 vừa qua, bà Hằng gửi đơn đến phòng PC02 tố cáo Đàm Vĩnh Hưng có dấu hiệu chiếm dụng tiền từ thiện trái phép thông qua việc dùng tài khoản cá nhân nhận tiền từ thiện của mạnh thường quân.
Theo bà Hằng, trong quá trình kêu gọi, tiếp nhận tiền từ thiện, ông Hưng không tự minh bạch, không công khai, không công bố kịp thời rõ ràng chứng từ việc sử dụng nguồn tiền từ thiện để các mạnh thường quân được biết.
Bà Hằng cho rằng, hành động của ông Hưng giống như hành động "ngâm" tiền từ thiện của danh hài Hoài Linh, xâm hại đến quyền lợi chính đáng của những người ủng hộ từ thiện.
Trước đó, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cũng tiếp nhận đơn của bà N.T.O.P. tố cáo bà Trần Thị Thủy Tiên (tức ca sĩ Thủy Tiên) có hành vi vi phạm pháp luật, khuất tất trong việc giải ngân 177 tỷ đồng cứu trợ người dân miền Trung năm 2020. Theo bà N.T.O.P., trong 177 tỷ đồng Thủy Tiên công khai với công chúng thì cộng đồng mạng phát hiện có 2 khoản khuất tất với tổng số tiền là 81,3 tỷ đồng. Bà P. cho rằng ca sĩ Thủy Tiên có thể đã có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Trao đổi với chúng tôi, bà N.T.O.P. cho biết : "Đây không phải là chuyện thắng thua mà cốt chỉ mong muốn hướng đến sự minh bạch hoá các công tác thiện nguyện".
Trong một diễn biến khác, chính quyền tại ba địa phương tại tỉnh Quảng Nam đã có "báo cáo cụ thể" gửi Bộ Công an về hoạt động từ thiện của vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên vào cuối năm 2020 trên địa bàn.
Lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc tại các huyện Bắc Trà My, Đại Lộc và Tây Giang cho biết trước đó nhận được văn bản của Bộ Công an yêu cầu báo cáo việc đoàn từ thiện về, danh sách các hộ dân… liên quan tới việc trao nhận tổng cộng tại riêng ba huyện này khoảng gần 14 tỉ đồng.
Cuối tuần trước, ít nhất hai huyện tại Tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết họ đang tổng hợp thông tin, chứng cứ, dữ liệu về hoạt động từ thiện của ca sĩ Thủy Tiên để báo cáo Bộ Công an sau khi có công văn yêu cầu.
Vào ngày 2/10 Bộ Công an cho biết đang phối hợp với các ngân hàng để tiến hành rà soát, xác định tài khoản đã huy động tiền từ thiện để làm rõ việc tiếp nhận, quyên góp, quá trình giải ngân.
"Cục Cảnh sát hình sự đã làm việc với một số cá nhân, tổ chức đề nghị cung cấp thông tin có liên quan để sớm có kết luận chính xác về vấn đề này", Trung tướng Tô Ân Xô nói.
Chánh Văn phòng Bộ Công an cũng đề nghị cá nhân gửi đơn tố cáo và những bị đơn, đặc biệt là những công dân bình tĩnh, kiềm chế cảm xúc, không nên có phát ngôn không phù hợp gây ảnh hưởng đến người tố cáo và người bị tố cáo.
Công Vinh, chồng của ca sĩ Thủy Tiên, vào tháng Chín chia sẻ với báo Lao Động :
"Tôi tin vào sự công tâm của luật pháp. Khi bị ai đó vu khống, bôi xấu về danh dự, chúng tôi tin rằng pháp luật sẽ có biện pháp xử lý thỏa đáng".
Trong loạt bài phân tích về bất cập pháp lý của việc làm từ thiện, tờ Lao Động chỉ ra rằng nếu chiếu theo quy định hiện hành chỉ một số tổ chức được quy định như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ; Hội chữ thập đỏ Việt Nam ; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương… được quyền kêu gọi từ thiện.
Ngoài các tổ chức, đơn vị đó, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ, theo quy định hiện thời.
Báo Lao Động nói rằng "một số người nổi tiếng tự vận động kêu gọi từ thiện hiện nay đang không có bất cứ một chế tài nào kiểm soát".
"Đáng chú ý, quy định về công khai trong công tác vận động, tiếp nhận và phân phối sử dụng tiền, hiện vật cứu trợ hiện nay vẫn tương đối chung chung, chưa có cụ thể về nội dung, hình thức và thời gian công khai", tờ báo phân tích.
Nói với trang Zing News hôm 13/10, ông Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển ở Hà Nội, cho rằng còn những lỗ hổng trong hoạt động từ thiện.
Ông Giao góp ý :
"Về chủ thể, theo quy định hiện tại, Nhà nước và các cơ quan, đoàn thể thuộc Nhà nước quản lý là những đối tượng được phép hoạt động từ thiện. Để phù hợp với tình hình, có thể bổ sung thêm 2 nhóm đối tượng là doanh nghiệp và người dân.
