Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/02/2022

Ăn Tết năm nay không quên kẻ gây tội ác Tết Mậu Thân

Quang Nguyên - Tưởng Năng Tiến

Thảm sát ở Huế – Mậu Thân 1968 : vết đen không thể tẩy rửa

Quang Nguyên, VNTB, 02/02/2022

Tết năm nay đánh dấu đúng thời gian kỷ niệm hai cuộc ngừng bắn thảm khốc nhất trong chiến tranh Việt Nam. Cuộc hưu chiến Tết Mậu Thân 1968 và cuộc ngừng bắn 1973. Cả hai đều rơi vào dịp tết âm lịch, đều bị phía Việt Cộng vi phạm và gây hậu quả vô cùng khốc liệt, đáng ghi lại trong lịch sử hiện đại đen tối của dân Việt Nam.

hue1

Tết Mậu Thân 1968, những người cộng sản đã vờ đề nghị hưu chiến, rồi đánh phá nhiều thành phố tại miền Nam, và thảm sát dân Huế.

Bài này nói về cuộc ngưng bắn tết Mậu Thân 1968, những người cộng sản đã lừa dối đề nghị hưu chiến, rồi đánh phá nhiều thành phố tại miền Nam, và thảm sát dân Huế.

Ngày 19/10/1967, Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tuyên bố vào dịp Tết Mậu Thân, miền Bắc Việt Nam tự nguyện ngưng bắn từ 27/01 đến 03/02/1968 (tức 28 tháng Chạp đến 05 tháng Giêng Mậu Thân, 8 ngày). Ngày 17/11/1967, Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam, cánh tay nối dài của đảng cộng sản Bắc Việt Nam cũng đưa ra tuyên bố tương tự.

Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đến ngày 16/12/1967 tuyên bố cũng tự nguyện ngừng bắn từ 30/01 đến 01/02/1968 (3 ngày, mồng 1 đến mồng 3 Tết Mậu Thân). Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ra lệnh bỏ cấm trại, quân nhân được nghỉ phép ăn Tết, lệnh giới nghiêm toàn miền Nam được chính phủ bãi bỏ để người dân hưởng trọn vẹn hương vị tết dân tộc trong những ngày hưu chiến.

Đêm 29 rạng ngày 30/01/1968, theo mật lệnh của Hồ Chí Minh qua bài thơ chúc tết, đúng giờ giao thừa, cộng quân từ Quảng Nam đến Khánh Hòa đồng loạt nổ súng, mở đầu cuộc "Tổng công kích–Tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân 1968". Cũng đêm mồng Một Tết (30/1/1968), lợi dụng lệnh bỏ giới nghiêm tại thủ đô Sài Gòn, và sự lơ là cảnh giác vì hưu chiến của cảnh sát Việt Nam Cộng Hòa, các đội biệt động cộng sản đã dùng xe du lịch đột nhập khu vực nội thành. 2 giờ sáng 31/1/1968, họ đồng loạt đánh vào Sứ quán Mỹ, dinh Độc Lập, Đài Phát thanh, Bộ Tổng tham mưu và Bộ Tư lệnh Hải quân.

Chỉ trong vòng 2 ngày, cộng quân đã tiến đánh vào các khu dầy đặc dân cư 41 thành phố, thị xã, 72 quận lỵ, kể cả thủ đô Sài Gòn và cố đô Huế. Cả miền Nam, từ chính quyền đến dân chúng đều choáng váng trước kiểu "tự nguyện ngừng bắn" của Việt Cộng. Tuy chậm chạp vì bị đánh bất ngờ, nhưng các đơn vị cảnh sát, quận đội Việt Nam Cộng Hòa đã kịp trở về đơn vị cùng với quân đội Hoa Kỳ và đồng minh phản công mãnh liệt, đánh bật cộng quân ra khỏi các khu dân cư. Đến 10/2/1968, tất cả các đơn vị cộng sản chạy trốn khỏi Sài Gòn, nhiều nhóm tàn quân thất lạc đơn vị cố gây ra các vụ đốt nhà để chạy trốn nhưng đều bị tiêu diệt, đặc biệt tại các vùng Phú Lâm, Phú Thọ, Minh Phụng, Minh Mạng, Vườn Lài. Nhiều nơi đến nay trong lúc đào xới đất xây dựng người ta vẫn còn phát hiện các hố chôn tập thể hàng chục lính cộng sản còn mang cả phiên hiệu đơn vị từ miền Bắc và giấy tờ cá nhân trong mình.

