Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Bầu cử tổng thống Pháp : Sinh viên bất bình về song đấu Macron-Le Pen

Hôm 15/04/2022, cuộc bầu cử tổng thống Pháp 2022 vẫn là chủ đề nóng nhất đối với các nhật báo Pháp khi chỉ còn 10 ngày nữa sẽ diễn ra vòng 2 giữa hai ứng viên đã về đầu ở vòng một là ông Emmanuel Macron và bà Marine Le Pen. 

sinhvien1

Cảnh sát chống bạo động trấn giữ bên ngoài đại học Sorbonne-Paris, Pháp, khi hàng trăm sinh viên chiếm giữ trường học phản đối kết quả bầu cử tổng thống vòng 1. Ảnh chụp ngày 15/04/2022.  AP - Francois Mori

Nhật báo Le Monde nói về chiến thuật của hai ứng viên trước vòng hai. Chiến dịch thuyết phục cử tri bình dân đã bắt đầu. Mười ngày trước vòng hai, tổng thống mãn nhiệm Emmanuel Macron thuộc đảng Cộng Hòa Tiến Bước (LREM) và lãnh đạo đảng Tập Hợp Dân Tộc (RN) bà Marine Le Pen phải đối mặt với cùng một thách thức để giành chiến thắng : Thuyết phục những người đã bỏ phiếu trắng ở vòng 1, nay bỏ phiếu cho mình, và thu hút được nhiều người trong số 21,95% cử tri đã ủng hộ ông Jean-Luc Melenchon, lãnh đạo đảng Nước Pháp Bất Khuất (LFI).

Những chủ đề chính mà hai ứng viên sẽ đề cập đến để thuyết phục cử tri : Đó là vấn đề về sức mua và lạm phát, cũng như lương hưu và tiền lương. Sau một chiến dịch tranh cử bị rút ngắn do chiến tranh ở Ukraine, ông Emmanuel Macron đang cố gắng đưa những giải pháp mang tính chất xã hội vào chương trình tranh cử của mình, bởi hiện tại, những đề xuất của ông như tăng tuổi về hưu lên 65 đang làm cho cử tri bất bình.

Về phần mình, bà Marine Le Pen muốn củng cố và mở rộng số lượng cử tri của mình, đồng thời cũng trau chuốt hình ảnh bản thân để chứng minh cho mọi người rằng bà có đủ tầm cỡ để làm tổng thống.

Kể từ Chủ nhật vừa qua, cả hai ứng viên đều đang cố gắng quyến rũ các cử tri cánh tả. Bruno Cautrès, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) cho biết : "Hiện tại, bà Marine Le Pen đang đặt trọng tâm vào việc đưa ra các giải pháp quan trọng nhằm cải thiện sức mua của người dân và dường như điều đó đã có tác dụng với việc bà ấy đã mở rộng phạm vi tranh cử của mình so với năm 2017".

Về phần mình, trang nhất và xã luận của nhật báo thiên tả Libération dành sự chú ý cho lãnh đạo đảng Nước Pháp Bất Khuất (LFI) ông Jean-Luc Mélenchon và tương lai của cánh tả trong hệ thống chính trị Pháp. Với gần 22% số phiếu bầu, ông Jean-Luc Mélenchon đương nhiên là người đang có uy tín cao nhất trong cánh tả, và việc tái cơ cấu cánh tả sẽ phải xoay quanh chương trình vận động bầu cử cực đoan của ông. Ngoài ra cũng phải nói đến thất bại ê chề của thị trưởng Paris, ứng viên thuộc đảng Xã Hội (PS) bà Anne Hidalgo, với tỷ lệ chưa đến 2%, tỷ lệ thấp nhất của đảng Xã Hội trong lịch sử các cuộc bầu cử tổng thống Pháp. Rồi những màn trình diễn thiếu sức thuyết phục của hai ứng viên cánh tả khác là Yannick Jadot và Fabien Roussel.

Trong vòng ba tuần tới, đảng Xanh và đảng Cộng Sản sẽ phải thảo luận với đảng LFI để tìm được một thỏa thuận trước cuộc bầu cử Quốc hội Pháp sẽ diễn ra vào tháng 6 tới, và đây sẽ là bước đệm đầu tiên của việc tái cơ cấu cánh tả. Các cuộc thảo luận đã được tiến hành nhưng còn quá sớm để có thể biết chúng sẽ kết thúc như thế nào. Rủi ro đối với đảng LFI là tự cho rằng mình quá mạnh và quên rằng một phần trong 22% số phiếu là của những cử tri ủng hộ đảng khác đã bầu cho ông Mélenchon khi họ cho rằng ứng viên mà họ ưa thích nhất không có triển vọng tiến xa hơn.

Các sinh viên bất bình về màn song đấu Macron-Le Pen

Về chủ đề này, nhật báo thiên hữu Le Figaro có bài nói về các trường đại học Panthéon-Sorbonne, viện nghiên cứu Chính trị (Sciences Po) hay trường Cao Đẳng Sư Phạm (Ecole Normale Supérieure) đều bị sinh viên phong tỏa, vì không hài lòng với kết quả của cuộc bầu cử tổng thống vòng một. Hôm qua 14/04, các sinh viên biểu tình ở trường Sorbonne đã có những hành động quá khích như ném ghế ra ngoài cửa sổ hướng về các xe cảnh sát.

Với những khẩu hiệu hô hào không bỏ phiếu cho cả Macron lẫn Le Pen, hay "Cách mạng là nghĩa vụ", "Sorbonne bị chiếm đóng", rõ ràng là cuộc đấu giữa Macron-Le Pen ở vòng 2 khiến băng ghế của các trường đại học trở nên rất "sôi động". Từ hôm 12/04, những sinh viên được gọi là "chống phát xít" đã lên tiếng bày tỏ sự tức giận sau kết quả vòng một, đặc biệt là ở Paris. Theo một cuộc thăm dò của Ipsos-Sopra Steria, 42% thanh niên trong độ tuổi 18-24 đã không đi bỏ phiếu ở vòng đầu của cuộc bầu cử tổng thống. Trong số những người trẻ tuổi, tỷ lệ phiếu bầu dành cho ứng viên đảng LFI, Jean-Luc Mélenchon là 31%.

Chiến tranh Ukraine : Quân Nga tạo bầu không khí kinh hoàng ở thành phố Kherson

Về tình hình chiến tranh Ukraine, tờ Le Monde nói về nỗi sợ hãi mà người dân ở Kherson đang phải chịu đựng kể từ khi Nga xâm lược Ukraine.

Nỗi lo sợ bạo lực đã khiến những người Ukraine sống ở vùng Kherson rời khỏi khu vực mà quân đội Nga đã chiếm đóng. Những hình ảnh khủng khiếp về Bucha, Irpin và những thành phố trong đống tro tàn khác cứ quay cuồng trong đầu người dân. Natalia, 38 tuổi, cư dân Kherson, cho biết : "Tôi không thể chịu được nữa nên tôi đã rời đi ngay khi có thể. Những kẻ buôn người yêu cầu những khoản tiền điên rồ, nhưng cuối cùng tôi cũng đã đoàn tụ được với gia đình. Gia đình tôi di chuyển bằng ô tô từ hướng ngược lại, đi qua Zaporizhia. Thành phố này vẫn nằm trong vùng tự do, tức là dưới sự kiểm soát của quân đội Ukraine". Natalia lo sợ rằng câu chuyện của cô sẽ thu hút sự chú ý của Nga, dẫn đến hậu quả tai hại cho những người thân của cô vẫn ở lại vùng bị chiếm đóng.

Cũng như Natalia, Sergei, 41 tuổi đã quyết định bỏ lại cha mẹ mình để chạy trốn. "Tôi đã ra đi hôm 11/04, bởi vì tôi cảm thấy rằng mọi thứ sẽ không ổn. Tôi nhìn thấy những hình ảnh của Bucha và tôi thấy những người lính Nga xung quanh tôi trở nên hung hãn hơn. Trên hết, tôi sợ rằng các hành lang nhân đạo sẽ đóng cửa".

Còn Liuba Alexandrova, 30 tuổi, hiện đang lánh nạn tại tổ chức phi chính phủ The Way Home ở Odessa vẫn hy vọng vào một ngày quân đội Ukraine sẽ tái chiếm Kherson. Liuba nói : "Chúng tôi muốn trở về nhà ở Kherson, nhưng hiện tại tình hình ở đó rất nguy hiểm, nên chúng tôi phải rời đó và đến Ba Lan".

Liuba cũng lo lắng về những tin đồn người dân bị cưỡng hiếp và ngược đãi : "Quân Nga lục soát các căn hộ, tìm kiếm các cựu chiến binh (trong cuộc xung đột vào năm 2014 ở Donbass), các nhà hoạt động ủng hộ Ukraine, và nhiều người đã biến mất mà không để lại dấu vết. Chúng tôi thường xuyên nghe được những tiếng súng. Tôi đã bị hoảng loạn ở Kherson, với ý nghĩ rằng những người thân của tôi sẽ bị giết. Tôi rất lo cho anh trai tôi và sáu đứa con của anh ấy. Anh ấy không có khả năng ra đi. Anh ấy sống trong một ngôi làng, và quân Nga đã di chuyển đến đó".

Phần Lan tiến lại gần NATO

Nhìn lên Bắc Âu, chính phủ Phần Lan đang cân nhắc thiệt hơn trong việc gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Chính phủ Phần Lan hôm 13/04 đã công bố một báo cáo chiến lược để làm cơ sở cho các cuộc thảo luận nội bộ sẽ diễn ra vào những tuần tới. Mặc dù đây không phải là đơn chính thức xin gia nhập liên minh, nhưng điều đó cũng cho thấy Phần Lan chưa bao giờ tiến gần đến việc gia nhập NATO đến thế.

