Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/03/2022

Chiến tranh tin học trong cuộc chiến tại Ukraine

Thanh Hà, Julien Nocetti - Phan Minh

Công nghệ mới phục vụ chiến tranh Ukraine

Julien Nocetti ,Thanh Hà, RFI, 22/03/2022

Internet và đội quân cyber (IT Army) làm tiêu tan hy vọng của Nga bắt Ukraine nhanh chóng đầu hàng. Kiev trực tiếp cầu cứu các tập đoàn "digital" của Mỹ hỗ trợ. Lần đầu tiên ngành công nghệ cao trực tiếp "lên tuyến đầu" trong chiến tranh. Công nghệ mới thời đại kỹ thuật số là một bước ngoặt trong chiến thuật quân sự của các bên. Chuyên gia trường quân sự Saint Cyr của Pháp, Julien Nocetti phân tích về vai trò của các công nghệ kết nối trong chiến tranh Ukraine.

cyber1

Cyber attack, một vũ khí lợi hại trong chiến tranh Ukraine-Nga.  Reuters – Dado Ruvic

Ngoài Kiev, phương Tây đã tăng cường khả năng phòng thủ đề phòng đối phó với các đợt tấn công cyber kể từ khi Moskva đưa quân xâm chiếm Ukraine. Xung đột thời đại kỹ thuật số đang diễn ra dưới những hình thức nào ? Công nghệ kết nối giúp ích được gì và đặt ra những thách thức nào cho các bên tham chiến ? Trong cuộc đọ sức quân sự bất tương xứng với Nga, Ukraine dường như đang chiếm thế thượng phong nhờ các phương tiện "kết nối". 

Trước khi lên đường sang Châu Âu dự thượng đỉnh bất thường của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, thăm Ba Lan trong bối cảnh Châu Âu đang là cái "chảo lửa" từ khi Nga xâm lăng Ukraine, tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 21/03/2022 cảnh báo các doanh nghiệp đề phòng bị tin tặc Nga tấn công. Luân Đôn đã tăng cường khả năng phòng thủ trước các toán tin tặc. Pháp, Đức Liên Hiệp Châu Âu đồng loạt đặt các đội ngũ an ninh mạng trong tình trạng báo động. Điều đó cho thấy quốc tế lo ngại những phương tiện mới trong chiến tranh Ukraine có thể đe dọa trực tiếp đến những "điểm nhậy cảm đối với an ninh" của Âu, Mỹ.

Ukraine là cuộc chiến đầu tiên internet trở thành một "mặt trận nóng". Cả Kiev lẫn Moskva cùng sử dụng internet như một "vũ khí" tấn công và giới chuyên gia về tin học cũng như là quân sự đồng loạt lo ngại trước các đòn tấn công "dồn dập hơn, nguy hiểm hơn".

Ukraine : Công nghệ mới là "một giải pháp chống xe tăng" của Nga  

Trước giờ Moskva "khai quân" hôm 24/02/2022, hệ thống tin học của phủ thủ tướng, bộ Quốc Phòng, Ngân Hàng Trung Ương Ukraine... bị "tê liệt". Sau gần một tháng chiến tranh, mối lo của Ukraine vẫn là hệ thống viễn thông bị đánh sập, quốc gia Châu Âu này bị cắt đứt với thế giới bên ngoài.

Đồng thời, khả năng kháng cự của Kiev trước vòng vây của quân đội Nga từ gần một tháng nay cho thấy, Ukraine làm chủ khá tốt các công nghệ mới, kể cả trong mục tiêu quân sự, bởi lẽ "Ukraine là một trong những mắt xích quan trọng của các tập đoàn tin học, điện tử" trên thế giới.

Nhân viên Ukraine có tay nghề cao, lương phải trả cho họ chỉ bằng "một nửa, thậm chí là một phần ba so với tại các nước Tây Âu" như ghi nhận của báo Le Monde (số ngày 08/03/2022). Nhiều hãng lớn trong ngành, từ Ubisoft ông vua trên thị trường video games, đến Akka Technologies, hay Capgemini, Teleperformance…  chuyên cung cấp dịch vụ tin học đều đã hoạt động tại Ukraine từ nhiều năm qua.

Với 36.000 kỹ sư tin học tốt nghiệp hàng năm, tại Châu Âu, Ukraine được xem là 1 trong 5 nước được đánh giá cao nhất trong lĩnh vực này. Năm 2021 Ukraine "xuất khẩu" đến 6 tỷ euro các dịch vụ tin học cho các quốc gia khác trên thế giới ! Ngay những ngày đầu chiến tranh, phó thủ tướng Ukraine, Mikhailo Fedorov kiêm bộ trưởng bộ trưởng Bộ Công Nghệ Mới đã nói đến "mặt trận cyber", đến việc thành lập một "đội quân kháng chiến cyber" với nhiệm vụ "bảo vệ những cơ sở hạ tầng kỹ thuật" của Ukraine trước các đòn tấn công mạng từ phía Nga. Fedorov quả quyết "công nghệ có thể là một giải pháp chống xe tăng của Nga".

