Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/12/2021

Giám thị trại giam bị bắt "vì dùng nhục hình" có đúng không ?

Cao Nguyên

Khuất tất trong vụ giám thị trại giam bị bắt "vì dùng nhục hình"

Cao Nguyên, RFA, 17/12/2021

Đại úy, giám thị trại giam Thủ Đức (Z30D - Bộ Công An) Nguyễn Doãn Tú vừa bị khởi tố, bắt giam hôm 13/12 với lý do mà cơ quan chức năng nói với báo chí Nhà Nước ‘vì ông này dùng nhục hình đối với phạm nhân’. Tuy nhiên trước đây người này được nói có tố cáo sai phạm của lãnh đạo trại giam.

nhuchinh1

Đại úy Nguyễn Doãn Tú và Trại giam Thủ Đức ở Bình Thuận - RFA edit

Bị trả thù vì tố cáo lãnh đạo trại giam ?

Báo chí nhà nước đưa tin cho biết cán bộ Nguyễn Doãn Tú bị tạm giam điều tra về hành vi "vi phạm khi dùng nhục hình đối với phạm nhân tại trại giam". Có phạm nhân gởi đơn tố cáo bị ông Tú đánh trong lúc đưa phạm nhân đi lao động.

Tuy nhiên, trong một video đăng tải trên mạng xã hội trước khi bị bắt, đại úy Nguyễn Doãn Tú nói rằng trại giam đã thông báo về vụ việc, nhưng ông khẳng định không sử dụng nhục hình với phạm nhân, và rằng việc ông bị điều tra chính là đòn trả thù mà đại tá Lê Bá Thụy, cũng là cán bộ trại giam Thủ Đức, người đã bị ông Tú tố cáo sai phạm hồi tháng 10/2020.

Theo nội dung video, ông Tú cho biết mình vào ngành Công an từ năm 2016, sau quá trình phấn đấu, đến nay đã lên cấp bậc đại úy, đảng viên :

"Trong thời gian công tác tôi đã cố gắng hết sức mình để không phụ lòng công ơn của Đảng và Nhà nước đối với tôi. Và trong quá trình phấn đấu đó đã thu được những thành tích nhất định, giấy khen, bằng khen, huân chương…".

Ông Tú nói hồi tháng 10/2020, ông và một nhóm đồng đội đã tố cáo đại tá Lê Bá Thụy vì có nhiều sai phạm trong công tác như ăn chặn chế độ, bóc lột sức lao động của cán bộ chiến sĩ và phạm nhận, tổ chức khai thác tài nguyên rừng, đất cát, sỏi đá trái phép. Đặc biệt, cho thuê đất an ninh quốc phòng với diện tích lên đến 1.000 ha thời hạn 20 năm và nhiều sai phạm khác nhằm thu lợi bất chính.

Sau đó, đã có nhiều đoàn thanh tra của Cục C10 (Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng) và Bộ Công an về làm việc, có ghi nhận nhiều sai phạm bằng việc lập biên bản, nhưng cho đến nay không cá nhân hay tổ chức nào bị xử lý. Trại tạm giam vẫn hoạt động bình thường theo lề lối cũ, vẫn tiếp diễn các sai phạm đó. Đến nay coi như sự việc đã chìm xuồng.

Theo ông Tú, đại tá Lê Bá Thụy "không quên thù xưa" nên đã sắp xếp cả một hệ thống đơn vị để vu khống và bỏ tù ông :

"Bằng cách nào đó cho các phạm nhân viết tường trình làm chứng là có thấy tôi sử dụng vũ lực với phạm nhân kia nên đồng chí đại tá Lê Bá Thụy đã đưa Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh và cục điều tra hình sự vào để khởi tố vụ án lạm dụng nhục hình trong thi hành công vụ đối với tôi".