Bản báo cáo dài 53 trang là phần bổ sung cho bản phân tích chiến lược mới nhất được chính phủ Phần Lan công bố vào tháng 11 năm 2020. Mục tiêu là để đánh giá tác động của xung đột Nga-Ukraine đối với an ninh Phần Lan, quốc gia có đường biên giới chung dài 1.300 km với Nga. Là thành viên của Liên Hiệp Châu Âu (EU) từ năm 1995, Phần Lan không nằm trong liên minh quân sự nào, những vẫn duy trì quan hệ đối tác khăng khít với NATO.

Nga gây sức ép với Phần Lan và Thụy Điển

Về phần mình, nhật báo Les Echos có bài về việc hôm qua 14/04, điện Kremlin đe dọa sẽ triển khai tên lửa hạt nhân xung quanh biển Baltic nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, trong bối cảnh Stockholm và Helsinki càng ngày càng xích lại gần liên minh.

Ở cả hai quốc gia từ hơn 70 năm qua cho đến nay, dư luận luôn ủng hộ chính sách trung lập, tuy nhiên mọi thứ đã thay đổi trong những tuần gần đây trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống. Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho biết quyết định về vấn đề này sẽ được đưa ra "trong những tuần tới" trong chuyến công du của bà tới Stockholm hôm 13/04.

Đồng nhiệm Thụy Điển, bà Magdalena Andersson, cũng muốn nhanh chóng đánh giá lại tình hình an ninh của nước mình một cách tỉ mỉ. Việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, vốn đã có 30 thành viên, sẽ là một vố đau không nhỏ đối với tổng thống Nga Vladimir Putin, bởi một trong những mục tiêu chính của ông là sự suy yếu của liên minh.

Hộ chiếu Hoa Kỳ cho điền chữ X vào ô giới tính

Nhìn sang Hoa Kỳ, nhật báo công giáo La Croix có bài viết về những công dân Hoa Kỳ không xác định được giới tính, bắt đầu từ 11/04 có thể để ngỏ chi tiết này trong hộ chiếu của mình. Thay vào đó họ có thể lựa chọn để chữ "X" thay vì "M" (Male-nam) hay "F" (Female-nữ). Biện pháp này đặc biệt dành cho những người không xác định được giới tính cụ thể. Cải cách này sẽ cải thiện cuộc sống của những người chuyển giới và bảo đảm rằng tất cả mọi người được đối xử công bằng.

Được chính quyền Biden công bố năm 2021, điều khoản này phản ánh mong muốn đáp ứng những thách thức mà người Mỹ phải đối mặt với hiện tượng "giới tính của một người có thể thay đổi". Kể từ khi nhậm chức, tổng thống Biden đã không ngừng có những hành động nhằm làm cho những người chuyển giới và đồng tính được tôn trọng hơn. Vào tháng Giêng năm 2021, ông đã bổ nhiệm Rachel Levine, một bác sĩ nhi khoa chuyển giới, làm trợ lý thư ký (tương đương với một bộ trưởng trong nội các Hoa Kỳ) về y tế. Đây là lần đầu tiên một người "chuyển giới" có một chức vụ cao như thế trong chính phủ Hoa Kỳ.

Phan Minh

Published in Quốc tế

Ngày 24 tháng Tư, nước Pháp sẽ biết ai sẽ là Tổng thống trong 5 năm tới : đương kim tổng thống Emmanuel Macron hay lãnh tụ cực hữu, bà Marine Le Pen.

duel1

Đương kim tổng thống Pháp, Emmanuel Macron và lãnh tụ cực hữu, bà Marine Le Pen

Chuyện bầu cử Tây, chắc ít người ngoài nước Pháp lưu ý, vì Pháp không còn là cường quốc hàng đầu thế giới, nhưng lần này, kết quả bầu cử có thể ảnh hưởng lớn tới tương lai của cả Châu Âu, và cục diện thế giới, vì Pháp và Đức là hai nước cột trụ của Liên Hiệp Châu Âu, và Châu Âu đang đóng vai quan trọng trong cuộc đương đầu với Putin ở Ukraine, dù không trực tiếp tham chiến.

Nếu Marine Le Pen đắc cử, nước Pháp sẽ cô lập, dần dần ra khỏi NATO (hay OTAN, tiếng Pháp), hờ hững với Liên Hiệp Châu Âu, thân thiện với Nga, từ chối những biện pháp kinh tế trừng phạt Putin, chấm dứt nỗ lực đi tới một quốc phòng chung của Châu Âu.

Không phải vô tình báo chí Nga mấy ngày nay chào mừng hy vọng chiến thắng của Le Pen.

Tóm lại, dân Pháp sẽ lựa chọn, không phải chỉ giữa 2 ứng cử viên, nhưng giữa hai đường đi, hoàn toàn đối lập.

Một bên là Macron, 45 tuổi, theo chủ nghĩa kinh tế thị trường, mở rộng cửa với thế giới, củng cố Liên Hiệp Châu Âu, gia tăng nỗ lực quốc phòng Châu Âu, nhất là sau khi Nga xâm lấn Ukraine.

Một bên là Le Pen, 54 tuổi, theo chủ nghĩa quốc gia cực đoan, đóng cửa với thế giới bên ngoài.

Le Pen muốn áp dụng chủ trương "France First", theo kiểu "America First" của Donald Trump, quên rằng nước Pháp, với 68 triệu dân, chỉ là một nước nhỏ, khó đứng một mình, đối diện với Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga và các thế lực khác.

Liên Hiệp Châu Âu không hoàn hảo như người ta mong muốn nhưng vẫn là một chỗ dựa bảo đảm an ninh quốc phòng, an toàn kinh tế cho 27 quốc gia hội viên của Liên Hiệp Châu Âu.

Đây là lần thứ hai, Macron và Le Pen lọt vào vòng hai, nhưng chưa bao giờ đảng Cực hữu có hy vọng nắm quyền như lần này.

Từ khi Liên Hiệp Châu Âu ra đời, chưa bao giờ cực hữu đe dọa nắm quyền ở một quốc gia chủ chốt ở Châu Âu mạnh như hiện nay

Bầu cử kiểu Tây

Nhiệm kỳ của Tổng thống Pháp : 5 năm, một Tổng thống có thể giữ chức 2 nhiệm kỳ.

Tổng thống Pháp là quốc trưởng có nhiều quyền hành nhất trong các chế độ dân chủ phương Tây, vì Quốc hội không mạnh như ở Mỹ ; Thủ tướng, do Tổng thống bổ nhiệm, chỉ là người thi hành chính sách của Tổng thống.

Dân Pháp bầu Tổng thống 2 vòng.

Sau vòng đầu, nếu không ứng cử viên nào đạt được trên 50% số phiếu, 2 người chiếm nhiều phiếu nhất sẽ vào vòng hai.

Chuyện đắc cử ngay vòng đầu khó xẩy ra, vì thường thường số ứng cử viên rất đông, trên 10 người, mặc dù muốn tranh cử phải có 500 dân cử giới thiệu (trong số trên 40.000 dân cử cấp xã, huyện, tỉnh, vùng, dân biểu, nghị sĩ).

Trong vòng đầu, Chủ nhật 10 tháng Tư vừa qua, 12 ứng cử viên tranh tài : ngoài Macron, không tả không hữu, còn 3 ứng cử viên cực tả, 3 cực hữu, 1 đảng Xã hội, 1 đảng Xanh, 1 đảng Cộng sản, 1 độc lập.

Macron chiếm 27,8 % số phiếu, Le Pen 23,1% lọt vào vòng hai

Vài nhận xét về kết quả, gần như bất bình thường, cho thấy chính trị Pháp vẫn tiếp tục đảo lộn, 5 năm sau cuộc "hold up" của Macron, năm 2017 :

1. Hai chính đảng đã thay nhau nắm quyền từ 2/3 thế kỷ, Đảng Cộng hòa, hữu phái ôn hòa, và Đảng Xã hội, tả phái ôn hòa, đã bị thảm bại, tổng cộng 2 đảng trước đây gọi là 2 đảng cầm quyền, không đạt tới 7% phiếu bầu, có thể biến mất trên chính trường, hay biến dạng.

Valérie Pécresse, Đảng Cộng hòa, hậu duệ của anh hùng dân tộc De Gaulle, chỉ đạt 4,8 %, tiếp tục xuống dốc sau 20% năm 2017.

Thê thảm hơn nữa, Anne Hidalgo, đảng Xã hội, phe tả ôn hòa, với 1,8 %, thua cả Lassalle (3%), một ứng cử viên độc lập, không đảng, không tiền, ra tranh cử chỉ để mua vui. Năm năm trước, với trên 6%, Đảng Xã hội tưởng đã xuống đáy địa ngục.

Cả 2 đảng bị đe dọa phá sản, vì ứng cử viên nào không đạt được 5% sẽ không được Nhà nước bồi thường tiền tranh cử, sẽ phải vay nợ, sa thải nhân viên, bán trụ sở Đảng để sống qua ngày.

2. Ba ứng cử viên cực hữu (Le Pen, Zemmour, Dupont-Aignant) chiếm 32% số phiếu, là một khuynh hướng chính trị đáng kể. Bỏ phiếu cho cực hữu không còn là lá phiếu kỳ thị chủng tộc, phát xít, đáng xấu hổ như trước

3. Nếu cộng với các ứng cử viên cực hữu, cộng thêm cực tả với Mélenchon 22%, Poutou, Arthaud, các khuynh hướng cực đoan, dân túy, gọi là anti-système (chống hệ thống chính trị hiện hành) chiếm đa số, trên 55%, chứng tỏ một môi trường chính trị thiếu lành mạnh, bất ổn, hỗn loạn

Macron, 5 năm sầy vẩy

Vòng 2, ngày 24 tháng Tư, giữa Macron và Le Pen sẽ gay cấn hơn 5 năm trước, vì xã hội Pháp đã thay đổi, chính trường Pháp đã thay đổi, còn phân hóa hơn trước.

