Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/04/2022

Bầu cử Tổng thống Pháp : nước Pháp, Châu Âu đi về đâu ?

Từ Thức

Ngày 24 tháng Tư, nước Pháp sẽ biết ai sẽ là Tổng thống trong 5 năm tới : đương kim tổng thống Emmanuel Macron hay lãnh tụ cực hữu, bà Marine Le Pen.

duel1

Đương kim tổng thống Pháp, Emmanuel Macron và lãnh tụ cực hữu, bà Marine Le Pen

Chuyện bầu cử Tây, chắc ít người ngoài nước Pháp lưu ý, vì Pháp không còn là cường quốc hàng đầu thế giới, nhưng lần này, kết quả bầu cử có thể ảnh hưởng lớn tới tương lai của cả Châu Âu, và cục diện thế giới, vì Pháp và Đức là hai nước cột trụ của Liên Hiệp Châu Âu, và Châu Âu đang đóng vai quan trọng trong cuộc đương đầu với Putin ở Ukraine, dù không trực tiếp tham chiến.

Nếu Marine Le Pen đắc cử, nước Pháp sẽ cô lập, dần dần ra khỏi NATO (hay OTAN, tiếng Pháp), hờ hững với Liên Hiệp Châu Âu, thân thiện với Nga, từ chối những biện pháp kinh tế trừng phạt Putin, chấm dứt nỗ lực đi tới một quốc phòng chung của Châu Âu.

Không phải vô tình báo chí Nga mấy ngày nay chào mừng hy vọng chiến thắng của Le Pen.

Tóm lại, dân Pháp sẽ lựa chọn, không phải chỉ giữa 2 ứng cử viên, nhưng giữa hai đường đi, hoàn toàn đối lập.

Một bên là Macron, 45 tuổi, theo chủ nghĩa kinh tế thị trường, mở rộng cửa với thế giới, củng cố Liên Hiệp Châu Âu, gia tăng nỗ lực quốc phòng Châu Âu, nhất là sau khi Nga xâm lấn Ukraine.

Một bên là Le Pen, 54 tuổi, theo chủ nghĩa quốc gia cực đoan, đóng cửa với thế giới bên ngoài.

Le Pen muốn áp dụng chủ trương "France First", theo kiểu "America First" của Donald Trump, quên rằng nước Pháp, với 68 triệu dân, chỉ là một nước nhỏ, khó đứng một mình, đối diện với Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga và các thế lực khác.

Liên Hiệp Châu Âu không hoàn hảo như người ta mong muốn nhưng vẫn là một chỗ dựa bảo đảm an ninh quốc phòng, an toàn kinh tế cho 27 quốc gia hội viên của Liên Hiệp Châu Âu.

Đây là lần thứ hai, Macron và Le Pen lọt vào vòng hai, nhưng chưa bao giờ đảng Cực hữu có hy vọng nắm quyền như lần này.

Từ khi Liên Hiệp Châu Âu ra đời, chưa bao giờ cực hữu đe dọa nắm quyền ở một quốc gia chủ chốt ở Châu Âu mạnh như hiện nay

Bầu cử kiểu Tây

Nhiệm kỳ của Tổng thống Pháp : 5 năm, một Tổng thống có thể giữ chức 2 nhiệm kỳ.

Tổng thống Pháp là quốc trưởng có nhiều quyền hành nhất trong các chế độ dân chủ phương Tây, vì Quốc hội không mạnh như ở Mỹ ; Thủ tướng, do Tổng thống bổ nhiệm, chỉ là người thi hành chính sách của Tổng thống.

Dân Pháp bầu Tổng thống 2 vòng.

Sau vòng đầu, nếu không ứng cử viên nào đạt được trên 50% số phiếu, 2 người chiếm nhiều phiếu nhất sẽ vào vòng hai.

Chuyện đắc cử ngay vòng đầu khó xẩy ra, vì thường thường số ứng cử viên rất đông, trên 10 người, mặc dù muốn tranh cử phải có 500 dân cử giới thiệu (trong số trên 40.000 dân cử cấp xã, huyện, tỉnh, vùng, dân biểu, nghị sĩ).

