"Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay"
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bốc đồng khi nói : "Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay". Ông Trọng, 78 tuỗi, đã nói như thế vào dịp kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2019).
Thực tế có đúng như vậy không ?
Tình trạng tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn, đẩy lùi - Ảnh minh họa đàn chuột tranh nhau xâm thực lương thực
Có vài cái đúng nhưng vô số việc sai.
Đúng thứ nhất là đất nước không còn chiến tranh, nhưng sai là chỗ chưa có đoàn kết dân tộc như đảng tuyên truyền. Chia rẽ giữa "kẻ thắng miền Bắc" và "người thua miền Nam", sau 47 năm vẫn còn "xa mặt cách lòng", và hy vọng hòa giải, hòa hợp dân tộc còn xa vời vợi.
Đúng thứ hai là người dân tuy chưa giầu lên toàn diện, nhưng đã có cơm ăn áo mặc, không còn sợ bị chết đói như sau 10 năm gọi là "giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước" năm 1975. Tuy nhiên, chênh lệch giầu-nghèo lại giãn ra giữa thành thị và nông thôn, giữa người Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng xa và dân hải đảo.
Bất công xã hội và quan liêu tham nhũng cũng đang đẩy Việt Nam chìm sâu vào lạc hậu và chậm tiến so với các dân tộc lân bang. Lao động Việt Nam cũng thua kém công nhân các nước khác về kỹ thuật, sức lao động và khả năng ngoại ngữ.
Thêm vào đó là nạn thiếu hụt nhân tài mỗi ngày một tăng cao vì phần lớn du học sinh, sau khi học thành tài không muốn quay về giúp nước, trong khi sinh viên tốt nghiệp trong nước, vì bị nhồi sọ "hồng hơn chuyên" nên không đủ khả năng kỹ thuật và kém ngoại ngữ làm việc. Đó là hậu quả của một số không nhỏ sinh viên tốt nghiệp đã phải làm những việc của giới lao động bình thường để kiếm sống.
Để chứng minh cho những hụt hẫng nêu trên, một bài viết của tạp chí Lý luận Chính trị ngày 23/11/2020 đã nêu lên 5 nguy cơ đang đe dọa sự tồn vong của chế độ.
I. Nguy cơ tụt hậu kinh tế
Thứ nhất, tạp chí Lý luận Chính trị giải thích :
"Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới vẫn là một thực tế.
Tụt hậu về kinh tế được biểu hiện trên rất nhiều mặt như thu nhập bình quân theo đầu người ; năng suất lao động ; năng lực cạnh tranh... Tất cả các mặt này chúng ta vẫn còn có nhiều hạn chế. Năng suất lao động vẫn còn thấp so với nhiều nước trên thế giới, do nền kinh tế vẫn đang trong mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, dựa trên khai thác tài nguyên và lao động giá rẻ.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra mạnh mẽ, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với sức ép cạnh tranh rất gay gắt mà nếu không đáp ứng được có thể bị thua ngay trên sân nhà".
Bài viết không đi vào chi tiết, nhưng hàng hóa Việt Nam làm ra thường không có sức cạnh tranh với hàng nước ngoài vừa tốt lại bền. Hơn nữa người dân Việt Nam lại có tâm lý thích hàng ngoại hơn hàng nội nên hàng sản xuất trong nước thường lép vế.
Nhiều loại sản phẩm của Việt Nam như may mặc và giầy dép không cạnh tranh nổi hàng Trung Quốc vì Bắc Kinh có chính sách nâng đỡ hàng xuất cảng cao hơn Chính phủ Việt Nam đối với hàng sản xuất trong nước.
Thứ hai, giải thích sự thua kém này, Lý luận Chính trị đổ lỗi do thu nhập thấp.
"Thu nhập bình quân đầu người của nước ta tăng lên, chúng ta đã bước vào các quốc gia có thu nhập trung bình nhưng vẫn còn khoảng cách lớn về thu nhập so với thế giới. Năm 1990, GDP bình quân đầu người theo thước đo thực tế của thế giới là 4.168 USD trong khi ở Việt Nam là 98 USD, chênh tới 4.070 USD (4). Đến 2017, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam khoảng 2.385 USD, thế giới khoảng 10.700 USD, chênh nhau là 8.315 USD ; năm 2018, Việt Nam khoảng 2.590 USD, thế giới khoảng 11.000 USD, chênh tới 8.410 USDb(5). Như vậy, xét về tỷ lệ, GDP trên đầu người của Việt Nam đã rút ngắn so với thế giới, từ thua kém 42,5 lần năm 1990, còn 4,4 lần năm 2017 và 4,2 lần năm 2018, song về con số tuyệt đối thì vẫn tăng lên. Nếu năm 1990 là 4.000 USD, thì năm 2018 là 8.000 USD.
