Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

21/03/2022

Trật tự thế giới nào sau cuộc chiến Nga – Ukraine ?

Đinh Thiên Lý - Đinh Hoàng Thắng

Cuộc khủng hoảng Ukraine và sự thay đổi trật tự quốc tế

Đinh Thiên Lý, RFA, 21/03/2022

Trung Quốc và cuộc chạy đua vũ trang khu vực

Ngày 24/2, Nga bắt đầu cuộc xâm lược quy mô toàn diện đối với Ukraine.

trattu1

Hình xe bọc thép của Nga bốc cháy bên cạnh xác của những người lính trong một trận chiến với quân Ukraine ở Kharkiv hôm 27/2/2022 - AFP

Trước đó, ngày 4/2, Putin và Tập Cận Bình đã đưa ra một tuyên bố chung mô tả quan hệ hữu nghị giữa Nga và Trung Quốc là "không có giới hạn", "không có lĩnh vực hợp tác bị cấm" và "không bị tác động bởi môi trường quốc tế đang thay đổi cũng những sự thay đổi hoàn cảnh ở các nước thứ ba" (1 ). Việc Nga đã triển khai lượng lớn binh lính xung quanh Ukraine trong nhiều tháng trước đó nhưng Putin chỉ phát lệnh tấn công Ukraine sau khi Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh kết thúc cho thấy có biện pháp phối hợp nào đó giữa Bắc Kinh và Moscow.

Trước đó, ngày 19/2, phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tuyên bố một cách rõ ràng rằng chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia cần phải được tôn trọng và bảo vệ (2 ). Ông mô tả đây là "chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế" đã được nêu trong Hiến chương Liên hợp quốc và là "lập trường nhất quán, nguyên tắc của Trung Quốc". Vương Nghị nói thêm điều đó được áp dụng công bằng với Ukraine. Ông đã bác bỏ bất kỳ nghi ngờ nào về thái độ của Trung Quốc, coi đó là "hành động giật dây và bóp méo lập trường của Trung Quốc".

Những phản ứng của Trung Quốc đối với Nga, dao động từ việc ủng hộ hiệp ước liên minh mới với Nga sang tuyên bố của Ngoại trưởng Vương Nghị rằng Trung Quốc tôn trọng độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia – trong đó có Ukraine, cho chúng ta thấy rằng Trung Quốc vẫn chưa nguôi với sự hình dung về vai trò của mình trong trật tự toàn cầu.

Mặc dù Trung Quốc luôn tuyên bố tuân theo năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình của mình với thế giới : tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm lược lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi và cùng tồn tại hòa bình. Những nguyên tắc này dường như mâu thuẫn với sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga ở Ukraine.

Nếu Trung Quốc muốn đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc chấm dứt cuộc chiến tranh ở Ukraine, thay vì sử dụng cuộc khủng hoảng này để nuôi dưỡng tâm lý dân tộc chủ nghĩa chống phương Tây, Bắc Kinh sẽ phải đưa ra một chút đảm bảo nào đó cho các nước láng giềng đang hoang mang về những tuyên bố chủ quyền và hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong khoảng một thập kỷ trở lại đây, trước sự đe doạ từ Trung Quốc, các quốc gia ở Châu Á đã và đang chuyển sang hướng tự lực hơn trong quốc phòng và gia tăng chi tiêu cho vũ khí. Các nhân tố khác nhau đã đóng góp cho xu hướng này, trong đó có tình trạng quân sự hóa ngày càng gia tăng ở biển Đông và những căng thẳng đang diễn ra ở Eo biển Đài Loan cũng như trên Bán đảo Triều Tiên. Cuộc xâm lược Ukraine đã làm tăng thêm bầu không khí vốn đang căng thẳng trên toàn thế giới và sẽ làm gia tăng tốc độ cũng như quy mô của việc tăng cường năng lực quân sự ở khu vực Châu Á.

