Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/12/2021

Covid-19 : Nguyên nhân khiến nhân viên các trạm y tế cơ sở nghỉ việc hàng loạt ?

Thanh Trúc

Báo chí và dư luận xã hội đã nói rất nhiều về sự lao tâm, lao lực của giới y bác sĩ cũng như giới y tá hay điều dưỡng từ lúc dịch Covid 19 bùng phát kể từ cuối năm 2019. Riêng tại Việt Nam dịch được chính thức công bố từ tháng ba 2020 và kéo dài đến hiện nay.

nghiviec1

Các y tá đeo khẩu trang đi qua một hòm điện nơi có bức vẽ về dịch bệnh do vi-rút corona gây ra trên đường phố Hà Nội hôm 8/7/2021 - AFP

Kết quả nghiên cứu do nhóm khoa học gia Việt Nam phối hợp cùng các nhà khoa học quốc tế thực hiện, được tạp chí Frontiers công bố mới đây, cho thấy căng thẳng tâm lý, nỗi lo lắng và sự hỗ trợ sức khỏe tâm thần nơi các nhân viên y tế tại Việt Nam trong đại dịch Covid-19 là những điều đã xảy ra...

Vẫn theo tạp chí Frontiers thì đây có lẽ là cuộc điều tra đầu tiên về sức khỏe tâm thần của nhân viên y tế từ sau đợt bùng dịch Covid-19 năm ngoái tại Việt Nam.

Qua nghiên cứu thực hiện trên 58,2% là nhân viên y tế nữ, gồm những người công tác tại tuyến đầu vả không phải tuyến đầu, tình trạng căng thẳng tâm lý trong dịch Covid-19 luôn ở mức cao.

Trong số 761 người được khảo sát, 34,3% có triệu chứng căng thẳng tâm lý. Hầu hết nhân viên y tế lo sợ bị phơi nhiễm Covid-19 rồi mang bệnh về nhà.

Nói một cách khác, nhân viên y tế ở tuyến đầu có nguy cơ bị căng thẳng tâm lý tăng gấp đôi so với người không ở tuyến đầu. Cường độ, công suất, tính chất công việc chưa từng thấy trước dịch, mà nhân viên y tế tuyến đầu phải cáng đáng, là nguyên nhân dẫn đến sự căng thẳng tâm ý cấp tính đó.

Phải chăng đây là hệ quả việc 1.000 nhân viên y tế xin nghỉ việc trong thời gian qua. Tại cuộc họp ngày 29/11 vừa qua, Chánh văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, cho hay năm 2020 đã có 597 nhân viên y tế xin nghỉ việc.

Bước qua 10 tháng đầu 2021, vẫn lời bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, thêm 968 nhân viên y tế nữa xin thôi việc.

nghiviec2

Bức vẽ trên đường phố Hà Nội về những người trên tuyến đầu chống dịch Covid-19. AFP

Báo cáo về sự căng thẳng tâm lý cao độ và thường trực nơi các nhân viên y tế không có gì mới vì đã được nghe từ giữa 2020, là lời một y sĩ tại Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, không muốn nêu tên, cho RFA biết.

Theo ông, điều cần quan tâm là con số nhân viên y tế xin nghỉ việc từ năm ngoái đến nay.

Quan trọng hơn nữa và cần hiểu chính xác hơn, ông nói tiếp, phần lớn người nghỉ việc là cán bộ hay nhân viên y tế cơ sở cấp phường, xã :

"Phải nói rõ số người nghĩ việc đấy là ở bộ phận nào. Tôi nghĩ các bác sĩ làm trong bệnh viện thì ít người nghỉ việc lắm, có nghỉ chăng nữa là họ chuyển từ khu vực Nhà nước sang khu vực tư nhân tức là lương cao hơn"

"Phần lớn nghỉ việc là y tế cơ sở, những nơi mà một là công việc vất vả trực tiếp, hai là thu nhập kém, và ba là họ hay đi những nơi có ổ dịch, họ phơi nhiễm với nguồn bệnh rất nhiều. Nhiều khi là có những người chưa được tiêm phòng vắc-xin chẳng hạn, thì họ lại mang bệnh về lây cho gia đình. Thế thì ngoài chuyện tiền nong ra thì những người thuộc y tế cơ sở họ vất vả lắm mà chưa chắc được bảo vệ đúng như qui định của ngành Y, đấy là cái áp lực".

Trên điện thư ngày 7/12, chị H, cán bộ y tế cấp xã tại một trạm y tế chuyên tiếp nhận bênh nhân Covid-19 trước khi chuyển lên tuyến trên, cho rằng những gì vị bác sĩ Sở Y tế nói đều là đúng cả :

"Dịch giã càng ngày càng gắt, bọn mình thường xuyên phải túc trực có khi không được về nhà, về thì sợ lây bênh cho chồng con. Có lúc căng thẳng quá, tiền bạc lại eo hẹp, tới mức mình đã tính nghỉ việc nhưng mà ra ngoài lúc này thì không biết xoay sở làm sao. Mình cứ thấp thỏm sống và làm việc vậy thôi".

Cũng qua điện thư, người thứ hai, chị M, nhân viên một tuyến y tế cơ sở quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh :

"Nói là nhân viên y tế cho oai chứ chúng tôi là những người sai đâu đánh đó, không được bồi dưỡng kiến thức gì đâu. Thời gian đầu chống dịch thật kinh khủng, lo lắng và sợ hãi kinh khủng. Đã có hai người trong trạm y tế ban đầu này nghỉ việc từ hồi cuối 2020. Tôi cũng muốn nghỉ luôn đây, nhưng mà khó khăn và khó nói lắm bạn ơi".