Sau 5 năm cầm quyền, Macron không còn khiến dân Pháp mơ ước như những ngày đầu, nhưng với Le Pen, họ sẽ đi vào một cuộc phiêu lưu với những hậu quả khó lường.

Đây là lần thứ ba Marine Le Pen, kế nghiệp ông bố Jean-Marie Le Pen, người sáng lập Front National (Phong trào Dân tộc), ngày nay đổi tên thành Rassemblement National (Tập hợp Dân tộc) ra tranh cử Tổng thống.

Kỳ trước, 2017, bà ta đã lọt vào vòng 2, nhưng thua nặng (34% số phiếu bầu, Macron 66%), sau một cuộc tranh luận trên TV, cho thấy bà Le Pen, ngoài chuyện tố cáo những hậu quả tai hại của hiện tượng di dân không kiểm soát, gây xáo trộn trầm trọng trong xã hội Pháp, không nắm vững các vấn đề quan trọng, mơ hồ về ngoại giao, lơ mơ về kinh tế, rất xa với một người có khả năng lãnh đạo một quốc gia.

Le Pen khám phá ra tranh luận từng vấn đề không phải đơn giản, như hô khẩu hiệu trước một đám biểu tình, tụ tập những "fans" ủng hộ vô điều kiện.

Nếu kỳ trước, ai cũng biết Macron sẽ thắng, bầu bán chỉ là hình thức, lần này, ít ai chắc chắn kết quả sẽ ra sao.

Rất nhiều yếu tố khiến cuộc bầu cử trở thành gay go.

Macron không còn là một Superman như 5 năm trước, trong vòng đầu đã đánh tan 2 chính đảng, bên hữu, Đảng gaulliste, bên tả, Đảng Xã hội, đã thay nhau cầm quyền từ 1958.

Nước Pháp, 2017, phấn khởi với Macron, chưa đầy 39 tuổi, "thông minh, đẹp trai, học giỏi, con nhà giàu" (thực ra, con nhà giàu là một điểm yếu ở Pháp, Macron xuất thân trong giới trung lưu, được đào tạo từ những trường lớn), không phải là chính khách chuyên nghiệp, nhập cuộc với tham vọng cải tổ nước Pháp.

Với Macron, hai chính đảng lớn bị loại, không vào nổi vòng nhì. Đảng RPR của phe hữu được 20% số phiếu, Đảng Xã hội… 6%, như một đảng bỏ túi. Macron thắng luôn đa số ở Hạ viện, đưa vào Quốc hội những khuôn mặt mới, hầu hết chưa hề làm chính trị. Một loạt những chính trị gia nhà nghề, đã từng làm mưa làm gió, bị gạt ra khỏi chính trường.

Người ta chờ Macron thừa thắng xông lên, cải cách nước Pháp, nhưng không một cải cách nào thành công, từ luật lao động cho tới chế độ hưu bổng là những điều ai cũng đồng ý phải làm, nhưng chưa một chính phủ nào làm nổi.

Dân Pháp muôn người như một đồng ý phải cải cách, với điều kiện không thiệt hại cho chính mình. Bất cứ một dự án cải cách nào, dù hợp lý hay tối cần tới đâu, cũng kéo hàng trăm ngàn người xuống đường, và các chính phủ đầu hàng, xếp dự án vào ngăn kéo.

Điển hình nhất là Công ty đường sắt quốc doanh SNCF (Société nationale des chemins de fer).

Các dự án cải cách để SNCF có thể đương đầu với các công ty cạnh tranh đều thất bại. Thí dụ, chế độ hưu trí : người lái tàu về hưu ở tuổi 50, vì ngày xưa, xe lửa chạy bằng than, tài xế phải xúc than củi, nhiều người bị ho lao hay bệnh nặng.

Ngày nay xe lửa chạy bằng computer, người lái hầu như ngồi chơi xơi nước, nhưng nhân viên SNCF nhất quyết không muốn từ bỏ đặc quyền. Mỗi lần chính phủ dự tính cải cách là đình công. Vài trăm tài xế xe lửa ngưng làm việc, cả nước tê liệt, kinh tế tê liệt, chính phủ đầu hàng.

Những cuộc đình công đòi tăng lương, đòi bớt giờ làm việc diễn ra đều đều, trong khi SNCF, dù được tài trợ gần 10 tỷ Euros mỗi năm, được nhà nước xóa nợ hàng chục tỷ, vẫn lỗ vốn, trên 3 tỷ năm 2020.

Từ Áo Vàng tới Covid

Trong nhiệm kỳ vừa qua của Macron, những cuộc biểu tình còn dữ dội hơn nữa, với phong trào Áo Vàng, bùng nổ năm 2018, khởi đầu để phản đối việc tăng giá xăng, sau đó lan tràn khắp nước.

Mỗi nhóm, mỗi cá nhân bất mãn, mặc áo vàng, xuống đường, chặn lưu thông, chiếm các ngã tư, đốt phá xe hơi, ngân hàng, siêu thị, đốt phá cả Khải Hoàn Môn là một kiến trúc lịch sử tại trung tâm Paris. Khác với những cuộc biểu tình trước đây, do các nghiệp đoàn hay các tổ chức chính trị hướng dẫn, có yêu sách rõ ràng, phong trào Áo Vàng không có lãnh tụ, không có yêu sách, chính phủ dù muốn thương lượng cũng không biết phải thương lượng với ai, phải nhương bộ gì, vì mỗi nhóm Áo Vàng có một yêu sách khác nhau, nhiều khi mâu thuẫn với những nhóm cực đoan, cực hữu hay cực tả đứng sau, sẵn sàng đốt phá.

Mỗi thứ Bảy, Áo Vàng hẹn nhau chiếm đóng các trung tâm thành phố, khiến nhiều thương gia phá sản.

Phong trào Áo Vàng tạm yên hai năm sau, khi Covid hoành hành, khi có lệnh phong tỏa để ngăn chặn đại dịch.

Ít tổng thống nào gặp nhiều đại họa hơn Macron. Hết Áo Vàng tới Covid, Covid chưa xong tới chiến tranh Ukraine, nhưng cũng có thể nói Covid, Ukraine đã tạm cứu Macron khỏi tình trạng hỗn loạn Áo Vàng, hầu như không có lối thoát.

Dù sao, với biến chuyển dồn dập và những chống đối, Macron không còn hăng hái muốn cải cách nữa, bắt đầu biết thận trọng như những chính quyền trước mà Macron đã từng kết án là thụ động.

Trong những thập niên vừa qua, nhiều Tổng thống Pháp đều thất cử khi tái ứng cử : Valéry Giscard d’Estaing, Nicolas Sarkozy. François Hollande không dám tái tranh cử.

Dân Pháp đã chặt đầu vua (Louis 16), luôn luôn bất mãn, muốn lật đổ Tổng thống khi vừa bầu xong. Tổng thống chế cho Tổng thống Pháp nhiều quyền hành, nhưng phương tiện hạn chế của một quốc gia vung tay quá trán, nợ quá nhiều, ngân sách luôn luôn thâm thủng, không cho phép chính phủ thỏa mãn một dân tộc bất mãn kinh niên, mọi chuyện đều trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước.

Macron tự nhận không thuộc phe nào, tả hay hữu.

Kết quả, cánh hữu kết án Macron đã quá nhu nhược với phong trào di dân bất hợp pháp, quá thụ động trước hiện tượng hỗn loạn, bất an tại nhiều khu bình dân, đặc biệt là những khu của người Hồi giáo.

Phe tả tố cáo Macron là chính phủ của nhà giàu, không làm gì để san bằng bất công xã hội. Phe cực hữu của Le Pen, về mặt mỵ dân, cũng không khác gì phe cực tả của Jean Luc Mélenchon. Cả hai đều tranh cử với hứa hẹn "open bar", mời dân ăn nhậu miễn phí, tăng lương, tăng trợ cấp cho mọi người, làm việc ít, về hưu sớm.

Lời hứa ngon lành nhất là lấy tiền của người giàu, nhất là của tài phiệt, chia cho người nghèo. Quên rằng nếu thuế má quá nặng, giới tư bản sẽ chạy qua những nước lân cận, Thuỵ Sĩ, Bỉ, Luxembourg, mang theo cả việc làm, và không ai dám đầu tư nữa.

Nnhưng những lời hứa vô tội vạ đó lại được lòng dân. Kết quả là trong vòng đầu, sau Macron, Le Pen về thứ nhì, Mélenchon thứ ba.

Cực hữu cũng như cực tả, trong suốt 5 năm, mô tả nước Pháp như một xã hội bất công nhất thế giới, khiến nhiều người Pháp tin mình là người bất hạnh nhất trần gian, từ đó, nẩy sinh phong trào bất mãn, đôi khi oán thù.

Trên thực tế, mặc dù đời sống khó khăn đối với nhiều người, nhất là những người không thích ứng kịp với thời đại thế giới hóa, nước Pháp là nước có mức chênh lệch lợi tức thấp nhất thế giới. Nước Pháp dành 54% PIB (tổng sản lượng quốc gia) cho nghĩa vụ an sinh, trợ cấp đủ loại, tỷ số cao hơn cả các nước Bắc Âu là những nước có khuynh hướng trợ cấp xã hội rất cao. Vấn đề không phải là Nhà nước đã không nghĩ tới người nghèo, vấn đề là hệ thống hành chánh rườm rà khiến ngân sách nhiều, nhưng hiệu quả kém.

Macron đã không thực hiện được những cải cách như đã hứa, nhưng không phải đã thất bại.

Tỷ số thất nghiệp, trên dưới 7%, thấp nhất từ 15 năm nay. Số học sinh, sinh viên được huấn nghệ cao nhất từ nhiều thập niên, ở một xứ vẫn còn trọng từ chương khoa cử, nạn thất nghiệp cao, trong khi mỗi năm có trên 300.000 việc làm không kiếm được người. Các công ty ngoại quốc đầu tư ở Pháp gia tăng, nhờ cải cách thuế khóa. Macron tích cực trên mặt trận ngoại giao, với mục đích tìm lại chỗ đứng cho nước Pháp.