Về hành động và phương thức hành động, cần có quy trình cụ thể đối với từng nhóm đối tượng từ thiện. Ví dụ như Nhà nước khi thực hiện từ thiện sẽ làm theo quy trình, quy định pháp luật nào. Tương tự, các tổ chức do Nhà nước quản lý, doanh nghiệp hay cá nhân khi thực hiện sẽ làm theo các quy trình, văn bản quy phạm pháp luật nào".
Hiện nay, theo Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/05/2008 của Chính phủ, chỉ một số tổ chức được giao thực hiện việc dân vận, dân nguyện cũng như cứu trợ, viện trợ.
Bộ Tài chính Việt Nam đã có Tờ trình đề xuất Chính phủ ban hành một Nghị định mới thay thế Nghị định 64/2008/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện.
Theo dự thảo Nghị định mới của Bộ Tài chính, sẽ bổ sung quy định cho phép các cơ sở y tế, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, cá nhân được vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện.
Hải Yến (tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 17/10/2021
*********************
Bộ Công an làm việc với nghệ sĩ bị tố chiếm đoạt tiền từ thiện bão lũ
RFA, 15/10/2021
Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) Việt Nam cho hay đang xác minh và điều tra việc một số nghệ sĩ bị tố chiếm đoạt tiền người dân đóng góp làm từ thiện bão lũ Miền Trung năm 2020.
Những người phụ nữ lội nước lũ mang theo những thùng mì gói quyên góp được về nhà bị lũ lụt ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, miền Trung Việt Nam vào ngày 16 tháng 10 năm 2020. AFP
Truyền thông Nhà nước vào ngày 15/10 cho biết, Cục C02 (Bộ Công an) đã mời làm việc ca sĩ Thủy Tiên, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, danh hài Trấn Thành, Đại Nghĩa.
Nguồn tin từ C02 hứa hẹn cơ quan chức năng sẽ điều tra công tâm, khách quan và sẽ sớm có kết quả vụ việc.
Trước đó, Bộ Công an đã đề nghị cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước rà soát tài khoản của các ca sĩ, nghệ sĩ tại các tài khoản trong và ngoài nước.
Trong diễn biến liên quan, công an Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đề nghị một số địa phương ở Quảng Nam cung cấp thông tin về việc trao tiền của danh hài Hoài Linh.
Ông Nguyễn Tấn Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt tận Tổ quốc huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam), cho biết đã gửi văn bản cho Công an Thành phố Hồ Chí Minh về việc trao tiền của danh hài Hoài Linh tại địa phương.
Theo lời ông Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt tận Tổ quốc huyện Nam Trà, ông Hoài Linh đã về địa phương trao 500 suất quà trị giá một triệu đồng/suất cho người dân vào tháng 6 vừa qua, và vì Covid-19 nên chỉ cử năm hộ đại diện nhận.
Cũng trong ngày 15/10, đại diện Hội Chữ Thập Đỏ huyện Quế Sơn xác nhận đoàn từ thiện của ông Hoài Linh đã về địa phương trao tổng cộng 400 triệu đồng.
Huyện Nông Sơn thì cho hay ông Hoài Linh đã trao 300 suất quà và 10 ngôi nhà tình thương với tổng trị giá 800 triệu đồng.
Bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc và Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đại Nam) tố cáo các nghệ sĩ ăn quịt tiền mạnh thường quân đóng góp hỗ trợ người dân bão lũ ở Miền Trung. Bà Hằng từ khoảng giữa năm 2021 thường xuyên livestream trên mạng xã hội bàn tán về đời tư của những người nổi tiếng, gây xôn xao dư luận.
Nguồn : RFA, 15/10/2021
************************
Xung quanh chuyện tố cáo 'chiếm dụng tiền từ thiện'
Bộ Công an Việt Nam tiếp nhận đơn tố giác ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, một số địa phương báo cáo về hoạt động từ thiện của ca sĩ Thủy Tiên.
Trung tướng Tô Ân Xô trong buổi họp báo ngày 2/10/2021.
Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển đơn của một doanh nhân tố cáo ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng "không rõ ràng" nguồn tiền từ thiện đến Bộ Công an để xác minh làm rõ, theo truyền thông Việt Nam.
Bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam), được cho là tố giác nam ca sĩ này có dấu hiệu "chiếm dụng tiền từ thiện trái phép, thông qua việc dùng tài khoản cá nhân của mình để nhận tiền từ thiện của các mạnh thường quân và nhà hảo tâm", theo báo Lao Động.
Đàm Vĩnh Hưng đã xác nhận ông vừa có buổi làm việc với Cơ quan Cảnh sát điều tra thuộc Bộ Công an (C02) và Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Tỉnh Bình Dương (PC01) về đơn tố cáo này.
"Khi cơ quan điều tra đã vào cuộc, chắc chắn câu chuyện này sẽ nhanh chóng được làm rõ. Ai sai, vu khống, bịa đặt những thông tin về tôi thì phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình, bằng pháp luật. Và nếu bản thân tôi sai tôi cũng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật," ông Đàm Vĩnh Hưng được Vietnamnet dẫn lời ngày 13/10.