Ngân sách quốc phòng trị giá 54,2 tỷ USD của Ấn Độ được công bố hồi tháng 2 vừa qua hứa hẹn giảm nhập khẩu vũ khí và các nền tảng quân sự, hỗ trợ cho ngành công nghiệp quốc phòng trong nước (3) . Nhật Bản đã đổ 47,2 tỷ USD cho chi tiêu quốc phòng của nước này trong năm nay để đuổi kịp Trung Quốc (4 ). Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc được công bố mới đây sẽ tăng 7,1%, tăng năm thứ bảy liên tiếp (5) . Đài Loan cũng có kế hoạch gia tăng sản xuất tên lửa hàng năm (6 ).

trattu2

Tổng thống Nga Putin gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh hôm 4/2/2022. AFP

Châu Á trước nỗi lo trật tự quốc tế đang dịch chuyển

Khi cuộc xung đột tại Ukraine sắp bước sang tuần thứ tư, những triển vọng về một giải pháp hòa bình ngày càng mờ nhạt. Đối với nhiều quốc gia ở Châu Á, từ lâu đã quen hưởng những lợi ích từ nền hòa bình kiểu Mỹ, cần phải nhìn nhận lại trật tự thế giới đang thay đổi. Cho dù bên nào thắng, một trạng thái cùng tồn tại không mấy dễ chịu của một nước Nga hiếu chiến được hỗ trợ bởi một nước Trung Quốc nước đôi và một Ấn Độ kín tiếng không phải là điều tốt đẹp đối với Châu Á.

Chúng ta cần lưu ý rằng Trung Quốc đã tỏ thái độ rõ ràng ủng hộ yêu cầu của Nga đối với NATO về việc chấm dứt mở rộng sang phía Đông, và đến lượt mình, Putin đã đợi cho đến khi Thế vận hội mùa Đông Olympic Bắc Kinh kết thúc mới tấn công Ukraine. Vì vậy, những gì xảy ra ở Châu Âu không phải là không ảnh hưởng gì đến Châu Á. Mà ngược lại, ngày càng có nhiều thách thức an ninh mà cả Châu Á lẫn Châu Âu đều phải đối mặt.

Cuộc xâm lược Ukraine của Putin đã mang lại cho Châu Á một số bài học kinh nghiệm quan trọng :

Thứ nhất, điều đang trở nên rõ ràng là gần như không có lựa chọn nào ngoài từng nước riêng lẻ phải có khả năng bảo vệ các lợi ích của mình. Để làm được như vậy thì phải duy trì một lực lượng vũ trang đáng tin cậy, thậm chí có thể tìm kiếm biện pháp răn đe. Việc Đức mới đây quyết định từ bỏ chính sách quân sự trước đây và tuyên bố tăng chi tiêu quốc phòng là một bài học Châu Á không thể không chú ý đến. Nó sẽ được đặc biệt chú ý ở Nhật Bản, nước thất bại trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Thứ hai, rõ ràng là ngay cả những nước có quân đội hùng hậu - như Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản và Hàn Quốc - cũng sẽ không thể "đơn thương độc mã" hành động và sẽ cần các liên minh mạnh mẽ hỗ trợ họ. Cũng giống như tình huống khó khăn của Ukraine đang buộc các nước như Phần Lan và Thụy Điển phải cân nhắc tìm đến ô bảo vệ từ NATO, những nước chưa đưa ra quan điểm rõ ràng ở Châu Á giờ đây cũng sẽ buộc phải xem xét lại lập trường của họ. Quả thật, điều này đã xảy ra ở khu vực ngoại vi, việc Australia đưa ra sáng kiến kết hợp AUKUS - liên minh gồm Australia, Mỹ và Anh - lại với nhau là một ví dụ rõ ràng minh chứng cho điều đó.

Đồng thời, xu hướng của phương Tây quay trở lại Châu Âu và sự ngờ vực đối với Nga gần như chắc chắn khiến các nhà chiến lược và nhà hoạch định quân sự Châu Á, vốn dựa vào sự hậu thuẫn của phương Tây để củng cố cơ sở ủng hộ họ, phải ngập ngừng. Nhiều người Châu Âu, hoảng sợ trước những gì dường như là sự xoay trục của Mỹ sang Châu Á làm phương hại đến Châu Âu, lấy làm hài lòng khi Putin kéo Mỹ trở lại Châu Âu. Sự xao lãng khỏi Châu Âu này chỉ là tạm thời hay kéo dài sẽ sáng tỏ trong những tháng tới. Hiện tại, Washington đã cố gắng duy trì thông điệp về cam kết với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bằng cách mời các nhà lãnh đạo ASEAN tham dự hội nghị thượng đỉnh dự kiến được tổ chức tại Washington D.C.

