Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

21/10/2021

Hoa Kỳ và áp lực của Trung Quốc trên eo biển Đài Loan

Minh Anh - Thanh Phương

Căng thẳng eo biển Đài Loan và cuộc chiến tranh giành di sản "Ngày 10/10"

Minh Anh, RFI, 21/10/2021

Ngày 10/10/2021 đánh dấu 110 năm cuộc Cách Mạng Tân Hợi 1911 tại Trung Quốc. Đó cũng là ngày thành lập Trung Hoa Dân Quốc (Republic of China – ROC), hay còn gọi là Đài Loan. Đối với Trung Quốc và Đài Loan, "Ngày hai số 10" (Double Tenth Day) còn là một diễn đàn quan trọng để chứng tỏ tính chính đáng của mỗi chế độ và cũng là dịp để báo hiệu cho một kỳ chính trị sắp tới từ bên này gởi đến bên kia.

eobien1

Lãnh đạo Đài Loan – bà Thái Anh Văn phát biểu khai mạc đợt tập trận Han Kuang hồi tháng 7 của lực lượng phòng vệ hòn đảo. Ảnh : Reuters

Cách Mạng Tân Hợi : Đảng cộng sản Trung Quốc, người kế thừa hợp pháp ?

Kể từ ngày bà Thái Anh Văn thuộc đảng Dân Tiến trở thành tổng thống Đài Loan năm 2016, chính sách về Đài Loan của Trung Quốc ngày một quyết đoán hơn, vừa sử dụng áp lực ngoại giao vừa tăng cường răn đe quân sự. Bốn ngày đầu tháng Mười năm nay là một minh chứng. Nhân dịp lễ mừng quốc khánh, Trung Quốc cho điều gần 150 chiến đấu cơ bay vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan. Một con số kỷ lục chưa từng có.

Đối với bà Gudrun Wacker, chuyên gia về Châu Á, German Institute for International and Security Affairs, "nhát kiếm này của Trung Quốc là một thông điệp gởi đến Đài Loan, rằng nhìn vào cán cân sức mạnh giữa hai phía, thì việc đi đến thống nhất là điều tất yếu và sự phản kháng là vô nghĩa".

Nhưng vài ngày sau, nhà nghiên cứu Zhenze Huang, trên trang mạng The Diplomat ghi nhận bài diễn văn của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình "kỷ niệm 110 năm cuộc Cách Mạng Tân Hợi ngày 10/10/1911" năm nay, có một giọng điệu đặc biệt chừng mực hiếm có, hạn chế đưa ra một hình ảnh diều hâu.

Một mặt, Tập Cận Bình khẳng định chỉ có Đảng cộng sản Trung Quốc mới là người kế tục hợp pháp của cuộc cách mạng dân tộc do Tôn Trung Sơn khởi xướng. Mặt khác, ông cam kết thống nhất Đài Loan bằng "con đường hòa bình", trái với những lần tuyên bố trước đây cho rằng sẽ thống nhất Đài Loan bằng mọi giá kể cả "bằng sức mạnh quân sự".

Điều gì khiến ông Tập Cận Bình thay đổi thái độ với Đài Bắc ?

Giới quan sát cho rằng có nhiều lý do để giải thích. 

Thứ nhất, chiến lược hăm dọa quá đà của Bắc Kinh đã bị phản tác dụng. Sự việc đẩy người dân Đài Loan xa rời Hoa lục hơn, cảm giác bài Trung Quốc tăng cao trong công chúng.

Theo một thăm dò do Quỹ Tự do thực hiện, gần 77% số người được hỏi tự cho là "người Đài Loan", so với con số 7,5% cho mình là người Trung Quốc. Hơn nữa, chỉ có hơn 11% số người được thăm dò là ủng hộ "thống nhất", so với gần 47% chủ trương "độc lập cho Đài Loan" và 26,4% kêu gọi "duy trì nguyên trạng".

