Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/11/2021

Tại sao Đảng cộng sản đề cập đến văn hóa pháp lý trong lúc này ?

Thới Bình - Hồng Dân - Triệu Tử Long

Văn hóa pháp lý với vai trò ‘cầm trịch’ của Đảng

Thới Bình, VNTB, 26/11/2021

Hiến định, Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

vanhoaphaply1

Quang cảnh Hội nghị trực tuyến triển khai, tập huấn về hai về chuyên đề giám sát trong năm 2021 : "Giám sát tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp" và "Giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ"- Nguồn : tapchimattran, 17/11/2021

Nhân dịp Hà Nội vừa tổ chức hội nghị văn hóa toàn quốc, xin được luận bàn về văn hóa pháp lý mà vai trò ‘cầm trịch’ của Đảng thời gian qua cũng lắm chuyện cần được công khai mổ xẻ.

Văn hóa được hiểu là tất cả những gì, kể cả bản thân con người, do con người từ thế hệ này đến thế hệ khác nối tiếp nhau thông qua lao động sáng tạo ra và xây dựng nên nhằm đáp ứng các nhu cầu về đời sống vật chất, tinh thần của mình. Mọi quốc gia, dân tộc đều có nền văn hóa riêng được xây dựng và phát triển trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước.

Văn hóa pháp lý là một bộ phận hợp thành của nền văn hóa dân tộc và hàm chứa trong nó ba yếu tố : ý thức pháp luật ; hệ thống pháp luật và trình độ, kỹ năng, nghệ thuật áp dụng pháp luật trong đời sống xã hội.

Có thể nhận thức tổng thể về hiện tượng "văn hóa pháp luật/ pháp lý" như sau :

Một là, văn hóa pháp luật thể hiện ở các thiết chế, thể chế gắn liền với điều chỉnh của pháp luật và trong ý thức, hành vi của chủ thể pháp luật ;

Hai là, văn hóa pháp luật chứa đựng trong nó những giá trị pháp lý có ý nghĩa, hữu ích đối với đời sống xã hội, và là nền tảng đời sống pháp luật của mỗi xã hội ;

Ba là, văn hóa pháp luật chỉ là góc nhìn về phương diện pháp lý trong các hoạt động, đời sống của con người, cá nhân, cộng đồng. Theo quan điểm của UNESCO, văn hóa pháp luật cùng với các loại hình văn hóa khác đã cấu thành một hệ thống các giá trị, truyền thống, thẩm mỹ và lối sống mà dựa trên đó từng dân tộc tự khẳng định bản sắc riêng của mình.

Trên cơ sở quan niệm chung về văn hóa pháp luật trên đây, có thể xem xét vấn đề văn hóa pháp luật trong hoạt động lập pháp.

Bài viết này chỉ luận bàn đôi chút về hoạt động lập pháp.

Đối với mỗi bộ máy nhà nước, các lĩnh vực hay quyền gắn với pháp luật được chí thành 3 lĩnh vực : Lập pháp, Hành pháp, và Tư pháp. Như thế, trong bộ máy nhà nước lập pháp chỉ là một lĩnh vực hoạt động của nhà nước.

Theo cách hiểu trong khoa học pháp lý về mặt ngữ nghĩa thì "lập pháp" là công việc làm luật của cơ quan đại diện Quốc hội (nghị viện hoặc tên gọi khác) phân biệt với "lập quy" là hoạt động xây dựng và ban hành các văn bản dưới luật do các cơ quan nhà nước không phải là Quốc hội thực hiện.

Tuy nhiên, trong thực tế, Quốc hội tuy được gọi là cơ quan lập pháp nhưng không phải chỉ làm nhiệm vụ xây dựng và ban hành luật. Nó thường còn làm cả các công việc khác như quyết định các vấn đề quan trọng lớn với đất nước, giám sát,…

Văn hóa pháp luật trong hoạt động lập pháp có một số đặc điểm đáng chú ý sau :

Thứ nhất, ở mức độ tổng quát, văn hóa pháp luật trong hoạt động lập pháp phản ánh các đặc điểm của môi trường, trong đó hoạt động lập pháp thường gắn vai trò điều chỉnh của pháp luật với tính cách là hoạt động tạo nên các quy tắc pháp luật cơ bản, tạo nền tảng cho hoạt động của quốc gia. Vì vậy, ở đây đề cập đến là vấn đề văn hóa tranh luận, phản biện,…

Thứ hai, cũng từ vai trò tạo "nền tảng" như trên của luật, ý thức, hành vi lập pháp của các cá nhân, đại diện cho tổ chức, cơ quan luôn cần đến tính "chuẩn mực" mà mọi biểu hiện đi chệch chuẩn mực đó về dân chủ, quyền con người, lợi ích nhóm,… đều chịu sự phê phán nghiêm khắc có thể đến "mất mặt".