Trong vòng đầu, Chủ nhật 10 tháng Tư vừa qua, 12 ứng cử viên tranh tài : ngoài Macron, không tả không hữu, còn 3 ứng cử viên cực tả, 3 cực hữu, 1 đảng Xã hội, 1 đảng Xanh, 1 đảng Cộng sản, 1 độc lập.

Macron chiếm 27,8 % số phiếu, Le Pen 23,1% lọt vào vòng hai

Vài nhận xét về kết quả, gần như bất bình thường, cho thấy chính trị Pháp vẫn tiếp tục đảo lộn, 5 năm sau cuộc "hold up" của Macron, năm 2017 :

1. Hai chính đảng đã thay nhau nắm quyền từ 2/3 thế kỷ, Đảng Cộng hòa, hữu phái ôn hòa, và Đảng Xã hội, tả phái ôn hòa, đã bị thảm bại, tổng cộng 2 đảng trước đây gọi là 2 đảng cầm quyền, không đạt tới 7% phiếu bầu, có thể biến mất trên chính trường, hay biến dạng.

Valérie Pécresse, Đảng Cộng hòa, hậu duệ của anh hùng dân tộc De Gaulle, chỉ đạt 4,8 %, tiếp tục xuống dốc sau 20% năm 2017.

Thê thảm hơn nữa, Anne Hidalgo, đảng Xã hội, phe tả ôn hòa, với 1,8 %, thua cả Lassalle (3%), một ứng cử viên độc lập, không đảng, không tiền, ra tranh cử chỉ để mua vui. Năm năm trước, với trên 6%, Đảng Xã hội tưởng đã xuống đáy địa ngục.

Cả 2 đảng bị đe dọa phá sản, vì ứng cử viên nào không đạt được 5% sẽ không được Nhà nước bồi thường tiền tranh cử, sẽ phải vay nợ, sa thải nhân viên, bán trụ sở Đảng để sống qua ngày.

2. Ba ứng cử viên cực hữu (Le Pen, Zemmour, Dupont-Aignant) chiếm 32% số phiếu, là một khuynh hướng chính trị đáng kể. Bỏ phiếu cho cực hữu không còn là lá phiếu kỳ thị chủng tộc, phát xít, đáng xấu hổ như trước

3. Nếu cộng với các ứng cử viên cực hữu, cộng thêm cực tả với Mélenchon 22%, Poutou, Arthaud, các khuynh hướng cực đoan, dân túy, gọi là anti-système (chống hệ thống chính trị hiện hành) chiếm đa số, trên 55%, chứng tỏ một môi trường chính trị thiếu lành mạnh, bất ổn, hỗn loạn

Macron, 5 năm sầy vẩy

Vòng 2, ngày 24 tháng Tư, giữa Macron và Le Pen sẽ gay cấn hơn 5 năm trước, vì xã hội Pháp đã thay đổi, chính trường Pháp đã thay đổi, còn phân hóa hơn trước.

Sau 5 năm cầm quyền, Macron không còn khiến dân Pháp mơ ước như những ngày đầu, nhưng với Le Pen, họ sẽ đi vào một cuộc phiêu lưu với những hậu quả khó lường.

Đây là lần thứ ba Marine Le Pen, kế nghiệp ông bố Jean-Marie Le Pen, người sáng lập Front National (Phong trào Dân tộc), ngày nay đổi tên thành Rassemblement National (Tập hợp Dân tộc) ra tranh cử Tổng thống.

Kỳ trước, 2017, bà ta đã lọt vào vòng 2, nhưng thua nặng (34% số phiếu bầu, Macron 66%), sau một cuộc tranh luận trên TV, cho thấy bà Le Pen, ngoài chuyện tố cáo những hậu quả tai hại của hiện tượng di dân không kiểm soát, gây xáo trộn trầm trọng trong xã hội Pháp, không nắm vững các vấn đề quan trọng, mơ hồ về ngoại giao, lơ mơ về kinh tế, rất xa với một người có khả năng lãnh đạo một quốc gia.

Le Pen khám phá ra tranh luận từng vấn đề không phải đơn giản, như hô khẩu hiệu trước một đám biểu tình, tụ tập những "fans" ủng hộ vô điều kiện.

