Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/12/2021

Thị trường chứng khoán ‘đỏ sàn’...

Võ Hàn Lam

 Thị trường chứng khoán ‘đỏ sàn’ vì Omicron và quy định mới về mua bán trái phiếu

Kết thúc phiên giao dịch ngày 3/12, VN-Index giảm 38,72 điểm (-2,61%) xuống 1.443,32 điểm. HNX-Index giảm 8,96 điểm (1,96%) lên 449,27 điểm. UPCoM-Index giảm 2,44 điểm (-2,13%) xuống 112,11 điểm.

chungkhoan1

Ồ ạt bán tháo, VN-Index giảm mạnh nhất 5 tháng qua.

Thanh khoản thị trường ở mức cao và tăng mạnh so với phiên trước đó. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 37.312 tỷ đồng, tăng 37% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh tăng 39% lên 30.627 tỷ đồng. Khối ngoại vẫn bán ròng khoảng hơn 400 tỷ đồng ở sàn HoSE.

"Đỏ sàn" vì ngại biến chủng Omicron có thể nhấn chìm kinh tế Việt Nam ?

Thị trường chứng khoán ảm đạm từ khi mở đầu phiên ngày 3/12. Hàng loạt các mã chứng khoán giảm giá khiến cho thị trường toàn sắc đỏ. Trong đó, NVL giảm 3%, GVR giảm 2,3%, PLX giảm 2,7%, BCM giảm 2,3%… Bước sang phiên chiều, áp lực bán xuất hiện khiến hàng loạt cổ phiếu lớn lao dốc trong đó, nhiều mã bị kéo xuống mức giá sàn hoặc lộ giá sàn. Không ít nhà đầu tư đã tháo chạy bởi lo ngại các ca Omicron đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á.

Một số mã lớn giảm mạnh như BCM giảm sàn xuống 49.300 đồng/cp, GVR giảm 5,6% xuống 36.500 đồng/cp, BID giảm 5% xuống 42.000 đồng/cp. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ như ASM, GEX, TCH… đều bị kéo xuống mức giá sàn.

Quan sát chi tiết hơn sẽ thấy phải tới sau 14 giờ của phiên chiều 3/12 thì thị trường mới bắt đầu xấu đi rõ hơn. VN30-Index lúc này cũng giảm chưa tới 0,6% so với tham chiếu. Thế nhưng chỉ khoảng chục phút, đà bán tháo đột ngột tăng cực mạnh.

Áp lực giảm đến từ một loạt cổ phiếu trụ, trong đó ngân hàng dẫn đầu. VCB trong 15 phút đã có nhịp giảm tới 1,9%, dù so với tham chiếu chỉ mất khoảng 0,9%. Cổ phiếu này bổ nhào từ vùng giá xanh với khối lượng giao dịch còn chưa tới 160 ngàn cổ. GAS cũng có nhịp lao dốc cực kỳ ấn tượng, giảm 1,82% trong chưa đầy 20 phút. MSN, VNM, CTG, TCB, BID, VHM cũng đều lao dốc khá mạnh.

Việc các blue-chips lớn giảm cũng không phải quá đột ngột. Nhịp kéo xanh đều có thanh khoản kém cho thấy cầu rất yếu. Khi áp lực bán gia tăng thì sức cầu quá mỏng để có thể neo giữ biên độ hẹp. Chiều tăng dễ dàng bao nhiêu thì chiều giảm cũng vậy, đều do dòng tiền mỏng.

Rổ Vn30 chiều 3/12 chỉ còn duy nhất PDR tăng nhẹ 0,11% và VJC tham chiếu, còn lại là giảm. Chỉ số đại diện rổ giảm 2,39%, mức giảm mạnh nhất trong vòng 3 tháng. Tới 26 cổ phiếu trong rổ này giảm trên 1%, trong đó 18 mã giảm trên 2%. Nhóm giảm trên 4% là SSI giảm 6,48%, GVR giảm 5,56%, VRE giảm 5,23%, BID giảm 4,98%, BVH giảm 4,62%, STB giảm 4,44%, POW giảm 4,24%, PLX giảm 4%.