Thứ ba, hoạt động lập pháp là một hoạt động đặc biệt, hoạt động thực hiện quyền lực nhà nước ở tầng cao và tác động đến các quan hệ cơ bản của đời sống – xã hội. Vì vậy, hoạt động này chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp luật. Do đó, khi các chủ thể thực hiện quyền lực nhà nước thì yêu cầu đặt ra là các chủ thể đó phải thể hiện văn hóa pháp luật trong việc "gương mẫu" tuân thủ các quy định pháp luật nhằm tránh trường hợp quyền lực nhà nước bị lạm dụng, mất kiểm soát,… cũng như tạo ra các quy định xung đột hoặc bất hợp pháp.

Thứ tư, có sự tác động của các đặc tính cá nhân, môi trường trên phương diện văn hóa pháp luật đối với chủ thể lập pháp.

Ở đây luôn có mối tương quan giữa hành vi với cách nghĩ, cách ứng xử, niềm tin, tôn giáo của chủ thể lập pháp với các đặc tính nhân học và môi trường mà họ sinh sống.

Và cũng cần nhấn mạnh rằng, không chỉ hành vi của các chủ thể lập pháp mới chịu tác động bởi mối tương quan đa chiều trên mà các hoạt động bình thường của bất cứ cá nhân nào cũng đều chịu sự tác động của các điều kiện đó. Nghĩa là, dấu ấn cá nhân như cách nghĩ, niềm tin, tôn giáo, môi trường sinh sống đều phản ánh lên mỗi hoạt động của họ qua lăng kính văn hóa pháp luật.

Tuy nhiên đứng trên tất cả những điều trên cho thấy một khi không có hay chưa có được văn hóa pháp luật về lập pháp, đó là lỗi hoàn toàn thuộc về Đảng, vì Điều 4, Hiến pháp đã ghi rõ ràng rằng Đảng phải chịu trách nhiệm về các quyết định gọi là "lãnh đạo toàn diện".

Thới Bình

Nguồn : VNTB, 26/11/2021

**********************

Manh nha chủ nghĩa xét lại ?!

Hồng Dân, VNTB, 25/11/2021

Tin tức cho biết, sáng 24/11, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng theo hình thức trực tuyến. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới dự và phát biểu chỉ đạo  Hội nghị, mang tên "Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc".

vanhoaphaply2

Trong phát biểu chỉ đạo Hội nghị Văn hóa toàn quốc sáng 24/11, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần khẳng định vai trò lớn của văn hóa : ‘Văn hóa còn là dân tộc còn’.

Theo giải thích của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, sở dĩ có Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào ngày 24/11/2021, vì 3 lý do :

1) Vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa : Văn hóa là hồn cốt của Dân tộc, nói lên bản sắc của Dân tộc. Văn hóa còn thì Dân tộc còn,… ;

2) 75 năm nay từ ngày 24/11/1946, hôm nay mới lại có Hội nghị toàn quốc về văn hóa với quy mô lớn thế này ;

3) Họp sau Đại hội Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận, Khối Nội chính ; và sắp tới sẽ còn có Hội nghị về đối ngoại và về xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần tôi vẫn nói : "Tiền hô hậu ủng", "Nhất hô bá ứng", "Trên dưới đồng lòng" và "Dọc ngang thông suốt".

"Nói sâu sắc, ngắn gọn như Bác Hồ là : "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" ! Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với nội dung cốt lõi là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ; chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội ; kế thừa những truyền thống văn hóa tốt đẹp của Dân tộc đồng thời tiếp thu có chọn lọc những thành tựu, tinh hoa văn hóa của thế giới, phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao".

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có đoạn phát biểu như trên.

Vấn đề đặt ra là dường như người đứng đầu Đảng đang manh nha chủ nghĩa xét lại, vì lâu nay đã có con người mới xã hội chủ nghĩa, thì tất yếu cũng đã có nền văn hóa xã hội chủ nghĩa, và nền văn hóa này chí ít cũng đã "soi đường cho quốc dân đi" suốt 75 năm qua.

