Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/03/2022

Ước mơ muôn thuở của con người về công lý và sự thật

Nhiều tác giả

Chúa Giê-su và bọn cướp đường 

Kazimierz P. Tetmajer, Trần Quốc Việt dịch 

Trích truyện dân gian điển hình sau rút ra từ tuyển tập những truyện ngắn tựa đề Na Skalnem Podhalu (Trong vùng Rocky Podhale), xuất bản ở Warsaw, Ba Lan, năm 1920.

jesus1

Ngày xưa Chúa Giê-su đi cùng với Thánh Phê-rô ngang qua một khu rừng rậm-ở đâu đó trong vùng núi chúng ta gần Liptó hay nơi nào đấy-và bất ngờ gặp một toán cướp đường.

"Xin chúc tụng Thiên Chúa", Chúa Giê-su nói thay lời chào, và giở mũ ra.

"Chúc tụng Người đến muôn thưở muôn đời. Amen", tướng cướp chào lại, và rồi hỏi, "Các ông đi đâu ?"

Chúa Giê-su muốn trả lời thì Thánh Phê-rô đã nói trước ông, "Chúng tôi đi xin của bố thí".

Dĩ nhiên, họ không đi xin của bố thí. Tuy là Thánh, nhưng vốn con nhà nghèo, Thánh Phê-rô có tật thấy cái gì cũng muốn có. Ông để ý đến những túi dết lớn bọn cướp mang theo.

Tướng cướp cẩn thận nhìn họ từ đầu đến chân và nói, "Hãy đi với chúng tôi". Rồi, quay sang đồng bọn, hắn nói : "Ông già chắc còn mang túi và chẻ củi được, còn người trẻ này thì lo chuyện bếp núc và ăn uống. "Vậy", hắn hỏi họ, "các ông có đi theo không ?".

Thánh Phê-rô chợt hiểu ra những kẻ này là bọn cướp đường, vì họ có vũ khí và súng ; vả lại Thánh đi chung với lũ trộm cướp thì chắc chắn chẳng còn ra thể thống gì-chứ đừng nói đi chung với Chúa Giê-su. Ông bắt đầu gãi tai, hoàn toàn không biết tính sao. Nhưng ông không gãi lâu, vì ông sợ bọn cướp, và ông nhìn Chúa Giê-su như thể muốn hỏi : "Tính sao, thầy ?"

Nhưng Chúa Giê-su gật đầu nói : "Vâng".

Thánh Phê-rô rất kinh ngạc nhưng ông không dám trái lời. Trước tiên, ông sợ bọn cướp, và rồi ông có bổn phận phải vâng lời Chúa. Chúng lập tức trao cho ông cái bao nặng để vác trên lưng, còn Chúa Giê-su chỉ nhận trông coi một túi bánh mỳ nhỏ ; vì bọn cướp cũng chẳng còn nhiều lương thực sau chặng đường dài.

Thế rồi họ đi hoài đi mãi không nghỉ, cho tới lúc trời quá nóng thì đi không được nữa. Bọn cướp nằm xuống ngủ.

"Thầy trò mình liệu mà trốn đi ngay", Thánh Phê-rô nói với Chúa Giê-su, "vì đi chung với chúng tất sẽ rước họa vào người !".

Nhưng Chúa Giê-su đáp, "Không".

Bọn cướp thức dậy rồi đi tiếp. Tuy nhiên vào xế chiều lương thực chẳng còn đủ, vì Chúa Giê-su cũng phải ăn, còn Thánh Phê-rô chưa bao giờ phải nhịn đói chỉ vì không có đủ lương thực cho tất cả mọi người. Bọn cướp có ba người, thế rồi cả năm người cảm thấy đói cồn cào.

Bất ngờ họ nhìn thấy một người rất già nằm dưới gốc cây.

"Ông bị sao vậy ?", tướng cướp hỏi ông già.

"Tôi đói quá", ông đáp. Nghe vậy tướng cướp cho ông ta miếng bánh mì cuối cùng mà hắn đã cất riêng cho mình.

Sau một ít lâu, khi họ đi băng qua cánh đồng thì trời bắt đầu đổ mưa đá lớn nên rất lạnh. Một lát sau họ thấy một đứa bé khóc trong đám cỏ. Một tên cướp hỏi đứa bé tại sao khóc, và nhận được câu trả lời : "Con lạnh quá".

Tên cướp ngay lập tức lấy áo khoác của mình phủ lên người đứa bé, rồi bước đi tiếp, lạnh rùng mình dưới tấm áo phong phanh.

