Từ Việt Nam tới Serbia, đâu cũng là nước mắt
Cánh Cò, RFA, 21/11/2021
"Công nhân Việt Nam tại nhà máy Trung Quốc ở Serbia kêu cứu" (*) là tựa một bài báo của hãng tin AP, loan tải vào ngày 20 tháng 11 mô tả chi tiết tình hình của 500 công nhân Việt Nam đang lâm vào đường cùng tại một nơi xa lạ. Họ là những công nhân xuất khẩu của Việt Nam do môi giới từ những công ty xuất khẩu lao động trong nước ký hợp đồng với Công ty sản xuất vỏ xe Shandong Linglong Tire Co. của Trung Quốc sang Serbia làm việc từ tháng 5 năm nay.
Những công nhân Việt Nam đang làm việc xây dựng Công ty sản xuất vỏ xe Shandong Linglong Tire Co tại Serbia.
Đây là những công nhân Việt Nam đang làm việc xây dựng cho nhà máy sản xuất vỏ xe ô tô đầu tiên của Trung Quốc ở Châu Âu. Hiệp hội Báo chí (AP) đã đến thăm địa điểm xây dựng ở miền bắc Serbia nơi mà khoảng 500 công nhân đang sống trong điều kiện khắc nghiệt và nơi mà Công ty sản xuất vỏ xe Shandong Linglong Tire Co thiết lập cơ sở.
Nhà báo Dusan Stojanovic đã phỏng vấn nhiều công nhân Việt Nam tại đây và những câu trả lời được nhà báo chứng kiến ngay tại nơi họ làm việc có thể làm cho bất cứ ai là người Việt Nam cũng cảm thấy uất ức và căm phẫn. Hai tiếng đồng bào chưa bao giờ có ý nghĩa như lúc này, khi mà trong nước người ta vừa tổ chức lễ tưởng niệm 23 ngàn nạn nhân Covid thì ở nước ngoài, hơn 500 công nhân đang bị hiếp đáp một cách công khai bởi một công ty Trung Quốc. Sự hiếp đáp ấy được các nhà bảo vệ môi trường Serbia cũng như những người tranh đấu cho nhân quyền lên tiếng đòi hỏi công ty Linglong phải có thái độ phù hợp với công nhân Việt Nam đang làm việc cho họ.
Anh Nguyễn Văn Trí, một trong những công nhân trong thời tiết lạnh giá với đôi dép mỏng manh, run rẩy trong hơi lạnh anh cho biết khoảng 100 công nhân đồng nghiệp của anh sống trong cùng các doanh trại vừa đình công để phản đối hoàn cảnh của họ và một số đã bị sa thải vì việc làm đó.
Âm 2°C, không máy sưởi, không nước nóng, không giường nệm, chân đi dép lê, đó là điều kiện sống mà hơn 400 công nhân Việt Nam tại công trường nhà máy lốp xe của công ty Ling Long Duo, Trung Quốc đang phải trải qua ở thành phố Zrenjanin, nước Serbia ở Âu Châu.
Nói với nhà báo Dusan Stojanovic, anh Trí cho biết "Kể từ khi chúng tôi đến nơi đây, không có gì là ổn cả, mọi thứ đều khác với các hồ sơ mà chúng tôi đã ký ở Việt Nam. Cuộc sống thì tồi tệ, thức ăn, thuốc men, nước uống… mọi thứ đều tồi tệ ".
Những công nhân khác cho nhà báo biết họ ngủ trên giường có hai tầng mà không có nệm lót. Trong khu trại không có máy sưởi cũng như nước ấm. Họ nói với AP rằng họ không nhận được sự chăm sóc y tế ngay cả khi họ có các triệu chứng giống Covid-19, các người quản lý công ty bảo họ chỉ cần tiếp tục ở lại trong phòng của họ là ổn.