Nếu kỳ trước, ai cũng biết Macron sẽ thắng, bầu bán chỉ là hình thức, lần này, ít ai chắc chắn kết quả sẽ ra sao.

Rất nhiều yếu tố khiến cuộc bầu cử trở thành gay go.

Macron không còn là một Superman như 5 năm trước, trong vòng đầu đã đánh tan 2 chính đảng, bên hữu, Đảng gaulliste, bên tả, Đảng Xã hội, đã thay nhau cầm quyền từ 1958.

Nước Pháp, 2017, phấn khởi với Macron, chưa đầy 39 tuổi, "thông minh, đẹp trai, học giỏi, con nhà giàu" (thực ra, con nhà giàu là một điểm yếu ở Pháp, Macron xuất thân trong giới trung lưu, được đào tạo từ những trường lớn), không phải là chính khách chuyên nghiệp, nhập cuộc với tham vọng cải tổ nước Pháp.

Với Macron, hai chính đảng lớn bị loại, không vào nổi vòng nhì. Đảng RPR của phe hữu được 20% số phiếu, Đảng Xã hội… 6%, như một đảng bỏ túi. Macron thắng luôn đa số ở Hạ viện, đưa vào Quốc hội những khuôn mặt mới, hầu hết chưa hề làm chính trị. Một loạt những chính trị gia nhà nghề, đã từng làm mưa làm gió, bị gạt ra khỏi chính trường.

Người ta chờ Macron thừa thắng xông lên, cải cách nước Pháp, nhưng không một cải cách nào thành công, từ luật lao động cho tới chế độ hưu bổng là những điều ai cũng đồng ý phải làm, nhưng chưa một chính phủ nào làm nổi.

Dân Pháp muôn người như một đồng ý phải cải cách, với điều kiện không thiệt hại cho chính mình. Bất cứ một dự án cải cách nào, dù hợp lý hay tối cần tới đâu, cũng kéo hàng trăm ngàn người xuống đường, và các chính phủ đầu hàng, xếp dự án vào ngăn kéo.

Điển hình nhất là Công ty đường sắt quốc doanh SNCF (Société nationale des chemins de fer).

Các dự án cải cách để SNCF có thể đương đầu với các công ty cạnh tranh đều thất bại. Thí dụ, chế độ hưu trí : người lái tàu về hưu ở tuổi 50, vì ngày xưa, xe lửa chạy bằng than, tài xế phải xúc than củi, nhiều người bị ho lao hay bệnh nặng.

Ngày nay xe lửa chạy bằng computer, người lái hầu như ngồi chơi xơi nước, nhưng nhân viên SNCF nhất quyết không muốn từ bỏ đặc quyền. Mỗi lần chính phủ dự tính cải cách là đình công. Vài trăm tài xế xe lửa ngưng làm việc, cả nước tê liệt, kinh tế tê liệt, chính phủ đầu hàng.

Những cuộc đình công đòi tăng lương, đòi bớt giờ làm việc diễn ra đều đều, trong khi SNCF, dù được tài trợ gần 10 tỷ Euros mỗi năm, được nhà nước xóa nợ hàng chục tỷ, vẫn lỗ vốn, trên 3 tỷ năm 2020.

Từ Áo Vàng tới Covid

Trong nhiệm kỳ vừa qua của Macron, những cuộc biểu tình còn dữ dội hơn nữa, với phong trào Áo Vàng, bùng nổ năm 2018, khởi đầu để phản đối việc tăng giá xăng, sau đó lan tràn khắp nước.

Mỗi nhóm, mỗi cá nhân bất mãn, mặc áo vàng, xuống đường, chặn lưu thông, chiếm các ngã tư, đốt phá xe hơi, ngân hàng, siêu thị, đốt phá cả Khải Hoàn Môn là một kiến trúc lịch sử tại trung tâm Paris. Khác với những cuộc biểu tình trước đây, do các nghiệp đoàn hay các tổ chức chính trị hướng dẫn, có yêu sách rõ ràng, phong trào Áo Vàng không có lãnh tụ, không có yêu sách, chính phủ dù muốn thương lượng cũng không biết phải thương lượng với ai, phải nhương bộ gì, vì mỗi nhóm Áo Vàng có một yêu sách khác nhau, nhiều khi mâu thuẫn với những nhóm cực đoan, cực hữu hay cực tả đứng sau, sẵn sàng đốt phá.