Độ rộng sàn HoSE cuối phiên chỉ còn 61 mã tăng/415 mã giảm. Smallcap giảm 2,41%, Midcap giảm 3,51% và VN-Index giảm 2,61%. Trong số các mã ngược dòng, 11 mã kịch trần thì chỉ còn lại DHG, CIG, ROS, APG, KPF là thanh khoản chấp nhận được.

Số giảm sàn ở HoSE là 25 mã, tập trung vào nhóm vừa và nhỏ và đại đa số là mất thanh khoản giá sàn. TNI, VIX, GEX, TCH, PTL… khớp hàng chục triệu cổ, chưa kể rất nhiều mã khác giao dịch hàng triệu cổ phiếu và mất thanh khoản.

"Đỏ sàn" sẽ còn tái diễn vì đó là cuộc "đánh tháo" cổ phiếu bất động sản ?

Giới kinh doanh cho rằng việc ‘đỏ sàn’ còn có nguyên do từ Thông tư số 16/2021/TT-NHNN, theo đó Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có động thái siết việc huy động vốn thông qua trái phiếu của các doanh nghiệp trong nước. Trong 9 tháng đầu năm, các doanh nghiệp bất động sản chiếm gần 46% tổng lượng trái phiếu phát hành, tương ứng 201.900 tỷ đồng.

Thông tư số 16/2021/TT-NHNN sẽ có hiệu lực từ 15/1/2022. Trong đó có quy định, tổ chức tín dụng sẽ không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong các trường hợp : phát hành trái phiếu để cơ cấu lại khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành ; góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác tăng quy mô vốn hoạt động.

Thông tư này được cho là sẽ có tác động đặc biệt đến các doanh nghiệp bất động sản.

Theo Công ty cổ phần chứng khoán SSI, trong nhóm trái phiếu doanh nghiệp, tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án đầu tư, tài sản sẽ hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu/cổ phần của chính doanh nghiệp phát hành. Trái phiếu bất động sản được đảm bảo một phần bằng cổ phiếu chiếm 67%. Tỷ trọng các doanh nghiệp phát hành không có tài sản đảm bảo cũng tương đối cao, chiếm 15,8%.

Đây sẽ là rủi ro lớn cho các nhà đầu tư trong trường hợp dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản không được đảm bảo nếu hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn và sẽ không trả được nợ gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.

Sự suy giảm của nhóm cổ phiếu bất động sản gần đây được cho là liên quan tới Thông tư 16 nói trên.

Cũng theo SSI, các doanh nghiệp phát hành nhiều nhất trong thời gian gần đây là Vingroup, Novaland. Lãi suất bình quân các trái phiếu bất động sản trong quý III/2021 khoảng 10,3%, kỳ hạn bình quân là 4,1 năm.

Trong một diễn biến được cho là liên quan, Công ty cổ phần Vinhomes (VHM) thuộc Tập đoàn Vingroup đã phát hành xong 6.530 tỷ đồng trái phiếu trong năm nay theo kế hoạch đặt ra hồi đầu tháng 8. Trong đó, 4.370 tỷ đồng được phát hành theo hình thức chào bán ra công chúng và 2.160 tỷ đồng được phát hành theo hình thức chào bán riêng lẻ.

Trong thương vụ gần nhất, Vinhomes phát hành lượng trái phiếu trị giá 2.090 tỷ đồng hôm 25/11 cho 8 nhà đầu tư trong nước. Vinhomes cũng vừa đáo hạn lô trái phiếu trị giá 6.720 tỷ đồng kỳ hạn 18 tháng, phát hành vào ngày 30/5/2019. Gần đây, doanh nghiệp bất động sản của tỷ phú Vượng cũng bán hàng chục triệu cổ phiếu để thu về khoản tiền vài ngàn tỷ đồng.

Võ Hàn Lam

Nguồn : VNTB, 04/12/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Võ Hàn Lam
Read 373 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)