Tập Cận Bình dùng lịch sử để củng cố quyền lực
Thanh Phương, RFI, 08/11/2021
Bốn tháng sau khi mặc bộ đồ Mao để chủ trì lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng cộng sản Trung Quốc trên quảng trường Thiên An Môn vào tháng 7, hôm 08/11/2021, cũng với tư thế của một người muốn đứng ngang hàng với Mao Trạch Đông, nhân hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng, chủ tịch Tập Cận Bình sẽ lại dựa vào lịch sử để gia tăng thế lực của ông trong chế độ Bắc Kinh.
Chủ tịch Trung Quốc, tổng bí thư Đảng cộng sản Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, ngày 09/10/2021. AP - Andy Wong
Cụ thể là các đại biểu dự hội nghị trung ương sẽ thông qua một nghị quyết về lịch sử của Đảng cộng sản Trung Quốc. Nội dung văn bản của nghị quyết chưa được công bố, nhưng theo Tân Hoa Xã, đây là một "nghị quyết quan trọng về những thành tựu to lớn và kinh nghiệm lịch sử" của Đảng trong 100 năm tồn tại.
Kể từ khi được thành lập cho tới nay, Đảng cộng sản Trung Quốc chỉ mới thông qua hai nghị quyết về lịch sử, nghị quyết đầu tiên là vào năm 1945, củng cố quyền lực của Mao Trạch Đông 4 năm trước khi Đảng cộng sản giành chính quyền, và nghị quyết thứ hai là vào năm 1981, khi Đặng Tiểu Bình phát động các cải tổ sâu rộng đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế đứng hàng thứ hai thế giới hiện nay.
Theo nhận định của một nhà chính trị học bất đồng chính kiến, ông Lôi Cường (Wu Qiang), cựu giáo sư Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, được hãng tin AFP trích dẫn, nếu nghị quyết được thông qua, điều đó có nghĩa là quyền lực của ông Tập Cận Bình kể từ nay là tuyệt đối.
Kể từ khi lên nắm chức tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc vào năm 2012, rồi sau đó kiêm luôn chức chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình đã không ngừng thâu tóm quyền lực. Ông thường được xem như là lãnh đạo có thế lực nhất kể từ thời Mao Trạch Đông. Và cũng giống như Mao, tư tưởng Tập Cận Bình đã được ghi vào Hiến pháp Trung Quốc. Nay lãnh đạo họ Tập còn được ca ngợi về "chiến thắng" của Trung Quốc trước đại dịch Covid-19, tuy rằng dịch bệnh này đã bùng phát trở lại ở một số nơi.
Tuy nhiên, theo dự báo của nhà chính trị học Anthony Saich, Đại học Havard, Hoa Kỳ, khác với nghị quyết thứ hai vào thời Đặng Tiểu Bình, nghị quyết được đưa ra bỏ phiếu trong hội nghị trung ương lần này sẽ không chỉ trích Mao Trạch Đông nhiều. Hơn nữa, theo dự báo của giáo sư Lôi Cường, chính quyền hiện nay có vẻ như đang cố hạn chế những sự thái quá của nền kinh tế tự do và phần nào quay trở lại một nền kinh tế kiểm soát, kế hoạch hóa.
Còn theo nhà Trung Quốc học Chris Johnson, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế CSIS ở Washington, lãnh đạo họ Tập có thể nhân việc soạn thảo nghị quyết này để "dọn dẹp" lịch sử theo cái nhìn của ông, nhất là về những cải tổ mà Đặng Tiểu Bình phát động vào thập niên 1970.
Giáo sư Anthony Saich nhận định, qua việc tổng hợp chủ nghĩa Mao với các cải tổ, nghị quyết muốn tỏ cho thấy Tập Cận Bình là người kế thừa đương nhiên của lịch sử Đảng cộng sản Trung Quốc quang vinh.
Đây cũng là nhận định của Alice Ekman, nhà phân tích đặc trách về Châu Á thuộc Viện nghiên cứu về an ninh của Liên Hiệp Châu Âu (EUISS) : "Nghị quyết này rõ ràng là nhằm giúp cho Tập Cận Bình kéo dài vị trí lãnh đạo đảng của ông sau Đại hội Đảng thứ 20". Cho nên Tập Cận Bình cần phải áp đặt nhãn quan của ông về chế độ : Phải củng cố quyền lực của Đảng, để tránh cho chế độ cộng sản Bắc Kinh bị sụp đổ giống như Liên Xô.
