Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/05/2022

Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN : Mỹ sẽ đưa ra những cam kết gì cho khu vực ?

Phùng Long Thất

Cơ hội cho quan hệ ASEAN - Mỹ phát triển

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN sắp tới, theo dự định diễn ra trong 2 ngày 12-13/5, sẽ là cơ hội để Tổng thống Mỹ Biden đẩy mạnh mối quan hệ đối tác song phương chặt chẽ hơn với ASEAN và ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Nhà Trắng cũng mong muốn thúc đẩy tầm nhìn về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương "tự do và rộng mở", trong đó ASEAN giữ một vị trí quan trọng.

summit1

Tổng thống Mỹ Joe Biden dự Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN trực tuyến từ Nhà Trắng hôm 26/10/2021 - AFP

Mặc dù Tổng thống Philippines Duterte đã tỏ ý không muốn tham gia hội nghị lần này (1), cùng với việc vắng mặt của đại diện chính quyền quân sự Myanmar, nhưng nghị trình của Mỹ và ASEAN vẫn tiếp tục, mặc dù tình hình chiến sự tại Ukraine vẫn đang tiếp diễn hết sức căng thẳng.

Dưới thời chính quyền Obama, hội nghị thượng đỉnh đặc biệt đầu tiên của Mỹ với ASEAN diễn ra vào tháng 2/2016, còn dưới thời chính quyền Trump, hội nghị dự kiến được tổ chức vào tháng 3/2020 tại Las Vegas đã bị hoãn do đại dịch Covid-19. Mỹ đã gặp nhiều khó khăn liên quan đến việc bổ nhiệm đại sứ tại Ban Thư ký ASEAN, trong khi nước này là một trong những quốc gia đầu tiên có phái đoàn ngoại giao tại ASEAN. Nhiều đối tác đối thoại của ASEAN đã bổ nhiệm đại sứ của mình tại ASEAN để phụ trách việc thúc đẩy quan hệ với hiệp hội này.

Trong thời gian này, chính quyền Biden đang đặc biệt quan tâm đến những diễn biến ở Ukraine và tình hình Afghanistan sau khi rút quân, và những thách thức từ Trung Quốc và Nga mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt, liên quan tới diễn biến ở Ukraine và Biển Đông. Chính quyền Mỹ cũng rất quan tâm đến việc thuyết phục các nước khác tin rằng quan hệ gần gũi hơn giữa Nga và Trung Quốc sẽ không có lợi cho an ninh của các quốc gia ASEAN. Sự hợp tác ngày càng tăng giữa Nga và Trung Quốc một lần nữa sẽ gây ra những thách thức mà các quốc gia Đông Nam Á từng phải chứng kiến trong Chiến tranh Lạnh.

Chương trình nghị sự của đôi bên sẽ là gì ?

Các nhà phân tích chiến lược và các chuyên gia chính sách đối ngoại từ nhiều nơi khác nhau đều đưa ra suy đoán của mình về chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Mỹ sắp tới. Người ta tỏ ra e ngại trước thực tế là Mỹ cần củng cố cam kết của mình với khu vực này khi ASEAN và Mỹ sắp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ. Tài liệu chiến lược liên quan tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được công bố sau khi Tổng thống Biden lên nắm quyền được đánh giá là tương tự như một tài liệu về khu vực này dưới thời Trump. Tuy nhiên, tài liệu mới có nhiều chi tiết cụ thể hơn. Mỹ đang cố gắng lôi kéo một số nước thành viên quan trọng của ASEAN tham gia vào Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của mình, bao gồm Indonesia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam và Singapore.