Họ thấy ở đằng trước hơi xa một ngôi nhà đang bốc cháy và nghe tiếng trẻ con kêu khóc nức nở : "Mẹ ơi ! Mẹ ơi !".

Tên cướp thứ ba lao vào nhà mang người mẹ của bọn trẻ ra ngoài, cho dù lửa cháy mạnh đến mức gần như đốt sạch tóc của y.

Khi trời tối họ ghé vào một lữ quán để ở lại qua đêm. Nhưng người chủ quán nhận ra bọn cướp liền cho gọi cảnh sát. Trong nháy mắt người của cảnh sát đã có mặt, rồi bọn cướp bị trói tay chân, cũng như Chúa Giê-su và Thánh Phê-rô. Rồi họ nhốt mọi người qua đêm rồi bỏ đi.

Thánh Phê-rô bắt đầu khóc.

"Con đã thưa với thầy rồi", ông nói thầm với Chúa Giê-su, "chúng ta sẽ rước họa vào thân nếu cứ đi với bọn bất lương này ? Bây giờ rốt cuộc phải lâm vào cảnh này. Chúng ta giờ làm sao đây ?".

Nhưng Chúa Giê-su không trả lời gì mà chỉ lấy ngón tay viết trên cát.

Ngày hôm sau cảnh sát đến đưa những người tù ra tòa. Sen đầm và lính Hung bao quanh họ tứ phía và giải họ vào tòa án có ba chánh án xét xử.

"Các ngươi có ăn cướp không ?", một chánh án hỏi bọn cướp.

"Có".

"Các ngươi có đốt nhà không ?", chánh án khác hỏi.

"Có".

"Các ngươi có giết người không ?", chánh án thứ ba hỏi.

"Có".

Họ không mất công hỏi đến Chúa Giê-su và Thánh Phê-rô, vì bọn cướp trước đấy đã khai hai người chỉ là những kẻ bị bắt buộc đi chung với chúng.

"Chúng ta xử chúng thế nào đây ?", chánh án thứ nhất hỏi hai chánh án kia.

"Tử hình chúng !", chánh án thứ hai chẳng suy nghĩ đến trả lời ngay. Còn chánh án thứ ba, khi được hỏi ý kiến, cũng liền nói như vậy.

"Cả bọn ba người bọn mày sẽ bị treo cổ", chánh án lớn tuổi nhất nói với những tên cướp đường. "Còn hai gã này thì cho về nhà", ông quay sang Chúa Giê-su và Thánh Phê-rô nói.

Thánh Phê-rô đứng phắt dậy sẵn sàng bước đi ; nhưng Chúa Giê-su vẫn ngồi yên và lấy ngón tay viết trên nền nhà

"Mày viết gì thế ?", chánh án lớn tuổi nhất hỏi. Không ai nhận ra Chúa.

"Ta đang viết bản án của các ngươi", Chúa Giê-su đáp.

"Làm sao có chuyện đó được ?", các chánh án cực kỳ kinh ngạc hỏi. "Bản án của chúng tôi ! Viết bằng ngón tay trên nền nhà !".

Nhưng Chúa Giê-su gật đầu và hỏi các chánh án : "Hôm qua các ngươi làm gì ?".

Tất cả cả ba người họ mặt mày đều trở nên tái mét như xác chết, và Chúa Giê-su nói tiếp : "Các ngươi đã đuổi một người đói lả ra khỏi cửa. Rồi các ngươi đánh đập một đứa bé. Các ngươi còn đuổi mẹ mình ra khỏi nhà".

Mọi người im lặng.

jesus2

"Ta hãy đi khỏi đây", Chúa Giê-su nói với Thánh Phê-rô. Một vầng hào quang sáng bắt đầu cháy trên đầu Người và những người đầu tiên nhận ra Người là những kẻ cướp. Họ sụp quỳ xuống xin Người ban phúc lành ; và ngay lập tức Chúa Giê-su làm dấu thánh trên đầu họ, họ biến thành ba cây táo. Nhưng ba viên chánh án bị dân chúng đuổi ra khỏi làng.

Thời ấy nhưng chuyện như thế đã xảy ra. Còn bây giờ chúng ta không có bọn cướp đường ở trong rừng, Chúa Giê-su cũng không cất bước đi trên thế gian.