Trại giam "ém thông tin" phạm nhân chết do bị ép lao động

Ngoài ra, ông Tú kể thêm rằng cán bộ trại giam đã buộc phạm nhân lao động trái quy định, làm chết phạm nhân nhưng đã cố tình bưng bít thông tin :

"Trước đây, trong tháng 10/2020 thì có phạm nhân đi đào đường ở đường cống thoát nước Trung tâm đã chết do đất lở đè lên, và có một phạm nhân bị thương nặng, đến nay vẫn đang nằm trong bệnh sá phân trại Ba. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh hay Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có biết điều này hay không, hay đã được đại tá Lê Bá Thụy bưng bít ?

Dịp gần đây nhất là vào ngày 5/9, xảy ra sự việc phạm nhân bị ép lao động ngày chủ nhật đến chết người. Cụ thể là sử dụng kích điện để chích cá trong dòng nước lớn, đó là phạm nhân Phạm Bá Nghệ, đã chết và bị ngâm trong nước lạnh đến 26 giờ sau mới tìm thấy xác.

Khi Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh vào làm việc thì lấp liếm rằng phạm nhân này đi hái rau và tự té xuống cống chết. Đó là một sự bao che không thể nào mất đạo đức hơn được nữa !".

Gởi thư kêu cứu cho Cao ủy Nhân quyền

Bà Hoa Nguyễn, một người vận động nhân quyền, từ Úc nói với RFA rằng ông Nguyễn Doãn Tú dự tính trước mình sẽ bị ép cho nghỉ việc, thậm chí là bị bắt nên đã liên hệ, nhờ bà gởi thông tin và một bức thư kêu cứu tới Cao ủy nhân quyền khu vực.

Trong thư, những người tố cáo sai phạm của lãnh đạo trại giam Thủ Đức mong muốn có được sự công bằng. Những sai phạm phải chấm dứt. Kẻ có tội phải bị xử. Người công chính không phải sợ hãi.

Lời cuối cùng của Tú trong lá thư gửi Liên Hiệp Quốc là "Vậy mới thấy một đất nước tự do dân chủ thiên đường xã hội chủ nghĩa thật sự có dân chủ không, khi mà người dân thấp cổ bé họng dám đứng ra tố cáo sai phạm của chính quyền hoặc các cấp lãnh đạo thì đều phải chịu những kết cục tương tự nhau và hết sức thảm khốc. Đất nước Việt Nam có tồn tại quyền dân chủ không ?".

Trong nhóm tố cáo sai phạm của lãnh đạo trại giam Thủ Đức, có cả đại úy Lê Chí Thành, người đã bị bắt hôm 14/4/2021 với cáo buộc tội danh "Chống người thi hành công vụ" trong một vụ "vi phạm luật giao thông". Sau đó, ông Thành bị truy tố thêm tội danh "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước".

Bà Hoa cho biết, trong các thông tin nhận được, có cả bằng chứng chứng minh rằng ông Lê Chí Thành đã không vi phạm luật giao thông. Vụ việc chỉ là cái cớ để bắt người.

Phóng viên RFA liên lạc qua thư diện tử với Trại giam Z30D để tìm hiểu thêm thông tin liên quan nhưng chưa nhận được trả lời.

Cao Nguyên

Nguồn : RFA, 17/12/2021

***********************

Quản giáo bị bắt vì ‘dùng nhục hình với phạm nhân’ là chuyện khó tin !

RFA, 14/12/2021

Nhục hình là chuyện cơm bữa

Hôm 13 tháng 12, đại úy Nguyễn Doãn Tú, cán bộ quản giáo tại một Phân trại sản xuất thuộc Trại giam Z30D bị bắt với lý do được nói ‘có hành vi dùng nhục hình đối với một phạm nhân đang thi hành án phạt tù khi đưa phạm nhân này đi lao động và bị người này tố cáo’. Báo Thanh Niên dẫn lời đại tá Lê Bá Thụy, giám thị Trại giam Z30D xác nhận có vụ việc trên và cho biết "cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao họ làm việc độc lập, nên tôi chỉ biết vậy thôi".

nhuchinh2

Ông Lê Chí Thành (áo kẻ) bị công an Thành phố Thủ Đức bắt giữ hôm 14/4/2021. Hình : Cảnh sát giao thông

Theo một số các cựu tù nhân, việc tra tấn phạm nhân trong tù xảy ra như cơm bữa. Nếu ai tố cáo thì sẽ bị trả thù, thậm chí bị đánh đập dã man.