Những tác động đối với ASEAN

Đối với sự đoàn kết được tất cả các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) luôn tuyên bố công khai, việc Việt Nam và Lào bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 2/3 về vấn đề Ukraine và sự công khai ủng hộ của Chính quyền quân sự Myanmar đối với hành động xâm lược của Nga đã cho thấy những "sự chia rẽ" rõ ràng trong nội bộ ASEAN và những sự chia rẽ này có nguy cơ ngày càng sâu sắc hơn.

Tuyên bố của ASEAN kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Ukraine, tiếp tục đối thoại chính trị và thậm chí ASEAN có thể cung cấp sự hỗ trợ – những lời nói chỉ nhằm làm thỏa mãn bản thân rằng họ đang thực hiện nghĩa vụ ủy thác với tư cách là một tổ chức khu vực đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất toàn cầu trong nhiều thập kỷ.

Tình thế tiến thoái lưỡng nan mà ASEAN đang gặp phải trong quan hệ với phương Tây và Trung Quốc đang trở nên khó khăn hơn dưới sức nặng của cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine. Ý tưởng về một nước Trung Quốc ngày càng theo chủ nghĩa xét lại chưa bao giờ xa rời tâm trí của ASEAN. Ngày càng nhiều người ở ASEAN không chấp nhận việc tổ chức khu vực này tiếp tục duy trì lập trường không chọn bên.

ASEAN đang ở một vị thế yếu kém hơn bao giờ hết trong 55 năm qua bởi sự mất đoàn kết nội bộ đối với vấn đề Myanmar, giọng điệu của nó đối với việc duy trì tính thích đáng và vai trò trung tâm của khối vang lên sáo rỗng hơn bao giờ hết. Phản ứng của tổ chức này đối với vấn đề Ukraine vấp phải sự chỉ trích của nhiều người và những quan điểm khác nhau giữa các nước thành viên hiệp hội đối với cuộc xâm lược của Nga chỉ làm xấu thêm hình ảnh hỗn loạn của tổ chức này.

Việt Nam thì sao ?

Việt Nam những năm qua luôn nhấn mạnh những thành tựu mà quốc gia này đã đạt được : "Trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), chúng ta tiếp tục phát huy các kết quả năm Chủ tịch ASEAN 2020, đóng góp tích cực vào củng cố đoàn kết, đồng thuận, vai trò trung tâm và nâng cao vị thế của ASEAN, trong đó đã thực hiện tốt vai trò cầu nối, thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và Liên hợp quốc khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN 2020 và Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (tháng 4/2021)…

Những nỗ lực và kết quả nói trên của ngoại giao Việt Nam trong năm 2021 đóng góp quan trọng vào thành tựu chung to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước ta sau hơn 35 năm đổi mới, như Đại hội XIII của Đảng khẳng định "đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay" (7) .

Những "lời có cánh" ấy luôn được lặp lại trong các phát biểu của các lãnh đạo như các khẩu hiệu lỗi thời mà người ta thường thấy ở Việt Nam. Trước sự suy yếu của ASEAN được thể hiện trong các vấn đề Myanmar hoặc Ukraine vừa qua, Việt Nam cũng là một trong các tác nhân khiến cho ASEAN "rã đám" như vậy.

Điều cần thiết là Việt Nam cần có một nền ngoại giao thực dụng, hiệu quả trước những sự thay đổi khốc liệt trong trật tự thế giới hiện nay. Và ở đó, các quan niệm "lỗi thời" như "tình anh em" giữa Việt Nam và các nước khác cần phải được đánh giá lại.

Học thuyết đối ngoại của Việt Nam cần phải được thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn, chứ không phải "ngồi nhà tự sướng" mãi như vậy nữa !

Đinh Thiên Lý

Nguồn : RFA, 21/03/2022

Tham khảo :

1. http://en.kremlin.ru/supplement/5770

2. http://www.chinamission.be/eng/mhs/202202/t20220220_10643724.htm

3. https://www.orfonline.org/research/bigger-not-necessarily-better/

4. https://www.bloomberg.com/news/articles/2021-12-24/japan-approves-record-defense-budget-amid-china-threats

5. https://www.globaltimes.cn/page/202203/1254011.shtml

6. https://www.cato.org/commentary/why-taiwan-only-spending-21-percent-its-gdp-its-defense

7. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/dau-an-ngoai-giao-viet-nam-nam-2021-tien-phong-chu-dong-tich-cuc-sang-tao-vi-su-nghiep-phat-trien-dat-nuoc-va-bao-ve-to-quoc

**********************

Sau Ukraine, "điểm nóng" tiếp theo sẽ ở đâu ?