Mỗi thứ Bảy, Áo Vàng hẹn nhau chiếm đóng các trung tâm thành phố, khiến nhiều thương gia phá sản.

Phong trào Áo Vàng tạm yên hai năm sau, khi Covid hoành hành, khi có lệnh phong tỏa để ngăn chặn đại dịch.

Ít tổng thống nào gặp nhiều đại họa hơn Macron. Hết Áo Vàng tới Covid, Covid chưa xong tới chiến tranh Ukraine, nhưng cũng có thể nói Covid, Ukraine đã tạm cứu Macron khỏi tình trạng hỗn loạn Áo Vàng, hầu như không có lối thoát.

Dù sao, với biến chuyển dồn dập và những chống đối, Macron không còn hăng hái muốn cải cách nữa, bắt đầu biết thận trọng như những chính quyền trước mà Macron đã từng kết án là thụ động.

Trong những thập niên vừa qua, nhiều Tổng thống Pháp đều thất cử khi tái ứng cử : Valéry Giscard d’Estaing, Nicolas Sarkozy. François Hollande không dám tái tranh cử.

Dân Pháp đã chặt đầu vua (Louis 16), luôn luôn bất mãn, muốn lật đổ Tổng thống khi vừa bầu xong. Tổng thống chế cho Tổng thống Pháp nhiều quyền hành, nhưng phương tiện hạn chế của một quốc gia vung tay quá trán, nợ quá nhiều, ngân sách luôn luôn thâm thủng, không cho phép chính phủ thỏa mãn một dân tộc bất mãn kinh niên, mọi chuyện đều trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước.

Macron tự nhận không thuộc phe nào, tả hay hữu.

Kết quả, cánh hữu kết án Macron đã quá nhu nhược với phong trào di dân bất hợp pháp, quá thụ động trước hiện tượng hỗn loạn, bất an tại nhiều khu bình dân, đặc biệt là những khu của người Hồi giáo.

Phe tả tố cáo Macron là chính phủ của nhà giàu, không làm gì để san bằng bất công xã hội. Phe cực hữu của Le Pen, về mặt mỵ dân, cũng không khác gì phe cực tả của Jean Luc Mélenchon. Cả hai đều tranh cử với hứa hẹn "open bar", mời dân ăn nhậu miễn phí, tăng lương, tăng trợ cấp cho mọi người, làm việc ít, về hưu sớm.

Lời hứa ngon lành nhất là lấy tiền của người giàu, nhất là của tài phiệt, chia cho người nghèo. Quên rằng nếu thuế má quá nặng, giới tư bản sẽ chạy qua những nước lân cận, Thuỵ Sĩ, Bỉ, Luxembourg, mang theo cả việc làm, và không ai dám đầu tư nữa.

Nnhưng những lời hứa vô tội vạ đó lại được lòng dân. Kết quả là trong vòng đầu, sau Macron, Le Pen về thứ nhì, Mélenchon thứ ba.

Cực hữu cũng như cực tả, trong suốt 5 năm, mô tả nước Pháp như một xã hội bất công nhất thế giới, khiến nhiều người Pháp tin mình là người bất hạnh nhất trần gian, từ đó, nẩy sinh phong trào bất mãn, đôi khi oán thù.

Trên thực tế, mặc dù đời sống khó khăn đối với nhiều người, nhất là những người không thích ứng kịp với thời đại thế giới hóa, nước Pháp là nước có mức chênh lệch lợi tức thấp nhất thế giới. Nước Pháp dành 54% PIB (tổng sản lượng quốc gia) cho nghĩa vụ an sinh, trợ cấp đủ loại, tỷ số cao hơn cả các nước Bắc Âu là những nước có khuynh hướng trợ cấp xã hội rất cao. Vấn đề không phải là Nhà nước đã không nghĩ tới người nghèo, vấn đề là hệ thống hành chánh rườm rà khiến ngân sách nhiều, nhưng hiệu quả kém.