Ông Vũ Chí Thành, nhân chứng hiếm hoi còn sống sót của Tiểu đoàn 16 Bộ đội Bắc Việt, đơn vị đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất chia sẻ : Đây là đơn vị đánh vào phía tây sân bay, sau trận đánh từ quân số 550 còn lại chưa tới 100, đến nay trong số hy sinh còn hơn 300 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt. Vào thời điểm đó, ngoài lực lượng trợ chiến, trinh sát, biệt động thành, bộ đội địa phương, Tiểu đoàn 16 thì còn có 2 tiểu đoàn khác là 267, 269 tổng số quân tham gia đánh trên dưới 1.500 người, hầu hết đều đã hi sinh (1).

Theo báo Dân sinh, cơ quan của Bộ Lao động, thương binh và xã hội thì "Một số nhân chứng khác cũng phát biểu tương tự và nghi vấn khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và lân cận còn không chỉ một ngôi mộ tập thể vì chỉ riêng trận tập kích vào Trại Hoàng Hoa Thám và Trại Phù Đổng đã có 97 bộ đội của ta hy sinh, số thi thể này phía địch đưa đi đâu chôn thì không rõ". Thông tin này cũng đã từng được cựu binh Bob Laymon xác nhận cung cấp thông tin khi khai quật hố chôn tập thể tại sân bay Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai (2).

Báo Nhân Dân dẫn nguồn sử liệu chính thức của Việt Nam là Lịch sử Ðảng cộng sản Việt Nam – tập 2 – 1954/1975, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995 – viết về số thương vong trong cuộc Tổng Công Kích Mậu Thân, [Cả năm 1968] "111.306 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và chính trị ở miền Nam đã hy sinh và bị thương, hàng vạn quần chúng cách mạng đã ngã xuống" (3).

Người viết bài này, Quang Nguyên, chứng kiến ngay sau trận Tổng Công Kích Mậu Thân 1968, tại 4 tỉnh Gò Công, Kiến Hòa, Mỹ Tho và Cà Mau các đơn vị cộng quân địa phương hầu như hoàn toàn tan rã. Tại Cà Mau khoảng 500 xác của chiến binh cộng sản được tập trung tại hội trường tỉnh cho thân nhân đến nhận diện ; chỉ một số lính du kích được thân nhân đến nhận đem về chôn, xác lính Bắc Việt phải nhờ công binh đem vào rừng chôn tập thể.

Chế Lan Viên, nhà thơ cộng sản, trong bài thơ "Ai ? Tôi !", sau 1975 "khi nước nhà đã hoàn toàn giải phóng", dày vò, đau đớn nghĩ về những hy sinh của những người lính Bắc Việt trong cuộc chiến mù quáng, quay quắt về cuộc tổng tiến công Mâu Thân mà các lãnh đạo miền Bắc khoe khoang là chiến thắng vang dội : 

Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng

Chỉ một đêm, còn sống có 30

Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2.000 người đó ?

Tôi ! Tôi – người viết những câu thơ cổ võ

Ca tụng người không tiếc mạng mình

trong mọi cuộc xung phong

Nhưng sự dối trá lừa lọc, tàn ác, dã man của các nhà lãnh đạo Hà Nội khi làm ra cái chết của hàng trăm ngàn lính của họ trong dịp tết Mậu Thân không kinh khủng dã man bằng trong 25 ngày chiếm được Huế ; họ đã thủ tiêu từ 3.000 đến 6.000 người dân. 

Phóng viên James H. Willbanks viết trên trang Historynet.com (4) được lược dịch một phần dưới đây :

Các sĩ quan tình báo Việt Cộng đã chuẩn bị một danh sách ‘bạo chúa tàn ác và các phần tử phản động’ để vây bắt tại Huế trong những giờ đầu của cuộc tấn công… Trong danh sách này có hầu hết các quan chức chính phủ miền Nam Việt Nam, sĩ quan quân đội và chính trị gia, cũng như thường dân Mỹ và những người nước ngoài khác. Sau khi bắt được những người này bị dẫn đến khu rừng rậm bên ngoài thành phố, nơi họ sẽ bị giam giữ…

Trận chiến kinh hoàng ở Huế [sau 25 ngày] đã để lại phần lớn thành phố cổ thành đống đổ nát. 40% các nhà bị phá hủy, 116.000 dân thường mất nhà cửa. Trong số dân, có 5.800 dân thường thiệt mạng hoặc mất tích.