Nhà hoạt động người Serbia, ông Miso Zivanov thuộc tổ chức phi chính phủ Zrenjaninska Akcija nói với Hãng tin AP tại một nhà kho mà công nhân đang sống "Chúng tôi đang chứng kiến một sự vi phạm nhân quyền nghiêm trọng khi các công nhân Việt Nam đang làm việc trong điều kiện khủng khiếp. Giấy thông hành và giấy tờ tùy thân của họ bị lấy đi bởi các người chủ Trung Quốc, ông nói, họ tới nơi đây từ tháng Năm, và họ chỉ nhận được một lần tiền lương. Họ đang tìm cách trở về Việt Nam nhưng trước tiên cần lấy lại giấy tờ của họ".
Thủ tướng Serbia, bà Ana Brnabic và Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đều lên tiếng xoa dịu dư luận báo chí thế giới nhưng lại chỉ trích những người bảo vệ nhân quyền cũng như môi trường bằng lời lẽ châm chích rằng họ lên tiếng với chủ đích phá hoại "đối tác chiến lược" giữa hai nước Serbia và Trung Quốc. Tổng thống Aleksandar Vucic còn đi xa hơn khi tuyên bố rằng "không lẽ họ bắt chúng tôi dứt bỏ dự án 900 triệu đô la họ mới bằng lòng ?".
Dĩ nhiên bài báo không nhắc tới thái độ của nhà nước Việt Nam vì đây là việc của công ty Shandong Linglong Tire Co, có trách nhiệm với công nhân của họ, thế nhưng không loại trừ khả năng AP sẽ chuyển hướng dư luận về Việt Nam khi mà mọi chứng cứ đều chỉ rõ rằng những công ty môi giới đã gián tiếp giúp công ty Trung Quốc ngược đãi công nhân Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam cho tới nay vẫn chưa lên tiếng trước vụ việc và 500 người công nhân ấy vẫn không biết rằng họ có quyền được đại sứ Việt Nam tại Balkan lên tiếng bảo vệ và lập thủ tục đưa họ về nước, bất kể giấy tờ của họ có bị cầm cố bởi những kẻ lừa đảo nói tiếng Trung Hoa.
Nhưng dư luận trong và ngoài nước lâu nay đã thừa biết thái độ của các đại sứ quán nước ngoài đối với người dân của mình như thế nào rồi. Từ Hàn quốc, Đài Loan, Malaysia cho tới Nhật Bản hay xa hơn là các nước EU, đại sứ quán là cơ quan chỉ có nhiệm vụ duy nhất đối với kiều bào là cấp và đóng dấu hộ chiếu, mọi việc khác, xin lỗi, không phải nhiệm vụ của chúng tôi…
Làm công dân Việt Nam thật không phải dễ, trong nước thì đói nghèo, ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn kiếm miếng ăn thì lại bị bọn đầu nậu, cặp rằng không tiếc tay ngược đãi.
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 21/11/2021
(*) https://apnews.com/article/serbia-chinese-factory-vietnamese-workers-harsh-conditions-67431ad5f51b553357911dea24c70359
**********************
Đảng và những người con thân yêu của tổ quốc
Anh Quân, VNTB, 28/11/202
Có thể mẹ không quá khốn khó như chị Dậu nhưng đã để con bị bán.
Âm 2°C (1), không máy sưởi, không nước nóng, không giường nệm, chân đi dép lê, đó là điều kiện sống mà hơn 400 công nhân Việt Nam tại công trường nhà máy lốp xe của công ty Ling Long Duo, Trung Quốc đang phải trải qua ở thành phố Zrenjanin, nước Serbia ở Âu Châu.
Các quan chức của Đảng cộng sản Việt Nam, khi cần, gọi người Việt là những người con thân yêu của tổ quốc (2). Hãy xem Đảng đã làm gì khi thấy những người con của mình lâm vào hoàn cảnh như thế này.
