Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/10/2021

Du lịch Việt Nam tìm hướng thích nghi với Covid

Trọng Thành

Nội địa, sinh thái, cộng đồng

Du lịch từng là ngành kinh tế hàng đầu của Việt Nam, với khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế năm 2019, đã suy sụp toàn diện trong nửa cuối 2021, sau cuộc khủng hoảng dịch lớn chưa từng có hồi mùa hè. Bất chấp việc chính phủ tuyên bố chấm dứt các biện pháp giãn cách, phong tỏa nghiêm ngặt trên toàn quốc từ giữa tháng 10, thời điểm trở lại đời sống bình thường còn xa. Con đường nào sẽ giúp du lịch phục hồi trong giai đoạn chuyển tiếp, mà hứa hẹn sẽ kéo dài ?

dulich1

"Cây trôi nghìn năm tuổi", báu vật ở một làng ngoại thành Hà Nội (làng Bình Đà, xã Bình Minh huyện Thanh Oai).  © Wikimedia

Dịch Covid-19 đã giáng một đòn nặng vào nền kinh tế Việt Nam. Ngành dịch vụ du lịch - lữ hành, chiếm khoảng 10% GDP của Việt Nam, là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Ông chủ Vietravel - công ty du lịch hàng đầu Việt Nam, với hãng hàng không chuyên về lữ hành đầu tiên ở Việt Nam vừa khai trương cuối năm 2020 - thừa nhận là đại dịch đã kéo công ty trở về thời kỳ khoảng 15 năm về trước. Một công ty 1.700 nhân viên mà có những thời điểm đến sở làm chỉ còn 15 - 20 người. Tình hình tại Vietravel cũng là không khí chung của ngành du lịch, khi hầu hết điểm tham quan nổi tiếng phải đóng cửa, đa số các thành phố lớn bị lockdown.

An toàn cho khách, an toàn cho dân tại chỗ

Đảo Bé, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, với những bãi biển trong xanh, hoang sơ, những bãi đá nham thạch trầm tích núi lửa đìu hiu vì vắng khách. Đảo Bé cũng là nơi mà nhiều người ví như một "bảo tàng sống" về lịch sử quần đảo Hoàng Sa từ nhiều năm qua từng thu hút khách với mô hình du lịch phục vụ khách tại nhà (homestay), thân tình, chu đáo, khiến du khách một đi ắt sẽ muốn trở lại. Viễn cảnh trở lại với ngày ấy còn xa vời. Ông Nguyễn Minh Trí, giám đốc Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Quảng Ngãi, chia sẻ :

"Bây giờ ở đâu cũng vậy thôi. Muốn hay không muốn cũng phải kiểm soát được dịch đã. Chừng nào mà người ta cảm nhận được độ an toàn, người ta sẽ đi thôi. Còn những phương án mình đưa ra, ví dụ như anh tiêm đủ 2 mũi vac-xin, rồi trước khi đi xét nghiệm âm tính… thì cũng có thể, nhưng những cái đó mình đưa ra thì cũng là những điều kiện để mở cửa du lịch, nhưng thực ra hiệu quả cũng nhưng cái đó nó cũng chưa hẳn. Hiện nay ở Việt Nam cũng vẫn phải là kiểm soát được dịch. Còn ưu tiên chính vẫn là dành cho vấn đề sản xuất. Còn việc đi du lịch, thì tự nó đến giai đoạn mà mình hiểu là nếu người ta cảm giác an toàn rồi, thì nó sẽ quay trở lại thôi".

An toàn cho du khách, an toàn cho người dân tại chỗ là điều kiện tiên quyết để mở cửa du lịch trở lại. Ông Huỳnh Tấn Vinh , chủ tịch danh dự Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, công ty Cổ phần Khu du lịch Bắc Mỹ An - The Furama Resort Da Nang, chia sẻ :

"Ở Đà Nẵng, lượng tiêm vac-xin sẽ hướng đến 70 đến 80%, miễn dịch cộng đồng sẽ được cải thiện hơn, thì khi đó mới bắt đầu nghĩ đến chuyện đón du khách. Hiện nay lộ trình của Đà Nẵng là thứ nhất đón du khách của thành phố Đà Nẵng, những người dân nào đã tiêm vac-xin rồi, thì họ có thể trải nghiệm du lịch ngay trong thành phố mình. Và nếu cuộc thử nghiệm này ổn, từng bước mở rộng đón du khách nội địa của Việt Nam. Và nếu quá trình này ổn, thì nghĩ đến chuyện đón du khách quốc tế. Mà cho dù du khách nào, điều kiện tiên quyết là người đó phải được tiêm vac-xin đầy đủ. Tôi nghĩ rằng, nếu lộ trình như vậy, thì triển vọng đến giữa năm 2022 có thể mở cửa đón khách nội địa. Và đến giữa cuối năm 2022 có thể đón khách quốc tế được".