Sự tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng thấy rõ. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2017 chỉ tương đương mức GDP bình quân đầu người của Malaysia năm 1990 (2.441 USD) ; của Thái Lan năm 1993 (2.208 USD) ; của Indonesia năm 2008 (2.300 USD). Như vậy, Việt Nam đi sau Malaysia 27 năm ; Thái Lan 23 năm ; sau Indonesia và Philippines 9-10 năm…".
Thứ ba, Việt Nam từng khoe mức tăng trưởng của Tổng sản phẩm trong nước (GDP, Gross Domestic Product) quý IV/2021 tăng 5,22% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,61% của năm 2020, nhưng những con số này chỉ phù hợp với nền "kinh tế" nhỏ của riêng Việt Nam. Nó không thể so với các nền kinh tế của nước khác lớn hơn gấp nhiều lần.
Điều này cũng được Lý luận Chính trị nhìn nhận :
"Mặc dù chúng ta tự hào tốc độ tăng GDP cao hơn nhiều nước trên thế giới nhưng vì quy mô GDP của Việt Nam nhỏ hơn nhiều nước nên dù tốc độ tăng cao thì về mặt giá trị tuyệt đối GDP lại tăng không bằng các nước khác. Giá trị tăng 7% trên 1 quy mô GDP nhỏ như Việt Nam thua xa so với giá trị tăng dù chỉ 1-2% trên 1 quy mô GDP gấp chúng ta nhiều lần.
Sau 15 năm, tổng GDP của Việt Nam mới chỉ tăng 160 tỷ USD, trong khi với Thái Lan, con số này là 270 tỷ USD, Malaysia là 200 tỷ USD, đặc biệt là Indonesia có mức tăng trưởng kỷ lục với 700 tỷ USD và Hàn Quốc là 850 tỷ USD (7). Việt Nam dù có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa lọt vào danh sách ASEAN 6 mà vẫn nằm ở top cuối của ASEAN".
II. Chệch hướng xã hội chủ nghĩa
Về phương diện chính trị, lo âu hàng đầu của đảng Đảng cộng sản Việt Nam sau hơn 35 năm chỉ đổi mới về Kinh tế là tình trạng "chệch hướng xã hội chủ nghĩa" vẫn bám trụ trong nội bộ đảng. Những nguy cơ này được bài viết của Lý luận Chính trị liệt kê :
"Nguy cơ chệch hướng về chính trị là sai lầm về đường lối, xa rời chủ nghĩa Mác - Lênin và những nguyên lý của chủ nghĩa xã hội khoa học. Về văn hóa thể hiện ở xu hướng coi nhẹ văn hóa, không giữ gìn và phát huy được bản sắc, truyền thống văn hóa của dân tộc, chạy theo giá trị bên ngoài. Về mặt kinh tế, nguy cơ chệnh hướng thể hiện ở chỗ nhiều doanh nghiệp, kể cả tư nhân và nhà nước thoát ly khỏi sự quản lý của nhà nước, chỉ biết làm giàu, thu lợi nhuận bằng mọi cách, không gắn vì lợi ích của đất nước, dân tộc và nhân dân. Doanh nghiệp vì lợi nhuận của mình mà xả thải gây ô nhiễm môi trường, gian lận thương mại, trốn thuế, không đảm bảo lợi ích của người lao động và người tiêu dùng, doanh nghiệp móc nối với một bộ phận công chức thoái hóa biến chất trong cơ quan quản lý nhà nước để có đặc quyền, đặc lợi, hình thành lợi ích nhóm không trong sáng. Kinh tế nhà nước chưa thể hiện được vai trò chủ đạo, đầu tàu và dẫn dắt nền kinh tế".
III. Diễn biến hòa bình
Nguy cơ thứ ba, theo tạp chí Lý luận Chính trị, đến từ diễn biến hòa bình.
"Nguy cơ từ những âm mưu, hành động "diễn biến hòa bình" của thế lực thù địch vẫn thường trực và có những biểu hiện mới bằng tổng hợp các biện pháp chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao, an ninh... để chuyển hóa chế độ chính trị của các nước theo quỹ đạo có lợi cho họ".
