Cuộc chiến tranh Nga tấn công xâm lược Ukraine đã bước sang tháng thứ hai, và có khả năng sẽ còn kéo dài, trừ khi Putin như hổ dữ bị dồn đường cùng, quyết định sử dụng đến những thứ vũ khí nguy hiểm hơn như vũ khí hóa học hay thậm chí vũ khí hạt nhận !
Quân Nga dưới thời Putin không hề run tay khi bắn phá bừa bãi vào các khu vực dân sự.
Trước khi chiến tranh xảy ra, từ Putin cho tới các lãnh đạo Hoa Kỳ, Châu Âu và thế giới, có lẽ phần đông đều cho rằng Nga sẽ nhanh chóng tiến vào thủ đô Kyiv, quân đội Ukraine sẽ nhanh chóng thua cuộc, chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelensky sẽ nhanh chóng đầu hàng, còn bản thân Tổng thống Zelensky sẽ bỏ chạy ra nước ngoài lưu vong… Nhưng mọi chuyện đã diễn ra theo chiều hướng hoàn toàn ngược lại. Quân đội Nga không những không thể đánh nhanh thắng nhanh như dự kiến mà còn bị sa lầy, bị tổn thất nặng nề từ số lượng binh lính cho tới số lượng xe tăng, xe bọc thép, máy bay, trực thăng và các thiết bị quân sự khác bị phá hủy, hoặc tiêu diệt.
Trong khi đó, số binh lính, các thiết bị quân sự của Ukraine bị tổn thất có thể ít hơn hẳn nhưng số thường dân bị tử vong tăng từng ngày, các thành phố bị bắn phá nặng nề, trong đó thành phố Mariupol bị pháo kích, bom đạn bắn phá dữ dội hơn 3 tuần, đến mức gần như chẳng còn lại gì.
Bởi vì, khi không thể đánh nhanh thắng nhanh trên chiến trường, khi không thể đạt được những mục tiên ban đầu, quân đội Nga dưới lệnh của Putin đã chuyển sang dùng bom, pháo kích vào hàng loạt các bệnh viện, trường học, nhà hát, trung tâm thương mại, bắn vào dân chúng đang di tản trên "hàng lang nhân đạo", sử dụng tên lửa siêu thanh để sức tàn phá lớn hơn… với mục đích gây thiệt hại cho Ukraine càng nhiều càng tốt, và tăng tỷ lệ thường dân tử vong càng nhiều càng tốt, nhằm gây sức ép buộc Ukraine phải đầu hàng hoặc phải ký hòa ước theo những điều kiện do phía Nga đưa ra. Putin đã vi phạm tất cả các luật pháp quốc tế.
Không ảnh thành phố Mariupol sau những đợt dội bom và quân Nga trong sốt 30 ngày qua
Nhiều nhà bình luận chính trị thế giới đều lo ngại rằng trong những ngày tới, số dân thường tử vong càng tăng, các cơ sở hạ tầng của Ukraine sẽ bị phá hủy nhiều hơn, khủng hoảng nhân đạo sẽ càng nghiêm trọng hơn. Sự tàn ác, coi thường nhân mạng con người là sự khác biệt lớn nhất của một cuộc chiến tranh chính nghĩa hay phi nghĩa, ngay cả khi đều mang quân sang nước khác vì một lý do nào đó (ví dụ như Mỹ và khối NATO đem quân vào Iraq, Afghanistan, thì cũng không bao giờ cố tình bắn vào những khu vực dân sự). Mặt khác, khi số người dân Ukraine buộc phải rời nước cũng cao hơn, sẽ gây ra sự xáo trộn lâu dài cho nền kinh tế lẫn chính trị của các nước láng giềng Châu Âu. Đó là những mục đích tàn ác, thâm độc của Putin bên cạnh mục tiêu "vô hiệu hóa" Ukraine và thay đổi chính phủ của Tổng thống Zelensky.
Trong cuộc chiến Putin gây ra tại Syria trước kia, Liên Hiệp Quốc và Liên đoàn các Quốc ga ả rập ước lượng khoảng 400 ngàn dân Syria, tương đương với 2% dân số đã chết, nhiều thành phố bị phá hủy, hàng vạn vạn người tháo chạy, tạo ra một cuộc khủng hoảng di dân lớn cho các nước Châu Âu.