Nếu bạn ở Việt Nam và nghe con của bạn ở Serbia nói rằng cháu đang ở trong căn phòng không có máy sưởi và ban đêm nhiệt độ xuống âm 2°C, bạn sẽ làm gì ? Nếu bạn có máy bay, bạn sẽ sang Serbia để đón con bạn về, phải không ? Nếu bạn chưa sắp xếp được máy bay nhưng có tiền, bạn sẽ nhờ người giúp cháu được sưởi ấm, phải không ? Bạn nghĩ Đảng và Nhà nước có máy bay, có tiền không ?
Nhà nước đã làm gì ? Theo Vietnamnet :
"Người phát ngôn cho hay, Đại sứ quán liên hệ với các công nhân tại Serbia, các công ty phái cử lao động và các cơ quan liên quan sở tại. Thông tin bước đầu của Đại sứ quán cho biết là không có chuyện hành hung hay là đánh đập.
Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán tiếp tục nắm thông tin, tình hình, liên hệ với các cơ quan chức năng sở tại để có thể xác minh và có các biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích của công dân, lao động Việt Nam, bảo đảm an toàn cho người lao động Việt Nam tại Serbia" (3) .
Khi đọc những dòng này, tôi không có cảm giác nghe một người mẹ nói về thảm cảnh của những đứa con của mình.
Những người công nhân này không phải là con tôi, tôi vẫn có đủ quan tâm để liên lạc với họ và hỏi thăm hoàn cảnh của họ. Tôi cũng có thể xác minh hoàn cảnh của họ trong vài phút qua một cuộc gọi video. Trong cuộc gọi, tôi đã yêu cầu họ cho tôi thấy chỗ họ ngủ, chỗ họ tắm, chỗ họ vệ sinh. Khó không các bạn ?
Nếu cần phải có mặt, sứ quán Việt Nam ở Rumani, chỉ cách Zrenjanin chỉ có 9 tiếng lái xe. Có xa không các bạn ? Nếu cần, có thể đến tận nơi để xác minh, để nói chuyện với công nhân, với chủ thuê lao động, và với nhà chức trách sở tại. Phải không các bạn ?
Theo người công nhân nói chuyện với tôi, một số người tự xưng là nhân viên sứ quán Việt Nam tại Rumani có tới hiện trường cách đây mấy ngày, nói chuyện với họ một lúc rồi về. Họ đã nghe được điều gì từ những người công nhân ? Họ đã thấy gì ? Họ đã nói chuyện với chủ thuê lao động chưa ? Họ đã nói chuyện với các giới chức địa phương chưa ? Đã có hành động cụ thể gì chưa ? Bộ ngoại giao, báo chí Việt Nam có nên thông báo về kết quả của chuyến đi và những bước kế tiếp không ?
Những người công nhân này cho biết chưa có gì thay đổi sau khi những người kể trên đến thăm. Cũng theo những người công nhân này, trước đó, họ đã được chuyển qua chỗ ở mới – ở chỗ ở cũ, họ phải ở trong công-ten-nơ, mỗi công từ 12 đến 20 người – sau khi họ đình công và được báo chí Serbia can thiệp.
Đối với những người công nhân này, có những việc rất gấp. Họ cho biết họ không có hợp đồng lao động với chủ thầu. Do đó, nếu có tai nạn xảy ra, họ phải tự lo. Nếu bị bệnh, cũng phải tự lo. Nếu nghỉ làm sẽ bị trừ lương. Một người công nhân cho biết anh bị dính Covid và phải tự cách ly trong nhà (công-ten-nơ), tự uống thuốc mang từ Việt Nam qua. Khi anh không đi làm, anh không những không có lương mà còn bị trừ tiền ăn.
Nếu tôi là nhà cầm quyền Việt Nam, tôi sẽ yêu cầu chủ thầu cho xem hợp đồng lao động. Nếu không có, tôi sẽ yêu cầu chính quyền Serbia xử lý. Nếu chính quyền Serbia không xử lý, tôi sẽ gây sức ép quốc tế. Và tôi chưa thấy Hà Nội làm điều này.