Đinh Hoàng Thắng, RFA, 19/03/2022

Trước đây, có thể là một trong hai nơi : Đài Loan hoặc Việt Nam. Nhưng nay, Trung Quốc đang rút ra những sai lầm từ cuộc xâm lược Ukraine của Putin và có thể sẽ có điều chỉnh. Trước mắt, "chảo dầu" trên Biển Đông vẫn tiếp tục sôi.

trattu3

Một người lính Ukraine một nhà kho bị cháy vì pháo kích của Nga ở Kyiv hôm 17/3/2022. AFP

Từ các chiến trường Nga – Ukraine…

Theo tin từ Washington DC, Tổng thống Joe Biden sẽ nói chuyện "phải quấy" với Chủ Tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc qua trực tuyến, vào ngày 18/3 này. Đây là cuộc thảo luận đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo từ tháng 11 năm ngoái đến nay. Bản tin của CNN cho hay, bà Jen Psaki, phát ngôn viên Nhà Trắng, loan báo việc này chỉ ít ngày sau khi một công điện ngoại giao Mỹ được công bố, theo đó, Trung Quốc bày tỏ sự sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ về quân sự và tài chính cho Nga trong cuộc xâm lăng vào Ukraine. Các giới chức Mỹ nói rằng, đến nay chưa rõ Trung Quốc dự trù cung cấp những gì cho Nga. Bà Psaki nói, cuộc nói chuyện giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập là "một phần của nỗ lực duy trì đối thoại giữa Mỹ và Trung Quốc". Bà cho biết thêm : "Hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về sự cạnh tranh giữa hai quốc gia, cùng với cuộc xâm lăng của Nga ở Ukraine, cũng như các vấn đề khác mà cả hai bên cùng quan tâm" (1).

Xem vậy để thấy, lò lửa Ukraine chưa tắt nhưng các cường quốc hàng đầu đang vội vã lo toan tính cho các "cuộc lấn sân nhau" trong giai đoạn "hậu Ukraine". Mâu thuẫn giữa ba đại cường Mỹ – Nga – Trung rõ ràng đang/và sẽ tiếp tục bị đẩy lên cao hơn, đối kháng. Họ tiếp tục giành giật quyết liệt các khu vực ảnh hưởng của nhau. Không phải ngẫu nhiên trước và trong cuộc chiến tranh Nga – Ukraine hiện nay, hai "ngọn núi lửa" âm ỉ khác là Đài Loan và Biển Đông lúc nào cũng chực phun trào (2). Tuy nhiên, với cuộc chiến tranh ở Ukraine, Trung Quốc, trên thực tế đã bỏ công nghiên cứu và theo dõi rất kỹ mọi diễn tiến trên chiến trường cũng như các xung lực khác đằng sau cuộc xung đột. Trong quá trình các cuộc hội đàm Mỹ – Trung diễn ra căng thẳng, giới phân tích cho rằng, rồi ra Trung Quốc sẽ buộc phải điều chỉnh mục tiêu. Trước mắt, Trung Quốc nhận thấy Đài Loan không dễ nuốt trôi. Xã hội Đài Loan, tiềm lực và năng lực của lãnh thổ này hoàn toàn khác với xã hội và quốc lực Ukraine. Đặc biệt, Mỹ vẫn nhấn mạnh về "Bộ Luật Đài Bắc" (Taipei Act) để cảnh báo Trung Quốc chớ hành động một cách bất cẩn.