Từ Chechnya, Syria cho tới Ukraine, quân Nga dưới thời Putin không hề run tay khi bắn phá bừa bãi vào các khu vực dân sự. Vì vậy, gọi Putin là tội phạm chiến tranh, bạo chúa không có linh hồn… thiết nghĩ chả có gì là quá đáng.
Cuộc chiến này sẽ đi về đâu, sẽ kết thúc theo cách nào, hay sẽ mở rộng ra hơn, không ai có thể biết chắc. Nhưng dù kết cục có thế nào đi chăng nữa, người Ukraine cũng đã chiến thắng trên mặt trận thông tin, ngoại giao, cũng đã thể hiện được tính chính nghĩa, sự dũng cảm, lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu của mình. Ngược lại, dù kết cục có thế nào đi chăng nữa, hình, vị thế của nước Nga đã bị hủy hoại, nước Nga từ bây giờ trở đi sẽ suy yếu hơn, bị cô lập với thế giới và do đó sẽ bị lệ thuộc vào Trung Quốc, sự nghiệp chính trị của Putin cũng bắt đầu đi vào giai đoạn kết thúc-lâu hay mau tùy thuộc vào sự tính toán, cân nhắc của những phe nhóm muốn loại trừ Putin để cải thiện mối quan hệ với phương Tây và cứu vãn tình hình của nước Nga, chẳng hạn.
Cuộc chiến Ukraine đã khiến cho các quốc gia từ Hoa Kỳ, Châu Âu cho tới khu vực Châu Á-Thái Bình Dương phải nhìn lại, và nhanh chóng có những sự điều chỉnh từ chính sách quốc phòng, an ninh cho tới ngoại giao của mình. Trong đó các nước nhỏ, từng trung lập như Phần Lan, Thụy Điển, Ireland cho tới các nước Đông Âu từng nằm trong khối Liên Xô cũ đều suy nghĩ về việc gia tăng ngân sách quốc phòng, gia nhập khối NATO hoặc EU, hoặc tham gia nhiều hơn vào các hoạt động phòng thủ chung của EU.
Còn Việt Nam ?
Hoàn cảnh địa-chính trị của Ukraine khi sống gần Nga và những bi kịch trong lịch sử giữa hai nước, rất giống với hoàn cảnh, lịch sử của Việt Nam khi sống cạnh Trung Quốc. Mối nguy lớn nhất đến sự an toàn lãnh thổ lãnh hải, độc lập chủ quyền của Việt Nam trong quá khứ gấn cho tới tương lai, vẫn là Trung Quốc. Tuy nhiên, có vẻ như nhà cầm quyền Việt Nam vẫn tỏ ra "bình chân như vại", và tự cho là nếu cứ tiếp tục chính sách nhũn như con chi chi của mình thì chắc Trung Quốc cũng chẳng có cớ gì để mà gây chiến ? Điều đó không có gì là đảm bảo. Lịch sử đã từng chứng minh có biết bao nhiêu quốc gia nhỏ bé, không gây hấn với nước khác mà vẫn bị nước khác tấn công.
Nhìn vào sự thất bại của quân đội Nga và Putin, các nhà bình luận phân tích chính trị trên thế giới đều chỉ ra 2 nguyên nhân chính :
1. Chế độ độc tài toàn trị với quyền lực tuyệt đối đã cho phép Putin có thể làm gì thì làm, cuộc chiến này cũng vậy, chỉ là quyết định của Putin và của một nhóm rất nhỏ chung quanh ông ta. Cũng chính chế độ độc tài toàn trị với quyền lực tuyệt đối đã khiến Putin loại trử tất cả mọi nhân tài có thể nổi bật hơn ông ta, ngược lại chỉ cho phép chung quanh mình những kẻ xu nịnh, bất tài và không dám nói lến những sự thất trái ý ông ta, chính vì vậy mà Putin đã có những phán đoán, tính toán, chiến lược sai lầm trong vụ đưa quân xâm lược Ukraine.