Vấn đề của Macron là vật giá tăng, đứng đầu là xăng nhớt, dầu khí, sau những biện pháp trừng trị Nga.

Giá cả ở Pháp tăng trên dưới 4%, trong khi các nước láng giềng tăng gấp hai, vì thực phẩm ít lệ thuộc nhập cảng. Pháp cũng chỉ nhập cảng 20% dầu khí từ Nga, trong khi Đức 60%, nhiều nước Châu Âu khác từ 80 tới 100%, vì Pháp có hệ thống sản xuất điện nguyên tử rất mạnh. Mặc dầu vậy, giá cả tăng là yếu tố quan trọng nhất đối với cử tri, là nguồn gốc bất mãn đối với những người đang nắm quyền, là mồi ngon cho đối lập.

Le Pen, khuôn mặt mới

Đối diện với một Macron sầy vẩy vì Gillets Jaunes (Áo Vàng), Covid 19, Ukraine, lạm phát, là một Marine Le Pen kinh nghiệm hơn trước, khôn ngoan hơn trước, biết chiều thị hiếu của cử tri hơn trước.

Thất bại trước ngưỡng cửa Elysées (dinh Tổng thống Pháp) năm 2017, Le Pen đã có thời giờ chuẩn bị, tạo cho mình một khuôn mặt mới, một hình ảnh dễ được chấp nhận hơn.

Biết là dân Pháp không muốn rời Châu Âu, Le Pen không đòi ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu nữa, nói ở lại để thay đổi Châu Âu, buộc Châu Âu phải tôn trọng chủ quyền các quốc gia hội viên hơn.

Biết là dân Pháp rất sợ bất ổn kinh tế, nếu Pháp ra khỏi hệ thống Euros, đồng tiền chung của Châu Âu, Le Pen không đòi từ giã Euros để trở về với đồng tiền Francs nữa.

Biết là dân Pháp không muốn rời NATO, nhất là khi Nga xâm lăng Ukraine, Le Pen không đòi ra khỏi NATO, chỉ đòi ra khỏi bộ chỉ huy NATO, nghĩa là không muốn chia trách nhiệm quân sự với Hoa Kỳ, nhưng thực tế vẫn là dần dần ra khỏi NATO, xa Mỹ, để xích lại với Nga.

Nhắc lại : NATO, tổ chức Liện hiệp Bắc Đại Tây Dương, ra đời từ 1949 với mục đích quy tụ các nước chung quanh Đại Tây Dương (Hoa Kỳ, Canada, các nước Châu Âu, tổng cộng 30 quốc gia) với mục đích đương đầu với hiểm họa Nga Xô viết. NATO cam kết sẽ can thiệp nếu một nước hội viên bị xâm lược (điều 15 của Hiệp ước).

Biết là dân Pháp vẫn sợ những khuynh hướng cực đoan, và một đảng cực hữu rất khó nắm quyền, Le Pen đã dần dần tạo cho mình một khuôn mặt ôn hòa, không quá khích, đáng ghét như trước. Vẫn chống di dân, nhưng không dùng những chữ có tính cách mạ lỵ, có tính cách kỳ thị chủng tộc nữa. Vẫn giữ tinh thần quốc gia cực đoan, nhưng không nhận mình là cực hữu nữa, chỉ là những "người ái quốc".

Với Le Pen, nước Pháp không có tả, hay hữu, chỉ có những người "yêu nước", đương đầu với những người từ bỏ quốc gia, đi vào con đường thế giới hóa, theo họ, là nguyên nhân của tất cả các tai họa đến cho dân Pháp, từ chính trị, tới kinh tế, văn hóa, xã hội.

Le Pen còn được vô tình giúp đỡ bởi một ứng cử viên cực hữu khác, Eric Zemmour. Ông này chưa hề làm chính trị, là ký giả, tác giả nhiều sách best-sellers, từ nhiều năm nay báo động nước Pháp đang bị di dân Hồi giáo tràn ngập.

Ông ta ra tranh cử, trong một tuần lễ đã được 15% phiếu bầu trong các cuộc thăm dò dư luận. Ông ta tin sẽ đánh bại Le Pen để lãnh đạo nhóm cực hữu, nhưng những lời tuyên bố của ông ta thì rất cực đoan (tất cả vị thành niên di dân đều là trộm cướp, Hồi giáo là một đe dọa cho dân chủ, phải đuổi hết di dân vì lý do kinh tế, đến từ Trung Đông, Phi Châu, Putin sẽ không bao giờ tấn công Ukraine, chỉ dàn quân để ngăn chặn sự bành trướng của OTAN, từ chối tất cả những người tỵ nạn, kể cả người Ukraine…).

Thái độ quá đáng, ngôn ngữ lỗ mãng của Zemmour không những đã không làm Le Pen yếu đi, trái lại, đã biến Le Pen thành một người ôn hòa, trước mắt dân Pháp.

Những cử tri theo Zemmour lúc đầu, trở lại bầu cho Le Pen. Người ta gọi đó là hội chứng "Copine moche" (cô bạn xấu) : một phụ nữ, muốn được thiên hạ khen là đẹp, dễ thương, tìm cách đi gần, đứng gần một cô gái vừa xấu, vừa khó chịu. Sư so sánh sẽ khiến người đẹp sẽ đẹp hơn. Một cách vô tình, Zemmour đã đóng vai "copine moche" bên cạnh Le Pen, mà ông ta cho là bất tài, sẽ không bao giờ trở thành Tổng thống.

Marine đã thành công trong việc tạo cho mình một hình ảnh ôn hòa, khả ái.

Người ta không sợ đảng cực hữu nữa, người ta nghĩ "đã thử các đảng khác, vẫn không đi tới đâu, tại sao không thử nhóm cực hữu ?".

Marine Le Pen cũng khôn khéo trong cuộc tranh cử.

Trong khi Macron bận về Covid, Ukraine, trong khi các ứng cử viên khác nói chuyện trên trời dưới đất, Le Pen chú tâm đến chuyện dân coi là ưu tiên số một : vật giá leo thang, đời sống đắt đỏ.

Le Pen hứa hẹn những điều dân nghèo chờ đợi : bớt thuế xăng nhớt, bãi bỏ hoàn toàn thuế má trên 100 món hàng tối cần, tăng lương tối thiểu, tăng trợ cấp đủ loại, làm việc ít, về hưu sớm, từ 60 tuổi.

Những lời hứa đủ loại của Le Pen, nếu thực hiện, sẽ khiến ngân quỹ thâm thủng thêm… 102 tỷ Euros mỗi năm, so với Macron, 44 tỷ, tại một nước đã có mức thâm thủng cao nhất Châu Âu, chưa nói đến số nợ khổng lồ sau chính sách đương đầu Covid "bằng bất cứ giá nào".

Ai sẽ thắng ?

Những cuộc thăm dò mới nhất cho thấy Macron dẫn đầu, nhưng kết quả bầu cử còn tùy thuộc nhiều yếu tố:

– Số cử tri đi bầu. Người ta dự đoán tỷ số vắng mặt sẽ cao hơn vòng đầu, 28%, so với 25%. Càng ít người bỏ phiếu, càng tốt cho Macron, bởi vì cử tri của Macron là những người khá giả, có bằng cấp, lớn tuổi, là những người tham dự bầu cử đông đảo, trái với cử tri của Le Pen, trẻ tuổi, thuộc giới bình dân, rất ít tha thiết với chuyện bầu bán.

– Những người đã bỏ phiếu cho các ứng cử viên khác trong vòng đầu : rất nhiều người còn ngần ngại, chưa dứt khoát sẽ chọn Macron hay Le Pen.

– Diễn biến thời cuộc : nếu chiến tranh Ukraine gia tăng, những hình ảnh thảm khốc trên TV sẽ khiến cho Le Pen lúng túng với lập trường thân Nga. Nếu có khủng bố hay bạo loạn, Le Pen sẽ có dịp tố cáo Macron nhu nhược.

– Cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên trên TV : Le Pen đã có đủ bản lĩnh, kiến thức, nắm vững vấn đề để cho thấy một khuôn mặt khác hơn là hình ảnh một con chuột đứng trước một con mèo tinh quái như cách đây 5 năm ?

Trong cuộc tranh luận, chắc chắn Macron sẽ nêu ra những cái vô lý, hay không thể thực hiện được do Le Pen hứa hẹn.

Thí dụ biện pháp miễn thuế lợi tức cho những người dưới 30 tuổi, trên lý thuyết là để giúp giới trẻ vào đời. Trên thực tế, đó là một đề nghị phi pháp, bởi vì mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, trước thuế khóa ; một đề nghị ngớ ngẩn, bất công : tại sao một cầu thủ bóng tròn dưới 30 tuổi, lãnh 2 triệu Euros mỗi tháng được miễn thuế, trong khi một công nhân 31 tuổi, lãnh 2000 euros, phải đóng thuế ?

Le Pen cũng sẽ moi móc những giải pháp của Macron bị dân chống đối.

Thí dụ dự án tăng tuổi về hưu tới 65, thay vì 60 như Le Pen. Ở một xứ bình thường, nâng cao tuổi về hưu là một điều dễ hiểu : vì người ta sống lâu hơn, số người lãnh hưu bổng càng ngày càng đông. Bắt buộc phải có giải pháp : hoặc bớt tiền hưu bổng, hoặc tăng tiền đóng góp trước khi về hưu, hoặc về hưu trễ hơn. Dân Pháp muốn lãnh hưu nhiều hơn, đóng góp ít hơn, về hưu sớm hơn.

Tại các nước khác ở Châu Âu, kể cả Bắc Âu, giàu hơn Pháp, gương mẫu về chính sách an sinh, xã hội, người dân chấp nhận về hưu ở tuổi 65 hay 67, nhưng với dân Pháp, làm việc tới 65 là một đại họa, không thể chấp nhận được.