Cựu tù nhân nhân quyền Nguyễn Đình Ngọc nói với RFA sáng 14 tháng 12 :

"Việc viên đại úy Nguyễn Doãn Tú bị bắt vì tội dùng nhục hình với phạm nhân thì thú thật là tôi không tin đâu. Tôi không tin vì có thể nói mỗi nhà tù là một lãnh địa riêng và kín như bưng. Không một tin tức nào có thể lọt ra ngoài cả. Báo chí nói ông Tú bị bắt vì phạm nhân tố cáo dùng nhục hình thì tôi tin rằng lá đơn tố cáo đó phải có sự sắp xếp chủ ý thì lá đơn đó mới ra được tới bên ngoài, lên tới Viện kiểm sát. Chứ bình thường thì tôi cam đoan không bao giờ có chuyện đơn tố cáo của phạm nhân bị dùng nhục hình mà lọt ra ngoài.

Chính tôi đây đã từng tố cáo ngay nhà tù Chí Hòa vào năm 2016. Đáp lại là sự trả thù bằng hai lần bị cùm, mỗi lần bảy ngày.

Chuyện dùng nhục hình với người tù, mà phải nói cho chính xác là tra tấn, xảy ra như cơm bữa. Không chỉ đánh riêng lẻ, công an họ còn đánh phạm nhân hội đồng nữa".

Theo cựu tù nhân Nguyễn Đình Ngọc, việc gắn camera bên ngoài chỉ là hình thức. Họ lôi người tù vào bên trong đánh bất kể giờ giấc. Họ thích đánh lúc nào là đánh không cần lý do. Chính mắt ông chứng kiến một nhóm công an cầm dùi cui thay phiên nhau đánh một tù nhân dưới 18 tuổi rất dã man ngay tầng trệt khu BC nhà tù Chí Hòa. Sự việc diễn ra khiến ông nhớ mãi vì nó xảy ra vào ngày 22 tháng 5 năm 2016 - ngày bầu cử Quốc hội.

Ông Nguyễn Đình Ngọc bị bắt vào ngày 27 tháng 12 năm 2014 và bị kết án 3 năm tù giam, ba năm quản chế với tội danh bị áp là "Tuyên truyền chống nhà nước" theo điều 88 Bộ luật hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Không chỉ những người tù hình sự hay tù chính trị nếm trải nhục hình khi bị giam giữ. Tháng 4 năm nay, cựu đại úy công an Lê Chí Thành bị bắt giam vì tố cáo cấp trên tham nhũng, lạm dụng sức lao động của tù nhân vào công việc riêng, hành xử tàn ác với các tù nhân lớn tuổi…

Đến tháng 10, Luật sư Đặng Đình Mạnh, người bào chữa cho ông Lê Chí Thành đã có cuộc gặp thân chủ trong trại giam và cho biết ông Thành tố cáo bản thân bị tra tấn và bị treo ngược suốt bảy ngày, mọi sinh hoạt ăn, ngủ, đi vệ sinh đều diễn ra tại chỗ.

Theo nhận định của cựu tù chính trị Nguyễn Văn Hải, tức blogger Điếu Cày, việc một cán bộ quản giáo trại giam bị bắt do có đơn tố cáo của phạm nhân là chuyện gần như không thể. Ông giải thích :

"Khi đã bước vào trại giam thì hiến pháp và luật pháp nằm ngoài cổng trại. Tôi từng ở chung với tù hình sự nên tôi biết, khi người giám thị không ưa ai thì chỉ cần hất hàm là người tù đó bị đưa đi biệt giam, bị đưa đi cùm. Lý do sẽ đưa ra sau. Không cần biết. Tức là nó đàn áp bất chấp pháp luật.