Cũng giống như luận điệu chống Mỹ của Ban Tuyên giáo Đảng và Hội đồng Lý luận trung ương, Lý luận Chính trị đã chỉ đích danh Mỹ khi viết :
"Chiến lược "diễn biến hòa bình" được tiến hành bằng tăng cường tiếp xúc, giao lưu, hợp tác kinh tế, văn hóa, thông tin, khoa học, giáo dục ; đổ tiền của vào các nước xã hội chủ nghĩa để làm cho các giá trị Mỹ xâm nhập vào các nước này, đồng thời dùng mọi biện pháp để làm cho nhân dân, đảng viên ở các nước này chán ghét, căm phẫn Đảng cộng sản và Nhà nước xã hội chủ nghĩa, làm xuất hiện những nhân tố mới xa lạ dần với giá trị chuẩn mực của chủ nghĩa cộng sản để thay đổi chế độ".
Tuy nhiên bài viết, như một thông lệ, không trưng được bất cứ bằng chứng nào về hành động của Mỹ.
Vậy "diễn biến hòa bình" là gì ? Theo giải thích của Lý luận Chính trị thì :
"Chiến lược "diễn biến hòa bình" thực chất là từng bước chuyển hóa tư duy, nếp nghĩ, tư tưởng, tâm lý của cán bộ, đảng viên, quần chúng, nhất là thế hệ trẻ, từ chỗ tin theo chủ nghĩa Mác - Lênin, sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội đến chỗ phủ nhận, cổ xúy cho chủ nghĩa tư bản, tham gia vào các hoạt động chính trị để lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa".
Đó là lý do tại sao Ban lãnh đạo đảng Đảng cộng sản Việt Nam, cá biệt là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần hô hào phải "tuyệt đối" trung thành và kiên định với chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong mọi hoàn cảnh.
Lệnh này được ghi trong Quy định 37-QĐ/TW, ngày 05/12/2021, gồm 19 Điều cấm đảng viên không được làm :
– Phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, quyết định, kết luận của Đảng.
– Phai nhạt lý tưởng cách mạng, dao động, hoài nghi ; phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái, đòi thực hiện "tam quyền phân lập", "xã hội dân sự", "đa nguyên, đa đảng", đòi "phi chính trị hóa lực lượng vũ trang"... ; "giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội".
IV. Tình trạng tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn, đẩy lùi
Nguy cơ thứ tư, theo tạp chí Lý luận Chính trị, là "tình trạng tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn, đẩy lùi", trong đó có "tham nhũng quyền lực" và tham nhũng đất đai" của cán bộ cấp lãnh đạo.
"Ngay từ Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII (20 - 25/1/1994) khi xác định tham nhũng là 1 trong 4 nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa. Đại hội VIII tiếp tục khẳng định 4 nguy cơ này vẫn còn tồn tại. Đến Đại hội IX, Đảng nhấn mạnh : "Nạn tham nhũng diễn ra nghiêm trọng, kéo dài gây bất bình trong nhân dân và là một nguy cơ đe dọa sự sống còn của chế độ ta". Đến Đại hội X, đảng nhấn mạnh hơn nữa khi nói : "Tham nhũng là nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta : "Tích cực phòng ngừa và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí là đòi hỏi bức xúc của xã hội, là quyết tâm chính trị của Đảng ta, nhằm xây dựng một bộ máy lãnh đạo và quản lý trong sạch, vững mạnh, khắc phục một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta".
Dù lãnh đạo và Ban Tuyên giáo đã dùng mọi từ ngữ để mô tả mức độ nguy hiểm của tham nhũng, nhưng lãnh đạo, kể cả ông Nguyễn Phú Trọng, vẫn còn than : "Tham nhũng ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi, liên kết thành các lợi ích nhóm".
Do đó, sau 28 năm (1994-2022) tạp chí Lý luận Chính trị vẫn nói :
"Việc "phòng, chống chống tham nhũng là một cuộc chiến cam go, quyết liệt, kéo dài nhằm chống lại kẻ thù "nội xâm" từ chính trong nội bộ của chúng ta, thậm chí là những cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Nếu không chiến thắng trong cuộc chiến này thì chúng ta không thể hiện thực hóa các mục tiêu của chủ nghĩa xã hội".