Nói gần nói xa thì căng thẳng hoặc tâm lý bất an đều xuất phát từ lợi nhuận, không chỉ trong dịch bệnh mà là tâm trạng chung của rất nhiều nhân viên y tế cấp phường xã, là thổ lộ của bà Hoa, từng là y sĩ trưởng phòng y tế cơ sở quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh.

Cứ thử so sánh đồng lương căn bản của nhân viên y tế cơ sở với mức lương của y tá hay điều dưỡng các bệnh viện lớn thì sẽ thấy sự chênh lệch như thế nào, bà Hoa nói tiếp :

"Bệnh viện lớn có nguồn thu từ bệnh nhân nhập viện này nọ, tức là có tiền thưởng thêm cho cán bộ công nhân viên làm ở bệnh viện. Ngoài ra, khi mà bác sĩ hoặc điều dưỡng làm ở bệnh viện đó thì họ có nguồn bệnh nhân có sẵn. Thí dụ bệnh nhân xuất viện thì họ hỏi bác sĩ có mở phòng mạch tư không thì tôi đi khám, điều dưỡng cũng đi theo bác sĩ làm phòng mạch tư được. Cho nên họ có một hoặc hai nguồn thu nhập thêm ngoài lương căn bản, chưa kể nếu điều trị tốt còn được bệnh nhân bổi dưỡng cho nữa"

"Trong khi đó trạm y tế xã, phường, người ta làm công việc đúng như Nhà nước qui định, thí dụ chích ngừa cho trẻ em, cho trẻ uống Vitamin A, hay khám một chút thôi… thì thật ra họ đâu có nguồn thu nhập nào thêm ngoài lương cơ bản".

Đây là những người có chứng chỉ hành nghề, thì mới được tuyển dụng vào các trạm y tế cơ sở, bà Hoa khẳng định :

"Tức là khi học xong họ phải đi thực tập 18 tháng ở một cơ sở nào đó. Sau 18 tháng họ sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề. Khi ra trường ai cũng có khuynh hướng muốn vào các bệnh viện lớn. Có cái là thứ nhất phải thật giỏi hoặc phải có tiền để chạy vào các chỗ lớn đó"

"Ở các trạm y tế phường, xã thì cũng có bác sĩ giỏi mà nói chung không nhiều. Ít có người vì lý tưởng mà sống với một đồng lương thấp"

Thế nhưng nếu không có nhân viên y tế cơ sở, bà Hoa nhấn mạnh, thì những tuyến trên tức những bệnh viện, sẽ bị ứ tải bệnh nhân rất nhiều :

"Trong khi những bệnh thông thường thì người ta có thể đến trạm y tế. Thậm chí một người giỏi ở trạm y tế phường cũng có thể phát hiện và điều trị, hoặc là hướng dẫn bệnh nhân đến bệnh viện nào, khoa nào là hợp lý. Đó là chuyện hết sức lợi ích và đỡ mất thời gian khi mà hiện tại nhiều bệnh viện đã quá tải".

Về vấn đề báo chí nêu ra, rằng làm sao giữ người khi mà cả 1.000 nhân viên y tế đã xin nghỉ việc, bác sĩ dấu tên ở Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nói :

"Tôi nghĩ hai phía đều phải có trách nhiệm. Phía Nhà nước phải tạo cho người ta cơ hội, thí dụ bác sĩ hay điều dưỡng ở khu vực y tế cơ sở nên được luân chuyển lên tuyến trên làm một thời gian rồi lại quay về. Hai là bản thân anh y tế cơ sở cũng phải muốn đi học đi thi, cũng vất vả nhưng khi có nhu cầu thì hai bên phải phối hợp với nhau thôi"

"Xét cho cùng người lao động có quyền lựa chọn, làm chỗ này lương thấp thì tìm chỗ khác lương cao, có quyền bỏ chỗ đấy đi làm chỗ khác. Cho nên giữa Nhà nước và cá nhân thì hai bên phải dung hòa với nhau, còn chuyển dịch lao động thì nơi nào cũng có. Thực sự làm giỏi học giòi thí họ vào bệnh viện lớn hết, chả mấy ai vào y tế cơ sở cả".

Bà Hoa góp ý :

"Trước giờ thật ra mình hô hào nhiều chứ không chăm sóc nhiều cho tuyến cơ sở. Thứ nhất về lương, chế độ đãi ngộ hoặc phương tiện cho người ta làm việc. Rồi kiến thức phải được upgrade, tức là tạo cơ hội cho họ đi học thêm. Bây giờ có nhiều tổ chức, nhiều hội nghị về Y Khoa thì có nhiều phải cho họ đi nghe để họ có thêm kiến thức mới".

Lẽ ra những điều như vậy phải được áp dụng từ lâu, y sĩ Hoa quả quyết, thế nhưng thực hiện ngay giờ này vẫn chưa muôn.

Vẫn theo lời y sĩ giàu kinh nghiệm trong lãnh vực y tế cơ sở, hay còn gọi là y tế ban đầu này, cải thiện lương bổng, nâng cấp khả năng chuyên môn cho nhân viên y tế cấp cơ sở, cho họ cảm giác được chăm sóc, được để ý là những cách hay nhất để giữ lại một đội ngũ nhân viên y tế cơ sở hầu cung cấp nhân sự và nhu cầu trong các trạm y tế ban đầu ở trong nước.

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 09/12/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Trúc
Read 369 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)