Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/04/2022

Những cuộc đầu hàng lưu danh với thời gian

Virginius Dabney, Douglas MacArthur

Appomattox : Cuộc đầu hàng lưu danh với thời gian

Virginius Dabney, Trần Quốc Việt dịch 

Cách đây 90 năm (bài này được viết từ năm 1955-ND), vào ngày 9/4/1865, cuộc xung đột mà Winston Churchill gọi là "cuộc chiến tranh cuối cùng giữa những người quân tử" đã kết thúc ở Tòa án Appomattox.

appomatox1

Tướng Robert E. Lee đầu hàng Tướng Ulysses S. Grant ở Tòa án Appomattox ngày 9/4/1865

Bây giờ những cánh rừng xanh và cánh đồng thuốc lá nhấp nhô bao quanh làng Virginia nhỏ bé ấy trông rất thanh bình. Những cây sồi phất phơ trong nắng và những nụ hoa dương đào căng đầy như thuở nào vào ngày Chúa nhật Lễ Lá bao nhiêu năm trước đây khi Quân đội Bắc Virginia dưới quyền Tướng Robert E. Lee đầu hàng Tướng Ulysses S. Grant. Vào ngày ấy tướng Grant của Liên bang đặt ra những điều kiện rộng lượng nhất mà lịch sử từng ghi nhận, những điều kiện mà sự can đảm và bao dung của chúng đã góp phần tái thống nhất một quốc đã bị cuộc nội chiến bi kịch chia cắt thành hai.

Ngày nay Appomattox trở thành nơi hành hương đối với nhiều người từ khắp nơi trên thế giới. Khi tòa án cũ bị cháy vào năm 1892 tòa án mới được xây lên cách đấy ba dặm gần tuyến đường sắt Norfolk & Western, và thành phố Appomattox mới thành hình nên từ đấy. Gần như cả ngôi làng mà tồn tại khi Lee đầu hàng đã được National Park Service khôi phục đúng y như khung cảnh vào thời ấy ; công việc phục hồi nên hoàn tất trước lễ kỷ niệm bách chu niên vào mười năm tới.

Đây là ngôi nhà của Wilmer Mclean, nơi Grant và Lee gặp nhau để thảo ra những điều kiện đầu hàng, đã được trùng tu. Một lữ quán cũ, trước kia là nơi dừng chân cho những chuyến xe ngựa chở khách đi miền tây, giờ đây là viện bào tàng những hiện vật của cuộc đầu hàng. Gần đấy là nhà tù làng cũ và tiệm tạp hóa nhỏ, cùng với một số nhà dân cư trước nội chiến. Với sự trùng tu tòa án cũ đã bị cháy, mà có thể không được hoàn thành trong mười năm, Appomattox sẽ là ngôi làng thế kỷ thứ mười chín duy nhất được trùng tu ở Mỹ.

appomatox2

Gần như cả ngôi làng Appomatox khi Lee đầu hàng đã được National Park Service khôi phục đúng y như khung cảnh vào thời ấy

Chính Tướng Grant bốn mươi hai tuổi, điềm tĩnh, lạnh lùng, con của người thợ thuộc da, cuối cùng đã khuất phục được Miền Nam. Sau khi ông buộc quân Miền Nam phải đầu hàng ở Vicksburg và nhờ vậy cắt Miền Nam thành hai bằng cách kiểm soát sông Mississippi, Grant được Tổng thống Lincoln giao phó trọng trách đánh tan Quân đội Bắc Virginia và chiếm Richmond.

Địch thủ của ông, Tướng Lee, râu tóc bạc phơ ở tuổi năm mươi bảy, là tư lệnh quân đội lỗi lạc nhất trong cuộc chiến, một con người về mọi phương diện đều xứng đáng với truyền thống tổ tiên cao quý. Miền Nam tôn thờ nhà lãnh đạo quý tộc giọng trầm này ; Miền Bắc sợ và kính trọng ông.

