Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/03/2022

Chọn lựa của Việt Nam trong cuộc chiến Nga - Ukraine

Diễm Thi - RFA tiếng Việt

Việt Nam tiếp tục bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết mới của Liên Hiệp Quốc về cuộc chiến của Nga ở Ukraine

RFA, 25/03/2022

Hôm 24/3, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (Liên Hiệp Quốc) thông qua một nghị quyết yêu cầu Nga lập tức ngừng gây chiến ở Ukraine, kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường viện trợ nhân đạo cho người dân nước này, đồng thời chỉ trích Nga đã gây ra một tình huống nhân đạo "thảm khốc" khi xâm lược nước láng giềng đúng một tháng trước đó.

chonlua1

Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu thông qua nghị quyết mới về cuộc chiến của Nga ở Ukraine hôm 24/3/2022 - Reuters

Theo AFP, Nghị quyết yêu cầu bảo vệ thường dân ở Ukraine và cho phép cứu trợ nhân đạo nhận được 140 phiếu ủng hộ, năm phiếu chống của Nga, Syria, Triều Tiên, Eritrea và Belarus và 38 quốc gia bỏ phiếu trắng.

Việt Nam tiếp tục bỏ phiếu trắng trong nghị quyết lần này như đã làm ở lần bỏ phiếu ngày 2/3 đối với nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lên án Nga xâm lược Ukraine và kêu gọi rút quân ngay lập tức..

Các tờ báo nhà nước Việt Nam như Tuổi trẻ, VTV... đưa tin về sự kiện bỏ phiếu hôm 24/3 nhưng không hề nhắc đến lá phiếu trắng của Việt Nam.

Việt Nam từ trước đến nay vẫn duy trì quan điểm trung lập về cuộc chiến giữa Nga và Ukraine mặc dù Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc đã có bài phát biểu chính thức  hồi đầu tháng khẳng định việc tuân thủ các nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc.

Báo chí Nhà nước Việt Nam ngay từ đầu cuộc chiến đến nay vẫn không sử dụng từ xâm lược đối với cuộc chiến mà gọi là chiến dịch đặc biệt theo cách dùng từ của chính quyền Nga.

Nguồn : RFA, 25/03/2022

************************

Quan điểm của Việt Nam về cuộc chiến Nga - Ukraine có đổi ?

Diễm Thi, RFA, 21/03/2022

Cuộc chiến do Nga tấn công sang lãnh thổ Ukraine bắt đầu từ ngày 24 tháng 2 đến nay đã gần một tháng. Truyền thông Nhà nước Việt Nam được cho là đã chuyển từ ủng hộ Nga tuyệt đối sang trung dung vì lo ngại những bất lợi sau này.

chonlua2

Các nhân viên cứu hỏa Ukraine đang dập lửa ở trung tâm mua sắm ở Kiev sau cuộc pháo kích của Nga hôm 21 tháng 3 năm 2022. AFP

Hôm 16 tháng 3 năm 2022, trang VietTimes phỏng vấn cựu Cục trưởng Thông tin Đối ngoại, Bộ Thông tin và truyền thông Việt Nam , ông Lê Nghiêm, về chiến sự Ukraine - Nga. Ông Lê Nghiêm nêu quan điểm của bản thân : "Cuộc chiến ở Ukraine được gọi bằng những cái tên khác nhau như xung đột vũ trang, chiến dịch quân sự đặc biệt, chiến tranh... Theo các chuyên gia luật pháp quốc tế, dựa trên định nghĩa của Liên Hiệp Quốc và Luật Quốc phòng Việt Nam, thì điều này chưa đúng… Việc Nga tấn công Ukraine bằng vũ lực vào lãnh thổ của Ukraine không thể viện dẫn quyền tự vệ chính đáng theo điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Muốn viện dẫn quyền tự vệ phải có một cuộc tấn công vũ lực (Armed attack), trong khi Ukraine chưa hề tấn công vào lãnh thổ nước Nga". 

