Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/04/2022

Từ nhà tù đến lưu vong : từ địa ngục đến trống rỗng

Adam Michnik

Sợ mất danh dự 

Adam Michnik, Trần Quốc Việt dịch 

Adam Michnik từng là nhà bất đồng chính kiến và nhà hoạt động nhân quyền Ba Lan nổi tiếng. Ông bị ở tù tổng cộng sáu năm, tuy nhiên thời gian ở tù là thời gian ông viết nhiều bài chính luận rất sâu sắc có tầm ảnh hướng rất lớn đối với phong trào phản kháng bất bạo động ở Ba Lan dưới thời cộng sản. 

Đây là trích đoạn lá thư ông viết từ trong tù bàn về vấn đề những người đấu tranh cho tự do và dân chủ nên tiếp tục ở tù hay chấp nhận lưu vong.

adam1

Adam Michnik từng là nhà bất đồng chính kiến và nhà hoạt động nhân quyền Ba Lan nổi tiếng.

Tháng Ba 1982 

Hôm nay, họ bảo với chúng tôi rằng chúng tôi có sự chọn lựa : hoặc ra đi hay ở tù vô hạn định. 

Vậy anh có sự chọn lựa : ở tù hay lưu vong. Jaruzelski (1) là người chủ nhân đạo. Nhưng tại sao, trong một nước mà bình thường người dân không dễ dàng gì được đi ra nước ngoài, nhà cầm quyền lại ban cho những người mà họ coi là kẻ thù sự chọn lựa này ? 

Tính toán của chính quyền có vẻ như đơn giản. Họ hy vọng sự chọn lựa ra đi sẽ chia rẽ Công đoàn Đoàn kết từ bên trong và khiến dân chúng ghê tởm công đoàn ; họ hy vọng sự chọn lựa ra đi sẽ chứng minh sự hèn kém đạo đức của những người đã từng hô hào, "Hãy để Ba Lan là Ba Lan" nhưng lại chính là những người mà, chỉ sau một vài tháng trong tù, đổi Ba Lan lấy Canada. 

Chính quyền muốn noi gương Liên Xô, mà, để phá hoại phong trào dân chủ, trong mười năm qua, đã cho nhiều nhà bất đồng chính kiến cơ hội ra đi. Chính quyền lập luận như thế này : nhà hoạt động công nhân hay trí thức đối lập ra nước ngoài sống ; rồi sau khi được mọi người chú ý đến trong thời gian ngắn, họ sẽ biến thành một người quen gây phiền toái, một người khó chịu hay ngồi chờ trong các phòng đợi của các tổ chức khác nhau mà chỉ muốn họ đi cho khuất mắt. Họ chẳng còn là người có ảnh hưởng ở trong nước, do vậy chẳng ai lắng nghe họ, và họ mất tầm quan trọng của mình ở Phương Tây. 

Anh hiểu rõ Phương Tây, cho nên anh biết lập luận như thế không phải không đúng. Những người lưu vong hay bất hòa với nhau, họ phải lệ thuộc lẫn nhau ; cuối cùng cả thế giới lãng quên họ. 

Cho nên đi thẳng từ nhà tù đến lưu vong thường là con đường đi từ địa ngục đến trống rỗng. 

Trong thư gởi các bạn tù Andrzej Z. viết, "...đối với xã hội chúng ta là biểu tượng phản kháng. Không phải vì chúng ta rất cao thượng nhưng vì, khi tước đoạt tự do của chúng ta, nhà cầm quyền đã chọn chúng ta cho vai trò này trong vở kịch của họ có tên Tình trạng Chiến tranh (2), và chúng ta diễn theo vai trò ấy dù muốn hay không". Cho tôi nói thêm, vì vậy chúng ta hãy nhập vai sao cho xứng đáng. "Họ cho chúng ta sự chọn lựa ra đi", Andrzej Z. viết, "không phải vì mọi công dân ở nước ta có quyền ấy nhưng vì (dù đúng hay sai) chúng ta được coi là những người 'được xã hội tin tưởng', cho nên nhà cầm quyền muốn chứng tỏ rằng chúng ta không xứng đáng với sự tin tưởng này. Được tự do chọn nước ta muốn ở là một chuyện nhưng giành được tự do bằng cách giúp bọn cướp đã tước đoạt tự do của chúng ta và bằng cách hại những người sẽ không được ban cho sự chọn lựa ấy là chuyện hoàn toàn khác". 