Trước hết là "nội địa"

Trong lúc khả năng mở cửa đón du khách quốc tế còn đang được chính quyền dè dặt xem xét, du lịch nội địa được nhìn nhận như là nguồn lực quan trọng đầu tiên trong giai đoạn tìm cách thích ứng với dịch bệnh, mà theo nhiều chuyên gia y tế, dự kiến sẽ có kéo dài đến ít nhất vào cuối năm tới. Ông Ken Atkinson , phó chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam nhận định :

"… tôi nghĩ, vấn đề quan trọng nhất là đã có những người tập trung vào du lịch trong nước, bởi vì đó là những gì trong tầm tay. Tôi nghĩ du lịch nội địa, trong quá khứ vốn rất ít được quan tâm, hoặc mọi người chưa quan tâm đúng mức đến du lịch nội địa. Chúng ta cần nhớ rằng trước Covid, đã có gần 85 triệu khách du lịch trong nước so với 18 triệu khách du lịch nước ngoài, mặc dù doanh thu từ khách du lịch nội địa chỉ chiếm khoảng 1/3 tổng doanh thu. Tầng lớp trung lưu ở Việt Nam hiện đang phát triển rất nhanh, hoặc đã phát triển rất nhanh và thu nhập của họ cũng tăng rất nhanh, vào giai đoạn trước đại dịch Covid. Khu vực trong nước đáng được quan tâm hơn nhiều, so với những gì mà lĩnh vực đang nhận được. Tôi nghĩ đây là một lợi thế".

Để khơi thông, cần một "cơ chế liên ngành"

Để phục hồi ngành du lịch, cần phải có một nỗ lực rất lớn từ phía chính phủ. Ông Ken Atkinson đề nghị một cơ chế liên ngành đặc biệt của chính phủ để hướng dẫn việc mở cửa trở lại ngành du lịch. Bên cạnh du lịch nội địa, phó chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam hy vọng chính quyền sớm thí điểm ít nhất là trước cuối năm nay, việc đón du khách quốc tế :

"…tôi là một thành viên của ban cố vấn du lịch Hiệp hội Vietnam Tourism Advisory Board. Một trong những việc đang làm của chúng tôi là thúc đẩy chính phủ Việt Nam thành lập một cơ chế liên ngành đặc biệt để giúp hướng dẫn việc mở cửa trở lại của ngành. Cơ chế liên ngành đặc biệt đó cần bao gồm tất cả các bên có liên quan, bao gồm một số bộ, như bộ Văn Hóa và Du Lịch, bộ Giao Thông Vận Tải, bộ Ngoại Giao, bộ Công An, cũng như các bên liên quan trong số các đối tác Việt Nam và các đối tác nước ngoài lớn trong ngành du lịch.

Điều quan trọng là cơ chế liên ngành đặc biệt này phải có được đủ thẩm quyền phát triển các quy định và thể thức, để chúng ta có thể mở lại một cách an toàn, mở lại theo kinh nghiệm trong nước, cũng như theo kinh nghiệm ở các quốc gia khác đã mở lại biên giới, bao gồm một số quốc gia Châu Âu, cũng như Thái Lan, Singapore. Vì vậy, chúng ta có thể học hỏi trong khi làm, để tránh rơi vào bất kỳ cạm bẫy lớn nào mà các quốc gia khác có thể đã trải qua. Chúng ta cũng cần phải có kế hoạch tiếp thị sớm, bởi vì tất cả các quốc gia cạnh tranh với chúng ta đều đang tranh giành khách du lịch nước ngoài, cho dù là khách du lịch đường dài hay khách khu vực. Họ đã bắt đầu tiến hành các chiến dịch lớn, như bây giờ chúng ta thấy trên truyền hình về du lịch Thái Lan.