Từ quan điểm được cho là khách quan nói trên, cuộc chiến của Nga ở Ukraine hẳn đang đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về tính khả thi của một cuộc xâm lược tương tự của Bắc Kinh vào Đài Loan. Phản ứng quyết liệt và dứt khoát của NATO trước sự hung hăng của Nga khiến cho bài học đầu tiên này càng có giá. Không thể tưởng tượng rằng, Bắc Kinh nhìn vào phản ứng của các chính phủ phương Tây và cả của Nhật Bản nữa, đối với cuộc xâm lược của Nga, mà không kết luận rằng, phương Tây trên thực tế có thể "bật dậy lần nữa" khi đối mặt với hàng loạt hiểm hoạ địa-chính trị mới do cuộc tấn công Đài Loan gây ra. Qua phản ứng tập thể của phương Tây và NATO, rõ ràng Châu Âu không phải là "lục địa già" đang lụi tàn trên sân khấu chính trị thế giới. Ngược lại, phương Tây và NATO vẫn luôn là một đối trọng có vai vế chủ lực, mang tính hệ quả cao, có thể tác động lên toàn cầu. Nhưng bài học thứ hai liền kề nói rằng, Châu Âu không thể đến giúp Ukraine thông qua một liên minh phòng thủ, vì Kyiv không phải là thành viên NATO.

Bài học thứ hai này dường như đi ngược lại bài học thứ nhất, tức là Hoa Kỳ và Châu Âu rõ ràng không muốn mạo hiểm chiến tranh hạt nhân đối với các mối quan hệ an ninh không tuân thủ theo hiệp ước. Washington đã tuyên bố rất rõ ràng rằng, Mỹ sẽ không dung thứ cho một cuộc tấn công nhằm vào một quốc gia thành viên NATO, rằng họ sẽ tôn trọng các cam kết Điều 5 của Hiệp ước, trong trường hợp chiến tranh bùng nổ. Kết luận rút ra là, trong trường hợp không có hiệp ước song phương (như với Nhật hoặc đa phương như hiệp ước với các thành viên NATO), Mỹ khó có thể can thiệp trực tiếp bằng quân sự để bảo vệ Đài Loan. Nếu thực tế là như vậy, Bắc Kinh có thể được khuyến khích sử dụng vũ lực quân sự trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nào trong tương lai liên quan đến chính quyền Đài Bắc (3). Tuy nhiên, "Taipei Act" vẫn là một "sự lập lờ về chiến lược" của Mỹ mà Trung Quốc không thể coi thường trước khi quyết định khai hỏa.

Bài học thứ ba, cuộc chiến Ukraine cho thấy, cộng đồng quốc tế có thể tự huy động để đối phó với hành động xâm lược. Từ các chính phủ đến các tổ chức quốc tế, từ các công ty tư nhân đến các hiệp hội văn hóa, thế giới đã phản ứng với hành động xâm lược của Nga một cách nhanh chóng và có tác động tức thì. Tất nhiên, khả năng khá cao là trong khi cộng đồng quốc tế sẵn sàng huy động chống lại sự xâm lược của một nước Nga đang đi xuống, thì cộng đồng này sẽ ít có xu hướng hành động quyết liệt và nhất quán như vậy, khi phải đối mặt với cuộc xâm lược được thực hiện bởi một Trung Quốc hùng mạnh hơn nhiều và có nền kinh tế sung mãn. Cộng hưởng của cả ba bài học này là Trung Quốc có thể "bỏ qua" mục tiêu Đài Loan. Điều này đặt ra vấn đề là mâu thuẫn Trung – Mỹ tới đây tới đây sẽ "được" xì tiếp ra ở đâu ?

Đến cuộc chạy đua với thời gian

Để trả lời câu hỏi nói trên, trước hết phải ghi xương khắc cốt các cuộc kháng chiến oanh liệt trước đây của dân tộc Việt Nam từ năm 1954 đến gần đây nhất là cuộc chiến tranh biên giới tháng 2/1979 với Trung Quốc. Rõ ràng, mục tiêu hàng đầu của các cuộc kháng chiến thiêng liêng ấy chính là giành lấy các quyền dân tộc tự quyết, quyền được sống trong độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Tuy nhiên, từ một góc nhìn khác, qua các cuộc chiến khốc liệt ấy, Việt Nam cũng đã "từng là Ukraine" cho Đông Á và thế giới. Giữa những khát vọng cháy bỏng của con dân đất Việt, cho đến nay, vẫn còn đó một số mục tiêu đâu có thể coi là đã trọn vẹn. Chưa bàn tới, nếu căng thẳng hiện nay ở Biển Đông dẫn đến xung đột toàn diện, theo ý kiến các chuyên gia, dường như ngày càng có nhiều khả năng mục tiêu mà Trung Quốc tấn công đầu tiên sẽ là Việt Nam (4). Giáo sư Panos Mourdoukoutas, Trưởng khoa Kinh tế Đại học LIU Post, New York trong bài viết trên Forbes cách đây một năm cũng khẳng định, Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục là mục tiêu của Trung Quốc khi Bắc Kinh thúc đẩy chương trình nghị sự trên Biển Đông (5).