Kazimierz P. Tetmajer

Nguyên tác : "Lord Jesus and the Highwaymen", The Living Age, 07/10/1922, trang 54-55

Trần Quốc Việt dịch

(22/03/2022)

***********************

Công bộc 

Dionysius of Halicarnassus, Trần Quốc Việt dịch 

Khi ngày dự định cho cuộc bầu cử đến, người loan tin gọi giai cấp thứ nhất, mười tám đại đội kỵ binh, cùng với tám mươi đại đội bộ binh, gồm có những công dân giàu nhất, tiến vào nơi được chỉ định và chọn Lucius Quinctius Cincinnatus làm quan chấp chính tối cao. Vì không có giai cấp khác được gọi bỏ phiếu, mọi người ra về. Viện nguyên lão phái những người thích hợp đi để yêu cầu quan chấp chính đến La Mã nhậm chức quan tòa. 

jesus3

Tranh minh họa Lucius Quinctius Cincinnatus năm 458 trước công nguyên / La Mã

Tình cờ vào lúc ấy Quinctius đang cày thửa ruộng để gieo hạt, mình trần không áo, đầu không mũ, chỉ nai nịt ở thắt lưng, bước theo sau con bò đang vỡ đất lên. Thấy rất nhiều người bước xuống đồng, ông dừng cày và hồi lâu vẫn không hiểu ra họ là ai và họ muốn gì ở ông. Khi một người trong họ bước đến ông, mong muốn ông thay áo quần đàng hoàng hơn. Quinctius dừng cày và đi về nhà, bước vào mái nhà tranh thay áo quần, rồi ra gặp họ. Tức thì những người được phái đến để đưa ông về La Mã tất cả đều chào ông, không phải theo tên, mà theo chức quan chấp chính tối cao -và rồi mặc cho ông áo choàng viền tím và đặt trước mặt ông những cái rìu và những phù hiệu khác của quan tòa- và yêu cầu ông theo họ về kinh thành. Ông ngập ngừng một lát rồi khóc và chỉ nói như thế này : "Năm nay tôi thấy đất ruộng nhà tôi chẳng gieo trồng gì, nên chúng tôi sợ sẽ không đủ ăn". Sau đó, ông ôm vợ, dặn dò bà trông coi việc nhà, rồi lên đường đi đến La Mã.

Lý do duy nhất khiến tôi thuật lại tất cả những chi tiết này là để cho cả thế giới thấy các quan tòa La Mã vào thời ấy là những người như thế nào : họ lao động tay chân và sống đời đạm bạc, họ không phiền muộn trong cảnh nghèo nàn thanh bạch, và hoàn toàn không nhắm đến vương quyền đến mức cho dù vương quyền có được ban cho họ, họ vẫn từ chối.

jesus4

Lucius Quinctius Cincinnatus được đoàn người hộ tống về kinh đô Roma nhậm chức

Quinctius, vừa bắt đầu nhậm chức quan chấp chính tối cao, đã xét xử tất cả các vụ kiện thưa mà các nguyên đơn muốn - vốn trì hoãn đã lâu - và chính ông phân xử công minh nhiều vụ kiện nhất, ông ngồi suốt ngày ở pháp đình và ai ai cũng có thể dễ dàng đến gặp ông, ông cũng hòa nhã và nhân từ đối với tất cả những ai yêu cầu ông phán quyết. Nhờ đấy ông nâng cao danh tiếng của quý tộc đến độ những ai mà do nghèo khổ, xuất thân hạ tiện, hay do bất kỳ hoàn cảnh thấp kém nào mà bị những kẻ hơn mình áp chế thì giờ đây họ không còn cần đến sự giúp đỡ của các quan bảo vệ dân thường nữa - và những ai muốn công lý thực thi công bằng thì giờ đây họ cũng không còn thích những luật mới.

Tất cả đều mãn nguyện và vui sướng vì công lý lúc ấy được thực thi công bằng. Nhân dân tán dương Quinctius vì những việc làm này và cũng vì ông khước từ chức quan chấp chính tối cao khi, sau khi hết nhiệm kỳ quan tòa, họ đề nghị ông làm thêm nhiệm kỳ thứ hai, và vì ông hoàn toàn không biểu lộ ham muốn chút nào vinh hạnh lớn lao như thế. Mặc dù Viện nguyên lão rất nhiều lần khẩn cầu ông tiếp tục ở lại gánh vác chức quan chấp chính tối cao, nhưng Quinctius tập hợp nhân dân lại, và sau khi đọc bài diễn văn mạt sát rất nhiều những kẻ không chịu từ chức quan tòa và sau khi ông đã long trọng thề sẽ không bao giờ chấp nhận chức quan chấp chính tối cao nữa, ông quay về mái nhà tranh và trở lại cuộc đời cực nhọc của mình.

Dionysius of Halicarnassus

Nguyên tác : "Public Servant", trích từ tác phẩm Roman Antiquities bàn về lịch sử La Mã cổ đại của Dionysius ở thành Halicarnassus ở Hy Lạp xưa.