Tôi hy vọng anh thật sự hiểu tại sao tôi có cùng quan điểm với Andrzej Z.. Đề nghị lưu vong là một thử thách đối với phong trào Công đoàn Đoàn kết, một thử thách cả về chính trị lẫn đạo đức. Những nhà hoạt động Công đoàn Đoàn kết bị giam cầm nào mà chọn lựa lưu vong là đang phạm cả hai tội đầu hàng và đào ngũ. 

adam2

Adam Michnik và Lech Walesa chụp năm 1989

Tôi biết, tôi nói nặng lời. Ngay lúc này đây tôi có thể nghe anh nói rằng tính cách của tôi không phải như thế, rằng tôi đang từ bỏ nguyên tắc bao dung của tôi, rằng quyết định ra nước ngoài sống là quyết định rất cá nhân. Tất cả những điều này đều đúng. Nhưng quyết định tham gia tích cực vào Công đoàn Đoàn kết, và tạo ra sự tin tưởng của xã hội, cũng là quyết định cá nhân, và quyết định ấy cũng ảnh hưởng đến nhiều người khác. Điều quan trọng là khi quyết định ta phải nghĩ đến sự tồn tại của những người khác ấy. Phải tưởng đến rất nhiều người khác nhau : những người bị kết án vì những cuộc đình công trong tháng Chạp được tổ chức để ủng hộ anh, những người bị công an truy nã vì tổ chức những hoạt động ủng hộ anh. Thiết tưởng cũng nên dừng lại để suy nghĩ về tất cả những người này và về phản ứng của họ khi tin tức - truyền đến nơi họ ẩn núp và đến các xà lim trong tù - rằng anh sẽ rời Ba Lan. 

Tôi không bàn đến khía cạnh chính trị của hoàn cảnh này - số phận của phong trào Công đoàn Đoàn kết. Có lẽ anh không còn muốn tham gia vào phong trào ? Có lẽ anh không còn muốn húc đầu vào tường nữa và chẳng còn muốn cố gắng đạt được những điều bất khả ? Tôi nghĩ đến đạo đức thông thường của con người và lòng trung thành căn bản. Không chỉ đối với những người đang tranh đấu mà cũng đối với những người đã đặt trọn vẹn niềm tin tưởng ở anh, và đối với những người trong cuộc đời thường mà anh đã thắp lên trong lòng họ ngọn lửa nhân ái, sự thật và nhân phẩm : những người mang thực phẩm đến cho anh khi anh ngồi tù, những người cầu nguyện cho anh trong những nhà thờ, nghĩ về anh với tất cả niềm tin, hy vọng, và thương yêu, và những người coi anh-cũng như tất cả mọi người hoạt động trong Công đoàn Đoàn kết - là biểu tượng của một nước Ba Lan tốt đẹp hơn, Ba Lan của ngày mai. 

Khi anh nhớ về họ, anh sẽ dễ dàng hiểu ra rằng chính trị ở đây gắn bó không thể nào trách rời với đạo đức, và sự chọn lựa chính trị cũng gắn bó không thể nào tách rời với sự chọn lựa đạo đức. Anh phải nhớ điều này. 

Thật ra, anh không tin vào một chiến thắng mau lẹ. Anh biết trước mặt anh là con đường gian nan chất chứa bao niềm đau thất bại và vị đắng sa ngã. Nhưng anh đã không lý tưởng hóa Công đoàn Đoàn kết. Anh theo dõi phong trào từ bên trong, nên anh chắc thấy những biểu hiện của một cuộc cách mạng bị phản bội và những hạt giống suy thoái được ươm mầm. Nhưng trong những tháng này, mà anh sẽ chẳng đổi lấy những tháng khác trong đời mình, anh đã luôn luôn sẵn sàng trả giá bằng những năm tù đày, anh cũng nhìn thấy những người đã quỳ xuống bắt đầu đứng lên, những người khao khát những lời nói thật và tự do, những người tiếp nhận những lời này như tiếp nhận bánh thánh, những người với nét mặt rạng rỡ và ánh mắt đầy tin tưởng - và anh biết không một ai sẽ có thể đè bẹp tất cả những người này bằng xe tăng. Và anh biết mai đây anh sẽ không còn thấy những khuôn mặt như thế trên đại lộ ở Paris. 

Tôi hy vọng tôi đã bày tỏ quan điểm của mình rõ ràng. Từ những gì tôi đã viết rõ ràng rằng tôi không sợ ra nước ngoài sống. Không phải vì sợ mà khiến tôi viết ra những nhận xét này. Lại càng không phải vì lòng yêu nước mù quáng. Cũng chẳng phải can đảm khiến tôi chọn nhà tù thay vì lưu đày. Nếu có chăng, tôi chọn lựa ở lại trong tù vì sợ. Vì sợ để cứu mình tôi có thể đánh mất danh dự. 

Adam Michnik

Nguyên tác : "Why You Are Not Emigrating... : A Letter from Bialoleka 1982" (Tại sao anh không chịu ra đi… : Thư viết từ nhà tù Bialoleka năm 1982). Bài này trích từ sách "Letters from prison" (Thư của Adam Michnik viết từ nhà tù), do Maya Latynski dịch ra tiếng Anh, Nhà xuất bản University of California Press - Berkeley, 1985, trang 22-24.. Tựa đề tiếng Việt của người dịch.