Macron coi chuyện cải cách hưu bổng là ưu tiên số một, nhưng trước sự phản kháng dữ dội của dân và của các nghiệp đoàn, Macron, sợ Le Pen khai thác, đã lùi bước trước khi đắc cử : có thể sẽ là 64, thay vì 65, và chỉ thi hành từ năm… 2030, và, nếu cần, sẽ tổ chức trưng cầu dân ý, để dân quyết định ! Ra tranh cử lần đầu, Macron viết một cuốc sách, tựa là "Révolution" (Cách mạng). Sau 5 năm cầm quyền, Macron hiểu là thay đổi một chút xíu ở Pháp đã là chuyện vạn nan. Cách mạng, tạm gác lại.

Tối 24 tháng Tư, nước Pháp sẽ có Tổng thống mới, nhưng viễn ảnh không có gì lạc quan.

Nếu Le Pen thắng, nước Pháp sẽ trơ trọi, nếu không phá sản ; Châu Âu, OTAN sẽ yếu đi, là điều mà Putin, Tập Cận Bình mong đợi. Cuộc phiêu lưu bắt đầu.

Nếu Macron thắng, không hy vọng gì về những cải cách tối cần, tại một quốc gia chia làm 3 khối : cực tả, cực hữu, và những người đứng giữa. Chính phủ sẽ bị bó tay trong một quốc gia không ai cai trị nổi, dân càng ngày càng đòi hỏi, sẵn sàng chống đối bất cứ một chính sách nào của một chính phủ không thuộc phe mình.

Quan sát các nước dân chủ, Alexis deTocqueville viết : "Càng tiến gần đến sự hoàn hảo, người ta càng bất mãn”.

Từ Thức

Paris ngày 14/04/2022

Published in Diễn đàn

Bầu cử tổng thống Pháp 2022 : Ứng viên cực hữu Marine Le Pen bị báo chí công kích

Bầu cử tổng thống Pháp 2022 với cuộc vận động tranh cử sôi động ở vòng hai giữa hai đối thủ Emmanuel Macron và Marine Le Pen, chiến tranh tại Ukraine và những hậu quả là những thời sự tiếp tục chiếm phần lớn trang báo Pháp ra hôm nay. 

   cuchuu11

   Marine Le Pen, đảng cực hữu Tập hợp Dân tộc, ứng viên tổng thống Pháp 2022, trong cuộc trả lời phỏng vấn của Reuters, tại Paris, Pháp, ngày

Trang nhất hầu hết các tờ báo chính ở Pháp đều dành cho cuộc vận động tranh cử tổng thống ở giữa hai vòng bỏ phiếu. Ngay sau khi vòng bỏ phiếu đầu tiên kết thúc đem lại chiến thắng cho ứng cử viên Emmanuel Macron của đảng Cộng hòa Tiến bước (La République en Marche) và bà Marine Le Pen của đảng cực hữu Tập hợp  Dân tộc (Rassemblement National), 2 đối thủ cũ ở kỳ bầu cử năm 2017 đã hối hả lao vào cuộc vận động cử tri cho trận đấu cuối cùng ở vòng bỏ phiếu thứ 2 diễn ra vào ngày 24/04 tới đây. Hai đối thủ liên tiếp các chuyến đi đến các địa phương gặp gỡ thuyết phục cử tri hay tiếp xúc báo chí trình bày chương trình tranh cử của mình.  

Các báo đặc biệt dường như không còn dè dặt giữ thái độ trung lập đều tập trung vào phân tích phê phán chương trình của ứng cử viên đảng cực hữu. Cái tên Marine Le Pen xuất hiện nhiều trên các tựa lớn của các báo Pháp hôm nay, sau khi ứng cử viên này có cuộc họp báo trình bày quan điểm của mình về vấn đề dân chủ và cải cách thể chế của nước Pháp. Tựa trang nhất của Le Monde : "Marine Le Pen đe dọa Nhà nước pháp quyền thế nào". Nhật báo thiên tả Libération đăng những dòng chỉ trích gay gắt trên trang bìa tờ báo : "Coi thường thể chế, ra luật triệt tiêu các quyền tự do, áp lực với các nhà báo… dù ứng cử viên của đảng Tập hợp Dân tộc luôn tự cho mình là người bảo vệ các quyền tự do nhưng chương trình của bà ta lại sự phủ nhận Nhà nước pháp quyền". La Croix thì chạy tựa lớn : "Macron-Le Pen, sự rạn vỡ dân chủ". Tờ báo dành nhiều bài phân tích về những đề xuất cải cách thể chế trong chương trình của hai ứng cử viên để cho thấy quan điểm về dân chủ và thể chế của hai ứng cử viên khác biệt căn bản. 

Cốt lõi của vấn đề là ở chỗ, ứng viên của đảng cực hữu đưa ra những hứa hẹn mị dân với mục đích chủ yếu là lôi kéo cử tri của ứng viên cực tả Jean- Luc Melenchon, được hơn 21% phiếu ở vòng 1, người luôn hô hào phá bỏ hệ thống chính trị cũ, thiết lập nền Cộng hòa thứ 6 ở Pháp. Dưới vỏ bọc trao toàn bộ quyền lực Nhà nước vào tay nhân dân, bà Le Pen hứa sẽ thay đổi Hiến pháp, cải cách thể chế, tất cả các vấn đề lớn của đất nước sẽ được đưa ra trưng cầu dân ý, bỏ qua tất cả các định chế chính trị vốn có ở Pháp như Nghị viện, Quốc hội hay Hội đồng Bảo hiến…  

Với Marine Le Pen : rủi ro kinh tế  

Cùng đồng thanh với các báo, nhật báo kinh tế Les Echos đang ảnh lớn bà Le Pen trên trang bìa cùng hàng tựa "Những mối nguy hiểm của một chương trình" tranh cử.  

Tờ báo dành nhiều bài báo mổ xẻ các chương trình tranh cử của ứng viên cực hữu để cho thấy : Dự án của bà Le Pen là bế tắc. Những biện pháp về xã hội gây nhiều tranh cãi vì chi phí quá lớn. Những biện phán nhằm nâng cao sức mua của người dân Pháp cũng không có hiệu quả về mặt kinh tế. Về mặt đối ngoại, chương trình của bà Le Pen có nguy cơ đẩy nước Pháp ra ngoài lề chính trường quốc tế và phá vỡ Liên Hiệp Châu Âu.  

Trong khi đó với ứng cử viên Emmanuel Macron, các báo tập trung phản ánh cuộc chạy đua nước rút của tổng thống mãn nhiệm nhằm lôi kéo cử tri của các đảng phái tả, hữu vừa thất bại ở vòng 1 về với mình để tạo khoảng cách lớn nhất với đối thủ. Mặc dù các cuộc thăm dò ý định bỏ phiếu vòng hai hiện tại vẫn cho kết quả ông Macron thắng, với cách biệt khoảng 4 điểm. Chưa có gì bảo đảm cho ông Macron tái đắc cử tổng thống ở cuộc bỏ phiếu vào ngày 24/04. Tuy các báo đều ghi nhận dù đa số các đảng sau vòng 1 kêu gọi cử tri bỏ phiếu cho Macron hay không bỏ phiếu cho Marine Le Pen, nhưng không phải tất cả các cử tri đều nghe theo. Đặc biệt một bộ phận không nhỏ của cử tri đã bỏ phiếu cho ông Jean-Luc Melenchon ở vòng 1 (trên 21%) đã cho biết sẽ không bỏ phiếu cho tổng thống mãn nhiệm. Họ có thể sẽ bỏ phiếu cho bà Le Pen hoặc bỏ phiếu trắng. Ông Macron chỉ còn hơn một tuần nữa để điều chỉnh chương trình hành động nhằm thuyết phục lôi kéo cử tri từng phản đối dữ dội các cải cách của chính phủ, đặc biệt về cải cách hưu trí. 

Hai đảng truyển thống tả-hữu, nguy cơ bị xóa sổ trên chính trường 

Vẫn trong khung cảnh bầu cử tổng thống, nhật báo Le Figaro trở lại kết quả vòng 1 chỉ nói đến thất bại thê thảm của hai đảng truyền thống tả và hữu từng thay nhau lãnh đạo nước Pháp từ đầu nền Đệ ngũ Cộng hòa cho đến tận năm 2017. 

Tờ báo chạy tựa trang nhất : "Xã hội và Những người Cộng hòa : Hai đảng đang lâm nguy" cùng với nhận định : "bị loại ngay từ vòng 1 với tỷ lệ phiếu bầu thấp nhất lịch sử, đảng Xã hội và Những người Cộng Hòa đang tự vấn về tương lai của mình". Theo Le Figaro, trong chiến dịch vận động tranh cử không ai đã dám nghĩ đến một sự sụp đổ như vậy. Tất nhiên hai bà ứng cử viên Anne Hidalgo hay Valérie Pécresse cũng vậy, và người Pháp thì cũng đều đoán cả hai ứng cử viên này sẽ không thể có mặt ở vòng hai của cuộc bầu cử tổng thống. Nhưng họ cũng không thể tưởng tượng được là đại diện của hai đảng phái chính trị có cơ cấu nền tảng vững chãi của nền Đệ ngũ Cộng hòa Pháp lại không đạt được nổi 5% phiếu bầu, tỷ lệ chuẩn để được Nhà nước hoàn trả một phần chi phí của chiến dịch tranh cử. Thực tế cay đắng này đang đặt ra câu hỏi về tương lai của các đảng chính trị lớn này.  

Theo phân tích của Le Figaro, nguyên nhân dẫn đến thất bại của hai đảng truyền thống lớn ở Pháp thì có nhiều, nhưng một trong số đó là hai đảng này nhiều năm qua rơi vào những đấu đá nội bộ triền miên. Hai đảng chỉ còn kỳ bầu cử Quốc hội tiếp sau khi bầu tổng thống, nếu hai đảng này tiếp tục bị hai đảng cực hữu và cực tả lấn át thì coi như đảng Xã hội và Những người Cộng hòa bị xóa sổ hẳn.  

