Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/10/2021

Lính đánh thuê : Đối thủ mới trong chiến tranh hỗn hợp

Thùy Dương

Trong thời gian qua, lính đánh thuê, đặc biệt là lính đánh thuê Nga, là đề tài được báo chí Pháp nói đến nhiều, trong bối cảnh tổng thống Vladimir Putin dựa vào lực lượng lính đánh thuê của Nhóm Wagner để bảo vệ các lợi ích và gia tăng ảnh hưởng của Moskva ở nhiều nơi, như Syria, Libya, Cộng hòa Trung Phi và gần đây nhất là Mali.

mercenaire1

Lính đánh thuê nước ngoài chiến đấu bên cạnh lực lượng Chính phủ đoàn kết dân tộc GNA tại Libya. Ảnh chụp tại sân bay quôc stees Tripoli, ngày 03/06/2020. AFP

Trong bài viết "Lính đánh thuê, các đối thủ mới trong các cuộc chiến tranh hỗn hợp", báo Pháp Le Figaro ngày 13/10/2021 cho biết chiến tranh hỗn hợp là mối lo ngại của tân tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp, tướng Burkhard. Vị tướng này đang tìm cách để lực lượng Pháp thích nghi được với hình thức cạnh tranh mới được thực hiện bởi "các lực lượng được ủy nhiệm": lính đánh thuê, dân quân, công ty an ninh tư nhân. Điều này có nghĩa là địch thủ không phải là các quân đội chính quy của các Nhà nước, cũng không phải các nhóm vũ trang đã được xác định danh tính.

Các nhân tố mới

Le Figaro trích đoạn báo cáo hồi tháng 07/2020 của Liên Hiệp Quốc : "Thị trường đa dạng, bí hiểm và mang lại lợi nhuận cho các dịch vụ tư nhân về chiến đấu và hỗ trợ chiến đấu tạo ra một mối đe dọa đối với nhân quyền, việc bảo vệ dân thường, hòa bình và ổn định nói chung".

Luật pháp quốc tế chính thức cấm sử dụng lính đánh thuê trong các cuộc xung đột, nhưng trên thực tế khoảng trống và sự mơ hồ pháp lý nhiều đến mức ở những nơi Nhà nước không còn quyền lực thì đều có sự hiện diện của lính đánh thuê. Báo cáo viết tiếp : "Những lực lượng trung gian này được sử dụng để gây ảnh hưởng từ xa đến các cuộc xung đột vũ trang, trong khi các nhà tài trợ cho những lực lượng này, trong đó có cả các Nhà nước, lại phủ nhận sự liên quan và tìm cách trốn tránh trách nhiệm".

Tại các khu vực xảy ra khủng hoảng, các đội quân chính quy (của Nhà nước) hoặc tổ chức quốc tế không phải là những lực lượng can thiệp duy nhất. Các nhóm tư nhân có thể hành động. Ngay cả Trung Quốc cũng đang làm điều tương tự để bảo đảm an toàn ở những nơi quan trọng trong dự án "Con đường tơ lụa mới" (BRI). Báo cáo của Viện NBR viết : "Các công ty an ninh tư nhân Trung Quốc sẽ hỗ trợ cho những tính toán của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc".

Phương Tây cũng không phải là không có cách hành xử như vậy, cho dù là hoạt động của họ rất kín đáo, được chỉ đạo và giới hạn trong phạm vi bảo đảm ảnh hưởng và việc di tản nhân sự khỏi các vùng có chiến tranh. Có thể kể đến các công ty như Academi (trước đây là BlackWater), GardaWorld, DAG, hoặc các công ty Pháp Amarante và Geos. Tuy nhiên, Erik Prince, người sáng lập công ty BlackWater, hồi tháng 02/2021 bị tố cáo buộc là đã tìm cách vi phạm lệnh cấm vận về chuyển giao vũ khí cho Libya trong khuôn khổ một hoạt động tư nhân có tên gọi "Dự án Opus".

Từ vài năm nay, Libya là nơi chứng kiến sự tham gia của các lực lượng lính đánh thuê đến từ khắp thế giới. Báo cáo gần đây nhất mà Tổng thanh tra Bộ Quốc phòng Mỹ công bố, hồi tháng 11/2020, ước tính có ít nhất 10.000 lính đánh thuê tham gia cuộc chiến ở Libya, trong đó có 2.000 lính đánh thuê của công ty Nga Wagner.

Lính đánh thuê Wagner, "đội quân trong bóng tối" để Putin mở rộng ảnh hưởng

Nói riêng về lực lượng đánh thuê Wagner của Nga, Le Figaro ngày 22/06/2021 có bài viết dài "Câu chuyện tâm sự chưa từng nói ra của một lính đánh thuê Wagner, đội quân ma trong các cuộc chiến của Putin".