Có một số tù nhân lương tâm khi ra ngoài cũng lên tiếng tố cáo những đàn áp nhân quyền trong nhà tù, ví dụ như chuyện gây sức ép với tù nhân, đặc biệt là tù nhân chính trị, để bắt họ phải nhận tội.

Tù chính trị thì người ta không nhận tội nên họ có nhiều hình thức như biệt giam, ngăn chặn gia đình thăm nuôi, gây khó khăn và cô lập người tù".

Chuyện tù nhân bị đánh đập hay người đang khỏe mạnh khi bị bắt vào đồn công an rồi tử vong và cơ quan chức năng báo nạn nhân tự tử hay bị bệnh chết thường xảy ra tại Việt Nam khiến nhiều người nghi vấn.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Công an khi trả lời chất vấn trước Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào năm 2019 đã cho rằng, một trong các nguyên nhân dẫn đến tử vong trong các cơ sở giam giữ của Việt Nam có thể là do "phạm nhân day dứt, dằn vặt về hành vi phạm tội của mình dẫn đến bi quan mà tự tử", hoặc do phạm nhân mắc phải các căn bệnh hiểm nghèo từ trước khi nhập trại.

Bắt quản giáo vì tôn trọng luật pháp ?

Truyền thông trong nước đưa tin đại úy Nguyễn Doãn Tú bị bắt tạm giam do dùng nhục hình với phạm nhân khiến nhiều người cho rằng, việc thực thi pháp luật nghiêm minh, hoặc trại tù bắt đầu tôn trọng quyền con người. Điều này đã từng xảy ra vào năm 2019, khi ba cựu quản giáo trại giam Long Hòa ở Long An bị tuyên tổng cộng 17 năm tù do dùng nhục hình làm chết phạm nhân.

Với trường hợp đại úy Nguyễn Doãn Tú, cựu tù nhân Nguyễn Văn Hải nhận định :

"Câu hỏi được đặt ra là tại sao một người tù hình sự bị quản giáo lấy thân cây mì đánh mấy cái lại được Viện Kiểm sát vào ngay để làm chứng thương và làm những việc cần thiết đưa đến việc truy tố và bắt giữ người quản giáo này. Phải chăng ông Lê Bá Thụy đã ra Hà Nội thúc đẩy việc này, và trong nhóm ba người tố cáo gồm anh Lê Chí Thành, trung tá Hưng và anh Nguyễn Doãn Tú thì anh Thành đã bị bắt, bị tra tấn dã man, giờ tới anh Tú và sắp tới là anh Hưng. Người của họ là công an với nhau mà còn đối xử với nhau tàn bạo như vậy".

Cựu tù nhân Nguyễn Đình Ngọc lại có một nhận định khác :

"Nhiều năm qua, đặc biệt là những năm sau này, hình ảnh người công an nó rất bệ rạc, hung dữ. Họ không còn là người bảo vệ sự bình an cho người dân nữa mà họ là những tay đầu sa. Tôi nghĩ rằng trong tình hình hiện nay, nhất là khi hình ảnh ông Tô Lâm ăn bò dát vàng đầy trên mạng thì họ muốn gỡ gạc lại hình ảnh người công an nên họ bắt ông Nguyễn Doãn Tú. Nhưng tôi tin rằng sẽ vô ích, không giải quyết được gì hết vì người dân cũng ngao ngán đến tận cùng rồi".

Việc dùng nhục hình tra tấn những nghi phạm và tù nhân tại Việt Nam đã từng bị các tổ chức nhân quyền quốc tế lên án. Tại phiên điều trần với Ủy ban Chống Tra tấn của Liên Hiệp Quốc tại Geneva, Thụy Sĩ hôm 15 tháng 11 năm 2018, đại diện chính phủ Hà Nội đã bác bỏ các cáo buộc về những vụ nhục hình trong các trại tạm giam và đồn công an.

Nguồn : RFA, 14/12/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Cao Nguyên, RFA tiếng Việt
Read 411 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)