Chỉ trước đó một tuần, tờ Sputnik đăng cuộc phỏng vấn với Đại tá Lê Thế Mẫu - chuyên gia quan hệ chính trị quốc tế, nguyên Trưởng phòng Thông tin - Khoa học quân sự thuộc Viện Chiến lược quân sự, Bộ Quốc Phòng. Đại tá Mẫu khẳng định : "Theo tôi, mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine là nhằm phi quân sự hóa và phi phát xít hóa chính quyền Kiev. Trên cơ sở đó, chặn đứng thảm họa thanh sát sắc tộc đối với người dân Ukraine gốc Nga và người Nga đã từng diễn ra trong tám năm qua kể từ cuộc đảo chính vi hiến trong tháng 2/2014… Hiện nay, Nga đang tiêu diệt chủ nghĩa phát xít mới đang trỗi dậy ở Ukraine để đưa thế giới thoát khỏi hiểm họa một cuộc chiến tranh thế giới mới ở Châu Âu". 

Kể từ khi Nga đem quân xâm lược Ukraine vào rạng sáng 24 tháng 2 năm 2022, chưa bao giờ báo chí Nhà nước Việt Nam gọi khác đi cụm từ "Chiến dịch quân sự đặc biệt" để nói về cuộc chiến này. Mấy ngày sau đó, một số tướng lĩnh về hưu phát biểu trên báo chí chính thống hay trên mạng xã hội đều đứng về phía Nga. Ví dụ như Phó Giáo sư Tiến sĩ Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học, Bộ Công an trả lời báo Nghệ An hôm 28 tháng 2 năm 2022 rằng : "Tổng thống Putin đã tuyên bố : Thứ nhất, Nga không xâm lược, không cướp đất của Ukraine ; Thứ hai, Nga không đánh vào dân thường Ukraine vì người Ukraine và người Nga cùng một chủng tộc, chung tổ tiên, dòng máu. Tôi tin tuyên bố ấy là đúng mức và ông Putin sẽ làm như vậy". 

Cùng ngày, Trung tướng Nguyễn Đức Hải, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng phân tích trên báo Pháp Luật : "Người đứng đầu nước Nga nhấn mạnh : Đây là chiến dịch quân sự đặc biệt để bảo vệ người Ukraine nói tiếng Nga, và là hành động can thiệp tự vệ, không phải tiến công xâm lược". 

Tuy nhiên đến nay theo một số nhà quan sát tình hình chính trị trong nước thì Chính phủ Việt Nam ít nhiều đã ‘đổi chiều’ trong cách nói về cuộc chiến tranh Ukraine - Nga hiện nay. Trung tá Quân đội Đinh Đức Long nêu những lý do mà theo ông, Việt Nam buộc phải thay đổi, ít nhất về mặt truyền thông - qua ứng dụng Facebook Messenger :

"Đó là sự thật Nga xâm lược Ukraine. Về luật pháp và thực tế lịch sử không thể nào bênh vực được. Dư luận trong nước, quốc tế lên án lá phiếu trắng của Việt Nam vừa rồi. Tương lai thì Việt Nam biết chỉ có thể dựa vào Phương Tây thôi, không chơi được với độc tài Putin, Tập Cận Bình. Việt Nam không muốn chìm xuồng về kinh tế với Nga sau vụ cấm vận Nga chưa từng có trong lịch sử này".

chonlua3

Một trung tâm mua sắm ở Kiev sau cuộc pháo kích của Nga hôm 21 tháng 3 năm 2022. AFP

Thạc sĩ luật Hoàng Việt nhận định : 

"Lúc đầu họ cho thấy truyền thống ở Việt Nam, đặc biệt những người học tập ở Liên Xô về, có tình cảm với nước Nga và họ cho rằng Nga là nối dài của Liên Xô cho nên họ ủng hộ Nga bằng được. Nhưng càng về sau, thứ nhất là người ta nhìn ra được cái nguy hiểm và tính chất phi nghĩa trong hành động xâm lược của Nga nên họ thay đổi thái độ. Thứ hai là ngay cả quan điểm của phía Việt Nam, các cơ quan cũng ra sức lên tiếng nên cũng khiến cho có sự thay đổi.