Thứ hai, chính sách hung hăng của Bắc Kinh đối với Đài Bắc cũng đã làm thổi bùng lên những phản ứng mạnh mẽ, và trong chừng mực nào đó đã bị quốc tế hóa. Nhiều nước Châu Âu trước đây có lập trường trung lập nay bắt đầu thoát ra khỏi sự im lặng. Cụ thể, Litva là nước thành viên đầu tiên của Liên Hiệp Châu Âu đã cho lập "văn phòng đại diện" mang tên Đài Loan, khiến cho quan hệ hai nước trở nên căng thẳng. Paris gần đây còn gởi một phái đoàn nghị sĩ đến thăm Đài Bắc.

Dù vậy, nhà nghiên cứu Đông Bắc Á, Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược (FRS) trên đài ARTE lưu ý trong mọi trường hợp điều đó không có nghĩa là Liên Hiệp Châu Âu có mối quan hệ bang giao với Đài Loan, công nhận Đài Loan, và có thể can thiệp quân sự khi có xung đột.

Bởi vì, theo nhà nghiên cứu, "năng lực quân sự của Liên Hiệp Châu Âu và nhiều nước thành viên cực kỳ thấp. Ngoại trừ Pháp, không một nước nào có thể triển khai lực lượng quân đội xa đến như vậy. (…) Trong vụ việc này, Liên Hiệp Châu Âu giữ một vai trò để can ngăn Trung Quốc và dự báo một cuộc xung đột".

Yếu tố thứ ba là đến từ Washington. Ông Zhenze Huang nhắc lại ngày 06/10/2021, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã có cuộc gặp với lãnh đạo ngoại giao cao cấp nhất của Trung Quốc là ông Dương Khiết Trì, ủy viên Bộ Chính Trị, chánh văn phòng phụ trách đối ngoại Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc tại Zurich, Thụy Sĩ. Không như lần gặp thứ nhất tại Alaska hồi tháng Ba năm nay, lần này đôi bên đã có những cuộc "trao đổi đầy đủ, thẳng thắn và sâu rộng" về nhiều vấn đề liên quan đến những lợi ích chung của cả hai nước.

Kết quả của cuộc gặp là lãnh đạo hai nước sẽ có cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến từ đây đến cuối năm 2021. Trong đà tích cực đó, Bộ Tư pháp Mỹ đúc kết một thỏa thuận liên quan đến bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính của Hoa Vi, từng bị cáo buộc có gian lận. Mạnh Vãn Châu được về nước mà không bị kết tội.

Đối đầu quân sự Trung – Đài : Một thất bại ngoại giao của Mỹ ?

Hơn nữa, Bắc Kinh dường như cũng đã có được một số nhượng bộ, cam kết từ phía Washington, vốn dĩ cũng muốn hạ nhiệt căng thẳng, duy trì sự ổn định tại vùng Đông Á. Chính quyền Biden không thể gánh lấy rủi ro đối đầu quân sự, vì đó cũng là một thất bại ngoại giao trong chiến lược mơ hồ của Hoa Kỳ đối với Đài Loan. Theo ông Zhenze Huang, Washington dường như đã đưa ra điều kiện tiên quyết là Bắc Kinh nên kềm chế không kích động xung đột. Ở một khía cạnh nào đó, Bắc Kinh và Washington đã đạt được một thỏa thuận ngầm về Đài Loan.

Về điểm này, nữ chuyên gia người Đức Gudrun Wacker trên kênh truyền hình quốc tế Deutsch Well của Đức, có giải thích thêm như sau : "Hoa Kỳ có nghĩa vụ chính thức là giúp Đài Loan tự vệ. Chính nhờ điều này mà mối quan hệ với Đài Loan được tồn tại. Mỹ với sự mơ hồ chiến lược của mình, luôn để ngỏ việc liệu họ có can thiệp hay không vì điều đó phụ thuộc vào kịch bản mà chúng ta đang thấy.

Họ cố tình làm như vậy không phải để khuyến khích tinh thần hăng hái của phía Đài Loan. "Tuyên bố độc lập, Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ chúng tôi, điều đó được đảm bảo". Hoa Kỳ không muốn gửi thông điệp ấy nhưng họ cũng cố gắng gửi một lời bảo đảm cho cả hai bên, nhất là với phía Trung Quốc, rằng họ thực sự không ủng hộ nền độc lập của Đài Loan và do đó, có một trò chơi mơ hồ và đảm bảo ở đây".