Vào tháng Ba 1865, tuy bị áp đảo về số lượng và bị suy yếu trước sự tấn công mãnh liệt dồn dập của các lực lượng của Grant nhưng Lee vẫn tuyệt vọng cố gắng giữ các tuyến phòng thủ trước Petersburg. Rồi đến trận Five Forks đại bại, và cả Petersburg lẫn Richmond đều thất thủ. Quân đội chủ lực Miền Nam còn lại cuối cùng bắt đầu cố gắng chạy thoát về miền tây. Rồi lại đại bại tiếp ở Sayler's Creek đã đưa những người lính miền Nam đói và hốc hác đến gần Tòa án Appomattox. Nhiều người lính mắt thâm quầng, mệt lử này nhiều ngày qua đã không có gì ăn ngoại trừ những nắm bắp họ có thể ăn bớt từ đồ ăn dành cho ngựa và lừa mà cũng ốm đói như chủ.

Một người lính phiến loạn miền Nam rách rưới và quá đói đang đi tìm gà lạc thì bị quân lính Liên bang ăn uống đầy đủ bao vây.

"Đầu hàng đi thôi, chúng tôi bắt được anh rồi !" họ la to.

"Tôi đầu hàng", người lính miền Nam đáp, "nhưng các ông lại bắt được một kẻ thật chẳng đáng gì !".

Mưa tầm tã đã biến cả vùng thành đầm lầy, và quân của Lee hầu như không thể nào di chuyển được. Nhận thức rõ điều này, lực lượng Liên bang dưới sự lãnh đạo của kỵ binh của Sheridan đã nhìn thấy cơ hội. Sau những cuộc hành quân bắt buộc đòi hỏi binh sĩ và ngựa chiến phải gắng hết sức mình, quân của Lee đã hoàn toàn bị bao vây, hy vọng cuối cùng của quân miền Nam muốn tháo chạy đến gia nhập lực lượng của Tướng Joseph E. Johnston ở North Carolina bị dập tắt.

Lee thấy hoàn cảnh tuyệt vọng của mình.

"Tôi không còn có gì để làm nữa ngoại trừ phải đi gặp Tướng Grant thôi", ông nói, "nhưng tôi thà chết một ngàn lần".

Ông gởi thư cho Grant, và yêu cầu thư ký quân đội, Đại tá Charles Marshall, chọn một nơi thích hợp cho cuộc hội nghị liên quan đến những điều kiện đầu hàng.

appomatox3

Trong lúc chờ thư của Grant, Lee ngồi nghỉ dưới cây táo ở tòa án đối diện với sông Appomattox. Ông mặt quân phục rất oai nghiêm với thanh gươm đẹp và túi lụa đỏ. Khi nhận được thư hồi đáp ông leo lên con ngựa nổi tiếng Traveler của mình và đến nơi hẹn đã được chọn.

Lee và Marshall đến trước Grant. Khi Grant đi vào một cách vội vàng, Grant vẫn còn mặc trên người bộ đồ trận lấm bùn, vì ông không muốn để Lee phải chờ.

Hai người đã gặp nhau lần cuối cách đấy mười bảy năm khi cả hai còn là sĩ quan trong cuộc chiến tranh Mexico. Cuộc trò chuyện quay sang thời ấy, và Grant mải mê chuyện trò đến nỗi Lee phải nhắc Grant rằng họ gặp nhau để bàn về việc Quân đội Bắc Virginia đầu hàng.

Grant ngay lập thức đề nghị rằng những sĩ quan và binh lính nào hứa danh dự không cầm vũ khí chống lại Hoa Kỳ được phép trở về nhà.

"Điều này sẽ khiến cho quân đội tôi rất vui", Lee nói, vì ông thấy lính ông sẽ không bị áp giải đến nhà tù.

Rồi Grant hỏi Lee có đề nghị gì không và Lee hỏi những kỵ binh và pháo binh quân miền Nam, tất cả họ đều làm chủ những con ngựa họ dùng trong chiến tranh, có được phép đưa ngựa họ về lại nhà họ để cày cho vụ xuân tới không. Tổng tư lệnh quân đội Liên bang đồng ý ngay.

