Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

29/10/2021

Chính quyền tỉnh Lâm Đồng ‘quên’ Luật Di sản văn hóa ?

Lâm Viên

Dinh Tỉnh trưởng sẽ được nâng cao 28m so với vị trí ban đầu. Phần dưới và xung quanh sẽ là tổ hợp khách sạn, thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ…

dalat1

Nâng dinh Tỉnh trưởng lên 28 mét, là đã vi phạm về nơi chốn của công trình di sản, khiến dinh Tỉnh trưởng không còn là di sản nữa.

Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, ông Lê Quang Trung đã có tờ trình số 2134/SXD-QHKT, ngày 18/10/2021 gửi UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét, ký ban hành văn bản lấy ý kiến Hội Kiến trúc sư Việt Nam.

Thực hiện theo ‘thúc hối’ của Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng ?

Nội dung tờ trình như sau :

"Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng tại Thông báo số 130-TB/TU ngày 12/4/2021 về triển khai quy hoạch, phương án đầu tư xây dựng khu vực Trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt.

Ngày 30/6/2021, Sở Xây dựng đã có buổi làm việc trực tiếp với Lãnh đạo Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam và Hội Kiến trúc sư Việt Nam để tham gia góp ý về phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh, thuộc đồ án quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị khu vực Trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt (đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 229/QĐ-UBND ngày 12/2/2019).

Tại buổi làm việc, đại diện 02 Hội có ý kiến cơ bản thống nhất với phương án kiến trúc được lựa chọn ; trong đó Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam đã có biên bản làm việc thống nhất (đính kèm) ; riêng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng đã đề xuất kế hoạch khảo sát thực địa và đăng ký làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng, các đơn vị có liên quan, tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid đang diễn biến phức tạp nên chưa tổ chức được việc khảo sát và làm việc trực tiếp với UBND tỉnh.

Để đảm bảo tiến độ, thời gian trình phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết, làm cơ sở để triển khai thực hiện, Sở Xây dựng đã phối hợp với các đơn vị có liên quan lập dự thảo văn bản gửi Hội Kiến trúc sư Việt Nam để lấy ý kiến về phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh thuộc đồ án quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị khu vực Trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt.

Do Hội Kiến trúc sư Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp Trung ương, do đó, Sở Xây dựng kính trình UBND tỉnh xem xét, ký ban hành văn bản lấy ý kiến Hội Kiến trúc sư Việt Nam".

dalat0

Đồng thuận nhờ… thần đèn ?

Theo "dự thảo văn bản gửi Hội Kiến trúc sư Việt Nam, biên bản làm việc ngày 30/6/2021 của Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam", do phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng, ông Phạm S ký, có nội dung cụ thể như sau :

"Từ ngày 14/8/2020 đến14/9/2020, Sở Xây dựng Lâm Đồng đã phối hợp với UBND thành phố Đà Lạt tổ chức trưng bày, lấy ý kiến cho 03 phương án ý tưởng kiến trúc khu vực đồi Dinh tỉnh trưởng thuộc đồ án quy hoạch chi tiết khu Trung tâm Hòa Bình do các Kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị (tư vấn HTT), Kiến trúc sư Salvador Perez Arroyo (tư vấn SDesign) và Kiến trúc sư Thierry Van de Winagaert (tư vấn Escape Architecture International – Pháp) sáng tác.

Các phương án được thiết kế với tiêu chí công trình xanh, tạo dựng được một kiến trúc ấn tượng, nâng cao giá trị và tạo cảnh quan đặc sắc cho đồi Dinh, đồng thời đáp ứng mong muốn của người dân, nhu cầu cấp bách của địa phương cần Trung tâm hội nghị phục vụ các sự kiện đẳng cấp quốc tế, Khách sạn cao cấp và Trung tâm mua sắm cho du khách và người dân Đà Lạt.

Phương án được đa số các ý kiến đồng thuận, lựa chọn cũng như đã được lãnh đạo UBND tỉnh, Tỉnh ủy lựa chọn là phương án Hotel du Printemps của Kiến trúc sư Thierry Van de Winagaert (tư vấn EAI). Giải pháp của tư vấn đưa ra kế thừa mạch hơi thở Đà Lạt của người Pháp xưa và có ý định táo bạo khi tìm cách đưa đồi Dinh trở thành điểm nhấn đúng nghĩa tại khu trung tâm thành phố, kiến tạo một nhân tố đô thị quan trọng và chắc chắn sẽ trở thảnh một biểu tượng mới của Đà Lạt.