Macron đã không thực hiện được những cải cách như đã hứa, nhưng không phải đã thất bại.

Tỷ số thất nghiệp, trên dưới 7%, thấp nhất từ 15 năm nay. Số học sinh, sinh viên được huấn nghệ cao nhất từ nhiều thập niên, ở một xứ vẫn còn trọng từ chương khoa cử, nạn thất nghiệp cao, trong khi mỗi năm có trên 300.000 việc làm không kiếm được người. Các công ty ngoại quốc đầu tư ở Pháp gia tăng, nhờ cải cách thuế khóa. Macron tích cực trên mặt trận ngoại giao, với mục đích tìm lại chỗ đứng cho nước Pháp.

Vấn đề của Macron là vật giá tăng, đứng đầu là xăng nhớt, dầu khí, sau những biện pháp trừng trị Nga.

Giá cả ở Pháp tăng trên dưới 4%, trong khi các nước láng giềng tăng gấp hai, vì thực phẩm ít lệ thuộc nhập cảng. Pháp cũng chỉ nhập cảng 20% dầu khí từ Nga, trong khi Đức 60%, nhiều nước Châu Âu khác từ 80 tới 100%, vì Pháp có hệ thống sản xuất điện nguyên tử rất mạnh. Mặc dầu vậy, giá cả tăng là yếu tố quan trọng nhất đối với cử tri, là nguồn gốc bất mãn đối với những người đang nắm quyền, là mồi ngon cho đối lập.

Le Pen, khuôn mặt mới

Đối diện với một Macron sầy vẩy vì Gillets Jaunes (Áo Vàng), Covid 19, Ukraine, lạm phát, là một Marine Le Pen kinh nghiệm hơn trước, khôn ngoan hơn trước, biết chiều thị hiếu của cử tri hơn trước.

Thất bại trước ngưỡng cửa Elysées (dinh Tổng thống Pháp) năm 2017, Le Pen đã có thời giờ chuẩn bị, tạo cho mình một khuôn mặt mới, một hình ảnh dễ được chấp nhận hơn.

Biết là dân Pháp không muốn rời Châu Âu, Le Pen không đòi ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu nữa, nói ở lại để thay đổi Châu Âu, buộc Châu Âu phải tôn trọng chủ quyền các quốc gia hội viên hơn.

Biết là dân Pháp rất sợ bất ổn kinh tế, nếu Pháp ra khỏi hệ thống Euros, đồng tiền chung của Châu Âu, Le Pen không đòi từ giã Euros để trở về với đồng tiền Francs nữa.

Biết là dân Pháp không muốn rời NATO, nhất là khi Nga xâm lăng Ukraine, Le Pen không đòi ra khỏi NATO, chỉ đòi ra khỏi bộ chỉ huy NATO, nghĩa là không muốn chia trách nhiệm quân sự với Hoa Kỳ, nhưng thực tế vẫn là dần dần ra khỏi NATO, xa Mỹ, để xích lại với Nga.

Nhắc lại : NATO, tổ chức Liện hiệp Bắc Đại Tây Dương, ra đời từ 1949 với mục đích quy tụ các nước chung quanh Đại Tây Dương (Hoa Kỳ, Canada, các nước Châu Âu, tổng cộng 30 quốc gia) với mục đích đương đầu với hiểm họa Nga Xô viết. NATO cam kết sẽ can thiệp nếu một nước hội viên bị xâm lược (điều 15 của Hiệp ước).

Biết là dân Pháp vẫn sợ những khuynh hướng cực đoan, và một đảng cực hữu rất khó nắm quyền, Le Pen đã dần dần tạo cho mình một khuôn mặt ôn hòa, không quá khích, đáng ghét như trước. Vẫn chống di dân, nhưng không dùng những chữ có tính cách mạ lỵ, có tính cách kỳ thị chủng tộc nữa. Vẫn giữ tinh thần quốc gia cực đoan, nhưng không nhận mình là cực hữu nữa, chỉ là những "người ái quốc".

