Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/12/2021

Trong cơn hoảng loạn, Bộ Tài chính phát biểu lung tung

Thới Bình, Phạm Thế Anh

Khi những người cộng sản ‘bóc lột’

Thới Bình, VNTB, 05/12/2021

‘Bóc lột’ thật ra chỉ là một cấp độ của khai thác. Nếu của cải, vật chất làm ra của doanh nghiệp, tích góp của người lao động bị khai thác đến mức không thể tự tái tạo được thì đó là sự bóc lột. Và nếu hiểu như vậy thì những người nhân danh cộng sản ở Việt Nam dường như đang ra sức bóc lột giới cần lao là đồng bào của mình.

ngansach1

Suốt gần 2 năm đối mặt với dịch bệnh, thu nhập giảm thì hàng triệu người làm công ăn lương lại không được hỗ trợ giãn, giảm thuế dù đã có rất nhiều đề xuất, kiến nghị được đặt ra.

Bởi phải giải thích thế nào đây khi mới cách đây 2 tháng, nỗi lo số thu ngân sách không đạt đè nặng lên tất cả các cấp, các ngành. Ấy thế mà thông tin mới nhất từ Bộ Tài chính cho biết, tổng số thu ngân sách trong 11 tháng qua ước đạt 103,4% dự toán, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2020. Cả 3 khoản thu từ nội địa, dầu thô và từ hoạt động xuất nhập khẩu đều tăng mạnh.

Đọc con số này vừa vui mà vừa băn khoăn

Thu ngân sách nhà nước trong 11 tháng đạt gần 1,390 triệu tỷ, bằng hơn 103% dự toán, tăng 8,9% so với cùng kỳ. Những con số ngoạn mục này đè bẹp mọi lo ngại về hụt thu khi 1/3 đất nước bị phong tỏa trong quý 3, làm doanh nghiệp tê liệt, kinh tế rơi chiều thẳng đứng.

Thế nhưng thật khó hiểu khi theo Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh thì ở Sài Gòn trong giai đoạn 4 tháng phong tỏa, chỉ có khoảng 2.000 doanh nghiệp hoạt động chiếm 0,7% tổng số doanh nghiệp của thành phố, có nghĩa là 99% doanh nghiệp không hoạt động và 99% người lao động bị giảm hoặc mất thu nhập trong hơn 3 tháng. Số doanh nghiệp giải thể phá sản lên đến 106.441 (tăng 14% so cùng kỳ), cao hơn số doanh nghiệp thành lập mới 105.618 (giảm 15% so cùng kỳ).

Doanh nghiệp phá sản tăng kỷ lục, và không hoạt động thì lấy đâu ra mà nộp thuế nhỉ ?

Ấy vậy mà số thu ngân sách trên còn chưa bao gồm 119.000 tỷ đồng tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn, giảm, giãn, hoãn.

Thu ngân sách vượt dự toán thì tất nhiên là vui quá rồi. Dịch vẫn đang diễn biến phức tạp nên ngân sách chi cho công tác phòng chống dịch, chi an sinh xã hội, chi đầu tư phát triển… đều cần và đều tăng.

Chẳng nói đâu xa, mới tháng rồi trước tình trạng xăng dầu tăng quá mạnh, nhiều ý kiến đề xuất giảm thuế, phí mặt hàng này để kiểm soát mặt bằng giá tiêu dùng trong bối cảnh cuộc sống đại bộ phận người dân khó khăn vì dịch bệnh. Thế nhưng, các cơ quan có thẩm quyền cũng không thể quyết do sợ ảnh hưởng tới số thu ngân sách. Hay các chính sách giãn, giảm, gia hạn thuế cho doanh nghiệp cũng phải nâng lên đặt xuống từ tỷ lệ cho tới thời gian hỗ trợ… cũng chỉ vì sợ ngân sách hụt thu. Vậy mà giờ tổng thu ngân sách vượt dự toán, mừng quá đi chứ.