Chiến tranh Nga-Ukraine, các vấn đề ở Đông Nam Á, các diễn biến ở Biển Đông và các vấn đề liên quan đến tăng trưởng kinh tế sau đại dịch sẽ là những chủ đề quan trọng để thảo luận trong cuộc họp thượng đỉnh ASEAN-Mỹ sắp tới. Với hội nghị này, Mỹ rất kiên định rằng các vấn đề như chế độ quân sự ở Myanmar cần được các nước thành viên ASEAN giải quyết. Ngoài ra, với việc chính quyền Mỹ đã công bố tài liệu Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào ngày 8/2, người ta cho rằng Mỹ sẽ cố gắng nhấn mạnh những vấn đề chính trong chương trình nghị sự của mình và có khả năng sẽ đưa ra một kế hoạch chi tiết trong tương lai để các quốc gia Đông Nam Á xem xét và hợp tác. Chính quyền Biden đang nỗ lực thể hiện rõ ràng với các quốc gia Đông Nam Á rằng Mỹ cũng cam kết với an ninh của khu vực này và sẽ thực hiện các biện pháp để cho thấy niềm tin vào chính quyền Mỹ đã được phục hồi.

Sự can dự của chính quyền Biden tại Đông Nam Á chỉ phần nào đáp ứng được mong muốn của nhiều quốc gia trong khu vực. Điều này là dễ hiểu khi xét đến những cuộc khủng hoảng mà Mỹ phải đối mặt ở Afghanistan và Ukraine, chưa nói đến những tác động nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19. Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ-ASEAN sẽ tạo cơ hội để đưa ra tầm nhìn chủ động và tích cực hơn về sự can dự của Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á trong thời đại gia tăng sự phân cực giữa các siêu cường

Với việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), người ta cho rằng Mỹ đã không còn quan tâm tới hiệp định thương mại tự do lớn hơn ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Mỹ đã cam kết sẽ lấp đầy khoảng trống kinh tế với ASEAN bằng một khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới, và sẽ tập trung vào thương mại, nền kinh tế kỹ thuật số, công nghệ, chuỗi cung ứng và năng lượng sạch (trong số nhiều lĩnh vực khác), điều có thể sẽ được tiết lộ trước hoặc trong Hội nghị cấp cao tại Washington. Tuy nhiên, từ nay đến lúc đó, câu hỏi tiếp tục được đặt ra là chính sách của Mỹ đối với khu vực ASEAN sẽ như thế nào ?

Vấn đề Biển Đông trong chương trình nghị sự

Trung Quốc đã trở thành mối bận tâm chính trong chính sách đối ngoại của Chính quyền Joe Biden kể từ khi ông Biden lên nắm quyền vào tháng 1/2021. Tổng thống Biden thừa hưởng một mối quan hệ đầy biến động với Bắc Kinh và ông đã không vội vàng sửa chữa mối quan hệ này. Với mong muốn thể hiện sức mạnh và quyết tâm, ông chủ mới của Nhà Trắng có ý định duy trì "nhịp trống" ổn định để gây sức ép đối với Trung Quốc.

Trong năm đầu nhiệm kỳ, Chính quyền Biden đã tăng cường biện pháp cứng rắn đối với các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, vốn đã được áp dụng từ thời Trump. Chính quyền Biden liên tục lên án các tuyên bố và hành động của Trung Quốc là bất hợp pháp và là mối đe dọa đối với tự do hàng hải. Hải quân Mỹ đã tiến hành các nhiệm vụ hiện diện thường xuyên và các cuộc tập trận ở Biển Đông, và sáu hoạt động tự do hàng hải (FONOP) ở Hoàng Sa và Trường Sa (nhiều hoạt động hơn so với năm đầu cầm quyền của Tổng thống Trump).

Thời gian qua, các nước Đông Nam Á trong tranh chấp Biển Đông phải gánh chịu hậu quả từ chiến thuật vùng xám của Trung Quốc ở vùng biển này - các hành động do Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA), Hải cảnh Trung Quốc (CCG) và Lực lượng dân quân biển tiến hành nhằm đẩy mạnh các tuyên bố về quyền tài phán của nước này trong cái gọi là "đường 9 đoạn". Các chiến thuật được nước này sử dụng bao gồm xâm phạm không phận, quấy rối giàn khoan và triển khai các tàu khảo sát, tàu CCG và đội tàu đánh cá lớn vào các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước Đông Nam Á. Mặc dù các bên tranh chấp ở Đông Nam Á thường xuyên phản đối các hoạt động của Trung Quốc, nhưng họ không thể ngăn cản Bắc Kinh do không thể so sánh được với nước này về khả năng quân sự.