Hãy mở to mắt để nhìn : Thuỵ Sỹ, Thuỵ Điển, Na Uy… lần đầu tiên trong lịch sử đã bỏ qua quy chế trung lập của mình để tham gia vào mặt trận chung của Mỹ và EU trừng phạt nước Nga. Đa số các nước ASEAN đầy lo lắng nguy cơ nước lớn dùng vũ lực ăn hiếp nước nhỏ. Tám thành viên ASEAN đã bỏ phiếu tán thành nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa này, trong đó Singapore tham gia các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga. Chỉ riêng Việt Nam và Lào bỏ phiếu trắng. Thủ tướng Úc Scott Morison ngày 06/03/2022 phải kêu lên, nước Úc chưa bao giờ bị đe doạ nguy hiểm như hôm nay kể từ sau chiến tranh thế giới hai, và đã xúc tiến các biện pháp phòng vệ. Mỗi ngày mới đến, là một ngày chiến sự khốc liệt hơn trên khắp các chiến trường Ukraine. Song thời gian đen tối nhất của cuộc chiến tranh này vẫn đang ở phía trước, với những kết cục chưa ai định trước được… Chưa ai biết trước được cuộc chiến tranh sẽ kết thúc như thế nào. Nhưng thế giới có niềm tin vững chắc : nhân dân Ukraine có thể bị đè bẹp trong một số trận đánh, nhưng chung cuộc họ sẽ đánh bại cuộc chiến tranh phi nghĩa vô cùng tàn bạo này. Bởi vì, nêu cái ác thắng, thì cả thế giới sẽ là một hỏa ngục lớn (6) !

Xem thế để khẳng định đã đến lúc Việt Nam nên nghiêm chỉnh rút tỉa những kinh nghiệm xương máu từ bài học của Ukraine. Phải chăng bài học quan trọng nhất là, Việt Nam phải trở lại, và trở thành là chính mình, đã đến lúc phải dũng cảm bỏ qua những thành kiến từ quá khứ, nhận thức rõ chính tà, phải trái, đâu là quyền lợi sát sườn hiện nay của quốc gia dân tộc. Trong tình thế quốc tế nước sôi lửa bỏng như hiện nay, giờ không phải là lúc ngồi bàn yêu ai ghét ai. Bây giờ là lúc sinh mệnh quốc gia, tương lai của dân tộc đang thực sự bị thách thức (7). Phải thấu triệt cho được mọi mưu đồ của Trung Quốc, nhất là một khi Trung Quốc đang lăm le bắt tay với Nga, trước mắt là trên chiến trường Ukraine, sau này có thể cả trên Biển Đông. Các chiến lược gia quốc tế chỉ rõ, tới đây, Trung Quốc rất có thể sẽ nắn gân Mỹ ở Biển Đông. Thậm chí, nếu Trung Quốc mở một "chiến dịch quân sự đặc biệt" đối với Việt Nam, giống như Nga mở ở Ukraine, thì sự phản đối của cộng động quốc tế đối với Bắc Kinh, đặc biệt là sự hỗ trợ to lớn và hiệu quả như Mỹ và Châu Âu hiện đang dành cho Kyiv sẽ không diễn ra như thế đối với chiến trường Biển Đông (8).

Nhìn nhận cục diện như trên không phải để bi quan, mà cũng không phải để "kê cao gối ngủ". "Đất nước chưa bao giờ có cơ đồ như hiện nay !" là nói để tuyên truyền, khác với nói để chuẩn bị chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Nhận diện tình hình khách quan là để nhấn mạnh một số nguy cơ hiện hữu trong bối cảnh chúng ta vẫn còn cơ hội để thoát hiểm (9). Chúng ta đã thành công một bước trong quá trình "quốc tế hoá" cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông, nhưng để thực sự hạ nhiệt "chảo dầu sôi" ấy, chúng ta còn rất-rất nhiều việc phải làm cả về đối nội lẫn đối ngoại. Tiếc rằng sau hơn 30 năm đổi mới, lòng người ngay trong và ngoài nước Việt Nam vẫn còn ly tán. Chúng ta chưa hiện đại hóa được cái minh triết của Hưng Đạo Vương dặn lại vua quan đời Trần : "Phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc". Đấy là chưa nói sự cố kết giữa người Việt trong và ngoài nước vẫn còn khoảng cách. Từ khoảng cách ấy, sự đoàn kết quốc tế, nếu có chiến sự ở Biển Đông, sẽ khá bấp bênh. Càng bấp bênh hơn, nếu trong cuộc chiến Nga – Ukraine, một bộ phận không nhỏ trong xã hội chưa phân biệt được Putin không phải là nước Nga, mà nước Nga lại càng không phải là Liên Xô. Luyến tiếc và hoài niệm về một tương quan "Việt – Trung – Xô" viển vông nào đó, thì thật hiểm hoạ khôn lường.