Số phận của nhiều người mất tích [bị bắt đi từ lúc cộng quân vào thành phố] phải mất một thời gian lâu sau mới tìm ra… Khoảng 1/200 thi thể dân thường được phát hiện trong 18 ngôi mộ tập thể được che giấu vội vàng. Trong bảy tháng đầu năm 1969, một nhóm mộ lớn thứ hai đã được tìm thấy. Sau đó, vào tháng 9, ba lính cộng sản đào ngũ nói với các sĩ quan tình báo của Sư đoàn Dù 101 rằng họ đã chứng kiến ​​v giết hi hàng trăm người ti Rch Đá Mài, cách Huế khong 10 dm v phía nam, vào tháng 2 năm 1968. Mt cuộc tìm kiếm cho thấy hài cốt của khoảng 300 người dưới đáy một con lạch. Cuối cùng, vào tháng 11, một cuộc phát hiện thi thể lớn thứ tư đã được thực hiện tại Đồng Muối Phú Thứ, gần làng chài Lương Viên, cách Huế 10 dặm về phía đông. Tổng cộng, gần 2.800 thi thể đã được vớt từ những ngôi mộ tập thể này.

[…] các ngôi mộ được phát hiện, các cuộc điều tra đã được tiến hành để tìm hiểu sự thật của các vụ giết người. Trong một báo cáo xuất bản năm 1970, Chiến lược khủng bố của Việt Cộng, nhà phân tích Douglas Pike của Cơ quan Thông tin Hoa Kỳ đã viết rằng ít nhất một nửa số thi thể được khai quật ở Huế đã tiết lộ bằng chứng rõ ràng về "những vụ giết người dã man : bao gồm tay bị trói sau lưng, nhét giẻ vào miệng, thân thể co quắp nhưng không có vết thương (cho thấy họ bị chôn sống). "Pike kết luận rằng các vụ giết người được thực hiện bởi các cán bộ Việt Cộng địa phương và là kết quả của "một quyết định hợp lý và chính đáng trong tâm trí cộng sản".

hue2

Dấu tích của một gia đình Việt Nam bị quân đội Bắc Việt giết hại tại thành phố Huế trong Tết Mậu Thân. (Ảnh Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ)

Năm 1971, nhà báo Don Oberdorfer trong cuốn sách "Tet !" tiết lộ những nhân chứng mô tả sống động về những gì đã diễn ra khi Việt Cộng giành quyền kiểm soát thành phố. Stephen Miller, một nhân viên ngoại giao Hoa Kỳ 28 tuổi thuộc Sở Thông tin Hoa Kỳ, đang ở trong nhà của những người bạn Việt Nam khi anh ta bị Việt Cộng bắt đi. Họ dẫn anh ta đến cánh đồng phía sau một chủng viện Công giáo, trói tay, và sau đó hành quyết anh. 

Các bác sĩ người Đức Raimund Discher, Alois Alteköster, và Horst-Günther Krainick và vợ, tất cả đều dạy ở trường Đại học Y khoa Huế, nghĩ rằng họ sẽ được an toàn khi làm nhân viên cứu trợ nước ngoài, nhưng Việt Cộng đã đến và bắt họ đi. Xác của họ sau đó được tìm thấy trong một ngôi mộ ở một cánh đồng gần đó. 

Tương tự, hai linh mục người Pháp, Urbain và Guy, được dẫn đi. Thi thể của Urbain sau đó được tìm thấy, tay và chân bị trói, nơi ông đã bị chôn sống. Thi thể của Guy, với một viên đạn ở sau đầu, được tìm thấy trong cùng một ngôi mộ với Urbain và 18 người khác. Các nhân chứng cho biết đã thấy linh mục Việt Nam Bửu Đồng, người đã từng phục tùng cả hai bên và thậm chí có bức ảnh của Hồ Chí Minh treo trong phòng của ông, bị mang đi. Thi thể của ông được tìm thấy 22 tháng sau đó trong một ngôi mộ nông cùng với hài cốt của 300 nạn nhân khác.