Đối nội và quan hệ xuyên eo biển : Cuộc đánh cược của Thái Anh Văn

Ngược lại, ở phía bên kia eo biển, tổng thống Thái Anh Văn lại có bài phát biểu cứng rắn nhất trong "Ngày hai số 10" đó. Ở cấp độ quốc tế, Thái Anh Văn nhấn mạnh đến tầm quan trọng hợp tác lẫn nhau với các nền dân chủ và nhiều tổ chức đa phương khác, bao gồm "G7, NATO, Liên Hiệp Châu Âu", để duy trì "hòa bình và an ninh tại eo biển Đài Loan".

Trong quan hệ xuyên eo biển, tổng thống Đài Loan đặc biệt nhiều lần nhắc đến con số 72 kể từ khi Trung Hoa Dân Quốc phải chạy sang đảo Đài Loan. Khi nói nhiều đến "72 năm" hơn là "110 năm", bà Thái Anh Văn nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc Cách Mạng Tân Hợi đối với sự ra đời của Trung Hoa Dân Quốc và làm nổi bật lịch sử của Trung Hoa Dân Quốc.

Trong bài phát biểu, tổng thống Đài Loan đưa ra bốn cam kết : Duy trì một hệ thống hiến pháp tự do và dân chủ, Trung Hoa Dân Quốc và Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa không phục tùng lẫn nhau, Kiên quyết bảo vệ quyền chủ quyền của Đài Loan, và Tương lai của Trung Hoa Dân Quốc phải được quyết định theo ý nguyện của người dân Đài Loan.

Nói một cách ngắn gọn, bài phát biểu của Thái Anh Văn mang hơi hướm của một phiên bản được nâng cấp về "mối quan hệ đặc biệt giữa Nhà nước với Nhà nước", như cố tổng thống Lý Đăng Huy từng đề xướng.

Theo phân tích của nhà nghiên cứu Zhenze Huang, bài diễn văn này nhắm đến nhiều mục tiêu. Thứ nhất là nhằm củng cố vai trò lịch sử hàng đầu của phong trào đòi ly khai Đài Loan. Thứ hai, khi bằng cách đưa ra những yêu sách rõ ràng trong các vấn đề xuyên eo biển, Thái Anh Văn còn muốn mở rộng ảnh hưởng chính trị của đảng Dân Tiến (DDP) trong đời sống chính trị Đài Loan. Do đó, cử chỉ này của bà Thái Anh Văn còn nhằm tối đa hóa số phiếu bầu cho đảng Dân Tiến bằng cách kích động tình cảm chống Trung Quốc và gây áp lực lên Quốc Dân Đảng, vốn dĩ luôn có lập trường không rõ ràng trong mối quan hệ xuyên eo biển Đài Loan.

Về điểm này, nhà nghiên cứu chuyên gia Gudrun Wacker còn đưa ra một luận điểm thứ ba : Đó còn là một thông điệp gởi đến Hoa Kỳ. "Không chỉ vì các lý do chính trị trong nước và một tín hiệu cho Trung Hoa đại lục mà còn là một thông điệp cho Hoa Kỳ. Washington đôi khi nghi ngờ về khả năng Đài Loan thực sự sẵn sàng tự vệ. Bà ấy buộc phải có một lập trường cứng rắn. Tôi nghĩ họ không để bà Thái Anh Văn một lựa chọn nào nhưng bà ấy cũng sẽ không lèo lái mọi việc tiến triển đi đến hướng "chúng tôi tuyên bố độc lập"".

Dẫu sao thì luôn có một câu hỏi được đặt ra : Từ 30 năm qua, Bắc Kinh không ngừng hiện đại hóa quân đội với mục tiêu đầu tiên là nhắm vào hòn đảo ly khai. Xét về mặt tương quan lực lượng, Trung Quốc sẽ làm được điều này. Nếu xảy ra xung đột thật sự, Đài Loan có thể đẩy lùi một cuộc đổ bộ từ Trung Quốc hay không ?

Nhà nghiên cứu Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên cứu và Chiến lược (FRS), cho rằng Bắc Kinh trước hết phải có được lời giải cho bài toán : Cái giá nhân mạng cho một chiến dịch quân sự như vậy là bao nhiêu ? Bởi vì, một trong những chiến lược của Đài Bắc là khiến Bắc Kinh phải trả một giá nhân mạng rất cao nếu tiến hành một cuộc chiến tranh chiếm đảo.