Nhưng mừng chưa hết thì lại thấy băn khoăn

Chỉ mới cách đây vài hôm, chiều 1/12 tại Hội nghị lần thứ 10 mở rộng của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh khóa XI, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên chia sẻ, lần đầu tiên trong lịch sử từ giai đoạn đổi mới, Thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng âm 6,78%, trong khi kế hoạch năm đề ra là tăng trưởng dương 6%.

Làm sao kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh không tăng trưởng âm cho được khi trong những tháng giãn cách chỉ có khoảng 2.000 doanh nghiệp, tương đương 0,7% tổng số doanh nghiệp toàn thành phố hoạt động. Nghĩa là khoảng 99% đơn vị ngừng hoạt động, kéo theo người lao động bị giảm hoặc mất thu nhập trong hơn 3 tháng. Mà không chỉ Thành phố Hồ Chí Minh, cả Vùng kinh tế trọng điểm phía nam cũng rơi vào tình trạng này…

Vậy mà thu thuế ở cả 3 khu vực cơ bản là doanh nghiệp nhà nước, tư nhân và nước ngoài đều tăng thì hỏi sao không băn khoăn. Liệu các chính sách thuế đã thu đúng, thu đủ, phù hợp hay chưa ? Chính sách thuế có "dưỡng" hay đã tận thu ? – Phải chăng đó là kiểu bóc lột của những người cộng sản Hà Nội ?

Bởi có những số thu tăng, nhưng đằng sau nó là sự thiệt thòi của rất nhiều người.

Đơn cử như thuế thu nhập cá nhân. Theo số liệu từ Bộ Tài chính, số thu từ nguồn này chỉ cần 11 tháng đã cán đích cả năm 2021. Thế nhưng, suốt gần 2 năm đối mặt với dịch bệnh, thu nhập giảm thì hàng vạn, hàng triệu người làm công ăn lương lại không được hỗ trợ giãn, giảm thuế dù đã có rất nhiều đề xuất, kiến nghị được đặt ra.

Tất cả đang nói lên điều gì ?

Tăng trưởng (lượng tăng) thấp nhưng thu ngân sách lại về đích trước 1 tháng.

Trong hầu hết các nền kinh tế, chính phủ là người "vui" nhất, còn những người giữ tiền là buồn nhất khi giá cả tăng nhanh. Khi giá cả tăng, không chỉ giá trị thực (real value) của các khoản nợ công sẽ giảm, mà các khoản thu ngân sách danh nghĩa (nominal value) như thuế, phí cũng sẽ tăng.

Nếu không có gì xảy ra bất thường với thu từ bán tài sản, việc thu ngân sách của Việt Nam về đích sớm chính là nhờ giá cả tăng cao. Giá cả trong nhiều lĩnh vực tăng mạnh giúp các doanh nghiệp có doanh thu/ lợi nhuận tăng vọt ngay cả khi tăng trưởng (sản lượng) thấp, số thu thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp,… cũng theo đó mà tăng ; Tiền công tiền lương của người lao động trong các lĩnh vực đó tăng cũng giúp làm tăng số thu thuế thu nhập cá nhân.

Đặc biệt, giá và giao dịch tài sản như bất động sản, chứng khoán tăng mạnh cũng giúp các loại thuế/ phí đánh vào chuyển nhượng tài sản tăng mạnh…

Thới Bình

Nguồn : VNTB, 05/12/2021

*****************************

Nghịch lý GDP thấp, thu ngân sách vọt cao

Phạm Thế Anh, Tuổi Trẻ online, 04/12/2021

Bộ Tài chính cho biết thu ngân sách 11 tháng năm nay ước đạt gần 1.400 ngàn tỉ đồng, vượt dự toán năm, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2020.

ngansach2

GDP thấp, thu ngân sách vọt cao ?

Con số thu ngân sách vượt dự toán cả năm trong 11 tháng  hoàn toàn trái ngược với tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Tăng trưởng GDP quý 3 âm 6,17%, mức thấp nhất trong lịch sử ngành thống kê. Và nếu tính chung 9 tháng năm nay thì tăng trưởng GDP cũng chỉ đạt 1,47%, thấp nhất trong cùng kỳ nhiều năm qua.