Ngày 21/9, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng nộp đơn tố cáo doanh nhân Nguyễn Phương Hằng về hành vi "làm nhục người khác", "vu khống", và "đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông".
Thời gian đần đây bà Nguyễn Phương Hằng livestream trên mạng xã hội tố giác nam ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng và một số nghệ sỹ nổi tiếng khác như Hoài Linh, MC Trấn Thành, ca sỹ Thủy Tiên,... có dấu hiệu không minh bạch trong các khoản kêu gọi quyên góp tiền từ thiện.
Ca sĩ Thủy Tiên trong một lần đi hỗ trợ dân tại vùng lũ lụt.
Quảng Nam báo cáo
Trong một diễn biến khác, chính quyền tại ba địa phương tại tỉnh Quảng Nam đã có "báo cáo cụ thể" gửi Bộ Công an về hoạt động từ thiện của vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên vào cuối năm 2020 trên địa bàn.
Lãnh đạo Mặt trận Tổ Quốc tại các huyện Bắc Trà My, Đại Lộc và Tây Giang cho biết trước đó nhận được văn bản của Bộ Công an yêu cầu báo cáo việc đoàn từ thiện về, danh sách các hộ dân…liên quan tới việc trao nhận tổng cộng tại riêng ba huyện này khoảng gần 14 tỉ đồng.
Vào ngày 2/10 Bộ Công an cho biết đang phối hợp với các ngân hàng để tiến hành rà soát, xác định tài khoản đã huy động tiền từ thiện để làm rõ việc tiếp nhận, quyên góp, quá trình giải ngân.
"Cục Cảnh sát hình sự đã làm việc với một số cá nhân, tổ chức đề nghị cung cấp thông tin có liên quan để sớm có kết luận chính xác về vấn đề này", Trung tướng Tô Ân Xô nói.
Chánh Văn phòng Bộ Công an cũng đề nghị cá nhân gửi đơn tố cáo và những bị đơn, đặc biệt là những công dân bình tĩnh, kiềm chế cảm xúc, không nên có phát ngôn không phù hợp gây ảnh hưởng đến người tố cáo và người bị tố cáo.
Công Vinh, chồng của ca sĩ Thủy Tiên, vào tháng Chín chia sẻ với báo Lao Động :
"Tôi tin vào sự công tâm của luật pháp. Khi bị ai đó vu khống, bôi xấu về danh dự, chúng tôi tin rằng pháp luật sẽ có biện pháp xử lý thỏa đáng".
'Khoảng trống pháp lý'
Trong loạt bài phân tích về bất cập pháp lý của việc làm từ thiện, tờ Lao Động chỉ ra rằng nếu chiếu theo quy định hiện hành chỉ một số tổ chức được quy định như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương… được quyền kêu gọi từ thiện.
Ngoài các tổ chức, đơn vị đó, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ, theo quy định hiện thời.
Báo Lao Động nói rằng "một số người nổi tiếng tự vận động kêu gọi từ thiện hiện nay đang không có bất cứ một chế tài nào kiểm soát".
"Đáng chú ý, quy định về công khai trong công tác vận động, tiếp nhận và phân phối sử dụng tiền, hiện vật cứu trợ hiện nay vẫn tương đối chung chung, chưa có cụ thể về nội dung, hình thức và thời gian công khai," tờ báo phân tích.
Nói với trang Zing News hôm 13/10, ông Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển ở Hà Nội, cho rằng còn những lỗ hổng trong hoạt động từ thiện.
Ông Giao góp ý :
"Về chủ thể, theo quy định hiện tại, Nhà nước và các cơ quan, đoàn thể thuộc Nhà nước quản lý là những đối tượng được phép hoạt động từ thiện. Để phù hợp với tình hình, có thể bổ sung thêm 2 nhóm đối tượng là doanh nghiệp và người dân".
"Về hành động và phương thức hành động, cần có quy trình cụ thể đối với từng nhóm đối tượng từ thiện. Ví dụ như Nhà nước khi thực hiện từ thiện sẽ làm theo quy trình, quy định pháp luật nào. Tương tự, các tổ chức do Nhà nước quản lý, doanh nghiệp hay cá nhân khi thực hiện sẽ làm theo các quy trình, văn bản quy phạm pháp luật nào".
Hiện nay, theo Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/05/2008 của Chính phủ, chỉ một số tổ chức được giao thực hiện việc dân vận, dân nguyện cũng như cứu trợ, viện trợ.
Bộ Tài chính Việt Nam đã có Tờ trình đề xuất Chính phủ ban hành một Nghị định mới thay thế Nghị định 64/2008/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện.
Theo dự thảo Nghị định mới của Bộ Tài chính, sẽ bổ sung quy định cho phép các cơ sở y tế, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, cá nhân được vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện.
Nguồn : BBC, 13/10/2021