Lee lại bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc.

Trong khi những điều kiện đầu hàng được ghi ra giấy và sự chấp nhận những điều kiện đầu hàng được thảo ra, Grant giới thiệu với Lee những vị tướng Liên bang đứng phía sau mình. Rồi Lee bảo Grant rằng ông có 1.000 tù binh Liên bang nhưng ông không có lương thực cho họ vì ngay cả lính ông cũng chẳng còn lương thực. Tướng tư lệnh miền Bắc, nghĩ tướng địch quân miền Nam vẫn còn chỉ huy đến 25.000 quân (con số này cao hơn thực tế nhiều), liền hứa cung cấp 25.000 phần ăn cho quân miền Nam. Lee chấp nhận sự giúp đỡ này với lòng biết ơn chân thành.

Khi Lee đi ra mái hiên vài sĩ quan Liên bang đứng bật dậy chào. Tướng tư lệnh quân miền Nam chào lại. Khi Lee đã lên con ngựa Traveler, một chút sau, Grant cũng sắp lên ngựa của ông thì ông bất ngờ đứng lại và giở mũ ra để tỏ lòng kính trọng. Những sĩ quan Liên bang khác cũng làm theo. Lee nhắc mũ lên đáp lại, rồi phi ngựa quay về để bảo binh lính ông rằng chiến tranh đã kết thúc.

Tin về cuộc gặp gỡ với Grant đã lan truyền ra, cho nên khi lính của Lee thấy ông phi ngựa trên con đường đất đỏ về hướng họ họ liền xúm quanh lại hai bên đường, nôn nóng hỏi có phải quân đội miền Nam đã đầu hàng chăng. Giọng ông run run và mắt ông đẫm lệ, Lee bảo họ cuộc chiến đã tàn.

Người thì bàng hoàng, kẻ thì thề họ sẽ quyết đánh đến cùng nếu ông ra lệnh. Những người đã trải qua khói lửa cuộc tấn công của Pickett ở Gettysburg, những người đã chịu đựng không nao núng cuộc tàn sát ở Spottsylvania Courthouse, giờ đây đều khóc công khai.

Khi Lee chạy dọc theo con đường về tổng hành dinh các sĩ quan và lính hoan hô hình ảnh thân quen của vị tư lệnh của mình, rồi họ bắt đầu bật khóc khi họ thấy ông không thể nào chế ngự được cảm xúc của ông.

Khi Lee về đến lều các sĩ quan và lính chen nhau đến gặp ông để nói lời chia tay. Giọng run run ông dặn dò họ nhiều lần là hãy đi về nhà, gieo trồng cho vụ mùa, và tuân thủ luật pháp.

Ngày hôm sau, 10 tháng Tư, đại tá Marshall thảo ra bài diễn văn cao cả "Từ biệt Quân đội Bắc Virginia", và sau khi Lee thay đổi đôi chút, bài diễn văn được đọc trước toàn quân.

Lee và Grant sau đấy có cuộc hội đàm khác trên một ngọn đồi nằm ở giữa hai chiến tuyến. Tại đây họ trò chuyện thân thiết trong hơn nửa giờ và thảo luận về việc ân xá cho những lính quân đội miền Nam và tương lai của miền Nam.

Trên đường quay về tổng hành dinh Lee bất ngờ gặp Tướng George G. Meade, tư lệnh Quân đội Potomac của miền Bắc, người đã phi ngựa đến thăm ông.

"Ông làm gì mà râu tóc bạc nhiều vậy ?", Lee hỏi tướng miền Bắc có mũi khoặm.

"Chính ông đã làm cho râu tóc tôi bạc nhanh đến thế", Meade cười đáp.