Trần Quốc Việt dịch

Chú thích :

(1) Tướng Wojciech Jaruzelski là nhà lãnh đạo cộng sản cuối cùng ở Ba Lan từ năm 1981 đến 1989 

(2) Tướng Jaruzelski đọc diễn văn trước Ủy ban Trung ương Đảng cộng sản Ba Lan tuyên bố "tình trạng chiến tranh" với Công đoàn Đoàn kết vào tháng 11, 1981.

********************

Người công cụ

Adam Michnik, Trần Quốc Việt dịch 

Bất lực trước cái ác có vũ trang có lẽ là tủi nhục lớn nhất của con người. Khi sáu gã to con đè anh xuống đất, anh bất lực. Nhưng anh không muốn từ bỏ quyền nhân phẩm tự nhiên của mình : anh sẽ không thỏa thuận với bọn côn đồ ấy, anh sẽ không hứa hẹn gì. Khi chúng bắt anh ra khỏi nhà, lấy hết sức đánh đập anh, làm cay mắt anh bằng hơi cay, dùng xà beng nạy cửa trước nhà anh ra và đập phá bàn ghế ngay trước mặt gia đình anh, khi vào nửa khuya chúng còng tay anh chở đến đồn công an và ra lệnh anh ký vào các tờ khai, thì bản năng tự vệ bình thường của anh và ý thức nhân phẩm căn bản của anh sẽ khiến anh nói KHÔNG.

adam3

Adam Michnik, ảnh chụp tháng 5 năm 1989

Vì cho dù những người này làm tất cả những điều nhân danh sự nghiệp tốt đẹp nhất và cao quý nhất thì họ cũng phá hoại sự nghiệp ấy bằng những hành động bất chính của họ.

Chưa có gì chắc chắn hết, cửa nhà tù vẫn còn mở ra cho anh, anh vẫn còn có sự chọn lựa. Nhưng anh hầu như đã biết - bản năng anh đang mách với anh - rằng từ bỏ nhân phẩm không phải là giá đáng trả để cửa nhà tù mở ra cho anh.

Thỏa thuận bất kỳ điều gì với những kẻ hoàn toàn xem thường chính khái niệm "thỏa thuận", những kẻ thường xuyên nuốt lời hứa, những kẻ mà dối trá là món ăn chính hàng ngày của họ, là ngược với lương tri. Dù sao, anh không bao giờ biết ai đã có quan hệ với các nhân viên cơ quan an ninh mà không cảm thấy bị lừa. Đối với những người có đôi mắt không có thần sắc và láo liên, có đầu óc u mê nhưng giỏi tra tấn, có tâm hồn hoen ố mà mong mỏi được xã hội tán thành này, anh chỉ là nguyên liệu để cho họ làm việc. Họ có nếp nghĩ riêng của họ : họ tin họ có thể thuyết phục bất kỳ ai làm bất kỳ điều gì (nói cách khác, mọi người đều có thể bị họ hoặc mua chuộc hay hăm dọa). Đối với họ đó chỉ là vấn đề cái giá phải trả hay mức độ đau đớn phải gây ra. Mặc dù họ hành động theo nhiệm vụ thường lệ của họ, nhưng mỗi cái vấp của anh, mỗi cái ngã của anh đều ban ý nghĩa cho cuộc đời họ. Đối với họ sự đầu hàng của anh không chỉ là thành tựu nghề nghiệp mà đấy chính là lý do họ tồn tại.

Thế rồi anh thấy mình bắt đầu tranh luận triết học với họ về ý nghĩa của cuộc đời anh, về vô nghĩa của cuộc đời họ, về ban ý nghĩa cho mỗi kiếp người. Anh bắt đầu cãi với họ như Giordano Bruno với Pháp quan Tôn giáo Pháp đình, như những người Khởi nghĩa tháng Chạp với sĩ quan cảnh sát Nga hoàng, như Walerian Lukasinski với thiên thần tiêu diệt của Nga hoàng, như Carl von Ossietzky với sĩ quan Gestapo tóc vàng, như Osip Mandelstam với đảng viên Bolshevik mặc đồng phục viền xanh của NKVD. Anh bắt đầu tranh cãi bất tận về điều mà Henryk Elzberg từng nói rằng giá trị của sự tham gia của anh không thể đo được bằng xác suất anh thắng mà đúng ra bằng giá trị tư tưởng của anh. Nói cách khác anh đạt được chiến thắng không phải khi anh thắng quyền lực mà khi anh vẫn trung thành với chính mình.