Chiến tranh Ukraine : Tội ác tiếp tục bị phơi bày 

Chuyển qua trang quốc tế của các báo, thời sự trọng tâm vẫn là cuộc chiến tranh tại Ukraine chưa biết bao giờ mới có thể kết thúc. Nhật báo Libération dành bài phóng sự dài tiếp tục phản ánh những phản ánh những tội ác chiến tranh kinh khủng ở thành phố Bucha. Bài báo cho thấy, hai tuần sau khi thành phố nằm ở ngoại ô phía tây bắc thủ đô Kiev này được giải phóng, các nhà điều tra tiếp tục phát hiện thêm nhiều hố chôn người tập thể. Theo các đặc phái viên của Libération, Bucha tiếp tục là tâm điểm của các vụ thảm sát, những phát hiện ghê rợn như trên diễn ra mỗi ngày, không chỉ ở Bucha mà cả ở những thành phố ngoại ô khác của Kiev sau khi quân đội Nga rút đi. Trong khi đó nhật báo La Croix cũng dành bài phóng sự dài để ghi nhận người dân "Kiev đang dần dần trở lại với cuộc sống sau khi Nga rút khỏi". Tuy nhiên cuộc sống khó có thể gọi là bình thường được, người dân đang gặp khó khăn thiếu thốn đủ thứ và nhất là trong nơm nớp lo sợ các cuộc tấn công của Nga trở lại.   

Một thông tin mới được hầu hết các báo đăng tải, trước những hành động tàn phá giết chóc của quân đội Nga tại Ukraine, hôm qua tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên án tổng thống Vladimir Putin phạm tội "diệt chủng", ngôn từ nặng nề nhất sau khi Washington tố cáo Kremlin phạm tội ác chiến tranh. Đồng thời ông Bien cũng thông báo bổ sung 800 triệu đô la viện trợ vũ khí cho Ukraine để chống lại cuộc xâm lược của Nga. Như vậy là cuộc chiến tranh sẽ còn kéo dài ở Ukraine.  

Trừng phạt Nga, những dấu hiệu phản tác dụng 

Ở một góc độ khác liên quan đến chiến tranh Ukraine, nhiều báo tiếp tục phản ánh những hệ lụy các trừng phạt kinh tế của phương Tây nhắm vào Nga. 

Chủ đề này được nhật báo kinh tế Les Echos khai thác khá rộng. Với bài viết có tiêu đề : "cuộc chiến tranh Ukraine bắt đầu đè nặng lên mức sống của người Anh", Les Echos ghi nhận giá tiêu dùng ở Anh tiếp tục tăng nhanh trong tháng Ba, đạt mức tăng 7% trên một năm. Con số này là hệ quả của cuộc chiến tranh tại Ukraine làm giá nguyên vật liệu tăng vọt. Như vậy là sáu tháng liên tiếp lam phát leo thang ở Anh vượt mọi dự báo. Tờ báo dẫn phân tích của giới chuyên gia kinh tế cho biết, trong trường hợp cấm vận hoàn toàn khí đốt của Nga lạm phát sẽ còn trầm trọng thêm, có thể lên tới gần 9% trong quý 4 năm nay.  

Trong một bài viết khác, Les Echos dẫn lời của cựu lãnh đạo tập đoàn Gaz de France của Pháp, ông Jean François Cireli báo động nếu cấm vận hoàn toàn khí đốt Nga, thị trường khí đốt ở Châu Âu có thể sẽ rơi vào tình trạng giống như thị trường ngân hàng trong vụ phá sản của ngân hàng Lehman Brothers hồi năm 2008.  

Tương tự, nước Đức cũng sẽ phải trả giá đắt khi ngừng nhập khẩu khí đốt Nga. Đó là tăng trường sẽ giảm 0,8% so với dự báo tăng trưởng năm nay gần 3% và kéo theo 480 nghìn người thất nghiệp.  

Bởi vậy mà tổng thống Vladimir Putin vẫn theo đuổi chiến tranh, bất chấp các trừng phạt kinh tế hay đe dọa cấm vận toàn bộ dầu khí Nga. 

Anh Vũ

Published in Quốc tế

Bầu cử tổng thống Pháp vòng 2 : Cuộc song đấu Macron-Le Pen đầy bất trắc

Chiến dịch vận động tranh cử cho vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống Pháp khởi động vào hôm qua dĩ nhiên đã chiếm trọn trang nhất báo chí Pháp ra ngày 12/04/2022. các báo đã giành nhiều trang bài cho cuộc chạy đua nước rút giữa hai ứng cử viên còn lại là tổng thống mãn nhiệm Emmanuel Macron và đại diện phe cực hữu Marine Le Pen, nhằm thuyết phục cử tri đã vắng mặt hay không bỏ phiếu cho họ nhân vòng 1 vừa qua.

phap1

Emmanuel Macron và Marine Le Pen lại đọ sức với nhau để giành chức tổng thống Pháp nhân vòng 2 cuộc bầu cử ngày 24/04/2022. Ảnh ghép  © Montage RFI - Reuters/AP

Ngay trên trang nhất của mình, nhật báo Le Monde đã phác họa toàn cảnh trong hàng tựa chính : "Macron-Le Pen : Một hồi 2 bấp bênh hơn". Tờ báo nhắc lại rằng đây là lần thứ hai mà cuộc đấu giành chức tổng thống Pháp diễn ra giữa ông Macron và bà Le Pen, lần đầu tiên là nhân cuộc bầu cử năm 2017. Tuy nhiên, nếu vào năm 2017, ông Macron đã chiến thắng rất dễ dàng, thì lần này, tình hình đã thay đổi hoàn toàn, với kết quả được dự báo là sát nút hơn. 

Kêu gọi bỏ phiếu cho Emmanuel Macron

Trong bài xã luận mang tựa đề "Một trách nhiệm lịch sử", Le Monde nhắc lại : Vào năm 2017, ngay sau vòng 1, các viện thăm dò đều dự báo ông Macron sẽ chiến thắng với một tỷ lệ cao hơn bà Le Pen đến 20% số phiếu. Trong thực tế, ông đã được bầu làm tổng thống trong vòng 2 với 66% phiếu bầu. Tối Chủ nhật, vừa qua, các ước tính đầu tiên cũng dự báo chiến thắng của ông Macron, nhưng với tỷ lệ sít sao, vì chênh lệch cao nhất chỉ là vỏn vẹn 8%.

Một trong những bất lợi đối với ông Macron là trái với cách nay 5 năm, lần này bà Le Pen có thể dựa vào số phiếu đáng kể của các cử tri đã bầu cho hai ứng cử viên cực hữu khác là Eric Zemmour và Nicolas Dupont-Aignan. Để khắc phục điểm yếu đó, tổng thống mãn nhiệm cần phải tìm phiếu nơi những người đã bầu cho các đảng "chống cực hữu" truyền thống khác, và nhất là nơi các cử tri đã ủng hộ ứng viên cực tả Jean-Luc Mélenchon, về thứ ba trong vòng 1, chỉ thua sát nút bà Le Pen. 

Đối với Le Monde : "Việc Marine Le Pen được bầu lên làm tổng thống sẽ là một cuộc tấn công vào pháp quyền, một sự thụt lùi trong việc chống thảm họa khí hậu, một sự xét lại các liên minh của nước Pháp vào một thời điểm tồi tệ nhất, trong khi cuộc chiến tàn khốc do Vladimir Putin áp đặt trên Ukraine đã bộc lộ bản chất thực sự của một chế độ mà ứng cử viên Le Pen rất ưu ái".

Trong tình hình đó, Le Monde cho rằng cách hiệu quả duy nhất để đẩy lùi nguy cơ là kêu gọi bỏ phiếu cho Emmanuel Macron. Đối với tờ báo, về phần mình, ông Macron phải biết lắng nghe các tiếng nói bất bình, đề ra các biện pháp thích hợp để thuyết phục các cử tri, dung hòa được các biện pháp trừng phạt tối đa đối với Nga, thích ứng nhanh chóng với biến đổi khí hậu đồng thời tính đến những khó khăn tồn tại của các tầng lớp dân Pháp đang bị ảnh hưởng nặng nhất từ tình trạng gia tăng giá cả.

Tóm lại, Le Monde cho rằng, ông Macron phải làm sao để đẩy lùi được hiểm họa cực hữu trong vòng 15 ngày, sau khi đã thất bại trong suốt nhiệm kỳ 5 năm sắp kết thúc". 

Macron rẽ trái, Le Pen lập mặt trận chống Macron

Nhật báo cánh hữu Le Figaro cũng nêu bật trong tựa lớn trang nhất cuộc song đấu bắt đầu trở nên gay gắt giữa hai ứng cử viên tổng thống Pháp và đặc biệt chú ý đến : "Cách thức Macron và Le Pen mở rộng cơ sở bầu cử". 

Theo Le Figaro, thành phần mà cả hai ứng cử viên tổng thống còn lại muốn chinh phục là số cử tri cánh tả mà những đại diện đã bị loại ngay vòng đầu, đặc biệt là số 8,1 triệu người đã bầu cho ông Jean-Luc Mélenchon. 

Tờ báo ghi nhận là chỉ môt hôm sau vòng 1 của cuộc bầu cử, ứng cử viên Macron đã đến vận động tại vùng Hauts-de-France, cụ thể là tại hai thị trấn Denain và Carvin, nơi ứng cử viên cực hữu Le Pen dẫn đầu nhưng theo sau là Jean-Luc Mélenchon. Mục tiêu, đối với tổng thống mãn nhiệm, là nói chuyện với những người Pháp đang rất lo lắng trước các vấn đề xã hội. Tờ báo đặc biệt ghi nhận sự kiện ông Macron cho biết "sẵn sàng thảo luận về tốc độ và giới hạn" của kế hoạch cải cách chế độ hưu bổng, và không loại trừ một cuộc trưng cầu dân ý về chủ đề này. 

