Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/03/2022

Bế tắc ở đầu não : không soạn được văn kiện Đại hội đảng

RFA tiếng Việt

Sao chép Văn kiện đại hội đảng làm chương trình hoạt động : bế tắc về đường lối ?

RFA, 26/02/2022

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ vào ngày 25/2 đưa ra lưu ý cần tránh tình trạng chương trình công tác sao chép lại Nghị quyết Đại hội. Phát biểu được đưa ra khi ông Huệ tham gia Hội nghị Thường trực Thành ủy Hà Nội cho ý kiến sâu về tình hình xây dựng dự thảo 2 chương trình công tác để chuẩn bị trình Ban Thường vụ Thành ủy cho ý kiến.

vankien1

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị 25/2/2021. dangcongsan.vn

Hai chương trình công tác được bàn luận bao gồm : Chương trình số 2 về "Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững giai đoạn 2021-2025" và Chương trình số 9 về "Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025".

Trao đổi với RFA tối 26/2, ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban dân vận Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, nêu lên thực tế về tình trạng sao chép mà ông Vương Đình Huệ nhắc đến như sau :

"Lâu nay họ tìm cách nói y chang nghị quyết đại hội để tránh việc sợ người ta quy kết không hiểu, nói trái, nói sai. Vì né tránh cái đấy nên sao chép nhưng hành xử tùy tiện. Đấy là tình trạng lâu nay vẫn diễn ra".

Từ Sài Gòn, Nhà báo độc lập, Blogger Nguyễn Ngọc Già cho rằng có xung đột lớn giữa việc sao chép và không sao chép trong phát biểu của ông Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ :

"Nghị quyết của Đại hội Đảng là cái quan trọng nhất nên nếu sao chép thì sẽ đi đúng đường lối của đảng, như vậy sẽ biến những người cộng sản trở thành những cỗ máy, có nghĩa là bóp chết sự sáng tạo, từ đó bóp chết tự do. Như vậy tự do không có, trong đó tự do tư tưởng là quan trọng nhất để tạo nên tự do sáng tạo, đó là nền tảng cho phát triển xã hội.

Bây giờ bảo không sao chép là đi trật lại đường lối của Đảng, như vậy rất nguy hiểm cho sinh mạng chính trị của người thừa hành và cũng rất nguy hiểm cho sự tồn vong của chế độ độc đảng toàn trị".

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già khẳng định việc ông Vương Đình Huệ bảo không sao chép là yêu cầu bất khả thi.

"Yêu cầu của ông Vương Đình Huệ không những bỏ qua tất cả quy luật xã hội, các lý thuyết khoa học về quản trị mà thế giới đang sử dụng, đặc biệt là bỏ qua vấn đề quan trọng nhất là luật pháp".

Giải thích vì sao lại có tình trạng các cơ quan sao chép Nghị quyết Đại hội, ông Nguyễn Khắc Mai lập luận :

"Có thể nói phần lớn họ không hiểu tư tưởng của đại hội và họ làm theo kinh nghiệm mà họ có, tức kinh nghiệm thực dụng của họ chứ không thể vận dụng được cái gì là đổi mới.

Ngay cả Hội đồng lý luận là cơ quan phải diễn đạt cho đúng, cho chính xác tư duy của đại hội cũng lúng túng và cũng lặp đi lặp lại như vẹt chứ không có ý tứ gì mới để làm rõ ra những quan điểm, nội dung của đại hội".

Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13 diễn ra từ 26/1-1/2/2021 vừa qua nhằm thảo luận thông qua các văn kiện, thảo luận về nhân sự và bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.

Trong đó, Đại hội đã thông qua năm văn kiện được đánh giá quan trọng bao gồm báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng ; báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm (2011 - 2021), xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm (2021 - 2030) ; báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2016 - 2020) và phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2021 - 2025) ; báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII ; báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, trình Đại hội XIII.

Theo ông Nguyễn Khắc Mai, phía Thành ủy tiếp nhận tư tưởng, quan điểm của đại hội thế nào cũng phải làm cho rõ phải làm thế nào, làm những việc gì, tập trung việc gì, việc gì trước, việc gì sau, việc gì lớn, việc gì quan trọng nhất… từ đó phải xác nhận tiến hành.

"Nó (Thành ủy) không xác định được thì làm sao yêu cầu cấp dưới, các cấp đừng sao chép được".