Không chỉ thông qua nghị quyết về lịch sử Đảng, hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần này còn là dịp để các phe nhóm mặc cả với nhau trong hậu trường, trong bối cảnh chỉ còn một năm nữa là đến kỳ Đại hội Đảng, sẽ bầu ra ban lãnh đạo mới.
Gần như chắc chắn là ông Tập Cận Bình sẽ tái đắc cử tổng bí thư nhiệm kỳ thứ ba, cho dù ông đã quá giới hạn tuổi (68 tuổi) áp dụng cho các lãnh đạo Trung Quốc hiện nay. Từ khi chấm dứt thời kỳ Mao Trạch Đông đến nay, chưa có ai nắm quyền tới 3 nhiệm kỳ như thế. Mặt khác, theo dự báo của giáo sư Lôi Cường, ban thường vụ Bộ Chính Trị khóa tới có thể sẽ chỉ bao gồm 5 ủy viên thay vì 7 ủy viên như hiện nay. Như thế quyền lực của ông Tập Cận Bình trong cơ chế này lại càng tăng thêm.
Thanh Phương
******************
Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc họp để thông qua "nghị quyết về lịch sử"
Thanh Phương, RFI, 08/11/2021
Hôm 8/11/2021, Đảng cộng sản Trung Quốc khai mạc hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương, kéo dài 4 ngày, chủ yếu để thông qua một "nghị quyết về lịch sử" theo nhãn quan của chủ tịch Tập Cận Bình.
Một cuộc họp của Đảng cộng sản Trung Quốc. Reuters/Carlos Barria
Đây là cuộc họp quan trọng nhất của Đảng cộng sản Trung Quốc trong năm nay, diễn ra trước kỳ Đại hội Đảng vào năm tới. Cũng như mọi khi, các ủy viên trung ương họp kín, báo chí nước ngoài không được vào theo dõi. Tân Hoa Xã chỉ thông báo ngắn gọn là cuộc họp của Ban Chấp hành Trung ương vừa khai mạc sáng nay.
Theo chương trình nghị sự của cuộc họp, các đại biểu dự hội nghị trung ương sẽ biểu thông qua một "nghị quyết về lịch sử" của Đảng cộng sản Trung Quốc, vừa kỷ niệm 100 thành lập vào tháng 7 vừa qua.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình :
"Một tương lai mà hiện thân là Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, mà báo chí chính thức một lần nữa không ngớt ca ngợi. Vào cuối tuần qua, một quyển sách trắng mới dày 300 trang đã được phát hành vào trước ngày khai mạc hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương, bao gồm khoảng 50 bài viết mang tính chất nền tảng của nhân vật lãnh đạo số một Trung Quốc. Tiếp theo là nhiều bài viết đăng trên các mạng xã hội, mô tả Tập Cận Bình là một lãnh đạo kiên quyết, luôn hành động, có một nhãn quan hướng về tương lai.
Theo truyền thống, hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương thường bàn về việc xây dựng Đảng. Hội nghị lần này cũng là dịp biểu quyết thông qua một nghị quyết đánh giá lại lịch sử của Đảng cộng sản Trung Quốc, vừa kỷ niệm 100 năm thành lập, một bài tổng hợp lịch sử giống như Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình đã làm trước đây, nhằm củng cố sự kiểm soát của Tập Cận Bình đối với bộ máy Nhà nước, trước kỳ Đại hội Đảng vào mùa thu năm tới.
Văn bản này kiến tạo xã hội Trung Quốc, chính trị Trung Quốc cho những thập niên tới. Đây là một vấn đề thiết yếu đối với thế lực của nền kinh tế đứng hàng thứ hai thế giới. Những gì diễn ra tại Bắc Kinh trong tuần này rất quan trọng, nhưng chúng ta chỉ có thể theo dõi từ xa, vì đây là một cuộc họp kín, dưới sự bảo vệ an ninh rất chặt chẽ.
Một số nhà hoạt động nhân quyền cho biết chứng nhận y tế trên điện thoại di động của họ đã bị chuyển sang màu đỏ, để ngăn cản họ ra khỏi nhà".
Thanh Phương