"Xét lại" cũng đúng, vì người ta chỉ phải nhờ đến ánh sáng "soi đường" khi đó là nơi tăm tối, giờ dưới ánh sáng của nghị quyết Đảng, dưới sự lãnh đạo anh minh suốt 3 nhiệm kỳ liền của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giúp – như lời nhìn nhận của cá nhân ông Tổng bí thư, rằng  "chúng ta chưa bao giờ có tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như hiện nay".

Nếu không "xét lại" thì lẽ nào chúng ta tuy có ngoài 5 triệu đảng viên, nhưng số đảng viên thực sự là những con người mới xã hội chủ nghĩa là chưa đủ mạnh, chưa đủ đông để xây dựng tương ứng về nền văn hóa xã hội chủ nghĩa ?

Nói có sách, mách có chứng, kẻo lại bị quy chụp "tự diễn biến".

Chiều ngày 1/11/2021, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo chuyên đề "Thực trạng và giải pháp phát triển đảng viên là đoàn viên, thanh niên trong tình hình mới" theo hình thức trực tuyến.

Theo dự thảo báo cáo, trong giai đoạn 2010 – 2020 và 9 tháng đầu năm 2021, tổng số đoàn viên ưu tú do tổ chức đoàn giới thiệu cho đảng là 2.868.498. Theo phân bổ chỉ tiêu của nhiệm kỳ 2012 – 2017 số lượng đoàn viên ưu tú giới thiệu cho đảng xem xét kết nạp so với chỉ tiêu đề ra đạt 99,16% ; nhiệm kỳ 2017 – 2022, tính đến thời điểm hiện tại đạt tỉ lệ 87,39%.

Số lượng đoàn viên ưu tú được kết nạp đảng, theo số liệu thống kê của 67/67 tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc, toàn Đoàn có gần 1,6 triệu đảng viên là đoàn viên đang sinh hoạt tại các chi đoàn, chiếm 25,39% tổng số đoàn viên cả nước và chiếm 30,76% tổng số đảng viên cả nước.

Từ năm 2020 đến 9 tháng đầu năm 2021 tỉ lệ đoàn viên ưu tú được kết nạp đảng so với số lượng đoàn viên ưu tú được giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp có xu hướng giảm. Cụ thể, giai đoạn 2010 – 2019, tăng từ 57% – 66%, nhưng năm 2020 giảm xuống còn 53,8% và đến 9 tháng đầu năm 2021 đạt tỉ lệ chỉ 49,14%.

Những người trẻ xem ra đang ‘hờ hững’ với Đảng, lẽ nào đó cũng có phần vì văn hóa xã hội chủ nghĩa vẫn tiếp tục dọ dẫm, thay vì phải là "soi đường" ?

Với nhìn nhận sơ lược kể trên cho thấy nếu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý mượn đường văn hóa để "xét lại", đó cũng là điều bình thường, vì ngay cả hùng mạnh như Liên Xô và khối Đông Âu xã hội chủ nghĩa còn sụp đổ nữa kia mà…

Hồng Dân

Nguồn : VNTB, 25/11/2021

************************

Vì sao có quá ít văn nghệ sĩ thờ ơ trước nhân phẩm bị xâm phạm ?

Triệu Tử Long, VNTB, 25/11/2021

Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam – ông Nguyễn Quang Thiều nhận định trước thềm Hội nghị Văn hóa toàn quốc, diễn ra tại Hà Nội ngày 24/11/2021 : "Nếu những trí thức, văn nghệ sĩ của đất nước không mang lòng tự trọng dân tộc thì họ sẽ chẳng viết được những gì có giá trị với con người. Và không có lòng tự trọng dân tộc thì văn nghệ sĩ khó tìm được lý do để tập hợp lại với nhau, tôn trọng cá tính sáng tạo của nhau và cùng nhau sáng tạo vì sự phát triển của dân tộc".

vanhoaphapdinh03

Ngôn ngữ hiến định rất nhân văn, nhưng chưa được hiện thực hóa bằng một cơ chế hiệu quả trên thực tế.

Theo người đứng đầu tổ chức này, thì hơn bao giờ hết, các nhà văn nói riêng và các văn nghệ sĩ nói chung phải đoàn kết lại trong mục đích cao cả nhất là vì con người. Một nền nghệ thuật không vì phẩm giá của con người thì là một nền "nghệ thuật của cái chết".