Với Le Pen, nước Pháp không có tả, hay hữu, chỉ có những người "yêu nước", đương đầu với những người từ bỏ quốc gia, đi vào con đường thế giới hóa, theo họ, là nguyên nhân của tất cả các tai họa đến cho dân Pháp, từ chính trị, tới kinh tế, văn hóa, xã hội.

Le Pen còn được vô tình giúp đỡ bởi một ứng cử viên cực hữu khác, Eric Zemmour. Ông này chưa hề làm chính trị, là ký giả, tác giả nhiều sách best-sellers, từ nhiều năm nay báo động nước Pháp đang bị di dân Hồi giáo tràn ngập.

Ông ta ra tranh cử, trong một tuần lễ đã được 15% phiếu bầu trong các cuộc thăm dò dư luận. Ông ta tin sẽ đánh bại Le Pen để lãnh đạo nhóm cực hữu, nhưng những lời tuyên bố của ông ta thì rất cực đoan (tất cả vị thành niên di dân đều là trộm cướp, Hồi giáo là một đe dọa cho dân chủ, phải đuổi hết di dân vì lý do kinh tế, đến từ Trung Đông, Phi Châu, Putin sẽ không bao giờ tấn công Ukraine, chỉ dàn quân để ngăn chặn sự bành trướng của OTAN, từ chối tất cả những người tỵ nạn, kể cả người Ukraine…).

Thái độ quá đáng, ngôn ngữ lỗ mãng của Zemmour không những đã không làm Le Pen yếu đi, trái lại, đã biến Le Pen thành một người ôn hòa, trước mắt dân Pháp.

Những cử tri theo Zemmour lúc đầu, trở lại bầu cho Le Pen. Người ta gọi đó là hội chứng "Copine moche" (cô bạn xấu) : một phụ nữ, muốn được thiên hạ khen là đẹp, dễ thương, tìm cách đi gần, đứng gần một cô gái vừa xấu, vừa khó chịu. Sư so sánh sẽ khiến người đẹp sẽ đẹp hơn. Một cách vô tình, Zemmour đã đóng vai "copine moche" bên cạnh Le Pen, mà ông ta cho là bất tài, sẽ không bao giờ trở thành Tổng thống.

Marine đã thành công trong việc tạo cho mình một hình ảnh ôn hòa, khả ái.

Người ta không sợ đảng cực hữu nữa, người ta nghĩ "đã thử các đảng khác, vẫn không đi tới đâu, tại sao không thử nhóm cực hữu ?".

Marine Le Pen cũng khôn khéo trong cuộc tranh cử.

Trong khi Macron bận về Covid, Ukraine, trong khi các ứng cử viên khác nói chuyện trên trời dưới đất, Le Pen chú tâm đến chuyện dân coi là ưu tiên số một : vật giá leo thang, đời sống đắt đỏ.

Le Pen hứa hẹn những điều dân nghèo chờ đợi : bớt thuế xăng nhớt, bãi bỏ hoàn toàn thuế má trên 100 món hàng tối cần, tăng lương tối thiểu, tăng trợ cấp đủ loại, làm việc ít, về hưu sớm, từ 60 tuổi.

Những lời hứa đủ loại của Le Pen, nếu thực hiện, sẽ khiến ngân quỹ thâm thủng thêm… 102 tỷ Euros mỗi năm, so với Macron, 44 tỷ, tại một nước đã có mức thâm thủng cao nhất Châu Âu, chưa nói đến số nợ khổng lồ sau chính sách đương đầu Covid "bằng bất cứ giá nào".

Ai sẽ thắng ?

Những cuộc thăm dò mới nhất cho thấy Macron dẫn đầu, nhưng kết quả bầu cử còn tùy thuộc nhiều yếu tố:

– Số cử tri đi bầu. Người ta dự đoán tỷ số vắng mặt sẽ cao hơn vòng đầu, 28%, so với 25%. Càng ít người bỏ phiếu, càng tốt cho Macron, bởi vì cử tri của Macron là những người khá giả, có bằng cấp, lớn tuổi, là những người tham dự bầu cử đông đảo, trái với cử tri của Le Pen, trẻ tuổi, thuộc giới bình dân, rất ít tha thiết với chuyện bầu bán.

