Với tư duy còn nghèo nàn, lạc hậu về nhiều mặt, kém văn minh trong hành xử, như kiểu bộ lạc thời xưa, và với chủ trương khai dụng nó để tiếp tục cầm quyền, thì làm sao có thể xây dựng một xã hội hài hòa, văn minh, tiến bộ...
Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang dâng hương nhân kỷ niệm 133 năm ngày sinh của ông Tôn Đức Thắng ngày 20/8/2021. (Ảnh : Công Mạo/TTXVN)
Nhiều cuộc thử nghiệm khoa học cho thấy đầu óc con người có xu hướng phân biệt ta và địch một cách sâu sắc (us versus them thinking). Nó có khả năng phân biệt một cách tự động và cực nhanh,theo Robert Sapolsky.
Robert Sapolsky là Giáo sư Sinh học, Phẫu thuật Thần kinh, Thần kinh học và Khoa học Thần kinh tại Đại học Stanford, và cũng là tác giả của cuốn sách nổi tiếngBehave : The Biology of Humans at Our Best and Worst. Ví dụ như, khi rọi và chụp hình bộ óc phản ứng ra sao dành cho một người da trắng tiêu biểu (Mỹ) khi cho họ xem nhiều hình ảnh, thì đến khi khuôn mặt một người da màu (đen) hiện ra, nó kích thích liền phần não gọi là amygdala, trung tâm phần não có chức năng điều khiển cảm xúc sợ hãi và hung hăng. Phản ứng nhanh đến độ chỉ dưới 1/10 của một giây. Trong phần lớn trường hợp, bộ não chịu trách nhiệm phần lý trí, có tên gọi là prefrontal cortex (PFC), liền lập tức can thiệp trong vòng một hai giây sau đó và làm dịu lại amygdala. Tuy thế, Sapolsky cho rằng phản ứng ngay từ đầu phần lớn là vì sợ hãi, ngay cả đối với những người hiểu biết hơn bình thường.
Đây chỉ là một ví dụ trong vô số thử nghiệm về con người để cho thấy dù sống trong xã hội văn minh và đa văn hóa, đặc tính/chủ nghĩa bộ lạc (tribalism) vẫn nằm trong bộ óc con người. Từ đó vấn đề phân biệt vùng miền, dân tộc, quốc gia v.v. là vô cùng phổ quát.
Chủ nghĩa bộ lạc, và dân tộc, đang ngày càng gia tăng trong nhiều quốc gia dân chủ cấp tiến, từ Mỹ đến Châu Âu. Micheal Carpenter, từng là Thứ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ năm 2015 – 2017,biện luận rằng chủ nghĩa bộ lạc đang giết chết chủ nghĩa cấp tiến.
Amy Chua, một giáo sư luật tại Trường Luật Yale, từngbiện luận rằng con người có nhu cầu thuộc về nhóm cho nên họ gia nhập câu lạc bộ, đội, và khi trở thành thành viên, họ cảm thấy có sự ràng buộc mạnh mẽ với nó ; và ‘ở nhiều nơi, danh tính quan trọng nhất - những điều mà mọi người sẽ hy sinh mạng sống - không phải là quốc gia mà là dựa trên sắc tộc, khu vực, tôn giáo, giáo phái hoặc thị tộc.’
Những tín đồ của chủ nghĩa độc tài toàn trị, như cộng sản thì sao ?
Trên lý thuyết, chủ nghĩa cộng sản nhắm đến xóa bỏ tất cả những gì mang tính bộ lạc. Tam vô : vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo. Họ đề cao một thế giới đại đồng, vô giai cấp, cho toàn thể mọi người.
Trên thực tế, sau bao nhiêu cuộc đấu tranh giai cấp và nhân danh bao nhiêu điều ảo tưởng, mà hàng trăm triệu người trở thành nạn nhân của cuộc thử nghiệm này, những nước còn đang cộng sản (Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Cuba, Bắc Hàn), lẫn một số quốc gia hậu cộng sản (Nga, Campuchia, v.v.), đang thể hiện tính cách bộ lạc mạnh mẽ nhất.
Con người nói chung ai cũng mang DNA bộ lạc trong mình. Nghĩa là chúng ta thường có xu hướng đánh giá ai bạn ai thù, và chỉtin tưởng những người mà chúng ta coi là vòng quen thuộc, hoặc giống mình. Nhưng chế độ cộng sản và một số hậu cộng sản có đầu óc bộ lạc khá nặng. Vòng tin tưởng của họ giới hạn trong gia đình, giòng họ hay một số cá nhân đặc biệt nào đó. Họ luôn xem sự đối lập, những người không cùng quan điểm hay ý thức hệ với họ, là thế lực thù nghịch, luôn chờ trực để hãm hại mình, cho nên cần phải bị tiêu diệt hay loại trừ. Họ xem những gì quen thuộc, giống họ, như cùng suy nghĩ hay ý thức hệ, thì họ mới tin. Chẳng hạn, trước đây họ đề cao quốc tế cộng sản hay chủ nghĩa đại đồng và xóa bỏ đặc tính quốc gia/dân tộc, và nay thì đề cao chủ nghĩa dân tộc. Nó chủ yếu là một chiêu bài chính trị. Mỗi lần thay đổi như thế, họ tìm cách biện minh, chống chế, và bất cứ ai không ủng hộ đường lối như thế thì bị xem là thù nghịch, k ể cả người dân.