Có thắc mắc : ông Nguyễn Quang Thiều hiểu như thế nào về "phẩm giá con người" ?

Thử nhìn lại thời gian qua, khi vật lộn sinh tồn trong đại dịch, liệu lúc nào đó con người ta suy ngẫm về thân phận của mình, thấm thía về sự phù du và phi lý của kiếp người, cũng đồng thời thấy rõ giá trị của nhân phẩm hơn bao giờ hết ?

Trong dòng hồi tưởng đó, nếu thực sự là nhà văn đau đáu về "phẩm giá con người", chắc rằng ông sẽ có những câu thơ bật lên tiếng trái tim ứa máu khi tin tức trên báo chí thuật về chính quyền ở một xã cho người phá cửa, trói và đưa người phụ nữ là F1 đi cách ly tập trung.

Ở một phường, lực lượng chống dịch phá khóa vào nhà, "lôi" một phụ nữ xuống sân, bẻ quặt tay chị để xét nghiệm Covid-19. Ở nơi khác, người ta khóa trái cửa toàn bộ nhà của cư dân là F2 trong một ngõ. Ở nhiều nơi trong thành phố từng mệnh danh hòn ngọc viễn đông, đã có hàng loạt "chiến lũy" xấu xí được dựng lên đầu các ngõ hẻm, nhiều nơi dùng cả dây thép gai và bê-tông. Hàng triệu con người bị nhốt trong những khoảng không gian chật hẹp suốt mấy tháng…

Dẫu biết rằng đó là vì chống dịch nhưng những hành động, hình ảnh như vậy vẫn làm cho chúng ta không khỏi đau và buồn. Tự hỏi, liệu có cách nào khác để vừa bảo vệ được sinh mệnh, vừa không làm phẩm giá con người tổn thương ? Và có những văn nghệ sĩ nào đã ‘cảm tác’ về nỗi đau nhân sinh đang diễn ra đó ?

Từ giữa thế kỷ 20 đến nay, nhân phẩm được nâng lên thành giá trị pháp lý tối cao của nhân loại vì kinh nghiệm xương máu từ hai cuộc thế chiến thảm khốc và các chế độ cực quyền nửa đầu thế kỷ 20. Từ đó mà hàng loạt văn kiện quốc tế ra đời và đã ghi nhận trực tiếp hoặc gián tiếp về nhân phẩm : Hiến chương Liên Hiệp Quốc năm 1945 ; Tuyên bố phổ quát về quyền con người năm 1948 ; Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 ; Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966.

Nhà báo Phạm Chí Dũng lúc còn được quyền viết lách, kể rằng một sáng nọ ông vừa dừng xe để đưa cậu con trai út vào ngôi trường gần bên trụ sở Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, bất ngờ có tốp người thường phục ập tới, bẻ quặt tay của ông để ‘mời’ về cơ quan an ninh điều tra trước sự chứng khiến sửng sờ của nhiều phụ huynh đang có ở sân trường – dĩ nhiên là có cả cậu con trai út của ông vẫn chưa kịp vào lớp…

Phẩm giá ở đâu trong các trang viết văn chương ?

Tiếc rằng, Hiến pháp năm 2013 quy định rất rõ ràng tại điều 20 : "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm ; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm".

Tiếc rằng ngôn ngữ hiến định rất nhân văn, nhưng tiến bộ này chưa được hiện thực hóa bằng một cơ chế hiệu quả trên thực tế. Quy định của Hiến pháp chưa được áp dụng trực tiếp, tạo cơ sở pháp lý cho mỗi công dân có thể sử dụng để bảo vệ nhân phẩm của mình khi cần thiết.

Nếu có một cơ chế như vậy, những người bị phá cửa, bị trói mang đi cách ly, bị lôi xuống sân và bẻ quặt tay để xét nghiệm có thể đâm đơn kiện ; cơ quan bảo hiến sẽ xem xét quy định pháp luật nào điều chỉnh các hành vi xâm phạm nhân phẩm này và sẽ ra phán quyết tương xứng.

Và dĩ nhiên nếu được ‘hồi tố’ và có tòa bảo hiến, thì khi được trả lại sự tự do, ông Phạm Chí Dũng cũng nên đâm đơn kiện về nhân phẩm của ông và con trai đã bị xâm phạm thô bạo…

Triệu Tử Long

Nguồn : VNTB, 25/11/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thới Bình, Hồng Dân, Triệu Tử Long
Read 365 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)