Đó là "tham nhũng kinh tế-kinh doanh", Đảng cộng sản Việt Nam còn phải đối mặt gay gắt với tệ nạn "tham nhũng quyền lực" về "chạy chức, chạy quyền" trong toàn xã hội, và "tham nhũng đất đai" đã được nêu lên trong Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII vừa kết thúc ngày 10/05/2022.
Tệ nạn "chạy chức, chạy quyền" được Tuyên giáo đảng mô tả : "Chạy chức, chạy quyền" là một trong những tình trạng bổ nhiệm chức vụ/quyền hạn cho những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện. Đó có thể là người thân, họ hàng, cùng cánh hẩu, cùng quê, "đệ tử"... được giấu dưới vỏ bọc "đúng quy trình", "đúng quy định". Vấn nạn này ngày càng trở nên ung nhọt, phổ biến không chỉ gây nhiều hệ lụy trong công tác cán bộ, gây bức xúc trong dư luận xã hội mà còn làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng và sự trong sạch, vững mạnh của Đảng, đòi hỏi cần phải có vắc xin đặc trị" (Tuyên giáo, ngày 27/09/2019)
Cơ quan tuyên truyền của Trung ương đảng giải thích : "Thông qua "chạy", những kẻ cơ hội, đầu cơ chính trị đã chui sâu, leo cao vào các vị trí chủ chốt trong tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội.
Những năm gần đây, thông tin về việc những quan chức lạm dụng chức vụ/quyền hạn được giao đã kéo bè, kéo cánh, đưa người thân, cánh hẩu vào giữ các vị trí tại các cơ quan công quyền, tạo tiền đề hình thành "nhóm lợi ích" cho thấy, câu chuyện cả nhà làm quan, cả họ làm quan như vưa, như chúa ở mỗi địa phương đã không còn là hiện tượng đơn lẻ. Vấn nạn này xảy ra, trải dài từ Bắc vào Nam : Hà Giang, Mỹ Đức (Hà Nội), An Dương (Hải Phòng), Kim Thành (Hải Dương), Bắc Ninh, Quảng Trạch (Quảng Bình), Hiệp Đức (Quảng Nam), Bình Định, Cần Thơ, v.v. dẫn đến tình trạng một gia đình, một dòng họ "cát cứ", "thao túng", "chi phối" công tác cán bộ nói riêng, quyền lực chính trị, kinh tế của địa phương nói chung, gây bức xúc trong nhân dân".
Riêng trong lĩnh vực "tham nhũng đất đai" đã được thảo luận tại Hội nghị Trung ương 5/XIII (04-10/5/2022) thì chính ông Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra hàng loạt câu hỏi "vì sao" như :
"Vì sao nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ?
Vì sao ở nhiều nơi, việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp ; tệ tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai chậm được đẩy lùi, thậm chí gia tăng ?
Vì sao số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều và phức tạp ?
Vì sao thị trường bất động sản phát triển thiếu lành mạnh, chưa bền vững và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro ?... Đâu là nguyên nhân thuộc về quan điểm, chủ trương, chính sách nêu trong Nghị quyết và bất cập của Luật Đất đai năm 2013 ? Đâu là do các quy định dưới luật còn bất cập ; có quá nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn ? Và đâu là do việc tổ chức thực hiện yếu kém của các cơ quan quản lý nhà nước ; do nhận thức chưa đầy đủ và ý thức chấp hành luật pháp chưa nghiêm ?".
Lý do ông Trọng thắc mắc nhiều như thế vì Điều 53 Hiến pháp có những ngôn ngữ "mập mờ" dễ tạo cơ hội cho quan chức tham nhũng, biến đất công thành của tư để trục lợi. Điều này viết : "Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý".
Nhưng khi đã nói "thuộc sở hữu toàn dân", nhưng lại "do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý" thì ai là chủ nhân thật sự ? Do đó, vô số quan chức địa phương đã lạm quyền để biến đất công thành đất tư và tự do buôn bán, sang nhượng có lợi cho bản thân, gia đình và phe nhóm.
Dó đó đã nẩy sinh ra nhiều vụ tranh chấp, khiếu kiện đến nỗi ông Trọng phải than : "Nhiều người giàu lên nhờ đất, nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí bị đi tù cũng vì đất, mất cả tình nghĩa cha con, anh em vì đất... Không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian qua có tới hơn 70% số vụ tố cáo, khiếu nại thuộc về lĩnh vực đất đai".