Vào ngày 11 tháng Tư hai bên đã thảo ra kế hoạch cuối cùng cho việc ân xá và đầu hàng. Ngày hôm sau tàn quân của Quân đội Bắc Virginia kiêu hùng với Tướng Gordon dẫn đầu đi dọc theo đồi về hướng Tòa án Appomattox. Ngay trước khi đến làng, họ thấy hai lữ đoàn quân Liên bang đứng thành hàng dọc theo hai bên đường dưới sự chỉ huy của Tướng Joshua L. Chamberlain, người được trao Huân chương Danh dự của Quốc hội vì đã chiến đấu anh dũng ở Gettysburg.

Khi quân miền Nam đi ngang qua, những người lính Liên bang bồng súng chào và những người lính miền Nam chào lại. Hết sư đoàn này đến sư đoàn khác bỏ vũ khí xuống thành từng đống và cũng bỏ xuống những lá cờ trận bị đạn bắn rách tả tơi.

"Về phần chúng tôi", Tướng Chamberlain về sau nói, "thì không một tiếng kèn cũng chẳng một hồi trống ; không một lời mừng vui, cũng chẳng một lời thầm thì về hư vinh của chiến thắng... mà đúng hơn là sự im lặng thành kính, và nín thở, như thể trước mắt mình là người đang chết".

Tướng Lee vẫn ở trong trại cho đến khi nghi lễ đầu hàng xong. Trong lúc những người lính chán nản của ông trông ngóng về hướng quê nhà thì ông bắt đầu lên đường về Richmond. Tư lệnh Liên bang khăng khăng cho một đoàn hai mươi lăm kỵ binh đi theo tiễn đưa ông mấy dặm đường.

Grant đã rời Appomattox trước khi những người lính miền Nam giao nộp vũ khí và cờ. Ông không muốn chứng kiến kết cục bi thương và tủi nhục của quân đội kiêu hùng mà ông đã đánh bại.

Ông và Lee gặp nhau một lần nữa vào năm 1869, khi viên tư lệnh Quân đội miền Nam khước từ những đề nghị lợi lộc đủ loại để lui về làm hiệu trưởng trường đại học Washington khiêm nhường ở Lexington, bang Virginia. Lee ghé thăm Grant ở Tòa Bạch Ốc (the White House) để bày tỏ lòng kính mến Grant.

Giống như Lincoln trước mình, Grant luôn luôn tìm cách "băng bó lại vết thương quốc gia". Vào thập niên đầu những năm 1880, nhiều năm sau khi Lee mất, Grant đóng góp 500 đô la cho công cuộc xây dựng Nhà dưỡng lão cho những người Lính miền Nam nghèo và bệnh tật ở Richmond, và vào năm 1884 nhận thấy rằng mình không thể nào tham dự hội chợ gây quỹ để xây nhà này, ông viết thư cho ủy ban tổ chức hội chợ vẫn với tinh thần hào hiệp mà ông đã thể hiện ở Appomattox gần hai mươi năm trước đấy :

"Tôi hy vọng hội chợ của quý vị sẽ thành công và mục đích như dự tính có thể nhận được sự ủng hộ, như vậy sẽ cho tất cả những người lính can đảm cần một mái nhà sẽ có một mái nhà và chỗ nương thân để tránh mọi âu lo. Những người ngày xưa đối mặt trong cuộc chiến tranh một mất một còn giờ đây lại là những người bạn thân thiết nhất, và chỉ còn cạnh tranh với nhau để xem ai có thể là những công dân tốt nhất cho quốc gia vĩ đại nhất trên địa cầu này".