Theo tin được truyền thông Nhà nước Việt Nam đăng tải, ông Vương Đình Huệ trong ngày 25/2 còn cho rằng nội dung chương trình phải có ý nghĩa như một chương trình hành động, trong đó xác định cụ thể nhiệm vụ từng tháng, từng quý, từng năm.

Bên cạnh đó, phải nêu rõ nội hàm công việc, ai chủ trì, ai phối hợp, khi nào bắt đầu, khi nào kết thúc.

Ông Nguyễn Khắc Mai cho rằng để có thể thực hiện được những yêu cầu mà ông Vương Đình Huệ đưa ra, cần phải có thay đổi từ cấp cao hơn, chứ không riêng từ các cơ quan cấp dưới. Ông nhận định :

"Thành ủy phải có một chương trình hành động sau đại hội phải làm việc gì. Khi đã có chương trình và được phê duyệt tức trở thành pháp lệnh, có tính chất pháp luật của nhà nước. Hội đồng Nhân dân phải làm, Ủy ban Hành chính, Ủy ban Nhân dân phải làm mới áp dụng những chương trình phải làm gì.

Không có chương trình, kế hoạch thì đòi hỏi cấp dưới phải sáng tạo và cụ thể thì làm thế nào được ? Cho nên là nói ngược, nói như thế là cách đặt vấn đề tào lao, đặt ra một câu đố khó cho cấp dưới".

Ông Nguyễn Khắc Mai nêu lên thực tế hiện nay tại Việt Nam là khi lãnh đạo lúng túng, không tìm thấy được một công việc thiết thực, cụ thể thì đổ dồn cho cấp dưới, yêu cầu cấp dưới thì cấp dưới làm sao có đủ sức thực hiện việc cấp trên đang lúng túng ?

Nguồn : RFA, 26/02/2022

**********************

Cần thay đổi thể chế hay lãnh đạo chấp nhận chuyển giao quyền lực ?

RFA, 21/03/2022

Hội nghị Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 5 - khóa XIII dự kiến diễn ra vào tháng 5 năm 2022. Hiện vấn đề thay đổi nhân sự lãnh đạo đã được dư luận mạng xã hội bàn tán, đặc biệt là liệu Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam - ông Nguyễn Phú Trọng sẽ chấp nhận từ chức và chuyển giao quyền lực ?

vankien2

Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội năm 2021. AFP.

Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, khi trả lời RFA từ Sài Gòn hôm 21/3, nhận định :

"Tôi tin rằng Hội nghị Trung ương 5 về nhân sự thì khả năng rất cao ông Nguyễn Phú Trọng sẽ chuyển giao quyền lực. Bởi vì các lý do mà người dân thấy rất rõ, thứ nhất là vấn đề tuổi tác và sức khỏe. Thứ hai là chủ trương ‘đốt lò’ của ổng cũng thành công ở mức độ nhất định tối thiểu... Thứ ba là tính văn hóa nông nghiệp vẫn đậm đặc trong mô hình tổ chức của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam từ trước đến giờ... Đó là vấn đề phân biệt vùng miền vẫn rất rõ ràng. Ông Nguyễn Phú Trọng cũng từng tuyên bố mà ai cũng biết, đó là ‘người bắc có lý luận’... để nắm chức vụ Tổng Bí thư".

Tuy nhiên nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng, trong tình hình hiện nay thì vai trò của ông Nguyễn Phú Trọng đã chấm dứt. Đặt biệt cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đang diễn ra rất dữ dội... thì Việt Nam cũng cần một người vừa bảo đảm về đối nội, nhưng cũng vừa bảo đảm đối ngoại. Ông Nguyễn Ngọc Già nói tiếp :

"Vì vậy tôi tin rằng vai trò của ông Trọng đã chấm dứt và ổng sẽ chuyển giao quyền lực. Và tôi nghĩ rằng, để mà chuyển giao quyền lực, thì tôi chọn một trong hai người có thể nắm chức Tổng Bí thư, một là ông Nguyễn Xuân Phúc, hai là ông Vương Đình Huệ. Tuy nhiên giữa ông Phúc và ông Huệ thì tôi cân nhắc và nghĩ rằng ông Nguyễn Xuân Phúc thích hợp hơn trong thời điểm hiện nay. Bởi vì ông Phúc là Chú tịch nước, bây giờ cần nắm luôn chức Tổng Bí thư để đảm bảo cả đối nội và đối ngoại".