Đối với Le Figaro, nhìn chung, ứng cử viên Macron "đang tăng tốc độ vận động bằng cách rẽ sang cánh tả", trong lúc đối thủ của ông là bà Le Pen thì đã đến thăm tỉnh Yonne, một địa phương vốn rất ủng hộ bà. Bà đã nhân dịp này tìm cách tranh thủ cử tri các vùng nông thôn Pháp. Theo Le Figaro : "Marine Le Pen vẫn duy trì chiến lược tranh cử của vòng một". 

Điều nguy hiểm đối với cả hai ứng cử viên, theo tờ báo, việc tranh thủ những người không bầu cho mình nhân vòng 1 có nguy cơ tác động đến những người ủng hộ truyền thống của họ. 

Thuyết phục cử tri cánh tả không dễ

Nhật báo thiên tả Libération cũng đặc biệt chú ý đến chiến lược hướng sang cánh tả của ứng cử viên Macron. Tựa lớn trang nhất của tờ báo nhấn mạnh : "Macron lao vào công việc nhọc nhằn". 

Đối với Libération, dù về đầu sau vòng 1 cuộc bầu cử hôm Chủ nhật vừa qua, ông Macron cũng đã thấy rõ là mình không có phiếu dự trữ hiển nhiên như đối thủ Le Pen. Giải pháp do đó là phải nỗ lực chinh phục khối cử tri đã bỏ phiếu cho hai người bên cánh tả là Jean-Luc Mélenchon (cực tả) và Yannick Jadot (sinh thái), nhưng theo cách không cần sửa đổi quá nhiều nội dung chương trình hành động của ông. 

Theo tờ báo, ngay sau khi có kết quả vòng 1, đương kim tổng thống Pháp đã thấy rằng những lời hay ý đẹp về "chủ nghĩa nhân văn, tinh thần thời Khai Sáng, hơi thở 1789" không đủ để chinh phục cử tri, chống lại một Marine Le Pen cực hữu đang trên đà vươn lên. 

Việc cấp thiết nhất và đơn giản nhất đối với Macron là sửa chữa một sai sót về hình thức, tức là xem nhẹ việc xuống hiện trường để vận đông. Chinh vì vậy mà ngay hôm qua, ông đã vội vã đến vận động ngay tại hai tỉnh Nord và Pas-de-Calais, trên vùng đất của đối thủ là Marine Le Pen.

Cùng lúc, ông đã cố gắng khắc phục điểm yếu thứ hai bằng cách nói rằng ông đã sẵn sàng "làm giàu" cho một dự án cải cách chế độ hưu bổng bị coi là nghiêng quá xa về bên hữu và gây bất mãn nhiều nhất trong dân chúng. Đối với Libération, tuyên bố này dự báo một khả năng nhượng bộ. 

Câu hỏi mà Libération đặt ra là những tuyên bố mà ứng cử viên Macron đưa ra là những nhượng bộ thực thụ, hay chỉ là những lời hứa suông nhằm thuyết phục các cử tri cánh tả. 

Trong bài xã luận mang tựa đề "Dốc thẳng đứng", Libération ghi nhận là trong ngày hôm qua, ông Macron đã liên tiếp tung ra nhiều tín hiệu về hướng cử tri cánh tả, với một loạt "từ khóa" như "thanh niên", "xã hội", "sinh thái", "quyền phụ nữ"… Thế nhưng, theo tờ báo, chiến dịch chiêu dụ rõ rệt này sẽ phải leo một con dốc thẳng đứng. Bất chấp những lời kêu gọi bỏ phiếu cho Emmanuel Macron đang tăng lên bên cánh tả, các chiến lược gia chiến dịch tranh cử của người đứng đầu nhà nước biết rằng việc nhấn mạnh trên các biện pháp đã được thực hiện hoặc gửi một vài "dấu hiệu" mới sẽ không đủ để thuyết phục những người kiên quyết chống Macron trở lại bỏ phiếu cho ông như 5 năm trước đây, hoặc những người sẵn sàng không đi bỏ phiếu, điều này sẽ có lợi cho ứng cử viên cực hữu".

Cử tri Công giáo ngày càng bị xu hướng cực đoan cám dỗ

Riêng nhật báo La Croix thì đã có cái nhìn tổng quát về sự phân hóa trong xã hội Pháp, được phản ánh qua kết quả bầu cử vòng 1. Dưới tựa lớn trang nhất "Ba nước Pháp", tờ báo công giáo không che giấu thái độ lo ngại khi nhân định rằng : "Một hôm sau vòng 1, nước Pháp dường như bị chia cắt thành 3 khối chính mà đại diện là Emmanuel Macron, Marine Le Pen và Jean-Luc Mélenchon. 

Về chiến lược tranh cử vòng 2 của hai ứng cử viên còn lại, La Croix ghi nhận chủ trương "tấn công Le Pen và chìa tay cho cánh tả" của ông Macron, trong lúc bà Le Pen thì tìm cách thành lập "một mặt trận chống Macron. 

Điều mà La Croix lo ngại nhất tuy nhiên lại chính là "Tình trạng cực đoan hóa của những người Công giáo thiên hữu". 

Trích dẫn một cuộc điều tra mà tờ báo đã nhờ viện thăm dò Ifop thực hiện hôm 10/04, các ứng cử viên cực hữu đã được đến 40% cử tri Công giáo ủng hộ. Ngoài ra, những cử tri Công Giáo bầu cho cánh tả không hề biến mất, trái với nhận định của một số người, và trong nhóm này, tỷ lệ bầu cho ứng viên cực tả Jean-Luc Mélenchon đặc biệt tăng vọt. 

Điều đáng ngại là xu hướng bầu cho các ứng cử viên "cực đoan" đã tăng cao so với lần bầu cử vào năm 2017 chẳng hạn, khi hai ứng viên cực hữu chỉ được tổng cộng 28% ủng hộ mà thôi. 

Báo động về kế hoạch kinh tế của Le Pen

Nhật báo kinh tế Les Echos cũng dành trang nhất cho cuộc đọ sức Macron-Le Pen nhưng nhấn mạnh đến hiểm họa cực hữu trong hàng tựa lớn : "Le Pen : Lời báo động của các đối tác xã hội". 

Theo Les Echos, các nghiệp đoàn giới chủ tại Pháp đều đã lên tiếng cảnh báo về kế hoach kinh tế của ứng viên cực hữu. Về phía các công đoàn, tờ báo ghi nhận lời kêu gọi dứt khoát của Công Đoàn CFDT là nên bỏ phiếu cho ông Macron, bên cạnh những lời kêu gọi khác mang tính chất chung chung hơn là phải cản bước bà Le Pen. 

Les Echos dĩ nhiên là cũng chú ý đến tuyên bố hôm qua của ông Macron, cam kết sẽ "bổ sung và làm giàu" cương lĩnh tranh cử của mình, đặc biệt là thái độ sẵn sàng điều chỉnh kế hoạch cải tổ hưu bổng, kể cả trên vấn đề tuổi về hưu ở mức 65.

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế

Chiếm trang nhất của hầu hết các báo Pháp hôm nay là đề tài bầu cử tổng thống Pháp, không chỉ bởi cuộc đua vào điện Elysée đang ở vào giai đoạn nước rút, mà còn vì tối qua lần đầu tiên trong lịch sử, tất cả 11 ứng viên cùng tham dự cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình. Các báo đều có những phản ứng khác nhau về màn trình diễn mới mẻ này. Trong khi đó Liên Hiệp Châu Âu đang theo dõi rất sát kỳ bầu cử Pháp với không ít lo âu.

baucu1

Nhiều người so sánh lãnh đạo Mặt Trận Quốc Gia Pháp Le Pen với tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh : France24

Le Figaro tỏ thái độ thất vọng về cuộc tranh luận, nhận định bằng hàng tựa "Mớ hỗn độn lớn của bầu cử tổng thống", trong đó tờ báo phê phán cuộc tranh luận đông đúc và đầy huyên náo này chẳng mang lại được gì nhiều. Xã luận Le Figaro viết : "Với 11 (ứng viên), sự lựa chọn giữa đơn điệu và hỗn tạp, và người ta có được cả hai".

Tương tự, nhật báo Les Echos nhận định "cuộc tranh luận không giữ được hứa hẹn". Còn đối với nhật báo Libération, cuộc trình diễn trên truyền hình tối qua của 11 ứng viên, chẳng khác gì "một đội bóng đá trong đó đại đa số các cầu thủ đều muốn chơi ở vị trí trung phong. Một thời điểm lịch sử của truyền hình, nhưng không bảo đảm chất lượng".

Trong bối cảnh bầu cử tổng thống Pháp, nhật báo Le Monde số ra từ chiều hôm qua, có bài viết đáng để suy nghĩ, mang tiêu đề "Bầu cử tổng thống Pháp khiến Liên Hiệp Châu Âu lo lắng".

Châu Âu lo sợ gì ? Trong bối cảnh Brexit, các quan chức tại Bruxelles lo về một viễn cảnh Pháp cũng theo chân Anh làm một vụ ly dị Frexit, nếu như ứng cử viên Marine Le Pen thắng cử. Ứng viên của đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) này liên tục dẫn đầu các cuộc thăm dò bỏ phiếu vòng 1 thời gian gần đây.

Theo Le Monde, "các định chế trong Liên Hiệp Châu Âu bảo đảm họ không dự trù kế hoạch B trong trường hợp bà Marine Le Pen giành chiến thắng". Tờ báo đặt câu hỏi : "lãnh đạo của các định chế Châu Âu không dự kiến hay không muốn dự kiến" kịch bản như vậy ? Đó là về mặt chính thức, bên trong đã xuất hiện không ít lo âu về khả năng này xảy ra.