"Bởi vì, Đài Loan có năng lực phòng thủ, có hệ thống phòng không, nhất là hệ thống chống tầu chiến. Hiện tại, trong tương quan lực lượng cho dù Trung Quốc có lợi thế, nhưng bất lợi cũng không hẳn nghiêng về Đài Loan. Điều đó không chỉ mang tính quân sự mà còn có cả vấn đề xã hội. Chiến lược của Đài Loan ngày nay là thể hiện rõ sự "bất diệt" với xã hội Trung Quốc".

Cuối cùng, nhà nghiên cứu người Pháp lưu ý thêm, "ở đây còn có một điểm quan trọng : Đài Loan là một mô hình phản biện, đó là một xã hội đậm chất văn hóa Trung Quốc nhưng đã tự thân dân chủ hóa, chứ không phải bằng một sự can thiệp từ bên ngoài. Điều này đối với Đảng cộng sản Trung Quốc là không thể chấp nhận !"

Minh Anh

Nguồn : RFI, 21/10/2021

**********************

Đại sứ Mỹ sắp tới tại Bắc Kinh : "Không nên tin vào Trung Quốc trên vấn đề Đài Loan"

Thanh Phương, RFI, 21/10/2021

Trong cuộc điều trần hôm 20/10/2021 trước Ủy ban Ngoại giao Thượng Viện Mỹ để chuẩn y việc bổ nhiệm tân đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh, Nicholas Burns cho rằng "không nên tin vào Trung Quốc trên vấn đề Đài Loan". Ông lên án các vụ chiến đấu cơ Trung Quốc gần đây xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Đại sứ Mỹ được bổ nhiệm đề nghị Hoa Kỳ bán thêm vũ khí cho Đài Bắc để tăng cường khả năng phòng thủ của Đài Loan.

eobien2

Nicholas Burns tại Ủy ban Đối ngoại Thượng Viện Mỹ trong phiên họp để phê chuẩn bổ nhiệm ông làm đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, ngày 20/10/2021, Washington. Reuters – Elizabeth Frantz

Trong cuộc điều trần hôm qua, ông Nicholas Burns, một nhà ngoại giao kỳ cựu, từng phục vụ dưới nhiều đời tổng thống Mỹ Cộng hòa lẫn Dân chủ, cũng tuyên bố Trung Quốc đã là một kẻ tấn công Ấn Độ tại vùng biên giới Hymalaya, tấn công Việt Nam, Philippines và các nước khác ở vùng Biển Đông và tấn công Nhật Bản ở vùng Biển Hoa Đông.

Ông còn lên án Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về những hành động "diệt chủng" đối với người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, những hành động bạo lực tại Tây Tạng, đàn áp các quyền tự do ở Hồng Kông.

Tuy nhiên, ông Nicholas Burns cho rằng không nên đánh giá quá cao sức mạnh của Trung Quốc. Ông kết luận : "Trung Quốc có rất ít bạn và không có những đồng minh thật sự".

Biden quan ngại về tên lửa siêu thanh của Trung Quốc

Hôm qua, tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ quan ngại về các tên lửa siêu thanh của Trung Quốc sau khi cuối tuần qua nhật báo Anh Financial Times tiết lộ là trong tháng 8 vừa qua, Bắc Kinh đã bắn thử nghiệm một tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Trung Quốc đã bác bỏ thông tin của tờ Financial Times, khẳng định họ chỉ thử nghiệm công nghệ phi thuyền tái sử dụng. Nhưng theo hãng tin Kyodo, khi được các phóng viên hỏi trước khi ông lên chuyên cơ Air Force One để bay đến bang Pennsylvania là ông có quan ngại về các tên lửa của Trung Quốc hay không, tổng thống Biden đã trả lời : "Có".

Về phần phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki, bà nói với các phóng viên là bà không bình luận về các thông tin cụ thể, nhưng tuyên bố : " Nói chung, chúng tôi đã nói rõ mối quan ngại của chúng tôi (về việc Trung Quốc phát triển các vũ khí siêu thanh)"

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 21/10/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Minh Anh, Thanh Phương
Read 452 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)