Lương tri của anh cũng mách cho anh biết rằng một khi ký vào bản tuyên bố trung thành với chế độ là anh đang đặt con roi vào tay công an. Họ sẽ vung vẩy con roi trước mặt anh và đe dọa anh để buộc anh ký vào bản tuyên bố khác, bản cam kết cộng tác với họ. Với bản cam kết ấy, bản tuyên bố trung thành với chế độ của anh sẽ biến thành hiệp ước với quỷ. Chính vì điều này anh không nên cho các điều tra viên công an dù chỉ một đầu ngón tay anh : vì họ sẽ ngay lập tức chụp lấy cả cánh tay anh. Chắc chắn anh phải biết cuộc đời của ai đấy đã bị tiêu tan trong một lúc khinh suất về đạo đức hay yếu đuối về tinh thần, ai đấy đã bị gọi điện thoại liên tục, nhà hay cơ quan họ bị công an đến thường xuyên, họ bị hăm dọa tố cáo mỗi lần họ đi ra nước ngoài. Những người như thế trả giá cho một lúc thiếu chín chắn bằng những năm dài ô nhục và sợ hãi. Nếu anh không muốn sợ hãi, nếu anh muốn tôn trọng mình, thì tiếng nói nội tâm của anh bảo anh, không thỏa thuận chính thức gì với công an.

Anh không thù ghét công an, chỉ thương hại họ. Anh biết tỷ lệ mắc bệnh tâm thần cao trong giới công an ; anh biết mỗi người trong họ đều xấu hổ trước mặt con cái mình. Anh biết họ sẽ chịu bản án lãng quên trên cả nước (ai có thể còn nhớ những đao phủ và những kẻ chỉ điểm của thời xưa ?).

Nói cách khác, anh vẫn chưa biết lần này, như thường lệ, họ sẽ lại nói láo, lường gạt, dọa nạt mọi người. Lần này anh cũng không biết rằng chuột sẽ là con vật đầu tiên chạy khỏi chiếc tàu đang chìm. Nhưng anh biết trước tất cả điều này không có gì mới, anh sẽ không cảm thấy thích giải thích cho những công an này đang vẫy giấy ra tù của anh ngay trước mặt anh, trong đồn công an chật chội này, rằng chính họ mới là nô lệ và không có giấy ra tù nào sẽ giải thoát họ ra khỏi ách nô lệ ấy. Anh không cảm thấy thích giải thích rằng những người đang đứng chen đầy ra đến tận ngoài hành lang mịt mù khói thuốc lá này, và họ chỉ mới vừa bị lôi ra khỏi nhà họ-tức những nhà hoạt động công nhân, giáo sư, nhà văn, sinh viên và nghệ sĩ, bạn hữu và người lạ này - chính là mạch sống và nhịp đập của tự do và chính vì điều này mà chế độ đã tuyên chiến với họ. Anh không cảm thấy thích giải thích cho viên công an đánh mạnh vào mặt anh với niềm vui thú tàn bạo ý nghĩa bài viết của Vassili Rozanov mà cho rằng cuộc tranh luận cơ bản nhất của văn hóa Châu Âu là sự đối kháng giữa kẻ cầm roi và người bị đánh bằng roi, Và anh không cảm thấy thích giải thích cho y rằng cuộc chạm trán giữa anh với họ là hiện thân mới nhất của cuộc đối kháng này. Anh sẽ hoàn toàn không nói gì với họ. Anh sẽ mỉm cười mỉa mai, anh sẽ nhất định không ký vào bất kỳ cái gì (ngay cả không ký vào cái lệnh bắt anh).

Điều duy nhất mà những trò lừa bịp này nhắc nhở anh chính là chế độ này giống như con chó hung dữ đã rụng hết răng nhưng vẫn thích cắn. Lý tưởng và đạo đức của Pavel Korchagin đã biến mất ; ngày nay khi ai la công an, mắt y hiện lên vẻ sợ hãi. Anh có thể nhận ra nỗi sợ và tâm trạng bất an ấy dưới mũ sắt của y, qua đồng phục của y, đằng sau tấm khiên của y. Anh chợt nhận thức ngay rằng sợ hãi của công an có nghĩa là anh vẫn còn hy vọng. Hy vọng là quan trọng. Có lẽ quan trọng nhất trên đời.

Adam Michnik

Nguyên tác : "Why You Are Not Signing... : A Letter from Bialoleka Internment Camp 1982" ("Tại sao anh không chịu ký"... : Thư viết nhà tù Bialoleka năm 1982) của Adam Michnik, nhà hoạt động nổi tiếng của Công đoàn Đoàn kết ở Ba Lan. Bài này trích từ sách "Letters from prison" (Thư của Adam Michnik viết từ nhà tù), do Maya Latynski dịch ra tiếng Anh, Nhà xuất bản University of California Press - Berkeley, 1985. Tựa đề tiếng Việt của người dịch.

Trần Quốc Việt dịch

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Adam Michnik, Trần Quốc Việt
Read 365 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)