Kiev không chỉ trong thế thủ mà còn tung đòn tấn công nhằm "gây rối loạn các trang mạng chính thức của Nga, từ website của các cơ quan chính phủ, đến ngân hàng Nga và kể cả mạng xã hội của các quan chức hay truyền thông Nga".

Vậy chiến tranh thời đại kỹ thuật số đang diễn ra như thế nào ? Trả lời RFI Việt ngữ, Julien Nocetti, chuyên về địa chính trị và công nghệ mới thuộc trường đào tạo các sĩ quan của Pháp, Saint Cyr thận trọng cho rằng chưa thể định nghĩa một cách thấu đáo về thế nào là một cuộc chiến "cyber" nói chung và trong trường hợp của Ukraine hiện tại nói riêng, nhưng với những gì quan sát được tới thời điểm này, thì các công nghệ kết nối đã cho phép các bên liên quan đọ sức trên nhiều mặt khác nhau : 

Julien Nocetti : "Lo ngại về khả năng dùng các phương tiện công nghệ mới để tấn công thể hiện ở nhiều cấp độ khác nhau. Trước hết là những vụ phá hoại mạng cáp quang dưới lòng biển để đánh cắp các nguồn dữ liệu và thông tin. Điểm này rất là quan trọng trong thời đại công nghệ số hiện nay. Ở nấc thứ nhì, đó có thể là những vụ tấn công diễn ra trên không gian, thí dụ như là phá hoại hay làm nhiễu sóng vệ tinh. Thế rồi trên mặt đất, đối phương cũng có thể nhắm vào các cơ sở hạ tầng, các trang thiết bị viễn thông. Tất cả đều là những hành vi vừa nêu đều mang tính quân sự. Đó là chưa kể đến khả năng những đợt tấn công này vượt ngoài phạm vi lãnh thổ và quyền lợi của riêng Ukraine. Có nghĩa là phía Nga có thể nhắm vào những quyền lợi và cơ sở của Châu Âu hay Hoa Kỳ.

Các tập đoàn công nghệ cao nhập cuộc

Chiến tranh Ukraine cũng là lần đầu tiên, các tập đoàn công nghệ tin học nhập cuộc. Kiev chính thức cầu viện các hãng GAFA của Mỹ. Elon Musk, trực tiếp thách thức Vladimir Putin khi đứng về phía các Ukraine. Chủ nhân SpaceX đồng ý kết nối Ukraine vào hệ thống vệ tinh Starlink hòng bảo đảm quốc gia này không bị cắt internet. Trong thời chiến, đây là một sự "hỗ trợ quý giá" đối với thường dân Ukraine. Tuy nhiên theo các phương tiện truyền thông quốc tế, vệ tinh của SpaceX còn là một công cụ lợi hại giúp quân đội Ukraine xác định vị trí của các đoàn xe tăng Nga. Nhà tỷ phú người Mỹ này biết rõ, parabole của Starlink giờ đây trở thành "mục tiêu của quân đội Nga".

Julien Nocetti trường quân sự Saint Cyr đi sâu vào chi tiết về những công nghệ mới sử dụng trong xung đột Ukraine lần này

Julien Nocetti : "Những phương tiện công nghệ mới bao gồm từ drones, tức là thiết bị bay tự hành. Ukraine đã có một sự chuẩn bị khi mua drones của Thổ Nhĩ Kỳ. Kế tới là các mạng xã hội đã giúp cho Ukraine nhiều về mặt chiến lược. Thí dụ đã có những nhóm phân tích hình ảnh vệ tinh và hệ định vị để xác định được vị trí, xác định được đường đi nước bước của quân Nga. Điều này giúp cho Ukraine thông báo kịp thời cho dân đi trú bom, đồng thời đây cũng là phương tiện để Kiev báo động với cộng đồng quốc tế về những gì đang xảy ra trên lãnh thổ Ukraine. Phải nói đây là lần đầu tiên trong chiến tranh, đường đi nước bước của bên địch gần như là được biết rõ gần như là trực tiếp. Rõ ràng là các công nghệ mới đã trở thành một yếu tố trong những tính toán về chiến thuật nhất là của phía Ukraine".