Đó là đối thủ cạnh tranh lớn của chúng ta. Vì vậy, chúng ta cần phải chuẩn bị và chúng ta cần phải chi tiền cho việc xúc tiến và quảng cáo, để thúc đẩy một thực tế là Việt Nam sẽ mở cửa kinh doanh trở lại ngay khi cơ hội đến. Nhưng bạn không thể để đến lúc đó rồi mới thực sự chuẩn bị. Chúng ta cần bắt đầu chuẩn bị ngay từ bây giờ. Chúng ta cần chuẩn bị sẵn phương tiện, chúng ta cần được phân bổ ngân sách và tôi nghĩ đó là nơi chính phủ thực sự có thể thúc đẩy và giúp đỡ ngành".

Thách thức hàng đầu : Duy trì nhân lực

Giảm thuế, gia hạn nộp thuế, miễn thuế, miễn giảm tiền thuê đất, giảm lãi suất vay ngân hàng… là hàng loạt các biện pháp mà giới kinh doanh du lịch nói riêng và đông đảo kinh tế gia đòi hỏi khẩn thiết từ Nhà nước. Trong một đóng góp cho "Chương trình phục hồi, phát triển gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế giai đoạn 2022-2023", tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh đến việc Nhà nước cần ra quyết định đầu tư mạnh, "cần mạnh chi, nếu không chi là có tội. Không thể chi tiêu bủn xỉn như thời gian vừa rồi trong đại họa như thế này… Giải pháp phải mạnh và ngay lập tức, cách thức ứng xử phải phi truyền thống chứ nếu cứ áp dụng hành chính tuần tự như vừa rồi thì rất khó với hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng" (Bài "Gói giải cứu nào cho nền kinh tế ?", Vietnamnet, ngày 07/10/2021). Bên cạnh đòi hỏi Nhà nước hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp nói trên, câu chuyện nhân lực của ngành là mối lo hàng đầu và thường trực với các nhà hoạt động du lịch.

Theo ông Ken Atkinson, phó chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam : "Bất lợi lớn là đã có rất nhiều lao động phải rời khỏi ngành này. Họ đã bị sa thải, mất việc hoàn toàn, hoặc ngừng làm việc trong một thời gian ngắn, và họ đã đi làm bên ngoài lĩnh vực du lịch.... cảm giác chung đặc biệt trong giới các nhà kinh doanh khách sạn và công ty lữ hành là sẽ rất khó khăn để đưa những người đó trở lại với nghề. Vì vậy, bạn biết đấy, một mặt chúng ta sẽ mở cửa ngay bây giờ, mặt khác rất nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn lớn để có được đội ngũ nhân viên có trình độ".

Thiên nhiên - Nông nghiệp sinh thái - Văn hóa cộng đồng…

Chúng tôi liên lạc được với ông Nguyễn Trí Nghiệp, ông chủ Nông trang Island , vườn cây giống chất lượng cao nổi tiếng nằm ven sông Tiền Giang, thuộc vùng đất cù lao tỉnh Vĩnh Long. Vốn là một cơ sở kinh tế trang trại khởi nguồn từ năm 1985, kế thừa từ người cha, lão nông Tám Hổ, một nghệ nhân đờn ca tài tử, cách nay mươi năm, ông Nguyễn Trí Nghiệp đã bắt đầu phát triển mô hình du lịch sinh thái kết hợp trang trại ươm cây giống. Người được mệnh danh là "Vua" cây giống miền Tây từ hơn 30 năm nay miệt mài say mê với công việc sưu tầm và phát triển các giống quý, đặc biệt là cây ăn trái như chanh thơm, chanh Limca, dừa thơm Island, xoài xanh Đài Loan, mít nghệ (M99-I), ổi xá lị không hạt, sầu riêng CVHL Ri6… Cây giống từ vườn ươm Nông trang Island tỏa ra khắp cả nước, cũng như đến với nhiều thị trường quốc tế, như Lào, Cam Bốt, Trung Quốc, Miến Điện.