Bị Việt Cộng đưa vào danh sách "phản động" vì làm người quét dọn bán thời gian tại văn phòng thông tin chính phủ, Phạm Văn Tường đang lẩn trốn cùng gia đình khi Việt Cộng đến bắt. Ông cùng con gái 3 tuổi, con trai 5 tuổi và hai cháu trai bị Việt Cộng lập tức xả súng hạ gục, bỏ xác trên đường cho những người còn lại trong gia đình xem.

Vào ngày thứ năm của cuộc chiếm đóng, Việt Cộng tiến đến Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam tập trung khoảng 400 người đàn ông và trẻ em trai lại. Một số đã từng nằm trong danh sách của kẻ thù, một số trong độ tuổi quân sự và một số trông có vẻ sung túc. Người ta thấy họ bị cán bộ Việt Cộng dẫn đi về phía nam. Hài cốt của nhóm này được tìm thấy ở lòng rạch Đá Mài.

Cuốn sách A House in Hue của Omar Eby, xuất bản năm 1968, kể về câu chuyện của một nhóm nhân viên cứu trợ Mennonite bị mắc kẹt trong ngôi nhà trong thời gian cộng sản chiếm đóng thành phố. Những tín đồ Mennonites nói với Eby rằng họ đã thấy một số người Mỹ, trong đó có một người làm nông nghiệp từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, bị cán bộ Việt Cộng dẫn đi với hai cánh tay bị trói sau lưng. Họ cũng bị hành quyết sau đó.

Một số nhà văn, trong đó có Gunther Lewy trong cuốn Nước Mỹ ở Việt Nam, xuất bản năm 1980, và Peter Macdonald, tác giả cuốn sách Giáp năm 1993, trích dẫn một tài liệu của lính Việt Cộng bắt được nói rằng trong quá trình chiếm đóng thành phố, cộng sản đã "loại bỏ 1.892 nhân viên hành chính, 38 cảnh sát, 790 bạo chúa".

Ông Trương Như Tảng [một bộ trưởng trong chính phủ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam], tác giả cuốn Hồi ký Việt Cộng, xuất bản năm 1985, kể về cuộc trò chuyện về Huế mà ông có với một trong những đồng chí Việt Cộng của mình thừa nhận rằng những hành động tàn bạo đã xảy ra, nhưng lời kể của ông khác về động cơ giết người. Ông viết rằng một người bạn thân nói "Kỷ luật ở Huế còn thiếu nghiêm trọng… Những người lính trẻ cuồng tín đã bắn người bừa bãi, và những dân địa phương ủng hộ cách mạng… là một trong những thảm kịch tự phát khủng khiếp chắc chắn đi kèm với chiến tranh".

Một người bạn của Quang Nguyên, người viết bài này, học khóa 26 trường Bộ Binh Thủ Đức được về nghỉ phép ở Huế, kể lại sau 1 tháng rưỡi giả làm người ăn xin anh đã lẩn khuất suốt thời gian Huế bị chiếm giữ. Anh nhìn thấy quân cộng sản đi từng nhà tìm người bắt đi, trong những người "cách mạng" đó anh nhận ra có một số bạn và thầy dạy học của anh. Những người này đã theo quân giải phóng trốn vào rừng khi bị đánh lui khỏi Huế.

Giáo sư Nguyễn Lý-Tưởng, cựu Dân biểu Việt Nam Cộng Hòa, gia đình có 5 người chết trong Tết Mậu Thân trong đó có bố vợ (nhân viên của công ty Thủy Điện Huế, 56 tuổi), em vợ (học sinh 16 tuổi), người cháu (học sinh 13 tuổi)... nhân chứng trong vụ Thảm sát Tết Mậu Thân ở Huế, trong cuộc hội thảo về chiến tranh Việt Nam (đặc biệt Tết Mậu Thân 1968) tổ chức tại Việt Nam Center (Lubbock, Texas) từ ngày 13 đến 15/3/2008 (5) cho biết :

Mồ chôn tập thể : Các nạn nhân bị thảm sát tại Huế và Thừa Thiên được tìm thấy tại trường Tiểu học Gia Hội, chùa Theravada, Bãi Dâu, Cồn Hến, Tiểu Chủng Viện, khu vực phía Tây Huế gần lăng Tự Đức và lăng Đồng Khánh, cầu An Ninh Thượng, cửa Đông Ba, trường An Ninh Hạ, trường Văn Chí, Chợ Thông, Lang Xá Cồn, gần lăng Gia Long, gần chùa Tường Vân, Đông Gi (Di), Vinh Thái, Thủy Thanh, Lương Viện, Phù Lương, Phú Xuân (Phú Thứ), Thượng Hòa, Vinh Hưng, Khe Đá Mài… tất cả 23 địa điểm, tổng cộng 2.326 xác chết (sọ người). Còn khoảng trên 3.000 nạn nhân thuộc tỉnh Thừa Thiên và Huế đã được thân nhân xác nhận là chết hoặc bị bắt đi thủ tiêu, mất tích… không biết họ đã bị giết chết và chôn xác ở đâu" !