Công nghệ mới, những phương tiện kết nối trong thời đại kỹ thuật số đang làm đảo lộn cả từ chiến lược phòng thủ đến chiến thuật tấn công, và nhìn rộng ra hơn là "cục diện chiến tranh". Chuyên gia về tin học và địa chính trị trường đào tạo sĩ quan của Pháp, Saint Cyr phân tích :

Julien Nocetti : "Cho đến hiện tại, xung đột Ukraine cho thấy các công nghệ mới và các hoạt động trong thế giới cyber đã bước sang một khúc quanh mới. Từ bốn đến sáu năm trước đây, phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, khi nói đến các hoạt động tin tặc nhất là trong lĩnh vực quân sự, người ta chú trọng nhiều vào thế tấn công. Nhưng càng lúc các bên càng tập trung vào thế thủ để nâng cao khả năng kháng cự trước vụ cyber attack. Các bên ý thức được rằng nâng cao khả bảo vệ các mạng liên lạc và viễn thông là một yếu tố trong chính sách phòng thủ quân sự.

Một bài học khác nữa là Ukraine đã chuẩn bị từ trước, tăng cường hợp tác với phương Tây để đối phó với các kịch bản bị tấn công về tin học, hay hệ thống viễn thông bị hư hại. Chính điều này cho phép Ukraine cầm cự được trong những tuần qua, thậm chí là theo dõi sát mỗi lần đội quân Nga di chuyển. Thế rồi trong những ngày đầu cuộc chiến, hình ảnh cả đoàn xe tăng, xe tải của quân Nga dậm chân tại chỗ, không tiến được xâu hơn vào Ukraine, đó cũng rất có thể do hệ thống liên lạc của Nga bị phá hoại. Đây sẽ là một trong những thách thức lớn nhất với tất cả những cuộc xung đột trong tương lai, đăc biệt là nếu như các đòn tấn công vượt ra ngoài phạm vi lãnh thổ Ukraine và nhắm đến một số cơ sở của Mỹ hay Châu Âu hoặc là ở bất kỳ nơi nào khoác trên thế giới. Cục diện chiến tranh khi đó sẽ thay đổi hoàn toàn".

Mạng xã hội bị "kẹt" vì chiến tranh

Cũng ông Nocetti lưu ý các tập đoàn công nghệ số của Mỹ "càng lúc càng đóng một vai trò quan trọng hơn" trong cuộc xung đột Ukraine. Kiev đã trực tiếp yêu cầu từ Google đến Twitter giúp đỡ. Moskva cấm cửa các công ty này và đưa từ Intagram đến Facebookvà danh sách đen các "đối tượng cực đoan"… Nhưng điều không tránh khỏi là các mạng xã hội bị cả Nga lẫn Ukraine khai thác trong công tác tuyên truyền.

Julien Nocetti : "Các tập đoàn công nghệ kỹ thuật số giờ đây là một yếu tố không thể tách rời trong xung đột Ukraine lần này và đây là một điểu hết sức mới. Trong đợt Ukraine bị xâm chiếm hồi 2014 chẳng hạn, các hãng tin học không đóng một vai trò quan trọng như lần này. Giờ đây phải nói là các tập đoàn như Google, Facebook hay Twitter "lên tuyến đầu", do vậy bản thân các hãng này của Mỹ bắt buộc phải kiểm soát tối thiểu những nội dung được đăng tải, phải phối hợp với chính phủ tránh để xảy ra những hậu quả tai hại".  

Chiến tranh và quyền lợi kinh tế

Nhưng cũng chưa bao giờ, trong một cuộc xung đột vũ trang, các tập đoàn tin học và công nghệ cao lại trả giá đắt như trong xung đột Nga-Ukraine và, hơn thế nữa, tác động từ "chảo lửa" này ảnh hưởng đến kinh tế toàn thế giới. Julien Nocetti trường Saint Cyr cho biết tiếp :

Julien Nocetti : "Về mặt kinh tế, đầu tiên hết là các biện pháp cấm vận của quốc tế ban hành trừng phạt Nga xâm chiếm Ukraine

vừa dồn dập vừa mạnh tay. Song song với các diễn biến quân sự trên hiện trường, xung đột này còn đem lại nhiều hậu quả về mặt địa chính trị và kinh tế. Trong thế giới toàn cầu hóa, các nền kinh tế lệ thuộc vào lẫn nhau, từ 2019 thế giới đã thiếu linh kiện bán dẫn. Chuỗi cung ứng toàn cầu lại càng có nguy cơ bị trật đường ray. Bởi như đã biết, Nga là một sản xuất và xuất khẩu hàng đầu thế giới về khí néon, về chất palladium. Có nhiều kim loại hiếm tập trung ở cả Nga lẫn Ukraine. Trong những tháng tới, thậm chĩ là những năm tới, hệ thống sản xuất của toàn cầu sẽ bị xáo trộn khi mà một số mắt xích trong chuỗi cung ứng của thế giới đang được đặt ở Đông Âu".