Tình trạng này cũng đã được viết trên báo Công an Nhân dân ngay 11/04/2020 như : "Đất đai được ví như miếng mồi ngon của các quan chức tham nhũng. Chưa bao giờ nạn tham nhũng, gây thất thoát lãng phí đất đai nói riêng và tài sản công nói chung được phát hiện, xử lý nhiều như những năm vừa qua… Qua đó cũng rút ra những bài học về công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên đất đai, công sản còn nhiều kẽ hở để xảy ra tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong quá trình thực thi các chính sách về kinh kế-xã hội…
Hàng loạt cán bộ lãnh đạo, cựu lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác, cả lãnh đạo một số bộ, ngành… đã bị khởi tố, bắt tạm giam, kỷ luật do liên quan đến sai phạm về đất đai, công sản trong thời gian gần đây cho thấy vấn đề hết sức phức tạp…".
Dưới tiêu đề : "Tư biến công sản", báo Công an nhân dân nêu ra trường hợp điển hình :
"Trong số những vụ việc nổi cộm liên quan đến đất đai, phải kể đến việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Thành Tài, cựu Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh và các đồng phạm.
Trước đó, cựu Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín và các cán bộ liên quan cũng bị khởi tố và bắt tạm giam vì có những sai phạm liên quan về quản lý đất đai ở Thành phố Hồ Chí Minh. Các vụ án trên được đưa ra xét xử trước pháp luật, các bị cáo nhận hình phạt theo quy định pháp luật là lẽ đương nhiên. Nhưng khi phân tích về các sai phạm có tính hệ thống ở những vụ án này cho thấy, tài sản công bị "biến hóa" bởi bàn tay của các cá nhân có chức quyền".
V. Tự diễn biến – tự chuyển hóa
Nguy cơ thứ năm, the tạp chí Lý luận Chính trị, là :
"Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, kể cả ở cấp cao chưa được ngăn chặn, đẩy lùi".
Chuyện suy thoái tư tưởng và đạo đức được báo động từ khóa đảng VIII thời ông Lê Khả Phiêu lên cầm quyền, thay Đỗ Mười (1996-2001). Từ đó đến thời ông Nguyễn Phú Trọng (trải qua các khóa, XI, XII và XIII) thì đã xuất hiện "một số không nhỏ" cán bộ, đảng viên suy đồi đạo đức và quay lưng lại với đường lối cai trị độc tài dựa trên nền tảng lạc hậu của chủ nghĩa Mác-Lênin.
Cứ như thế, "Tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội" cứ "tiếp tục diễn biến phức tạp" chưa có hồi kết.
Vậy "tự diễn biến" là gì ? Tạp chí Lý luận Chính trị trả lời :
"Tự diễn biến" đối với cá nhân là sự thay đổi về nhận thức chính trị - xã hội, thay đổi về quan điểm, tư tưởng theo chiều hướng tiêu cực, xấu đi, nhận thức và hành động đi ngược lại với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
"Tự diễn biến" đối với tổ chức là có những thay đổi ở tầm vĩ mô về đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật, làm thay đổi bản chất chính trị, thậm chí làm suy yếu và tan rã tổ chức đó.
"Tự diễn biến" từ từ, thầm lặng, làm mục ruỗng chế độ xã hội chủ nghĩa từ bên trong, dẫn tới "tự chuyển hóa", làm sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa. "Tự diễn biến" diễn ra trước hết trong cá nhân cán bộ, đảng viên và nếu không được ngăn chặn kịp thời, có thể dẫn đến sự suy thoái của tổ chức, và về lâu dài, sẽ dẫn đến chuyển hóa chế độ chính trị".
Đánh chuột sợ vỡ bình ?
Đó là 5 nguy cơ đang đe dọa sự sống còn của chế độ, nhưng 5 nguy cơ này không do bất cứ "thế lực thù địch" nào gây ra như Đảng tuyên truyền mà do chính cán bộ, đảng viên, nhất là những kẻ có chức có quyền trong Đảng chủ động.
Vậy có gì nghịch lý trong diễn biến này không, hay Đảng đã biết do đảng viên xấu chủ mưu nhưng không dám thanh trừng cả tập thể vì sợ Đảng sẽ tan ? Đánh chuột sợ vỡ bình ?
Phạm Trần
(12/05/2022)