Tại Khe Đá Mài (thuộc vùng núi Đình Môn, Kim Ngọc, quận Nam Hòa, tỉnh Thừa Thiên) Việt Cộng đã dùng súng trung liên, đại liên, lựu đạn và mìn giết tập thể các nạn nhân, vất xác xuống dưới khe, lâu ngày thịt thối rữa bị nước cuốn đi, chỉ còn 428 sọ người, xương người dồn lại một đống. Người ta đã dựa vào các dấu vết còn lại của nạn nhân như áo len, tượng ảnh, giấy căn cước bọc nhựa (ID)… để biết được thân nhân của mình đã chết ở trong đống sọ và xương lẫn lộn đó. Đa số những nạn nhân nầy là giáo dân bị bắt ở nhà thờ Phủ Cam vào đêm mùng 5 Tết (2 tháng 2/1068). Người ta cũng tìm thấy vết tích của hai ông Lê Hữu Bôi (Chủ tịch sinh viên Phật tử năm 1963) và Lê Hữu Bá (sĩ quan Quân Cảnh) tại Khe Đá Mài. Các em học sinh như Bùi Kha (16 tuổi), Phan Minh (16 tuổi), Nguyễn Duyệt (17 tuổi) và nhiều bạn trẻ khác thuộc giáo xứ Phủ Cam cũng bị Việt Cộng giết hại tại đây…

Một nhân chứng còn sống sót đã kể lại cho 2 Linh mục Nguyễn Hữu Giải và Phan Văn Lợi vụ thảm sát những giáo dân vô tội tại Khe Đá Mài như sau : "…Khuya mùng Một, rạng mùng Hai Tết, tôi nghe tiếng súng nổ khắp nơi và được tin Việt Cộng đã chiếm nhiều nơi trong thành phố Huế… Cả gia đình tôi cũng như nhiều giáo dân ở Phủ Cam đều chạy đến ẩn núp trong nhà thờ để tránh bom đạn. Lính Nghĩa quân của xã và một số quân nhân về phép chiến đấu bên ngoài để bảo vệ đồng bào. Sau mấy ngày, không có tiếp viện nên chiều mùng 5 Tết (4/2/1968) phải rút chạy… Khuya mùng 5 Tết, Việt Cộng tràn vào nhà thờ bắt những người từ 15 tuổi đến ngoài 50 tuổi bất kể là học sinh hay thường dân… và tuyên bố "cho đi học tập trong vòng 3 ngày sẽ trở về…

Sáng hôm sau, chúng tôi bị dẫn đi theo đường xe lửa từ Phủ Cam ra Bến Ngự và đến chùa Từ Đàm… Tại đây tôi thấy Việt Cộng rất đông vừa du kích địa phương vừa bộ đội miền Bắc… Ngôi nhà 5 gian thì 4 gian đã đầy người bị bắt từ mấy ngày trước, còn một gian để giam giữ những người mới bị bắt… Tôi gặp những người quen như ông Tín (thợ chụp ảnh), ông Hồ (thợ hớt tóc), anh Trị (con ông Ngọc người đánh đàn trong nhà thờ), ông Hoàng (Đông y sĩ ở Chợ Xép), hai người con trai ông Thắng (làm nghề nấu rượu nuôi heo), hai người con trai ông Vang (nhạc sĩ thổi kèn đồng), anh Thịnh (con ông Năm), hai anh em Bình và Minh (con ông Thục), anh Minh (16 tuổi, con ông Danh nhân viên Công Ty Thuỷ Điện Huế) đều là học sinh…Chúng tôi ngồi tại chùa Từ Đàm suốt cả một ngày từ sáng tới tối không được ăn uống gì cả… Họ đưa cho chúng tôi mỗi người một tờ giấy để viết bản "khai lý lịch" tên, nghề nghiệp, tên cha mẹ, sinh quán ở đâu… Ai khai gian sẽ bị đem ra bắn… Tôi thấy một số người bị trói vào gốc cây bồ đề và bị đem ra bắn chôn ngay trong sân chùa, trong đó có anh Hoàng Sự (Cảnh sát) mà tôi biết tên.