– Những người đã bỏ phiếu cho các ứng cử viên khác trong vòng đầu : rất nhiều người còn ngần ngại, chưa dứt khoát sẽ chọn Macron hay Le Pen.

– Diễn biến thời cuộc : nếu chiến tranh Ukraine gia tăng, những hình ảnh thảm khốc trên TV sẽ khiến cho Le Pen lúng túng với lập trường thân Nga. Nếu có khủng bố hay bạo loạn, Le Pen sẽ có dịp tố cáo Macron nhu nhược.

– Cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên trên TV : Le Pen đã có đủ bản lĩnh, kiến thức, nắm vững vấn đề để cho thấy một khuôn mặt khác hơn là hình ảnh một con chuột đứng trước một con mèo tinh quái như cách đây 5 năm ?

Trong cuộc tranh luận, chắc chắn Macron sẽ nêu ra những cái vô lý, hay không thể thực hiện được do Le Pen hứa hẹn.

Thí dụ biện pháp miễn thuế lợi tức cho những người dưới 30 tuổi, trên lý thuyết là để giúp giới trẻ vào đời. Trên thực tế, đó là một đề nghị phi pháp, bởi vì mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, trước thuế khóa ; một đề nghị ngớ ngẩn, bất công : tại sao một cầu thủ bóng tròn dưới 30 tuổi, lãnh 2 triệu Euros mỗi tháng được miễn thuế, trong khi một công nhân 31 tuổi, lãnh 2000 euros, phải đóng thuế ?

Le Pen cũng sẽ moi móc những giải pháp của Macron bị dân chống đối.

Thí dụ dự án tăng tuổi về hưu tới 65, thay vì 60 như Le Pen. Ở một xứ bình thường, nâng cao tuổi về hưu là một điều dễ hiểu : vì người ta sống lâu hơn, số người lãnh hưu bổng càng ngày càng đông. Bắt buộc phải có giải pháp : hoặc bớt tiền hưu bổng, hoặc tăng tiền đóng góp trước khi về hưu, hoặc về hưu trễ hơn. Dân Pháp muốn lãnh hưu nhiều hơn, đóng góp ít hơn, về hưu sớm hơn.

Tại các nước khác ở Châu Âu, kể cả Bắc Âu, giàu hơn Pháp, gương mẫu về chính sách an sinh, xã hội, người dân chấp nhận về hưu ở tuổi 65 hay 67, nhưng với dân Pháp, làm việc tới 65 là một đại họa, không thể chấp nhận được.

Macron coi chuyện cải cách hưu bổng là ưu tiên số một, nhưng trước sự phản kháng dữ dội của dân và của các nghiệp đoàn, Macron, sợ Le Pen khai thác, đã lùi bước trước khi đắc cử : có thể sẽ là 64, thay vì 65, và chỉ thi hành từ năm… 2030, và, nếu cần, sẽ tổ chức trưng cầu dân ý, để dân quyết định ! Ra tranh cử lần đầu, Macron viết một cuốc sách, tựa là "Révolution" (Cách mạng). Sau 5 năm cầm quyền, Macron hiểu là thay đổi một chút xíu ở Pháp đã là chuyện vạn nan. Cách mạng, tạm gác lại.

Tối 24 tháng Tư, nước Pháp sẽ có Tổng thống mới, nhưng viễn ảnh không có gì lạc quan.

Nếu Le Pen thắng, nước Pháp sẽ trơ trọi, nếu không phá sản ; Châu Âu, OTAN sẽ yếu đi, là điều mà Putin, Tập Cận Bình mong đợi. Cuộc phiêu lưu bắt đầu.

Nếu Macron thắng, không hy vọng gì về những cải cách tối cần, tại một quốc gia chia làm 3 khối : cực tả, cực hữu, và những người đứng giữa. Chính phủ sẽ bị bó tay trong một quốc gia không ai cai trị nổi, dân càng ngày càng đòi hỏi, sẵn sàng chống đối bất cứ một chính sách nào của một chính phủ không thuộc phe mình.

Quan sát các nước dân chủ, Alexis deTocqueville viết : "Càng tiến gần đến sự hoàn hảo, người ta càng bất mãn”.

Từ Thức

Paris ngày 14/04/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Từ Thức
Read 565 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)