2. Sự tham nhũng nặng nề trong xã hội Nga nói chung và trong quân đội Nga nói riêng, đã tạo ra một quân đội tuy có số lượng quân lính lẫn vũ khí "khủng" nhưng tướng tá thì không có năng lực, kỹ năng chiến đấu lẫn tinh thần của binh lính rất thấp.
Đây là bài học cho các quốc gia độc tài khác, trong đó có Việt Nam. Việt Nam có thể không có một ông vua toàn quyền như Putin hay Tập Cận Bình mà là "tứ trụ", rộng hơn nữa là toàn bộ Bộ Chính trị. Nhưng chế độ do đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo cũng là một chế độ độc tài toàn trị do đó cũng xảy ra tình trạng người trung thực và có thực tài thì không được sử dụng, những kẻ leo cao nắm chức vụ này chức vụ kia lại kém tài. Và nạn tham nhũng của Việt Nam cũng rất nghiêm trọng trong mọi lĩnh vực ngành nghề, đặc biệt vài năm gần đây đã có hàng chục tướng tá trong quân đội, quốc phỏng, cảnh sát biển… bị cách chức, kỷ luât hoặc ở tù vỉ tham nhũng.
Bên cạnh đó, quan chức Việt Nam từ lâu đã chứng tỏ từ kiến thức, trình độ, tư duy, tầm nhìn đều rất kém. Qua phát biếu của một số tướng tá có học hàm, học vị ngất ngưỡng về cuộc chiến Ukraine, cho thấy sự dốt nát, thiển cận, mông muội của họ.
Người ta phải tự đặt ra câu hỏi : nếu có chiến tranh xảy ra thì những nhân vật tướng tá, quan chức như vậy tinh thần chiến đấu của họ ra sao, chiến lược, tầm nhìn của họ thế nào ?
Tóm lại, những cái tồi, dở của một chế độ độc tài toàn trị như Nga, Việt Nam đều có. Nhưng những cái mà Ukraine có thỉ Việt Nam lại không.
Những điều mà Ukraine, trong cuộc chiến "Châu chấu đá xe" với Nga, đã và đang có là gì ?
1. Một vị Tổng thống tài năng, một lãnh đạo thời chiến, người không chỉ truyền cảm hứng chiến đấu và tinh thần đoàn kết cho người dân Ukraine, mà còn tạo được sự ngưỡng mộ, quyết tâm ủng hộ cuộc chiến của người Ukraine rộng rãi trên khắp thế giới.
2. Sự dũng cảm, lòng yêu tổ quốc, quyết tâm đến cùng để bảo vệ những giá trị tự do dân chủ mà họ tin tưởng, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, quyền tự do, tự quyết của dân tộc, không chấp nhận mất lãnh thổ, không chấp nhận lệ thuộc, nhân nhượng, thỏa hiệp hay đầu hàng.
3. Chính quyền Ukraine mà cụ thể là Tổng thống Zelensky đã nói rõ, sẽ công khai trưng cầu dân ý trước khi chấp nhận bất cứ thòa thuận nào với Nga, chứ không "đi đêm" với Nga.
4. Sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn từ khắp nơi trên thế giới.
Người Việt có thể cũng có lòng yêu nước, sự dũng cảm khi cần phải quyết chiến bảo vệ Tổ Quốc nhưng những điều còn lại, Việt Nam đều không có. Ai cũng thấy, thế giới ủng hộ, giúp đỡ Ukraine chiến đầu chống lại cuộc xâm lược của Putin và quân đội Nga bởi vì Ukriane là một nước dân chủ, có một chính phủ do dân bầu lên và họ đang muốn chọn con đường thoát ra khỏi sự kìm chế của Nga, đi theo mô hình dân chủ của các nước phương Tây để có thể phát triển tốt đẹp hơn, ngược lại Nga là một nước độc tài đang muốn tiêu diệt nền dân chủ của Ukraine, qua đó ngăn chặn xu hướng dân chủ lan rộng hơn ở Châu Âu và ngay chính trong lòng nước Nga.