Các nhân chứng đã kể những tên tuổi người họ quen biết bị giết như thế nào. Họ cũng kể tên những kẻ "nằm vùng" đã giết đồng bào Huế : "Trong số Việt Cộng có mặt ông Tôn Thất Dương Tiềm là giáo sư trường Nguyễn Du… và cũng là thầy dạy của tôi trước đây… Ông Tiềm mang súng AK, quần kaki xanh, áo sơ mi trắng… hễ thấy ông gật đầu thì tên cán bộ ra lệnh cho mấy tên bộ đội bắn các nạn nhân… Thân nhân chạy ra kêu khóc, xin đem xác các nạn nhân đi chôn… nhưng chúng không cho, cứ để xác chết nằm đó đến mấy ngày…

Không ít nhân chứng cho biết một số giáo sư đã tận tay giết học trò của mình.

Ông Võ Văn Bằng, Trưởng ban Cải táng Nạn nhân cộng sản Tết Mậu Thân nói với đài Á Châu Tự Do (RFA) năm 2008 : "Các hố cách nhau. Mỗi hố vào khoảng 10 đến 20 người. Trong các hố, người thì đứng, người thì nằm, người thì ngồi, lộn xộn. Các thi hài khi đào lên, thịt xương đã rã ra. Trên thi hài còn thấy những dây lạt trói lại, cả dây điện thoại nữa, trói thành chùm với nhau. Có lẽ họ bị xô vào hố thành từng chùm. Một số người đầu bị vỡ hoặc bị lủng. Lủng là do bắn, vỡ là do cuốc xẻng…".

Thảm trạng Huế Mậu Thân 1968, cộng sản coi đồng bào là kẻ thù, giết đồng bào vô cùng tàn nhẫn và số nạn nhân chết rất đau đớn và rất lớn, có lẽ chưa từng xảy ra tương tự trên thế giới sẽ mãi mãi là một vết đen trong lịch sử Việt Nam mà lãnh đạo cộng sản đang ra sức tẩy rửa nhưng không thể được.

Quang Nguyên

Nguồn : VNTB, 02/02/2022

Tham khảo :

(1) https://vov.vn/xa-hoi/nguoi-trong-cuoc-trai-long-ve-mo-liet-sy-tap-the-o-tan-son-nhat-651335.vov

(2) https://baodansinh.vn/xac-dinh-co-mo-tap-the-cua-hon-600-liet-sy-trong-san-bay-tan-son-nhat-60483.htm

(3) https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/T%e1%ba%bft-M%e1%ba%adu-Th%c3%a2n/1968-qua-nh%e1%bb%afng-s%e1%bb%91-li%e1%bb%87u-484868/

(4) https://www.historynet.com/tet-what-really-happened-at-hue.htm

(5) https://phongtraogiaodan.com/a329/nhan-chung-mau-than-hue-gs-nguyen-ly-tuong-ke-lai

*************************

Cái Tết (& Cái Tát) năm Thân

Tưởng Năng Tiến, 28/01/2022

Cái gì chớ hệ thống can chi (Thiên Can Địa Chi) và Âm Lịch (Lunar Calendar) thì tôi không được rành rẽ gì cho lắm, hay nói chính xác hơn là rất lờ mờ. Bởi vậy, tôi vô cùng ngần ngại khi phải hầu chuyện với những vị trưởng thượng mà miệng vừa lẩm bẩm (Tí, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Thân, Dậu…) vừa bấm đốt ngón tay, hoặc thỉnh thoảng lại nhíu mày khi cố nhớ những sự kiện đã xa lắc xa lơ (vào những năm một ngàn bẩy trăm, tám trăm, chín trăm… nào đó) đại loại như Chiến thắng Nnăm Kỷ Dậu, Hòa ước năm Giáp Thân, Trận lụt năm Thìn…

hue3

Phải gu gồ (chút xíu) mới biết rằng Chiến thắng năm Kỷ Dậu vào năm 1789, Hòa ước năm Giáp Thân ký năm 1884, và Trận lụt năm Thìn xẩy ra hồi 1964… Riêng Cuộc thảm sát Mậu Thân thì tôi biết ngay là năm 1968 vì đã qua tuổi ấu thơ, và vẫn nhớ mãi cái tát (như trời giáng) đúng vào ngày Tết. 