Vào ngày 31 tháng 1 năm 2021, ông Nguyễn Phú Trọng đã chính thức tái đắc cử chức vụ Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp tại Đại hội lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam.

Để tiếp tục giữ chức Tổng Bí thư lần thứ ba, ông Trọng đã có ngoại lệ đặc biệt đối với quy định tuổi cho lãnh đạo cấp cao. Dư luận khi đó đặt câu hỏi, liệu ông có làm hết nhiệm kỳ kéo dài năm năm hay không ? Nhiều người còn cho rằng, có thể có một thỏa thuận ngầm là nếu có người thay thề được đồng thuận, thì ông sẽ nghỉ trước khi hết nhiệm kỳ.

Liệu ông Trọng sẽ ‘tham quyền cố vị’ hay chấp nhận từ chức ? Trao đổi với RFA tối ngày 21/3 từ Hà Nội, Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho rằng, chuyện ‘tham quyền cố vị’ trong giới lãnh đạo Việt Nam là có :

"Các ông ấy là có ‘tham quyền cố vị’... tại vì người ta không ‘tham quyền cố vị’ khi người ta có tài năng thật sự, làm việc thật sự... chứ mấy ông hiện nay thì ông nhiều, ông ít... Nhưng tôi thì nhận xét đều ‘tham quyền cố vị’ cả. Vì nếu không ‘tham quyền cố vị’ thì khi làm việc gì sai trái rõ ràng quá thì phải từ chức. Ở Việt Nam trước đây có một hai ông gì đấy như Bộ trường Bộ Nông nghiệp Lê Huy Ngọ có từ chức... Còn những ông sau này chả thấy ông nào từ chức cả, mà tìm cách giữ chặt thôi. Thành ra chuyện ‘tham quyền cố vị’ của giới lãnh đạo Việt Nam là có, nhiều hay ít thôi".

Theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, người có tài năng thật sự thì cần quyền, cần vị là đúng. Những người có tư tưởng thật sự họ muốn có quyền để thực hiện tư tưởng của họ, những người đó rất cẩn quyền lực, rất cần quyền vị... Nhưng Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho rằng, ở Việt Nam không có hiện tượng như vậy.

Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương, khi trả lời RFA từ Hà Nội hôm 21/3 thì cho rằng vấn đề không phải là thay đổi nhân sự lãnh đạo Đảng mà phải thay đổi thể chế... hay ít nhất là phương thức lãnh đạo của Đảng :

"Hiện nay đang có vấn đề về phương thức giữa sự hoạt động của đảng với chính quyền, Đảng với các cơ quan quyền lực khác như Quốc Hội, Đảng với Chủ tịch nước... đều đang trục trặc. Nó sẽ tạo ra sự không thuận lợi cho hoạt động của chính quyền, cũng như hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung. Không phải là vấn đề là một người trẻ nào thay ông Trọng, mà vấn đề là phải thay đổi phương thức. Ít ra là thay đổi phương thức, khi chưa thay đổi được thể chế một cách đàng hoàng, thật sự là tam quyền phân lập... Đấy mới là vấn đề lớn, chứ còn nhân sự thì tôi nghĩ rằng nếu thay người này, người kia... mà phương thức không thay, thì cũng chả giải quyết được vấn đề gì".

Dư luận cho rằng, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam không nên cho phép những người quá tuổi tại vị quá lâu, mà nên chuyển giao thế hệ, tìm nhân sự phù hợp sự phát triển của Việt Nam... còn những lãnh đạo lão thành nhiều kinh nghiệm vẫn có thể làm cố vấn, trợ giúp những lãnh đạo trẻ đương nhiệm.

Nhà báo Lê Trung Khoa, chủ bút trang Thoibao.de khi trả lời Đài Á Châu Tự Do trước đây cho rằng, lòng tham của những người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam thì rất vô cùng, nhất là về tham nhũng quyền lực. Nó loại gần 100 triệu người dân ra khỏi việc điều hành đất nước, chỉ có một nhóm nhỏ trong Đảng nắm quyền lực và tham nhũng quyền lực.

Nguồn : RFA, 21/03/2022

**********************

‘Khát vọng Việt Nam’ trong văn kiện Đại hội Đảng 13 nói lên được gì ?