Vladimir Putin, chẳng hạn, coi tất cả thành phần đối lập tại Nga là phải loại trừ ; xem những chính trị gia tại Ukraine hay các nước lân cận nào mà theo Tây phương là thù nghịch ; và đặc biệt xem NATO là mối đe dọa sống còn cho quyền lực và quyền lợi của mình. Sự bất an này đã làm cho Putin nhìn đâu cũng thấy kẻ thù. Nhưng nếu nước Nga không phải là một chế độ độc tài hay tham vọng bá quyền, không có lý do gì để Nga phải lo ngại NATO. Sự thật là NATO được hình thành chính vì mối lo ngại và đe dọa thực tiễn từ thời Liên Xô của Joseph Stalin sau Thế Chiến II. Nếu nước Nga không có những kẻ độc tài với tham vọng bá quyền như Stalin hay Putin thì cũng đã không có Chiến tranh Lạnh hay nhiều cuộc chiến khác, kể cả Ukraine hiện nay.
Cung cách hành xử của Tập Cận Bình tại Trung Quốc và Đảng cộng sản Việt Nam tại Việt Nam cũng không khác bao nhiêu. Quyền lực nằm gần như tuyệt đối trong tay một đảng, không chia sẻ với bất cứ ai. Nhưng trong đảng đó lại có thêm nhiều vòng quyền lực, mà vòng nhỏ nhất chỉ là thiểu số một hay vài người thôi. Nó cũng không khác nhiều với trưởng bộ lạc thời xưa hay kiểu gia đình trị lâu nay. Họ chủ trương xóa bỏ mọi tôn giáo, suy luận tôn giáo là thuốc phiện, nhưng trên thực tế hành xử có tính giáo phái. Chẳng hạn, giới lãnh đạo vẫn còn tôn thờ ông Hồ Chí Minh, hay trước đây những ông Karl Marx, Lenin, Stalin v.v., như là giáo chủ. Cách đây chỉ vài hôm, một số người thần tượng ông Hồ Chí Minh tỏ vẻ giận dữ và phê phán phía Đại sứ quán Ukraine tại Hà Nội vì cho rằng kênh YouTube "Ukraine 24" và báo mạng "Pravda Ukraine" (Sự thật Ukraine) đã "hạ thấp" ông Hồ Chí Minh.
Không có chủ nghĩa nào thô sơ bằng bộ lạc vì họ luôn chia ra "ta" và "địch". Ai không nhìn giống họ, đánh giá giống họ, tôn thờ giống họ, nhận diện ra nguy hiểm giống họ, v.v. thì bị xem là địch.
Đây là tư duy thô thiển, nguyên thủy nhất của loài người, chứ không có gì là văn minh cả.
Họ chỉ không nhìn ra được rằng trên thực tế mọi xã hội đều đa nguyên và chỉ muốn thể hiện bản chất đa nguyên một cách tự do nhất có thể.
Ngày 8 tháng 3, 22 đại sứ Châu Âu tại Việt Namnhắc nhở giới lãnh đạo Việt Nam rằng Liên Xô "đã tan rã từ lâu và chúng ta đang ở trong một kỷ nguyên mới", với hy vọng đánh thức Việt Nam. Họ đâu ngờ rằng lãnh đạo hàng đầu tại Việt Nam vẫn thức chứ không phải ngủ. Tuy muốn hội nhập với thế giới văn minh, tư duy giới lãnh đạo Việt Nam vẫn còn nặng chủ nghĩa bộ lạc. Lãnh đạo cộng sản không tin tưởng bất cứ nước nào đang theo chủ nghĩa cấp tiến mà có khả năng giúp Việt Nam "tự diễn biến, tự chuyển hóa" thành một nền dân chủ cấp tiến thật sự trong tương lai.
Những kẻ cầm quyền tại Việt Nam, Trung Quốc và Nga có nhiều điểm giống nhau. Giống nhất là cái văn hóa chính trị cộng sản toàn trị, nhưng mang tính bộ lạc, cả một thế kỷ qua, làm cho họ hiểu nhau và gắn bó nhau. Trong thâm tâm, họ vẫn nghi ngờ nhau, sợ nhau, từng gây hấn và đã có chiến tranh với nhau. Nhưng dù sao họ vẫn cảm thấy an toàn để tin tưởng những điểm giống nhau này, hơn là những ý thức hệ chính trị khác mà hoàn toàn không nằm trong tư duy của họ. Cho nên không có gì ngạc nhiên khi một số thành phần tại Hà Nội và Bắc Kinh có xu hướng ủng hộ Moscow trong cuộc chiến Ukraine.
Tất cả những điều họ rêu rao tuyên truyền bấy lâu nay rằng họ luôn vì quốc gia dân tộc, thật ra đều là giả dối hết. Quyền lợi và quyền lực của cá nhân, gia đình, bè phái của họ mới là trên hết. Nó là đặc tính bộ lạc.
Với tư duy còn nghèo nàn, lạc hậu về nhiều mặt, kém văn minh trong hành xử, như kiểu bộ lạc thời xưa, và với chủ trươngkhai dụng nó để tiếp tục cầm quyền, thì làm sao có thể xây dựng một xã hội hài hòa, văn minh, tiến bộ trong đó chấp nhận tính đa nguyên, tôn trọng pháp luật và khai dụng tài năng của toàn xã hội. Khoan nói đến điều ảo tưởng là tiến tới xã hội chủ nghĩa xa vời, hay thế giới cộng sản đại đồng !
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 25/03/2022