Nhà tôi ở Dốc Nhà Làng. Con dốc này còn có tên chính thức là đường Nguyễn Biểu nhưng không mấy ai biết thế, kể cả người địa phương. Dân Đà Lạt thường chỉ biết đây là nơi tụ tập cả ngày lẫn đêm của cả trăm sòng bầu cua, xóc đĩa, tài xỉu (lớn nhỏ đủ cỡ) suốt cả mùa Xuân !

Sáng hôm đó tôi thức sớm vì sự im ắng khác thường bao quanh. Vừa mở cửa, chưa bước hẳn chân ra đến ban công, đã thấy vài người lính trẻ – cỡ cùng tuổi mới lớn như tôi – tay lăm lăm vũ khí (đang đứng nép vào thành tả luy ngay trước nhà) với nét mặt vô cùng căng thẳng, và lo âu, chứ hoàn toàn không có vẻ chi là hung dữ hay đe dọa cả.

Tôi chưa biết phản ứng ra sao thì họ đưa ngón tay trỏ lên môi ra dấu im lặng. Theo phản xạ tự nhiên, tôi gật gật đầu rồi quay nhanh vào bên trong lấy mấy cái bánh chưng trên bàn thờ thẩy xuống đường.

Cả đám mừng rơn. Tôi còn định lấy thêm cam chuối nữa nhưng chưa kịp làm thì bố tôi xuất hiện. Ông nắm cổ áo giật mạnh khiến tôi loạng choạng lùi hẳn vào bên trong, rồi tiện tay tát cho thằng con một cái (nổ đom đóm mắt) trước khi vội vàng khép ngay cửa lại.

Chuyện gì vậy, Trời ?

Sau này, tôi mới biết những người lạ là cán binh cộng sản. Họ xuất hiện mọi nơi, chứ chả riêng chi Đà Lạt, theo kế hoạch "Tổng tấn công/nổi dậy" của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương Miền Bắc.

Kế hoạch này tuy thành công nhờ yếu tố bất ngờ (được thực hiện trong thời gian hưu chiến) nhưng vì dân miền Nam "không chịu nổi dậy" nên lực lượng xâm nhập chả chiếm được một thành phố nào ráo trọi, ngoài Huế. Đây là nơi duy nhất mà Bắc Quân làm chủ được tình hình hơn ba tuần lễ, và đã xẩy ra một cuộc thảm sát ghê rợn với con số tử vong lên đến vài ngàn nhân mạng !

Sự kiện, hình ảnh đều được báo đài miền Nam đăng tải và trình chiếu nhiều lần qua màn ảnh TV. Lần nào ngồi xem tôi cũng kinh hoảng và kinh sợ. Trong những hố chôn tập thể có vô số những thi thể bị trói quặt (hay trói chặt vào nhau) trước khi hành quyết, kể cả xác trẻ con, và cả những nạn nhân bị chôn sống nữa.

Tôi vô cùng hoang mang khi nhớ lại hình ảnh nhỏ thó, ốm o, gầy guộc, xanh xao, ngơ ngác… của đám lính mà mình đã giáp mặt trước nhà hôm Tết. Sao những người mặt mũi trông hiền lành, ngây thơ (và trẻ thơ) như vậy lại có thể là những kẻ sát nhân tàn ác, và tàn bạo đến thế được ?

Lịch sử cận đại không thiếu những cuộc lên đồng tập thể, cùng vô số tội ác kinh hoàng gây ra bởi nhiều tổ chức (Hitler Youth, Blackshirts, Vệ Binh Đỏ, Khmer Rouge…) mà phần lớn thành viên đều là trẻ con mới lớn nhưng tất cả đều chả tồn tại được bao lâu, và kẻ đầu xỏ – Hitler, Mussolini, Mao, Pol Pot…– đều bị điểm mặt là những tên đồ tể !