Một trong những mục tiêu của việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN là nhằm đảo bảo các nước Đông Nam Á này tham gia vào trật tự quốc tế dựa trên pháp quyền, hay còn được biết đến là trật tự theo mô hình "Hòa bình kiểu Mỹ" ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong đó có sự tham gia của các đồng minh và đối tác của Washington. Sự tham gia này sẽ giúp kiềm chế sức mạnh gia tăng của Trung Quốc ở vùng Biển Đông.

Chính quyền Biden cũng đã tập trung vào việc bảo vệ luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Cụ thể, tháng 7/2021, Blinken đã nhắc lại chính sách thời Chính quyền Trump là công nhận các vùng đặc quyền kinh tế mà Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam đã tuyên bố. Lập trường này trực tiếp công kích cái gọi là tuyên bố "đường 9 đoạn" của Trung Quốc, vốn bao trùm khoảng 90% diện tích Biển Đông dựa trên những gì Bắc Kinh khẳng định là quyền lịch sử của nước này, thay vì chia sẻ vùng biển này theo luật pháp quốc tế. Tuyên bố của Blinken cũng được coi là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy lần này, người ta có thể trông cậy vào Mỹ.

summit2

Cờ của Cảnh sát biển Việt Nam gần tàu Hải cảnh Trung Quốc cách bờ biển Việt Nam khoảng 210 km (130 hải lý) hôm 14/5/2014. Reuters

Những khuyến nghị cho Mỹ để tăng cường lòng tin cho ASEAN

Chiến tranh ở Ukraine có lẽ không làm Mỹ lơ là tập trung ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Biển Đông vì căng thẳng vẫn tồn tại, xung đột còn lâu mới được giải quyết. Trung Quốc ngày càng củng cố hiện diện trong vùng, quân sự hóa các đảo nhân tạo mà họ chiếm đóng ở Trường Sa và Hoàng Sa. Vài ngày sau khi Nga tấn công Ukraine, ngày 24/2, Trung Quốc lại tăng ngân sách quốc phòng, đã ở mức rất cao, bỏ xa mọi ngân sách của các nước trong vùng và hiện đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ. Ngoài ra, Bắc Kinh tăng cường hiện đại hóa đội tàu chiến của họ.

Trong tương lai, Mỹ cần hỗ trợ nhiều hơn cho các bên tranh chấp ở Đông Nam Á để giúp họ đối phó tốt hơn với chiến thuật vùng xám của Trung Quốc và bảo vệ quyền chủ quyền trong các vùng đặc quyền kinh tế của họ. Những sự hỗ trợ này bao gồm cải thiện khả năng giám sát và công khai các hoạt động quân sự và bán quân sự của Trung Quốc, cũng như giúp các cơ quan thực thi pháp luật hàng hải của họ giải quyết việc đánh bắt cá bất hợp pháp, không được kiểm soát và không thông báo (IUU). 

Ngoài ra, chính quyền Biden đã làm được nhiều điều đúng đắn ở Đông Nam Á trong năm đầu cầm quyền. Tuy nhiên, họ có thể làm tốt hơn để tối ưu hóa cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, bắt đầu bằng việc xây dựng một chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rõ ràng, bao gồm kinh tế và thương mại - đồng thời bố trí nhân sự thực thi chiến lược đó. Chính quyền Mỹ cũng cần có được sự hiểu biết nhạy bén hơn về vị thế mong manh, đôi khi bấp bênh, của các nước Đông Nam Á khi họ phải đối phó với nước láng giềng hùng mạnh hơn rất nhiều ở phía Bắc. Nếu lưu ý những điểm này, Chính quyền Biden chắc hẳn sẽ thành công hơn rất nhiều ở Đông Nam Á trong ba năm tới.

Phùng Long Thất

Nguồn : RFA, 03/05/2022

Tham khảo :

1. https://www.rappler.com/nation/duterte-to-skip-united-states-asean-summit-may-2022/

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phùng Long Thất
Read 368 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)