Nếu như trước đây, Dinh tỉnh trưởng nằm lặng lẽ trên đồi, thì bây giờ Đồi Dinh đến gần hơn, cởi mở hơn và rõ ràng hơn trong tâm trí mọi người. Công trình được giữ nguyên vẹn và nâng cấp trở thành một Bảo tàng Đà Lạt ở điểm cao mới, mở cửa cho mọi người, bên cạnh đó còn mang đến cho người dân thêm các trải nghiệm tiện ích hiện đại từ dịch vụ khách sạn, thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ đến việc tham quan không gian, cảnh quan đặc sắc.

Nét đặc biệt của phương án đã tạo được sự kết hợp giữa xưa và nay, giữa quá khứ và hiện tại, hồi sinh lại khu vực trung tâm của thành phố phù hợp với bối cảnh và nhu cầu phát triển mới.

Ngày 30/6/2021, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam đã tổ chức buổi làm việc với Sở Xây dựng Lâm Đồng, qua đó cơ bản thống nhất với phương án kiến trúc trên.

Hiện nay, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, không thể tổ chức làm việc trực tiếp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam để lấy ý kiến cho công trình này, cùng với nhu cầu cần triển khai nhanh các thủ tục dự án Trung tâm Hòa Bình đã bị dừng quá lâu, UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị Hội Kiến trúc sư Việt Nam quan tâm, có ý kiến bằng văn bản về phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh tỉnh trường thuộc quy hoạch chỉnh trang khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt".

Đính kèm nội dung trên còn có "file mềm hồ sơ phương án thiết kế kiến trúc khu vực đồi Dinh tỉnh trưởng qua trục liên thông văn bản điện tử". Ở "file mềm hồ sơ" này, cho biết cụm từ Bảo tàng Đà Lạt ở điểm cao mới, có nghĩa là "nâng" dinh Tỉnh trưởng ở Đà Lạt (Lâm Đồng) lên 28 mét so với vị trí ban đầu.

Phản biện đơn giản lắm : hãy coi lại Luật Di sản văn hóa

Với mỗi tình tiết "28 mét so với vị trí ban đầu" đã cho thấy ý kiến này có dấu hiệu vi phạm Luật Di sản văn hóa.

Điều 4.2 của Luật Di sản văn hóa, ghi : "Di sản văn hóa vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, bao gồm di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia".

Kiến trúc sư Phan Minh Tiến (chuyên ngành kiến trúc – bảo tồn), một người nghiên cứu sâu về các công trình di sản của Đà Lạt, phân tích : "Ngày 8/12/2017, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quy định bảo tồn, quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Lạt. Trong đó, công trình số 01 Lý Tự Trọng, tức dinh Tỉnh trưởng (cũ), được xếp vào danh sách biệt thự thuộc sở hữu nhà nước thuộc nhóm 1 và được cấp giấy chứng nhận "Biệt thự có giá trị lịch sử, văn hóa hoặc biệt thự có kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu".

UBND tỉnh nêu rõ các ý như sau : Dinh Tỉnh trưởng được công nhận là biệt thự gắn với di tích lịch sử, chính trị, văn hóa theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa ; biệt thự có giá trị điển hình về kiến trúc.

Với việc công nhận và xếp loại như trên, chiếu theo các quy định đã ban hành và còn hiệu lực, thì dinh Tỉnh trưởng phải được bảo tồn, khu vực đồi Dinh nằm trong khuôn viên của Dinh Tỉnh trưởng cũng phải được bảo tồn, kể cả cây xanh, cổng, hàng rào, các khối công trình bên trong khuôn viên.

Cụ thể, nâng dinh Tỉnh trưởng lên 28 mét, là đã vi phạm về nơi chốn của công trình di sản, khiến dinh Tỉnh trưởng không còn là di sản nữa. Những sự kiện lịch sử đã diễn ra ngay trong khối nhà hiện hữu ở mặt đất, chứ không phải trong khối nhà trên cao 28 mét.

Lâm Viên

Nguồn : VNTB, 29/10/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lâm Viên
Read 478 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)