Riêng Cuộc thảm sát Mậu Thân thì kẻ thủ ác lại thuộc bên thắng cuộc, và họ vẫn giữ được quyền bính cho mãi đến nay nên tội trạng chả những không bị trừng phạt mà còn được vinh danh (bằng nhiều hình thức) suốt từ năm này sang năm khác :

- Bản hùng ca Xuân Mậu Thân 1968 

- Nét đặc sắc của Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân

- Kỷ niệm 50 năm cuộc tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

- Kỷ niệm 51 năm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân

- Kỷ niệm 52 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân

hue4

Ngoài những buổi lễ lạc tưng bừng để kỷ niệm và xưng tụng "Cuộc tổng tấn công/nổi dậy Mậu Thân", nhà nước hiện hành còn không ngần ngại vận dụng (và lạm dụng) mọi phương tiện truyền thông để tráo đổi nạn nhân thành thủ phạm.

Với đề mục Thảm sát Huế Mậu Thân, Wikipedia (Hà Nội) đã ghi lại những lời phát biểu trơ tráo như sau :

- Nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân : "Cuộc thảm sát Mậu thân là sản phẩm tưởng tượng của một cuộc tâm lý chiến".

- Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan : "Biết bao nạn nhân mà sau này bị rêu rao là nạn nhân của Việt Cộng" !

- Đạo diễn Lê Phong Lan : "Tôi đã gặp những nhà báo Mỹ, những người lính bên kia chiến tuyến, họ đã nói, tất cả những thông tin về vụ thảm sát năm 1968 tại Huế chỉ là sự vu cáo của Mỹ và chính quyền Việt Nam cộng hòa đổ lên đầu quân Giải phóng miền Nam".

Miệng lưỡi của bà Lan khiến tôi chợt nhớ một câu thành ngữ Việt ("gái đĩ già mồm") và một vụ "vu cáo" khác, cũng tráo trở không kém, xẩy ra hồi đầu Thế chiến thứ II.

Ngày 3 tháng 9 năm 1940, con tầu Anthem của Anh – chở 1.103 người đi từ Glasgow đến Montreal – bị tầu ngầm U30 Đức bắn chìm. Hơn trăm hành khách và thủy thủ đoàn thiệt mạng, trong số nạn nhân có 28 công dân Mỹ.

Bá Linh không chỉ chối phắt mà còn phát động một chiến dịch tuyên truyền đổ vấy tội cho Hải quân Hoàng gia là đã cố ý đánh chìm con tầu Athenia với âm mưu làm Đức mất mặt và lôi kéo Hoa Kỳ vào vòng chiến : "Berlin accused London of intentionally sinking the Athenia in a plot to discredit Germany and to curry favour with the United States to join the war" (Donald Fullarton, "Burgh Cook Never Recovered From Sinking". Helensburgh - Heritage 13 June 2015).

Mãi cho đến khi có những phiên xử tội phạm chiến tranh – diễn ra ở Nuremberg, Đức Quốc – cùng với bằng chứng vô phương chối cãi, sự kiện Athenia mới hoàn toàn sáng tỏ vào năm 1946. Mai hậu, Việt Nam rồi cũng sẽ có những phiên tòa tương tự vì đã có quá nhiều cái chết oan khốc gây ra bởi chế độ hiện hành :

- 1945 : Thảm sát 3.000 tín đồ Tin Lành tại Quảng Ngãi

- 1956 : Thảm sát 1.000 tín đồ Công Giáo tại Quỳnh Lưu

- 1965 : Đặt chất nổ giết chết 43 thường dân tại nhà hàng Mỹ Cảnh

- 1967 : Thảm sát 256 dân làng Dak Son

- 1968 : Trên 5.000 người bị giết hoặc chôn sống tại Huế

- 1971 : Thảm sát 183 thường dân tại Tân Lập

- 1971 : Thảm sát tại Dục Đức 100 dân làng bị giết, 150 bị thương

- 1972 : Pháo kích Đại Lộ Kinh Hoàng - Quảng Trị 3.000 người thiệt mạng

- 1972 : Pháo kích vào trường học tại Cai Lậy 42 học sinh chết, 50 bị thương.

(Vietnam Film Club. Những vụ thảm sát đẫm máu của cộng sản Việt Nam trong lịch sử, 2021)

Vấn đề không phải là truy thù hay báo oán nhưng quá khứ cần phải được thanh thỏa để chúng ta yên tâm sống với hiện tại, và tránh bớt tội ác cho những thế hệ đến sau. 

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 28/01/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Quang Nguyên, Tưởng Năng Tiến
Read 719 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)