Marat Gabidoullin, 55 tuổi, từng là quân nhân Nga trong 10 năm. Sau khi ra khỏi quân đội, vào năm 2015, Gabidoullin được tuyển dụng vào Wagner, công ty bán quân sự tư nhân bắt đầu tham gia vào mọi mặt trận mà Nga muốn gây ảnh hưởng. Theo Gabidoullin, khi đó, việc tuyển dụng rất gắt gao, các ứng viên được nhà tuyển dụng nói là họ phải sẵn sàng tham chiến để bảo vệ lợi ích của đất nước.

Trong 3 tháng chuẩn bị, lính của Wagner được huấn luyện với các loại vũ khí như của quân đội chính quy, kể cả súng cối, đại pháo và xe tăng. Wagner như một quân đội quy mô nhỏ, chỉ thiếu có phi công và thủy thủ tầu ngầm. Không hề muốn giấu danh tính thật, Gabidoullin khẳng định với Le Figaro : "Khi họ đưa cho quý vị một thứ vũ khí chiến tranh nào đó, chắc chắn phải có Nhà nước đứng sau đó…". Gabidoullin tham chiến ở Syria, tổng cộng 2,5 năm, đánh nhiều trận, theo ông là không dưới lá cờ nào, không hợp pháp nhưng nhân danh lợi ích của nước Nga và chế độ Syria.

Nhiệm vụ của lính Wagner là hỗ trợ cho các hoạt động của quân đội Syria trong nhiều lĩnh vực, kể cả trinh sát. Gabidoullin khẳng định "không biết ai ra quyết định điều họ đến đó" nhưng có thể là "có sự thỏa thuận giữa quân đội Nga và Syria". Các thành viên của nhóm Wagner không đáp ứng mệnh lệnh từ các cấp chỉ huy của quân đội Nga, việc kết nối các nhiệm vụ của họ rõ ràng được đưa ra từ cấp cao hơn cấp tư lệnh. Ông nói : "Wagner không hành động kiểu cá nhân đơn lẻ".

Bài học Cộng hòa Trung Phi

Tại Pháp, giả thuyết về mối liên hệ giữa công ty Wagner của Nga và chính quyền quân sự nắm quyền ở Mali đang khiến Moskva Pháp bận tâm. Quân đội Pháp luôn ghi nhớ bài học về Cộng hòa Trung Phi, nơi Pháp đã để cho tập đoàn lính đánh thuê Wagner chen chân vào. Le Figaro cho biết bộ tham mưu Pháp thừa nhận "đã đánh giá thấp tình hình và thấy không cần phải phản ứng. Đó là một sai lầm" và khẳng định hiện nay chưa phát hiện thấy sự hiện diện của lính đánh thuê Nga ở Mali. Đối với chính quyền Paris, việc quân đội Pháp hoạt động với sự hiện diện của lính đánh thuê Wagner, bên cạnh những người lính Mali là điều không thể chấp nhận được, điều này đẩy mạnh giả thuyết Pháp sẽ đẩy nhanh hơn thời hạn rút khỏi Mali. Trong khi chờ đợi, quân đội Pháp đang tìm cách chống lại loại đối thủ "thay hình đổi dạng" này.

Theo tướng Castres, cựu chỉ huy các chiến dịch bên ngoài nước Pháp, vấn đề của Wagner và các công ty an ninh tư nhân chỉ là một khía cạnh của vấn đề. Câu hỏi đặt ra liên quan đến "các vùng xám". Vị tướng Pháp giải thích với Le Figaro đó là chỗ thiếu vắng các đạo luật, nơi các xung đột hỗn hợp đang phát triển. Ông lấy làm tiếc là các nước Tây phương không có sự tổ chức để hành động. Logic là chỉ có hai bên tham chiến hoặc không có gì hết "thường dẫn đến chỗ bỏ ngỏ sân chơi cho các đối thủ".

Cựu chỉ huy các chiến dịch Pháp ở nước ngoài nhận định ở những nơi này, các hành động trực tiếp mà các quốc gia phương Tây đòi hỏi, với cái giá phải trả về danh tiếng, tài chính, chính trị và ngoại giao đều không tương xứng với lợi ích mong đợi, trong khi đó "các hành động bí mật" từ các đội ngũ đặc biệt lại không đủ toàn diện và không mang lại nhiều ý nghĩa.

Để khắc phục điểm này, tướng Castres khuyến nghị tạo lập một tổ chức tư nhân mới : Pháp hiện diện không ồn ào, thông qua sự trung gian của một nhà điều hành tư nhân, tại "vùng xám" của các quốc gia đang gặp khủng hoảng hoặc đang ra khỏi khủng hoảng mà Pháp đang có lợi ích. Quy mô của tổ chức tư nhân này cũng như quan hệ của họ với Nhà nước sẽ được xác định rõ ràng, họ không được thực hiện các hành động quân sự nhưng sẽ có khả năng bảo đảm các nhiệm vụ an ninh, đào tạo, phát triển … Được tổ chức linh hoạt, lực lượng này phải có khả năng đến và đi với cùng nhịp độ như các đối thủ của họ. Đây có thể được coi là một "lực lượng ủy nhiệm" của Pháp trong các cuộc chiến hỗn hợp.

Thùy Dương

Nguồn : RFI, 18/10/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thùy Dương
Read 408 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)