RFA, 10/03/2022

"Lần đầu tiên khát vọng Việt Nam được đưa vào văn kiện Đại hội Đảng. Cần phải khơi dậy và nuôi dưỡng khát vọng, tạo thành sức mạnh tinh thần cho đất nước bứt phá vươn lên, sức mạnh đó không kém gì sức mạnh của cải vật chất".

vankien3

Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội hôm 26/1/2021. AFP PHOTO

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông phát biểu như vừa nêu và được truyền thông nhà nước Việt Nam đăng tải hôm 10/3/2021.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể, khi trả lời RFA từ Hà Nội hôm 10/3, nói :

"Thực sự trong khi xây dựng một quốc gia, những khát vọng như thế, là có thể rất là quan trọng. Nếu hiểu một quốc gia gồm có lãnh thổ, dân cư, có chính quyền, rồi có những dự án quốc gia... thì những dự án này có thể là xây dựng những cái có thể sờ mó được như tượng đài, đường giao thông... Nhưng về mặt tinh thần, ở tầng văn hóa, thì những việc nêu lên khát vọng thật sự là sự thao túng tư duy của con người. Nó có thể đóng vai trò rất quan trọng, khi mà có rất rất nhiều người tin vào chuyện đấy, hàng triệu người lúc đó trở thành sức mạnh tập thể để cùng làm việc. Tôi nghĩ những kiểu như thế là những cái rất quan trọng để xây dựng một cái gì đấy. Mình chưa nói kết sẽ là tốt hay xấu, nhưng những nhân tố khiến cho rất nhiều người tin nên làm như thế, thì nó cũng giống hệt như tôn giáo, người ta tạo ra niềm tin. Tôi nghĩ cái ý đồ của họ cũng là phạm trù như tôi vừa giải thích".

Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông - Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, phương Tây phát triển dựa trên sự hoài nghi, còn xã hội Châu Á ngược lại, phát triển dựa trên niềm tin, niềm tin vào chế độ, vào lãnh đạo... để có khát vọng đưa đất nước phát triển. Ông Hùng dẫn chứng cho rằng kỳ tích chống dịch Covid-19 của người Việt Nam đã chứng minh điều ông vừa nói.

Tuy nhiên trên thực tế, ‘khát vọng Việt Nam’ liệu có phải chỉ là thành tích chống dịch Covid-19 ? Giới trẻ Việt Nam nghĩ gì về khát vọng này ?

Trả lời RFA hôm 10/3 từ Sài Gòn, bạn trẻ Đăng Quang cho biết ý kiến của mình :

"Họ kêu gọi khơi dậy khát vọng Việt Nam theo em nghĩ là về kinh tế, văn hóa, giáo dục... nhưng cốt lõi là họ vẫn giữ độc tôn về lĩnh vực chính trị. Tức là giới trẻ có khát vọng đi làm xây dựng kinh tế, còn riêng về chính trị thì vẫn độc quyền họ làm thôi. Ví dụ đối với giới trẻ mà không quan tâm chính trị, không ý thức được quyền làm chủ của mình thì mấy bạn sẽ theo hướng tích cực. Còn theo riêng em thì khát vọng Việt Nam duy nhất vẫn là khát vọng quyền làm chủ của nhân dân. Từ xưa đến giờ quyền làm chủ của người dân chưa được hiện thực lúc nào, người Việt Nam chưa được làm chủ về đất đai, chưa làm chủ về pháp luật, chính quyền... hay không có quyền phế truất chính phủ khi hoạt động không hiệu quả. Tức những quyền cơ bản nhất của nhân dân vẫn chưa được hiện thực".

Báo cáo nghiên cứu thế hệ trẻ Việt Nam được Hội đồng Anh công bố tháng 8 năm 2020 cho thấy có đến 70% người Việt Nam trong độ tuổi từ 16 đến 30 cho biết an ninh lương thực và ổn định nghề nghiệp là mối quan tâm hàng đầu của họ. Trong khi đó các vấn đề thời sự trong nước dường như không gây được nhiều hứng thú trong giới trẻ. Chỉ 26% tỏ ra quan tâm đến công cuộc chống tham nhũng đang diễn ra, vốn là chủ đề nóng ở Việt Nam trong những năm gần đây. Cuộc khảo sát cũng cho thấy tỷ lệ thanh niên quan tâm đến hòa bình, công lý và các thể chế vững mạnh chỉ là 14%.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khi nói với báo chí còn khẳng định rằng, báo chí cách mạng phải là nơi lan tỏa năng lượng tích cực, phản ánh được dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, để từ đó tạo được sự đồng thuận xã hội, tạo ra niềm tin và khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng.