Nếu có chiến tranh xảy ra giữa Trung Quốc và Đài Loan, chắc chắn thế giới cũng sẽ hết lòng như thế. Nhưng giả sử nếu Belarus bị Nga tấn công hay Việt Nam bị Trung Quốc tấn công, thế giới cùng lắm chỉ lên tiếng chỉ trích mà thôi, chẳng ai hết lòng đi ủng hộ, viện trợ cho một chính phủ độc tài không tử tế với chính người dân của mỉnh và củng chẳng đứng về phía lẽ phải, khi cần, như Belarus hay Việt Nam. Đó là chưa kể chính phủ đó đã tự nguyện "làm chư hầu", nhịn nhục để được yên thân như Belarus đối với Nga hay Việt Nam đối với Trung Quốc.
Một điều đáng lo ngại hơn là tinh thần, khí chất, phẩm giá của một dân tộc. Nếu một dân tộc chứng tỏ họ có khí phách, có phẩm giá, sống nhân văn, dân tộc đó sẽ được thế giới có thiện cảm.
Kể từ khi cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine diễn ra, nhà cầm quyền Việt Nam thì thể hiện một thái độ làm ra vẻ trung lập nhưng thực ra là "ngoài cuộc", chỉ biết thủ lợi trước mắt là không làm mất lòng Nga nhưng lại khiến số đông thế giới thất vọng, và sẽ bất lợi sau này nếu Việt Nam bị Trung Quốc, vì lý do lý cớ gì đó, lại đem quân tấn công. Tệ hơn, bề ngoài thì làm ra vẻ trung lập nhưng lại để cho báo chí chính thống, một số ông tướng ông tá lên phát biểu những câu binh vực Nga, khinh thường Ukraine một cách hết sức thiển cận. Đến khi thấy Nga có vẻ bị sa lầy, ngay Trung Quốc cũng rơi vào thế khó ăn khó nói thì nhà cầm quyền mới cho phép báo chí được đổi giọng đưa tin hai chiểu hơn. Cái thái độ nước đôi đó cho thấy Việt Nam không có một lập trường quan điểm chính kiến rõ ràng, dứt khoát đứng về phía lẽ phải, đứng về phía quyền lợi cao nhất của đất nước là toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền, an ninh, mà luôn nhùng nhằng mập mờ, luôn bị kẹt giữa quyền lợi của đất nước và quyền lợi của đảng, của chế độ. Không ai có thể tin cậy một quốc gia như vậy.
Còn người dân, có khá nhiều người Việt từ đầu cho đến bây giờ đã mạnh miệng ủng hộ Nga, tin vào những quan điểm của Putin, thậm chí ngưỡng mộ Putin. Dù với bất cứ lý do gì-gắn bó với nước Nga vì từng đi học ở Nga, hay do quen nghe tuyên truyền về tình hữu nghị Việt Nam-Liên Xô, thì điều này cũng cho thấy hai lổ hổng lớn : hoặc do thiếu thông tin, hoặc do không có một hệ thống, lập trường, thế giới quan, nhân sinh quan đúng đắn, khi có thể đi binh vực cho một cuộc xâm lăng trắng trợn, tàn bạo, phi nhân, hay đi ngưỡng mộ một bạo chúa độc tài tàn ác như Putin.
Một số người khác thì lại quay sang chê trách Ukraine nước nhỏ thì đừng chọn phe, nước nhỏ lại tạo cớ cho nước lớn tấn công làm gì (?!), chỉ trích Tổng thống Zelensky vì đã không chịu nhân nhượng, thỏa hiệp, đầu hàng để xảy ra chiến tranh tang thương đổ nát… Trong những lời rao giảng ấy tiềm ẩn một sự chấp nhận nhịn nhục để được yên thân.
Khi một dân tộc có nhiều người không thực sự quan tâm đến vận mệnh, tương lai đất nước (thể hiện qua sự thờ ơ với hiện trạng chính trị xã hội đất nước) cũng không coi trọng phẩm giá của dân tộc, có tinh thần chủ hòa, chủ bại, thì điều đó mới thật là đáng lo ngại nhất.
Song Chi
Nguồn : RFA, 24/03/2022 (songchi's blog)