Nghịch lý tăng trưởng thấp nhưng thu ngân sách lại về đích trước một tháng đến từ biến động giá cả hàng hóa tăng cao thời gian qua. Bối cảnh giá cả tăng kéo theo thu ngân sách tăng cao của hầu hết nền kinh tế làm Chính phủ "vui", nhưng những người giữ tiền sẽ rất buồn khi giá cả tăng nhanh.

Khi giá cả tăng, không chỉ giá trị thực (real value) của các khoản nợ công sẽ giảm, mà các khoản thu ngân sách danh nghĩa (nominal value) như thuế, phí cũng sẽ tăng. Nếu không có gì xảy ra bất thường với thu từ bán tài sản, việc thu ngân sách về đích sớm một tháng là nhờ việc giá cả tăng cao.

Giá cả nhiều lĩnh vực tăng mạnh giúp các doanh nghiệp có doanh thu/lợi nhuận tăng vọt ngay cả khi sản lượng làm ra tăng thấp, số thu thuế VAT, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp... cũng theo đó mà tăng. Đặc biệt giá và giao dịch tài sản như bất động sản, chứng khoán tăng mạnh cũng giúp các loại thuế/phí đánh vào chuyển nhượng tài sản tăng mạnh.

Vấn đề của nền kinh tế hiện nay là làm sao kiềm được giá cả nhưng vẫn thúc đẩy được tăng trưởng kinh tế.

Giá cả phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới nên có những thứ khó kiểm soát, chẳng hạn như giá xăng dầu và nhiều nguyên vật liệu đầu vào phải theo thị trường thế giới. Các biện pháp kiểm soát chủ động từ Chính phủ chỉ bớt được phần nào.

Chẳng hạn Chính phủ có thể giảm bớt các loại thuế, phí đối với mặt hàng xăng dầu. Khi ngân sách đang thặng dư thì Chính phủ có thể bù một phần thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu. Bởi trong tất cả các mặt hàng nguyên vật liệu đầu vào thì xăng dầu ảnh hưởng lớn nhất tới chi phí sản xuất đầu vào của doanh nghiệp. Hơn nữa giá xăng dầu trong nước hiện nay rất cao nên cần giảm bớt thuế, phí để giảm giá bán.

Để giảm chi phí đầu vào cũng cần cân nhắc giảm giá điện, có thể triển khai và kéo dài chính sách hỗ trợ giá điện cho doanh nghiệp, người dân. Với các mặt hàng nguyên vật liệu đầu vào cũng có thể giảm thuế nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất. Tất nhiên biện pháp này sẽ khiến hàng ngoại cạnh tranh hơn hàng nội nên cần cân đối ở mức hợp lý.

Ngoài ra, Chính phủ cần kiểm soát cung tiền chặt chẽ, không thể tiếp tục tăng cung tiền mười mấy phần trăm một năm như thời gian qua nữa.

Lạm phát phần lớn đến từ chi phí, đẩy giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh khiến chi phí sản xuất tăng cao. Nếu lúc này bơm quá nhiều tiền vào nền kinh tế, cộng thêm cầu kéo nữa thì lạm phát sẽ tăng rất nhanh.

Việc kiểm soát cung tiền sẽ không mâu thuẫn với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng của Chính phủ. Tiền chỉ là phương tiện thanh toán trong khi tăng trưởng của nền kinh tế còn đến từ nhiều thứ khác. Chẳng hạn Chính phủ có thể đưa ra giải pháp để kích thích đầu tư của tư nhân, tăng đầu tư công hoặc huy động vốn trong dân để thúc tăng trưởng kinh tế bền vững.

Phạm Thế Anh (Đại học Kinh tế quốc dân)

Bảo Ngọc ghi

Nguồn : Tuổi Trẻ online, 05/12/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thới Bình, Phạm Thế Anh, Bảo Ngọc
Read 677 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)