Quan điểm của Việt Nam là trung lập và không được làm gì ảnh hưởng tới trường hợp Việt Nam. Điều đó cũng tác động phần nào đến sự thay đổi". 

Thạc sĩ Hoàng Việt giải thích thêm, câu chuyện Việt Nam ở bên cạnh một cường quốc như Trung Quốc cũng giống như câu chuyện Ukraine bên cạnh nước Nga vậy. Nếu việc Nga đường hoàng xâm lược Ukraine mà không bị lên án thì sau này Trung Quốc cũng có thể làm điều đó với Việt Nam. Ngoài ra, việc công nhận hai vùng Donetsk và Luhansk ly khai ở miền đông Ukraine là cộng hòa độc lập, phía Việt Nam đưa quan điểm rất rõ ràng là chỉ gọi hai lãnh thổ ly khai. Việt Nam cũng lo sợ một ngày ‘đẹp trời’ nào đó người ta cũng sử dụng cách tương tự đối với Việt Nam, nên Việt Nam muốn dựa vào luật pháp quốc tế để bảo vệ mình. 

Hôm 2 tháng 3 năm 2022, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết lên án Nga xâm lược Ukraine, đồng thời kêu gọi Nga phải rút quân ngay lập tức. Nghị quyết được thông qua với 141 phiếu tán thành trong tổng số 193 phiếu. Việt Nam, Cuba, Venezuela, và Trung Quốc nằm trong số 35 nước bỏ phiếu trắng. Năm nước bỏ phiếu chống bao gồm Nga, Belarus, Bắc Hàn, Eritrea và Syria. 

Trước đó, tại phiên họp khẩn cấp lần thứ 11 từ ngày 28 tháng 2 đến 2 tháng 3 để thảo luận về tình hình Ukraine, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc bày tỏ lo ngại về tình hình xung đột vũ trang hiện nay ở Ukraine, một quốc gia thành viên có chủ quyền của Liên Hiệp Quốc ; kêu gọi các bên liên quan giảm leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại và đàm phán.

Nhà báo độc lập Nguyễn Khắc Toàn cho rằng, Việt Nam đứng ở thế khó xử trong cuộc chiến này, tuy nhiên : 

"Lúc đầu phải nói rằng truyền thông chính thống của Nhà nước như TV, báo, đài nói chung là họ đứng về phía Nga và cũng đi theo đường Trung Quốc, nghĩa là can gián cả hai bên.

Tuy nhiên, họ cũng ngại số phận mình giống Ukraine hiện nay khi đứng trước cường quyền Trung Quốc đã từng mở cuộc xâm lược lên sáu tỉnh biên giới phía Bắc cách đây 43 năm, đồng thời liên tục những năm gần đây leo thang gây hấn ở Biển Đông cho nên họ cũng rất ngại. Họ cũng tính rằng nếu bây giờ ủng hộ Nga một cách trắng trợn quá thì nay mai, Trung Quốc lại dùng đường lối độc tài, cường quyền ấy thì ai sẽ bênh vực mình. Cho nên họ có chính sách của họ nó nhiều mặt lắm. Một mặt Chính phủ nói nước đôi nước ba, một mặt cho an ninh, dư luận viên ngày đêm chứng minh cuộc chiến tranh xâm lược của Nga là chính nghĩa và Ukraine phải chịu đòn trừng phạt đích đáng".

Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Ukraine ngày 23 tháng 1 năm 1992 và lập Đại sứ quán tại Kiev. Tháng 3 năm 2011, hai nước ký tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác và Hợp tác toàn diện. Trong khi đó, Liên Xô cũ, tức là Liên bang Nga ngày nay từng là đồng minh ý thức hệ với Nhà nước Việt Nam. Họ cũng giúp Việt Nam rất nhiều trong những cuộc chiến tranh trước đây.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 21/03/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt, Diễm Thi
Read 241 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)