Virginius Dabney

Nguồn: Dịch từ tạp chí Mỹ The Saturday Review số ra ngày 19/03/1955. Tựa đề của người dịch

Trần Quốc Việt dịch

**********************

Quân tử gặp anh hùng

Douglas MacArthur, Trần Quốc Việt dịch 

Douglas MacArthur có lẽ là vị tướng tài ba nhất và nổi tiếng nhất trong lịch sử Mỹ. Ông còn được mệnh danh là "Người hùng Thái Bình Dương" trong Thế chiến Thứ hai. Nhưng thành công sáng chói nhất và trường tồn theo thời gian của ông là chỉ trong vài năm ngắn ngủi ông đã tạo ra nền tảng tự do và dân chủ bền vững cho một nước Nhật bại trận, tuyệt vọng, đói rách, và hoàn toàn đổ nát. Chính từ nền tảng thể chế này, Nhật Bản - như chim phượng hoàng huyền thoại hồi sinh từ đống tro tàn- đã bay vút vào tương lai và ngày nay trở thành cường quốc dân chủ thịnh vượng. 

appomattox4

Buổi gặp gỡ giữa Tướng MacArrthur và NHật hoàng Hirohito tại Tokyo ngày 29/09/1945

Còn Nhật Hoàng Hirohito kêu gọi nhân dân Nhật hãy can đảm chấp nhận đầu hàng vô điều kiện để "mở đường cho tất cả những thế hệ tương lai bằng cách chịu đựng những gì không thể nào chịu đựng được và đau khổ những gì không thể nào đau khổ được... để theo kịp đà tiến bộ của thế giới". Lời kêu gọi của ông đã khích lệ rất lớn đến tinh thần và nỗ lực kiên trì tái kiến thiết lại đất nước của người Nhật trong hoàn cảnh nhục nhã nhất và tuyệt vọng nhất của họ sau khi bại trận. 

Nhưng Douglas MacArthur đã đối xử với họ rất bao dung, độ lượng, trắc ẩn, và công bằng trong suốt thời gian ông nắm giữ quyền lực tối cao ở Nhật Bản. Ông nhận hàng trăm ngàn lá thư cảm ơn từ các tầng lớp người Nhật. Ngày ông rời Nhật Bản về nước, hàng trăm ngàn người già trẻ nam nữ xếp hàng dài dày dặc ở hai bên đường từ sáng sớm trên suốt hàng chục cây số để tiễn đưa ông lần cuối. Họ kêu to "Sayonara, Sayonara", hay giơ cao biểu ngữ ghi "Chúng tôi thương mến Tướng quân MacArthur", và "Chúng tôi cảm ơn ông". 

Hai người đã gặp nhau sau khi lực lượng đồng minh chiếm đóng dưới sự lãnh đạo của tướng Douglas MacArthur đến Nhật Bản vào tháng Chín, 1945 và buổi gặp nhau ban đầu của hai người mà tiêu biểu cho hai chiến tuyến thù nghịch mới ngày nào đã mở cánh cửa tương lai tươi sáng cho nhiều thế hệ người Nhật. 

*

Chẳng bao lâu sau khi tôi đến Tokyo, những người trong bộ tham mưu của tôi thúc giục tôi triệu Nhật Hoàng đến tổng hành dinh của tôi để biểu lộ quyền lực. Tôi bỏ qua những lời đề nghị của họ. "Làm như thế", tôi giải thích, "sẽ xúc phạm đến tình cảm của nhân dân Nhật và biến Nhật Hoàng thành người tuẫn đạo trong mắt họ. Không, tôi sẽ đợi rồi từ từ Nhật Hoàng sẽ tự đến gặp tôi. Trong trường hợp này, sự kiên nhẫn của Phương Đông sẽ phục vụ tốt nhất mục đích của chúng ta hơn sự vội vàng của Phương Tây". 