Nếu sức tôi quá yếu, chỉ có thể chống Trung Quốc bằng cách trao cờ tổ quốc cho ngư dân và không thể buộc công ty Ling Long hay nhà chức trách Serbia hành động, tôi có thể liên lạc với các công ty xuất khẩu lao động đã gửi họ đi và yêu cầu trả các chi phí bảo đảm điều kiện sinh hoạt và làm việc cho những người công nhân này. Xác định những công ty này tại Việt Nam có khó không các bạn ? Họ có làm việc này không ? Nếu không thì tại sao ? Có những tin đồn rằng Nhà nước, ít nhất là các quan chức, có ăn chia trong việc xuất khẩu lao động (4).
Theo tôi, gia đình của những người công nhân này cũng như công chúng cần được biết tình trạng hiện tại của họ và những việc mà nhà cầm quyền Việt Nam sẽ thực hiện trong giai đoạn sắp tới để cứu giúp họ. Họ không cần những lời lẽ vô hồn, khô khốc, và có khả năng không dẫn đến điều gì tốt đẹp hơn cho những người công nhân khốn khổ này như đã trích dẫn ở trên.
Mẹ Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng là thế đấy. Có thể mẹ không quá khốn khó như chị Dậu nhưng đã để con bị bán.
Anh Quân
Nguồn : VNTB, 28/11/2021
Tài liệu tham khảo :
https://www.wunderground.com/forecast/rs/zrenjanin
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/laborers-bear-brunt-of-dolap-wrongdoing-12242020170803.html
*********************
Công nhân Việt Nam ở Serbia bị buộc ký giấy tự nguyện tiếp tục làm việc
Anh Quân, VNTB, 27/11/2021
Anh Quân – Cộng tác viên Việt Nam Thời Báo tường thuật từ Belgrade
Hai mươi (20) công nhân từ chối ký giấy đã không được cho làm việc dù vẫn còn được ở và trong trại và được cung cấp thực phẩm.
Theo nguồn tin từ các công nhân Việt Nam làm việc tại công trình dự án lốp xe của công ty LingLong Duo tại Zrenjanin, Serbia, công ty này đã buộc công nhân Việt Nam ký vào văn bản có nội dung như sau "Tôi tự nguyện tiếp tục làm việc tại dự án lốp xe Zrenjanin Linglong ở Serbia và hài lòng với chỗ ăn ở chủ sử dụng cung cấp. Tôi hứa sẽ tuân thủ các quy định và sự sắp xếp của công ty".
Hai mươi (20) công nhân từ chối ký văn bản này đã không được cho làm việc dù vẫn còn được ở và trong trại và được cung cấp thực phẩm.
Âm 2oC, không máy sưởi, không nước nóng, không giường nệm, chân đi dép lê, đó là điều kiện sống mà hơn 400 công nhân Việt Nam tại công trường nhà máy lốp xe của công ty LingLong Duo, Trung Quốc đang phải trải qua ở thành phố Zrenjanin, nước Serbia ở Âu Châu. Phần lớn những công nhân này là người ở các tỉnh miền Trung và Bắc Việt Nam.
Theo người công nhân nói chuyện với tôi, một số người tự xưng là nhân viên sứ quán Việt Nam tại Rumani có tới hiện trường cách đây mấy ngày, nói chuyện với họ một lúc rồi về.
Những người công nhân này cho biết chưa có gì thay đổi sau khi những người kể trên đến thăm. Cũng theo những người công nhân này, trước đó, họ đã được chuyển qua chỗ ở mới – ở chỗ ở cũ, họ phải ở trong công-ten-nơ, mỗi công từ 12 đến 20 người – sau khi đình công và được báo chí Serbia can thiệp.