Nhiều quan chức Châu Âu, rút ra từ các sự kiện bầu cử Mỹ và Brexit, đang rất quan tâm theo dõi sát cuộc bầu cử tổng thống Pháp. Tờ báo trích dẫn một nhà ngoại giao ở Bruxelles cảnh báo : "Một chiến thắng như vậy (của Marine Le Pen) sẽ tồi tệ hơn cả chiến thắng của Donald Trump, vì tổng thống Pháp là người có nhiều quyền hành".

Ở cấp lãnh đạo, từ chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk hay chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean Claude Juncker đều tránh nói đến một kịch bản tai họa là đảng cực hữu lên nắm quyền tại Pháp, nhưng tất cả đều gần xa khẳng định nguy cơ là có thực, nhất là trong bối cảnh trào lưu dân túy đang lên cao ở Châu Âu, cho dù ở Áo, Hà Lan gần đây trào lưu này đã thất bại ở bậc thang cuối cùng dẫn đến quyền lực.

Các chuyên gia ở Châu Âu, như giáo sư triết học chính trị người Hà Lan Luuk Van Midelaar được Le Monde trích dẫn, đánh giá : "Chiến thắng của bà Le Pen vẫn còn ít khả năng xảy ra, thậm chí rất ít, nhưng không còn là điều không tưởng". Theo chuyên gia trên, cần phải biết phân tích những hậu quả có thể một sự kiện như thế xảy ra.

Le Monde ghi nhận : Giờ đây, cuộc bầu cử tổng thống Pháp vẫn thường xuyên được gợi ra trong Liên Hiệp Châu Âu và làm dấy lên nhiều lo lắng về thực trạng của nước Pháp. Tuy nhiên vẫn có những người lạc quan hy vọng Châu Âu sẽ có được đà mới trong trường hợp ứng viên Emmanuel Macron giành chiến thắng. Theo họ, "Le Pen tức là đóng cửa nước Pháp với các láng giềng và thế giới ; Macron tức là mở cửa" hay với "Le Pen sẽ là kết thúc Liên Hiệp". 

Mối lo ngại trên cho thấy rõ ràng là Liên Hiệp Châu Âu rõ ràng là đang rệu rã, cần phải có "giải pháp tốt" để Châu Âu lấy lại động lực mới. Le Monde dặt câu hỏi : "Liệu tiếng kèn hiệu của trào lưu dân túy có làm thức tỉnh Bruxelles, đang trong cơn hôn mê bởi nhiều cuộc khủng hoảng trong những năm qua ?". 

Syria : Phẫn nộ với vụ tàn sát thường dân bằng vũ khí hóa học

Syria một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý của dư luận sau cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học làm thiệt mạng hàng chục dân thường ngày hôm qua tại thành phố Khan Cheikhoun, hiện do quân nổi dậy chiếm giữ.

Libération sáng nay nhận định một cách phẫn nộ : "Cần phải đến khi có tới 60 thường dân chết ngạt để thế giới phản ứng". Tất nhiên là cả báo chí cũng có phản ứng trước sự kiện vũ khí hóa học được sử dụng trên chiến trường Syria. Libération dẫn lời một nhân viên cứu hộ, nhân chứng tại chỗ nói : "Người ta chờ đến khi có cuộc thảm sát kinh hoàng xảy ra mới phản ứng, trong khi đó không ai đả động gì đến các vụ sát hại hàng ngày".

Còn La Croix trong bài xã luận mang tiêu đề "Syria chết ngạt" viết : "Những bức ảnh lan truyền khắp thế giới cho thấy những trẻ em mình trần, co quắp, miệng mở hớp chút không khí trong tuyệt vọng".

Le Figaro cũng dẫn lời nhân chứng là một nhà báo người Syria, tới hiện trường 2 giờ sau vụ ném bom, kể lại : "Khi tôi tới nơi, tôi vẫn ngửi thấy mùi khí độc trong không khí. Hỗn loạn và hoảng loạn ! Phim của chúng tôi đã ghi lại từng chi tiết : Những miệng hố bom, người cứu hộ cố gắng hồi sức cho các nạn nhân đang còn sùi bọt mép và cả những con chim bồ câu chết gục vì khí độc".

Nhật báo Le Parisien chạy hàng tựa với giọng lên án : "Cuộc tấn công bỉ ổi bằng vũ khí hóa học", và tờ báo bình luận : "Như năm 2013, Bachar al-Assad dựa vào hậu thuẫn của các đồng minh của họ để không bị trừng phạt. Những ai ủng hộ chế độ này có thể một lần nữa đo được phạm vi trách nhiệm chính trị và đạo đức của họ… Cuộc họp Hội Đồng Bảo An hôm nay rồi sẽ lại vô ích".

Brexit : Hệ lụy đến chủ quyền lãnh thổ

Trở lại Châu Âu với Libération. Thủ tục ly dị đình đám của nước Anh với Liên Hiệp Châu Âu mới chỉ bắt đầu và đã có những khúc mắc nan giải. Nhật báo Libération có bài : "Gibraltar, chướng ngại vật hậu Brexit".

Gibraltar là mỏm đất tận cùng Tây Ban Nha nhưng lại thuộc chủ quyền lãnh thổ của Vương Quốc Anh. Theo Libération, "cùng với việc Vương Quốc Anh rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu theo dự kiến, đòi hỏi chủ quyền của Madrid về vùng lãnh thổ Anh này được thổi bùng lên. Sắp tới, Bruxelles sẽ không còn có thể làm trọng tài cho nhiều bất đồng giữa hai nước. Thêm một vấn đề đau đầu cho Châu Âu".

Từ năm 1986, khi Tây Ban Nha gia nhập Cộng Đồng Kinh Tế Châu Âu, vấn đề chủ quyền Gibraltar luôn là cái gai trong quan hệ Madrid – Luân Đôn. Đã có không ít những cuộc khủng hoảng nho nhỏ nổ ra xung quanh các tranh chấp mẩu đất rộng có 6,5 km2 và 30 nghìn dân. Đây là mảnh đất do đế quốc Anh chinh phục và đã được thừa nhận bằng hiệp ước Utrecht từ 1713. Thế nhưng từ đó đến nay, người Tây Ban Nha vẫn không ngừng đòi hỏi chủ quyền.

Hàng ngày vẫn có khoảng hơn 10 nghìn người Tây Ban Nha qua lại vùng đất này để làm ăn. Bất đồng thì nhiều nhưng không mấy khi xảy ra các xung đột ngoại giao kéo dài giữa hai nước. Đó là nhờ có Bruxelles làm trọng tài.

Khi bước chân vào Liên Hiệp Châu Âu, Madrid đã phải chấp nhận sự tồn tại lịch sử của Gibraltar. Nhưng giờ đây khi Brexit tới gần, vấn đề Gibraltar lại nổi lên và Madrid sẽ có thể xem lại tất cả các quyết định liên quan đến vùng đất này. Theo Libération, "cùng với Brexit, Madrid có thể điều khiển cánh cửa biên giới Gibraltar như khóa hay mở một vòi nước tùy theo ý thích".

Chính quyền Trump lại tính chuyện đóng cửa nước Mỹ

Vẫn liên quan đến chuyện đóng mở biên giới, nhật báo kinh tế Les Echos nhìn sang nước Mỹ với hàng tựa trang nhất : "Kiểm soát biên giới : dự án sốc của Trump".

Theo Les Echos, chính quyền Trump có thể sẽ vượt qua một giai đoạn mới trong việc bảo vệ lãnh thổ bằng việc áp đặt đối với tất cả những người vào đất Mỹ các kiểm tra cực kỳ ngặt ngèo và phiền phức. Những người vào Mỹ có thể sẽ bị yêu cầu liệt kê danh sách các liên lạc điện thoại, an ninh cửa khẩu có thể đòi khách cung cấp mật khẩu truy cập vào nhắn tin riêng trên mạng xã hội hoặc các thông tin ngân hàng. Nếu từ chối họ có thể bị cấm nhập cảnh vào Mỹ.

Thông tin này đã được các quan chức Nhà Trắng xác nhận với báo Mỹ Wall Street Journal. Quy định kiểm soát biên giới trên dự kiến áp dụng đối với tất cả người nước ngoài, kể cả công dân các nước được cho là "đồng minh" của Mỹ như Anh, Pháp, Đức.

Những biện pháp trên vẫn còn đang trong giai đoạn dự trù soạn thảo, nhưng đã bị chỉ trích mạnh mẽ. Các chuyên gia đánh giá, ngoài tính bất hợp pháp, hiệu quả của việc kiểm soát như vậy là con số không, vì một đối tượng xấu có thể làm một động tác đơn giản là mang vào một máy điện thoại hoàn toàn mới, hoạc xóa hết dữ liệu cũ.

Việc kiểm tra như vậy không chỉ gây ùn tắc ở các cửa khẩu sân bay mà nó còn làm mất hứng du khách muốn đến Mỹ, vốn đã giảm nhiều dưới chính quyền Trump. Năm nay số lượng du khách đến Mỹ dự tính sẽ giảm 4 triệu người so với năm trước. Lượng giữ chỗ các tour du lịch từ Tây Âu tới Mỹ hai tháng đầu năm nay đã giảm 14%. Du khách đến từ Trung Đông giảm 38%. Chỉ có ngoại lệ là khách Nga có xu hướng tăng vọt.

Theo Les Echos, chính quyền Mỹ đã áp dụng một số biện pháp ngặt nghèo với những trường hợp xin visa vào Mỹ để làm việc cũng như đi học. Thí dụ những đối tượng xin visa phải cung cấp tất cả các địa chỉ internet và chi tiết các mạng xã hội mà họ sử dụng trong 5 năm qua. Theo Bộ ngoại giao Mỹ, các sứ quan Mỹ ở nước ngoài được yêu cầu giảm số lượng hàng ngày các cuộc phỏng vấn xin visa nhằm bảo đảm mỗi hồ sơ được sàng lọc kỹ càng.

Anh Vũ

Published in Quốc tế