Quả nhiên chẳng bao lâu sau Nhật Hoàng yêu cầu cuộc hội kiến. Mặc áo ghi lê và quần kẻ sọc, đội mũ cao, đi trên chiếc Daimler với quan tổng thị vệ triều đình ngồi đối diện ở ghế phụ, Hirohito đến tòa đại sứ. Ngay từ đầu cuộc chiếm đóng, tôi đã chỉ thị không nên đối xử bất kính với ông. Phải dành cho ông tất cả những danh dự thích hợp với bậc quân vương. Tôi tiếp đón ông chân tình, và kể lại dịp tôi được cha ông đón tiếp vào lúc kết thúc cuộc chiến tranh Nga-Nhật. Nhật Hoàng trông hồi hộp và bao căng thẳng trong suốt mấy tháng qua hiện ra rõ ràng. Tôi yêu cầu tất cả mọi người đi ra ngoài chỉ ngoại trừ người thông dịch cho ông, và chúng tôi ngồi xuống trước lò sưởi ở cuối phòng tiếp khách dài. Tôi mời ông thuốc lá Mỹ, ông cầm lấy và cảm ơn. Khi tôi châm thuốc lá cho ông tôi nhận thấy hai tay ông run. Tôi gắng hết sức mình để tạo cho ông sự thoải mái và tự nhiên, nhưng tôi biết niềm đau tủi nhục ở ông ắt hẳn sâu thẳm và khủng khiếp biết chừng nào. Tôi có cảm giác khó chịu là ông có thể sẽ kể lể ra những lý do để khẩn cầu đừng truy tố ông như tội phạm chiến tranh. 

Trước đấy nhiều đồng minh, đặc biệt người Nga và người Anh, đã lên tiếng mạnh mẽ đòi đặt ông vào loại tội phạm ấy. Quả thật, tên của Nhật Hoàng đứng đầu danh sách tội phạm đầu tiên do họ đề nghị. Nhận thức những hậu quả bi kịch sẽ theo sau hành động bất công như thế, tôi cực lực chống lại những ý định ấy. Khi Washington dường như nghiêng về quan điểm của người Anh, tôi đề nghị rằng tôi sẽ cần thêm ít nhất một triệu quân tiếp viện nữa nếu họ làm như thế. Tôi tin rằng nếu Nhật Hoàng bị buộc tội, và có lẽ bị treo cổ như tội phạm chiến tranh, chính quyền quân sự phải được thiết lập trên toàn cõi Nhật Bản, và chiến tranh du kích có lẽ sẽ bùng phát. Tên của Nhật Hoàng sau đó bị gạch ra khỏi danh sách tội phạm chiến tranh. Nhưng ông chẳng hề biết gì về tất cả điều này. 

appomatox5

Tướng Douglas MacArthur

Nhưng mối lo sợ của tôi không có căn cứ. Nhật Hoàng nói như thế này : "Thưa Tướng quân MacArthur, là người chịu trách nhiệm duy nhất cho mọi quyết định chính trị và quân sự và mọi hành động của nhân dân tôi khi tiến hành chiến tranh, tôi đến đây gặp ông để chịu sự phán xét của các cường quốc mà ông đại diện". Lòng tôi chợt dâng trào lên cảm xúc phi thường khó tả. Sự gánh vác can đảm trách nhiệm này mà đồng nghĩa với cái chết, một trách nhiệm rõ ràng không đúng với những sự thật tôi hoàn toàn biết rõ, khiến tôi xúc động đến tận cõi lòng. Ông là hoàng đế cha truyền con nối, nhưng trong khoảnh khắc ấy tôi biết tôi đang đối diện với Đệ Nhất Quân Tử Nhật Bản đích thực. 

Sau lần ấy Nhật Hoàng đến thăm tôi thường xuyên, chúng tôi bàn về hầu hết các vấn đề quốc tế. Tôi luôn luôn giải thích kỹ càng những lý do quan trọng nhất về chính sách chiếm đóng, và tôi nhận thấy ông hiểu biết uyên thâm về khái niệm dân chủ hơn hầu hết những người Nhật tôi có dịp trò chuyện. Ông đóng vai trò rất lớn trong sự hồi sinh tinh thần của Nhật Bản, và sự hợp tác trung thành và ảnh hưởng của ông đã tác động rất nhiều đến sự thành công của công cuộc chiếm đóng. 

Douglas MacArthur

Nguyên tác : "Reminiscences" của Douglas MacArthur, nhà xuất bản McGraw-Hill, 1964, trang 287-288. Tựa đề của người dịch.

Trần Quốc Việt dịch

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Virginius Dabney, Douglas MacArthur, Trần Quốc Việt
Read 492 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)