Một người công nhân cho biết anh bị nhiễm Covid và phải tự cách ly trong nhà (công-ten-nơ), tự uống thuốc mang từ Việt Nam qua. Khi anh không đi làm, anh không những không có lương mà còn bị trừ tiền ăn. Những công nhân này sợ họ không được hưởng bảo hiểm y tế hay tai nạn khi cần.
Hiện tại, các công nhân này vẫn phải ở trong một khu nhà không có máy sưởi và nước nóng trong điều kiện thời tiết có lúc xuống tới âm 2oC, cũng theo nguồn tin trên.
Xin mọi người, mọi tổ chức hỗ trợ các công nhân này bằng mọi cách.
Gia đình của những người công nhân này cũng như công chúng cần được biết tình trạng hiện tại của họ và những việc mà nhà cầm quyền Việt Nam sẽ thực hiện trong giai đoạn sắp tới để cứu giúp họ.
Anh Quân
Nguồn : VNTB, 27/11/2021
******************
Công nhân Việt Nam tại nhà máy Trung Quốc ở Serbia kêu cứu
Dusan Stojanovic, 22/11/2021
Họ đang run rẩy trong trại không có máy sưởi, bị đói và không có tiền. Họ nói rằng hộ chiếu của họ đã bị chủ người Trung Quốc lấy đi và hiện họ đang bị mắc kẹt tại một vùng đồng bằng ở Serbia mà không nhận được sự giúp đỡ nào của chính quyền địa phương.
Những lao động này có thể là nạn nhân của nạn buôn người hoặc thậm chí là nô lệ.
Đây là những công nhân Việt Nam đang xây dựng nhà máy sản xuất lốp ô tô đầu tiên của Trung Quốc ở Châu Âu. Hãng tin AP đã đến thăm công trường xây dựng ở miền bắc Serbia. Nơi đây có khoảng 500 công nhân đang sống trong điều kiện khắc nghiệt khi Công ty lốp xe Shandong Linglong của Trung Quốc xây dựng một cơ sở khổng lồ.
Dự án mà các quan chức Serbia và Trung Quốc quảng cáo như một sự thể hiện "quan hệ đối tác chiến lược" giữa hai nước, đã vấp phải sự giám sát của các nhà môi trường về ô nhiễm nguy hiểm tiềm tàng từ việc sản xuất lốp xe.
Giờ đây, nơi này đã thu hút sự chú ý của các nhóm nhân quyền ở Serbia. Những nhóm này đã cảnh báo rằng người lao động có thể là nạn nhân của nạn buôn người hoặc thậm chí là nô lệ.
"Chúng tôi chứng kiến sự vi phạm nhân quyền vì người lao động Việt Nam phải làm việc trong điều kiện tồi tệ", nhà hoạt động người Serbia Miso Zivanov thuộc tổ chức phi chính phủ Zrenjaninska Akcija (Hành động Zrenjanin) nói với Associated Press tại nhà kho một tầng nhếch nhác nơi công nhân Việt Nam đang sống.
Anh Nguyễn Văn Trí nói : "Kể từ khi chúng tôi đến đây, không có gì là tốt cả. Mọi thứ đều khác với hợp đồng mà chúng tôi đã ký ở Việt Nam. Đời sống quá tệ, thức ăn, thuốc men, nước uống… cái gì cũng tệ".
"Ông Zivanov cho biết : Hộ chiếu và giấy tờ tùy thân của họ đã bị chủ lao động Trung Quốc lấy mất. Họ đã ở đây từ tháng Năm, và chỉ nhận lương được một lần. Họ đang tìm cách về Việt Nam nhưng trước tiên cần lấy lại giấy tờ đã".
Người lao động phải ngủ trên giường tầng không có đệm trong doanh trại không có máy sưởi hoặc nước ấm. Họ nói với AP rằng họ không được chăm sóc y tế ngay cả khi họ có các triệu chứng giống Covid-19, người quản lý yêu cầu họ chỉ cần ở nguyên trong phòng.