Trần Quốc Việt dịch (22/03/2022)

***********************

Ngựa và người 

Trần Quốc Việt

"Dưới thời Giovanni xứ Atri, nhà vua ra lệnh cho treo một cái chuông rất lớn để cho những ai bị oan ức dùng đến, họ chỉ cần rung chuông thật to để kêu oan. Bấy giờ theo thời gian dây thừng đã mòn đi nhiều, cho nên người ta bện thêm vào những chùm dây leo để tiện cho người kéo chuông.

jesus5

Ngày nọ một con tuấn mã già của một hiệp sĩ ở Atri, do không còn phục vụ được nữa, nên bị chủ đuổi để mặc đi đâu thì đi, đang lang thang gần đấy. Vì quá đói con chiến mã đáng thương giữ chặt dây leo trong miệng và kéo chuông khá nhịp nhàng. Nghe tiếng chuông, hội đồng tức thì họp lại, như thể nghe tiếng kêu oan ức của con ngựa, mà bề ngoài của con vật dường như nói lên rằng nó đang đòi hỏi công lý. Sau khi xem xét trường hợp này, hội đồng liền phán quyết hiệp sĩ mà con ngựa đã phục vụ ông rất lâu từ lúc ông còn trẻ phải nuôi con ngựa già ; và vị vua còn phạt tiền trong những trường hợp tương tự".

Truyện trên tựa đề "Chuông thành Atri" thuộc về thế kỷ thứ mười ba và mười bốn của một tác giả khuyết danh người Ý đã và đang phản ánh ước mơ muôn đời của con người ở mọi nơi về công lý, lẽ phải và từ tâm. Trong biển đời thường đau khổ vì bao bất công và tàn bạo xưa nay, nó là ngọn hải đăng trong mơ của bao người dưới đáy xã hội mong mỏi tuyệt vọng về công bằng và nhân ái.

jesus6

Ông Lương Hữu Phước ngồi đợi tòa tuyên án vào sáng ngày thứ Sáu, 29/5/2020. Sau khi nghe tuyên y án tù 3 năm vào buổi chiều, ông nhảy lầu tự tử tại trụ sở tòa. (Luật sư Dương Vĩnh Tuyến/ Facebook)

Ánh đèn hải đăng ấy đã tắt trong giấc mơ đi tìm công lý của một người đàn ông nhảy lầu tự tử ở tòa án. Mấp mé bên bờ của tuyệt vọng ông mơ về hy vọng thức tỉnh công lý ở một nước không bao giờ có công lý. Nhưng ông thức tỉnh chúng ta khỏi ảo vọng về công lý và tình người dưới chế độ độc tài toàn trị mà đã gần như tiêu diệt những giềng mối của xã hội nhân văn và nhân bản dựa trên công lý phổ quát. Trong bối cảnh xã hội chó ngựa với tầng lớp cai trị người không ra người ngựa không ra ngựa này công lý chỉ đứng về phía của kim tiền và cường quyền.

Cho nên hôm nay ta nhìn người nay mà mơ về ngựa xưa. 

Trần Quốc Việt

(22/03/2022)

************************

Bài ca tòa án luật pháp 

Bertolt Brecht, Trần Quốc Việt dịch 

jesus7

Theo sau bọn cướp

Là các tòa án luật pháp.

Khi những người vô tội bị sát hại

Lũ chánh án họp lại kết án họ.

Bên những nấm mồ những người bị tàn sát

Quyền của họ cũng bị tàn sát theo.


Bản án của các tòa án

Rơi xuống như bóng dao đồ tể.

Than ôi ! dao đồ tể đã quá bén rồi.

Còn cần gì thêm bản án như hóa đơn ?

Hãy nhìn những con kên kên trên đầu !

Chúng bay đi đâu ?

Sa mạc khô cằn đã đuổi chúng đi.

Các tòa án luật pháp sẽ có thức ăn cho chúng.

Đó là nơi bọn giết người tụ họp.

Những kẻ bức hại người thấy nơi đấy an toàn.

Và ở đấy lũ trộm cất của cải ăn cướp, gói trong tờ giấy in ra luật pháp.

Bertolt Brecht

Nguyên tác : Bản dịch tiếng Anh của Goronwy Rees, trích từ tạp chí Encounter, số tháng 8/1958.

Trần Quốc Việt dịch

Bertolt Brecht (1898-1956) là nhà thơ và nhà viết kịch người Đức.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Kazimierz P. Tetmajer, Dionysius of Halicarnassus, Bertolt Brecht, Trần Quốc Việt
Read 408 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)