Nếu lãnh đạo xác định tới đây là thời cơ để Việt Nam thay đổi, sẽ là hồng phúc cho dân tộc. Nếu được đổi mới toàn diện, cả kinh tế lẫn chính trị, mạnh mẽ trên con đường nhà nước pháp quyền, thì chúng ta còn cơ hội. Đảng lúc bấy giờ phải là Đảng của Dân tộc, Đảng của Đất nước, Đảng của Nhân dân, chứ không phải của một nhóm người đặc quyền đặc lợi. Nói như Giáo sư Nguyễn Đình Cống khả kính, nếu cứ tăng cường độc quyền đảng trị như hiện nay thì nhiều khả năng u ám bao trùm. Đến lúc nào đó, dân tộc sẽ lâm nguy, mà Đảng cũng chẳng còn, chỉ còn lại một nhúm người tay sai cho bọn thống trị ngoại bang và một quần chúng nô lệ, bị hủy diệt dần như Tây Tạng và Tân cương hiện nay (10). Trong khi đó, nếu Việt Nam quyết tâm thay đổi, Trung Quốc cũng chẳng thể làm gì. Còn đất nước sẽ có cơ hội mở ra với thế giới văn minh mà không cần phải chọn bên. Hiện nay, Thủ tướng nói không chọn bên, chọn lẽ phải, chọn công lý, nhưng bỏ phiếu ở Liên Hiệp Quốc ta lại chọn Nga, chọn Tàu thì thật là nói một đằng, làm một nẻo. Không những bạn bè thất vọng, thế giới ngạc nhiên, mà trong nước "quân ta" sẽ tiếp tục đánh nhau với "quân mình". Mấy ông tướng tiếp tục tụng ca "đồng chí Putin", lên án "kẻ địch" Ukraine. Thử hỏi có bi kịch nào lớn hơn đối với một dân tộc đang tứ bề thọ địch. Khi Tàu ép ta, thậm chí "nổi lửa" trên Biển Đông, lúc đó chỉ còn một mình ta với họ. Thảm hoạ thay !!!

Đinh Hoàng Thắng

Nguồn : RFA, 19/03/2022

Tham khảo :

1. https://www.cnn.com/2022/03/17/politics/joe-biden-xi-jinping-friday/index.html

2. https://tu-do.com/index.php/categories/tu-do/business/fbnc-vietnam/youtube-id-3npobgywh-4

3. https://thehill.com/opinion/international/597560-three-geopolitical-lessons-china-is-learning-from-russias-war-in

4. https://www.rfi.fr/vi/viet-nam/20190909-vi-sao-trung-quoc-se-chon-danh-viet-nam

5. https://vn.sputniknews.com/20190910/bien-dong-vi-sao-viet-nam-tro-thanh-muc-tieu-cua-trung-quoc-8011979.html

6. http://www.viet-studies.net/NguyenTrung/NguyenTrung_KhongXemChoiGa.html

7. https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/he-lo-them-nguyen-nhan-sau-xa-khien-trung-quoc-muon-doc-chiem-bien-dong-855981.vov

8. https://www.cnn.com/2022/03/14/politics/us-china-russia-ukraine/index.html

9. https://vpctn.gov.vn/tin-tuc-su-kien/chu-tich-nuoc-nguyen-xuan-phuc-chu-tri-phien-hop-thu-nhat-bcd-xay-dung-de-an-tong-ket-chien-luoc-bao-ve-to-quoc-trong-ti.html

10. https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/from-diplomatic-trick-to-real-play-02202022085525.html

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Đinh Thiên Lý, Đinh Hoàng Thắng
Read 380 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)