Một trong những công nhân, anh Nguyễn Văn Trí, cho biết chưa có điều gì thỏa mãn với hợp đồng làm việc anh đã ký tại Việt Nam trước khi lên đường sang Serbia.
Anh nói : "Kể từ khi chúng tôi đến đây, không có gì là tốt cả. Mọi thứ đều khác với hợp đồng mà chúng tôi đã ký ở Việt Nam. Đời sống quá tệ, thức ăn, thuốc men, nước uống… cái gì cũng tệ".
Chân mang dép và run rẩy vì lạnh, anh cho biết khoảng 100 công nhân cùng doanh trại đã đình công để phản đối và một số đã bị sa thải.
Linglong không trả lời cuộc gọi của AP nhưng nói với truyền thông Serbia rằng công ty có trách nhiệm với người lao động, đổ lỗi cho hoàn cảnh của công nhân như vậy cho các nhà thầu phụ và cơ quan môi giới việc làm ở Việt Nam. Linglong cho biết ngay từ đầu công ty không tuyển dụng lao động Việt Nam. Công ty hứa sẽ trả lại giấy tờ về việc được cho phép làm việc và cư trú.
Công ty phủ nhận thông tin công nhân Việt Nam sống trong điều kiện thiếu thốn và cho biết lương hàng tháng của họ được trả tương ứng với số giờ làm việc.
Serbia là một trọng điểm cho các chính sách mở rộng và đầu tư của Trung Quốc ở Châu Âu, và các công ty Trung Quốc đã giữ kín các dự án của họ trong bối cảnh có báo cáo rằng họ vi phạm luật chống ô nhiễm và quy định lao động của quốc gia Balkan này.
Các ngân hàng Trung Quốc đã cung cấp những khoản vay hàng tỷ đô la cho Serbia để tài trợ cho những công ty Trung Quốc xây dựng đường cao tốc, đường sắt và nhà máy cũng như sử dụng công nhân xây dựng Trung Quốc. Đây không phải là lần đầu tiên các nhóm bảo vệ quyền lợi chỉ ra những vi phạm về quyền của người lao động, bao gồm cả quyền của thợ mỏ Trung Quốc tại một mỏ đồng ở miền đông Serbia.
Sau nhiều ngày im lặng, quan chức Serbia đã lên tiếng phản đối các điều kiện "vô nhân đạo" tại công trường nhưng nhanh chóng hạ thấp trách nhiệm của Trung Quốc đối với hoàn cảnh của công nhân.
Thủ tướng Serbia Ana Brnabic cho biết bà "sẽ không loại trừ rằng cuộc tấn công nhằm vào nhà máy Linglong" do "bởi những người chống lại các khoản đầu tư của Trung Quốc" ở Serbia nhắm vào – ám chỉ những lời chỉ trích thường xuyên từ phương Tây rằng các dự án của Trung Quốc ở Serbia không minh bạch, đáng nghi vấn về mặt sinh thái và được Bắc Kinh thiết kế để mở rộng tầm ảnh hưởng chính trị ở Châu Âu.
"Ở thời điểm ban đầu là môi trường. Bây giờ họ quên mất điều đó và họ tập trung vào công nhân. Sau ngày mai sẽ có thứ khác", bà Ana Brnabic nói.
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cho biết hôm thứ Sáu rằng một thanh tra lao động Serbia đã được cử đến công trường xây dựng Linglong nhưng đã không cho biết kết quả thanh tra.
"Họ muốn gì ? Có phải họ có muốn chúng tôi phá hủy khoản đầu tư 900 triệu đô la không ? " Tổng thống Vucic đặt câu hỏi.
Dusan Stojanovic
Nguyên tác : Vietnamese workers at Chinese factory in Serbia cry for help, AP News, 20/11/2021
Nguồn : VNTB, 27/11/2021