Cơ sở du lịch nông nghiệp - sinh thái của ông Nguyễn Trí Nghiệp chủ yếu đón khách nước ngoài. Trong bối cảnh đại dịch, triển vọng khách quốc tế trở lại còn xa, ông Nghiệp cũng đang tính đến việc chuyển sang thu hút du khách nội địa. Quan tâm đặc biệt của ông là duy trì được toàn bộ đội ngũ 10 nhân viên của công ty qua suốt mùa đại dịch. Trước khi kết thúc cuộc trao đổi qua điện thoại, ông chia sẻ với chúng tôi cảm giác "xốn xang trong lòng" khi chứng kiến những đoàn người từ thành phố Hồ Chí Minh lũ lượt đổ về miền Tây qua ngả Vĩnh Long, trời mưa cũng như trời nắng. Ông chia sẻ nỗi đau, nước mắt của những người buộc phải ra đi, với nỗi lo chung về viễn cảnh thất nghiệp, công nghiệp thiếu nhân công trầm trọng sau cuộc di tản khổng lồ. Tuy nhiên, ông chủ Nông trang Island cũng tin tưởng nông nghiệp sẽ tiếp tục phát triển mạnh sau đại dịch.

…nền tảng cho du lịch bền vững

"Cả một thung lũng bất tận xôn xao lúa, được bao bọc bởi những ngọn đèo hùng vĩ, được tưới tắm bởi nhiều con thác lớn. Thung lũng Khau Phạ có thể nói đẹp ít nơi nào sánh bằng", trên đây là lời giới thiệu về Khau Phạ của Hiệp hội. Khau Phạ Friends (KPF) - Những người bạn của Khau Phạ, "một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ cộng đồng dân tộc thiểu số phát triển bền vững thông qua các hoạt động du lịch", mới ra đời năm 2018.

Thung lũng Khau Phạ với con đèo Khau Phạ cùng tên, một trong "tứ đại đỉnh đèo" huyền thoại của vùng Tây Bắc (thung lũng Khau Phạ thuộc huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái), nơi cư trú lâu đời của các cộng đồng người Thái, người H’Mông. Doanh nghiệp xã hội "Những người bạn của Khau Phạ" có mục tiêu hỗ trợ cộng đồng người Thái tại bản Ít phát triển mô hình "du lịch cộng đồng". Chị Thảo Nguyên, đại diện của Khau Phạ Friends, cho biết về ý nghĩa của mô hình du lịch cộng đồng và hoạt động của bà con bản Ít trong thời gian du lịch bị đình chỉ do đại dịch :

"Chúng tôi là một mô hình du lịch không cần nhiều đầu tư. Chúng tôi chỉ là những người đồng hành và hỗ trợ bà con xây dựng những cơ sở lưu trú, những homestay dựa trên chính những gian nhà sàn của họ. Và nghề chính của họ vẫn là làm nông. Họ vẫn canh tác, vẫn làm những hoạt động, như trồng lúa, trồng ngô, sắn trên nương, và chăn nuôi các gia súc như trâu, bò, lợn gà. Cái nghề du lịch là một nghề tay trái với người dân bản địa ở đây. Trong suốt quá trình dịch bệnh diễn ra, bà con không thể đón được khách, thì bà con quay trở lại với công việc chính của họ là làm nông.

Thay vì đón khách, thì chúng tôi hỗ trợ họ những sản phẩm khác, mang tính văn hóa, tức là những nông sản đặc sản như là sản phẩm cốm, như là ‘‘khẩu hang’’ - một loại lúa nếp non, người ta có thể chế biến thành xôi… Những hoạt động canh tác bản địa có những câu chuyện riêng, có điểm nhấn riêng cho sản phẩm nông sản ấy, chúng tôi có thể giúp bà con xây dựng thương hiệu nông sản sạch và tiêu thụ nông sản ấy, để ngay cả khi bà con không thể đón khách thì bà con vẫn có thêm một sinh kế mới, từ việc canh tác nông nghiệp ngay tại địa phương của mình".

Giờ đây, trong khi chờ đợi khách quốc tế trở lại, hiệp hội Những người bạn của Khau Phạ hướng dẫn người dân trong bản chuyển hướng sẵn sàng mở cửa đón khách trong nước, một khi việc đi lại trong nội địa thông suốt.