Báo chí nói nhiều đến khái niệm "cyberwarfare" trong xung đột Ukraine do các đợt tấn công trên mạng dồn dập nhắm vào các cơ quan chính thức của hai phe, do các chiến dịch tuyên truyền và thông tin sai lạc cả từ phía Moskva lẫn Kiev để hù doạ, hay làm lung lạc đối phương.

Sau bốn tuần lễ chiến tranh, nhà nghiên cứu Rayna Stamboliyska chuyên về an ninh mạng và chính sách ngoại giao thời đại kỹ thuật số thận trọng cho rằng kịch bản dùng công nghệ kết nối – trên bộ, dưới lòng đại dương, hay trên không gian, để thay thế các đội binh truyền thống là viển vông. Trước mắt các toán tin tặc chỉ đóng một vai trò "bổ sung" cho quân đội chính quy. Dù vậy các "đội quân IT" có rất nhiều công cụ trong tay để can thiệp.

Điểm thứ ba được nhà quân sát này lưu ý đó là trong một cuộc xung đột thời đại kỹ thuật số, các bên liên quan có thể là "một Nhà nước" hay một yếu tố "không thuộc về Nhà nước", thí dụ như tổ chức Anonymous tuyên chiến với Nga để bảo vệ Ukraine nhưng Anonymous là một chiếc hộp đen, gồm những thành phần nào, đó vẫn hoàn toàn là một ẩn số mà ngay cả giới trong ngành cũng không biết rõ dụng ý tốt hay xấu của những người lính cyber đó.

Một điểm được Julien Nocetti, trường quân sự Pháp Saint Cyr ghi nhận là Ukraine đã có một sự chuẩn bị khá tốt để đối phó với các đợt tấn công cyber. Công nghệ kết nối là tai mắt của các nhà quân sự trước mỗi cuộc hành quân.

Câu hỏi còn lại là liệu rằng những tập đoàn như Meta, công ty mẹ của Facebook hay Microsoft… bên cạnh các mục tiêu về kinh tế, có sẵn sàng đóng vai trò hàng đầu trong các hoạt động về quân sự hay không ?  

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 22/03/2022

************************

Tổng thống Mỹ kêu gọi các công ty tự bảo vệ trước các cuộc tấn công mạng của Nga

Phan Minh, RFI, 22/03/2022

Trong một thông cáo báo chí, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm 21/03/2022 đã kêu gọi các công ty Mỹ tự bảo vệ, chống lại các cuộc tấn công mạng mà Nga có thể tiến hành để trả đũa các trừng phạt của phương Tây nhắm vào Moskva do xâm lăng Ukraine.

cyber2

Trước trụ sở Bộ Chỉ huy mạng Hoa Kỳ tại Fort Meade, bang Maryland, Hoa Kỳ, 06/06/2013.  AP - Patrick Semansky

Từ Miami, thông tín viên David Thomson cho biết thêm :

Joe Biden nói với các công ty Mỹ rằng tự bảo vệ mình tốt hơn trước các cuộc tấn công mạng của điện Kremlin là một "nghĩa vụ yêu nước". "Nga có thể đang chuẩn bị hành động chống lại chúng ta, nước này có nguồn lực tin tặc đáng kể, nên điều này sẽ xảy ra", tổng thống Mỹ cảnh báo.

Đây không phải là một mối đe dọa mới nhưng cảnh báo mới này được đưa ra sau các lệnh trừng phạt quốc tế nhắm vào Nga. Nhà Trắng cho biết rằng dữ liệu của các cơ quan tình báo liên tục thay đổi : những cuộc tấn công mạng này nhằm gieo rắc sự hỗn loạn trong cuộc sống hàng ngày và là một phần trong cẩm nang chiến lược của Nga. Và các cuộc tấn công này chủ yếu nhắm vào cơ sở hạ tầng quan trọng chủ yếu do tư nhân vận hành.

Năm ngoái, Washington tố cáo các tin tặc có liên quan đến điện Kremlin dính líu đến một số cuộc tấn công tống tiền trên mạng : cuộc tấn công nhắm vào công ty Colonial Pipeline đã làm cho đường ống dẫn dầu lửa lớn nhất nước phải ngưng hoạt động hoặc cuộc tấn công chống tập đoàn sản xuất thịt JBS đã gây ra việc đóng cửa các lò mổ lớn và mỗi lần như vậy thì đều phải trả cho các tin tặc vài triệu đô la tiền chuộc.

Phan Minh

Nguồn : RFI, 22/03/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Julien Nocetti, Thanh Hà, Phan Minh
Read 365 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)