Tuy nhiên Nhà báo Quang Hữu Minh, khi trả lời RFA hôm 10/3 từ Việt Nam cho rằng, báo chí không có tự do thì không thể có sự đồng thuận để khơi dậy khát vọng Việt Nam. Muốn có khát vọng, phải làm sao để có được niềm tin của người dân, để người dân có động lực cống hiến xây dựng đất nước :

"Ở đây có hai vấn đề, năm nay khát vọng Việt Nam đưa vào nghị quyết trung ương tương tự như khát vọng Trung Quốc là vấn đề thứ nhất. Nghị quyết của Đại hội lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng có vấn đề khát vọng Trung Quốc, đưa nước này lên hàng đầu thế giới ngang hàng với Mỹ. Vấn đề thứ hai, khát vọng Việt Nam bây giờ lẫn giới trẻ và người dân ai cũng có, nhưng người ta chán ngán vì đất nước không có pháp luật, dẫn tới người ta mất niềm tin nơi chế độ. Bây giờ muốn có tự do báo chí thì phải có tự do và phát triển trước đã. Muốn có khát vọng, phải có pháp trị để phục hồi niềm tin của dân, để người ta có động lực cống hiến xây dựng đất nước".

Trong khi người nông dân đang còn gặp phải những khó khăn như hạn hán, xâm nhập mặn... thì vào ngày 28/9/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc gặp đối thoại với 300 nông dân được cho là xuất sắc, tiêu biểu đại diện cho khoảng 14 triệu hộ nông dân của Việt Nam lại cho rằng ‘Xây dựng Việt Nam hùng cường là khát vọng của người nông dân’...

Trả lời RFA khi đó, một người trồng lúa ở Cần Thơ cho rằng, khát vọng lớn nhất của nông dân hiện nay là làm sao nhà nước Việt Nam nói với Trung Quốc mở cửa đập trên thượng nguồn, cho có nước cho dân cày cấy... chứ để khô hạn, xâm nhập mặn thì cây vườn chết hết thì đâu có làm ăn kinh tế gì được. Ông cho biết, nhà nước không có hướng hỗ trợ gì nhiều như đào kênh, chứa nước ngọt... mà dù có chứa thì theo ông cũng chỉ dùng tạm chứ không sử dụng trọn vẹn mùa khô được.

Trở lại với việc lần đầu tiên ‘khát vọng Việt Nam’ được đưa vào văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ truởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương, khi trả lời RFA hôm 10/3 từ Hà Nội nhận định :

"Họ cũng có một chút khôn ngoan, họ đã nhận ra một cách lờ mờ, có ba vấn đề họ cho là đột phá để thực hiện khát vọng Việt Nam. Thật ra khát vọng Việt Nam có từ đầu thế kỷ 20, khát vọng của những nhà Nho tân tiến, của Đông kinh Nghĩa thục, của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh... rất lớn. Còn bây giờ họ cứ nhăm nhăm đem một chủ thuyết ngoại lai vớ vẩn vào và quên đi những tư duy rất tốt đẹp, lành mạnh, khát vọng rất đẹp đẽ và có lý. Có thể nói khi họ đặt khát vọng Việt Nam vào văn kiện đảng thì họ đã đặt mình lạc hậu so với dân tộc 100 năm. Bây giờ họ mới nói cái này thì quá trễ và quá lạc hậu. Thế thì bây giờ phải gấp rút, nhưng gấp không phải là sống gấp như họ, là chụp giật, cướp bóc, bắn giết để tranh giành quyền lực, giữ lợi ích phe nhóm... Mà phải gấp rút tạo ra những tiền đề, những điều kiện, để thực hiện khát vọng này".

Theo ông Nguyễn Khắc Mai, Đảng Cộng sản Việt Nam nếu không giải đáp được vấn đề khát vọng này cho dân tộc, thì họ không còn tính chính danh hay chính nhĩa gì nữa và họ nên lùi đi... để cho dân tộc tự tìm lấy người cầm lái mới, thuê thuyền trưởng mới... Chứ người thuyền trưởng hiện nay theo ông Nguyễn Khắc Mai là hèn kém và tham lam...

Nguồn : RFA, 10/03/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 428 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)