***

Khủng hoảng đại dịch Covid vừa là một khủng hoảng do dịch bệnh, do biến chủng Delta có mức độ lây lan mạnh mẽ, nhưng cũng vừa là một cuộc khủng hoảng do nhiều chính sách "cực đoan" với dịch bệnh từ phía chính quyền tại nhiều nơi, đã để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với cư dân, đặc biệt một số địa phương miền nam như thành phố Hồ Chí Minh. Phục hồi kinh tế nói chung, cũng như du lịch nói riêng sẽ không thể một sớm một chiều. Quá trình phục hồi du lịch phụ thuộc nhiều vào khả năng của chính quyền, trước hết là ngành y tế đưa ra được những chính sách phòng chống dịch minh bạch, bài bản, dựa trên những cơ sở khoa học thực sự. Theo nhiều nhà quan sát, những biện pháp thất thường của chính quyền các cấp như phong tỏa đột ngột, thủ tục nhiêu khê, ngăn sông cấm chợ, cách ly khắc nghiệt, xét nghiệm rộng khắp… như trong thời gian qua, nếu tiếp tục để tái diễn, cho dù ở mức độ nhỏ hơn nhiều, cũng sẽ gây ra các tổn hại khôn lường, một khi các hoạt động du lịch bắt đầu quá trình hồi phục khó khăn.

An toàn, Sinh thái, Hòa bình

Tuy nhiên, khủng hoảng Covid không chỉ là một khủng hoảng về dịch tễ. Đây còn là một cuộc khủng hoảng về mối quan hệ của con người với môi trường - sinh thái, trong đó có khủng hoảng của lối sống du lịch tiêu thụ… Nguyên nhân trực tiếp của virus gây bệnh Covid-19, xuất hiện cụ thể như thế nào, là điều còn cần tiếp tục điều tra kỹ. Tuy nhiên, như nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, việc tàn phá thiên nhiên quy mô lớn là một nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều giống loài virus nguy hiểm ngày càng dễ dàng tiếp cận với xã hội con người. Thời gian đại dịch, thời gian phong tỏa, giãn cách cũng chính là thời gian để chiêm nghiệm về mối quan hệ con người - thiên nhiên ấy (không kể những ai đang phải quay cuồng với cuộc mưu sinh, hay trong tình trạng đói khát cùng cực).

Du lịch sinh thái - cộng đồng, đến với thiên nhiên, với những cộng đồng bản địa gắn bó lâu đời với một môi trường sinh thái mang lại một cơ hội cho con người tìm lại niềm vui sống với thiên nhiên, trong các hoạt động canh tác nông nghiệp bền vững, trong môi trường giãn cách thực sự, ít nguy cơ lây nhiễm, là một hướng đi có triển vọng không chỉ trong giai đoạn ước tính hơn nửa năm trước mắt, khi Việt Nam tìm cách thích ứng với bệnh dịch Covid-19, trong bối cảnh luồng du khách từ nước ngoài còn bị hạn chế rất nhiều. Đây rất có thể cũng sẽ là hướng phát triển chủ đạo của du lịch trong tương lai, khi con người chú trọng nhiều hơn, sao cho phát triển kinh tế không hủy hoại thiên nhiên, lợi ích của một cộng đồng này không chà đạp lên lợi ích của cộng đồng khác.

Đảo Bé (Lý Sơn) ven bờ Biển Đông, vùng miệt vườn cù lao ươm đầy cây trái ven sông Tiền Giang đồng bằng Cửu Long, thung lũng người Thái, người H’Mông đèo Khau Phạ - Tây Bắc… khi nào sẽ được trở lại đón khách ? Một hướng đi cổ vũ cho du lịch "Xanh", vừa Xanh về mặt an toàn dịch bệnh, vừa Xanh về ý nghĩa môi trường - sinh thái, và Xanh trong quan hệ hòa bình giữa người với người rất có thể là chìa khóa cho sự hồi phục bền vững của du lịch Việt Nam.

RFI tiếng Việt xin chân thành cảm ơn chị Thảo Nguyên, các ông Ken Atkinson, Nguyễn Trí Nghiệp, Nguyễn Minh Trí và Huỳnh Tấn Vinh đã dành thời gian cho Tạp chí Việt Nam trong dòng thời sự.

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 18/10/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành
Read 454 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)